Dệt Kén

Chương 24: Em trai ngoan của tôi



Vừa vào nhà thì có điện, đèn trần sáng bừng, Lê Đường vội vàng lau mắt.

Cậu muốn sửa quách cái tật xấu hay khóc nhè, hôm nay nước mắt không chảy mà chỉ ngấn quanh vành mắt đã là tiến bộ vượt bậc rồi.

Tuy nhiên vẫn bị Tưởng Lâu nhìn ra.

Lê Đường nhận khăn giấy Tưởng Lâu đưa, gượng gạo mở lời: "Vừa nãy cậu bảo nỡ lòng gì cơ? Vế sau tôi không nghe rõ."

Tưởng Lâu xoay người chuyển bàn gấp về chỗ cũ: "Không có gì."

Sau khi dời vật dụng về đúng chỗ, Tưởng Lâu mở tủ quần áo lấy một chiếc hộp giấy, bên trong có đủ loại thuốc chữa vết thương ngoài da. Hắn dùng tăm bông thấm iodophor khử trùng vết thương ở mu bàn tay cho Lê Đường, Lê Đường vô thức rụt lại thì hắn túm cổ tay không ngọ nguậy.

Lê Đường đã không nhớ đây là lần thứ mấy Tưởng Lâu xử lý vết thương cho mình. Cậu cũng không muốn bị thương hoài vậy đâu, nhưng cậu thật sự quá yếu ớt.

"Sao lại thế này?" Tưởng Lâu hỏi.

Lê Đường mím môi: "Bị ngã."

"Đi bộ đến à?"

"Tắc đường lắm, đành đi bộ thôi."

"Không đau chân hả?"

Sau lần bị ngã trên đường chạy u một cục to tướng ở đầu, cuối cùng cô chủ nhiệm cũng không bắt Lê Đường chạy nữa, Lê Đường xin nghỉ cô đều cho.

"... Quen rồi thì đỡ hơn nhiều." Lê Đường xấu hổ: "Từ nhà tôi đến đây cũng không xa mấy."

Tưởng Lâu ngẩng đầu định nói gì đó, bỗng dưng bên ngoài vẳng tiếng ồn ã.

Có người gọi với vào nhà: "Tưởng Lâu mở cửa, cô cháu tới thăm cháu kìa!"

Lê Đường muốn theo ra cùng mà Tưởng Lâu bảo cậu ở yên trong buồng, trước giờ cậu luôn nghe lời Tưởng Lâu nhưng cậu vẫn tò mò lắm.

Cậu đã nghĩ Tưởng Lâu không còn người thân nào trên đời, không ngờ vẫn còn một người cô.

Lúc này nhà nào nhà nấy đều bật đèn sáng trưng, qua ô cửa sổ Lê Đường nhìn thấy người phụ nữ đứng sau ông chủ tiệm tạp hóa, tóc bà ta ngắn ngang tai, mũi củ tỏi mắt nhỏ tí, da và môi vàng vọt, mặc quần áo lao động in tên một nhà máy nào đó.

Lê Đường hơi ngạc nhiên vì người cô này không giống Tưởng Lâu một chút nào, ngoại hình không giống, thói quen tính cách cũng không hề tương đồng. Bà ta nói giọng địa phương Tự Thành, ngọng n với l và không đọc được âm uốn lưỡi, song Lê Đường vẫn có thể nghe hiểu đại khái là bà ta đang hỏi Tưởng Lâu xảy ra chuyện sao không liên lạc với mình.

Tưởng Lâu đáp hờ hững: "Nhà vẫn ổn, không sập."

"Không sập thì mày cũng nên báo cô một tiếng chứ." Người phụ nữ bước lên nhìn từ đầu đến chân Tưởng Lâu: "Người không sao là tốt. Nhưng cô thấy nhà nứt to quá, coi như là nhà hỏng còn gì? Nghe nói chính phủ định phá chỗ này xây tòa nhà mới, chả biết chính sách cụ thể thế nào..."

Tưởng Lâu vẫn cất giọng nhạt nhẽo: "Không cần biết, cũng đâu phải nhà của bà."

