Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 112: Trò Chơi Của Ngọc Hoa Công Chúa (P.3)



Từ ngữ Việt Nam rất phong phú, cùng để miêu tả một người thông minh trong giao tiếp thì người ta lại có cách biểu đạt khác nhau. Nếu họ có ý khen ngợi thì sẽ dùng từ "lanh lợi" nhưng nếu có ý gièm pha thì lại dùng từ "lươn lẹo"... Suy cho cùng, người lươn lẹo hay lanh lợi cũng là người thông minh. Tôi thì vừa lanh lợi vừa lươn lẹo bởi vì đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma tôi sẽ mặc áo giấy.

Chị Ma đã nói với tôi rằng chẳng mấy khi cửa quan mở toang hoang cho bàn dân thiên hạ (ý nói ma cỏ trong vùng) tề tựu về đông đủ xem quan tra xét cũng như thể hiện uy quyền của quan. Quan thì thời nào cũng vậy, ở trần gian hay dưới âm ty thì cũng chẳng khác nhau là mấy, nhưng cần phải lưu ý rằng trí thông minh của một đứa bé 14 tuổi thời hiện đại nếu đi ngược thời gian trở về nhiều trăm năm trước thì sẽ là thiên tài, sẽ được trọng dụng, thậm chí chẳng cần qua thi cử cũng có thể làm quan nếu muốn.

Trước mặt tôi bây giờ là một ông quan nhưng không đội mũ ô sa mà đội khăn xếp, những người khác tôi không biết vai vế và chức vụ thì đều ngồi ở mấy cái ghế gỗ có lưng tựa, mặt người nào cũng nhợt nhạt, tôi không biết đó là do họ tỏ ra nghiêm nghị hay bình thường họ vẫn như vậy. Tôi đã từng nghe người nọ người kia gọi tôi là con cháu nhà họ Lý, tôi từ bán tín bán nghi cho đến mặc kệ, thích gọi sao cũng được. Tuy vậy, sau nhiều sự việc thì tôi bắt đầu tin rằng mình thật sự mang họ Lý. Tôi đã gặp được một số người khuất mặt và tuyệt nhiên chưa thấy ai mang họ Lý. Bây giờ tôi đang đứng trước cái sân rất rộng với khung cảnh bốn bề giả giả thật thật như trên sân khấu tuồng này thì tôi lại tò mò không biết trong số những ông đang ăn mặc chỉnh tề, áo dài khăn đóng chân đi guốc hoặc giày vải kia có ai họ hàng hang hốc với mình hay không. Tôi nhìn những người lính lệ (lính tạp vụ) đang đứng ngây như tượng gỗ, ánh mắt vô hồn kia liệu có ai là họ hàng dây mơ rễ má với tôi? Dù sao, đây vẫn là huyện nhà cơ mà... À không, đúng hơn nên gọi là âm ty huyện nhà.

*** Câu chuyện được kể bởi Fb Nam Ngủ Yên

Đối với làng quê Bắc Bộ nói chung thì tính cộng đồng làng xóm rất mạnh, bình thường người cùng làng vẫn có thể đánh cãi chửi nhau nhưng khi có một người thứ ba không thuộc làng của họ tham gia vào thì họ sẽ tạm gác hiềm khích lại để cùng nhau đối phó với “giặc ngoài”. Mọi hỉ nộ ái ố đều diễn ra bên trong lũy tre làng tự ngàn đời xưa cho đến nay thì biến tấu đi khác một chút, những người làng bỏ xứ đi làm ăn mà thấy khấm khá sẽ quay về kéo theo anh chị em họ hàng rồi sau đó gần như cả làng thoát ly, làng tôi chỉ là một ví dụ nhỏ mà thôi.

