Giang Sơn Chiến Đồ

Quyển 1 - Chương 105-2: Điều động bất ngờ (2)



Trương Huyễn bật cười, hóa ra là chuyện nhỏ này. Hắn liền đứng lên lấy một chiếc bình thủy tinh từ trong hòm ra, đưa cho Lai Hộ Nhi:

- Đây là năm con Tử trùng, nếu Đại tướng quân thấy không đủ, ta còn chút hàng dự trữ nữa.

Lai Hộ Nhi vui mừng, liền nhận lấy chiếc bình:

- Ngư lão tướng quân nói 5 con là đủ rồi. Vậy ta cũng tương tự như vậy, đa tạ Trương tướng quân thành toàn.

- Nên là ta cảm tạ Lai Đại tướng quân, không biết khi nào ti chức xuất phát tới Liêu Đông?

- Nhanh thôi, cũng chính là khoảng hai ngày này. Mời Trương tướng quân chuẩn bị xong là xuất phát ngay.

Lúc này, Lai Hộ Nhi bỗng nhớ ra một chuyện quan trọng, thấp giọng nói với Trương Huyễn:

- Lần này có một cơ hội, nếu Trương tướng quân sau khi kết thúc chiến dịch Liêu Đông không muốn quay về quân Kiêu Quả, vậy thì ta có thể xin cho đội quân của Trương tướng quân độc lập thành phủ. Đó là ý của Thánh thượng, muốn quân Kiêu Quả tăng cường lực lượng quân sự địa phương.

Trương Huyễn bỗng thấy mừng rỡ vô cùng, liền hỏi:

- Một nghìn người cũng có thể dựng phủ sao?

- Phủ có phủ lớn phủ nhỏ, chuyện này cũng không quan trọng, chỉ là xem nhu cầu, giống như một số quận ở phía nam nhân khẩu ít, binh phủ cũng tám chín trăm người. Binh lính nhiều, quan phủ cũng không nuôi nổi. Nhưng có điểm ta muốn nói rõ, cho dù dựng phủ, chức quan của Trương tướng quân cũng không thể có thay đổi, tướng quân vẫn là Võ dũng lang tướng như trước.

Trương Huyễn không cần quan tâm tới chức quan lớn hay nhỏ. Hắn chỉ muốn mình không cần có người lãnh đạo bên trên, không phải chịu sự kìm kẹp kia, và càng quan trọng là hắn hoàn toàn có thể lợi dụng cơ hội lần này để thanh trừ những bộ hạ không trung thành với hắn.

Trương Huyễn lúc này liền khom người thi lễ nói:

- Đại tướng quân có thể để ta độc lập dựng phủ, Trương Huyễn ở đây xin cảm tạ trước.

Lai Hộ Nhi bật cười ha hả:

- Không cần khách khí, chỉ là chuyện nhỏ thôi!

Mặc dù ngoài miệng nói như vậy, nhưng trong lòng Lai Hộ Nhi lại thầm thấy vui, may mà hôm nay y đã kịp thời tới quân doanh, nếu không y đã bị mất đi cánh quân tinh nhuệ này rồi. Vũ Văn Thuật không xem cánh quân này ra gì, tuyệt đối là một tổn thất lớn của gã rồi.

Đêm hôm sau, Trương Huyễn nghị sự trong đại trướng. Tất cả quan quân từ đội trưởng trở lên đều được triệu tập tới nghị sự. Đây là một trong những doanh trướng lớn nhất toàn quân, thường thì dùng để tích trữ lương thực hoặc quân khí. Nhưng đại trướng này được Trương Huyễn chuyên dụng để họp, chiếm dụng nửa mẫu đất, trong trướng không đặt bất cứ thứ gì, tất cả mọi người đều ngồi trên chiếu.

Trong đại trướng, mọi người đang xì xào bàn tán, thương lượng việc huấn luyện ngày mai. Trương Huyễn về cơ bản cứ cách vài ngày đều triệu tập các quan quân tới nghị sự. Cho nên, mọi người cũng không ngờ nghị sự hôm nay có gì khác.

Lúc này, bên ngoài trướng có binh lính cao giọng quát một tiếng, chỉ thấy Trương Huyễn bước nhanh từ ngoài trướng vào, mọi người đứng lên, động tác nhịp nhàng.

Trương Huyễn khoát tay, tất cả quan quân lại ngồi xuống. Vị trí của Trương Huyễn ở trong cùng, sát đại trướng, địa thế cao hơn mọi người một chút. Bên trong đại trướng lặng ngắt như tờ, tất cả quan quân đều nhìn về phía Trương Huyễn, không biết đêm nay tướng quân triệu tập mọi người lại có tình hình gì mới muốn tuyên bố?

- Đêm nay ta có một chuyện quan trọng muốn tuyên bố với mọi người!

Ánh mắt sắc bén của Trương Huyễn nhìn mọi người, chậm rãi nói:

- Chiều nay, ta đã nhận được lệnh điều động khẩn cấp của bộ Binh, doanh thứ 3 của quân phủ 27 cũng chính là chúng ta sẽ được điều tới quân tiên phong của Lai Đại tướng quân, tham gia cuộc chiến tiền tiêu với Cao Câu Ly.

Những lời này của Trương Huyễn giống như gáo nước lạnh đổ vào chảo dầu nóng. Trong đại trướng bỗng nổ tung ra, có mấy quan quân liền hổn hển thốt lên:

- Tướng quân, sao chúng ta có thể đi làm quân tiên phong, đó là muốn giết người đấy!

