Khom Lưng

Chương 132



Lạc Dương.




Ngày mồng bảy, tháng mười một. Năm Bính Thân, tháng Tân Sửu, ngày Ất Mùi, là ngày được đại điển tinh quan xem là ngày hoàng đạo. Mọi điều thuận lợi.




Đêm trước ngày Ất Mùi, trong Liên Hoa Thai đèn đuốc sáng choang. Hạnh Tốn cho gọi các triều thần sẵn sàng góp sức cho mình cùng nghị sự suốt đêm.




Hạnh Tốn ngồi trên đài cao, bệ vệ đắc ý liếc nhìn quanh. Dưới trướng, quan lại thì nịnh bợ đợi lệnh, người người cười vui đến bạnh cả quai hàm, ngóng trông tin tức.




Chốc lát sau, Vệ úy Khanh Cao Chuẩn bước nhanh vào quỳ trước Hoàng Bạch.




Tấu rằng, ấu đế đã viết chiếu nhường ngôi. Tự nhận là đức bạc thẹn với ngôi vị chí tôn này, nguyện noi theo tiên hiền thời cổ, nhường lại ngôi đế cho Hạnh Tốn, chiếu cáo thiên hạ, trao ngọc tỷ đại ấn.




Cao Chuẩn báo tiếp, vào giờ lành ngày mai, các quan trong triều sẽ thăng đường, thừa tướng tiến vào điện Thiên Thu, ấu đế sẽ đích thân đưa thừa tướng lên ngai vàng, tuyên đọc chiếu nhường ngôi.




Vừa nói hết câu này, trong Liên Hoa Thai vang lên tiếng hoan hô bốn phía, chúng quan lại dồn dập quỳ xuống, hành lễ chúc mừng ngôi cửu ngũ.




Hạnh Tốn dương dương tự đắc, vui vẻ đón nhận. Trong tiếng ca tụng công đức đó, hắn nhìn thấy nhị lang Trúc Tăng đứng yên bất động, vẻ mặt như có phần do dự.




Trúc Tăng là mưu thần xưa kia của Hạnh Tốn, suốt quãng thời gian đó hắn vẫn luôn ủng hộ, bày mưu tính kế, từ Hà Nam cho đến thành Lạc Dương, cũng xem như từng trải. Giữa thời khắc người người chúc mừng, chỉ riêng mình hắn không quỳ xuống, trong lòng Hạnh Tốn thấy không vui, hắn lên tiếng đặt câu hỏi.




Trúc Tăng nói: “Không phải thừa tướng không thể lên ngôi vua, mà thời cơ bây giờ còn chưa tới! Mặc dù triều Hán đã suy yếu, tuy nhiên chính quyền lại không hề bạo ngược, vốn địa vị thừa tướng đã rất cao, nếu đột nhiên thay thế khó có thể ngăn được miệng thiên hạ, không được lòng người. Như thế cũng không sao, thần chỉ lo Ngụy Thiệu ở phương Bắc. Nếu một ngày chưa trừ được Ngụy Thiệu, thừa tướng vẫn phải tiếp tục lo về  hắn. Thần biết thừa tướng một lòng muốn thảo phạt Ngụy Thiệu. Nhưng dù có tuyên bố hịch văn, chỉ trích hắn vì tội danh gây rối, tuy nhiên nếu lấy danh nghĩa Hán đế để yêu cầu chư hầu công phạt hắn, chẳng phải tốt hơn sao? Nếu thừa tướng lấy danh của Hán đế, Ngụy Thiệu mà ứng chiến có nghĩa là ngang nhiên mưu phản, chiến tranh chưa nổ ra đã thua trước một ván. Nếu thừa tướng xưng đế rồi

khởi binh, chẳng phái đã dâng cho Ngụy Thiệu cái danh nghĩa cần vương, vừa công khai gây xích mích thiên hạ, các bên liên quân cùng đối kháng thừa tướng?”




