Thần Điêu Hiệp Lữ

Chương 151



Vừa đi vừa nghỉ như thế hơn một canh giờ, lại đến cái hang đá có mộ phần của Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại. Nhìn thạch phần, Dương Quá bất giác cảm khái, nghĩ vị kỳ nhân tiền bối này đương thời tung hoành vô địch trong thiên hạ, tự thị võ công thần diệu khôn lường, khinh thế ngạo vật, khó hợp với thường nhân, cuối cùng lại đến chân hoang cốc heo hút này mà từ trần, trong võ lâm đã không lưu truyền thanh danh sự tích, cũng không để lại quyền kinh kiếm phổ, môn hạ đệ tử nào cả, thân thế của vị tiền bối ấy kể cũng đáng kính phục và đầy bi thương. Chỉ tiếc thần điêu tuy khôn, nhưng không thể nói tiếng người, để kể cho chàng nghe đôi điều.

Trong lúc Dương Quá ngơ ngẩn xuất thần trong hang, thì thần điêu đã mang vào hai con thỏ rừng. Dương Quá nướng một con, ăn một bữa no nê. Cứ thế qua nhiều ngày, vết thương lành dần, sức khỏe phục hồi, mỗi lần chàng nhớ đến Tiểu Long Nữ, ngực tuy còn đau, nhưng không khó chịu ghê gớm như hồi trước. Chàng bản tính hiếu động, trong hoang cốc chỉ có thần điêu làm bạn, lâu ngày không khỏi cảm thấy buồn tẻ.

Một hôm thấy phía sau hang đá cỏ cây tươi tốt, không khí trong lành, chàng bèn thả bộ dạo chơi ngắm cảnh, đi hơn một dặm, thì gặp một vách núi dựng đứng, như một tấm bình phong khổng lồ vươn lên trời. Trên vách núi, cách mặt đất hơn hai chục trượng, có một phiến đá vuông rộng ba, bốn trượng chìa ra như một cái sân, trên đó hình như có khắc chữ. Chàng căng mắt nhìn, đọc được hai chữ "Kiếm mộ" rất lớn, thì lấy làm lạ: "Kiếm mà cũng có mộ chôn ư? Chẳng lẽ Độc Cô lão tiền bối bẻ gãy ái kiếm, rồi đem chôn trên đó?". Chàng lại gần vách núi, thấy vách núi bằng phẳng, không có cỏ cây, không một chỗ đặt chân, không biết người ta làm cách nào leo lên trên kia.

Chàng nhìn thật kỹ, nghĩ bụng người ta cũng là người như mình, leo lên được trên kia hẳn phải có diệu pháp, nếu chỉ dựa vào võ công thì thật khó mà tưởng tượng. Nhìn kỹ một hồi, thấy trên vách núi cứ cách vài thước lại có một đám rêu xanh, mấy chục đám rêu thẳng hàng từ dưới lên trên. Chàng tung mình nhảy lên, túm thử đám rêu xanh thấp nhất, lôi ra một vốc bùn đen, quả nhiên đó là một cái lỗ nho nhỏ, chắc là năm xưa Độc Cô Cầu Bại dùng vật sắc nhọn khoét vào vách núi, lâu ngày lỗ khoét tích bùn, mọc lên đám rêu xanh.

Chàng nghĩ đang nhàn rỗi, thử lên "Kiếm mộ" xem thế nào, leo vách núi không được thì tụt xuống, nơi đây có ai nhìn thấy đâu mà ngại, thế là chàng siết chặt dây lưng, hít một hơi dài, vọt lên cao vài thước, chân trái đạp vào lỗ thấp nhất, chân phải nhắm đám rêu xanh thứ hai mà đạp vào, quả nhiên chỗ ấy cũng là một cái lỗ vừa để đặt chân.

Lần thứ nhất chàng leo lên hơn mười trượng thì đã mệt, bèn từ từ trở xuống, nghĩ: "Đã có hơn hai mươi chỗ đặt chân, lần thứ hai leo lên sẽ dễ hơn". Chàng ngồi dưới đất vận công điều tức, thế là leo một mạch lên đến cái sân nọ. Chàng thấy tuy chỉ còn một tay, nhưng khinh công không hề suy giảm, cũng tự an ủi. Chàng thấy trên phiến đá lớn, bên cạnh hai chữ "Kiếm mộ", còn có hai hàng chữ khắc vào đá:

Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại vô địch thiên hạ, chôn kiếm chốn này.

