Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 52: Tim Tôi Muốn Nhảy Ra Ngoài



Mùa hè năm 1997 gần kết thúc thì tôi muốn về sớm, tự nhiên muốn về chứ không ai thúc ép, tôi cũng thấy bản thân mình kỳ lạ vì tôi đã từng trông ngóng để được ra Hà Nội rồi ở càng lâu càng tốt. Tôi xa bà Già tính ra cũng được suýt soát ba tháng nên cũng hơi nhớ và tôi cũng có một số tiền tương đối rồi, khi về thì bố và bà Trẻ lại cho thêm một ít lên tổng số tiền lận lưng để trở về quê cũng phải đến gần Hai triệu đồng, tôi có thể thỏa thích tiêu xài đến Tết và được bổ sung một ít bằng tiền mừng tuổi, tính ra mùa hè đấy thu nhập kể ra là cũng khá quá. Tôi từng nhớ trong sách người ta miêu tả những người phu đi làm cao su thời Pháp là “ra đi trai tráng, khi về bủng beo” mà tôi thì có vẻ ngược lại, khi đi trong túi có khoảng Một trăm nghìn và khi về thì tài sản tăng gần hai mươi lần. Quan trọng nhất, tôi có thể giúp được rất nhiều việc trong gia đình mình và tôi cũng khám phá được nhiều thứ cho riêng bản thân mình, những thứ mới lạ lúc nào cũng thu hút tôi.

Lúc đi tôi rất háo hức nhưng khi trở về quê tôi lại chọn cách đi xe khách, cho đỡ mệt và cũng nhanh hơn nhiều, còn tới hơn mười ngày mới đến năm học mới, tôi có thể tận dụng thời gian đó để đọc truyện và viết nhật ký. Mùa hè này tôi đi nhà sách mấy lần, thấy có bán những cuốn sổ bìa rất đẹp và lại có khóa ở bìa, tôi đã mua hai cuốn như vậy, một bìa màu đỏ và một bìa màu xanh. Tôi nghĩ mình nên viết nhật ký ghi lại những sự kiện đáng nhớ hoặc câu chuyện nào đó của mình để chuẩn bị dần cho tương lai. Mùa hè này tôi đã được đọc nhiều truyện tranh, truyện chữ đủ thể loại và tôi đã quyết định mình sẽ trở thành một Nhà văn, một Phóng viên hoặc một Luật sư. Phim ảnh mà mẹ tôi hay thuê về xem hàng ngày cũng có nhiều phim tôi thấy Luật sư họ đứng ra bảo vệ công lý, bảo vệ người yếu thế bị oan, tôi rất muốn được minh oan cho những người đã vì lý do nào đó mà bị bắt nhầm. Ngồi trên xe nhìn những ngôi nhà loang loáng qua ô cửa kính, tôi nhớ lại những gì mình đã được nghe.

Anh Tùng, cái anh cựu sinh viên trường Đại Học Bách Khoa cao gầy, đẹp trai hay đi cái xe đạp Cuốc với mái tóc rẽ ngôi giữa mà tôi gặp hồi bà Già bị ốm, anh ấy rất hay sang nhà chơi và thường đi công chuyện với bố tôi, có lần ngồi uống nước thấy tôi đang đọc truyện anh ấy chợt hỏi:

- Sau này N. muốn làm nghề gì nhỉ?

- Em muốn làm phóng viên anh ạ hoặc làm nhà văn cũng tốt nữa!

- Mấy nghề đó là đòi hỏi phải biết viết giỏi, phải học văn giỏi. Em học văn thế nào?

Thấy chủ đề nghiêm túc nên tôi đã bỏ tập truyện sang một bên và ngồi ngay ngắn.

- Điểm văn của em thì cũng bình thường anh ạ, chỉ được hơn bảy phẩy thôi ạ!

- Thế thì phải cố gắng nhiều vào, mấy nghề đấy phải thi rất khó đấy, đặc biệt là viết văn. Trường viết văn Nguyễn Du mỗi năm chỉ tuyển có 100 người nên em phải thật giỏi.

- 100 người ạ?! – Tôi ngạc nhiên, mở to mắt.

- Ừ - Anh Tùng gật đầu – Chỉ có 100 trên khắp cả nước, mà nước mình bây giờ có đến gần bảy mươi triệu dân đấy!

