Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 25: Trời xanh mới biết tấm lòng son



Trời xanh mới biết tấm lòng son

Chuyến đi về Phượng thành lần này, Bách Gia Nô cùng với hai tướng dưới trướng dẫn theo một cánh quân khoảng hai vạn từ Thanh Hóa đi ngược lên.

Bách Gia Nô hết tám phần là tin tưởng vào câu chuyện mà tôi bịa ra, để tôi ngồi trước ngực anh ta trên ngựa. Tôi khó chút khó chịu, hằn học bảo:

- Như thế này Thoát Hoan không xé xác anh ra mới là lạ!

Bách Gia Nô cười hề hề có vẻ không để tâm, đáp:

- Quân lính của ta chỉ toàn là kẻ thô bỉ, ta phải đưa cô an toàn trở về mới dám nhận công chứ!

Mọi chuyện thường không được suôn sẻ như ta suy nghĩ, tôi ngồi trên lưng ngựa suốt nửa ngày đường nhưng vẫn không có cơ hội chạy trốn khỏi ánh mắt như chó săn của Bách Gia Nô. Trừ những lúc đi vệ sinh, còn lại anh ta đều không cho tôi chút cảm giác riêng tư nào cả. Tôi nghĩ nếu như không nể mặt Trà Luân, có khi chút mặt mũi sau cùng của tôi anh ta cũng vứt sạch. Tôi biết người Thát không quan trọng mấy thứ tiểu tiết linh tinh, nhưng như thế này cũng có chút quá đáng rồi.

Đoàn quân đến chân núi, Bách Gia Nô cho dựng trại nghỉ ngơi, tôi nhìn lướt một vòng, trong lòng giống như được khai mở nút thắt. Bèn vờ ôm bụng khóc lóc, Bách Gia Nô trông thấy, cau mày nói:

- Thật phiền phức, cô rốt cuộc muốn gặp lại Trấn Nam Vương hay không đây?

Tôi trừng mắt nhìn anh ta, quát:

- Còn không phải mấy thứ lương khô của người Nguyên các anh hay sao? Bây giờ anh muốn đưa tôi đi hay để tôi giải quyết lại chỗ?

Bách Gia Nô lại càng cau mày chặt hơn, nhưng cuối cùng vẫn phải thỏa hiệp.

Bách Gia Nô đưa tôi đến chỗ vắng người, rồi quay mặt đi chỗ khác. Tôi nhìn gương mặt có chút đỏ lên vì bực tức của anh ta, trong lòng cũng không nỡ. Có lẽ anh ta không hề biết ngày này năm sau chính là ngày giỗ của mình.

Lúc này, giống như Bách Gia Nô đã phát hiện ra điều bất thường, tức khắc quay người lại nhìn tôi. Nhưng từ phía sau tôi, hàng nghìn mũi tên từ triền núi bắn xuống, rẽ gió lao vào người anh ta. Bách Gia Nô phản ứng không tệ, nhưng lần này có vẻ quá bất ngờ, thành ra trên người không ít chỗ bị tên bắn trúng.

Tên đã bắn ra tức sẽ kinh động đến quân Thát, tôi không chút chần chừ lao đến kết thúc mạng sống của anh ta, chỉ nghe Bách Gia Nô hoảng hốt gào lên:

- Cô biết võ? Thì ra cô lừa ta, uổng công ta tin tưởng cô như vậy!

Tôi không trả lời anh ta, tôi cũng không nói với anh ta tôi là kẻ yếu đuối. Tôi bỗng cảm giác mình như một con sói mắt trắng, trong lúc bị giam cầm đói khát thì lừa gạt người cầu cứu, khi đã thoát khỏi cảnh khốn cùng liền trở mặt giết người. Không, chỉ e không chỉ tôi mà kể cả Bách Gia Nô cũng nghĩ như vậy. Nhưng cho dù anh ta có trách tôi, trong cảnh nước mất nhà tan này, dù anh ta có đối với tôi tốt thế nào thì trên thanh kiếm của anh ta vẫn là máu của đồng bào tôi, giết người thì trả mạng, đó là quy luật tất yếu.

Bách Gia Nô chết rồi, quân Thát như rắn mất đầu, cho dù còn lại hai mãnh tướng dưới quyền thì tôi tin chỉ trong chốc lát nữa đây chúng đều phải đền mạng. Tôi vững vàng đứng dậy, Trần Nhật Duật bước ra từ phía sau, nhỏ giọng hỏi:

- Ta có đến muộn không?

- Vừa kịp lúc! – Tôi đáp.

Trần Quốc Toản cũng hào hứng hỏi tôi:

- Chị phát hiện ra bọn tôi lúc nào vậy?

Tôi nhếch môi:

- Tác phong của Hoài Văn quân tôi còn không rõ hay sao? Chỉ lừa được bọn người Thát quen sống nơi đại mạc, làm sao qua mắt được tôi!

Thật ra hướng Bách Gia Nô đến vùng núi cao này là do tôi trong lúc trò chuyện cùng anh ta vờ như vô ý thốt ra. Mặc dù không trực tiếp nhưng nó cũng vô tình ăn vào tiềm thức dẫn đến những phán đoán sai lệnh. Trên con đường đến đây, tôi đã nhìn thấy những ký kiệu mà Trần Quốc Toản để lại, và theo phán đoán có lẽ họ sẽ bí mật đóng quân trong vùng núi này. Đến nơi quả nhiên thấy Trần Nhật Duật đã mai phục bên triền núi.

