Nhất Phẩm Giang Sơn

Quyển 4 - Chương 112: Tâm sự của Tiểu Lượng Ca



Đám người Trần Khác thi nhau ép hỏi, Tiểu Lượng Ca ấp a ấp úng lên giọng giãi bày đầu đuôi câu chuyện:

Việc này phải bắt đầu từ bảy năm trước kia, Trần Hi Lượng thông qua kì thi tỉnh, đã trở thành “Cử tử qua tỉnh” hay còn gọi là Cống sĩ. Bởi vì từ sau “vụ việc Trương Nguyên” (*) phát sinh, thi Đình của triều Tống đã không còn xóa tên sĩ tử thi rớt, mà chỉ sắp xếp theo thứ hạng. Vì thế ông ta đã trở thành tiến sĩ dự bị...

(*) quot;Vụ việc Trương Nguyênquot;: Trước triều Tống, thi Đình thuộc một trong các trình tự khảo thí, vẫn có Cống sĩ không thể nào lấy được danh hiệu tiến sĩ. Vào thời Tống có một Cống sĩ tên Trương Nguyên, vì nhiều lần không được chọn thi Đình nên nương nhờ vào Tây Hạ (quốc gia của dân tộc Đảng Hạng bao gồm Ninh Hạ, miền bắc Thiểm Tây, tây bắc Cam Túc, đông bắc Thanh Hải và phía tây Nội Mông Cổ ngày nay) chống lại nước Tống. Sau khi việc này phát sinh, Hoàng đế triều Tống bỏ đi chế độ sàng lọc tuyển chọn để thi Đình. Vì vậy, phàm người nào qua được ải thi Hội thì đều là Tiến sĩ, cũng vì thế mà bài danh (xếp tên hoặc là xếp thứ bậc) tiến sĩ cũng trở nên phổ biến.

Trong ngày công bố kết quả thi, cảnh tượng “Bắt rể dưới bảng” kinh điển nhất của Đại Tống lại một lần nữa được trình diễn.

Trong thành Biện Kinh, trong những nhà tam công cửu khanh, những phú gia quan chức, chỉ cần nhà nào có con gái muốn gả chồng đều huy động cả nhà tới tranh đoạt các sĩ tử đỗ đạt làm con rể... Thậm chí còn có những phú thân từ Lạc Dương, Nam Kinh đều có thể tham gia vào màn này. Đó là một cuộc chọn lựa tranh giành vô cùng quyết liệt, nếu được so sánh thì nó chẳng khác nào trận đấu môn bóng bầu dục sau này.

Mấy chục năm gần đây, chủ yếu là bốn năm một bảng, mỗi bảng có nhiều nhất là bốn trăm vị tiến sĩ, còn đối với những tiến sĩ có độ tuổi ba mươi hai, vẫn chưa kết hôn bình quân chưa vượt qua một nửa. Mặt khác, với Biện Kinh, thậm chí là khuê nữ của các gia đình danh gia vọng tộc trên toàn quốc đã mòn mỏi chờ đợi bốn năm, chẳng khác nào cung không đủ cầu. Lúc này ngày sinh tháng đẻ, bối cảnh gia thế, tư dung tướng mạo của các tân khoa tiến sĩ đã không còn quan trọng nữa rồi, thậm chí kết hôn hay chưa cũng không phải điều đầu tiên họ quan tâm... Cứ bắt về rồi từ từ nói sau.

Mà thành tích của Trần Hi Lượng cũng không đến nỗi nào, tướng mạo cũng khá tốt, lại vẫn đang độc thân, nhà giàu có mà tuổi cũng không quá lớn, hiển nhiên là giữ thế thượng phong, nhưng ông lại một mực từ chối các nhạc phụ tương lai. Khi mọi người truy hỏi, Trần Hi Lượng mới nói ra nguyên nhân:
- “Bắt rể dưới bảng” là chọn những tiến sĩ trong bảng này, người lấy cũng là người có thân phận danh giá, huống hồ ta còn có bốn đứa con, làm sao có thể nhẫn tâm để cành vàng lá ngọc của nhà người ta về làm mẹ kế chúng được?

Kì thực điều này nói thẳng ra là ta không quen những hành vi này của mọi người!

Nhưng vô lý hơn nữa, ngay cả người có địa vị cao như em vợ của đương kim Hoàng Thượng, em trai của Tào Hoàng Hậu Tào Quốc cữu… Đúng, chính là vị này trong bát tiên… thay mặt phu nhân Tào thị nước Sở - muội muội của Hoàng Hậu cầu thân với ông.

