Thị Ngải

Chương 58: Ngoại truyện



Ngoại truyện 1. Thân thế của Cảnh Dương

Ta là Cảnh Dương, kỳ thực từ lúc biết nhận thức, biết suy nghĩ đến giờ, ta không hề có cha mẹ.

Người nuôi dạy ta từ bé là hai vợ chồng họ Thạch, nhưng họ chỉ là sư phụ sư mẫu, không phải cha mẹ sinh ra ta. Ta chẳng biết một tí manh mối gì về cha mẹ sinh ra mình cả, nhiều lúc ta tự hỏi, có phải ta chui từ hòn đá ra?

Những lúc như thế, sư mẫu đều cốc cho ta một cái, bảo rằng: "Ngươi không phải chui từ hòn đá, ngươi chui từ bông hoa sen ra."

"Sao con lại chui từ bông hoa sen ra?"

"Chờ khi nào ngươi cưới được vợ, lúc đó cha mẹ ngươi tự khắc tìm đến ngươi."

Ta đặc biệt thích hoa sen, trên người ta lúc nào cũng có mùi hương thoang thoảng của nó, như thể nó ngấm vào xương tuỷ không rời ra được vậy. Sư phụ sư mẫu chỉ nói lấp lửng làm ta càng tò mò về thân thế của mình.

Càng lớn ta càng thấy sư phụ sư mẫu không giống người phàm. Ta sống đến một trăm hai mươi tuổi chẳng qua vì phải chịu lời nguyền trăm năm cùng tên Sa Hãn, còn sư phụ sư mẫu, họ chẳng vì lý do gì mà cũng sống đến một trăm năm mươi tuổi.

Họ nuôi ta khôn lớn, trở thành một tướng quân, thống lĩnh vạn quân đánh giặc, chưa từng thua trận nào. Trong trận đánh cuối cùng, Sa Hãn biến thành tang thi ngủ yên trăm năm, còn ta cũng phải chịu lời nguyền trăm năm cùng hắn, phải sống để chờ đến một trăm năm sau đánh bại hắn một lần nữa.

Ta có một người phó tướng, năm đó ta cứu hắn một mạng, hắn cảm kích đi theo ta, cùng ta vào sinh ra tử trong mọi trận chiến. Hắn xây cho ta một ngôi miếu, xây ngay trên chiến trường của trận đánh cuối cùng. Đó là lý do vì sao quanh miếu có rất nhiều nấm mồ vô danh, bởi có quá nhiều người lính chết trận tại đây, không rõ tên tuổi.

Hắn truyền lại cho con cháu đời sau nhiệm vụ hương hoả thờ cúng ta, tính đến nay ngôi miếu này cũng đã có tuổi đời một trăm năm rồi.



Nó là một ngôi miếu lẻ loi giữa rừng, giữa những nấm mồ vô danh. Thời gian trôi đi, nơi này vì có nhiều oán hồn, quá nhiều âm khí nên không phải chỗ tốt để dân chúng lập làng lập xóm, cây cối um tùm mọc lên biến chỗ này thành một khu rừng hoang. Con cháu đời sau tiếp nối nhiệm vụ nhang khói, quét dọn cho ngôi miếu này, và cho tất cả những ngôi mộ xung quanh. Đến khi nào gia tộc này không còn người nối dõi nữa, thì lúc đó vợ của ta xuất hiện, cô ấy sẽ hoá giải lời nguyền trăm năm cho ta.

Suốt một trăm năm này, ta sống qua mấy đời vua, cứ mười năm lại thay đổi thân phận một lần, cuối cùng cũng chờ được cô ấy xuất hiện.

Cô ấy tên là Ngải, một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, lại có mệnh số quá hợp với ta. Cô ấy đẹp quá làm ta cũng lo, phải cẩn thận đánh dấu lên má vợ một đoá hoa sen hồng, sợ con cháu không nhận ra, sợ kẻ khác nhòm ngó.

Kỳ thực ban đầu ta chỉ coi Ngải như một người để hợp tác, cô ấy mang mệnh sát phu, cưới ai cũng sẽ khắc người ta chết, trở thành goá phụ, sống nửa đời sau đau khổ. Còn ta thì lại cần người khắc chết mình. Sống trên đời một trăm hai mươi năm, cả đời chỉ biết đâm chém trên chiến trường, trái tim ta đã nguội lạnh không tin vào tình cảm nam nữ.

Thế mà không ngờ cô gái nhỏ này lại từng bước khiến ta rung động, cảm hoá trái tim nguội lạnh của ta. Ngải là một đứa trẻ đáng thương, từ nhỏ thiếu thốn tình cảm cha mẹ, bản thân mình mang mệnh sát phu mà cũng không biết. Ta cũng không có cha mẹ, chẳng biết làm gì để bù đắp cho Ngải, ngoài việc xin sư phụ sư mẫu nhận cô ấy làm con nuôi, cho cô ấy chút tình cảm cha mẹ mà cô ấy đáng được nhận.

