Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 96: Gia Đình Ông Lái Cả Trả Ơn



Tôi đứng trước khoảnh sân có ánh điện hắt ra từ nhà R9, tuy không đến nỗi thở hồng hộc nhưng ít nhiều cũng có vẻ hốt hoảng, tôi đứng khom người chống tay lên hai đầu gối để thở hắt ra và hít những hơi thật dài.

- Mày đi đâu về mà cầm cả kiếm của trẻ con thế kia? - R9 cất tiếng hỏi khi vừa bước ra sân.

- Tao đi gửi quà Tết, bị chó đuổi chạy mệt muốn chết.

- Chó đuổi thì ngồi xuống là nó sợ, cái đấy mà còn không biết.

- Hai con cơ, tao sợ nó cắn thì mất Tết.

R9 đứng ngoài sân ngoái đầu lên mái nhà nhìn rồi nói một mình như hỏi tôi.

- Trời sao lại có gió mạnh thế nhỉ?

- Chắc có bão.

- Bão gì, Tết đến nơi rồi làm gì có bão, mà tao mới nghe thấy tiếng ùm ùm ở đâu ấy nhỉ, ai ném cái gì xuống ao à?

- Sao tao biết được, mải chạy nghe thấy gì đâu.

- Mày có vào uống nước không?

- Thôi tao về, muộn rồi. Bố mẹ mày về chưa?

- Chắc phải tối mai, tối mai về còn đi chợ Trằm sắm Tết mà.

- Thế tao về đây.

Tôi thất thểu đi bộ về như thằng mới thất trận, chắc chị Ma đã xử lý xong con trâu điên kia rồi.

- Cái thanh kiếm gỗ này chẳng thấy có ích lợi gì, nếu không phải của ông sư đưa cho thì mình đã vứt quách đi cho rồi.

Tôi vừa đi bộ trên đường làng vừa nhìn thanh kiếm đang cầm trên tay rồi lầm bầm một mình, đến đoạn ngã ba rẽ vào ngõ nhà mình thì tôi đứng lại để nhìn lại mình một lượt trước khi về nhà, tôi phát hiện ra mình còn chưa kéo khóa quần, bên ống quần trái bị ướt, nghĩ mà cay.

Vừa thay quần xong thì tôi nghe tiếng động bên cửa sổ, tôi đoán chị Ma đã xong việc và gọi tôi ra ngoài nên tôi nhanh chóng đi ra ụ rơm, trước mặt tôi là chị Ma xinh đẹp đã bớt đi mấy phần long lanh, trông cái bóng mờ mờ ảo ảo của chị ấy khá tả tơi như bọn con gái vừa đánh nhau xong.

- Em vừa mới về tới. – Tôi lên tiếng trước.

- Chị cũng vừa về tới, con trâu điên đấy thật là khỏe.

- Nó sao rồi chị? chị có xử lý được nó không?

- Nó chạy rồi, cắm đầu chạy không quay lại, chắc nó chạy qua làng bên cạnh.

- Chị có sao không? Sao em thấy chị khác khác?

- Con trâu chết tiệt, cái sừng nhọn của nó đã làm rách váy của chị, em mua hộ chị kim với chỉ nhé, nhớ mua chỉ màu đỏ.

- Chị .. chị bẻ sừng nó thật hay sao?



- Chị đã thử nhưng sừng nó cứng quá nên ném luôn cả trâu xuống ao, nó sẽ nhớ đời lần sau gặp chị thì tốt nhất là nên quỳ xuống.

- Em ... em sẽ gửi cả gương với lược cho chị.

Thấy tôi nói vậy, chị Ma sờ lên tóc vuốt vuốt mấy lần.

- Chắc phải thế thật, đánh cho nó một trận xong phải về ngay, chị không muốn ai thấy mình trông xấu xí chút nào.

- Mai, ngày mai em đi mua ngay, sẽ mua loại tốt nhất, đẹp nhất!

- Cảm ơn em, thôi vào ngủ đi, cái thanh kiếm em nhớ trả ông sư sớm đi nhé, nhìn nó là chị cũng lạnh người đấy.

- Chỉ là thanh kiếm gỗ mà chị?

- Kiếm gỗ với em thôi, với chị nó không phải là gỗ đâu.

- Dạ.