Hạnh Tốn không vui nói: “Sao ngươi lại nói lời ấy được, hủy hết sự hưng thịnh của ta? Cái gọi là vô đức để có đức. Hán đế tự nhận mình vô đức, không xứng ngồi trên ngôi vị nên mới nhường cho ta, tại sao ta lại không được lấy? Ta đã có năm trăm ngàn binh mã, dũng tướng cũng có hơn mười người, nhiêu đó cũng đủ để chặn sông, há phải sợ một thằng nhóc Ngụy Thiệu? Tháng trước phía đông ngoại thành Lạc Dương lại có Tường Thụy[1] từ trên trời rơi xuống, đoán rằng thiên hạ sẽ sắp thay chủ mới, cũng trùng với tên ta. Đó không phải là thiên dư bất thủ, phản thủ kỳ cữu[2] hay sao!”




[1] Tường thụy: điềm lành




[2] Thiên dư bất thủ, phản thủ kỳ cữu: ý là nên nắm bắt thời cơ, quyết tâm làm những gì mình muốn.




Trúc Tăng đáp lời: “Không phải là thần vọng ngôn. Cái gọi là Tường Thụy từ trên trời rơi xuống ở phía đông ngoại thành tháng trước trông có vẻ khả nghi. Bụng dạ Tô thị lại khó lường, thừa tướng không nên bị một phụ nhân đầu độc, nếu không chỉ e hối hận thì đã muộn”.




Nửa đời Hạnh Tốn vốn ngang ngược dã tâm, cho nên hắn hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện báo mộng điềm lành đó. Vì một lòng xưng đế, khổ nỗi lại chưa có cơ hội nào thích hợp, trong lúc do dự phân vân đó, vừa lúc xuất hiện câu chuyện báo mộng của Tô Nga Hoàng, trong lòng hắn suy nghĩ, nếu một người khó ngủ mơ thế này, năm phần bán tín bán nghi cũng biến thành bảy tám.




Nghe Trúc Tăng nói vậy, hắn giận dữ: “Ngươi to gan lắm! Ngươi có rắp tâm gì hả? Nếu không vì ở bên ta nhiều năm, cũng có chút công lao, ta sẽ trừng trị ngươi thật nặng! Ý ta đã quyết, nếu ai dám nhiều lời, chém!”




Lời này vừa nói ra, đám quần thần dưới trướng đều biến sắc, liên tục nhìn về phía Trúc Tăng, tỏ vẻ oán giận.




Trúc Tăng nhận tội lui ra, nản lòng thoái chí.




Hắn nhớ tới Hạnh Tốn trước kia khi mới vào Lạc Dương, một người trọng dụng bậc anh tài nhường đó. Bây giờ thì ngông cuồng tự đại, bên cạnh chỉ toàn người xu nịnh, hắn tin dùng Phùng Dị, Tang Thường, Phùng Chiêu, Đinh Khuất, ai mà không phải kẻ tiểu nhân. Đã thế còn không chờ đợi nổi muốn ép ấu đế nhanh thoái vị, thay vào đó đánh với Ngụy Thiệu một trận lửa xém lông mày. Với thời thế kiểu này, chỉ e thất bại đã định sẵn.




Trúc Tăng về phủ, lòng sầu não. Vào lúc bình minh, hắn nhận được mật báo, nói Hạnh Tốn nghe theo lời khuyên của Tô Nữ, muốn bắt hắn chém đầu thì kinh hãi biến sắc. May mà ở Lạc Dương cũng không có nhiều người, hắn lén lút đi qua cửa thành Nam. Vốn định tới đầu hàng Ngụy Thiệu, nhưng nghĩ tới những thủ đoạn tàn nhẫn mà Ngụy Thiệu hay dùng để đối phó kẻ thù, Trúc Tăng lại bất giác run lên, do dự một lúc rồi quay đầu chạy tới Hán Trung, quy hàng Hán Trung hầu Nhạc Chính Công.









Từ khi Tiểu Kiều mang thai đến giờ đã đến tháng thứ tư, phản ứng nôn nghén rất mãnh liệt, kinh khủng nhất là khi đến uống một hớp nước nàng cũng thấy khó chịu, từ sớm đến muộn nằm yên ở trên giường. Cũng may có Xuân Nương chăm sóc, nửa tháng trước, Chung bà bà cũng từ Ngư Dương tới Tín Đô.




