Danh Môn

Chương 151: Đàm phán (1)



Quyển 3: Tung hoành hoạn hải

Chương 150: Đàm phán (1)

Nhóm Dịch: Hồng Mai

Biên dịch: DHN

Nguồn: metruyen.com



“ Hừ! Con không thèm để ý nhưng ta để ý” Thôi Viên nặng nề hừ một tiếng, ông ta kiên quyết nói: “ Chuyện hôn nhân của con gái do cha mẹ quyết định. Chuyện này cứ định như vậy. Hết năm nay ta sẽ phái người tới Vương gia định đám hỏi. Con cứ yên tâm nghỉ ngơi” .

Nói xong Thôi Viên bước ra ngoài cửa. Khi ra tới ngoài cửa Thôi Viên nói với mấy phụ nhân bên ngoài: “ Từ bây giờ trở đi, các ngươi phụ trách an toàn của tiểu thư. Nếu có bất kỳ điều gì xảy ra, ta tuyệt đối sẽ không tha cho các ngươi” .

“ Phụ thân!” Thôi Ninh bước ra ngoài nhưng mấy phụ nhân đã lạnh lùng cản nàng lại. Thôi Ninh đành giương mắt nhìn phụ thân đi xuống lầu. Lúc này trái tim Thôi Ninh như tan nát. Nàng chậm rãi đi tới trước cửa sổ, lệ đã rơi thấm đẫm gương mặt nàng. Thôi Ninh nhìn chân trời tĩnh lặng xa xa mà gào lên: “ Hoán lang, chàng có nghe thấy không? Chàng hãy mau mau tới cứu thiếp đi” .

Vào ngày hai mươi tháng mười hai năm Tuyên Nhân thứ nhất, một đội kỵ binh ba nghìn người chậm rãi tiến vào địa phận Lũng Hữu, tiến về hướng nam. Quân kỳ phấp phới như mây, ánh nắng mặt trời chiếu vào khôi giáp phản ra hàn quang. Những gương mặt tràn ngập sát khí, không có biểu hiện gì. Đây là quân tinh nhuệ Hà Tây, hộ vệ Đô đốc của bọn họ tiến về quận Khai Dương ký kết hiệp nghị.

Dưới sự hòa giải của đặc sứ của tả tướng quốc Đại Đường Bùi Tuấn, cuối cùng Hà Tây và Lũng Hữu đã đạt được thoả thuận bằng miệng. Hai bên sẽ lấy sông Hoàng Hà làm địa giới xác định phạm vi thế lực của mình. Trương Hoán sẽ trả lại Hội Quận cho Lũng Hữu. Trong khi đó Vi Ngạc sẽ trả lại người nhà gần bốn vạn người của tám ngàn hàng quân Hà Tây. Hai bên chấp nhận trên nguyên tắc cho các thương nhân tự do buôn bán, vận chuyển lương thực, ngựa, sắt và các vật phẩm nhạy cảm khác.

Lần này Trương Hoán xuôi nam chính là để hai bên chính thức ký kết hiệp định. Thị lang bộ hộ Đại Đường Bùi Hữu và Thị lang bộ lễ Tưởng Hoán cùng đảm bảo an toàn cho Trương Hoán. Nghi lễ ký kết chính thức diễn ra ở huyện Chúc, phía nam quận Khai Dương.

Thế nhưng hai bên mới đạt được thoả thuận miệng, chưa viết thành văn bản. Tất cả các điều khoản cần được xác nhận tại chỗ. Điều này có nghĩa là đàm phán còn trải qua một bước cuối cùng.

Đội ngũ đi rất chậm, với tốc độ một ngày tám mươi dặm xuôi nam. Lúc này đội ngũ còn cách quận Khai Dương chưa tới một trăm dặm. Trương Hoán ngồi trên lưng ngựa, ở chính giữa đội ngũ hành quân, được khoản chừng năm trăm tên thân vệ hộ tống. Lúc này Bùi Oánh không ở lại quận Vũ Uy, nàng đang ngồi trên xe ngựa của Thị lang bộ hộ Bùi Hữu.

Trương Hoán liếc mắt nhìn Bùi Hữu. Khi nhìn thấy sắc mặt đăm chiêu của Bùi Hữu như muốn nói gì với mình, Trương Hoán bật cười nói: “ Vấn đề lương thực vẫn là mối đe doạ với Hà Tây. Lần này vì chuyện lương thực mà đích thân Bùi thị lang tới Hà Tây. Trương Hoán xin đa tạ” .

