Mộng Về Tiền Kiếp

Chương 42: Theo dấu Đức Thánh Trần 11



Trần Thần lại nhe răng cười, “uhm, túm lại chính là từ mùng 1 năm nay, khí trời mây trắng tất có nạn binh đao. Thực ra ngày đó chỉ là xác nhận thời gian trận chiến diễn ra là trong gần cuối năm nay thôi. Còn trước đây chúng ta vẫn theo dõi tin tức các nước khác, sớm biết tham vọng của Đại Hãn Mông Cổ không dừng vó ngựa lại yên ổn bất cứ đâu, chỉ là không rõ quân Mông Cổ sẽ bành trướng được tới đâu, kế hoạch xâm lược như thế nào. Đánh Tống trước hay vòng qua chiếm Đại Việt để lập thế gọng kìm bẻ gãy nhà Nam Tống.”

“ồ, ra là vậy”. Ta gật gù ra vẻ đã hiểu.

Lúc này, Trần Thần đương đi theo Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thị sát tình hình huấn luyện bên bờ và trên sông của quân lính.

Trần Thần giải thích 1 chút về địa hình nơi này: “Khu vực Bạch Hạc chính là nút giao của 4 con sông. Sông Thao đổ vào sông Đà gần tới Bạch Hạc thì hòa thành 1 dòng đổ xuống, tới dưới chừng 15 dặm mới cùng sông Chảy và sông Cái hòa làm 1 trên sông Cái, từ đó xuôi về thành Thăng Long, thi thoảng có đoạn uốn lượn tách ra thành 2 dòng rồi lại nhập 1 nên mới có tên gọi khác là Nhị Hà.”

“Nếu như vậy thì quân Mông Nguyên sẽ theo 1 trong 3 dòng này tiến vào Thăng Long. Mà vì cả 3 dòng đều chảy đổ vào 1 sông chính là Nhị Hà nên đón địch ở Bạch Hạc thì dù chúng từ sông nào đến cũng không lo lọt lưới phải không”. Ta hỏi Trần Thần.

Hắn đáp: “Đúng như vậy, nhưng mà phòng tuyến này vẫn phải dàn đều lượng quân ra phía trước khu vực tụ lại của 3 dòng, phòng trường hợp quân Mông Nguyên tiến quân theo cả 3 đường vào nhưng chúng không tụ quân lại 1 chỗ mà từ 2 dòng 2 bên lên bờ đi đường bộ tiến vào tấn công Thăng Long.”

“Thế còn phòng tuyến Phù Lỗ, tại sao nơi này lại là phòng tuyến thứ 2, khu vực này cũng có sông mà”. Ta lại hỏi hắn.



"Đúng là có sông lớn nhưng địa hình nơi này từ phía tây giáp Đại Lí lại là đồi núi cao, nhiều chỗ địa hình hiểm trở nên nếu hành quân đường bộ trước đến sông này, e là quân Mông Nguyên mất rất nhiều sức mới đến được sông, nên chắc chắn chúng sẽ không chọn tấn công nước ta theo đường hướng Phù Lỗ.”

Ta vẫn còn thắc mắc, “rõ ràng là quân Mông Nguyên hoàn toàn có thể xuôi theo Nhị Hà vào thẳng Thăng Long, tại sao chúng mất công vòng qua Phù Lỗ làm gì”.

“Chuyện này chờ đến khi lâm trận ngươi sẽ rõ.” Trần Thần thong thả đáp. Thả xong câu ấy, hắn vội bước nhanh hơn để đến gần với Hưng Đạo Vương. Ngài đã dừng chân lại, mắt hướng ra xa nhìn quân lính chia làm 2 phe đang tập trận miệt mài. Cuối năm càng gần, ai ai cũng trở nên chuyên chú tập luyện không dám lơ là, dù là tập trận nhưng không khí áp lực không khác gì quân lâm đại địch thực sự. Trần Quốc Tuấn khẽ gật gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Ngài chăm chú xem thêm 1 lúc, sau đó mới rời đi, quay trở về lều trướng của Tướng quân xem báo cáo quân vụ.

Chẳng mấy mà đã đến giáp tết. Gần trưa hôm ấy, Trần Quốc Tuấn từ trong trướng bước ra, ngài ngẩng mặt lên trời, đứng lặng yên quan sát tứ phương, 1 lát sau ngài quay qua nói với Trần Thần. "Ngươi xem, giờ này mặt trời có sắc trắng thì 9 ngày nữa quân Mông Cổ sẽ tấn công Đại Việt. Ngươi mau cấp báo cho Thánh Thượng, Thái sư Trần Thủ Độ, các vị tướng lĩnh khác chuẩn bị sẵn sàng nghênh địch. Qua tết, chừng ngày 7 là chúng đánh tới rồi”. Trần Thần nghe lệnh, vội vã truyền tin theo lệnh.

Dù Trần Quốc Tuấn từ khi nhậm chức đến nay chưa từng đánh trận lớn nào, song, nhìn thiên văn mà dự đoán sự việc của ông chưa từng sai. Nên khi nghe tin báo, bầu không khí toàn quân khắp các phòng tuyến áp lực hơn thường lệ, ai cũng biết trận này chắc chắn phải đánh, nhưng khi nó đến gần thì dù là vua hay tôi đều không tránh được khẩn trương, lo lắng.

Tết năm nay trong thành Thăng Long thật ảm đạm, không giăng đèn kết hoa, không người mua kẻ bán, cả kinh đô chìm trong tĩnh lặng, dân chúng được lệnh sơ tán hết cả rồi, chỉ còn lại vài toán quân lính đi tuần trong thành, trong tù cũng chỉ còn vài tên sứ giả của Mông Cổ cử đến chiêu hàng bị Vua Trần Thái Tông cho bắt nhốt lại theo kế sách của Hưng Đạo Vương khiến cho Mông Nguyên phải cứ sứ sang Đại Việt chiêu hàng tới 3 lần, giúp kéo dài thời gian khiến quân Mông Nguyên chậm trễ tiến đánh Đại Việt. Ở ngục giam cũng có 2 người canh gác đảm bảo ăn uống cho mấy sứ thần kia.

Rạng sáng ngày mùng 7, quân do thám phi ngựa trở lại cấp báo lên vua Trần Thái Tông: “báo....quân Mông Nguyên đã tập hợp lực lượng kị binh theo đường bộ và thủy binh lên thuyền tiến vào nước ta theo đường sông Chảy, lượng quân ước chừng 3 vạn 5 nghìn quân gồm 1 vạn rưỡi quân Mông Cổ và khoảng 2 vạn quân Đại Lí. 2 nhánh sông còn lại không thấy có quân tập hợp”.