Tôi nhớ mới năm nào tôi và Trần Nhật Duật lần đầu gặp nhau, anh ta đứng tựa vào gốc hoa sữa, toát ra vẻ đẹp không nhiễm bụi trần, hôm nay lại thành một vị mãnh tướng chém giết không ghê tay. Còn Trần Quốc Toản kiêu căng ngạo mạn của lúc trước, ánh mắt đã điềm tĩnh hơn nhiều, xông vào giữa hiểm nguy mà không hề nao núng. Cứ thế, chỉ chưa tới một vạn quân, chúng tôi đã giết được hơn hai vạn quân đã gần như suy kiệt của Bách Gia Nô, trong khi tổn thất của quân ta chưa tới một nghìn.

Gió núi gào thét dữ tợn như tiếng loài ma quỷ kêu khóc, tôi đứng giữa cuộc chiến tàn, nhìn lớp lớp xác người la liệt chất cao như núi, từng mảnh cơ thể văng tung toé chẳng rõ là của ai, trong lòng bỗng dâng lên nổi thê lương vô hạn. Từ khi cuộc chiến xảy ra, đây có lẽ là lần đầu tiên tôi đánh thắng một trận chiến, nhưng chẳng thể cảm thấy vui mừng, bởi trên tay mình là máu của vô số sinh linh, có kẻ giết người như ngoé, cũng có kẻ chưa từng hại ai. Hơn hết, lẫn lộn trong đám người Thát, là sinh mạng của biết bao đồng đội đã cùng tôi vào sinh ra tử, họ hi sinh vì vinh quang của gia tộc tôi và yên bình của cha mẹ, vợ con họ.

Trước mắt nhoè đi, tôi giơ bàn tay đầy máu ra xem, hoá ra tôi đã rơi nước mắt tự bao giờ. Trần Nhật Duật bước đến bên cạnh tôi, bấc đắc dĩ nói:

- Lần đầu tiên ta thấy có kẻ khóc trên chiến trường vì thắng cuộc!

Tôi nhìn gương mặt đầy máu của anh ta, cười nói:

- Chúng ta thắng rồi!

Trần Nhật Duật gật đầu, nở một nụ cười hiếm hoi.

Chúng tôi cho quân lính thu dọn tàn cuộc, rồi cùng trở về doanh trướng ở triền núi bên kia. Trong lúc chúng tôi đang ngập trong niềm vui chiến thắng, tôi bỗng thấy bóng dáng thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi từ đằng xa cưỡi ngựa tới, gặp tôi, ánh mắt nó toát lên vẻ vui mừng, rồi lại kính cẩn xuống ngựa cúi đầu tâu với Trần Nhật Duật:

- Thưa thầy, Chiêu Minh Vương cho người tới báo, mau lập tức trở về Thiên Trường, chuẩn bị lên thuyền rút quân về Tam Trĩ Nguyên!

- Cái gì? Mấy hôm nay đã xảy ra chuyện gì thế, đại quân của quan gia thất bại rồi sao?

Tôi hốt hoảng nhìn xoáy vào Trần Nhật Duật, những ngày bị giam cầm bởi bọn Trần Kiện, tôi như bị bịt chặt tai mắt, nhưng chỉ mới vài ngày ngắn ngủi, chẳng lẽ cơ sự lại xảy ra nhanh như vậy ư?

Trần Nhật Duật gật đầu, bắt đầu kể với tôi mọi chuyện từ ngày tôi cùng Trần Quốc Toản đuổi theo đám người Trần Kiện. Thực tế thì lúc tôi vừa đi không lâu, Trần Nhật Duật đã được cử tới vùng Bố Chính đón đánh Toa Đô. Sau đấy Trần Khâm từ Thiên Trường đánh ra kinh thành, đến Thiên Mạc thì đụng trận lớn với quân Thát ở khúc sông Đại Hoàng. Có vẻ như những ngày dưỡng sức là quá đủ với Thoát Hoan, quân của Trần Khâm vừa đánh ra, liền bị bọn chúng chờ đợi tấn công như vũ bão. Bất đắc dĩ, để bảo toàn quân số, Trần Khâm phải cho quân rút trở lại Thiên Trường, ngay cả cha tôi ở Vạn Kiếp khi hay tin Trần Khâm thua trận cũng phải bỏ Vạn Kiếp để về tiếp viện.

Và trong khi tôi chuẩn bị lên đường ra kinh thành với Bách Gia Nô để hội quân với Thoát Hoan, thì chính Thoát Hoan lại kéo quân trở vào để truy đuổi Trần Khâm gắt gao. Đại quân còn lại của Toa Đô trên đường tiến quân ra Bắc cũng tham gia cuộc càn quét. Phải nói tình thế của Trần Khâm lúc đấy giống như ngàn cân treo sợi tóc, tôi chỉ nghe qua đã thấy toát cả mồ hôi. Lúc này Mạc Đĩnh Chi đã ngừng câu chuyện, tôi nhìn thằng bé, thúc giục nó mau kể tiếp.

Mạc Đĩnh Chi liếc mắt nhìn Trần Nhật Duật, thấy anh ta không có vẻ phản đối, mới trầm ngâm nói tiếp:

- Trong lúc hiểm nguy đó thì công chúa út xin tự mình mang cống cho Thoát Hoan để tìm kế hoãn binh ạ!

Thanh kiếm trong tay tôi bất giác rơi xuống đất "keng" một tiếng, tôi cảm thấy trời đất như quay cuồng, hai bên tai ù lên và cảm giác khô khốc trong cổ họng. Tôi nắm chặt hai vai của Mạc Đĩnh Chi, bàng hoàng hỏi:

- Công chúa út là ai, cô ấy tên gì thế?

Trần Nhật Duật giữ lấy cổ tay tôi lại, cảm giác đau đớn truyền đến khiến tôi hoàng hồn. Lúc này lời nói của Trần Nhật Duật như sấm động bên tai:

- Chính là An Tư, em gái út của ta!