Chung bà bà nói, Từ phu nhân nhận được tin mừng thì vô cùng vui sướng. Bà cố ý phái bà tới đây để cùng hầu hạ với Xuân Nương, căn dặn nàng cứ an tâm nghỉ dưỡng cho khỏe mạnh.




Có hai người ở bên dốc lòng chăm sóc, Ngụy Thiệu lại càng săn sóc hơn, giống hệt nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, mặc dù gần đây quân vụ dần bận rộn, nhưng những lúc rảnh rỗi hắn sẽ ở cạnh nàng. Vì vậy mặc dù cơ thể rất không khỏe nhưng tâm tình của Tiểu Kiều thì vui tươi thoải mái. Nàng gửi một phong thư tới Duyện Châu, báo cho phụ thân tin tức mình mang thai.




Buổi sáng người đưa tin từ Duyện Châu trở về, gửi cho nàng một phong thư trả lời.




Kiều Bình vô cùng mừng rỡ, ông dặn nàng phải nghỉ ngơi cho tốt. Còn bảo Kiều Từ đang bận rộn ở bên ngoài luyện binh, chờ nó về ông sẽ báo cho con tin mừng này.




Ông bảo bây giờ trong nhà đều rất tốt, nàng không cần lo lắng, cứ cố gắng ở bên nữ tế là được.




Tiểu Kiều đọc lại thư của phụ thân mấy lần.




Viết nhiều thì không tiện, mặc dù trong thư phụ thân không nói rõ, nhưng ông có nhắc tới chuyện đệ đệ đang bận rộn luyện binh, có thể thấy được, ở bên chỗ phụ thân vẫn chưa bỏ qua chuyện nâng cao sức mạnh của bản thân.




Lúc trước, mục đích đầu tiên mà nàng khuyên phụ thân là để tránh xử đường yến tước[3], ngày sau lâm phải đại họa ngập đầu mà không biết.




[3] Xử đường yến tước: ý chỉ cuộc sống yên ổn mà mất đi cảnh giác.




Mặc dù bây giờ Ngụy Thiệu đã bảo đảm như vậy, nhưng trong lòng Tiểu Kiều vẫn chưa hết đề phòng, tuy nhiên so với trước đã thoải mái hơn nhiều.




Nàng vẫn thấy Duyện Châu phải tự mình vững mạnh.




Trong thời loạn lạc như thế này, chỉ có binh cường mã tráng, nếu có bị tập kích, cho dù người ta tới đây vì lí do gì đi chăng nữa, mình cũng có thể xoay chuyển được.




Thay vì mỗi lần đều xin người tới giúp.




Đọc được một câu có lẽ là vô tình mà phụ thân nhắc tới, Tiểu Kiều càng thấy an lòng hơn.




Nàng ngủ một giấc đến trưa, khi tỉnh dậy cơ thể cũng thoải mái hơn nhiều, Tiểu Kiều đứng dậy trả lời thư cho người.




Sau khi viết xong hồi âm, bởi vì bây giờ đã sắp tới mùa đông, ban ngày dần ngắn, mới tới giờ Dậu ngoài trời đã tối đen, Xuân Nương cầm đèn đi vào phòng.




Chung bà bà chỉ huy hai vú già bưng bàn ăn vào trong, bày biện lên trên sạp rồi mỉm cười gọi Tiểu Kiều dùng bữa.




Nàng hỏi Ngụy Thiệu đâu.




Sở dĩ Tiểu Kiều hỏi là vì mấy ngày gần đây dù có bận thế nào, nhưng đến giờ này hắn đều về nhà cả.




Từ khi nàng mang thai, mỗi ngày phải ăn sáu bảy bữa, ăn tối sớm quá nuốt không trôi, vì vậy dạo gần đây nàng vẫn chờ hắn về nhà rồi cùng nhau dùng bữa.




Hôm nay còn chưa thấy hắn đâu.




Chung bà bà nói: “Vừa rồi Nam quân sai người về báo, có việc bận nên ngài ấy về muộn, mời Nữ quân cứ dùng cơm trước đã, không cần chờ ngài ấy”.




Ngụy Thiệu cố ý sai người về báo chắc là có việc gấp.




