Thần Điêu Hiệp Lữ

Chương 207



Gã họ Tôn nói:

- Ta từng nghe ân công bảo Dương Hộ sinh thời có một câu nói rất hợp tâm khảm của ân công.

Gã họ Trần vội hỏi:

- Là câu gì nhỉ, tam ca đừng nói vội, để đệ cố nhớ xem nào. Ngay ân công cũng thán phục, thì câu ấy phải rất hay.

Gã họ Tôn nói:

- Năm Lục Kháng chết, vua Ngô vô đạo, Dương Hộ có dâng sớ rằng thừa dịp này vừa có thể cứu trăm họ Đông Ngô, vừa thống nhất thiên hạ, nhưng bọn gian thần trong triều cản ngăn, nên Dương Hộ có than một câu: "Mười việc trong thiên hạ, thường bảy, tám việc không như ý muốn". Câu mà ân công thích chính là câu đó.

Gã họ Trần không ngờ lại là câu ấy, có vẻ thất vọng, lẩm bẩm gì đó, đột nhiên kêu to:

- Tôn tam ca, Dương Hộ, Dương Hộ, hai tiếng ấy nghe rất gần với tên của ân công...

Gã họ Trần suýt

- Đừng nói, có người đến.

Hoàng Dung hơi giật mình, quả nhiên nghe có tiếng chân người chạy ở lưng núi, nghĩ: "Tiếng đồng âm với Dương Hộ là Dương Quá, không, không thể là Dương Quá, võ công của Quá nhi dẫu có tiến cảnh, cũng chẳng thể đến mức xuất thần nhập hóa như vậy". Text được lấy tại TruyệnFULL.vn

Lát sau, nghe có tiếng vỗ tay khe khẽ ba cái, gã họ Tôn cũng vỗ đáp lại ba cái. Có người chạy đến trước Trụy lệ bi nói:

- Hai vị Tôn, Trần lão đệ, ân công bảo hai vị không phải chờ ân công nữa. Ở đây có hai tấm danh thiếp của ân công, nhờ hai vị lập tức mang đi. Tôn tam đệ mang một tấm đến phủ Tín Dương, Hà Nam cho Triệu lão tước gia, Trần lục đệ mang một tấm đến phủ Thường Đức, Hồ Nam cho Ô Nha sơn Lung Á Đầu Đà, mời hai vị ấy nội nhật mười ngày phải tụ hội ở đây.

Tôn, Trần hai người cung kính đáp ứng, nhận danh thiếp, cất vào túi.

Hoàng Dung nghe vậy vô cùng kinh ngạc, Triệu lão tước gia ở phủ Tín Dương là hậu duệ tôn thất triều Tống, Thái Tổ tam thập tam thế trường quyền và Thập bát lộ tề mi bổng là tuyệt kỹ gia truyền, vốn không giao du với các võ sĩ giang hồ. Ô Nha sơn Lung Á Đầu Đà thì là một cao thủ lừng danh, võ công cao cường, chỉ vì vừa câm vừa điếc, nên cũng không đi lại với người ngoài. Đại hội anh hùng ở thành Tương Dương lần này, Quách Tĩnh và Hoàng Dung biết rõ hai vị đó ẩn cư chốn thâm sơn, sẽ không đi đâu cả, song vẫn gửi anh hùng thiếp mời họ. Quả nhiên hai người ấy khôn khéo chối từ rồi, không lẽ "ân công" lại có uy tín cao tới mức chỉ cần một tờ thiếp mời là có thể khiến hai vị cao nhân ẩn cư thâm sơn nội nhật mười ngày phải đến đây?

Hoàng Dung chợt cảm thấy rất lo ngại: "Đại hội anh hùng ngày mai đã khai mạc, người này chiêu tập cao thủ giang hồ đến thành Tương Dương, là mưu mô gì? Liệu có phải trợ giúp Mông Cổ, bất lợi cho ta chăng?". Nhưng nghĩ Triệu lão tước gia và Lung Á Đầu Đà tuy lánh đời, song không phải hạng gian tà, vị "ân công" đã ám trợ Quách Tương giết Ni Ma Tinh, chính là người đứng về phe ta.