Tôi trầm tư, quả thật là tôi chưa bao giờ nghĩ nghiêm túc đến việc sau này mình sẽ làm nghề gì và trở thành người như thế nào. Sau đó, tôi hỏi anh Tùng thêm nhiều thông tin về những nghề mà tôi quan tâm, đặc biệt là Phóng viên và Nhà văn. Những khái niệm đầu tiên về nghề nghiệp hoặc những trường Đại học tôi đã được một anh sinh viên giảng giải cho lần đầu tiên như vậy, bên ấm chè nóng của một buổi chiều mùa hè. Tuy tôi chỉ mới sắp lên lớp 8 nhưng tôi biết rằng học hành ở quê sẽ thua thiệt nhiều so với những bạn học ở thành phố, nếu muốn trở thành 100 người được chọn của trường Nguyễn Du ấy chắc tôi phải cố gắng rất nhiều. Mấy đứa em của tôi chúng nó đã được học tiếng Anh còn tôi thì không biết gì, đây đúng là một điều tôi rất băn khoăn. Bố mẹ tôi cũng tính thuê gia sư về dạy học cho tôi nhưng do thời gian hè còn quá ngắn nên đành tạm gác lại, tôi nghĩ năm sau mình sẽ phải học vài thứ để không bị tụt lại phía sau.

Tôi lại chợt nhớ đến cái cây xà cừ ma quỷ gần nhà, từ hôm ma nữ kia biến mất ở đấy thì tôi không thấy chị ta xuất hiện thêm lần nào. Tôi cũng thử hỏi mấy người lớn xung quanh về việc chặt cái cây nhưng đây không phải quê tôi, muốn chặt một cái cây lớn thì phải xin phép và chả ai muốn làm việc đó cả, họ còn bận phải kiếm tiền. Tôi từng nghĩ ra một cách rất... độc ác nhưng tiếc là tôi còn trẻ con không thể làm được việc ấy, tôi nghĩ rằng nếu cái cây đó chết đi thì nó sẽ bị chặt bỏ, không cần phải nhờ vả ai làm. Ban đầu tôi tính toán rằng nếu mình dùng thứ nước nóng vài trăm độ được xả ra từ hai cái nồi hơi tưới vào thân cây liên tục thì có thể nó sẽ chết, người còn sợ huống chi cây nhưng ngặt nỗi phải làm vào ban đêm trong khi nước nóng này chỉ có vào ban ngày. Sau tôi tính ban đêm sẽ đun nước thật nhiều trên cái chảo gang lớn chuyên dùng để đun sữa đậu sau đó sẽ tưới hết nước vào đấy cho cái cây mau chết. Sau cùng tôi phát hiện ra một vấn đề chính là cần tới bao nhiêu nước nóng và tưới trong bao nhiêu ngày, vì không tính toán được nên tôi đành bỏ qua việc hủy hoại cái cây ma quỷ ấy.

Tôi có hay đọc báo vào buổi sáng, nhất là báo viết về các vụ án, chính là báo An Ninh Thế Giới mà tôi rất thích. Có một vài mẩu thông tin viết rằng người ta dùng axit để hắt vào mặt người khác nên tôi đoán axit là nước song việc mua axit ở đâu và làm sao để mua được thì tôi không biết, chắc chắn việc đó là phi pháp nên tôi cũng đành gạt bỏ.

Tôi không ngừng nghĩ về việc chặt bỏ cái cây ấy, không phải vì tôi sợ hãi gì đám ma quỷ ẩn thân trong đó mà tôi nhớ tới lời ông Hổ Quân nói rằng cái anh thanh niên kia chưa tới số phải chết mà bị ma nữ ấy bắt ép. Sau mỗi lần nghĩ không ra cách nào thì tôi đều thở dài, nếu tôi là người lớn hẳn tôi sẽ làm được nhiều thứ hơn mà không cần phải nhờ vả ai.