Chị Ma nhìn tôi nở nụ cười có vẻ như mệt mỏi, chắc là đã rất tốn sức quần thảo với con trâu to lớn như vậy. Tôi không biết con trâu ấy có dám quay lại làng hay không nhưng từ sau đận ấy tôi không đi qua lối tắt ấy vào nhà R9 nữa, tôi sợ gặp lại nó, tôi sợ bị nó húc cho thủng bụng mặc dù có người đỡ giúp mình nhưng giả như không có người đỡ kịp thì tôi sẽ tàn phế mất. Tôi muốn sống đến 86 tuổi lành lặn, tốt nhất không nên trêu vào cái thứ không phải ma bình thường ấy. Cái ao con trâu mắt đỏ bị ném xuống tôi có nghe R9 kể là hôm sau thấy bùn đất bắn đầy trên tường của căn nhà bỏ hoang với cây cối ven ao, chả ai biết tại sao lại có sự lạ như thế, có ý kiến cho rằng đứa trẻ con nào đó đã nghịch ném bùn lên nhưng chẳng ai tin.

Cái kiếm gỗ thì ngay sáng hôm sau tôi mang trả lại cho ông sư, ông sư cứ hỏi là kiếm có giúp được gì cho tôi không, tôi chỉ nói là không thấy con ma trâu mắt đỏ ấy xuất hiện nên tôi đành mang trả, ông sư có vẻ không tin vì tôi thấy ông ấy cứ nhìn tôi và cười, tôi cảm thấy chột dạ nên lấy lý do rồi chuồn về, nếu ngồi nói chuyện với ông thì kiểu gì cũng bị lộ.

.....

Hai đứa em tôi được bố chở về cùng với bà Trẻ, đến nhà thì chưa tới buổi trưa ngày 27, con út đang học lớp 2 còn thằng giữa đã lên lớp 6, một tuần vui vẻ của tôi bắt đầu, cảm giác nhà mình đông người hơn, nhiều tiếng nói tiếng cười, hơn thật là tuyệt vời. Bố tôi sau khi để ba người ở nhà thì quay trở ra Hà Nội để đón mẹ tôi, bố mẹ tôi dự định trưa 29 Tết mới về vì còn công việc phải làm, qua hai đứa em thì tôi được biết vào dịp Tết này bố mẹ tôi bắt đầu bán rượu ngoại, không phải bán lẻ mà thường đi giao một thùng hoặc vài chai cho các đại lý khi họ gọi điện đặt hàng, cho đến bây giờ tôi vẫn ấn tượng với những chai Remy Martin, Henessy ... cùng thứ nước vàng óng màu mật ong có giá lên đến vài trăm nghìn, nghe giá thôi là tôi đã vã cả mồ hôi.

Em gái tôi, một đứa sinh ra ở Hòa Bình và về Hà Nội khi 5 tuổi, nó là đứa duy nhất trong ba anh em được đi học mẫu giáo sau đó mới vào lớp 1 và tôi xem nó kiểu như con gái Hà Nội vậy, nó chẳng bao giờ nói ngọng L với N, tôi thấy điều này thật tuyệt vời, tôi cũng khoe với mấy đứa bạn rằng em gái mình ngoài dễ thương còn không nói ngọng. Nếu các bạn sống ở một vùng quê mà cứ nói L với N lẫn lộn hết cả lên và trong nhà có một người nói chuẩn thì không khác gì mặt trời chân lý, bạn có quyền tự hào chứ nhỉ. Em gái tôi, tôi gọi vui là "con Chục Cân", được sinh ra vào ngày Noel, khoảng gần 4 giờ sáng, mãi đến khi rời làng tôi mới hiểu về Noel chứ hồi cấp 2 tôi chẳng có khái niệm nào vì trong vùng của tôi, chính xác hơn là trong vùng hiểu biết của tôi không có nhà thờ nào. Hồi mẹ tôi sinh nó thì tôi mới học lớp 1, tôi đã chờ cả đêm hôm ấy để xem em mình trông như thế nào nhưng tôi chẳng được vào, chỉ được đứng lấp ló ngoài cửa. Dây rốn của nó thì bác Hợi chủ nhà kiêm người đỡ đẻ giúp đã mang đi chôn, tôi cũng cầm đèn pin đi cùng để soi đèn cho bác ấy, chả biết có phải vì thế hay không mà tôi thấy mình cưng nó từ khi còn nhỏ tí.

