Kẻ Trộm Sách

Chương 42



ĐỊNH NGHĨA THỨ NĂM›

TRONG TỪ ĐIỂN TIÊNG ĐỨC DUDEN

Gelegenheit - cơ hội:

Một cơ hội tiến bộ hay phát triển.

Những từ ngữ liên quan: Triển vọng, khởi đầu, bước ngoặt.

Không lâu sau, Rosa đã đứng đằng sau lưng nó. “Mụ muốn gì ở đây? Bây giờ thì mụ còn muốn nhổ cả vào sàn nhà bếp của tôi nữa đấy à?

Bà Holtzapfel không hề cho thấy một dấu hiệu dù là nhỏ nhất của sự nhượng bộ. “Có phải đây là cách mà bà chào đón mọi người xuất hiện ở ngưỡng cửa nhà bà không? Thật là một G’sindel.”

Liesel quan sát. Thật là xui xẻo hết chỗ nói khi con bé bị mắc kẹt giữa hai người đàn bà này. Rosa kéo nó ra để khỏi chắn lối. “Nào, bà có nói với tôi lý do vì sao bà ở đây hay không hả?”

Bà Holtzapfel lại nhìn ra đường và quay lại. “Tôi có một đề nghị.”

Rosa chưng hửng. “Sao, thật á?”

“Không, không phải với bà.” Bà ta bác bỏ Rosa đi với một giọng kẻ cả và sau đó thì tập trung vào Liesel. “Mà là cháu.”

“Thế thì tại sao bà lại đòi gặp tôi?”

“Ít nhất thì tôi cũng cần có sự cho phép của bà.”

Ôi lạy Đức mẹ Maria, Liesel nghĩ thầm, đây là tất cả những gì mà mình cần đây. Bà Holtzapfel muốn cái quái gì ở mình mới được cơ chứ?

“Ta thích quyển sách mà cháu đã đọc trong hầm trú ẩn.”

Không. Bà sẽ không có được nó. Liesel đã quả quyết sẵn trong đầu như thế. “Rồi sao ạ?”

“Ta đã hy vọng sẽ được nghe nốt quyển sách trong hầm trú ẩn, nhưng có vẻ như bây giờ thì chúng ta đã được an toàn.” Bà làm động tác xoay xoay vai rồi dựng thẳng sợi dây điện đỡ lưng mình lại. Thế nên ta muốn cháu đến chỗ ta và đọc quyển sách ấy cho ta nghe.”

“Bà cũng có gan đấy, Holtzapfel.” Rosa đang quyết định xem có nên nổi khùng lên hay không. “Nếu bà nghĩ rằng...”

“Tôi sẽ không nhổ vào cửa nhà bà nữa,” bà cắt ngang. “Và tôi sẽ đưa cho bà khẩu phần cà phê của mình.”

Rosa quyết định không nổi khùng nữa. “Và thêm tí bột nữa chứ?”

“Cái gì cơ, bà là dân Do Thái đấy à? Chỉ cà phê thôi. Bà có thể đổi cà phê với ai đó để lấy bột.”

Vậy là mọi chuyện đã được quyết định xong.

Chỉ có mỗi đứa bé gái là không được tham dự vào quá trình đưa ra quyết định đó.

“Thế thì tốt, được.” “Mẹ ơi?”

“Im đi, đồ con lợn. Hãy đi lấy quyển sách đi.” Mẹ lại nhìn bà Holtzapfel lần nữa. “Ngày nào thì tiện cho bà?”

“Thứ Hai và thứ Sáu, bốn giờ chiều. Và hôm nay, ngay bây giờ.”

Liesel theo sau đám bước chân đến nơi ở của bà Holtzapfel kế bên nhà nó, căn nhà là một hình ảnh phản chiếu của gia đình Hubermann. Có khác chăng là căn nhà này hơi lớn hơn một chút.

Khi ngồi xuống cạnh cái bàn trong bếp, bà Holtzapfel ngồi ngay trước mặt con bé nhưng lại nhìn cửa sổ. “Hãy đọc đi,” bà nói.

“Chương Hai ạ?”

