Đông Phong Bất Dữ

Chương 2: Phúc lành hay sao dữ?



Bốn người lão Khương, Phác, Khánh, Lý nhìn nhau không hiểu chuyện. Bọn họ tuy nghèo thì nghèo thật nhưng luôn được dạy là nghèo cho sạch, rách cho thơm. Có gì ăn nấy, không có thì nhịn chứ đời nào họ dám đi trộm cắp.

- Trộm cái gì?

Lão Khánh nghiêm túc hỏi lại, dẹp đi cái bộ dạng cà chớn thường ngày. Thầy đồ banh cái khăn ra, đặt lên bàn, hai bên dùng trấn sách giữ lấy. Hắn từ từ nhẹ nhàng chỉ tay lên mấy con chữ trên khăn, bình tĩnh phân tích

- Chữ này được thêu bằng chỉ tơ vàng. Khác với những nơi khác, loại chỉ này là dùng vàng thật góp phần vào làm nên, đây không phải đồ nước mình.

Nguồn gốc của cái khăn này, theo hắn đoán không xuất phát từ bất kì nhà nào ở Đại Hưng, kể cả hoàng cung. Bởi lẽ hắn đã từng được đến vương quốc kế bên, hắn từng thấy người ở đó sử dụng loại chỉ này may trang phục, vẫn còn nhớ mang máng đặc điểm.

Thầy đồ từ từ nói về từng đặc điểm một trên chiếc khăn. Nào là loại vải sử dụng, cái này là dạng tơ lụa quý hiếm, cũng là xuất phát từ nước khác, nói chung không có cái nào là ở Đại Hưng hết. Mấy lão kia nghe vậy, đôi mày hơi nhíu lại, nãy giờ tên thầy đồ này nói họ có chữ hiểu chữ không, mông lung đủ thứ.

- Vậy tóm gọn lại, đứa nhỏ này không phải là người nước mình?

Lão Lý hỏi lại, nói nhiều mà nghe không hiểu cũng vậy, thôi thì chốt hạ một câu cho ngắn gọn.

- Chính xác

Đấy, nói vậy phải nhanh hơn không, đi vòng vo tam quốc làm gì cho mệt. Lão Phác ngồi xếp bằng, nâng chén trà lên nhấp môi.

- Vậy còn mấy chữ này?

Thầy đồ có lẽ nãy giờ vì nói quá nhiều đâm ra cũng có hơi khô cổ, hắn cũng làm một ngụm nước rồi mới nói tiếp. Ngón tay thon dài chỉ lên con chữ được thêu theo lối thảo thư trên khăn, hắn nói.

- Khoan đã, các ngươi cho ta biết, đứa nhỏ này từ đâu tới?

Thầy đồ hỏi, 4 người đàn ông trung niên kia cũng thật thà mà kể lại. Từ chuyện đứa trẻ trôi dạt đến cái nôi cái khăn, tất cả đều không sót một chữ. Hắn xong bèn chống cằm, bản thân cảm thấy chuyện này có gì đó uẩn khúc, không đúng ở đây.

- Vậy giờ ngươi định nuôi nó?

Hắn hỏi lão Phác. Lão gật đầu, con từ trên trời rơi xuống, không nuôi mới là lạ đó.

- Hay là thế này, ngươi mang đứa nhỏ về nuôi đi, cái nôi với chiếc khăn cứ để ở chỗ ta.



Khỏi nói cũng biết, các lão đương nhiên là mặt nặng mặt nhẹ không chịu. Lâu lâu mới nhặt được một món hàng lời to, tự dưng giờ có người tới hất tay trên, các lão 10 phần là cay cú rồi. Lão Khánh đứng lên to tiếng, văng cả "mưa" vào mặt cha thầy đồ.

- Từ từ, nghe ta giải thích đã.

Tên thầy đồ dùng khăn thô lau mặt, vừa lau vừa xua xua tay như thể hắn vô tội. Hắn chơi với bọn họ từ lâu, tâm tư của mấy người này như thế nào hắn còn không rõ ư.

- Nếu ngươi thật sự thương đứa bé thì hãy để lại, mai mốt nó lớn thì trả lại chứ đừng bán đi. Dù sao đây cũng là vật quan trọng với nó.

Mấy lão kia ừm ờ nhưng không nói gì, ngoảnh đầu chờ ý kiến của lão Phác.

- Cũng được, sẵn ở đây, ngươi đặt cho nó một cái tên đi.

Thầy đồ vui vẻ ra mặt, lão Phác xem ra vẫn là dễ thuyết phục chán, không như mấy người phụ huynh học sinh, nói mãi, nói đến gãy cả lưỡi vẫn gân cổ lên cãi cùn, như vậy thì hắn rất mệt nha.

Học trò theo hầu lấy ra một cái hộp gỗ nhỏ nhỏ, trông có vẻ rất trang trọng. Thầy đồ cầm lên cái khăn nhỏ, từ từ chỉ vào hàng chữ được viết ở trên khăn.

- Ta nghĩ đây là tên người ta muốn đặt cho đứa nhỏ, cứ lấy Mẫn Hi làm tên, dùng họ của ngươi.

Cái tên này nghe cũng hay, ít nhất là lão nghĩ thế. Với lão Phác, tên đọc thuận mồm là nghe hay rồi, cần gì quan tâm tới ý nghĩa của nó nữa.