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam thì có giặc đến thì chung tay đánh giặc nhưng khi giặc tan lại quay ra đánh lẫn nhau. Tôi không biết có bao nhiêu người đã khuất xuống dưới âm ty và trở thành quan hay thần vì tôi cũng ít hỏi, tôi không có ý định làm quan khi chết đi, nếu có thể đổi vận tôi thích làm thầy cãi hơn là thầy dùi vì tôi nghĩ mình là một đứa cãi lý tốt.

---

- Thưa quan lớn! – tôi cất tiếng – Bà nội tôi hay dạy rằng không được ăn gian nói dối vì khi chết đi sẽ bị quỷ sứ rạch miệng, tôi chỉ không biết là nếu đã trở thành vong hồn thì tội ăn gian nói dối liệu có bị rạch miệng hay không?

- Bà ngươi đã dạy đúng, khi còn sống thì nên ăn ngay nói thẳng thì sẽ không bị quỷ sứ rạch miệng, ngay cả khi đã là vong hồn, nhẹ thì 100 trượng, nặng thì rạch miệng và nặng nhất là sẽ bị đi đày và trở thành vong hồn vất vưởng, vạn kiếp không siêu sinh!

- Hôm nay tôi được gọi đến để đối chất việc đốt miếu Xã Thần Quán Dê, ông Chuông đây nói "Có" còn tôi nói "Không" sẽ rất khó để tìm được sự thật. Tôi xin quan cho tôi tự đi tìm sự trong sạch cho mình, tôi chỉ mới 14 tuổi, còn rất trẻ và không thể có vết nhơ khó rửa sạch được ạ!

- Ngươi định làm gì?

- Thưa quan lớn, tôi muốn hỏi ông Chuông thêm một số điều để làm sáng tỏ... – tôi quay sang Phan Chuông – Ông khẳng định rằng đã thấy tôi phá miếu Xã Thần Quán Dê và chỉ một mình ông nhìn thấy đúng không, thưa ông?

- Đúng! – Phan Chuông khẳng định chắc nịch.

- Thưa quan lớn, bà nội tôi cũng kể rằng khi đã là ma thì có thể đi mây về gió như thần tiên có phải không ạ?

- Chỉ thần tiên thôi! – Đặng tri huyện lắc đầu phủ nhận lời tôi nói – Làm ma thì đi nhanh nhưng cũng chỉ trong những khu vực nhất định và không được đi lại lung tung, ngoại trừ... Mà thôi ta đã trả lời ngươi rồi!

- Nhiều người khuất mặt đã khẳng định nhìn thấy ông Chuông đây ăn uống no say đồ cúng vong ở đền Bình Ngô từ sáng sớm đến chập tối, không chỉ một người mà có nhiều người nên tôi tin rằng điều đó là đúng... Nhưng tôi với ông Chuông không thù hằn, ông ấy cũng là người tốt thì hà cớ gì lại hại một đứa trẻ?! - tôi quay sang nhìn khuôn mặt đắc ý của Phan Chuông – Ông thấy tôi nói đúng không, thưa ông?

- Ta là người tốt, tất nhiên, ta cũng không có thù oán gì với mày thì sao phải vu vạ mày làm gì?! Ta chỉ nói sự thật những gì mình nhìn thấy tận mắt!

- Vậy là... Ông Chuông đi uống rượu từ sớm rồi vô tình lúc đi giải giữa đồng không mông quạnh và tình cờ thấy tôi đốt miếu, ngôi miếu ở cánh đồng Quán Dê của ông Xã Thần...

Tôi tạm ngưng nói để nhìn qua Phan Chuông, thấy gã gật gù có vẻ tán đồng nên tôi hỏi:

- Có phải như vậy không, thưa ông Chuông?

- Đúng! Quả là lúc đó ta đi giải vô tình thấy, chứ ta có biết ngươi là ai đâu?!

- Tại sao ông muốn đi giải mà không tìm chỗ gần xung quanh đền Bình Ngô mà lại phải đi đến tận cánh đồng Quán Dê?