“Không, chương Tám. Dĩ nhiên là chương Hai rồi! Bây giờ thì hãy đọc đi trước khi ta quẳng mày ra ngoài.”

“Vâng, thưa bà Holtzapfel.”

“Đừng có lải nhải vâng thưa bà Holtzapfel nữa. Mở sách ra đi. Chúng ta không có cả ngày đâu.”

Lạy Chúa, Liesel nghĩ thầm. Đây chính là hình phạt dành cho mình vì tất cả những vụ trộm cắp mà mình đã làm. Cuối cùng thì nó cũng ập xuống mình.

Con bé đọc trong suốt bốn mươi lăm phút đồng hồ, và khi chương sách ấy đã được hoàn tất, một túi cà phê được để lên bàn thay cho tiền công.

“Cảm ơn,” người đàn bà nói. “Đó là một câu chuyện hay.” Bà lại quay mặt về phía bếp lò và bắt đầu gọt khoai tây. Không thèm nhìn lại, bà nói, “Mày vẫn còn ở đây à?”

Liesel xem đó là dấu hiệu để nó ra về. “Danke schön, bà Holtzapfel.” Ở chỗ cửa ra vào, khi nó nhìn thấy những bức ảnh được lồng khung chụp hai người thanh niên trong bộ quân phục, con bé cũng phọt ra được một câu Heil Hitler, nó giơ tay lên chào trong căn bếp ấy.

“Phải.” Bà Holtzapfel tự hào, và cả sợ hãi nữa. Hai đứa con trai ở Nga. “Heil Hitler.” Bà đặt nước sôi xuống và thậm chí còn tử tế tiễn Liesel vài bước ra đến cổng trước. “Bis Morgen[1]?”

[1] Sáng mai chứ? (tiếng Đức)

Ngày kế tiếp là thứ Sáu. “Vâng, thưa bà Holtzapfel. Mai cháu sẽ quay lại.”

Liesel tính rằng đã có thêm bốn buổi đến đọc sách cho bà Holtzapfel nghe như thế nữa trước khi những người Do Thái diễu hành qua Molching.

Họ đang đi đến Dachau, để được tập trung lại.

Việc đó mất hai tuần, sau đó con bé viết như thế trong tầng hầm. Hai tuần để thay đổi thế giới, và mười bốn ngày để phá hỏng nó.

CHUYẾN ĐI BỘ DÀI ĐẾN DACHAU

Vài người nói rằng xe tải đã bị hỏng, nhưng cá nhân tôi có thể chứng thực rằng việc này là không đúng. Tôi đã có mặt ở đó.

Điều đã xảy ra là một bầu trời có màu xanh nước biển, với những đám mây trắng muốt.

Bên cạnh đó, có nhiều hơn là chỉ một cái xe. Ba chiếc xe tải không thể hỏng cùng một lúc được.

Khi những tên lính túm tụm lại để chia sẻ chút thức ăn và thuốc lá, và để thúc vào hành lý là những người Do Thái của họ, thì một trong những tù nhân đổ gục xuống vì đói và bệnh tật. Tôi không biết đoàn người được hộ tống này đến từ đâu, nhưng có thể là nơi đó cách Molching ba dặm, và còn cách trại tập trung ở Dachau rất nhiều bước chân nữa.

Tôi trèo qua kính chắn gió của xe tải, tìm thấy người đàn ông bị ốm và nhảy ra từ đằng sau xe. Linh hồn của anh rất ốm yếu. Hàm râu của anh là một hình phạt. Chân của tôi phát ra tiếng động rất lớn khi nó đáp xuống lớp đất sỏi, dù vậy không một tên lính hay tù nhân nào nghe thấy tiếng động ấy cả. Nhưng tất cả bọn họ đều có thể ngửi thấy mùi của tôi.

Hồi ức bảo cho tôi biết rằng có rất nhiều điều ước đằng sau lưng cái xe tải ấy. Những giọng nói từ bên trong cất tiếng gọi tôi.

Tại sao là anh ta mà không phải là tôi? Cảm ơn Chúa vì đó không phải là tôi.