Câu này đạp đúng điểm yếu của người phụ nữ, nụ cười giả tạo tắt ngúm: "Sao lại không phải của tao? Năm xưa bố mày lấy vợ, ông nội mày đưa nhà cho gia đình mày ở tạm, không có nghĩa ngôi nhà không có phần của tao."

Thấy bà ta lộ rõ mục đích đến, Tưởng Lâu nhếch môi chế giễu: "Nói nhảm không tính, bây giờ ngôi nhà đứng tên tôi."

"Tao biết ngay, thằng oắt con mày ngày xưa không chịu theo tao mà cứ đòi vào trung tâm phúc lợi gì đó chắc chắn là có mục đích!" Người phụ nữ trợn mắt nói: "Không ngờ đấy, mày vừa đủ tuổi đã trộm cắp tự đứng tên nhà, đề phòng tao chứ gì?"

Nghe hai chữ "trộm cắp", Tưởng Lâu cau mày rất khẽ: "Vốn dĩ nhà đứng tên bố tôi, sang tên tôi là hoàn toàn hợp pháp."

"Mày đừng lôi pháp luật ra khè tao!" Bà cô cất giọng ông ổng: "Ngôi nhà này là tài sản bố tao để lại, từ đầu đã có một phần của tao, tao hỏi người ta rồi, dù kiện cũng chưa chắc tao sẽ thua!"

"Thế bà đi kiện tôi đi." Tưởng Lâu hơi mất kiên nhẫn: "Năm xưa bà nhận nuôi tôi chẳng qua vì ngôi nhà, không làm tròn bất cứ nghĩa vụ nuôi dưỡng nào, trung tâm phúc lợi đều có ghi chép."

Bà cô đỏ bừng mặt: "Ý gì hả, mày đang duy hiếp tao? Ai bảo tao không nuôi mày ngày nào, năm đó mẹ mày vừa đẻ mày ra đã chạy theo người khác, chính tao mua sữa bột cho mày ăn, nếu không mày có sống đến ngày hôm nay được không? Về sau bố mày chết, tao cũng nấu cho mày mấy bữa cơm còn gì? Mày có dám thề với trời mày chưa từng ăn chưa từng dùng cái gì của tao không?"

Ông chủ tiệm tạp hóa đứng bên không nghe nổi nữa, lên tiếng giảng hòa: "Cô cháu ruột thịt với nhau, có chuyện thì ngồi xuống từ từ bàn bạc, cần gì làm ầm ĩ đỏ mặt tía tai..."

"Tôi muốn ầm ĩ chắc? Mọi người đều thấy đấy, ở đây vừa có động đất, nhà tôi tôi còn không lo đã chạy từ xưởng tới đây thăm nó, nó thì hay rồi, chưa gì đã không nhận người thân, hắt nước bẩn bêu xấu tôi, nói tôi chưa từng nuôi nó. Ông trời ơi, nhà họ Tưởng chúng con đời đời coi trọng máu mủ tình thân mà sao lại đẻ ra cái ngữ vô ơn này, đi học được vài năm đã ghê gớm lắm, xem ra cũng giống con mẹ máu lạnh bỏ chồng bỏ con của nó thôi..."

Người phụ nữ nói mãi nói mãi lại bắt đầu lau nước mắt.

Đã có hàng xóm gần đó đi ra hóng hớt, cũng có người lại gần khuyên nhủ. Chú nuôi gà sát vách và vợ chú ấy thì thầm với Tưởng Lâu: "Nói ngon ngọt vài câu dỗ cô ấy về đã, to chuyện lại không hay, cháu còn đang đi học."

Nét mặt Tưởng Lâu ngày càng lạnh lùng. Hắn quá rõ bản tính cô mình, biết bà ta chẳng dễ dàng chịu để yên đến thế, một khi hôm nay nhượng bộ thì chỉ e hậu quả khôn lường.

Hắn lấy cái ví trong túi áo, rút ra vài tờ tiền giấy: "Tiền sữa bột với cơm."

Người phụ nữ nín khóc ngay lập tức, ngơ ngác nhìn tờ tiền màu hồng trong tay mình. [1]

[1] Tờ 100 tệ màu hồng.