- À… à, ở đấy mát hơn!

- Thưa quan lớn! - tôi quay lên nhìn ông quan đang có vẻ chăm chú theo dõi cuộc nói chuyện của tôi - Tôi biết người lớn đều có uống rượu dù là còn sống hay đã mất, chả lẽ đang ngồi chén chú chén anh mà lại phải chạy qua ba quãng đồng chỉ để đứng giải hay sao?

- Mày… mày nói thế là có… có ý gì? – Phan Chuông lại chỉ mặt tôi hỏi.

- Tuy lời ngươi nói có vẻ hợp lý... - Quan tri huyện gật gù – Nhưng cũng không ai quy định việc đi giải ở đâu, đấy là sở thích của mỗi người.

- Thằng Chuông là thằng nát rượu! – giọng của chị Ma vọng tới, chắc chị ấy vẫn đang lẫn trong đám đông để bơm xăm vá lốp - Ai đời đang uống rượu say túy lúy lại đi xa như thế để giải quyết rồi quay lại uống tiếp, các ông các bà thấy có hợp lý không?

Tiếng ồn ào rộ lên, xen lẫn cả tiếng cười chói tai, tôi cứ tưởng tượng giống như cái micro ở đám cưới cậu Út tôi hú lên khi vô tình hướng về cái loa to đùng vậy.

- Ông nhất mực khẳng định tôi đã đốt miếu còn tôi khẳng định mình không làm... Bây giờ tôi sẽ mời những người đã ngồi uống rượu cùng với ông suốt cả ngày hôm đó thì ông nghĩ sao? Họ quả quyết nói với tôi rằng ông uống xong thì nằm bẹp tại chỗ, tiểu cả ra quần, say quắc cần câu đến chập tối mới tỉnh.

- Không thể có chuyện đó được! - Phan Chuông gạt đi – Bẩm quan lớn, thằng bé này lẻo mép, gian xảo, nó... nó, tôi… tôi… Bẩm quan... Nó đặt điều cho tôi! Quả thật là tôi đã tận mắt nhìn thấy nó đốt phá miếu đất!

- Mồ mả của ông có ở cánh đồng đó không thưa ông Chuông?

- Không! – Phan Chuông gạt phắt như đỉa phải vôi.

- Ông có trình báo với quan rằng tôi đã sục sạo khắp cánh đồng trong nửa tháng để tìm ngôi miếu, vậy là ông đã nhìn thấy tôi nhiều lần?

- Đúng!

- Ông có nhớ tôi mặc quần áo như thế nào không? Ví dụ một lần bất kỳ mà ông thấy rõ?

- Ta… ta …ta già rồi, ta không nhớ mấy thứ đó! Ta chỉ nhớ mặt ngươi mà thôi!

- Ngươi thừa nhận bản thân có sục sạo khắp cánh đồng Quán Dê? – Đặng tri huyện chen ngang hỏi tôi – Đúng chứ thằng bé?

- Thưa, đúng ạ! – Tôi gật đầu.

- Nó …nó đã thừa nhận lời tôi là …là đúng!

Phan Chuông hớn hở như vừa thoát được một gánh nặng, điều này làm tôi khẳng định rằng ông ta nói dối, có thể ông ta đã nhận tiền để nói láo.



- Vậy ngươi còn chối gì nữa?

Đặng tri huyện mắt nheo nheo đầy nghi hoặc, nghiêng nghiêng đầu sang một bên, một tay chống lên gò má, tay còn lại gõ nhịp lên bàn.

- Các quan đã thẩm tra lý lịch của tôi, hẳn biết rằng gia đình tôi bao đời nay đều là địa chủ, đến đời ông tôi vì một số lý do oan ức mà mất hết ruộng đất cấy cày, sau người ta chia ruộng lại cho ông bà nội tôi ở cánh đồng Quán Dê. Nay ông tôi đã mất, bà tôi thì già yếu, bố mẹ tôi không còn làm ruộng trong khi tôi là một người yêu thích làng quê, kính trọng các bậc cha ông nên bản thân tôi muốn đi tìm hiểu một lần về cánh đồng mà nhiều năm trước bà nội tôi đã từng cày cấy, điều này đâu có gì sai?