Mặt khác, những tên lính thì bận rộn với một vấn đề khác cần thảo luận. Tên chỉ huy chà nát điếu thuốc của hắn rồi hỏi những người khác một câu hỏi đầy khói thuốc. “Lần cuối cùng chúng ta đưa mấy con chuột này đi hít thở chút không khí trong lành là khi nào nhỉ?”

Viên trung úy thứ nhất của hắn ta cố nén một tiếng ho. “Chắc chắn là bọn nó có thể sử dụng cái đó, phải không?”

“Thế thì các anh thấy sao nào? Chúng ta có thời gian mà, phải không?”

“Chúng ta luôn có thời gian, thưa ngài.”

“Và thời tiết hôm nay thật là tuyệt vời để diễu hành, các anh có thấy thế không?”

“Đúng vậy, thưa ngài.”

“Thế thì các anh còn chờ gì nữa?”

Trên phố Thiên Đàng, khi Liesel đang chơi bóng, bỗng có tiếng ồn vọng tới. Hai thằng nhóc đang tranh bóng ở giữa sân thì mọi thứ ngừng lại. Thậm chí cả Tommy Muller cũng có thể nghe thấy tiếng ồn đó. “Cái gì thế?” Từ chỗ khung thành, thằng này lên tiếng hỏi.

Tất cả đều quay về phía âm thanh của những bàn chân lê bước và giọng nói của cả một đoàn người khi chúng dám bước đến gần hơn.

“Đó có phải là một đàn bò không?” Rudy hỏi. “Không thể nào. Bò không bao giờ phát ra tiếng kêu như thế, có phải không hả?”

Ban đầu còn chậm chạp, con phố đầy trẻ con bước về phía âm thanh như nam châm ấy, về phía cửa hàng của mụ Diller. Thỉnh thoảng, lại có thêm sự nhấn mạnh trong tiếng la hét.

Trong một căn hộ cao ở ngay góc phố Munich, một bà già với giọng nói như lời tiên tri báo trước cho mọi người nguồn gốc chính xác của tiếng động ấy. Trên cao, ở chỗ cửa sổ, gương mặt của bà ta xuất hiện như một lá cờ trắng với đôi mắt ẩm ướt và một cái mồm đang há hốc. Bà ta có mái tóc hoa râm. Cặp mắt ấy có màu thẫm, xanh lam thẫm. Giọng nói của bà ta như một vụ tự tử, hạ cánh với một âm kim khí chát chúa xuống dưới chân của Liesel.

“Die Juden.” bà ta nói. “Lũ Do Thái.”

š ĐỊNH NGHĨA THỨ 6 ›

TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG ĐỨC DUDEN

Elend - Sự khốn khổ:

Một nỗi đau đớn khủng khiếp, bất hạnh và phỉền muộn vô cùng.

Những từ ngữ có liên quan:

Nỗi thống khổ, sự dày vò, nỗi tuyệt vọng, sự cùng khổ, sự u phiền.

Có nhiều người hơn xuất hiện trên con phố, nơi một bộ sưu tập những người Do Thái và những tên tội phạm khác đã được đẩy đi qua. Có thể những trại tập trung chết chóc đã được giữ bí mật, nhưng có những lúc, người ta được cho thấy sự vinh quang của một trại lao động như Dachau.

Từ đằng xa, ở phía bên kia, Liesel chỉ tay về phía một người đàn ông với cái xe đẩy đựng sơn của ông. Ông đang xoa bàn tay mình một cách không thoải mái lên mái tóc.

“Kia kìa,” con bé chỉ cho Rudy thấy. “Bố tớ kìa.”

Cả hai đều băng ngang qua và đi đến chỗ ông, và Hans Hubermann ban đầu đã thử dẫn chúng đi.

“Liesel,” ông nói. “Có lẽ...”

Dù vậy, ông nhận thấy rằng đứa bé gái đã quyết tâm ở lại, và có thể có một điều gì đó mà con bé nên nhìn thấy. Trong bầu không khí mùa thu buốt giá, ông đứng bên cạnh nó. Ông không nói lời nào.

Trên phố Munich, họ đứng quan sát.