Tưởng Lâu lại rút thêm hai tờ: "Đủ chưa?"

Người phụ nữ ngẩng đầu: "Ý mày là sao?"

"Sòng phẳng."

"Mày, mày không nhận người cô là tao nữa phải không?"

"Nhận hay không nhận có gì khác nhau?"

Dù sao đi nữa cũng phải tranh chấp quyền sở hữu ngôi nhà này, từ lâu giữa họ đã không còn tình cảm gì để nói.

Tưởng Lâu không muốn dây dưa với bà ta nữa, ném tiền cho bà ta rồi xoay người bỏ vào nhà.

Sau lưng hắn là những lời mắng nhiếc "ranh con không có lương tâm", "đáng đời mày điếc tai trở thành đứa tàn tật", láng giềng kéo bà cô bảo bà ta về trước, ở đây mới có động đất, biết đâu lát nữa vẫn còn dư chấn.

Nghe vậy tiếng la hét mới dần dần dừng lại.

Tưởng Lâu trở vào nhà, đóng sập cửa kêu đánh "rầm".

Lê Đường run bắn theo, trông thấy mấy mảnh vôi tường rơi ra từ vách tường bị nứt.



Tưởng Lâu sa sầm mặt, cầm lại tăm bông chấm vết thương cho Lê Đường, nghe thấy Lê Đường xuýt xoa mới hoàn hồn làm chậm lại.

Lê Đường biết hắn không cố ý, tâm trạng hắn đang khó chịu nên không để ý nặng nhẹ.

Nghĩ lại quan hệ họ hàng nhà mình, Lê Viễn Sơn có một chị gái, cũng tức là bác của Lê Đường. Tuy bình thường ít qua lại nhưng lễ tết luôn phải tụ tập ở nhà ông nội Lê Đường ăn cơm đoàn viên, khi ấy bác sẽ lì xì cho cậu, thi thoảng còn tặng cậu món quà nhỏ xinh mang từ nước ngoài về.

Do đó cô Tưởng Lâu hoàn toàn vượt ngoài tầm hiểu biết của Lê Đường, sao trần đời lại có bà cô không muốn chăm sóc cháu, đến cả chỗ ở duy nhất của cháu cũng muốn cướp?

Bà ta còn nói Tưởng Lâu "tàn tật". Nghe hai chữ ấy Lê Đường quặn thắt tim gan.

Tưởng Lâu mất bố mẹ từ nhỏ, không có ai để nương tựa, tiền ăn uống đi học đều phải tự kiếm, một thân một mình lăn lộn ở đời, những vết thương hắn từng chịu chỉ có nhiều hơn số cậu nhìn thấy.

Lê Đường càng nhận thức sâu sắc hơn về sự kiên trì và khó khăn của Tưởng Lâu, cậu giơ tay còn lại khẽ đặt lên đầu Tưởng Lâu.

Cậu bắt đầu có thể hiểu ý nghĩa của hành động xoa đầu, nó giống như một dạng vỗ về, im lặng nói với đối phương rằng đừng buồn nhé, có tôi ở đây.

Lúc này Lê Đường đang ngồi còn Tưởng Lâu cúi thấp người, bởi vậy động tác xoa đầu tự nhiên vô cùng.

Thế nhưng có vẻ Tưởng Lâu không quen được xoa đầu, hàng mi cụp run run, cơ thể cũng cứng đờ trong thoáng chốc.

Nhưng lòng hắn bỗng dưng bình tĩnh hẳn.

Tưởng Lâu ngước mắt nhìn Lê Đường: "Nghe thấy hết rồi à?"

Lê Đường gật đầu.

"Cậu cũng cảm thấy tôi đáng đời?"

Lê Đường lắc đầu.

Cậu sẽ không bao giờ đứng trên cao thương xót cảnh ngộ của người khác một cách ngạo mạn, càng không bao giờ muốn biết chân tướng sự thật qua lời người khác.

Cậu chỉ đang nghĩ: "Tôi vẫn chưa đủ tốt với cậu."

Sau này phải tốt với cậu hơn mới được.

Kim giờ chạy qua số tám mà ngoài đường cái vẫn đang tắc cứng, tiếng còi xe vang lên không dứt.