Nhắc đến Tào Thị cũng là người số khổ, mới kết hôn không bao lâu, chồng liền bị tử trận ở trận chiến Tây Bắc, sau này nàng ta ở vậy tám năm, đến bây giờ vẫn chưa kết hôn. Khỏi phải nói Tào Hoàng Hậu và Tào Quốc cữu, ngay cả bố chồng nàng ta cũng rất sốt ruột… Ở đời Tống, như thế không phải là không thủ tiết, nếu người phụ nữ nào sau khi chồng mất, lại không có con mà vẫn ở nhà chồng thì sẽ gây rất áp lực lớn cho nhà chồng.

Một là sẽ bị hoài nghi tham lam của hồi môn của con dâu, mặt khác, bố chồng, em trai chồng cũng có nguy cơ bị nói làm điều xằng bậy. Như vị minh chủ văn đàn Âu Dương Tu, cũng bởi vì có con dâu ở góa một năm mà chưa tái hôn, nên đã bị người đời bôi nhọ thanh danh vu cho tội bố chồng và con dâu thông dâm, khiến ông ấy bị bôi tro trát trấu, phải nhanh chóng gả con dâu đi, nhưng mãi mãi vẫn để lại vết nhơ trong đời.

Cũng có thể thấy rằng, bố chồng Tào thị, lão thái gia của Liễu gia cũng chịu nhiều áp lực rồi… Bảng khoa cử lần trước, ông ta cũng nghĩ tới việc lựa chọn một người chồng mới tâm đầu ý hợp cho con dâu, tất cả mọi người đều cảm thấy người này là người con rể tài mạo vẹn toàn, nhưng Tào thị vẫn không vừa ý.

Trong bốn năm này, ông ta cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng cũng đã biết được, hóa ra con dâu không thích những người đàn ông một khi thi trúng liền vươn cánh bay cao, lòng đầy tham vọng, cho nên khoa thi này, phải chọn lựa đặc biệt cẩn thận. Sau khi nghe chuyện kể về Trần Hi Lượng, ai cũng cảm thấy không còn ai khác phù hợp ngoài người này.

Nhưng lại lo lắng ông ấy là người lạt mềm buộc chặt, là người cao giá, liền đem những băn khoăn của mình nói cho Tào Quốc cữu. Tào Quốc cữu nói không sao cả, ta cũng biết sơ sơ về thuật xem tướng, đợi ta đi xem thế nào rồi hãy nói. Kết quả là gặp mặt rồi, chưa nói được câu nào, đã trực tiếp đề nghị kết thân.

Trần Hi Lượng đương nhiên sẽ không đồng ý. Liễu lão gia có điều lo lắng, Trần Hi Lượng cũng vậy.

Tào Quốc cữu cười nói không đồng ý cũng không sao, hai người cứ tìm hiểu đi. Ta sẽ mời ngươi về nhà ta uống rượu, lẽ nào như thế cũng không được? Không phải lo lắng, ta còn mời thêm người khác nữa, không phải chỉ có một mình ngươi.

Tiểu Lượng Ca không tiện chối từ, ngay hôm đó liền đồng ý đến.

Kết quả là ông ấy quá thành thật. Ngày hôm đó ngoài ông ấy, vợ chồng Tào Quốc cữu, còn có một vị khách nữ… Hiển nhiên vị nữ khách đó cũng bị lừa mà đến, vợ chồng Tào Quốc cữu mỗi người đón tiếp một, chỉ sợ hai vị này chạy mất. Gần như là giám sát hai bọn họ, cho tới khi ăn xong bữa cơm thân mật.

Người xưa có câu “nhân duyên ngàn dặm một sợi tơ hồng”, bữa cơm kết thúc, cũng là lúc Tiểu Lượng ca bỗng thấy lòng mình rung động. Còn Tào thị cũng có chút tình cảm với chàng thư sinh mặt lạnh ăn nói vụng về này. Nhưng hai người đều có điều băn khoăn này, lo lắng kia, cho tới khi Trần Hi Lượng ra khỏi kinh, tình cảm của họ cũng không có gì tiến triển.

Sau đó mấy năm, hai người vẫn qua lại thư từ với nhau… Nếu tất cả cứ dần dần từng bước, thì đôi trai gái bén hơi nhau này rất có thể giữ quan hệ mập mờ này tới cuối cùng rồi. Nhưng vì chiến tranh Tây Nam, Trần Hi Lượng vào sinh ra tử, cái chết lúc nào cũng cận kề, điều này đã kích động rất lớn tới họ.