Những người khác di chuyển xung quanh và đằng trước họ.

Họ nhìn những người Do Thái đi trên phố như một bản danh sách những sắc màu. Đó không phải là cách mà kẻ trộm sách miêu tả họ, nhưng tôi có thể nói cho bạn biết rằng đó chính xác là những con người ấy, vì rất nhiều trong số họ sẽ chết.

Từng người bọn họ sẽ chào đón tôi như người bạn thực sự cuối cùng của họ, với những bộ xương nhẹ như khói, và linh hồn họ đang lê lết đằng sau.

Khi tất cả bọn họ đến nơi, tiếng ồn được tạo ra bởi những bước chân của họ nện trên mặt đường. Những cặp mắt trông thật khổng lồ trên cái sọ chết đói của họ. Và đất cát nữa chứ. Đất cát như được đúc lên người họ. Chân họ lảo đảo bước vì họ bị đẩy bởi tay của những người lính - một vài bước chân bướng bỉnh buộc phải chạy về phía trước, trước khi sự chậm chạp quay lại biến chúng thành một nhịp bước thiếu ăn.

Hans quan sát họ qua những mái đầu của đám khán giả ngày càng đông ấy. Tôi chắc rằng cặp mắt ông có màu bạc và đang căng như muốn lồi ra. Liesel nhìn qua những khe hở, hay qua vai của những người khác.

Những khuôn mặt khốn khổ của đàn ông và đàn bà tàn tạ vươn ra đến chỗ họ, van xin nài nỉ để được giúp đỡ - không, họ đã vượt ra ngoài điều đó - họ xin một lời giải thích. Một điều gì đó chỉ để làm dịu bớt sự bối rối này.

Chân của họ chỉ có thể nhấc lên khỏi mặt đất một chút.

Những ngôi sao của David được phết đầy lên áo họ, và sự khốn khổ được gắn chặt vào họ như thể đã được chỉ định trước vậy. “Đừng có quên sự khốn khổ của các người...” Trong một vài trường hợp, chúng lớn lên trên người họ như một sợi dây leo.

Bên cạnh họ, những tên lính cũng đi qua, ra lệnh cho họ nhanh lên và đừng có rên rỉ nữa. Bản thân một vài tên lính chỉ là những cậu bé. Chúng có Quốc trưởng trong mắt mình.

Khi quan sát tất cả những điều này, Liesel chắc rằng đây là những linh hồn đáng thương nhất còn tồn tại trên cõi đời. Đó là điều mà con bé đã viết về họ. Những gương mặt hốc hác của họ như chảy dài ra vì bị tra tấn. Cơn đói ăn thịt họ khi họ cứ bước đi về phía trước, một vài người trong số họ thì ngó chằm chằm xuống đất để tránh cái nhìn của những người đang đứng trên phố. Có những người thì hướng cái nhìn đầy vẻ van lơn vào những người đến để quan sát tình trạng nhục nhã của họ, khúc dạo đầu này cho cái chết của họ. Những người khác thì van nài ai đó, bất kỳ ai cũng được, bước lên trước và ôm lấy họ vào vòng tay.

Không ai làm như thế cả.

Dù họ có quan sát cuộc diễu hành này với niềm tự hào, sự liều lĩnh hay xấu hổ, thì cũng không có ai bước lên trước để mà cắt ngang nó cả, vẫn chưa có ai.

††

Có đôi lúc, một người đàn ông hay người đàn bà - không, họ không phải là đàn ông hay đàn bà nữa, họ là những người Do Thái - tìm thấy khuôn mặt của Liesel giữa đám đông. Họ sẽ gặp con bé với sự thất bại của họ, và kẻ trộm sách chỉ biết nhìn lại họ trong một khoảnh khắc thật dài, vô phương cứu vãn trước khi họ lại bước đi. Con bé chỉ có thể hy vọng rằng họ sẽ thấy được nỗi buồn thương sâu sắc trên gương mặt nó, có thể nhận ra rằng điều đó là thực, chứ không phải cái gì đó phù du.