Ô hô! Quần hùng thúc thủ, trường kiếm dẫu sắc, còn có ích chi!

Dương Quá kinh ngạc và nể phục, cảm thấy vị tiền bối ấy tính nết có nhiều điểm giống mình, ngạo đời khinh vật, một mình lang bạt giang hồ, nhưng nói về tài năng vô địch trong thiên hạ, thì chàng chẳng thể sánh. Hiện thời lại chỉ còn một cánh tay, dẫu nhất thời chưa chết, cũng không còn hy vọng gì nữa. Chàng nhìn hai hàng chữ khắc một hồi, rồi thấy có nhiều hòn đá chất đống như một nấm mộ, lưng tựa vào sơn cốc, mặt hướng ra không gian rộng lớn, chưa nói bản thân Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại anh hùng thế nào, chỉ riêng chỗ chôn kiếm cũng đã có hình thế hùng vĩ thiết tưởng người ấy văn võ toàn tài, hoài bão phi thường, tiếc rằng mình sinh ra quá muộn, không có duyên kiến diện vị anh hùng tiền bối.

Dương Quá đứng bên mộ kiếm, ngửa mặt hú một tiếng dài, trong giây lát tứ phía hồi âm bất tuyệt, nghĩ đến tiếng nhạc trầm hùng mà Hoàng Dược Sư từng nói, chàng cảm thấy âm thanh nơi đây còn mang hào khí hơn nhiều. Chàng rất muốn biết ngôi mộ chôn những thứ binh khí sắc bén như thế nào, nhưng không dám mạo phạm tiền bối, bèn ngồi bó gối, ngẩng mặt đón gió, cảm thấy lồng ngực tràn ngập không khí trong lành, lâng lâng như muốn bay lên theo gió.

Bỗng nghe vách núi có tiếng chim điêu gọi "oắc oắc", chàng cúi xuống, thấy thần điêu đang thoăn thoắt leo vách núi giống như chàng. Thân hình nó tuy nặng, nhưng bộ vuốt của nó quả nhiên vô cùng lợi hại, chẳng mấy chốc thần điêu đã leo đến chỗ chàng.

Thần điêu nhìn Dương Quá gật gật đầu, kêu vài tiếng rất lạ. Dương Quá cười, nói:

- Điêu huynh, chỉ tiếc tiểu đệ không nghe hiểu tiếng chim, nếu không đã được nghe điêu huynh kể cho nghe chuyện bình sinh của vị Độc Cô tiền bối.

Thần điêu lại kêu khẽ vài tiếng, dùng hai chân bới các tảng đá trên mộ kiếm sang một bên. Dương Quá chợt nghĩ: "Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại võ công tuyệt thế, không chừng lưu lại kiếm kinh kiếm phổ gì chăng?". Chỉ thấy thần điêu hai chân chuyển đá không ngừng, để lộ ra một dãy ba thanh kiếm, giữa thanh kiếm thứ nhất và thanh kiếm thứ hai có một phiến đá dài. Ba thanh kiếm và phiến đá được đặt trên một tảng đá lớn màu xanh.

Dương Quá nhấc thanh kiếm thứ nhất lên, thấy dưới bề mặt tảng đá có khắc hai hàng chữ nhỏ: Truyện được copy tại TruyệnFULL.vn

Cương mãnh lợi hại, cứng mấy cũng xuyên,

Thời trẻ dùng để tranh đấu với quần hùng.

Nhìn lại thanh kiếm, thấy dài chừng bốn thước, thanh quang lấp loáng, đích thị là kiếm sắc. Chàng đặt thanh kiếm ấy xuống chỗ cũ, cầm phiến đá lên, thấy dưới bề mặt tảng đá xanh cũng có khắc hai hàng chữ nhỏ:

Tử Vi nhuyễn kiếm, dùng trước ba mươi tuổi,

Lỡ tay đả thương nghĩa sĩ, bèn vứt xuống vực sâu.

Dương Quá nghĩ: "Chỗ này thiếu một thanh kiếm, thì ra đã bị lão tiền bối ném xuống vực, không hiểu đã lỡ tay đả thương nghĩa sĩ như thế nào, chuyện đó chắc là vĩnh viễn không ai biết được". Chàng xuất thần một hồi, nhấc thanh kiếm thứ hai lên, được vài thước thì "keng" một tiếng, thanh kiếm tuột tay rơi xuống đá, lửa bắn tung tóe, bất giác chàng giật mình.