- Không sai nhưng lại không hợp lý!

- Thưa quan, vậy tôi xin phép hỏi rằng, tôi được biết Xã Thần là người cai quản đất đai, mọi chuyện trong khu vực quản lý đều biết rõ, vậy tại sao tôi không thấy cái ông Xã Thần ở cánh đồng đó? – tôi chỉ đại vào một người đàn ông đang ngồi gần tôi - Ông là Xã Thần Quán Dê ạ?

Ông ta lắc đầu, tôi chỉ vào người thứ hai, người ấy cũng lắc đầu.

- Tôi nghĩ sau này hôm nay tôi sẽ không thờ cúng Xã Thần, Thổ địa. Tôi cũng sẽ nói với mọi người không nên thờ cúng các ông ấy nữa vì các ông ấy vô dụng!

- Tại sao ngươi lại làm như thế? – Quan hỏi.

- Vì có mỗi cái việc một thằng trẻ ranh như tôi sục sạo ở cánh đồng mà thần không biết, quỷ không hay, Xã Thần cũng mất mặt, chỉ có mỗi ông Chuông này biết. Tôi đang nghi ngờ ông Chuông này chính là ông Xã Thần, nếu thế thì quả thật đã nhìn thấy mặt tôi!

- Ta không phải Xã Thần! – Phan Chuông xua tay.

- Hay là như này ạ, quan cứ cho mời cái ông Xã Thần Quán Dê tới hỏi là xong, ông ấy bảo có là có mà bảo không là không, tôi sẽ nghe theo Xã Thần, tôi luôn tin vào thần thánh là người ăn ngay nói thẳng không gian dối nửa lời.

Tôi thấy hai bàn tay của Phan Chuông đan vào nhau nhưng cử chỉ có vẻ không tự nhiên, tôi đoán gã ta đang bồn chồn, lo lắng.

- Nếu Xã Thần Quán Dê chỉ mặt tôi bảo chính là tôi thì tội tôi nặng nhưng nếu Xã Thần bảo không phải tôi thì phải rạch miệng ông Phan Chuông vì tội vu cáo, ăn gian nói dối. Tôi mong quan nên gọi Xã Thần đến để hỏi là xong.

Đám đông ma quỷ lao xao phụ họa, chị Ma đã dặn tôi không được quay nhìn lại phía sau cho dù có bất cứ tiếng kêu gào dù ủng hộ hay gọi tên tôi... Có thể chị ấy lo tôi bị nhiều ma quỷ nhận diện.

- Mời ông Xã Thần đến là xong việc, có mỗi thế mà làm không được?

- Thế này là quan nhà mình lại nhận tiền ton lót (hối lộ) nên làm chẳng tới!

- Ông Xã Thần ấy chết rồi! Bao năm có thấy mặt ông ta đâu?!

Thêm tiếng cười ma quái cất lên từ phía sau lưng tôi lẫn với tiếng dè bỉu, xỉa xói, phải đến khi ông quan tri huyện đập miếng gỗ xuống bàn thì phía sau lưng tôi lại yên đi một chút, tôi không nghe thấy tiếng đập bàn nhưng tôi đoán đó là một tiếng “Cạch” hoặc “Rầm”. Chị Ma đang điều khiển trò chơi của chị ấy, nơi tôi đang đứng chẳng khác gì một sân khấu kịch và tôi là một diễn viên không chuyên. Tôi lờ mờ hiểu rằng đằng sau chuyện này có gì đó uẩn khúc nên bọn họ cần một người để đổ vạ, họ chọn tôi vì nghĩ tôi là trẻ con, sẽ dễ dàng đe nẹt, ép tội. Trong đầu tôi đã hình thành suy nghĩ phải tìm cách diệt trừ gã Phan Chuông này, sự ngu ngốc của gã có thể sẽ làm hại những người vô tội. Nếu như hôm nay không phải là tôi mà là người nào đó khác khi lúc tỉnh dậy sau một cơn mê và đột nhiên biến thành một người độn tri mà chính họ cũng không bao giờ hiểu được tại sao lại như vậy, người thân của họ sẽ đổ cho số phận hoặc mồ mả bị động, tuy trường hợp này hiếm nhưng nếu tiện tay thì nên loại hắn đi, là ma nhưng xấu xa thì không nên tồn tại.