Tiểu Kiều không chờ đợi thêm bữa, bắt đầu ăn cơm. Sợ lại nôn ra nên sau khi dùng xong nàng đi lại trong phòng cho tiêu cơm, sau đó lại bị Xuân Nương thúc giục nhanh nằm xuống.




Ngụy Thiệu mãi chưa về.




Sau khi Tiểu Kiều mang thai, ngoài nôn nghén ra, cơ thể của nàng cũng hay mệt rã rời.




Tháng ngày trôi qua cứ ngơ ngơ ngác ngác. Nàng nằm trên giường vừa ngủ mơ màng chờ Ngụy Thiệu, không ngờ cứ thế ngủ thiếp đi.




Lúc tỉnh lại, bên tai yên ắng không biết đã giờ nào.




Không cần mở mắt ra, Tiểu Kiều cũng có thể cảm nhận được cơ thể hừng hực ngay bên cạnh, nàng biết Ngụy Thiệu ở trên giường.




Thấy hắn vuốt ve gò má mình, Tiểu Kiều lim dim nhẹ nhàng ừm một tiếng, từ từ xoay người lại như một con mèo nhỏ, đưa tay ra ôm lấy vai của hắn, nằm úp sấp lên lồng ngực Ngụy Thiệu giống như thể không xương, nàng vẫn nhắm chặt hai mắt như lúc trước, ứ ớ hỏi: “Phu quân về nhà khi nào thế?”




“Ta mới về thôi”.




Nàng nghe hắn nói.




Tiểu Kiều hơi mở mắt ra, chống tay lên liếc nhìn chiếc đồng hồ nước bên trong phòng, không ngờ đã quá giờ Mùi nửa đêm.




Nàng quay sang chỗ Ngụy Thiệu: “Muộn vậy rồi sao phu quân chưa ngủ?”




Ngụy Thiệu không đáp, chỉ nhìn nàng chăm chú.




Tiểu Kiều mới ngủ một giấc dậy, đôi gò má ửng hồng. Nàng hồn nhiên không biết thần thái khi đó như ôn hương diễm ngọc, quyến rũ mê người đến ra sao.




Hơn nữa tối hôm nay, Ngụy Thiệu lại thấy cả người như nhiệt huyết sôi trào.




Cố gắng kìm nén ý nghĩ muốn tựa ngọc kề hương, hắn ôm nàng đặt xuống gối, bàn tay nhẹ nhàng phủ lên phần bụng vừa mới lộ, cười nói: “Bé con hôm nay có quấy nàng lắm không?”




Tiểu Kiều ngửa mặt, lắc đầu nói: “Hôm nay thiếp toàn ngủ thôi, đỡ hơn nhiều rồi”.




Nàng và Ngụy Thiệu bốn mắt nhìn nhau: “Có chuyện gì phải không? Sao phu quân lại về muộn thế này?”




Hơn nữa, nàng cảm thấy ánh mắt hắn nhìn mình không giống như bình thường.




“Man Man, có lẽ có một khoảng thời gian ta không thể ở bên nàng và con được”. Ngụy Thiệu nhìn nàng chăm chú rồi nói.




Tiểu Kiều ngẩn ra. Theo bản năng nàng định hỏi tại sao, lời chưa kịp ra khỏi miệng đã vội vàng sửa lại.




“Phải đánh trận nữa sao?” Nàng nhẹ giọng hỏi.




“Hạnh Tốn soán vị xưng đế. Hắn tập kích binh mã khoảng chừng năm trăm ngàn, chuẩn bị tiến tới phía Bắc Hoàng Hà, đánh ta”.




Lúc Ngụy Thiệu nói vậy, giọng điệu vô cùng bình tĩnh.




Nhưng sâu thẳm trong đôi mắt hắn, Tiểu Kiều có thể cảm giác được có ánh sáng hưng phấn lóe lên như dã thú ngửi thấy mùi máu tanh.




Tiểu Kiều ngây người.




Nàng biết rồi Ngụy Thiệu và Hạnh Tốn sẽ có một trận quyết chiến.




Sau một hồi mây mù vần vũ, quát tháo rầm trời, đại cục thiên hạ sẽ được quyết định.