Nguyên thanh kiếm đen trũi này trông không có gì lạ, song cực nặng, đốc kiếm dài hơn ba thước, nặng không dưới bảy, tám chục cân, gấp vài lần thứ binh khí nặng nhất trong chiến trận. Dương Quá lúc cầm lên không ngờ nó nặng đến thế, nên đánh rơi nó xuống.

Chàng cúi nhấc nó lên, lần này có phòng bị, dĩ nhiên cũng nhấc được, không mấy khó khăn. Chàng thấy kiếm không có lưỡi sắc, mũi kiếm thì tròn như hình bán cầu, nghĩ bụng: "Thanh kiếm đã nặng, sử dụng bất tiện, lại không có lưỡi sắc và mũi nhọn, kỳ lạ thật!". Nhìn dưới bề mặt tảng đá, thấy có khắc hai hàng chữ nhỏ:

Trọng kiếm thô sơ, không hề gia công.

Trước bốn mươi tuổi, tung hoành thiên hạ.

Dương Quá lẩm bẩm tám chữ "Trọng kiếm thô sơ, không hề gia công", tựa hồ đã hiểu ra, nhưng nghĩ kiếm thuật trên thế gian, bất kể các môn phái biến hóa như thế nào, trước hết cũng phải coi trọng việc sử dụng linh hoạt thuận tiện, còn thanh kiếm này quá nặng, không biết sử dụng ra sao, chàng cứ ngẩn người suy nghĩ.

Một hồi sau, chàng mới đặt thanh kiếm nặng đó xuống, nhấc thanh kiếm thứ ba lên, lần này chàng lại bị lầm. Chàng cứ tưởng thanh kiếm này phải nặng hơn thanh kiếm vừa rồi, nên vận lực ra cánh tay. Nào ngờ nó nhẹ tênh như không, chàng ngưng thần xem kỹ, hóa ra đó là một thanh kiếm gỗ, chôn dưới đá lâu năm, thân và cán kiếm đều đã bị mục, đọc dưới mặt đá có khắc dòng chữ:

Sau bốn mươi tuổi, không mang binh khí,

Thảo mộc trúc thạch đều có thể dùng làm kiếm.

Cứ thế tinh tu, đạt tới cảnh giới vô kiếm thắng hữu kiếm.

Chàng cung kính đặt thanh kiếm gỗ xuống chỗ cũ, thở dài, nói:

- Thần kỹ của tiền bối, khiến người ta khó bề tưởng tượng.

Chàng nghĩ không biết bên dưới tảng đá xanh có bản kiếm phổ hay chăng, bèn lật tảng đá lên, nhưng bên dưới là nền đá cứng, không có vật gì khác, thì không khỏi thất vọng.

Con thần điêu kêu "oắc" một tiếng, cúi đầu, dùng mỏ quặp thanh kiếm nặng, đặt vào tay Dương Quá, lại kêu "oắc" một tiếng, đột nhiên dùng cánh chim bên trái vỗ kình phong xuống đầu chàng. Dương Quá lập tức cảm thấy khó thở, cánh chim tới cách đỉnh đầu chàng chừng một thước thì dừng lại bất động, thần điêu lại kêu "oắc oắc" hai tiếng.

Dương Quá cười, nói:

- Điêu huynh muốn thử võ công của tiểu đệ phải không? Không có việc gì, tiểu đệ chơi đùa với điêu huynh một lát vậy.

Nhưng thanh kiếm nặng bảy, tám chục cân làm sao tiện sử dụng, chàng bèn đặt nó xuống, nhấc thanh kiếm thứ nhất lên. Thần điêu bỗng cụp cánh lại, ngoảnh đi không thèm nhìn chàng, rõ ràng tỏ vẻ khó chịu.

Dương Quá liền hiểu ý, cười, nói:

- Điêu huynh muốn tiểu đệ sử dụng thanh kiếm nặng chứ gì? Nhưng tiểu đệ võ công tầm thường, đấu với điêu huynh chốn này quyết không phải là đối thủ, mong điêu huynh lưu tình cho đôi chút.

Đoạn chàng cầm thanh kiếm nặng lên, vận khí đan điền, dồn lực ra cánh tay, thong thả đâm ra một nhát. Thần điêu không ngoảnh đầu, cánh bên trái quạt ra phía sau, đập vào thanh kiếm. Dương Quá chỉ cảm thấy một luồng đại lực truyền qua thanh kiếm, đè chàng không thở nổi, vội vận khí kháng cự, "bụp" một tiếng, thân kiếm chao đảo, Dương Quá thấy trước mắt tối sầm, lập tức ngất đi.