Tôi cũng miên man suy nghĩ đôi chút về tình yêu, mấy anh công nhân ở xưởng hay nói chuyện với nhau về tình yêu rồi người yêu rồi nhiều thứ khác nữa liên quan đến việc yêu đương trai gái. Có tối cái anh Hải, người dân tộc Sán Dìu còn rủ tôi đi... chơi cave, hứa rằng nếu tôi đi cùng và trông xe cho anh ấy thì anh ấy sẽ kể cho tôi nghe những thứ hay ho để sau này lớn có người yêu đỡ bỡ ngỡ nhưng tôi không đi. Không phải tôi còn nhỏ mà do tôi không thích tham gia mấy chuyện đó, tôi thấy khó hiểu khi anh ấy có vợ ở nhà rồi mà lại đi chơi như thế được thì cũng tài. Tôi cũng cảm thấy khó hiểu ở chỗ yêu nhau thì cứ lấy nhau thôi, sao lại có trục trặc gì đó mà phải đi tự tử như cái chị ma gì đó thích ăn khoai lang nướng hay là ma nữ trú ngụ trong gốc cây kia chỉ vì thích cái anh chàng tội nghiệp kia mà đã chờ đợi rồi tìm cách dẫn dụ anh ta treo cổ, thật là phức tạp. Tôi nghĩ nếu tôi có người yêu thì cứ yêu thôi, không yêu nhau nữa thì thôi, sao phải chết làm gì cho thiệt.

.....

Tôi đạp xe về đến sân nhà thì thấy khóa cửa, một con chó con màu đen nằm trước thềm nhà sủa vang, chắc bà mới mua con này. Tôi không sợ chó nên có thể vì thế chó nó cũng không sợ tôi, tôi tiến đến gần thì nó gầm gừ mãi không chịu bỏ chạy nên tôi kệ nó nhấm nhẳng sủa. Loay hoay bỏ những thứ đồ lỉnh kỉnh trên xe đạp xuống, ngoài một thùng mì tôm đựng truyện tranh thì còn có sách vở, đồ dùng học tập, sau cùng mới là bánh kẹo bố mẹ tôi mua gửi về để cúng gia tiên. Phần mấy gói bánh tôi mua cho chị Ma bằng tiền của mình thì tôi cho vào một cái túi sợ bị lẫn, kỳ này tôi mua được một loại kẹo rất lạ, có cái tên tiếng Anh rất khó đọc, vỏ bên ngoài màu vàng nhạt và có cái tên là Alpenliebe, tôi mua 5 ống, mỗi cái đó giá là Tám trăm đồng, tôi cũng ăn thử rồi, vị rất là ngon và lạ đúng chuẩn thứ kẹo đắt tiền nên khác hẳn. bà Già thì không thích ăn kẹo bánh nên tôi chả biết mua cho bà cái gì cho hài lòng nên tôi quyết định sẽ biếu bà tiền, bà có thể mua thứ gì đó bà muốn nhưng tôi đoán đó sẽ là thứ mà tôi cũng sẽ ăn được, bà lúc nào cũng như thế.

Ngồi một lúc lâu trên thềm, con chó thấy tôi không có động tĩnh gì nguy hiểm nên lần mò đến gần ngửi ngửi rồi lại lùi ra, rồi lại đi vào ngửi, tôi rất là ngứa mắt nhưng nhịn, nhỡ đâu nó sủa lại điếc tai. Chợt nhớ trong số bánh trái mang về có một ít kẹo dừa, tôi lấy ra ăn rồi bóc cho con chó một cái, nó ngửi rồi ngoạm lấy mang ra nằm đầu hè đánh vật với cái kẹo, tôi cũng tính đi tìm bà nhưng còn đống bánh trái này mang theo không tiện, đến nhà người ta tìm mà không cho cái gì thì cũng kỳ cục, quà mua cho những ai đều có đủ phần cả rồi nhưng chưa để những phần bánh trái lên ban thờ gia tiên thì tôi nhất định không cho ai trước, tổ tiên mình phải hưởng đã chứ.

Gần đến 5 giờ chiều thì đúng bà tôi về thật, giờ gà sắp lên chuồng bà sẽ về. Qua ánh mắt và hành động tôi biết là bà Già ngạc nhiên khi thấy tôi về sớm như vậy.

- Tao tưởng sau mùng Hai tháng Chín mày mới về chứ?

- Cháu về sớm mấy hôm thôi mà, mấy tháng trời ở ngoài ấy cháu giúp bố mẹ cháu nên cũng muốn về sớm để nghỉ ngơi chuẩn bị đi học. Mà bà đi chơi đâu lâu thế?