Là con gái thành phố nên nó chẳng bao giờ biết những trò chơi ở chốn thôn quê nên tôi cũng bày trò cho hai đứa nó chơi cho biết. Ngay sau buổi trưa khi chúng nó về là tôi đã rủ hai đứa ra vườn bắt giun để câu cá. Xà phòng tôi cho vào cái xô rồi đổ nước quậy lên sau đó xách xô ra vườn rồi đổ nước xuống một khoảnh đất mềm gần gốc cây vối ven bờ ao sau đó đứng chờ một lúc lâu. Chỉ cần cuốc nhẹ một lớp đất lên là đã nhìn thấy những giun là giun, con em gái Chục Cân của tôi có vẻ sợ giun nhưng sau đó nó lại nhận phần đổ nước, khá là lạ, sợ nhìn thấy giun nhưng lại đổ nước để giun ngoi lên.

Em trai tôi thì loay hoay ở bụi tre tìm một cành tre tương đối thẳng rồi chặt ra làm cần, lấy dây chỉ màu trắng của bà Già làm dây và buộc một con giun nhỏ còn ngọ nguậy làm mồi sau đó ngồi xổm câu cá. Nó không phải là cần thủ và tôi cũng vậy, nhìn rõ gần bờ ao thấy những con cá cờ lượn lờ cảm tưởng chỉ cần lấy cái rá vợt lên là xong mà câu mãi chẳng được, ba anh em đều nóng ruột, con em thì cứ đứng hỏi sao con cá không cắn nên ba anh em quyết định rằng không câu được thì lấy đất chọi cho cá chết rồi vớt lên, nhưng đấy là một ý định không thông minh lắm vì chẳng có con cá nào chết.

Chán câu cá, tôi bảo thằng em trai của mình lấy thuổng để đào đất trong vườn, đào một cái hố giống như cái giếng còn tôi thì lấy dao đi chặt mấy tàu lá chuối trong ở khu vườn trước cửa nhà. Những tàu lá chuối đã chặt mang vào vườn chỗ thằng em đang đào đất thì tôi rọc ra phần lá làm chỗ cho con em gái ngồi, tôi và thằng em trai đều cưng chiều em gái nên chỉ cho nó ngồi xem chứ không muốn nó bẩn tay. Cái hố nhỏ mà anh em tôi gọi là giếng được đào xong, cũng chẳng sâu lắm, chắc chỉ tầm hơn một gang tay nhưng khá tròn. Tôi chặt một vài cành tre nhỏ có chạc ba và cắm xuống đất, lấy một cành tre thật nhỏ và thẳng chọc xuyên qua cái cuống lá chuối đã cắt dài chừng 10cm để làm một thứ giống như cái bập bênh múc nước và một đầu có buộc dây chỉ, giếng này không có thành giếng và chẳng có gàu múc nước, nhà tôi lại không có cây mít nên phải qua nhà hàng xóm hái mấy lá mít nhỏ sau đó cuộn tròn lại làm cái gàu, sau khi hoàn thiện thì tôi sai em gái đi múc nước đổ xuống cái hố giả làm giếng. Tuy chơi cái trò múc nước từ giếng lên này công đoạn chuẩn bị tốn rất nhiều thời gian nhưng nhìn em gái mình có vẻ hào hứng là tôi mừng rơn. Sau trò đấy thì mấy anh em có ra cây nhãn tìm bọ xít nhưng chẳng có con nào, nếu tìm thấy bọ xít thì dính nó vào nhựa đường cho nó bay cũng thích lắm. Tôi ở quê chẳng mấy khi chơi những trò này vì chỉ có một mình, thấy em gái mình vui tự nhiên tôi cũng thích chơi cùng chứ nếu một đứa nhóc con khác rủ tôi chơi thì chắc là tôi không chịu rồi, tình cảm anh em tôi gắn kết từ những trò chơi như vậy.

Nhá nhem tối, khi hai bà và ba anh em tôi chuẩn bị ăn cơm thì có người đi xe đạp vào sân, tôi mải nói chuyện nên không biết là ai nhưng khi nghe tiếng chào và hỏi thăm tôi thì tôi giật mình, đứng lên nhìn ra qua chấn song cửa, hóa ra là chú Nghĩa.

- Cháu chào chú ạ.

- Sao, Tết nhất được nghỉ học chưa?

- Cháu hôm nay mới nghỉ, chú vào nhà chơi ạ.