Cũng không biết bao lâu sau chàng mới tỉnh lại, chỉ cảm thấy miệng đắng ngắt, đồng thời có thứ nước đắng gì đó đang chảy xuống cổ họng. Chàng mở mắt nhìn, thấy thần điêu ngậm một cái bọng tròn màu tím sẫm mà dốc ngược vào miệng chàng. Dương Quá ngửi thấy mùi tanh lợm giọng, song nghĩ thần điêu thông linh, thứ nước nó cho chàng uống hẳn là rất có ích, bèn há miệng nuốt xuống. Cái bọc kia liền vỡ ra, nước đắng ngập miệng.

Thứ nước ấy vừa đắng vừa tanh kinh khủng. Dương Quá chỉ muốn nhổ ra, nhưng không nỡ làm trái mỹ ý của thần điêu, nên cố nuốt xuống bụng. Lát sau chàng hơi vận khí, thấy hít thở nhẹ nhõm, đứng dậy giơ tay đá chân không thấy mỏi mệt, tinh thần thì phấn chấn, hơn hẳn lúc bình thường. Chàng thầm lấy làm lạ, theo lý mà nói, sau khi bị đánh mạnh, tức thở ngất đi, dù không bị trọng thương, cũng ê ẩm toàn thân, không lẽ cái bọc màu tím kia lại đựng linh dược trị thương hay sao?

Chàng cúi xuống nhấc thanh kiếm nặng lên, hình như nó nhẹ đi vài phần. Lúc ấy thần điêu lại kêu một tiếng, vỗ cánh đánh tới. Dương Quá không dám tiếp đòn, nghiêng mình tránh né. Thần điêu sấn tới một bước, hai cánh cùng vỗ, uy thế cực mạnh. Dương Quá biết thần điêu hoàn toàn không có ác ý đối với chàng, nhưng dù nó thông linh đến mấy, cũng vẫn là súc sinh, nó có thần lực, khi vỗ cánh làm sao nó có thể điều khiển kình lực nặng nhẹ? Nếu để cánh chim từ trên cao vỗ xuống, còn gì mạng sống? Thấy hai cánh chim ập tới, chàng vội lùi hai bước, chân trái đã đạp tới mép tảng đá chìa ra.

Thần điêu hóa ra không một chút dung tình, cái đầu trụi lông thò ra thụt vào nhanh như chớp, cái mỏ khoằm và nhọn mổ thẳng tới ngực chàng. Dương Quá muốn lùi chẳng còn chỗ, đành giơ kiếm chống đỡ, thần điêu mổ luôn một cái trúng thanh kiếm. Dương Quá cảm thấy cánh tay chấn động mạnh, thanh kiếm nặng muốn văng khỏi tay, thần điêu lại xòe cánh bên phải quạt ngang tới đùi chàng. Chàng vội tung mình nhảy qua đầu thần điêu, vào giữa sân, sợ thần điêu thuận thế công kích, chàng chém một kiếm về phía sau, bộp một tiếng, thần điêu lại mổ một cái trúng thanh kiếm. Dương Quá sợ toát mồ hôi lạnh, nói:

- Điêu huynh, huynh chớ coi tiểu đệ như Độc Cô đại hiệp!

Hai chân bủn rủn, chàng ngã phệt xuống đá. Thần điêu kêu "oắc oắc" hai tiếng, không tấn công nữa.

Dương Quá vô tình thốt ra câu "huynh chớ coi tiểu đệ như Độc Cô đại hiệp!". Chàng nghĩ: "Thần điêu kết bạn lâu năm với Độc Cô tiền bối, nhìn cung cách tấn công của nó, lờ mờ ẩn hiện gia số võ học, chắc là Độc Cô tiền bối ẩn cư chốn hoang cốc, lúc nhàn rỗi đã cùng thần điêu giao đấu cho vui. Độc Cô tiền bối giờ chỉ còn là nắm xương tàn, võ công tuyệt thế mất đi theo, nhưng qua thần điêu, vẫn có thể nhận biết đôi điều về phong cách của bậc đại sư tiền bối". Nghĩ thế, chàng trở nên vui mừng, đứng dậy, nói:

- Điêu huynh, tiếp chiêu này!

Thanh kiếm nặng đâm nhanh tới ức thần điêu. Con chim xòe cánh trái chặn lại, cánh bên phải thì đánh tới.

