Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 143: Ca nhiên (2)



"Chị, chị phải ăn thử cái này, ngon lắm!" - Sạ tíu tít chạy đến, dúi vào tay tôi một miếng sắn dây.

"Điện hạ ăn rồi à?"

Sạ gật đầu, nhìn tôi bằng đôi mắt to tròn, mong chờ.

Đương nhiên là tôi đã ăn sắn dây cả hàng ngàn lần, nhưng thấy thằng bé háo hức lại không thể không diễn theo. Tôi hồ hởi cắn một miếng, nhồm nhoàm nhai, khen luôn miệng. Sạ mừng rỡ kéo tôi như bay sang những sạp khác.

"Cái này là gì?"

"Quả A lê lặc. Người đợi một chút, Đam mua về làm thuốc."

"Thế cái này là gì?"

"Cát bối, hay gọi là cây bông, dùng để làm vải."

"Thế còn cái này?"

"Dầu trảu."

"Còn đây?"

"Tử thảo hay cánh kiến"

"Thế còn con này?"

Nghe giọng Sạ bỗng trở nên bàng hoàng, tôi buông mấy quả A lê lặc(1) đang chọn trên tay, quay ra nhìn. Sạ tần ngần đứng trước một con vật trông như vượn, đầu có mấy phần giống người, lông nhỏ mịn mềm mại, cao chừng một thước, bị xích ở cổ và chân. Nó quỳ phủ phục xuống bên cạnh một con lớn hơn đang bị thương. Còn chưa đợi tôi trả lời người thợ săn đã nhanh nhảu:

"Đây là con ca nhiên(2), lông của nó êm lắm, dùng làm đệm hay áo khoác đều đẹp. Chị xem tôi cũng đang mặc áo ca nhiên đây này."

Tôi liếc miếng lông bàng bạc vắt ngang người của gã thợ săn, không nhịn được khẽ rùng mình. Dường như sợ chưa đủ thuyết phục tôi, gã nói thêm:

"Con này hay ở chỗ nó có lòng nhân, bao giờ cũng là con lớn đi trước, con nhỏ theo sau. Có đồ gì ngon thì con nhỏ nhường con lớn ăn trước, sau đó mới tự ăn."

Sạ nhíu mày:

"Nó cắn người ư? Sao anh phải xích nó?"

Gã thợ săn bật cười thành tiếng:

"Hiền lắm nhưng giống ca nhiên này bắn một con sẽ được hai con. Nếu không xích nó lại thì con không bị thương tất nhổ mũi tên trên người con kia để tự tử theo. Lần này gặp may, tôi nhanh tay, cả hai mẹ con vẫn còn sống đấy."

Sạ liếc nhìn con ca nhiên mẹ đang thoi thóp bên cạnh con non, máu rỉ ra ướt đẫm cả bộ lông mịn màng. Con ca nhiên non ngơ ngác, hai mắt ầng ậng nước như thể đang khóc. Một tay nó vẫn giữ chặt lấy mẹ mình, một tay bỗng dưng vươn đến bắt lấy gấu áo Sạ. Cả tôi và Sạ đều thảng thốt, con vật này chẳng những có lòng nhân mà còn có cả linh tính: nó biết Sạ sẽ cứu nó ư? Hay là dù thế nào cũng chẳng còn sự lựa chọn khác nữa rồi? Sạ cúi xuống dứt khoát giật túi gấm của mình ra rồi đổ hết tất cả số bạc mang theo:

"Ta mua!" - Sạ quay sang nhìn, siết chặt tay tôi - "Phiền chị cứu nó."

***

Vết thương của con ca nhiên mẹ chưa đến mức quá sâu nhưng mất máu nhiều. Tôi đương nhiên chỉ là một tay mơ trong việc trị bệnh cứu người, với động vật càng ít kinh nghiệm nhưng còn nước còn tát, huống hồ giống vượn này so với người cũng không khác là bao. Thôi thì người sao vượn vậy, tất cả chỉ có thể trông vào sự sắp đặt của ông trời.

Trong lúc tôi vò đầu bứt tóc tìm đủ phương kế cứu sống con mẹ, con non được thả ở vườn đào. Nó chỉ quanh quẩn một chỗ, mắt không thôi hướng về phía bên này, thi thoảng kêu lên những tiếng be bé sầu não. Sạ chỉ đứng nép ở cửa xem, dù cách một khoảng tôi vẫn nhìn thấy thằng bé run run, hai môi mấp máy. Quen biết Khai Phong Vương đã lâu vậy nhưng bộ dạng này của thằng bé quả thực tôi chưa từng thấy qua.

Tôi rút mũi tên, làm sạch vết thương, đắp thuốc lên rồi cẩn thận băng bó. Thêm chừng hai canh giờ, con ca nhiên mẹ tỉnh lại, bắt đầu dáo dác tìm con. Tôi nhờ Thân quân và Nhài dựng một cái chòi nhỏ cạnh vườn đào, để thêm chút hoa quả và nước, đến tối thì thả cả hai con vào đó. Con non con mẹ tíu tít bên nhau, âu âu yếm yếm cả một buổi trời. Sạ đứng trên hiên nhà lẳng lặng nhìn ra, một từ cũng không nói chuyện với tôi.

_________

Chú thích:

(1) A lê lặc: Theo An Nam Chí, cây này sản xuất ở Giao Châu và Ái Châu, hoa trắng, quả như quả sơn chi, thịt và vỏ dính sát nhau, khí vị ôn hoà không có chất độc, chuyên trị bệnh khí lạnh và đầy bụng. (Đại Nam Nhất Thống Chí)

(2) Ca nhiên: "Con bạc mày, chữ Hán là quả nhiên. Theo Hàn Vũ Ký thì châu Ái có loài vượn, người địa phương gọi là ca nhiên, giống loài khỉ mà lớn hơn, bộ mặt không khác gì người, da và lông nhỏ mịn mềm mại, có thể dùng làm đệm. Loài thú này có lòng nhân: lúc đi đâu thì con lớn đi trước, con nhỏ đi sau, nếu tìm kiếm được quả gì thì trước hết con nhỏ đưa cho con lớn rồi sau đó mới tự ăn. Người địa phương dùng tên bắn, nếu trúng một con tất được hai con, vì con không bị thương nhổ lấy mũi tên trong thân con bị chết để đâm mình tự tử." (Theo Đại Nam Nhất Thống Chí)