Chú Nghĩa bước lên thềm nhà, trên tay là một gói mứt Tết, chú ấy chào hỏi hai bà, hỏi thăm mấy câu rồi tự giới thiệu là bố thằng Tuệ bạn học của tôi, tiện qua đây chơi nên ghé nhà gửi chút quà Tết, hai bà tôi cũng cảm ơn và gửi chú một gói bánh. Tôi ngồi im nghe vì người lớn đang nói chuyện, tôi chưa biết chú ấy đến có việc gì nhưng thấy khuôn mặt có vẻ tươi như này hẳn là chuyện đại sự của ông Lái Cả đã xong xuôi cả rồi. Mấy phút sau chú ấy đứng dậy nói với hai bà tôi rằng muốn nhờ tôi đi cùng chỉ đường đến mấy nhà trong làng, dĩ nhiên hai bà tôi đồng ý nên chú ấy nhìn tôi đá lông nheo rồi ra sân chờ, tôi cũng nhanh chóng mặc áo khoác rồi dắt xe đi theo chú ấy, tôi cũng không hỏi gì thêm. Hai chú cháu đạp xe qua đoạn mả Mẹ Sư đến tận con đường đất giáp ranh với xã Mão Điền thì dừng lại, ở đó đã có mấy người lớn đứng chờ, tôi không quen ai trong số những người ấy thêm nữa trời nhá nhem nên cũng không nhìn rõ mặt, tuy vậy tôi cũng cất tiếng chào trước, thói quen gặp người lớn mà.

- Đây là cháu N. đấy, chú ạ, các anh chị ạ! – Chú Nghĩa giới thiệu tôi.

- Đây hả? Sao nhìn bé tí thế này mà gan vậy?



- Có phải lớp 8 không cháu?

- Ô, nhìn trông cũng lanh lẹ đó chớ.

- Còn bé tí thế này á, thằng nhà chị cũng lớp 8 mà biết gì đâu.

Mỗi người hỏi một câu tôi không biết nên trả lời như thế nào nên chỉ đáp lại bằng nụ cười xã giao ngại ngùng và đứng gãi đầu.

- Đây là ông chú họ của chú với mấy anh chị của chú, việc của cụ mới xong xuôi trưa nay, mọi người cứ nhất quyết phải đến gặp cháu bằng được vì ai cũng muốn gửi lời cảm ơn trực tiếp. Chú cũng phải giải thích mãi đấy chứ nếu không thì phải cả đoàn, mọi người ruột thịt trong gia đình chẳng ai tin được việc tìm thấy mộ của cụ một cách khó tin như thế.

Tôi đoán không sai, nếu mà ban đầu không dặn ông cụ với chú Nghĩa thì chắc cả dòng họ nhà người ta xuống bới tung lũy tre kia và tôi hẳn là sẽ phải khăn gói rời khỏi làng ngay lập tức.

- Cô cũng có đi xem mấy nơi rồi cháu ạ, mấy thầy đều bảo rằng đúng là mộ của ông cụ chứ không nhầm được, họ cũng nói là cái này là do có người đã chỉ giúp mới tìm được.

Một cô tôi đoán là chị của chú Nghĩa, đang cầm tay tôi và cúi người xuống nói chuyện do tôi thấp quá.

- Gia đình cô cảm ơn cháu nhiều lắm, không những lặn lội tìm đến tận nhà báo tin mà còn tận tình mách nước để tìm được mộ của cụ.

- Còn cho cả thằng Nghĩa vay tiền – Ai đó đứng phía sau bổ sung. – Thằng bé này đúng là con nhà có giáo dục lại tốt bụng.

Chưa bao giờ tôi được khen nhiều như thế, người lạ đi qua có khi lại tưởng mấy người lớn đang dụ khị tôi để mang đi bán ấy chứ.

- Cháu ạ, ta đại diện cho gia đình, - Ông chú của chú Nghĩa, người lớn tuổi nhất nói. – hôm nay gặp cháu là để tỏ lòng cảm ơn. Nhờ có cháu mà ông bác ta đã được trở về quê nhà, ai nghe tin tìm được mộ cũng vui mừng nhưng vì ông anh ta đã dặn rằng không nên đến nhà sợ gây khó cho cháu nên mới phải gặp giữa đường giữa chợ như này, đúng là không phải nhưng thôi, gặp được cháu là mừng rồi.

