Hưởng Tang

Chương 325: Truyền thuyết



Tương truyền trong những năm mà Tây Lương còn ở đỉnh vinh quang thì Lương Vương muốn có đồ sứ mới.

Có người hỏi Hoàng Thượng có yêu cầu gì với men gốm. Lúc ấy trời vừa mưa tạnh, điện ngọc sáng bừng, hoàng đế ngẩng đầu nhìn trời sau đó vung bút viết: “Qua cơn mưa trời lại sáng, mây lại tạnh, ngàn cơn gió thành sóng biếc.”

Sau cơn mưa trời xanh không mây, xanh là xanh nhưng trong vắt, đó chính là men sứ hoàng đế muốn.

Thánh chỉ truyền tới nơi làm đồ sứ nổi danh thiên hạ lúc ấy —— quận Nhữ Châu. Nhưng liên tiếp hai vị quan phụ trách làm đồ sứ đều không làm ra được màu thiên thanh ấy vì thế cả hai đều bị chém đầu. Vì thế quan phủ giao nhiệm vụ nhìn có vẻ không thể hoàn thành được này cho một người thợ làm đồ sứ tên là Dư Hòa và lệnh rằng nếu không thể làm được sẽ bị chém.

Dư Hòa am hiểu làm đồ sứ nhưng cũng hết đường xoay xở với cái thứ đồ sứ chưa ai từng làm ra này. Ông ta làm đi làm lại vẫn không thành công nên cả ngày buồn bực, cho rằng mình cũng sẽ giống hai vị quan tiền nhiệm, không sống được bao lâu đã đầu mình hai nơi.

Dư Hòa có một đứa con gái út, tên gọi là Dư Anh, năm ấy mới bảy tuổi. Đứa nhỏ thấy cha mình rầu rĩ không vui thì hỏi nguyên nhân. Dư Hòa có gì nói đó, giải thích rằng mấy ngày nay ông ta làm ra đồ sứ đều không đạt, nếu vẫn như thế thì sẽ bị chém đầu. Vì thế Dư Anh hỏi có cách nào để hoàn thành không và Dư Hòa đáp: “Dân gian có truyền thuyết nói rằng chỉ cần bỏ người sống vào lò là có thể hoàn thành đồ sứ như ý muốn, nhưng ta làm quan, sao có thể nhẫn tâm hại bá tánh?”

Dư Anh nhớ kỹ trong lòng, chờ tới khi đốt lò sứ thứ ba, nhân lúc cha mình không chuẩn bị nàng nhảy vào lò, lấy thân tế diêu.

Nghe nói sau khi đứa nhỏ nhảy vào lò nung thì có một con chim phượng hoàng tung cánh bay ra từ lửa đỏ hừng hực rồi đón gió bay lên. Những món đồ sứ trong lò kia có màu xanh như ngọc bích nhưng nếu nhìn kỹ dưới ánh mặt trời sẽ thấy men gốm hiện lên màu ửng đỏ. Nó giống như mặt trời mới mọc trên biển rồi lại tựa ánh hoàng hôn hoặc bầu trời mang theo cầu vồng sau cơn mưa. Mà sở dĩ nó có được nước men kỳ diệu ấy là nhờ máu thịt của đứa nhỏ kia.

Đời sau tương truyền bởi vì đồ sứ do linh hồn của Dư Anh biến thành nên một khi được dùng để chứa rượu, đồ ăn, trà gì đó thì hương vị đều sẽ khác hẳn. Nếu dùng nó làm áo giáp thì vừa uyển chuyển nhẹ nhàng vừa cứng rắn khiến đao thương khó mà chọc thủng. Thậm chí nếu để một mảnh đồ sứ trong nhà còn có thể trấn yêu trừ tà.

“Tránh tà cái nỗi gì, có mà gọi tà thì có,” nói xong chuyện xưa Mục què xì một tiếng mỉa mai cười nói, “Dư Hòa vì chuyện này mà gia quan tiến chức, trở thành người giàu có nhất vùng, thậm chí còn làm được tới chức Tiết Độ sứ. Chỉ có đứa con gái nhỏ của ông ta là táng thân trong biển lửa, mới tí tuổi đã chết. Có thể nói Dư Hòa dẫm đạp lên thi thể con gái mình mà bò lên địa vị cao. Triệu công tử, ngài nói xem lúc nửa đêm không người liệu Dư Hòa nhìn thấy món đồ sứ do Dư Anh dùng mệnh đổi được thì ông ta có chột dạ không?”

“Thương tâm hối hận thì có lẽ, nhưng vì sao phải chột dạ chứ?” Triệu Tử Mại khó hiểu.

Mục què thẳng lưng nghiêm trang, hai má nhăn nheo vốn chưa bao giờ an phận nay gục xuống, hai tay vuốt chòm râu sầu khổ nói, “Dân gian nói chỉ cần người sống nhảy vào lò là luyện được nhưng ta làm quan, sao có thể nhẫn tâm hại bá tánh.”



Nói xong lời này ông ta lại quay về bộ dạng cà lơ phất phơ như cũ và gãi gãi má nói tiếp, “Triệu công tử, ngài nói xem khi Dư Hòa tố khổ với con gái mình liệu có phải là bộ dạng như vừa rồi không? Mà đứa con gái mới 7 tuổi của ông ta thấy cha mình thà chịu chết cũng không muốn thương tổn bá tánh thì nhất định sẽ vừa đau lòng vừa chua xót cho nên đứa nhỏ mới nghĩ ra một biện pháp đẹp cả đôi đường.”