Không xảy ra dư chấn, Lê Đường nhận được tin nghỉ học do lớp trưởng Lý Tử Sơ thay mặt thông báo.

Nhóm Wechat sôi sùng sục, có người báo bình an cho nhau, có người hò hét vì được nghỉ, còn có người hỏi có phải tòa nhà dạy học sập rồi không.

Lý Tử Sơ: Không, tôi đang ở trường giúp giáo viên sắp xếp bàn ghế đây.

Vừa mới động đất đã chạy đến trường, cả lũ ồ ạt gửi icon chắp tay tỏ ý kính trọng bạn lớp trưởng xứng chức.

Chốc lát sau Hoắc Hi Thần gửi ảnh trong nhóm: Đây là ô của ai, rơi dưới bàn giáo viên này.

Không ngờ hắn cũng ở trường.

Nhạy bén nhận ra điểm khác thường, Lê Đường nhắn riêng cho Lý Tử Sơ: Cậu đang ở cùng Hoắc Hi Thần?

Năm phút sau Lý Tử Sơ nhắn lại: Ừ, cậu ta cứ đòi đi theo.

Lê Đường: Hai cậu làm lành rồi?

Lý Tử Sơ: Đã bên nhau bao giờ đâu mà chia tay với làm lành gì.

Không chờ Lê Đường trả lời, Lý Tử Sơ nhắn tiếp tin thứ hai: Chiều nay lúc động đất, cậu ta lao vào phòng tôi đầu tiên, lấy thân mình bảo vệ tôi.

Sau đó là tin thứ ba: Tuy cậu ta luôn nói mình không thích con trai, tuy tự tôi chủ động dụ dỗ cậu ta, nhưng tôi cảm thấy có lẽ cậu ta chỉ nhát gan không dám thừa nhận, không phải cậu ta hoàn toàn không rung rinh với tôi.

Lê Đường vô tình lo chuyện bao đồng của người khác, nhưng là bạn bè nên cậu vẫn nhắc nhở thân thiện: Đừng cưỡng hôn cậu ấy nữa, cậu cũng nói cậu ấy nhát gan, dọa cậu ấy chạy mất thì làm sao.

Lý Tử Sơ nghiến răng nghiến lợi trả lời bằng tin nhắn thoại: "Chính-cậu-ta-cưỡng-hôn-tôi!"

Lê Đường rất bất ngờ, mức độ khả quan của mối tình anh em này trong lòng cậu lại tăng lên vài phần trăm.

Điện thoại cắm sạc, Lê Đường gọi cho mẹ nói bây giờ đường xá khó đi, muộn mới về được.

Cậu bỏ điện thoại xuống, phát hiện Tưởng Lâu đang nhìn mình.

"Sức khỏe mẹ cậu không tốt?" Tưởng Lâu hỏi.

"Ừm." Lê Đường để điện thoại lên bàn: "Nghỉ ngơi điều dưỡng một thời gian đỡ hơn nhiều rồi."

Tưởng Lâu nhìn đi chỗ khác, không lên tiếng nữa.

Lê Đường đoán hắn nghĩ đến mẹ mình.

Qua lời chửi đổng của cô Tưởng Lâu khi nãy, Lê Đường mới biết không phải mẹ hắn đã qua đời mà là bỏ nhà đi khi vừa sinh ra hắn.

Nếu mẹ Tưởng Lâu biết hắn không chỉ bình an lớn lên mà còn nỗ lực và xuất chúng như thế, liệu có hối hận vì năm xưa đã vứt bỏ hắn không?

Bữa tối ăn mì tôm, thời điểm đặc biệt không được kén chọn, lấp đầy bụng là may lắm rồi.

Đã nghèo còn mắc cái eo, bát nhà Tưởng Lâu đã rơi vỡ trong trận động đất, chỉ còn một cái tô mẻ miễn cưỡng dùng được.

Lê Đường vừa định nhường Tưởng Lâu ăn trước, chờ hắn ăn xong mới ăn thì Tưởng Lâu đã bóc gói mì vị hải sản đổ ra tô úp cho cậu.