Trong lúc tâm lý vô cùng dao động, tình cảm lúc này như nước vỡ bờ, không thể ngăn chặn nổi, cuối cùng trong dòng người đón quân chiến thắng khải hoàn, thấy thấp thoáng bóng dáng của Tào thị.

Sau này, triều đình đoán được tình ý hai người, đã cho phép Trần Hi Lượng ở lại trong kinh thành, chuẩn bị thời gian thích hợp để kết hôn. Nhưng thật không may là thân mẫu của Tào hoàng hậu đột nhiên qua đời, việc hôn sự này lại phải lùi lại hai năm. Mãi đến tháng chạp năm ngoái mới tới thời gian mãn tang, Tào Hoàng hậu và Tào Quốc cữu mới khẩn cấp bắt đầu lo việc hôn sự… Kết quả là tới tháng giêng, Hoàng Thượng lại gặp bạo bệnh, hơn nữa đột nhiên lao ra cửa hoàng cung, nói lớn cho các vị đại thần nghe:
- Hoàng hậu và Trương Mậu Tắc làm phản!

Mặc dù sau này bên quan phủ kiến giải rằng, Hoàng Đế mắc bệnh nên những lời Hoàng Thượng nói là điên khùng. Nhưng những việc trong cung cấm phải giấu kín như bưng, cho nên ở ngoài cung, thật giả thế nào khó bề mà phân biệt. Cũng có rất nhiều người nói, đã là lời nói điên khùng thì Trương Mậu Tắc hà cớ gì phải tự sát? Có thể thấy đó là tin đồn vô căn cứ, không có nguyên nhân.

Nói chung Tào Hoàng hậu cả ngày ngồi khóc, áp lực lên Tào gia cũng là rất lớn, nên việc hôn sự vô cùng gian truân này đành phải gác lại lần nữa…

….

- Mấy năm qua, sinh hoạt của cha đều là do dì Tào chăm sóc.
Nhớ lại thời gian bảy năm qua, Trần Hi Lượng không giấu nổi xúc động nói:
- Cho dù Tào gia kết cục có như thế nào, ta cũng quyết lấy cho được nàng!

Bọn Trần Khác nghe xong đều vỗ tay nhiệt liệt, chúc mừng sau Nhị Lang thì Trần gia lại có một vị thánh tình giáng sinh.

- Nói với các con chuyện này,
Trần Hi Lượng lúng túng nói:
- Là để các con không gây khó cho nàng ấy.

Ba anh em Trần gia cùng lắc đầu:
- Tuyệt đối không làm khó, chỉ cần cha thích…

- Tiểu tử thối…
Trần Hi Lượng cảm thấy mũi mình cay cay, ông cũng vì bốn thằng con trai này, sợ chúng không chịu được tính cách mẹ kế mà hơn mười năm qua không đi bước nữa. Bây giờ ngay cả đứa nhỏ nhất là Lục Lang cũng đã là một chàng thanh niên mười lăm, mười sáu. Bọn nhỏ cũng thông cảm và ủng hộ ông, cũng chính là báo đáp tốt nhất cho người làm cha.

Nói hết từ đầu tới cuối, ông mới nhớ ra:
- Nhưng sao vẫn chưa thấy Lão Tuyền huynh, trong thư Tam Lang chẳng phải có nói, các người cùng đến kinh hay sao?

- Khụ…
Trần Khác ho khan một tiếng, ha ha cười bảo:
- Chúng ta đi xem chỗ ở trước nhé!

- Cũng được.
Trần Hi Lượng liền dẫn họ đi tham quan nhà mới ở kinh thành.

Biện Kinh là thành phố lớn duy nhất trên thế giới, người dân Biện Kinh được hưởng thụ những thuận tiện trước một nghìn năm, nhưng cũng chịu nỗi thống khổ của căn bệnh thành thị trước cả nghìn năm. Cái nơi quái quỷ này quá đông dân. Khi nhà Đại Tống mới xây dựng đất nước, nơi này được thiết kế với sức chứa là 300 nghìn người, nhưng cho đến giờ, kể cả dân bản xứ và dân tứ xứ thì dân số nơi này cũng đã lên tới một triệu năm trăm ngàn người, lớn gấp năm lần so với sức chứa ban đầu được thiết kế, vậy nên cảnh tấc đất tấc vàng ở đây cũng chẳng có gì khó hiểu.