Bùi Hữu chừng khoảng hơn bốn mươi tuổi, là tam đệ của Bùi Tuấn. Ông ta xuất thân tiến sĩ. Hai mươi mấy năm qua từ châu huyện, Bùi Hữu từng bước một tiến tới chức Thị lang bộ hộ, thuộc về nhân vật có thực lực. Bùi Hữu phụ trách việc thu chi tài chính và thuế vụ của Đại Đường. Lần này Bùi Tuấn cử ông ta tới Hà Lũng, trong đó có một việc cần phải xác nhận là có phải Trương Hoán đã quyết định chính thức phụ thuộc vào Bùi gia hay không. Để trợ giúp cho điều đó hàng năm Bùi gia sẽ vận chuyển từ Hà Đông mười vạn thạch lương thực trợ giúp Trương Hoán. Đương nhiên phần lương thực này trên danh nghĩa là của triều đình trợ giúp Trương Hoán thu phục Hà Tây.

Tính cách Bùi Hữu khiêm tốn, không nói nhiều. Thế nhưng mỗi câu nói của Bùi Hữu đều rất quan trọng. Cho dù Trương Hoán sắp trở thành cháu rể của mình nhưng không vì thế Bùi Hữu coi Trương Hoán như vãn bối của mình. Khi nghe Trương Hoán nói tới vấn đề lương thực, Bùi Hữu trầm ngâm một lát rồi nói: “ Trương đô đốc, lần cấp lương này do đích thân tả Tướng quốc phê duyệt. Tả Tướng quốc tốn rất nhiều công sức mới thuyết phục được nội các. Hy vọng Đô đốc hiểu được điều này. Lúc nào thích hợp đô đốc hãy quay về Trường An một chuyến” .

Đương nhiên Trương Hoán hiểu rõ ý tứ của Bùi Hữu. Nói phụ thuộc bằng miệng là không đủ. Hắn nhất định phải chứng tỏ thành ý của mình. Nói cách khác hắn phải có hành động thực tâm. Nói một cách thẳng thừng, liên minh của hắn và Bùi Tuấn chỉ là liên kết lợi ích rời rạc cho dù hai người sắp trở thành con rể, cha vợ.

“ Ta có ý định qua năm mới sẽ đi Trường An, cảm tạ tả Tướng quốc đã quan tâm” Trương Hoán mỉm cười nói.

Bùi Hữu gật đầu nói: “ Nhất định mang cả Oánh nhi về” ,

“ Đó là chuyện đương nhiên” .

Đội ngũ đi được một đoạn đường, khi còn cách huyện Nam Do chưa tới mười dặm, đã mơ hồ có thể nhìn thấy tường thành huyện Nam Do đen đen. Lúc này một đội kỵ binh từ đằng trước chạy tới. Đây chính là đội tiền trạm do Vi Ngạc phái tới. Người dẫn đầu ngồi trên lưng ngựa nói to: “ Vị thượng thư ở cách đây ba dặm chờ Đô đốc. Xin Đô đốc cho quân đội đóng quân. Đội hộ tống nhiều nhất là năm trăm người” .

Lập tức có tên lính chạy xuống bẩm báo với Trương Hoán. Trương Hoán khoát tay nói: “ Đóng quân tại đây” .

Ba nghìn kỵ binh xuống ngựa, hạ trại. Trương Hoán, Bùi Hữu được năm trăm thân kỵ hộ tống, nhằm hướng huyện Nam Do đi tiếp. Cuộc đàm phán chính thức của hai bên không nằm trong huyện thành Nam Do và nằm ở trên một sườn núi cao cách bắc huyện thành Nam Do năm dặm. Ở phía nam sườn núi cũng có một đội quân ba nghìn quân Lũng Hữu đóng trại. Khoảng cách đóng quân của hai bên đã được thảo luận chi tiết. Với việc Trương Hoán tự mình xâm nhập Lũng Hữu, nếu hai bên không có đủ thành ý thì sẽ không thể đạt được sự hoà giải chính thức.

Trên ngọn núi cao có sáu chiếc lều lớn. Mỗi chiếc lều cách nhau trăm bước. từ trên cao nhìn xuống trong giống như một bông hoa mai khổng lồ. Trong khi đó chiếc lều màu trắng ở chính giữa chính là nơi diễn ra đàm phán. Khi Trương Hoán tiến tới gần sườn núi cao thì thấy hành quân Tư mã quân Tây Lương La Nghiêm thống lĩnh mấy người từ trên núi giục ngựa xuống nghênh đón.

“ Đô đốc, thuộc hạ đã sắp đặt ổn thoả. Xin mời Đô đốc theo thuộc hạ vào trưởng nghỉ tạm'.

