Chúng Ta Rồi Sẽ Ổn Thôi

Chương 13: Chín năm mười tháng



Điều đáng sợ nhất là một ngày tỉnh dậy và nhận ra mình không có ai và không có điều gì để chờ đợi.

- Minh Nhật -

--------------------------------------------------

Khi đó, chúng tôi đang ở một trung tâm lữ hành, cố gắng bắt một chuyến xe lên Lào Cai. Có hai lựa chọn, một là khởi hành vào lúc chín rưỡi tối, hai là vào lúc mười rưỡi tối. Cả hai chuyến sẽ cùng đến Lào Cai vào khoảng bốn rưỡi sáng hôm sau. Đồng hồ đang chỉ tám giờ ba mươi, thoải mái cho các phương án. Điều đó cũng có nghĩa là tôi có hai lựa chọn: một là sẽ phải chờ hai tiếng đồng hồ tại đây, hai là sẽ phải dành thêm thời gian trên xe bus. Quyết định dễ dàng được đưa ra sau đó: tôi đi chuyến muộn hơn.

Trên chuyến xe sau đó, người bạn của tôi đã đưa ra một nhận định rằng tôi là người thích chờ đợi, ngay cả khi tôi chẳng có việc gì lý thú để làm trong lúc đó hơn là đọc một cuốn sách, trò chuyện phiếm hoặc ngắm nhìn thành phố trong ánh đèn đường vàng vọt.

Con người ghét chờ đợi, không phải bởi họ tiếc thời gian phải bỏ ra, mà bởi vì họ ghét cảm giác bị động, cảm giác lệ thuộc vào một điều gì đó hay một ai khác. Nhưng chẳng phải chúng ta vẫn luôn chờ đợi một điều gì đó sao?

Chờ đợi một lá thư.

Chờ đợi một bộ phim bom tấn sắp ra rạp, một cuốn sách hay của tác giả yêu thích.

Chờ đợi khi đầu bếp trong nhà hàng chuẩn bị đồ ăn cho những gì chúng ta vừa gọi.

Chờ đợi nhân viên bán hàng gói món quà vừa mua tặng người yêu.

Chờ đợi một lời cầu hôn, chờ đợi một câu đồng ý,

Chờ đợi được tăng lương, chờ đợi những ngày nghỉ lễ.

Chờ đợi một lời xin lỗi.

Chờ đợi một tình yêu.

Chúng ta vô thức thực hiện tất cả những điều đó, dựa theo những gì chúng ta yêu và ghét trong cuộc sống. Nhưng rõ ràng những khoảng thời gian chờ đợi đó được thực hiện theo những cách khác nhau, và cũng mang lại những cảm xúc khác nhau. Lo lắng, hồi hộp, bực bội, nhàm chán, phấn khích, u sầu, buồn bã, bình yên...

Vậy rốt cuộc tại sao chúng ta lại ghét sự chờ đợi đến thế? Khi mà điều tệ nhất không phải là chờ đợi, thậm chí cũng không phải là phải chờ đợi bao lâu hay không-biết-đến-khi-nào. Hay bởi chúng ta đang không thực sự hài lòng với cuộc sống của mình, chúng ta không hài lòng ngay cả với điều hoặc người mà chúng ta đang chờ đợi? Rồi có chắc khi điều đó đến, chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn không, và sự thỏa mãn đó rốt cuộc có thể kéo dài được bao lâu?