Lồng ngực tôi nghẹn như không thể thở nổi, chẳng hiểu vì cớ gì mà cô nhóc ấy lại muốn làm ra loại chuyện điên rồ này. Không biết có thực sự cứu vãn được không, nhưng sự hy sinh này được đánh đổi bởi hạnh phúc cả đời, thậm chí là cả tính mạng của cô ấy. Tôi trăn trối nhìn Trần Nhật Duật, chợt nhớ ra một chuyện, vội hỏi:

- Vậy Chiêu Thành Vương, Chiêu Thành Vương chú ta có phản đối không?

Tôi nghe tiếng Trần Nhật Duật thở dài:

- Anh ta là kẻ tán thành đầu tiên!

Tôi xiết chặt nắm đấm, gằn giọng:

- Cô ấy đi lúc nào?

Trần Nhật Duật không giấu diếm tôi, nhẹ giọng nói:

- Sáng nay, theo tiến độ có lẽ sáng mai sẽ tới trại địch.

Tôi nhặt lấy thanh kiếm rồi nhoài người lên chiến mã, Trần Quốc Toản giữ cương ngựa của tôi, cáu gắt:

- Chị định làm gì, bọn tôi rất khó khăn mới cứu được chị khỏi hang hùm, nay chị định tự nộp mạng mình cho loài lang sói nữa hay sao? Cô An Tư đã rất gần doanh trại địch rồi, chị đừng làm chuyện ngu ngốc nữa!

Tôi gạt tay cậu ta ra mãi mà không được, bàn tay Trần Quốc Toản lúc này nặng tựa Thái Sơn, tôi cũng bất ngờ khi cậu nhóc này lại có sức lực lớn như vậy.

Trần Nhật Duật xách cổ áo Trần Quốc Toản lên, lạnh nhạt nói:

- Để cô ấy đi đi, cậu không cản được đâu! – Lại quay sang tôi dặn – Trễ nhất là trưa mai, tất cả lực lượng sẽ tụ về cửa Giao Hải, ta hy vọng cô về kịp!

Tôi ghìm cương ngựa, quay đầu nói với Trần Nhật Duật:



- Yên tâm, tôi sẽ không trở thành gánh nặng của mọi người đâu!

Tôi xé gió lao đi giữa đại ngàn hùng vĩ, để lại phía sau tiếng chúc bình an của Mạc Đĩnh Chi và lời dặn dò của Trần Quốc Toản, cùng lớp lớp quân binh đang thu dọn chiến trường trở về nơi vua.

Tôi ngồi trên lưng ngựa phi nước đại, dù ánh mắt nhìn mọi thứ rất rõ ràng nhưng trong lòng cảm thấy thật mê man. Tại sao An Tư lại quyết định làm chuyện thừa thãi như thế, không phải cô ấy không biết chuyện của Thoát Hoan và tôi, cho dù cố tình không muốn biết, nhưng Trần Khâm, anh cũng không phản đối gì hay sao? Hay bọn họ nghĩ với khả năng của An Tư, cô ấy có thể làm chậm tiến độ bám sát của địch, hay xoay chuyển được Thoát Hoan. Tôi càng nghĩ càng không hiểu, có thể đây đã là đối sách cuối cùng trong lúc nguy cấp rồi.

Kể cả Chiêu Thành Vương cũng là kẻ tán thành đầu tiên, tại sao lại có sự ngược đời như thế? Tôi càng nghĩ càng không hiểu, nên định bụng tìm gặp An Tư hỏi cho rõ ràng một lần, nếu như có ai dám ép buộc cô ấy, dù thế nào tôi cũng phải cứu cô ấy trở về, đáng lẽ ra khi đã rơi vào tình huống nguy cấp cuối cùng, thì kẻ nên đi phải là tôi.

Tôi cưỡi ngựa không ngừng nghỉ, cho đến khi tiếp cận được doanh trại nghi là đoàn đưa dâu thì sương đêm đã xuống lạnh hai vai. Tôi nhìn ánh đuốc lập lòe bên kia sông, đoán rằng có lẽ doanh trại địch đã ở ngay bên ấy. Cũng may An Tư chưa qua sông, nếu không ngay cả một cơ hội cuối cùng để hỏi cho rõ ràng tôi cũng không thể làm được. Chẳng biết lúc này cô ấy nghĩ gì, có hối hận không khi trước mặt là quân thù, còn sau lưng là cả giang sơn gấm vóc.

Tôi nhẹ nhàng bước tới gần doanh trướng, quan sát kỹ một vòng thấy không có người Thát mới lách mình bước vào. Gió đêm theo kẽ hở tôi mở ra khẽ lùa vào, An Tư đang ngồi xoay lưng về phía tôi, chiếc lược ngà vẫn còn giữ trên mái tóc dài như thác đổ. An Tư chỉ mới là cô gái mười tám tuổi, cuộc đời tươi đẹp chỉ mới mở ra trước mắt cô ấy, vậy mà chỉ trong đêm nay mọi thứ đã đổ sụp rồi. Tôi bỗng nhớ tới lần đầu tiên tôi gặp An Tư, cô gái nhỏ bé như một búp sen xinh còn chưa hé nụ, cô ấy ngồi trên con thuyền tròng trành giữa hồ sen xanh, cùng Chiêu Thành Vương cười đùa như một bức tranh tuyệt sắc. Vậy mà giờ đây..

Cô gái bé nhỏ tiều tụy này, tôi chẳng thể thấy được nét ngây thơ tinh nghịch của ngày xưa nữa.

Như nghe được tiếng bước chân, An Tư từ phía trước nói vọng tới:

- Chàng đã đi rồi sao?

Trong lòng tôi kinh ngạc, hoá ra đã có người đến đây trước tôi. Có lẽ, đó chính là Chiêu Thành vương tôi vừa nghĩ tới.