Mặc dù tôi chính là kẻ đốt phá miếu đất, sự thật chính là như vậy nhưng tôi đã nói rằng tôi không làm việc đấy, một lời nói dối nếu cứ lặp đi lặp lại thì nó sẽ trở thành thật, thật đến mức chính tôi cũng không tin bản thân mình đốt phá miếu ấy, như thế có được gọi là nói dối thành thần hay không?

- Thưa quan lớn, liệu có phải ông Xã Thần Quán Dê đã chết rồi hay không? Tôi nghe nói như vậy.

- Ngươi không nên nghe những điều được nói ra từ miệng của đám hạ nhân ấy!

Ông quan tri huyện phẩy tay ý muốn gạt bỏ lời tôi sau đó ông ta ra hiệu cho những người đang ngồi phía trước lại gần ông ấy, họ chụm đầu bàn bạc nhưng tôi không nghe thấy gì, khoảng cách không xa nhưng tôi đoán rằng mình chỉ có thể nghe thấy, nhìn thấy nếu họ muốn cho mình nghe và nhìn, trừ khi bản thân tôi có thể trở thành một thầy phù thủy hoặc đại loại như vậy, hẳn là sẽ nghe và nhìn thấy nhiều hơn.

Tôi không biết họ bàn bạc với nhau ra sao nhưng cái đầu nào cũng gật gù ra vẻ tán đồng. Chị Ma có dặn rằng nếu họ làm như vậy nghĩa là sẽ thống nhất việc quy tội cho tôi, kể cả tôi có mặt hay vắng mặt ở nơi họ yêu cầu. Nguyên cớ là các quan đang cần một người chịu trách nhiệm cho việc Xã Thần vô duyên vô cớ bị phá miếu, đập bát hương trong khi trước đó một thời gian dài họ chỉ nghe tin tức bẩm báo tốt đẹp của Xã Thần Quán Dê về nơi mình phụ trách, bây giờ lại lòi ra việc ông ta đã mất nhà từ lâu, rày đây mai đó (lang thang vất vưởng) nên tin tức bẩm báo lên trên trong một thời gian dài là sai lệch, ai là người bẩm báo thì không muốn truy đến cùng nên họ muốn có một lý do, cần phải có một lý do để nếu trên phủ có hỏi thì có cớ trình bày và đã trách phạt. Đối với ông Xã Thần Tô Phúc Nguyên thì muốn nhân cơ hội này để trả thù các quan trên bởi bao uất ức đã trải qua trước đây, tôi dù vô tình hay cố ý thì đã tham gia vào quá trình đấu đá của các bên còn chị Ma thì chỉ cầu vui.

- Dạ thưa quan lớn, tôi cũng muốn nhắc lại việc mình sẽ làm đơn kiện quan đấy ạ!

Tôi lên tiếng phá ngang, kinh nghiệm chỉ ra rằng muốn ném đá hội nghị thì phải chọc tức được người cầm trịch, nếu họ muốn mời tôi đến rồi nhân cơ hội quy tội thì tôi cũng phải cho họ thấy mình không phải là người dễ bị bắt nạt.