Mọi người đều căng thẳng vô cùng. Trong đại trướng la hét ầm ĩ, giống như ngày đầu tiên Trương Huyễn tuyên bố chuyện quan binh ăn chung ở chung vậy.

Trương Huyễn không nói thêm gì nữa, để mặc mọi người la hét ầm ĩ. Mấy vị Giáo úy càng đỏ mặt tía tai, kiên quyết phản đối bị điều khỏi phủ 27. Lát sau, trong đại trướng mới dần yên tĩnh lại.

Trương Huyễn lại nói với mọi người:

- Ta biết có người không muốn đi. Nhưng lệnh điều động của bộ Binh đã ban rồi, có lẽ Vũ Văn Đại tướng quân cũng đã nhận được rồi, không thể thay đổi được. Nhưng ta cũng cho mọi người một sự lựa chọn. Nếu ai ở đây không muốn đi, vậy thì có thể tiếp tục ở lại phủ 27, do Mã trưởng sử bố trí lại chức vị, hoặc cùng Tư Mã tướng quân tới quân phủ địa phương. Sự việc liên quan tới lợi ích thiết thân, hy vọng mọi người suy nghĩ cẩn thận sự lựa chọn của mình, đi hay là ở lại?

- Tướng quân, bây giờ phải quyết định sao?

Có người hỏi.

Trương Huyễn lắc đầu:

- Quân đội sẽ xuất phát vào sáng mai, chỉ cần trước khi xuất phát sáng mai đưa ra quyết định là được!

Trương Huyễn biết chắc chắn sẽ có người chọn ở lại. Lần này không giống như lần trước quan binh ăn ở chung. Mặc dù lần đó người phản đối nhiều, nhưng dù sao cũng chỉ ảnh hưởng tới miếng ăn của mình, mọi người có thể chịu được.

Nhưng lần này lại động tới rất nhiều lợi ích thiết thân. Càng quan trọng là mọi người đều biết quân tiên phong của Lai Hộ Nhi sẽ là chiến trường đầu tiên. Cho dù đãi ngộ hậu hĩnh, nhưng ở đây lại không có ai bằng lòng chịu chết.

Hơn nữa Tư Mã Đức Hằng và Mã Tôn Vũ cũng không chắc đồng ý để tâm phúc tách khỏi mình.

Nhưng đối với Trương Huyễn mà nói, đây lại là cơ hội thanh lọc tốt nhất. Lai Hộ Nhi đã bằng lòng với hắn, quan quân thiếu hụt đều do hắn đề cử bổ nhiệm. Trương Huyễn cũng kỳ vọng sẽ không có người bỏ đi.

Buổi sáng, đáp án cuối cùng cũng đã được công bố, tổng cộng có 8 quan quân không bằng lòng cùng Trương Huyễn ra đi, bao gồm có ba Giáo úy, bốn Lữ soái và một đội trưởng. Bốn Giáo úy thuộc hạ của Trương Huyễn chỉ có Giáo úy hậu cần mới bổ nhiệm Thẩm Chính Huyền đồng ý cùng Trương Huyễn điều đi tới quân tiên phong.

Kết quả này cũng chính là sự kỳ vọng của Trương Huyễn.

Ngõa Cương trại nằm ở thung lũng Đông Quận. Nó nằm ở bờ Đông Nam sông Hoàng Hà xưa. Phía bắc giáp với bến Bạch Mã Hoàng Hà, phía nam đối với kênh Thông Tế, phía tây xuyên qua Hoàng Hà cách kênh Vĩnh Tế gần trăm dặm. Ngõa Cương trại nằm ở vòng xuyến sông Đại Vận nam bắc, có thể nói là nơi chiến lược quân sự hiểm yếu.

Tuy nhiên, đối với bản thân Ngõa Cương mà nói, trong lãnh thổ Đông Quận lại là một nơi hẻo lánh, nằm ở giao điểm ranh giới của bốn huyện là huyện Vĩ Thành, huyện Linh Xương, Khuông huyện và huyện Tạc Thành. Ở đây vì nước sông Hoàng Hà nhiều lần tràn vào, tạo thành đỉnh nhấp nhô, cây cối um tùm, sông ngòi đan xen, lau sậy khắp nơi.

Hoàn cảnh này vừa dễ dàng cho việc đóng quân lại vừa có lợi cho việc xuất kích. Quan quân bao vây cực kỳ bất tiện, vì vậy vào thời Đại Nghiệp năm thứ 7, Địch Nhượng liền khởi binh ở đây, xây dựng quân Ngõa Cương.

Trong khoảng thời gian mấy năm ngắn ngủi, quân Ngõa Cương đã tập trung được hơn năm vạn nhân mã, bao gồm cả những binh lính dũng mạnh và tài trí tới nương tựa như Đơn Hùng Tín, Từ Thế Tích, Hách Hiếu Đức, Bính Nguyên Chân, Phòng Ngạn Tảo, Vương Nho Tín, Ngụy Trưng, khiến cho thế lực của quân Ngõa Cương ở Trung Nguyên ngày càng lớn mạnh.

Nhưng mặc kệ là quân Ngõa Cương lớn mạnh thế nào, nó dù sao cũng là sơn tặc thổ phỉ, không thành được khí thế. Mọi người cũng không cam lòng ngồi trên núi dựa vào cướp bóc mà sống cho qua ngày.