Trương Hoán gật đầu. Hắn chắp tay nhìn Bùi Hữu cười nói: “ Bùi thị lang, lát nữa gặp lại” .

Bùi Hữu cũng chắp tay đi theo viên quan đón tiếp tới một cái lều khác. Lần đàm phán này tiến hành dưới sự chỉ đạo của triều đình, có ba bên tham gia. Cụ thể người chủ trì đàm phán chính là Quách Tử Nghi đức cao vọng trọng. Khu vực Hà Lũng coi như là địa bàn trước đây của ông ta, Vi Ngạc coi như là vãn bối nên hai bên có tư thế ngang hàng tiến hành đàm phán.

Trương Hoán đi vào trong lều của mình. Bên trong đại trướng được bố trí cực kỳ hoa lệ. Từ trên đỉnh trướng một tấm màn buông xuống trông giống như một cung điện lớn. Nền đại trướng được trải thảm Ba Tư nổi tiếng, sang trọng. Một tấm bình phong màu trắng dài ba trượng, cao hai trượng chia đại trướng ra làm hai nửa. Bên góc có một bếp lò bằng đồng đang đốt gỗ Đàn Hương, cả đại trướng ngát hương thơm. Bốn góc màn trướng đều đặt đồ sứ men xanh Việt Châu thượng đẳng. Bên cạnh đồ sứ men xanh là thị nữ trẻ tuổi xinh đẹp với nụ cười thẹn thùng, vóc người nở nang như mời gọi bất kỳ lúc nào.

Trương Hoán đưa mắt nhìn khắp đại trướng, hắn không nhịn được phá lên cười nói: “ Xem ra để bày tỏ thành ý, Vi gia tốn không ít tiền” .

La Nghiễm Chính gật đầu nói: “ Nghe nói chỉ để bố trí sáu đại trướng này đã tốn của Vi gia hai vạn quan tiền, còn cả lương thực cho mấy ngàn quân đội, người điều động cũng tốn ít nhất mấy vạn quan tiền. Không chỉ là tiền, Vi thượng thư đã đích thân tới đây thị sát hai ngày quay về đã tiếp kiến thuộc hạ, hỏi rõ thói quen sinh hoạt hàng ngày của Đô đốc, biết Đô đốc thích đồ gốm men xanh, nên đã đích thân chọn bốn đồ gốm men xanh Việt Châu ở quận Khai Dương. Qua đó có thể thấy bọn họ rất coi trọng lần đàm phán này” .

Trương Hoán liếc nhìn mấy thị nữ rồi hắn cười nói: “ Đã như thế, vì sao ngươi không nói cho ông ta biết ta không thích người hầu lạ?”

La Nghiễm Chính chần chừ một lát rồi nói: “ Bốn … thị nữ này là thành ý của Vi lão phu nhân. Thuộc hạ không thể từ chối được nên đành chờ Đô đốc tới quyết định'.

“ Thôi được! Bây giờ ta quyết định ngươi hãy mang trả lại mấy nàng cho Vi phủ. Thay bằng thân binh của ta, ta ngủ cũng ngon hơn. Còn cả cái này nữa” .

Trương Hoán chỉ tay vào bếp lò đang cháy hồng rực và sứ men xanh nói: “ Hãy mang tất cả ra ngoài cho ta, để cho đại trướng thông thoáng” .

Bất đắc dĩ La Nghiễm Chính đành phải là theo lời Trương Hoán. Ngay lập tức mười tên thân binh đi vào trong đại trướng, ngẩng đầu hoành đao, đứng uy nghiêm ở bốn góc đại trướng. Cửa trước và sau đại trướng mở rộng, gió trong lành mà mát lạnh nhanh chóng thổi vào đại trướng, gột rửa mùi hương lạ lùng khiến cho bầu không khí trong đại trướng vừa phóng túng vừa thêm phần sát khí.

Lúc này bên ngoài đại trướng đột nhiên vang lên tiếng cười sang sảng: “ Xem ra lão phu đã vẽ rắn thêm chân” .

Trương Hoán vội vàng quay đầu lại, hắn thấy Vi Ngạc được mấy thuộc hạ hộ tống đang từ xa đi tới. Trong khi đó thân binh của hắn xếp làm hai hàng đang nhìn chằm chằm vào mấy người Vi Ngạc.

Trương Hoán vội vàng đi ra ngoài nghênh đón. Lúc này hắn mới phát hiện ra một người trẻ tuổi tướng mạo anh tuấn đi theo sau Vi Ngạc. Người này rõ ràng là Vi Thanh. Thế nhưng gương mặt của Vi Thanh là dáng vẻ cực kỳ cam chịu.

Danh Môn

Tác giả: Cao Nguyệt