Tìm được vợ đã khó, giữ vợ càng khó hơn. Vợ đẹp nên tình địch của ta nhiều quá, từ người cho đến ma quỷ, giải quyết hết chúng cũng đủ mệt chết. Chính bản thân ta cũng gây ra phiền toái cho Ngải, cũng chỉ vì nể tình đứa hầu gái năm xưa vì ta mà chết nên ta dung túng nó, để nó lộng hành khiến Ngải chịu khổ. Cũng may là cô ấy không mềm yếu, kiên cường cùng ta vượt qua đủ mọi thử thách, cuối cùng ngày mai cũng là ngày ta cưới được vợ.

Nhưng ta phải giấu Ngải chuyện ta đã chết, sợ cô ấy không chấp nhận được, cũng sợ Ngải nghĩ ta lợi dụng cô ấy. Ta muốn sống hết kiếp này với Ngải rồi cùng nắm tay nhau sang kiếp sau, còn hơn là sống mãi không chết, bỏ lỡ cô ấy.

Hi vọng đúng như lời sư phụ sư mẫu nói, đến lúc cưới được vợ rồi, cha mẹ ta sẽ đến tìm ta.

Ngoại truyện 2. Cô gái kéo đàn

Trong nơi cung cấm này, có một nơi không mấy ai dám bén mảng tới gần, bởi có một oan hồn quanh quẩn ở đó đã năm mươi năm nay.



Nó là một gian viện rất tiêu điều, năm mươi năm trước từng là nơi ở của một nam nghệ nhân đánh đàn nhị rất hay, tên là Nhị Hồ. Dù là nam nhưng dung mạo của Nhị Hồ rất đẹp, nhiều người nhìn không kĩ khéo không phân biệt được là nam hay nữ.

Tiếc là người này đoản mệnh, một đêm nọ đang đàn cho vua nghe thì vua trúng gió đêm, bị cảm mà qua đời. Nhị Hồ bị kết tội g.iết vua, kết án tru di tam tộc. Nhưng vì mồ côi, trên đời không có người thân nào khác nên án này cũng chỉ có một mình hắn phải chết.

Người người truyền tai nhau rằng, Nhị Hồ không chịu để quân lính bắt đi xử trảm, mà đóng cửa phòng tự vẫn bằng chính sợi dây đàn của mình. Khi người ta phát hiện xác, hắn vẫn ngồi ngay ngắn trên ghế, tay ôm đàn, nhưng mặt trắng bệch và hốc mắt chảy máu. Trên cổ hằn một vết đỏ lằn giống như bị thắt cổ bằng dây cước, máu rỉ ra quanh cổ đã khô khốc từ lâu.

Kể từ đó đến nay, oan hồn của Nhị Hồ vẫn luôn quanh quẩn ở gian viện này, không chịu rời đi nửa bước. Hắn không hay trêu chọc người dương, hắn chỉ trêu những người hợp vía mình, hoặc những người cố tình đi vào gian viện này quấy nhiễu hắn.

Tính tình Nhị Hồ rất quái gở, nhớ lần nọ có cô nghệ nhân cũng được mời vào cung đánh đàn, cô ấy đánh hay quá khiến ai cũng phải tấm tắc khen. Thế là đêm đó cô ấy mộng thấy một người mặt trắng bệch và hốc mắt chảy máu, trên cổ hằn một vết đỏ lằn. Người đó bắt cô ấy đánh đàn so xem ai hay hơn, nếu không nghe lời sẽ dùng dây đàn thắt cổ cô chết.

Quá sợ hãi, cô nghệ nhân phải cuống cuồng đàn theo ý hắn, đêm nào cũng như đêm nào, cứ tầm canh hai canh ba là người ta lại thấy cô nghệ nhân xách đàn lững thững đi vào căn viện của Nhị Hồ, ai hỏi cũng không đáp, ở trong đó đánh đàn đến sáng mới chịu ra.

Lâu dần cô ấy bị ám cho thành người điên, cả ngày cứ ngây dại đánh đàn, còn hay nói chuyện một mình. Đỉnh điểm là sau một đêm từ trong căn viện của Nhị Hồ đi ra, cô nghệ nhân trông rất lạ, ánh mắt đỏ quạch, khuôn mặt trắng bệch, tròng mắt trắng dã, tay xách cây đàn đã bị đứt dây, lững thững đi thẳng đến chỗ vua.

"Nhị Hồ đã nhập vào người cô ấy hòng báo thù."

Cung nhân truyền tai nhau như vậy, chẳng biết có phải bị Nhị Hồ nhập thật không, mà sau đêm đó, cô nghệ nhân cũng không chịu để người ta đưa đi hành hình, mà cũng tự vẫn bằng dây đàn, dùng dây đàn siết cổ chính mình, không khác gì cái chết của Nhị Hồ năm xưa.

Vua sai đập phá căn viện ma quái này đi, nhưng bất cứ ai dám đập dù chỉ là một viên gạch, cũng đều hoặc bị điên hoặc chết. Ngẫm lại vụ án năm đó đúng là có oan khuất ẩn tình, vua đành để yên đó, ngày rằm mùng một lễ tết đều cho nhang khói cẩn thận.

Nhị Hồ ở đó cô đơn rất lâu, thỉnh thoảng canh hai hắn vẫn xuất hiện trên mái nhà đàn lên những khúc thê lương rợn gáy. Cho đến một ngày hắn gặp được cô Ngải.