- Tao đi ngồi mỗi nhà một tí, tính xin thêm ít rơm về làm cái đống rơm to to để lấy thứ đun dần.

- Thế bà có xin được không? Cháu mang xe đạp đi chở về cho.

- Xin được mỗi nhà một tí, cũng được nhiều đấy. Mấy đứa thanh niên nó bảo ngày mai tiện xe thồ thì nó chở vào cho nhưng mà mày về rồi thì cũng đi lấy thêm về để dành.

- Vâng!



- Mấy đứa bên nhà cô Thu chắc cũng chưa về đâu bà nhờ, cháu ngó cổng từ nãy vẫn thấy đóng im ỉm.

- Cả cái làng này giờ có mấy bóng trẻ con đâu, chúng nó cũng như mày là đi biến từ lúc nghỉ đến giờ. Thôi thế mày lùa gà vào chuồng tao đi nấu cơm cho mà ăn.

Tôi nhanh chóng lùa vào chuồng giúp bà Già rồi mang tất cả đồ đạc vào nhà sau đó bày biện lên ban thờ và cúng gia tiên. Cúng gia tiên xong xuôi thì tôi mang mấy thanh kẹo Alpenliebe và bó nhang mới, thêm đĩa trầu cau ra vườn để gửi đến chị Ma thứ kẹo đặc biệt không phải là một gói như mọi lần, tôi tin rằng tôi thích ăn thì chị ấy cũng hưởng lộc thôi. Chị ấy mà hưởng xong tôi sẽ để dành lại cho mấy đứa trẻ con, tôi đã nghĩ như vậy, không thì nó phí đi, đằng nào cũng được tiếng thảo ăn. Những việc ấy xong xuôi thì tôi tính mang quà lên nhà bà ngoại luôn, mẹ tôi có gửi cho bà mấy thứ cùng vài hộp bánh.

- Bà ơi, cháu chạy ù lên trên bà ngoại gửi quà với thắp hương cho ông ngoại cháu rồi cháu về nhé, ăn cơm muộn một tí!

- Ừ, thế mày đi mau rồi về còn tắm rửa không lại tối.

Tôi đạp xe đi, lúc này mới tầm 6 giờ chiều trời vẫn chưa tối mà đường làng vắng tanh vắng ngắt, rơm rạ thì xuất hiện nhiều hình như là mùa gặt, tôi không có khái niệm về mùa gặt mấy, kiểu như nó nằm ngoài sự hiểu biết vậy, tôi cũng không chú ý vì cũng xác định tương lai nhất định mình sẽ không làm ruộng, đi học để làm một công việc gì đấy phù hợp hơn.

Bà ngoại tôi đang nấu cơm, cậu Út thì đi làm đồng chưa về, mùa gặt nên tôi thấy lúa đang để ngoài sân, cái máy tuốt lúa bán tự động sử dụng công nghệ cơm đang để giữa sân, trên một tấm bạt màu xanh đậm rất lớn, trên tấm bạt đó cũng có nhiều lúa đã tuốt xong, chắc bà ngoại tôi đang dở tay.

- Cháu chào bà ạ!

Tôi lên tiếng chào khi dừng xe.

- Thằng N. đấy hử? Mày về bao giờ?

- Cháu vừa về bà ơi, mẹ cháu có gửi cho bà ít đồ ạ!

- Mày cứ để vào trong nhà ấy, bà đang dở tay. Vào rót nước uống đi cháu!

- Dạ!

Tôi bước vào nhà trên, để những thứ mẹ tôi gửi cho bà lên bàn uống nước, để bánh kẹo lên ban thờ rồi châm nhang, mấy việc này bây giờ tôi thành thục lắm rồi, cái gì làm nhiều tự khắc quen tay. Tôi tự cảm thấy mình vẩy mấy que nhang cho tắt lửa rất là “nuột”, chỉ một vẩy là tắt hết, tôi tự cho mình là tài năng trong lĩnh vực “một vẩy tắt lửa”.

- Nhà mình năm nay có được mùa không bà nhỉ?