Khi đang ở giữa một chuyến đi khác, tôi đọc một mẩu tin tức trên tờ tạp chí cũ trong một tiệm ăn gia đình. Câu chuyện kể về một người đàn ông bảy mươi tuổi với người vợ đã hôn mê hơn mười năm sau một tai nạn giao thông. Con cái của họ đã lớn và lập gia đình, chúng đều thành đạt và làm việc tại những thành phố khác. Những khó khăn về khoảng cách địa lý và sự bận rộn với những đứa cháu khiến con ông không mấy khi về thăm, dù chúng luôn chu cấp tiền đầy đủ để duy trì cuộc sống của ông và sự sống của người vợ xấu số. Mối dây liên hệ mỏng manh chỉ còn là những cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe cuối tuần và vào dịp lễ Tạ ơn mỗi khi Giáng sinh gần tới. Ông mua một căn nhà gỗ nhỏ, cách bệnh viện nơi vợ ông nằm bất động chừng hai cây số, hàng ngày lái xe đến, trò chuyện và đọc sách với bà. Ông nói với phóng viên rằng ông chẳng biết làm gì khác thú vị hơn ngoài điều đó, và ông không hề cảm thấy phiền muộn về việc người vợ không biết khi nào sẽ tỉnh lại đó chẳng thể nghe thấy hay trả lời những lời tâm sự hàng ngày của ông. "Bà ấy đã nói quá nhiều trước kia, giờ đến lượt tôi." - thậm chí ông còn đùa như vậy.

Sự thật là chờ đợi một điều kỳ diệu chính là thứ chúng ta vẫn thường làm trong cuộc đời này. Có người kiên nhẫn hơn kẻ khác, có người tự mua vui cho bản thân trong lúc ấy, cũng có kẻ than vãn phàn nàn. Nhưng chung cuộc không phải nếu chúng ta chờ đợi một niềm hạnh phúc sẽ luôn dễ dàng hơn rất nhiều sao? Đó có lẽ là lý do khi còn nhỏ, dù có phải thao thức mất ngủ cả đêm với chuyến dã ngoại sáng hôm sau với lớp, chúng ta cũng không khi nào than phiền. Đó cũng là lý do khi tình yêu đang rực rỡ chúng ta có thể chờ đợi cô bạn gái trang điểm hàng tiếng đồng hồ, chờ đợi cậu bạn trai ngủ nướng cả buổi sáng mà không hề thấy sốt ruột; nhưng khi tình cảm đã vơi cạn rồi thì dù chỉ một phút dừng lại lúc đang tản bộ để cô ấy ngắm chiếc váy trong cửa hiệu ven đường cũng sẽ khiến bạn phát điên. Đó là minh chứng rằng trái tim của chúng ta có thể chi phối mãnh lực của thời gian. Là một ngày, là chín tháng mười ngày, hay chín năm mười tháng, đều không còn là điều quan trọng.

Câu chuyện nổi tiếng về chú chó Hachiko chờ chủ suốt gần mười năm trời tại nhà ga Shibuya đã trở thành một huyền thoại không chỉ về tình yêu, lòng trung thành, mà còn cả về sự kiên nhẫn và sự điềm tĩnh đến kinh ngạc. Hachiko đã luôn tới nhà ga để chờ người chủ, người bạn thân thiết của mình - đã ra đi bởi căn bệnh nhồi máu cơ tim đột ngột - bất kể nắng mưa bão táp. Không phải bởi Hachiko không đủ thông minh để nhận ra rằng chủ của mình sẽ không bao giờ trở lại, mà bởi đó là điều đẹp nhất mà Hachiko có thể làm để đáp lại tình yêu mà giáo sư Hidesaburo Ueno đã dành cho chú. Sân ga thân thuộc ấy đã trở thành nơi duy nhất mà Hachiko có thể luôn hình dung ra hình bóng của người chủ mà mình vẫn chờ đợi, để rồi gần mười năm sau Hachiko có thể gặp lại ông trên thiên đường.

Những câu chuyện cảm động đó dạy cho tôi rằng đức tin và sự bình tâm trong tâm hồn của chính bản thân mỗi người sẽ khiến họ không sợ phải chờ đợi cho dù bao lâu, bởi điều đáng sợ nhất là một ngày tỉnh dậy và nhận ra mình không có ai và không có điều gì để chờ đợi.