“Lấy thân tế diêu, trả mạng cho cha,” Triệu Tử Mại cười cười hỏi, “Tiền bối cảm thấy Dư Hòa cố tình tố khổ cho con gái nhỏ của mình nghe ư?”

“Đứa nhỏ mới bảy tuổi, nếu ngươi không muốn con mình lo lắng thì có thể an ủi, nếu không được thì có thể tùy tiện tìm cái cớ lừa gạt đứa nhỏ là xong. Vì sao phải tố khổ trước mặt một đứa bé tâm trí chưa hoàn toàn trưởng thành chứ? Nếu nói kẻ kia hoàn toàn không cố ý thì ta mới không thèm tin, hứ.” Mục què tổng kết lời của mình bằng một thái độ cảm thán xen đầy bất mãn và khinh thường. Mắt ông ta lật hết cả lên, ánh trăng chiếu đúng lúc khiến đôi mắt ông ta như hai viên đá cuội, nhìn cực kỳ dọa người.

Triệu Tử Mại lại không bị hai tròng mắt của ông ta dọa bởi vì hắn đang cúi đầu nhìn mũi chân của mình khiến người ta không hiểu hắn đang nghĩ gì. (Hãy đọc thử truyện Thiên Kiều của trang Rừng Hổ Phách) Qua hồi lâu rốt cuộc hắn cũng nở nụ cười khẽ nhưng không hề mang theo ấm áp, “Mối quan hệ của cha mẹ và con cái trên thế gian này chính là duyên nợ, nếu muốn hai bên không thiếu nợ nhau thì còn khó hơn lên trời. Nhưng đây là mối quan hệ gắn bó từ máu thịt, không thể lựa chọn, cũng không thể cắt đứt. Tiền bối, ngài nói xem có phải một khi đầu thai không đúng thì sẽ rất đáng buồn đúng không?”

Mục què tấm tắc vài tiếng rốt cuộc cũng thu lại xem thường trên mặt, “Ta nói này Triệu công tử, nếu đến ngài cũng không muốn đầu thai thì trên đời này còn ai muốn sống nữa.” Vừa nói ông ta vừa vỗ vỗ khuôn mặt khô cứng của mình, “Ngài nhìn những người bình dân như chúng ta xem, để có được một bữa cơm no mà chúng ta bôn ba khắp nơi, còn ngài chưa từng chịu khổ nên mới nói thế. Nếu đã từng trải qua ngài sẽ không như…… như vậy……”

Triệu Tử Mại cười nói, “Tiền bối định nói ta đang ra vẻ, ở trong phúc mà không biết phúc phải không? Có lẽ thế, chẳng qua khổ mà ta phải chịu và cái khổ ngài phải chịu tuy không cùng một loại nhưng vẫn đau thấu tâm can như nhau.”

“Ngài nói cũng đúng, đều là khổ thì còn phân nặng nhẹ gì……” Mục què bỗng nhiên nhớ tới trước kia hắn và Tiểu Ngọ vì đoạt một bát cháo mà phải làm nhiều việc. Cuộc sống quả là khổ nhưng mỗi khi nghĩ tới khóe miệng vẫn mang theo ý cười.

Mục què gãi đỉnh đầu. Ông ta vốn không phải người biết an ủi người khác, nay đối mặt với một nam nhân còn cao hơn mình một cái đầu nên ông ta càng không biết phải nói gì để trấn an đối phương. Cũng may Triệu Tử Mại cũng không tính toán tiếp tục đề tài này. Hắn hắng giọng, mày nhíu lại hỏi, “Tiền bối, chẳng lẽ ngài hoài nghi Chương thị dùng người sống tế diêu ư?”

Mục què thấy câu chuyện trở lại truyền thuyết kia thì thở nhẹ một hơi và nói, “Kia chỉ là truyền thuyết, ta thuận miệng nhắc đến chứ không có ý gì. Hiện tại chúng ta đã biết trên bộ trà cụ kia có một linh hồn, công tử nói xem có phải Chương Sinh Nhất cố ý muốn mưu hại Cung lão ca không?”

Triệu Tử Mại nhẹ nhàng lắc đầu, “Có lẽ không phải. Cung đại nhân là quan đốc lương, chưởng quản chuyện vận chuyển lương thực bằng đường thủy. Chức quan của ông ấy không coi là lớn nhưng lại có thực quyền trong tay, địa vị không khác gì quan lớn. Chương Sinh Nhất và Cung đại nhân không oán không thù, lão nịnh bợ còn không kịp thì sao lại phải cố ý hại ông ấy? Hơn nữa vừa rồi ta ở Chương phủ có bị hồn phách kia mê hoặc, là Chương Sinh Nhất phát hiện kịp thời mới cứu được ta…… Đúng rồi, trên ngón tay cái của lão có một cái nhẫn ngọc đầu dê, thứ kia là vật quý, nó vừa chạm vào ta thì linh hồn kia đã khiếp vía vì uy lực của nó.”

“Nhẫn ban chỉ vốn là hung vật, dùng để cố định dây cung, được dùng khi người ta cưỡi ngựa bắn cung. À, đúng rồi, nó giống đại thần tiên, chẳng qua đao mang theo sát khí khi giết người, còn nhẫn ban chỉ là công cụ hỗ trợ việc giết người. Chương Sinh mang một thứ hung vật như thế trên người thì chỉ sợ,” ông ta lại cười hê hê nói, “Chỉ sợ lão cũng chịu quấy nhiễu từ oan hồn nên muốn dùng nó để trừ tà.”