Thần điêu sức lực quá mạnh, khi nó xòe cánh, kình lực tưởng như mấy vị cao thủ nhất tề tung chưởng, thanh kiếm trong tay Dương Quá lại quá nặng, các môn kiếm pháp sở học bình sinh như Toàn Chân kiếm pháp, Ngọc nữ kiếm pháp, đều không thi triển ra được, khi thủ chỉ có khôn khéo né tránh, lúc công thì đâm đâm chém chém cứng đơ.

Đấu một hồi, Dương Quá thấm mệt, liền ngồi phệt để nghỉ. Hễ thấy chàng ngồi phệt xuống, thần điêu lại lùi xa hai bước. Đấu chơi như thế hơn một canh giờ, một người một chim rời mảnh sân này, trở lại hang đá.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, thần điêu đã mang đến đặt bên chàng ba cái bọc tròn tròn màu tím sẫm tanh hôi. Dương Quá ngắm kỹ, thì ra đó là túi mật của cầm thú.

Nhớ lúc chàng gặp thần điêu lần đầu, thấy thần đánh nhau với rắn độc và mãng xà, ăn thịt rắn độc, chàng đoán đây là mật rắn. Lại nghĩ không biết mật rắn có độc hay không, mà hôm qua nuốt xong, chàng thấy tinh thần sảng khoái, sức lực đại tăng. Chàng cũng chẳng nghĩ rằng trong người mình có chất độc của hoa Tình và của Băng phách ngân châm, chàng nuốt luôn ba cái túi mật rắn kia, tĩnh tọa điều tức. Đột nhiên chàng cảm thấy khí huyết lưu thông dễ chịu hơn hẳn mọi khi, thì cả mừng, reo to:

- Hay lắm!

Khi tĩnh tọa tu luyện nội công, tối kỵ nghĩ ngợi chuyện khác, quá vui quá buồn lại càng nguy hiểm. Vậy mà lúc này chàng reo lên mừng rỡ lại chẳng sao cả.

Dương Quá bật dậy, cầm thanh kiếm nặng, ra bên ngoài hang, lại luyện kiếm với thần điêu. Bây giờ chàng đã bớt sợ vài phần, tuy vẫn tránh nhiều, đỡ ít, song cũng đôi khi có thể đánh trả thần điêu.

Cứ thế luyện kiếm mấy ngày, Dương Quá cầm thanh kiếm đã thấy bớt nặng, đâm chém đỡ gạt dần dần đắc tâm ứng thủ. Đồng thời càng lúc càng cảm thấy kiếm thuật sở học biến hóa quá rắc rối, quá nhiều hoa mỹ, nghĩ đến câu "Trọng kiếm để thô, không lưỡi không mũi nhọn" mà Độc Cô Cầu Bại khắc trên đá xem ra còn hơn các thứ kiếm chiêu xảo diệu nhất trong thiên hạ. Chàng vừa đấu với thần điêu, vừa suy nghĩ đến khứ thế hồi lộ của kiếm chiêu, có cảm giác rằng kiếm chiêu càng đơn giản vô kỳ, thì đối phương càng khó chống đỡ. Tỷ như khi đâm kiếm thẳng, chỉ cần kình lực cương mãnh, uy lực sẽ hơn hẳn kiếm chiêu biến ảo kỳ diệu của Ngọc nữ kiếm pháp. Hiện thời chàng chỉ có một cánh tay trái, nhưng mỗi ngày được uống thứ mật rắn (không biết thần điêu lấy từ đâu về), lực cánh tay cứ mạnh dần lúc nào không hay.

Một lần ra ngoài tản bộ, chàng thấy có ba con độc xà to nằm chết dưới đất, bụng bị phanh ra, chân rắn có nhiều vết cào máu me, chàng biết thứ chàng uống đúng là mật rắn. Mấy con rắn kia xác có ánh kim lóng lánh, chàng chưa từng gặp, không biết là loài rắn gì, nghĩ: "Thần điêu có sức mạnh như thế, chắc là nhờ nó nuốt nhiều túi mật của lũ quái xà".

Hơn một tháng sau, Dương Quá hầu như đã có sức ngang ngửa với thần điêu, cầm thanh kiếm nặng múa tít, bất giác cũng như được an ủi lớn. Võ công tới bước này, giống như lên đỉnh Thái Sơn thấy thiên hạ nhỏ bé, nghĩ đến sở học trước đây, thật không có gì đáng nói. Nhưng lại nghĩ, nếu không có căn cơ trước đây, hôm nay dẫu có kỳ ngộ, cũng chẳng thể nào đạt tới cảnh giới này. Thần điêu dẫu gì cũng là con vật không biết nói, không biết chỉ giáo, huống hồ nó cũng không có môn võ công gì cả, chẳng qua trời phú cho nó thần lực kinh nhân, lại được sống nhiều năm bên Độc Cô Cầu Bại, thường ngày giao đấu, nên nhớ được một số cách tiến thoái mà thôi.