- Nhãi ranh! – Một ông quay ra chỉ tay vào mặt tôi – Mày đừng tưởng mồm mép có thể khỏa lấp được tội trạng của mày!

Cuộc đời tôi tranh luận cũng nhiều nhưng cãi nhau to tiếng thì tôi nhớ là chưa bao giờ. Một số người nói tôi hiền, một số khác lại nói tôi trầm tính... nhưng tôi có quan điểm riêng của mình. Cãi nhau bằng miệng nhưng não phải nghĩ, càng tỏ ra tức giận thì càng thể hiện sự yếu đuối của bản thân, họ càng nóng giận thì mình càng phải ôn hòa, cứ dùng lý mà nói, họ không nghe thì đành chịu, mình thiệt một chút cũng không sao.

Tôi cũng không có thói quen chỉ vào mặt người khác khi nói chuyện, nếu ai khi nói chuyện mà mặt đỏ phừng phừng chỉ trỏ vào mặt tôi thì tôi đánh giá họ rất thấp, tôi chỉ đồng ý bậc sinh thành của mình, ông bà nội ngoại của mình hay cô dì chú bác chỉ vào mặt mình trách phạt mà thôi, người lạ làm thế là tôi không ưng.

- Từ khi nào tôi lại có tội? Chả lẽ các ngài mời tôi đến đây chỉ là cái cớ còn quy tội mới là cái chính?

- Mày là một đứa ranh con vắt mũi chưa sạch lại tỏ ra mình là người thông tuệ? Sau khi nghe hai bên đối chất, bản thân ta tin rằng ngươi là kẻ có tội!

Người đàn ông vẫn chỉ tay vào mặt tôi, ông ta tiến đến gần tôi, mặt đỏ tía tai vì tức giận, tôi nghĩ ông ta đang diễn vở kịch của ông ta, sẽ có kẻ tung người hứng, tôi đoán ông ta là người tung, ông ta sẽ đóng vai ác.

- Ông tin là việc của ông! Đâu phải ông tin tôi có tội là tôi có tội được? – tôi ngẩng mặt lên nhìn ông ta với ánh mắt ngây thơ – Các quan xử việc dựa theo cảm tính hay sao?

- Bây đâu, gô cổ thằng này lại đánh 100 trượng trước thị chúng!

- Xin hỏi ông là quan lớn hay cái ông ngồi ở bàn kia là quan lớn?

- Điều này không phải việc của mày! – ông ta quát lớn – Lính đâu!!!

Ngay sau đó xuất hiện hai người lính đi chân đất nhanh chóng đi lại gần phía bên phải tôi, xem chừng họ sẽ đánh tôi thật, bản thân tôi trong giây phút ấy cũng lo lắng chưa biết nên xử trí thế nào vì liên quan đến đánh nhau là tôi thua, kỹ năng xử lý tình huống khi sắp bị đánh cũng không có nên đã đứng ngây ra. Vừa lúc bàn tay của một người lính chuẩn bị tóm lấy tôi thì anh ta bị văng ra phía trước, nằm sấp mặt, người còn lại cũng nhanh chóng bị một thân ảnh màu đỏ với váy áo thướt tha tung một cước vào ngực và ngã chổng kềnh ra giữa sân. Mọi thứ diễn ra rất nhanh, chắc chỉ trong hai đến ba giây đồng hồ mà thôi, người đàn ông đứng phía trước tôi cũng vì bất ngờ nên không kịp phản ứng, đến khi ông ta hiểu ra mọi chuyện cũng là lúc lưng đã chạm đất cách xa nơi đang đứng chừng gần 10 thước.

- Một đám người lớn đủ quan với quân lại đi bắt nạt và vu vạ cho một thằng bé, ta đây đứng ngoài nhìn mà không thể ngửi nổi! – chị Ma đã xuất hiện và tiến lên vài bước lên phía trước mặt tôi – Các ông dùng vũ lực bức ép nó nên ta cũng sẽ dùng vũ lực ép lại các ông. Xin hỏi có vị nam tử hán đầu đội trời nào đang đứng trước mặt tôi không?