Thấy tôi không trả lời, An Tư quay đầu lại. Nhìn thấy tôi, ánh mắt An Tư bỗng bàng hoàng, sau đấy lại cười tự giễu:

- Hôm nay khách đến thăm hết người này tới người khác.

Tôi không đáp câu nói của cô ấy, trực tiếp bước tới bên cạnh hỏi:

- Rốt cuộc mọi chuyện là như thế nào?

An Tư quay mặt đi, lạnh nhạt đáp:

- Như cô thấy đó, tôi sắp gả cho Thoát Hoan, à không, phải nói là cống nạp chứ.

- Tôi muốn biết nguyên nhân! – Tôi quát.

An Tư liếc tôi một cái, lại xoay người ngồi xuống ghế nhỏ. Tôi nhìn cô ấy tính tình vừa trầm tĩnh vừa lạnh nhạt, hoàn toàn không thể nhìn ra được dáng vẻ năm xưa, trong lòng bỗng thấy mất mát. Tôi nhanh chân bước đến trước mặt An Tư, tay nắm chặt hai vai cô ấy, không kiềm chế được giọng điệu tức giận:

- Là ai ép cô phải đi hoà thân? Là Thượng hoàng, Trần Khâm, hay là các bô lão? Hay là Chiêu Thành Vương?

An Tư trừng mắt nhìn tôi, lập tức đáp:

- Không ai cả, là tôi tự nguyện.

- Không, chẳng ai ngu ngốc đi làm chuyện đó cả, cô có biết hậu quả của việc đó hay không?

Tôi không thể tin nhìn An Tư, cái tôi muốn không phải là câu trả lời này. Nhưng cái tôi muốn nghe là gì chứ, là một lời phủ nhận, rồi sau đó tôi sẽ mắc tội khi quân cứu cô ấy trở về hay sao?

An Tư thở hắt ra, giống như sợ tôi sẽ thật sự làm những việc trái đạo đó, bèn chậm rãi nói:

- Ngoài là bạn của cô, là người trong lòng của Trần Thông, tôi còn là công chúa của triều đại này. Nhìn thấy quân binh đầu rơi máu đổ, lòng tôi cũng đau đớn khôn cùng, tôi không thể ích kỷ chỉ nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình được. Cô có thể cầm quân ra trận giết giặc, tôi cũng phải làm gì có ích cho non sông đúng không?

Tôi thấy cổ họng mình nghèn nghẹn, khó khăn lắm mới cất được giọng đáp lời An Tư:

- Nhưng cũng không cần phải hy sinh thân mình như thế. Chưa chắc Thoát Hoan anh ta sẽ...

- Tôi biết Thoát Hoan luôn mang cố chấp với cô, nhưng cũng vì lẽ đó mà tôi mới phải đưa ra quyết định này. Tĩnh à, đám người đó đã bắt đầu đánh chủ ý lên cô rồi, nếu tôi không đi, thì một ngày nào đó sẽ là cô. Tôi không muốn tên Thoát Hoan đó đạt thành tâm nguyện, cũng không muốn cháu mình kẻ thì mất vợ, kẻ thì mất mẹ đâu. Hơn nữa, nhìn thấy toàn quân ta bị bao vây giữa vòng vây của địch, tôi bỗng nhận ra sứ mệnh của mình với đất nước này.

Tôi lại không kìm được mình rơi nước mắt. Cô gái nhỏ này đến mạng mình còn giữ không nổi, lại muốn gánh vác hết những trọng trách to lớn trên vai. Mà tôi, dù ở ngay bên cạnh vẫn không thể ngăn nổi quyết tâm như thuỷ triều dâng cao trên biển. Thì ra tôi mới là kẻ được người khác dùng tính mạng để bảo vệ.

Tiếng nấc nghẹn còn chưa cất lên, phía bên ngoài đã vang lên tiếng chém giết, người lính gác rên lên một tiếng rồi im bặt, chỉ còn đọng lại trong không khí lơ đãng thứ âm thanh quái dị. Có tiếng nội hầu hét lên:

- Không được vô lễ, đây là xa giá của công chúa!

Một giọng nói ngang tàng rít lên trong đêm:

- Trấn Nam Vương đến xem mặt vợ sắp cưới, kẻ nào dám cản?

Tôi và An Tư nhìn nhau, cô ấy còn phản ứng nhanh hơn cả tôi, lập tức đẩy tôi ra khỏi doanh trướng. Tôi lách người theo hướng ban nãy mình lén lút đi vào, vừa kịp thời tránh được ánh mắt của Thoát Hoan. Tôi bỗng thấy mỉa mai, tại sao tôi lại phải hèn kém sợ hãi một người đàn ông như thế chứ? Thoát Hoan, một ngày nào đó đứng trước anh, tôi sẽ thẳng thừng đối diện như hai kẻ tử thù, chỉ mũi kiếm vào trước ngực anh mà không chút nào nao núng.

- Ngẩng mặt lên! – Thanh âm quen thuộc của Thoát Hoan vang lên trong trướng, như xuyên qua trái tim tôi.

Tôi nghe tiếng An Tư cất lên, có chút đè nén:

- Chúng ta chưa thành hôn, ngài làm vậy e....

Thoát Hoan không đáp lời An Tư mà tỏ ra thất vọng nói:

- Gấp rút chạy đến đây, cứ tưởng là em ấy, hoá ra không phải.

Nghe anh ta nhắc đến mình, trái tim trong lồng ngực tôi đập như trống trận. Từ trước đến nay Thoát Hoan là người đầu tiên, cũng là người duy nhất khiến tôi phải sợ hãi như thế, dù anh ta chưa lần nào tổn hại đến tôi.