Đang trầm ngâm, nghe ba người kia nói nhỏ với nhau, vì ở xa nên chỉ nghe lõm bõm vài câu:

- ... Ân công chưa từng sai phái bọn ta việc gì, lần này tất là... cuộc nhiệt náo lớn lắm đây... thể diện... lễ vật của bọn ta phải...

Rồi gã họ Tôn nói to:

- Được, chúng ta đi thôi, cứ yên tâm, quyết không làm lỡ việc ân công giao phó.

Đoạn ba người đi nhanh xuống núi.

Về lai lịch của "ân công", Hoàng Dung không dò ra manh mối gì, song cũng không muốn bứt dây động rừng, nên không bắt ba người kia để truy hỏi. Đợi ba người ấy đi xa, Hoàng Dung vào trong miếu, quan sát kỹ một lượt, không thấy có gì lạ, nghĩ rằng vì quân địch đến gần, nên người ở đây đã chạy vào thành cả, không còn ai. Bèn rời miếu về thành, lúc này trời đã rạng sáng.

Gần đến ngã ba bên ngoài cửa Tây, bỗng có hai người phóng ngựa tới, Hoàng Dung vội lánh sang bên nhường đường, thấy ngồi trên mình ngựa là hai hán tử cường tráng. Đến ngã ba, một người quay ngựa chạy về hướng tây bắc, người thứ hai phi về phía tây nam, người này nói với người kia:

- Đệ nhớ dặn Trương Đại Khoa Tử dẫn các đoàn hát xướng ở Hán Khẩu đến cả đấy, nhớ dẫn theo cả thợ khéo chăng đèn kết hoa.

Người kia cười, đáp:

- Huynh khỏi cần dặn đi dặn lại mãi, giả dụ Xuyên Thái đại sư phó đến chậm một ngày, ân công có tha cho huynh, mọi người cũng chẳng tha đâu.

Người nọ nghe cười, nói:

- Chứ sao, chậm một ngày, đầu ta khó còn trên cổ đấy.

Họ ôm quyền từ biệt, đi về hai hướng khác nhau.

Hoàng Dung thong thả về thành, trong bụng càng phân vân: "Nghe đồn Trương Đại Khoa Tử làm bá chủ ở Hán Khẩu, kết giao với quan phủ, các hào khách sơn trại quanh vùng đều lấy lòng y, làm sao "ân công" chỉ nói một câu đã có thể gọi y tới? Bọn họ hư trương thanh thế rốt cuộc để làm gì?". Đột nhiên nghĩ ra, thốt lên:

- Đúng rồi, đúng rồi! Ắt là như vậy!

Hoàng Dung về phủ, nói với Quách Tĩnh:

- Tĩnh ca ca, chúng ta đã quên mời người rồi.

Quách Tĩnh ngạc nhiên:

- Chúng ta đã điểm đi điểm lại, không bỏ sót ai cả.

Hoàng Dung nói:

- Thiếp cũng tưởng thế, chúng ta sợ đắc tội với các vị hảo hán, nên tuy biết mười mấy vị danh vọng không lớn, cũng không chịu đi, song ta vẫn gửi thiếp mời. Nhưng hôm nay thiếp mới biết có một đại nhân vật không hài lòng, cũng định mở anh hùng đại yến trong thành Tương Dương để đua tranh với chúng ta.

Quách Tĩnh vui vẻ nói:

- Vị anh hùng ấy có cùng chí hướng với chúng ta, thế thì còn gì bằng. Chúng ta cứ việc bầu vị đó làm minh chủ suất lĩnh quần hùng, chung sức chống Mông Cổ, vợ chồng mình nghe theo hiệu lệnh của vị đó là xong.

Hoàng Dung hơi cau mày, nói:

- Nhưng xem ra hành động của người ấy lại không phải đến để chung sức chống ngoại xâm. Hắn gửi danh thiếp đi mời nhưng người như Triệu lão tước gia ở Tín Dương, Ô Nha sơn Lung Á Đầu Đà, Trương Đại Khoa Tử ở Hán Khẩu cùng tới.