Tôi có một người trong số các bạn trong tầng hầm nhà mình! Con bé những muốn thốt lên như thế. Chúng tôi đã cùng nhau đắp một thằng người tuyết! Tôi đã tặng anh ấy mười ba món quà khi anh bị ốm.

Nhưng Liesel đã không nói gì cả. Nói thế thì có ích gì cơ chứ?

Con bé hiểu rằng nó hoàn toàn vô ích với những con người này. Họ không thể được cứu thoát, và trong vài phút, nó sẽ nhìn thấy điều xảy ra với những người thử cứu họ.

Ở một khoảng trống nhỏ trong đám rước ấy, có một người đàn ông, già hơn những người khác.

Ông ta có bộ râu dài, mặc trên người một bộ quần áo rách nát.

Cặp mắt của ông có màu của sự đau đớn cực độ, và dù ông đã nhẹ đến mức gần như không trọng lượng rồi, thì ông vẫn quá nặng đến mức đôi chân ông không đỡ nổi người ông nữa.

Có vài lần, ông ngã gục xuống.

Một bên mặt của ông áp chặt xuống mặt đường.

Mỗi lần như thế, một gã lính lại đến bên chỗ ông nằm. “Steh auf,” hắn ta nói vọng xuống. “Đứng lên.”

Người đàn ông nọ quỳ gối và cố gắng dứng dậy. Ông lại bước tiếp.

Mỗi khi bắt kịp cái đuôi của hàng người ấy, ông lại nhanh chóng mất sức đẩy của mình và trượt chân ngã xuống đất. Vẫn còn nhiều người đằng sau ông - đủ nhiều người để nhét vừa một xe tải - và họ, có nguy cơ sẽ vượt qua ông và giẫm lên ông.

Cái chỗ nhức nhối trên cánh tay ông là điều sẽ khiến bạn không thể chịu đựng được khi phải nhìn chúng cứ lắc lư mãi và cố gắng nâng thân người ông lên. Chúng nhượng bộ một lần nữa trước khi ông đứng dậy và thực hiện một nhóm những bước chân khác.

Ông đã chết.

Người đàn ông này đã chết.

Hãy cho ông ấy thêm chỉ năm phút nữa thôi và chắc chắn ông ta sẽ ngã xuống đống cặn bã bùn lầy của nước Đức, và chết. Tất cả bọn họ sẽ để ông chết, và tất cả bọn họ sẽ đứng nhìn.

Sau đó, có một con người.

Hans Hubermann.

Việc này xảy ra rất nhanh.

Cái bàn tay vẫn giữ chặt lấy Liesel bỗng thả con bé ra khi người đàn ông khốn khổ nọ bước ngang qua chỗ họ. Con bé cảm thấy lòng bàn tay của mình đập vào hông nó.

Bố thò tay vào trong xe đẩy đựng sơn của mình rồi lấy thứ gì đó ra. Ông bước qua đám người đang đứng xem, đi xuống đường.

Người Do Thái đứng trước mặt ông, mong được nhận một vốc tay đầy những trò cười nữa, nhưng cùng những người khác, ông này quan sát Hans Hubermann chìa tay ra và đưa cho ông một miếng bánh mì, như một phép lạ vậy.

Khi miếng bánh ấy được chuyền từ tay người này sang người kia, thì người Do Thái gục xuống. Ông ấy quỳ gối dưới mặt đường và ôm lấy hai chân của bố. Ông ấy vùi mặt mình vào giữa hai cẳng chân ấy và cảm ơn bố.

Liesel đứng nhìn.

Mắt nhòa lệ, con bé nhìn thấy người đàn ông gục thấp người xuống chút nữa, đẩy Bố lùi lại để khóc vào mắt cá chân của ông.

Những người Do Thái khác bước qua, tất cả đều nhìn phép lạ nhỏ bé, vô ích này. Họ trôi qua, như một dòng chảy người. Ngày hôm đó, một vài người sẽ ra được tới biển. Họ sẽ được đưa cho một chiếc mũ trắng.