Giọng An Tư lại đanh thép vang lên trong doanh trướng:

- Nếu đã không phải người mà ngài muốn tìm, thì mong ngài rời khỏi. Ngày mai sứ thần sẽ đưa tôi sang đấy!

- Nếu là kẻ thay thế em ấy đến làm vợ ta, thì cũng nên tỏ ra biết điều. Em ấy đã không ngoan ngoãn, kể cả cô cung không ngoan ngoãn hay sao?

Thật ra ngày trước Thoát Hoan cũng không phải kẻ đê hèn và khát máu như thế, nhưng có lẽ một phần do hoàn cảnh quá khắc nghiệt với anh ta, một phần cũng do tôi mà hôm nay khi gặp lại, tôi đã không còn nhận ra Sở Quân của ngày xưa nữa. Mà có lẽ ngay từ đầu Sở Quân là Sở Quân, còn Thoát Hoan là một kẻ nào đó xa lạ mà tôi không hề quen biết. Tôi đứng như chôn chân bên ngoài doanh trướng, bịt chặt lấy hai tai, đôi mắt nhắm nghiền. Lúc này đây tôi ước mình có thể mắt mù tai điếc, để những chuyện trái tai gai mắt đang xảy ra ngoài kia đừng làm cho ruột gan tôi phải thắt lại như thế nữa.

Không biết gió thét mưa gào đã qua bao lâu, tôi nghe "xoạch" một tiếng, An Tư đã đứng trước tôi, vai áo bị kéo lệch về một bên đầy những vết bầm tím, khoé môi vẫn còn vệt máu đọng. Tôi ôm chặt lấy cô ấy nấc nghẹn, An Tư vỗ vai an ủi tôi. Thật kỳ lạ, một kẻ đang tổn thương lại còn có thể xoa dịu trái tim của kẻ khác.

An Tư lau nước mắt trên mặt tôi, thoắt cái đã như già đi chục tuổi. Tôi biết hôm nay cô ấy không khóc không kêu, có lẽ là vì kể từ đây về sau, ngày nào cũng sẽ tăm tối và đau khổ như đêm nay vậy.

- Cô đi mau đi, còn chần chừ nữa sẽ không kịp! – An Tư nói xong thì dúi vào tay tôi mấy miếng chè lam. – Có đói thì ăn lót dạ, tôi chỉ đem theo mấy thứ này để bớt nhớ nhà, nhưng thôi, có lẽ ngày mai phải theo phong tục của người Thát rồi. Nhưng cô yên tâm, tôi sẽ làm tròn sứ mệnh.

Tôi run run nhận lấy, trước mắt chỉ thấy mờ mịt một mảng, cả người mệt mỏi đến mất đi tri giác. An Tư dìu tôi lên ngựa, lại dặn dò:

- Đừng trách Trần Thông, là tôi ép chàng phải làm như thế!

Tôi gật đầu, sửa lại bả vai áo bị lệch của An Tư, nói lời tạm biệt rồi dong ngựa rời khỏi. Kể từ đây kẻ nam người bắc, ở phương trời xa lạ chỉ mong cô ấy bình yên một đời.

Tôi mang nỗi niềm ấy lên đường, không biết bao lần vì mệt mỏi mà muốn ngã xuống từ trên lưng ngựa, nhưng chính ánh mắt của An Tư khiến tôi lấy lại được quyết tâm. Cô ấy đã hi sinh vì tôi, tôi cũng không thể phụ lòng cô ấy được. Trăng đêm nay sáng quá, soi rõ con đường trước mặt, và cả con đường mù mịt trong tim tôi.

Tôi cũng không nhớ làm cách nào mình có thể đến được cửa Giao Hải, nhưng hiện tại trước mắt tôi là một đoàn thuyền chiến nằm kiêu dũng như những con thủy quái khổng lồ nằm đợi lệnh. Tôi run rẩy bước xuống ngựa, Trần Khâm đã đỡ lấy tay tôi, ánh mắt anh vẫn như ngày đầu nhìn tôi đầy ánh rạng rỡ của niềm tự hào. Tôi phải bám chặt vào cánh tay Trần Khâm mới có thể đứng vững, cổ họng tôi khô khốc, khẽ cất lời:

- Để chàng phải lo lắng rồi.

Trần Khâm chạm tay vào gò má tôi, nhu tình nói:

- Em làm ta sốt ruột quá!

Tôi nở nụ cười với anh, giống như con thuyền lênh đênh trên biển bao phen gặp phải gió mưa bão táp, cuối cùng cũng gặp lại bến bờ. Dù có đi xa cách mấy thì trong lòng tôi luôn đinh ninh rằng Trần Khâm vẫn luôn ở đó chờ tôi.

Tôi bước lên thuyền chiến, chị Anh Nguyên đứng ở một con thuyền khác vẫy tay với tôi. Trong vô thức tầm mắt tôi thu được bóng dáng của tất cả những con người thân thuộc, cho dù hôm nay quan quân phải lên thuyền thoái lui, nhưng tôi nhìn thấy được một ngày không xa, kẻ thù sẽ bị đánh đuổi khỏi đất nước. Vì trên mảnh đất này người tài nhiều vô số kể, họ đang đứng ngay trước mắt tôi.



Khi đã lên thuyền rút về Tam Trĩ Nguyên, tôi mới hay tin rất nhiều quý tộc đã nối gót Trần Kiện Trần Lộng theo hàng quân Thát lúc Trần Khâm bị yếu thế và rút quân về Thiên Trường trong cuộc đụng độ ở Thiên Mạc, trong đó có cả Trần Ích Tắc. Lúc nghe tin, thậm chí tôi phải hỏi lại vài ba lần vì sợ mình nghe lầm, trong ký ức của tôi, Trần Ích Tắc là một người có dung mạo lẫn khí chất đều trác tuyệt, anh ta điềm tĩnh và nổi danh là tài cao, học rộng hiểu nhiều, không phải là kẻ ham cái lợi trước mắt, chỉ tiếc tham vọng quá lớn. Nhưng chẳng lẽ vì chút tham vọng đó mà anh ta lại làm chuyện bán nước cầu vinh hay sao?