Người thắng cuộc sẽ chiếm được thế cục của thiên hạ, khí thế như chẻ tre, không ai ngăn cản được.




Nếu giống như giấc mơ của nàng về kiếp trước.




Nàng cũng biết kết quả cuộc đấu đó thế nào.




Nhưng điều khác với giấc mộng kiếp trước của nàng là, Hạnh Tốn xưng đế ở Lạc Dương và mở màn cho trận đại chiến tranh cướp thiên hạ với Ngụy Thiệu lại sớm đến thế này.




Nàng càng không ngờ chuyện đó lại thình lình xảy đến trước mấy năm.









Tín Đô trở thành nơi để Ngụy Thiệu chỉ huy chiến sự chuẩn bị nghênh đón cho trận chiến lâm thời.




Không khí bao phủ tòa thành cũng bỗng chốc khẩn trương.




Vài ngày sau, rốt cuộc dân chúng cũng chú ý đến nhóm binh sĩ mặc áo giáp chỉnh tề từ bốn phương ồ ạt không dứt tới nơi này, vẻ mặt nghiêm túc của nhóm các tướng quân.




Họ bắt đầu thấp thỏm bàn tán, một cuộc chiến mới sắp xảy ra thì phải.




Dân chúng phỏng đoán cũng không sai.




Lý Điển, Lý Sùng, Trương Kiệm, Ngụy Lương…




Trong mấy ngày đó, các tướng quân thân kinh bách chiến dưới trướng của Ngụy Thiệu đều biết được tin tức, sau khi chuẩn bị công tác phòng thủ ở hậu phương, họ từ U Châu, Tịnh Châu lục tục hỏa tốc về Tín Đô.




Đại quân chuẩn bị để xuôi nam, hỏa lực tập trung vào phía Bắc Hoàng Hà.




Từ bốn phía cửa thành của Tín Đô, từ sớm đến tối, cho dù là đêm hôm khuya khoắt, thỉnh thoảng lại có khoái mã phóng như tia chớp rong ruổi ra vào, đưa tin cấp báo.




Trong đại sảnh nghị sự ở tiền đường Tín cung, đèn đuốc thắp sáng suốt cả đêm, thậm chí là thâu đêm suốt sáng.




Ngụy Thiệu và mưu sĩ của hắn, các tướng quân, quan môn quân nhu và lương thảo đều ở đó bàn bạc đối sách, thương thảo sách lược.




Họ đã có chuẩn bị từ trước cho trận đại chiến lần này.




Vì thế mặc dù không khí khá căng thẳng, nhưng tất cả đều tiến hành đâu vào đấy.




Chỉ có điều Ngụy Thiệu lại trở nên bận rộn lạ thường.




Ban ngày Tiểu Kiều không thể nhìn thấy hắn.




Buổi tối hắn hay về rất muộn.




Có khi chỉ mới tảng sáng, hắn mới ngủ một chốc rồi lại bị một tin tức nào đó từ tiền tuyến Hoàng Hà gọi hắn đi.




Nửa tháng sau, vào một ngày cuối tháng mười, cuối cùng Ngụy Thiệu cũng nghĩ ra cách ứng chiến.




Với quy mô của bản doanh đại chiến ở Lê Dương Bắc Hoàng Hà, xây hàng rào quanh trại, hai vùng Cao Đường, Phạm Tân sẽ có thế đối nhau, bên ngoài Hoàng Trì về phía Tây Nam hai trăm dặm sẽ đặt kho lương thảo, dựng phòng tuyến trận địa sẵn sàng đón địch, đánh lén vào đại quân Hạnh Tốn ở Bắc ngạn Hoàng Hà, quyết một trận đại chiến.




Sau ba ngày, hắn chuẩn bị rời khỏi Tín Đô, dẫn đại quân đi về hướng Lê Dương.




Cũng trong ngày đó, Tiểu Kiều nhận được một phong thư của Từ phu nhân.




Trong thư bà viết rất đơn giản, chỉ duy nhất một câu.




Bà nói, thay mặt Tổ mẫu tiễn Thiệu Nhi xuất binh.