Tôi đứng ở cửa bếp hỏi thăm bà ngoại , chân thành mà nói thì rằng là mà câu hỏi này tôi học theo người lớn trong làng, chứ tôi không muốn hỏi kiểu xã giao và không quan tâm đến câu trả lời, nhưng mà cũng phải cố mà tìm điểm chung giữa hai thế hệ để có một câu chuyện nào đó chứ.

- Năm nay cũng được mùa, tao đã gặt hết đâu, đêm nay phải tuốt cho xong cái chỗ ngoài sân không sợ mưa.

- Hè này cháu về sớm, để cháu thu xếp rồi lên giúp bà với cậu xem có được việc gì hay không?!

- Ừ nhỉ, sao năm nay mày lại về sớm, thế bố mẹ mày làm ăn thế nào?

- Dạ, công việc cũng tốt bà ạ. Mẹ cháu có gửi biếu bà Hai trăm để bà ăn quà!

- Ừ, thế bà xin nhá! Mày có ở lại ăn cơm luôn không?

- Dạ, thôi ạ, bà cháu cũng đang nấu cơm ở nhà chờ, cháu tranh thủ lên một tí về ngay bà ạ!

- Bà đang dở tay nấu cơm để cậu mày về ăn rồi còn tuốt lúa.

- Vâng, bà cứ làm cho xong ạ, kệ cháu!

Tôi đi lên lại nhà trên, lấy mấy que nhang trong ống để sẵn rồi thêm một gói kẹo nhỏ mang ra miếu thắp nhang cho cái chị váy xanh, tôi nghĩ rằng cũng nên quan tâm đến cái chị đấy mặc dù tôi cũng sợ, nhưng phần sợ hơi ít nên tôi vẫn cứ làm thôi. Khi tôi ra đến khu gò đất thì trời cũng đã nhá nhem, tôi đoán bây giờ cũng phải suýt soát Sáu giờ ba mươi. Tôi châm nhang và triển khai thủ pháp “một vẩy lửa tắt” sau đó rất cung kính cắm vào bát hương, nhưng tôi chưa kịp vái thì...

- Hù!



Tôi giật bắn cả người, lui về phía sau ngã ngửa ra, tim đập mạnh còn chưa hiểu chuyện gì, quay đầu ngó quanh định bụng văng tục chửi đứa nào chơi ác.

- Ha ha ha!

Tiếng cười vang lên.

- Thằng này trông vậy mà nhát nhỉ, nhát mà lại dám ra đây vào lúc này kể cũng lạ đấy chứ?!

Tôi nhận ra cái giọng nói ấy, đúng của cái chị váy xanh hôm trước rồi, lẫn vào đâu được, chỉ có tiếng của ma thì mới âm âm vang vang như có tiếng gió.

- Chị ơi, đừng có dọa em, em...sợ.

- Ta trêu mày một tí thôi làm gì mà sợ đến thế?!

- Chị ơi, trêu như này sẽ có ngày bị vỡ tim chết đấy ạ!

Tôi lồm cồm bò dậy phủi quần áo.

- Mày làm sao mà chết được, mới tí tuổi đầu...

- Nhưng em sợ, em là trẻ con mà!

- Thôi mày đừng giả vờ, ta biết tỏng, mày chơi với con bé ghê có tiếng thì mà biết sợ à?

- Đâu ạ? Ai ạ?

- Ha ha ha, chả biết mày có giả vờ hay không nhưng ta không quan tâm. Nào hôm nay ra đây muốn xin làm người hầu của ta hay sao?

- Dạ không. Em mới đi xa về nên có ít quà để lên cúng thôi ạ!

- Tốt, ta nhìn không sai đâu, khi nào muốn làm người hầu của ta thì cứ nói, ta nhất định sẽ đồng ý.

- N. ơi!

Bà ngoại tôi lại cất tiếng gọi.

- Dạ!

- Mày đang ở đâu đấy?

- Cháu vào ngay ạ!

Tôi quay đầu lại đã không còn thấy bóng dáng của chị Đẹp nữa, chị ta đã biến mất. Tôi vội vàng chạy vào trong sân.

- Cháu đi vệ sinh.

- Mày có ở lại ăn cơm không thì về chứ bà mày lại chờ?

- Vâng, thế cháu về luôn. Cháu về xin phép bà cháu nếu được cháu lên giúp bà tuốt lúa bà nhé!

- Tao không khiến, mày cứ về đi!