Mạc Đĩnh Chi liên tục lắc đầu với tôi:

- Chị phải tin thầy Năm, em ở cùng thầy ấy bấy lâu nay, thầy ấy là một người luôn đau đáu nỗi niềm yêu nước.

Tôi tin thì cũng được ích gì, chẳng thể thay đổi được việc anh ta đã hàng giặc. Tôi chống cằm, cảm thán:

- Có hai lý do khi thầy Năm của em hàng giặc, thứ nhất là anh ta chỉ giả vờ trung quân ái quốc, thực tế là kẻ vì lòng tham mà bất chấp tất cả. Thứ hai là lòng yêu nước của anh ta không đủ vượt qua nỗi sợ hãi, nên kết cục phải hàng giặc trước để giảm nhẹ nỗi đau xác thịt khi quân ta thất bại.

Tôi nhìn ánh mắt Mạc Đĩnh Chi long lên, ây cha, mấy lời của tôi vô tình làm em ấy kích động rồi. Trong lúc tôi đang không biết làm sao để xoa dịu em ấy thì Trần Nhật Duật lên tiếng:

- Còn một lý do thứ ba nữa là anh ấy muốn sang đấy để làm nội gián cho ta, ngươi có nghe qua câu không vào hang cọp sao bắt được cọp chưa? Người kiêu hãnh như anh ấy không thể nào làm ra loại chuyện hèn kém ấy được.

Tôi thấy Mạc Đĩnh Chi lại dùng ánh mắt kích động nhìn Trần Nhật Duật, đứa nhóc này lại để mọi loại cảm xúc trưng bày ngay trên mặt thế kia. Tôi liếc Trần Nhật Duật, lơ đễnh nói:

- Cái này phải đợi xem thế nào rồi!

Trần Nhật Duật không buồn trả lời tôi mà tập trung nhắm mắt dưỡng thần, có vẻ mấy hôm nay anh ta khá là căng thẳng. Thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi vẫn còn không cam tâm, ánh mắt nhìn tôi giống như muốn nói mà không dám nói, tôi cười cười nhìn nó, đôi lúc người ta phải nhìn vào sự thật chứ không phải phán đoán.

Lúc này Trần Khâm bỗng bước vào khoang thuyền, nhỏ giọng bảo tôi:

- Lần này em sai rồi, chú năm thật sự là gián điệp mà ta cài vào đấy!

Trần Khâm nói xong, bèn đưa cho Mạc Đĩnh Chi một bức thư còn chưa bóc. Có vẻ đây là thứ mà Trần Ích Tắc để lại riêng cho em ấy. Mạc Đĩnh Chi vừa cúi người nhận thư, đã lập tức mở ra, đọc xong bèn ôm mặt khóc nức nở. Tôi có chút tò mò, Mạc Đĩnh Chi đã đưa thư cho tôi, trên thư viết:

"Đương niên trượng nghĩa xuất Nam bang,

Cảnh cảnh đan trung đối bi thương.

Bất vị Văn Công đào Tấn nạn,

Thử ky Vi Tử kế Ân vương.

Cơ cừu vị mẫn tiên nhân chí,

Giản sách ưng lưu vạn cổ phương.

Hoàn vũ xa thư hội đồng nhật,

Cố gia tông tự Việt sơn trường."

***

(Trọng nghĩa, nên ta rời Đại Việt,

Trời xanh mới biết tấm lòng son.

Chẳng phải Văn Công rời Tấn quốc,

Mà như Vi Tử muốn Ân còn.

Chí nối nghiệp xưa luôn tạc dạ,

Tiếng thơm truyền mãi sử không mòn.

Một mai thống nhất giang sơn ấy,

Dòng dõi cha ông vững Việt non.)

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Tôi đọc xong thì thở dài một tiếng, bỗng thấy Trần Nhật Duật nhướng mày nhìn mình, bộ dạng có chút hả hê. Tôi cười trừ với anh ta, Trần Ích Tắc cũng chỉ gửi thư lại cho Mạc Đĩnh Chi chứ nào phải anh ta, anh ta hả hê cái gì?

Lần này tuy tôi nghĩ không đúng, nhưng cũng tự cảm thấy an ủi, dù sao thêm một đồng minh tốt hơn thêm một kẻ địch. Trần Ích Tắc tuy là cùng đường nhưng vẫn có thể lập công, tôi bỗng giật mình hốt hoảng, có khi nào tất cả mọi chuyện từ tạo phản đến việc bị cách chức, và cuối cùng là hàng giặc hôm nay đều nằm trong dự tính của anh ta hay không? Từ xưa đến nay ngai vàng đều trao cho ngôi đích, anh ta là thứ, vốn không có hi vọng nên cũng không cần thiết phải ôm giấc mộng hão huyền này, huống hồ Trần Ích Tắc là một kẻ vô cùng tỉnh táo.

Nếu là ai tôi còn có thể không tưởng tượng ra, nhưng với kẻ tài năng bậc nhất như Trần Ích Tắc thì có thể lắm.

Tôi vô thức nhìn Trần Nhật Duật, thấy anh ta cũng có vẻ mặt tương tự như tôi. Lần này nói không chừng mấy người chúng tôi hiểu lầm người ấy hết rồi. Tôi nhận ra giữa trời đất này, mình vẫn còn nhỏ bé lắm.