Lúc đang lội qua dòng chảy người ấy, thì một tên lính đã nhanh chóng có mặt ở hiện trường tội ác. Gã ta nhìn người đàn ông đang quỳ và Bố một lúc, rồi nhìn đám đông. Sau một khoảnh khắc suy nghĩ nữa, gã lấy chiếc roi da ra khỏi thắt lưng của mình rồi bắt đầu.

Người Do Thái bị quật sáu lần. Vào lưng, vào đầu và vào chân. “Đồ hôi hám! Đồ đáng tởm!” Lúc này máu đã nhỏ thành giọt từ chỗ tai ông.

Sau đó là đến lượt Bố.

Lúc này một bàn tay khác đã giữ lấy Liesel, và khi con bé hoảng sợ nhìn sang bên cạnh nó, thì Rudy Steiner đang nuốt nước bọt lúc Hans Hubermann bị quật roi trên đường. Âm thanh ấy làm con bé phát bệnh, và nó tưởng như đã có những vết nứt xuất hiện trên thân thể của bố nó. Ông đã bị đánh bốn lần trước khi tới lượt ông cũng ngã xuống mặt đất.

Khi ông già Do Thái đứng dậy một lần cuối cùng và bước tiếp, ông nhìn lại một thoáng. Ông buồn bã nhìn một lần cuối cùng người đàn ông lúc này đang quỳ gối, với tấm lưng rát bỏng bốn lằn roi như bốc cháy, với hai đầu gối đang nhức nhối tì trên mặt đường. Nếu không gì khác, thì ông già này sẽ chết như một con người. Hay ít nhất thì sẽ chết với suy nghĩ rằng ông ấy đã từng là một con người.

Còn tôi ư?

Tôi không chắc rằng đây là một điều tốt đẹp đến như thế.

Khi Liesel và Rudy chen qua được đám đông và giúp Hans đứng dậy, có rất nhiều giọng nói. Những từ ngữ và ánh sáng mặt trời. Đó là cách mà con bé nhớ về ngày hôm đó. Ánh nắng lấp lóa trên mặt đường và từ ngữ như những làn sóng, đang tan ra trên lưng nó. Chỉ khi bước đi thì họ mới nhìn thấy miếng bánh mì bị chối bỏ đang nằm vật vạ trên mặt đường.

Khi Rudy thử nhặt nó lên, một người Do Thái đi ngang qua đã giật lấy miếng bánh ra khỏi tay nó, và hai người khác lao vào đánh anh ta để giành lấy miếng bánh, trong khi họ tiếp tục con đường đến Dachau của mình.

Sau đó thì cặp mắt màu bạc bị bắn phá túi bụi.

Một cái xe đẩy bị lật nhào và sơn đổ tràn ra mặt đường.

Người ta gọi ông là một kẻ yêu lũ Do Thái.

Những người khác thì im lặng, giúp ông quay về với sự an toàn. Hans Hubermann chồm người tới trước, hai cánh tay của ông duỗi thẳng về phía bức tường của một ngôi nhà. Đột nhiên ông bị lấn át hoàn toàn bởi những gì vừa xảy ra.

Có một hình ảnh, chớp nhoáng và nóng bỏng. Nhà số 33 phố Thiên Đàng - tầng hầm của nó.

Những suy nghĩ bất an được bắt lấy giữa dòng hơi thở khó nhọc đang lưu thông ra vào của ông.

Bây giờ thì họ sẽ đến. Họ sẽ đến.

Ôi lạy đức Chúa, lạy đức Chúa bị đóng đinh trên cây thập ác.

Ông nhìn đứa bé gái và nhắm mắt lại.

“Bố có đau không hả Bố?”

Con bé nhận lại được những câu hỏi thay vì một câu trả lời.

“Bố đã nghĩ gì vậy cơ chứ?” Mắt ông nhắm lại thật chặt rồi lại mở ra. Cả người ông như co rúm lại. Trên tay ông lấm lem vết máu và vết sơn. Và những mẩu vụn bánh mì. Chúng mới khác với những miếng bánh mì của mùa hè làm sao. “Ôi lạy Chúa tôi, Liesel, Bố đã làm gì thế này?”

Phải.

Tôi buộc phải đồng ý với ông ấy.

Bố đã làm gì vậy?