Sáng nay vừa ngủ dậy, trời đầy mây đen, rồi mưa như trút. Dương Quá nhìn thần điêu, nói:

- Điêu huynh, mưa lớn thế này, chúng ta có luyện võ hay không?

Thần điêu ngậm vạt áo chàng đi mấy bước về phía đông bắc, sau đó nó nhả ra, phóng đi như bay. Dương Quá nghĩ: "Không lẽ phía đó có vật gì lạ lắm sao?". Chàng vác kiếm, gội mưa chạy theo sau.

Đi mấy dặm, càng lúc càng nghe tiếng sầm sầm, rõ ràng là tiếng nước đổ. Dương Quá nghĩ: "Mưa lớn thế này, nước lũ dâng nhanh, phải cẩn thận mới được!". Vòng qua một hẻm núi, tiếng nước vang rát cả tai, thấy có một thác nước từ trên cao đổ xuống, trông như một con đại bạch long, chảy theo một dòng suối, chảy xiết dị thường, sôi lên sùng sục, cuốn theo cành cây tảng đá mà tuôn đi ào ào.

Mưa lớn, quần áo ướt sũng, Dương Quá nhìn quanh, thấy nước lũ trong núi quá mạnh, hơi có ý sợ.

Thần điêu dùng mỏ kéo vạt áo chàng tới mép suối tựa hồ bảo chàng nhảy xuống suối. Dương Quá lấy làm lạ, nói:

- Điêu huynh, xuống suối làm gì? Nước chảy xiết thế kia, e đứng không vững đâu.

Thần điêu nhả vạt áo ra, nhảy xuống, đứng trên một tảng đá lớn giữa suối, giơ cánh bên trái hất một tảng đá đang trôi xuôi bắn ngược lên. Tảng đá mấy lần trôi xuống, lại bị cánh chim điêu hất ngược lên, không thể trôi qua chỗ thần điêu. Đến lần thứ bảy, thần điêu dùng cánh hất mạnh hòn đá lên bờ, rồi nó cũng bay lên đậu bên cạnh Dương Quá.

Dương Quá hiểu ý, biết năm xưa mỗi khi trời mưa lớn, Độc Cô Cầu Bại lại ra dòng lũ luyện kiếm, chàng nghĩ mình không đủ công lực, không dám làm như vậy, còn đang lưỡng lự, thì thần điêu giơ cánh đẩy vào mông chàng một cái. Dương Quá bị bất ngờ, bay luôn xuống suối, chàng vội thi triển thủ pháp "Thiên cân trụy", đáp xuống tảng đá lớn giữa suối mà thần đã đứng ban nãy. Hai chân chàng ngập trong nước, dòng nước lũ chảy xiết đẩy mạnh, khiến chàng khó đứng vững. Dương Quá nghĩ: "Độc Cô là người, mình cũng là người, Độc Cô tiền bối đã đứng vững, tại sao mình không thể?". Bèn vận sức chống lại dòng chảy. Chàng định dùng kiếm gạt ngược một hòn đá đang trôi xuống, nhưng không đủ sức.

Chừng tàn một nén nhang thì chàng đã hết sức, bèn đẩy kiếm vào tảng đá mà nhảy lên bờ. Mới nghỉ được một lát, thần điêu đã giơ cánh hất, lần này chàng có phòng bị, nên chủ động tự nhảy xuống giữa suối nghĩ: "Vị điêu huynh này đúng là một ông thầy nghiêm khắc, bắt buộc mình luyện công, không cho lơ là chút nào. Điêu huynh đã có mỹ ý như thế, chẳng lẽ mình không có chí tiến thủ?". Thế là chàng vận khí xuống hạ bàn, đứng vững hồi lâu, hiểu dần ra cách ngưng khí vận lực. Dòng nước lũ tuy lớn dần, đã ngập tới ngang thắt lưng, song chàng có thể đứng vững hơn cả lúc trước. Khi nước ngập đến ngực, đến cằm, Dương Quá nghĩ: "Mình có thể đứng vững, nhưng không thể để nước dìm chết!". Bèn nhảy lên bờ.