Trong lúc này có tin Trần Ích Tắc đã được phong làm An Nam Quốc Vương, Trần Khâm vẫn hay đùa rằng: "nếu như chú ấy mang thân phận đích xuất, thì lên làm vua cũng không ngoa, thật là một trời một vực với Trần Di Ái. Người như vậy mới có tư cách ngồi ngang hàng với ta".

Tôi cảm thấy chung quy là do anh ta biết Trần Ích Tắc là đồng minh với mình. Nếu như Trần Ích Tắc thật sự hàng giặc, đối với Đại Việt ta đúng là một mối nguy lớn.

Khoảng thời gian này khá là nhẹ nhàng với đội quân của chúng tôi. Trong khi Thoát Hoan đang lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẹp ở Thiên Trường thì chúng tôi đã đi ngược ra tới Tam Trĩ Nguyên. Lệnh của cha tôi là ém quân không giao chiến khiến chúng rơi vào trạng thái mất phương hướng, đợi thời cơ chín muồi. Mấy lần vồ hụt vào khoảng không, e là sự kiên nhẫn của Thoát Hoan cũng ngày càng không giữ được. Không biết khi phát hiện ra lần đó tôi chỉ đứng cách anh ta một lớp vải, anh ta sẽ cảm thấy thế nào nhỉ? Trong lòng tôi bỗng bật cười, nhiều khi hiện giờ Thoát Hoan đang đau đầu vì đám quân đói của Toa Đô, làm gì có tâm trạng để nhớ đến tôi chứ.

Còn An Tư, không biết cô ấy ra sao rồi. Hi vọng Trần Ích Tắc có thể để mắt tới cô gái nhỏ đó.

Một buổi sáng tháng ba trời còn lành lạnh, tôi đứng tựa vào lan can trên thuyền chiến nhìn đại quân tập trận, bỗng thèm một tách trà sen đắng đến nao lòng, dù cái đắng đó làm tôi phải tê đầu lưỡi, và trước đây tôi cũng khó hiểu tại sao Trần Khâm lại rất ưa vị đắng của trà sen. Mãi đến sau này khi đã nhớ ra mọi thứ, tôi mới hiểu hoá ra không phải Trần Khâm thích trà sen, cái anh ta thích là mùi vị của ký ức. Tôi bỗng nhiên cảm giác như mình bị phản bội, dù người trong ký ức của anh ấy vẫn là một mình tôi, thật kỳ quái khi tự ghen với chính mình.

Quốc Chẩn và nhóc Thuyên vẫn còn ngủ say, mấy tháng này chúng nó đã quen với cuộc sống rày đây mai đó, cũng chẳng còn những lúc quấy phá đòi ăn hay đòi ngủ chăn ấm nệm êm như thuở còn sống trong Cấm thành, chúng nó học được cách im lặng khi có nguy hiểm. Thuyên nhi hiện tại đã biết cầm kiếm múa quyền, thuộc lào binh pháp và thi thư, nhưng bản tính ham chơi vạn năm không đổi. Bởi thế đến hiện tại nó vẫn chưa được tấn phong thành Hoàng thái tử. Tôi hay trêu đùa nó, nếu cứ mãi như thế thì chẳng thể nào mà lấy được vợ mất. Trần Thuyên gãi đầu, bảo rằng đương không rước về một bà mẹ trẻ làm gì, bản thân nó có hai người mẹ đã là quá đủ. Tôi choáng váng, chẳng biết thằng bé này giống ai đây.

Tôi đang nghĩ ngợi thì vô thức trông thấy chị Thuỵ Hữu và anh Quốc Uất ở chiến thuyền bên kia, trông có vẻ như người đuổi ta chạy, nhưng lần này ngược lại là anh tôi đang chủ động đuổi theo. Trần Kiện đã hàng giặc, Tĩnh Quốc Vương cũng không thể nói được gì, nhưng hiện tại thứ cần phải vượt qua là bóng ma trong lòng chị Thụy Hữu. Là một người phụ nữ, tôi cũng hiểu được gút mắt trong lòng chị khó chấp nhận như thế nào, cho dù có một người đàn ông cam tâm tình nguyện ở bên cạnh, nhưng làm sao biết được một ngày nào đó anh ta có dùng những thứ đó để quay ngược lại tổn thương mình không? Hơn hết là nỗi ghét bỏ bản thân của chính mình.

Tôi bật cười cảm thán:

- Đúng là quả báo không chừa một ai!

Trần Khâm đã đến bên cạnh tôi từ lúc nào, anh khoanh tay đứng ở đối diện nhìn tôi cười bảo:

- Đúng vậy, đâu ai ngờ ta lại yêu cô bé hay bắt nạt ta kia chứ!

Tôi thoáng đỏ mặt, nhìn chóp mũi cao cao của anh ở ngay phía trước mình, trong cái tiết trời cuối tháng ba tôi thấy mồ hôi của anh thấm qua lớp áo bào, mấy sợi tóc lòa xòa trước trán, trên cằm cũng lúng phúng râu. Ở cạnh nhau từ tấm bé, đến hôm nay tôi mới nhìn thấy được dáng vẻ thành thục của anh, mà cũng có lẽ do hình ảnh của chàng trai bị tôi bắt nạt luôn ăn sâu trong ký ức, nên cho dù anh đã là một bậc quân vương trầm ổn cơ trí, một vòng tay bao trọn lấy tôi, nhưng tôi vẫn chưa bỏ được thói quen muốn bảo bọc lấy anh như lúc đầu.

Gió biển tạt vào mặt tôi có chút bỏng rát, tôi bỗng nhớ tới cơn gió mùa hạ dịu nhẹ lướt qua vùng sen trên hồ Thủy Tinh. Rời xa Phượng thành bấy lâu trong lòng cũng có chút hoài niệm, hóa ra dù không phải quê hương, chỉ cần có những kỷ niệm đẹp thì cũng khiến ta xao xuyến nhớ về. Đoạn tình cảm của tôi và Trần Khâm cũng bắt đầu tại nơi đó.

