Mộng Về Tiền Kiếp

Chương 87: Theo dấu Đức Thánh Trần 56



1 khắc sau, các tướng lĩnh lần lượt tiến vào doanh trướng của tổng tư lệnh. Với tư cách là Tổng tư lệnh quân đoàn viễn chinh Thoát Hoan lên tiếng hỏi: “ Tướng quân Ô Mã Nhi, tình hình đóng thuyền chiến và điều động quân đến đâu rồi”.

Ô Mã Nhi tướng quân chắp tay thưa: “ tổng tư lệnh, hiện tại 300 thuyền chiến đóng mới đều đã xong, lại thêm 2 chiến hạm cỡ lớn cùng 300 chiến thuyền có sẵn, tổng là 600 chiến thuyền. Quân điều động hiện tại do phó tổng tư lệnh Áo Xích Lỗ phụ trách, việc này hắn rõ hơn ta”.

Phó tổng tư lệnh Áo xích lỗ báo: “quân số hiện tại điều động được 27 vạn quân người Mông Cổ và người Hán ở 3 tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, 1 nghìn quân nhà Nam Tống cũ đầu hàng theo Đại Nguyên ta, 6 nghìn quân của Vân Nam, 1 vạn 5 nghìn quân người Lê ở Hải Nam, ngoài ra còn quân người dân tộc ở Quảng Tây đang tiến hành tập hợp, dự kiến 2 ngày sau sẽ có thống kê đầy đủ.

Tận dụng thêm quân Đại Lý, Kim... cũ chừng 20 vạn nữa, chúng ta có hơn 50 vạn quân tham gia chinh phạt An Nam”.

“Còn quân lương thì sao”. Tổng tư lệnh Thoát Hoan đảo mắt hỏi các tướng đang có mặt trong trướng.

Tướng quân Ô Mã Nhi tâu: “thưa tổng tư lệnh, quân lương dự tính là 20 vạn thạch lương hiện đã đến 15 vạn, còn 5 vạn đang trên đường vận chuyển tới. Tổng số quân lương này sẽ do 100 chiếc thuyền phụ trách vận chuyển, bên cạnh đó, các thuyền đều sẽ chở quân lương để tự cấp”.

Mọi thứ gần như hoàn tất, Thoát Hoan gật đầu hài lòng, lần trước thua trận là do cạn kiệt lương thực, thủy quân yếu thế trong khi quân An Nam lại mạnh về đường thủy. Lần này, hắn không chỉ chuẩn bị lượng lương gấp rưỡi, tăng cường thủy binh gấp đôi, lại còn chủ trương đánh nhanh thắng nhanh, An Nam hiện đã như vật nằm trong tầm tay hắn. Thoát Hoan vui vẻ bật cười thành tiếng bỏ ngoài tai lời phụ hoàng hắn dặn dò “chớ thấy An Nam là nước nhỏ mà khinh thường”.

[Đại Việt]

Sau khi Thuận thủ khiên dương (Thuận tay dắt con dê về) dùng kế sách Sấn hỏa đả kiếp (theo lửa mà hành động), lợi dụng và kích phát phong trào khởi nghĩa khắp nơi trên đất Đại Nguyên, 51 chiến sĩ dưới trướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã thành công gián tiếp trì hoãn kế hoạch đánh Đại Việt của nhà Đại Nguyên thêm ít nhất 1 năm. Ngài bàn bạc với vua và các tướng tuyển chọn thêm lính đào tạo thành quân binh chuyên nghiệp.

[Trong phòng nghị sự tại hoàng thành]

Vua Trần Nhân Tông hỏi: “Hưng Đạo Vương, vương thấy năm nay thế giặc thế nào?”.

Hưng Đạo Vương trả lời:



“giữa 2 cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 1 và lần 2, nước ta có tới 27 năm hòa bình thịnh trị, nên dân ta không biết việc binh đao khói lửa. Nhiều kẻ thấy giặc Mông Nguyên vào cướp bóc thì nhát gan đầu hàng, may nhờ uy tín của tổ tông và bệ hạ anh minh thần võ nên mới quét sạch được quân giặc. Nay, nếu chiến tranh lại xảy ra, quân ta đã quen việc chiến trận, còn quân chúng vẫn nơm nớp cái thất bại của Hằng, Quán, không có chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn”.

1 vị quan dự họp nghe thế liền nói: “Vương nói có lý, nhưng theo như tin tức do thám, lượng quân của nhà Nguyên đưa sang lần này khoảng 50 vạn, quân ta còn chưa đến 30 vạn, ngàn vạn lần không thể chủ quan”.

1 vị khác cũng phụ họa: “phải đấy, theo ta thấy, vẫn là nên tuyển mộ thêm nhiều quân, càng đông càng tốt”.

Hưng Đạo Vương mỉm cười: “việc dụng binh, quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu có đến trăm vạn quân mà như Bồ Kiên thì làm được gì”.

Các quan im lặng không có gì để phản bác. Lúc này, vua Trần Nhân Tông mới nói: “Vậy, bây giờ ta sẽ xuống chiếu cho vương hầu, tôn thất chiêu mộ binh sĩ để kịp huấn luyện chống giặc, công tác chỉ đạo tuyển chọn, huấn luyện xin nhờ cả vào Hưng Đạo Vương ngài”.

“Được, bệ hạ yên tâm”. Hưng Đạo Vương đáp lời.

Sau đợt tổng động viên, quân Đại Việt lên tới 32 vạn quân. Kế đó, vua Trần Nhân Tông lại đại xá thiên hạ, trừ những từng kẻ đầu hàng quân Mông Nguyên, tù nhân vì biết ơn vua mà tình nguyện nhâp ngũ đánh giặc.

[Đại Nguyên]

Công tác chuẩn bị của quân Mông Nguyên lên tới gần 2 năm mới bắt đầu đánh Đại Việt.

Trước giờ xuất trận, Tổng tư lệnh chiến dịch Thoát Hoan lên bục phát biểu:

“Chư vị dũng sĩ của Đế chế Đại Nguyên hùng mạnh, sau hơn 2 năm chuẩn bị, cuối cùng chúng ta cũng đi tới được ngày hôm nay, trước lễ xuất quân, để giúp các vị hiểu rõ hơn mục đích cuộc chiến lần này, ta mời An Nam vương Trần Ích Tắc lên nói đôi lời với chư vị”. An Nam quốc vương này không phải ai xa lạ, đó là Trần Ích Tắc, Chiêu Quốc vương, hoàng tử nhà Trần, con trai vua Trần Thái Tông, em trai vua Trần Thánh Tông và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Thoát Hoan nói xong liền đứng lùi lại, nhường vị trí trung tâm khán đài cho Trần Ích Tắc.