Mì bò cay của hắn thì úp luôn trong gói mì, xé vỏ cho hết gia vị vào rồi đổ nước nóng.

Lê Đường chưa từng thấy cách úp mì nào đơn giản tới thế, vừa kinh ngạc vừa lo lắng, chốc thì hỏi "nó có rỉ không", chốc lại lo "bao nilon gặp nóng có sinh ra chất độc hại không".

Tưởng Lâu đáp: "Không chết được, trước kia tôi thường xuyên ăn thế này."



Lê Đường im lặng giây lát, lại bày ra biểu cảm chua xót như thể đau lòng.

Cậu không cho ý kiến nữa mà nhìn ngó xung quanh, định bụng kiếm thứ gì buộc gói mì lại để hơi nóng không bốc ra.

Không tìm thấy dụng cụ tiện tay, chỉ tìm được một tờ giấy. Đó là áp phích phim Titanic công chiếu trong nước năm 1998 rơi ra trong trận động đất, bị ẩm ố vàng, trước đây được dán lên tường che vết nứt.

Lê Đường nhặt nó lên, phủi bụi đất trên bề mặt. Tưởng Lâu cầm lấy, toan vứt ra ngoài cửa sổ thì Lê Đường cản lại.

"Cái này bố cậu dán lên tường đúng không?"

Tính thời gian thì hẳn là trước khi Tưởng Lâu chào đời, cho nên nó không chỉ là một tấm áp phích mà còn là kỷ niệm tình yêu của bố Tưởng Lâu.

Hơn nữa...

Lê Đường nhìn nam nữ chính ôm nhau trên áp phích, nhớ đến hồi bé cùng xem bộ phim này với mẹ.

Cậu cảm thấy hoài niệm: "Mẹ tôi cũng rất thích phim này."

Một lúc lâu sau Tưởng Lâu nói: "Vậy sao."

Ngoài miệng hỏi vậy nhưng trong lòng hắn lại có một giọng nói khác...

Tôi biết, đương nhiên tôi biết.

Đây cũng là bộ phim mẹ tôi thích nhất.

Năm 2012, Titanic chiếu lại trong nước, khi đó Tưởng Lâu mười ba tuổi một mình mua vé vào rạp xem.

Đó là bản làm lại 3D, giá vé cực kỳ đắt đối với hắn ở thời điểm đó, hắn nhịn ăn tối suốt một tháng mới tiết kiệm được từng ấy tiền.

Hắn chỉ muốn xem thử "bộ phim mẹ thích nhất" mà bố kể.

Có thể do tuổi còn nhỏ nên Tưởng Lâu xem cả bộ phim với thái độ thờ ơ, đôi nam nữ trông giống người yêu bên cạnh khóc sướt mướt ôm chầm lấy nhau mà hắn chẳng mảy may xúc động.

Hắn chỉ cảm thấy nực cười, rõ ràng trong thực tế không chịu nổi nghèo khó, lựa chọn chạy theo cuộc sống tốt hơn thì sao lại thích một tình yêu vượt qua giai cấp, không màng tất thảy ở trong phim?

Cuối cùng hắn không vứt tấm áp phích đi.

Lê Đường cẩn thận gấp nó lại kẹp trong cuốn từ điển dày cộp: "Bình thường không nhìn thấy, sau này vô tình giở đến thì coi như một bất ngờ."

Tưởng Lâu bước lên, bưng mặt Lê Đường đặt một nụ hôn lên môi cậu.

Hắn nói với Lê Đường: "Cậu đến bên tôi mới là điều bất ngờ."

Hai tiếng nữa trôi qua, ngoài trời đen đặc, tiếng còi cảnh sát tạm nghỉ.

Hai đứa kề vai ngồi trước cửa, chọc con chó hoang chạy đến đây "lánh nạn".

Có lẽ thường xuyên được hộ dân xung quanh cho ăn nên con chó nhỏ vẫn tròn lẳn, vừa thấy Lê Đường đã vẫy đuôi nhặng xị như thể vẫn nhớ cậu là người tốt từng cho mình ăn xúc xích.