Lần đầu tiên gặp Trần Khâm, sen nở rộ trước giờ chưa từng có, hồ Thuỷ Tinh ngập trong sắc hồng của sen. Thuở ấy anh vẫn còn là hoàng tử, cả Thượng hoàng và Tiên đế đều hết mực thương yêu, cả hoàng cung này chẳng ai dám bất kính với anh dù chỉ trong một cái liếc mắt. Vậy mà chỉ có tôi là dám ăn gan hùm mật gấu, loại người thuộc dạng con cưng của trời như Trần Khâm mà tôi cũng dám động vào.

Nhưng lần đó qua lời của Quốc Hiện tôi mới biết được, hoá ra Trần Khâm chỉ chịu yếu thế trước một mình tôi, chứ không phải là tôi tài cán đến mức khiến anh ta chịu quy phục. Từ lúc tôi trở về lại nơi này gặp lại Trần Khâm, tôi mới biết được con người thật của anh, vậy ra ngay từ đầu chính tôi là thóc, còn anh ta mới là gà.

Tôi nhếch môi với anh ta:

- Em cũng không ngờ kẻ ranh ma như chàng lại để em bắt nạt!

Trần Khâm giả vờ ho mấy tiếng quay mặt đi, trên đôi má có chút phớt hồng như màu của cánh sen trong hồ Thuỷ Tinh. Hiếm thấy lúc anh ta không được tự nhiên như thế, tôi bỗng bật cười. Đời này được nhìn thấy cảnh vật như vậy, giống như thấy được cảnh tuyệt sắc nhân gian.

Những ngày gần đây tuy toàn quân áng binh bất động, nhưng Trần Khánh Dư lại là kẻ bận rộn nhất trong số chúng tôi. Anh ta giữ nhiệm vụ lái thuyền ngự bỏ trống đi ngược lên phía bắc ra cửa biển Ngọc Sơn để đánh lừa quân Nguyên. Về vấn đề này thì tôi tin tưởng Trần Khánh Dư hoàn toàn, trước đây đã có lần tôi và Trần Khâm đã chứng kiến khả năng lái thuyền của anh ta, nói về việc quân thì tôi không biết, nhưng nói về lái tàu thuyền, thì anh ta tự nhận thứ hai không ai dám đứng nhất.

Trong suốt mười ngày, rốt cuộc Thoát Hoan đã đánh hơi thấy dấu vết của quan quân ta, không ngoài dự liệu, anh ta đã trúng phải kế nghi binh của cha tôi khi cho toàn bộ thuỷ quân đuổi theo đoàn thuyền trống của Trần Khánh Dư ở cửa biển Ngọc Sơn. Trong lúc Trần Khánh Dư chơi trò chơi tốc độ với thuỷ quân của Thoát Hoan thì chúng tôi ngay lập tức lên bộ hành quân đến bến Thuỷ Chú, lên thuyền mới đi ra cửa biển Nam Triệu rồi đánh vòng ngược lại Thanh Hoá. Lần này tôi đối với cha mình càng thêm kính nể, xoay Thoát Hoan vòng vòng như vậy, đúng là chỉ có những kẻ thấu hiểu và điều khiển được thế cục như cha tôi mới làm được thôi.

Nhưng Thoát Hoan cũng không phải kẻ đơn giản, chúng tôi đóng quân ở Thanh Hoá chưa lâu hắn ta đã bắt hơi được ngay, có điều đừng nói là những binh lính nhỏ bé đang bơ vơ trên đất khách như người Thát, ngay cả tôi nếu như rơi vào trạng thái chỉ bắt toàn trượt như bọn chúng, chỉ e cũng không thể kiên trì nỗi. Huống hồ mục tiêu của chúng ngay từ đầu là đánh nhanh thắng nhanh, nhưng trước mắt thắng đâu không thấy, chỉ thấy tinh thần ngày càng rệu rã, nhất là binh lính đói khát của Toa Đô lần lượt thất thế trên cả hai chiến trường Chiêm – Việt.

Sở dĩ biết được những thông tin quan trọng đó, là do mạng lưới tình báo mà Trần Ích Tắc giăng ra đã bắt đầu phát huy tác dụng. Chúng tôi lại nghe được tin Thoát Hoan phái Ô Mã Nhi đem sáu mươi chiến thuyền, một nghìn ba trăm quân thuỷ bộ phối hợp cùng Toa Đô quay trở lại Thanh Hoá để tấn công quân ta. Lần này nắm được tin tức đó từ sớm, Trần Khâm bèn cử Chiêu Minh Vương và Phạm Ngũ Lão chặn đánh ngay khi bọn chúng tiến quân vào Thanh Hoá. Tuy Trần Khâm an ủi rằng trận này chỉ cần giằng co câu kéo thời gian ắt sẽ thắng, nhưng quả tim tôi vẫn như treo trên cột cờ thành Bố Vệ, chưa thể bình ổn.

Rốt cuộc một tuần sau, binh lính ở vùng chiến báo về, Chiêu Minh Vương đã đánh lùi được Ô Mã Nhi và Toa Đô chạy ngược ra Bắc trong tuyệt vọng, quả tim đang treo trên cột cờ của tôi mới được hạ xuống. Mấy người chúng tôi ở trong thành liên tục hò reo, ngay cả Quốc Chẩn đang ăn dở bát cơm cũng buông đũa nhảy cẫng lên. Toàn thành được một trận vui như trẩy hội, còn tôi thấy mình xúc động bồi hồi. Đánh lâu như vậy rồi, rốt cuộc cũng có trận thắng lớn trong vẻ vang.