Quách Tĩnh vừa kinh ngạc vừa vui mừng, vỗ bàn đứng dậy, nói:

- Người ấy nếu có thể mời được các vị cao nhân Triệu lão tước gia, Lung Á Đầu Đà đến đây thì thanh thế thành Tương Dương đại tráng. Hoàng Dung, với các nhân vật đó, chúng ta phải kết giao mới được.

Hôm sau chính là ngày khai mạc anh hùng đại yến, An phủ sứ Lã Văn Đức thống suất ba quân, cùng đại tướng giữ thành Vương Kiên bày bốn trăm bàn tiệc thết đãi các lộ anh hùng. Trong bữa tiệc, mọi người nói đến sự bạo tàn của quân Mông Cổ sát hại bách tính, chiếm đoạt giang sơn Đại Tống, ai cũng căm phẫn, quyết ý chống địch. Ngay tối hôm ấy mọi người cử Quách Tĩnh làm minh chủ hội minh, uống máu ăn thề quyết tử chiến với địch. Quách Tương hôm xảy ra biến cố ở miếu Dương Thái Phó, có nói với tỷ tỷ sẽ không tham dự anh hùng đại yến, quả nhiên tối nay giận dỗi ngồi uống rượu một mình trong phòng, nói với a hoàn hầu hạ nàng:

- Đại tỷ đi dự anh hùng đại yến, ta ở đây khoan khoái uống rượu, vui có kém gì đâu.

Quách Tĩnh, Hoàng Dung mải lo đại kế chống địch, lúc này đâu còn bụng dạ nào nghĩ đến tâm trạng của tiểu nữ nhi? Quách Tĩnh không biết đã đành, Hoàng Dung cũng hỏi qua đến, nhưng biết tính con bé cổ quái cũng chỉ cười cho qua.

Chúng anh hùng mười người thì tám, chín tửu lượng rất cao, lúc chếnh choáng rồi, hứng thú nổi lên, có người hiển thị công phu ngay tại bàn tiệc, mọi người cùng cười vui vẻ. Hoàng Dung cuối cùng nhớ đến tiểu nữ nhi, bảo Quách Phù:

- Ngươi hãy đi gọi muội tử đến xem nhiệt náo, cảnh tượng đông đảo thế này, cả đời vị tất được thấy một lần.

Quách Phù nói:

- Hài nhi không đi đâu. Nhị tiểu thư đang giận dỗi, muốn trút giận sang hài nhi, hài nhi mà đi gọi, nó càng không chịu đâu.

Quách Phá Lỗ nói:

- Để con đi rủ nhị tỷ cho.

Liền rời bàn, đi vào nội thất.

Lát sau, Quách Phá Lỗ một mình trở ra, chưa kịp mở miệng, Quách Phù đã nói:

- Tỷ bảo nó không chịu đi đâu, đệ thấy có đúng thế không?

Hoàng Dung thấy sắc mặt Quách Phá Lỗ đầy vẻ kinh dị, bèn hỏi:

- Nhị tỷ bảo sao?

Quách Phá Lỗ đáp:

- Nhị tỷ bảo rằng đang bày anh hùng tiểu yến trong phòng, không đến dự anh hùng đại yến...

Hoàng Dung mỉm cười, nói:

- Nhị tỷ của ngươi nghĩ ra trò quái dị, thì cứ mặc nó.

Quách Phá Lỗ nói:

- Nhị tỷ có khách thật, những năm nam hai nữ, đang ngồi uống rượu trong phòng của nhị tỷ.

Hoàng Dung cau mày, nghĩ bụng nữ hài nhi này càng ngày càng vô pháp vô thiên, tại sao lại đi mời đại nam nhân vào khuê phòng cô nương gia mà uống rượu kia chứ? Thật đúng với biệt hiệu "Tiểu Đông Tà", nhưng bữa nay khách khứa đông đủ, không thể trách phạt nữ nhi, làm cho chúng anh hùng mất hào hứng, bèn nói với Quách Phù:

- Huynh đệ của ngươi còn non nớt, không biết ứng phó với khách lạ, ngươi hãy vào đó mời các bằng hữu của muội tử cùng ra đại sảnh uống rượu vui chung với mọi người.