Ông chú của chú Nghĩa cầm tay tôi rung rung mấy lần như kiểu bắt tay vậy, giọng nói có vẻ cảm động lắm, tôi chỉ cười rồi cúi đầu rồi vâng dạ chứ cũng thật lòng là chả biết nói gì. Từ bé đến lớn tôi rất ngại khi ai đó cảm ơn mình mà có người thứ ba nghe thấy, tôi thấy việc mình giúp họ hay giúp mọi người là do mình thích thôi, nhưng dần dần tôi cũng nhận những lời cảm ơn nếu tôi biết đó là tình cảm chân thành. Một vài người bạn đã nói với tôi rằng nếu như tôi đi theo nghiệp quan chức hẳn là sẽ giúp được nhiều người và không tham nhũng nhưng tôi chỉ lắc đầu cười gạt đi. Tôi biết tính mình, tôi hiểu bản thân mình, với một người hiểu về giá trị của đồng tiền từ nhỏ thì khó mà tránh được cám dỗ khi những mối lợi để sờ sờ trước mắt và thích thì cầm về chi tiêu thả ga. Dĩ nhiên tôi cũng biết mình là một người làm khá được việc, việc nào tôi nhận lời tôi cũng muốn cố gắng làm để không phụ lòng người khác đã nhờ nhưng làm và nhận tiền thì không tốt nếu khuất tất. Tôi là một người thích tự do, không muốn theo những khuôn phép người khác đặt ra nên nếu có đi làm quan thì cũng sớm muộn cũng sẽ bị đá đít hoặc tặng vài cuốn lịch nhập kho.

Một lúc sau, sau khi mỗi người nói thêm vài câu, rung lắc vai vài lần, chúc tôi ăn mau chóng lớn và dĩ nhiên là ngập tràn những lời khen tặng thì chú Nghĩa đưa tiền cho tôi.

- Đây là Một triệu tư chú gửi lại cháu, mấy chị chú biết việc này cảm động lắm, chú nói thật, đến chú cũng chả tin, lúc gấp gáp cháu lại đưa cả tiền rồi rượu nên việc suôn sẻ không ngừng. Đúng là cái bật lửa của người đi cùng chú đánh rơi chiều hôm ấy, chú để mọi người về trước rồi đào thì đúng là thấy, chú vừa bốc vừa khóc đấy, lại luôn miệng cảm ơn cháu. Cháu nhận lại tiền cho cho chú yên tâm nhé.

Tôi hơi bần thần một chút nhưng cũng cầm lại tiền, quả thật tôi nói cho chú ấy vay chứ nói cho thì đời nào chú ấy nhận, mà chị Ma cũng nói là tiền này cứ tiêu không phải suy nghĩ nên tôi cũng yên tâm phần nào.

- Còn đây là Một triệu gia đình chú mừng tuổi cho cháu, tính đầu năm mới đến chơi mà sợ có bố mẹ cháu và người lớn thì khó giải thích nên gia đình lì xì cho cháu luôn bây giờ.

- Không được đâu chú ơi, cháu đã nói là giúp thì sao nhận tiền được ạ.

- Ừ, thì giúp nhưng đây là tiền mừng tuổi chứ không phải công xá gì, người lớn mừng tuổi cho trẻ con thì cháu biết rồi.

- Vậy... vậy cháu lấy Hai mươi nghìn được không ạ?

- Được, nhưng mà nhà chú đông người, cháu xem, mỗi người Hai mươi nghìn nên nó mới nhiều như này.

- Thế này thì ...

- Trời ơi! – Một cô giật xấp tiền từ tay chú Nghĩa rồi nhét lấy nhét để vào trong túi quần tôi – Nhìn thằng bé này là biết nó không nhận, phải bắt nó nhận.

- Đúng, tiền mừng tuổi cầm đi cháu, cả họ mừng tuổi thì phải nhiều chứ. – Một bác khác nói thêm vào, tay thì xoa đầu tôi – Mày lớn lên lấy vợ, chú có con gái đấy, xinh lắm, chú gả cho.

Mỗi người thêm mấy câu nữa rồi cùng ra về, tôi đứng một mình giữa đồng không mông quạnh, trong những cơn gió lạnh thổi nhẹ qua. Tôi thấy nhẹ lòng vì ông cụ đã về quê, thấy con cháu ông cụ có vẻ rất hồ hởi, tôi chỉ thở dài khi tự nhiên mình lại có tới hai xấp tiền. Số tiền ít ỏi tôi đã mua kim chỉ, gương lược cho chị Ma, tính ra còn khoảng hơn Sáu chục nghìn, bây giờ đùng một cái lại thành gần Hai triệu rưỡi, tôi đạp xe trở về với những suy nghĩ miên man, miệng vô thức mỉm cười vì vui, cảm giác giúp được người khác vẹn toàn thì niềm vui rất to lớn, giống như tổng niềm vui của tất cả những người khác cộng lại vậy.