Chuyện mua nhà ở Biện Kinh thì ngay đến trong mơ cũng chẳng dám mơ đến, cho dù là tướng công (chỉ người đọc sách, quân tử,…) thì cũng chủ yếu là đi thuê… Đương nhiên, không phải là các vị tướng công không mua nổi nhà mà là chức vụ của họ thay đổi thường xuyên, chẳng ai biết trước có thể làm quan chốn kinh thành mấy năm, hay mấy năm mới có thể trở về.

Tiền thuê nhà tất nhiên cũng vô cùng đắt đỏ, những người dân bình thường hay những viên quan nhỏ về cơ bản không thể thuê được nhà riêng, tuy vậy cũng không có chuyện phải ngủ ngoài đường. Đó là bởi vì Biện Lương cũng có nhà cho thuê giá rẻ, chỉ cần đến trước cửa một nha môn chuyên về nhà ở cửa hàng, nộp một món tiền thuê… Căn cứ vào kích thước lớn nhỏ của căn nhà mà tiền thuê cao thấp khác nhau, trung bình ước chừng 270 đồng mỗi tháng, chỉ cần một phần mười số tiền mua nhà là có thể thuê được một căn rồi. Nhà tuy nhỏ nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi.

Trước đây Trần Hi Lượng thường thuê một căn nhà để ở, lần này cả nhà chuyển tới Biện Kinh, hơn nữa lại sắp kết hôn, lúc này mới quyết tâm nhờ Tào thị giúp thuê một ngôi nhà lớn hơn. Tào Thị cũng coi nơi này như nhà của mình nên rất quan tâm, cho người tìm kiếm rất lâu mới tìm ra một tứ hợp viện giao thông khá thuận tiện, xung quanh ồn ã nhưng trong nhà lại rất yên tĩnh, có hai lối vào và sân sau.

Trần Hi Lượng nói, ý của Tào thị là để cho họ ở nhà phía sau, nhưng tại sao mấy người Trần Khác lại không hiểu chuyện như thế? Cứ nhất quyết ở tiền viện, có điều chỗ này ắt là chẳng thể nảo bằng được chỗ ở trước đây, tuy vậy thì cũng không hề thiếu phòng. Ở tiền viện, phòng chính có ba gian, phòng hai bên thì có hai gian, sương phòng trái phải cũng có hai gian, còn có ba gian phòng đảo tọa (gian phòng nằm đối lập với phòng chính, lưng ở hướng nam và mặt ở hướng bắc).

Mặc dù Trần Khác giấu đem theo mấy chục nghìn quan tiền vào kinh, nhưng hắn không có phúc nào không được hưởng, cũng không có tội gì không thể gây nên, không cảm thấy chật chội hơn một chút thì có gì không tốt, rất náo nhiệt nữa là đằng khác...

Sau bữa cơm tối, Trần Hi Lượng ra hiệu cho Trần Khác đi theo mình ra phía hậu viện. Im lặng một hồi, Trần Hi Lượng nói:
- Tô bá bá của con giận ta sao?

- Không phải sao?
Trần Khác nhún vai nói:
- Nếu không phải vì con về Tứ Xuyên một chuyến thì cha có tin là tấm bia thứ hai lại được dựng lên không?

- Ôi...
Trần Hi Lượng thở dài nói:
- Ai mà ngờ được...

- Liễu gia có phải là nhà chồng cũ của Tào phu nhân không?
Trần Khác hỏi.

- Ừ, con bé đó là cháu gái của chồng cũ nàng ấy.
Trần Hi Lượng thở dài nói:
- Lúc ấy còn tưởng là chuyện vui, ai ngờ lại thành ra thế này.

- Điều này rất kỳ lạ, nếu như họ đều là người một nhà như lời cha nói thì tại sao không thể thương lượng được?
Trần Khác chau mày nói.

- Sau này mới biết, tính cách của người nhà Liễu gia, có chút... ngang ngược.
Kỳ thật chuyện này Trần Hi Lượng đối với bên kia cũng thực sự khó nói. Ông ta cười khổ nói:
- Có điều vấn đề cũng đã được giải quyết rồi... Cũng may con có thể mời được Âu Dương công, họ không thể không giữ sĩ diện cho ta được.

- Vậy là ổn rồi.
Trần Khác thở phào:
- Cứ nói sớm là được rồi...

- Nhưng có điều, thứ nhất, con phải đến nhà người ta xin lỗi.
Giọng của Trần Hi Lượng mỗi lúc một nhỏ hơn:
- Thứ hai, phải để cho một trong số huynh đệ của con đến đó làm con rể.

- Con khinh, đúng là ngang ngược...
Trần Khác trợn tròn mắt nói.