Quách Phù nổi lòng hiếu kỳ, muốn biết khách khứa trong phòng muội tử là ai, vốn biết muội tử không hiềm nam nữ thụ thụ bất thân, hạng người nào ngoài phố chợ nó cũng có thể kết giao, nhưng hôm nay chắc chắn không phải hạng khách tầm thường, nghe mẫu thân phân phó, liền đứng dậy đi về phía buồng của Quách Tương.

Cách cửa buồng vài trượng, nghe tiếng Quách Tương nói:

- Tiểu bổng đầu, gọi nhà bếp mang hai vò rượu lớn đến đây.

"Tiểu bổng đầu" là a hoàn, đối với a hoàn, Quách Tương cũng đặt cho những cái tên khác thường. A hoàn vâng dạ, lại nghe Quách Tương nói:

- Bảo nhà bếp nướng thêm hai cái đùi cừu, thái thêm hai chục cân thịt bò chín mang lên đây.

"Tiểu bổng đầu" vâng lệnh đi ra. Nghe một giọng nói ồm ồm trong buồng:

- Quách nhị tiểu thư thật là hào sảng, tiếc rằng Nhân Úy Tử ta trước đây không biết, nếu không đã kết bạn với tiểu thư từ sớm.

Quách Tương cười, đáp:

- Bây giờ kết bạn cũng chưa muộn.

Quách Phù cau mày, nhìn qua khe cửa sổ vào phòng, thấy trong khuê phòng của muội tử kê một chiếc bàn thấp, bên trên ngổn ngang bát đũa. Tám người ngồi quanh bàn vui vẻ uống rượu với nhau. Một người ngồi ngoảnh mặt ra, đầu to trán rộng, trước ngực lộ ra một đám lông đen dài. Bên trái người ấy là một văn sĩ, râu dài ba chòm, y phục ngay ngắn, tay phe phẩy cái quạt gấp, trông rất nho nhã, trên mặt cái quạt vẽ hình con quỷ Vô Thường thè lưỡi rất dài. Bên trái văn sĩ là một nữ nhân trạc bốn mươi tuổi, ngũ quan rất thanh tú, nhưng mặt đầy vết sẹo đao kiếm, tối thiểu phải mười vết. Ngồi nghiêng là một đầu đà cao gầy, cái mũ màu vàng lóng lánh phát quang, miệng đang gặm một cái đùi gà rất ngon lành. Ba người còn lại lưng quay ra cửa sổ, không nhìn thấy diện mạo, chỉ biết hai người là bạch phát lão ông, một người là hắc y ni cô. Quách Tương ngồi giữa đám người kia, mặt hơi đỏ, rõ ràng đã chếnh choáng say, cười nói thập phần đắc ý. Quách Phù nghĩ: "Bọn họ đang cao hứng thế này, có mời ra đại sảnh, họ cũng chẳng chịu".

Chỉ thấy bạch phát lão ông đứng lên, nói:

- Cơm rượu hôm nay kể đã vừa bụng, đợi đến hôm sinh nhật của cô nương, bọn ta lại tới say sưa một buổi. Tiểu lão nhi có chút quà mọn, mong cô nương đừng chê cười.

Lão lấy trong bọc ra một cái hộp, đặt lên bàn.

Bạch phát lão ông kia nói:

- Bách Thảo Tiên, lão huynh tặng món gì, cho ta xem một chút.

Nói đoạn mở nắp hộp, reo lên:

- A, tuyết sâm ngàn năm, lão huynh tìm đâu ra thế?

Nói rồi nhấc củ sâm ra khỏi hộp.

Quách Phù nhìn qua khe cửa, thấy củ sâm trắng, dài một thước, hình dạng như một đứa bé, có đủ đầu, mình, chân tay, màu trắng nhưng có ánh huyết hồng, quả là củ sâm quý hiếm trên thế gian. Mọi người trầm trồ, Bách Thảo Tiên hết sức đắc ý nói:

- Củ sâm ngàn năm này chữa được bệnh nan y, giải mọi thứ độc, gọi là có công hiệu cải tử hoàn sinh. Cô nương vô tai vô nạn, sống đến trăm tuổi, vốn không cần đến nó. Nhưng đến ngày mừng thọ trăm tuổi, cô nương đem uống, sẽ sống thêm một thế kỷ nữa thì càng hay.