- Còn nữa, những gì ta dự đoán về thân thế đứa bé, các ngươi tuyệt đối không được nói ra ngoài lung tung. Đừng thắc mắc, cứ nghe theo ta.

Mấy lão đang định hỏi lại thì bị chặn miệng, cũng không nói nữa. Tuy vậy nhưng trong lòng vẫn còn một chút tò mò, cái này rốt cuộc là như thế nào mà lại làm ra vẻ bí bí hiểm hiểm như vậy, nhưng mà thôi, tốt nhất không nên thắc mắc nhiều vậy.

Đứng lên chào tạm biệt rồi lui về, có ông còn chu đáo che nắng cho cục bông nhỏ. Thầy đồ nhìn theo bóng lưng mấy người kia ra về, thầm cầu mong cho họ ngoan ngoãn một chút. Học trò nhỏ thấy thầy mình như vậy bèn tiến đến, mạn phép hỏi.

- Sư phụ, rốt cuộc là có chuyện gì vậy?

Thầy đồ quay vào, lại tiếp tục hạ tọa trên ghế gỗ. Hắn sở dĩ không phải một nhà giáo làng quê bình thường. Ban nãy vừa nhìn sơ đứa trẻ liền nhớ đến mấy hôm trước bấm quẻ ra được tuần này sẽ có hung tinh giáng thế tới đây, hắn biết quả này không ổn rồi.

Mà thôi, dù sao cũng chỉ là một đứa con nít còn quấn tã, nó làm gì ai được chứ?



- Đứa nhỏ đó là hung tinh chuyển thế.

Học trò nhỏ theo hầu rót trà cho thầy, nó nhẩm đi nhẩm lại, kể ra cũng đã 2 năm từ ngày rời khỏi nơi đó. Hai năm trôi qua nhưng nó thật sự không hiểu, sư phụ khi đó đang là Giám Vụ Đại Thần của Khâm Thiên Giám, tự dưng lại từ quan rồi chui về chỗ khỉ ho cò gáy như thế này làm gì, ở kinh vẫn không phải là hơn sao.

- Sư phụ biết vậy vì sao còn giữ nó?

- Chỉ là một đứa con nít, bất quá thì cả đời này không để nó tiến kinh thôi.

Thầy đồ nhàn nhã nhấp trà, hắn ban nãy còn định bảo lão Phác bỏ nó đi, đừng giữ lại, nhưng nhìn thấy vẻ mặt có chút nét hớn hở, vui vẻ của lão, hắn không nỡ làm điều đó. Thôi kệ, cứ để lão nuôi nó đi, hắn sẽ từ từ tìm cách trấn lại sau.

Học trò nhỏ không nói nữa. Sư phụ có cách giải quyết, có lẽ là sẽ ổn thôi.

Lại nói về lão Phác cùng anh em. Sau khi từ chỗ thầy đồ về, ba lão kia dụ dỗ lão đi uống rượu mừng ngày "có con". Cũng may lão Phác còn giữ lại được lí trí nên từ chối, bởi lẽ không có ai mà tay phải đi nhậu tay trái ôm con nhỏ được, lỡ tay đút nhầm rượu cho con thì toang kèo à?

Lão ta về đến nhà, nghĩ đến vợ mình mà bất chợt cười tủm tỉm. Bà nhà lão phen này thấy ắt hẳn là sẽ rất vui. Vừa về đến cửa nhà, lão nói vọng.

- Bà ơi, ra xem tôi có gì này!

Bà vợ ở trong nhà đang rửa nốt mấy cái chén bẩn, nghe tiếng ông chồng vội vã lau đi nước. Bà đứng dậy, tiến về phía phát ra âm thanh.

- Có gì thì vào nhà..... ơ kìa!

Câu chưa nói hết đã vội chuyển sang chữ khác, nó đủ cho người ta biết rằng chủ nhân lời nói đang hết sức ngạc nhiên. Lão Phác cắm cái dụng cụ hành nghề xuống đất, thấy bóng dáng người thương, liền chạy tới.

- Con ai vậy?

Bà vợ chưa thoát cơn hoang mang nhưng vẫn theo ông chồng vào trong nhà. Lão Phác đưa đứa nhỏ cho vợ mình, mồm kể lại toàn bộ những gì đã gặp. Từ đoạn vớt nó dưới sông cho đến lúc từ chỗ cha thầy giáo về, toàn bộ đều không sót một ly.

- Chúng ta nhận nuôi nó, nhé?

Lão hỏi. Bà nhà vừa rồi cười một cái, xem như đồng ý. Lão nói đến chuyện đặt tên con là Mẫn Hi theo ý thầy đồ, cũng không phân tích ngữ nghĩa vì biết cái gì đâu mà nói. Hồi đó có đi học đâu, 1 chữ bẻ đôi còn không đọc nổi chứ ở đó mà giải nghĩa tên.

Từ hôm đó, đứa trẻ vô danh trôi dạt trên sông chính thức có gia đình, có danh tự, có cha mẹ hết mực yêu thương. Bà nhà lão Phác hôm đó vui mừng hết độ, liền liên tục bái lạy tạ ơn trời đất vì đã ban cho bọn họ một phúc lành.