Em, Anh Và Cô Ấy

Chương 18: Anh 6



Tôi nặng nề đập đầu mình vào bức tường trước mặt, càng lúc càng hận suy nghĩ tồi tàn của tôi ngày ấy, hận tôi bất lực của bây giờ.

Một cánh tay vỗ vào vai tôi, hộ lý chăm sóc em nhìn tôi bằng cặp mắt ráo hoảnh: “Đừng gây tiếng ồn, chị ấy rất khó vào giấc.”

Tôi lau mặt, thay đổi quần áo, để kệ vết thương trên đầu vào phòng tìm em. Cẩn thận chạm vào những ngón tay lạnh buốt của em.

Em yếu đi trông thấy mỗi ngày, có lúc đột nhiên nói rất nhiều, dần dần tôi nhận ra là do em không nghe được nữa.

Tôi giành hết việc chăm em của hộ lý, mặc kệ là ăn uống, tắm rửa hay lau chùi vệ sinh. Cô hộ lý thấy vậy cũng chẳng cản tôi, có lần còn nói với tôi rất chân thành: “Thâm tình đến muộn có cũng như không.”

Tôi không đáp lời.

Người duy nhất có tư cách mắng chửi tôi đang nằm đó, héo mòn.

Sóng nói với tôi, thậm chí trước khi đến hòn Gầm Ghì, em đã liên hệ sẵn với đơn vị tổ chức tang lễ, chuẩn bị kế hoạch đầy đủ cả rồi. Tôi vuốt ve mái tóc xơ xác của em, hoá ra em đã cô độc lẻ loi như vậy.

Tôi thà rằng tất cả đớn đau khổ sở em chịu đựng đổ hết lên người mình, ước ao người bị bệnh là tôi chứ không phải em.

Ước ao, vô dụng biết bao.

Hôm nay em bỗng nói nhiều hơn, tôi ghé lại gần nghe mới biết em đang dặn dò đủ thứ với người nhà, tôi hoảng loạn quay sang nhìn Sóng chờ cô ấy nói gì đó. Đáp lại tôi Sóng quay đi gọi điện lần lượt cho từng người thân của em.

Em không muốn trở thành vướng bận của ai, nhưng em lại có quá nhiều người phải bận lòng.

Nhân lúc Sóng không chú ý, tôi lặng lẽ bế em ra biển. Chúng tôi ngồi trên ghềnh đá, gió mằn mặn thổi về, em nhỏ bé ở trong lòng tôi.

Hơi thở em yếu dần, tôi biết tôi không còn xứng, nhưng vẫn lấy hết can đảm muốn được hôn em thêm một lần.

Chỉ là… em đã quay đi.

Em nhận ra tôi, nên phút cuối mới ghét bỏ nụ hôn của tôi.

Cũng phải thôi, đến tôi còn chẳng chấp nhận nổi chính mình thì sự chán ghét của em cũng là điều dễ hiểu.

Em đi rồi, tôi trở về với phố thị nhộn nhịp.

Ngày hôm ấy anh bạn thân tìm thấy tôi ở trong phòng ngập ngụa vỏ chai rượu và tàn thuốc lá.

Cậu ấy nói với tôi: “Nằm đây vạ vật đau khổ có giải quyết được gì không?”

Tôi không nói được, rệu rã cầm chai rượu lên, chỉ muốn nốc cho bất tỉnh thì thôi.

Bạn tôi nổi khủng, giật chai rượu ném mạnh vào tường.

Tôi không giận, lại mò mẫm tìm chai rượu khác mở nắp.

“Mẹ, làm thằng đàn ông chỉ vậy thôi mà đã không vượt qua được, cậu sống để làm gì?”

Tôi bật cười, chẳng biết đâu là nước mắt đâu là nước mũi, tôi hỏi bạn: “Phải, anh nói xem. Cô ấy đi rồi, em còn sống để làm gì?

Tôi gào lên tuyệt vọng: “Sao em vẫn còn sống?”

Bạn tôi hết cách, bèn gọi cho bố mẹ tôi đến.

Mẹ tôi đau khổ: “Lúc trước mẹ nói sao con không nghe? Điều gì quan trọng với mình con còn chẳng biết. Giờ con lại muốn phạm sai lầm cũ thêm lần nữa hay sao?”

Bố tôi khinh khỉnh: “Đáng đời mày lắm.”

Mắng đủ chửi đủ, họ vẫn phải quan tâm chăm sóc tôi.

Bạn tôi lại đến, lần này thái độ bình tĩnh hơn nhiều: “Cậu sống như thế này, liệu cái Kiều trông thấy nó sẽ nghĩ sao?”

Tôi lắc đầu, tôi không biết, cũng muốn biết.

Nỗi đau gặm nhấm từng tế bào trong cơ thể, chầm chậm ăn vào xương tủy, có ai hiểu được tôi lúc này.

Câu hỏi cũ bạn thân từng hỏi lặp đi lặp lại trong đầu: “Tôi còn sống để làm gì?”