Bây giờ Tưởng Lâu mới cầm điện thoại xóa hơn mười thông báo cuộc gọi nhỡ từ "Cáo nhỏ", Lê Đường nhìn mà dẩu môi: "Điện thoại của cậu để làm cảnh à? Sao chẳng bao giờ gọi được."

Tưởng Lâu cười, ngón tay ấn ấn vài cái cài nhạc chuông riêng cho Lê Đường, bảo cậu: "Người khác gọi tôi đều để rung."

Lê Đường mím môi, muốn cười nhưng lại sợ tỏ ra đắc chí quá sẽ làm người ta tóm được "đuôi cáo".

Mưa đã tạnh, cảm giác ngột ngạt ban ngày bay biến hết, không khí tràn ngập mùi ẩm ướt của lá mục và bùn đất.

Thời sự đưa tin tính đến hiện tại trận động đất lần này chưa ghi nhận trường hợp gặp nạn, cho thành phố vốn huyên náo chìm vào giấc ngủ ngon.

Sự yên tĩnh quá mức luôn khiến người ta muốn phá vỡ.

Lê Đường hít sâu một hơi, cuối cùng cũng tìm được dịp hỏi thắc mắc vẫn giấu nhẹm trong lòng: "Cậu cảm thấy tôi nên gọi cậu thế nào?"

Hai bọn cậu đã là quan hệ thân mật nhất, gọi thẳng tên nghe xa cách quá.

Hơn nữa cậu đã là "cáo nhỏ" của Tưởng Lâu, cậu cũng tha thiết hi vọng Tưởng Lâu trở thành người gì đó thuộc về một mình mình.

Dẫu cho không cách nào công khai mà chỉ có thể gọi riêng.

Tưởng Lâu cho cậu quyết định: "Thế nào cũng được."

Lê Đường bèn nghĩ ngợi, dù rằng trong lòng cậu đã có phương hướng rõ ràng từ lâu, chỉ chờ Tưởng Lâu đồng ý.

"Cậu lớn hơn tôi hai tuổi." Lê Đường hỏi: "Tôi gọi cậu là 'anh' nhé, được không?"

Từ hồi rất nhỏ Lê Đường đã ao ước có một người anh.

Anh có thể cùng chơi, cùng luyện đàn, cùng làm bài tập với cậu. Khi bố đánh cậu, anh sẽ đứng ra bảo vệ cậu; khi bị nhốt lại anh sẽ cứu cậu thoát khỏi bóng tối, bảo cậu không cần nói dối là không sợ, cậu mới bé tí teo, sợ cũng không sao.

Trong trí nhớ cậu từng có một "người anh" ngắn hạn, đáng tiếc niềm vui lúc ấy bị nỗi sợ không tìm được mẹ lấn át, sau khi về nhà cậu lên cơn sốt, tỉnh lại thì không nhớ rõ nữa.

Chưa biết chừng chỉ là giấc mơ mà thôi.

Lê Đường của năm mười bảy tuổi vẫn ngây thơ, ôm lòng mong đợi thuần khiết nhất với con người trên thế giới này.

Mà Tưởng Lâu mười chín tuổi đã biết từ lâu, rằng đời người luôn phải trải qua rất nhiều lần có được trong thoáng chốc và mất mát lâu dài.

Đến hiện tại đã có bóng lưng đi xa dần của mẹ, xác chết máu thịt lẫn lộn của bố, cùng lời chửi rủa mỉa mai, sự thèm thuồng rình rập, vu khống không có lý do và nỗi ác ý bừa bãi quanh quẩn bên tai hắn không ngừng nghỉ suốt bao năm nay.

Dù cho hắn đã mất thính lực một bên, thế giới tịch mịch hoang vu như đống đổ nát chẳng thể xây dựng lại.

Vì vậy dù có liên tục thăm dò, quan sát và xác nhận người trước mặt không hề biết chuyện, hắn vẫn cảm thấy ánh mắt trong veo cùng lời nói ngây thơ ấy là sự tàn nhẫn đủ để lăng trì người ta từng nhát một.

Không cần chờ quá lâu, chắc chỉ bằng thời gian của hai cái hít thở sâu, Tưởng Lâu trả lời: "Tất nhiên có thể."

Tất nhiên có thể, em trai ngoan của tôi.