- Nha đầu thối, đây không phải là chỗ làm loạn! – một người đàn ông khác đứng gần quan tri huyện đứng ra chỉ mặt chị Ma và nói – Bắt lấy con này luôn, nó là đồng phạm!

- Bà mày đây chưa ai dám gọi là nha đầu thối, lại còn dám chỉ vào mặt bà mà mắng thì mày cũng biến mất đi là vừa!



Dứt lời thì thân ảnh của chị Ma biến mất và chỉ một giây sau thì đầu của người đàn ông kia đã rơi xuống đất, không có tiếng thét nào, không có máu me phun ra, giống như chị Ma đã chặt một bức tượng bằng đất biết đi vậy.

- Mày trêu nhầm người rồi, nên dành thời gian về mà báo mộng cho con cháu làm lễ cầu hồn cho mày đầu trở lại thân nhá!

Nói xong là chị Ma đá văng luôn cái đầu đó lăn lông lốc vào gầm bàn của ông quan huyện, quan huyện giật mình đứng dậy đập bàn quát lớn.

- Lính đâu! Bắt con mụ này lại! Dám làm loạn trước mặt quan lớn! – ông quan huyện cũng chỉ tay ra hiệu cho lính vây bắt chị Ma - Mụ ta đã chặt đầu bá hộ!

- Chỉ là chặt đầu thôi mà, có làm gì đâu?! Quan mang vào gắn lại là xong! Ta niệm tình không chém nát luôn để khỏi phải mất công gắn.

- Nha... nha... nha đầu hỗn láo! Mau bắt nó lại!

- Bà đã bảo là không được gọi bà là nha đầu, bà không phải người hầu của chúng mày! Tất cả lại cùng một lượt đi!

Chị Ma đứng giữa khoảng sân, hơn 10 người lính tay lăm lăm giáo mác đã nhanh chóng tạo thành một hình tròn vây quanh lấy chị, tôi không nghe thấy tiếng binh khí va chạm, cũng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng rên la khi những người lính bị đánh văng ra sân, tay một nơi chân một nẻo. Chị Ma tả xung hữu đột với đường kiếm sáng loáng, khi thì chém sang phải lúc thì tung chân đá ra phía sau, chỉ một loáng sau thì trên sân la liệt người nằm và hầu như đều bị cắt đứt chân, chỉ còn ba người lính chụm lại với nhau chĩa mũi giáo về phía chị Ma thủ thế và lùi dần về nơi quan ngồi. Chị Ma ung dung tay cầm kiếm vừa tiến lên vừa nói:

- Chỉ bắt nạt được trẻ con với mấy con ma thôn thôi à ông Đặng tri huyện? Lính bản huyện bị thương nặng thế kia thì quan sẽ tốn ngân lượng để hồi phục họ đấy! Hay để ta tiện tay đánh tan hồn vía của họ đi, giúp ngài đỡ tốn một khoản, chỉ cần ngài gật đầu là ta sẽ giúp ngay!

- Đừng có làm càn, còn có ta ở đây!

Một người vừa mới xuất hiện trên người mặc giáp trụ và hộ tâm phiến trước ngực, nai nịt gọn gàng.

- Thân vệ quân hay sao? – Chị Ma hất hàm hỏi người vừa mới tới.

- Ta đây chính là Nguyễn đốc trấn (một chức quan binh nhỏ, có trách nhiệm giữ an ninh địa phương), mau giơ tay chịu trói đừng để ta phải ra tay!

- Thế không phải là thân vệ quân hay sao? – chị Ma tỏ ra tiếc rẻ - Không phải thân vệ quân thì tới đi, bắt được tay ta thì trói lại chứ ta đâu có dại tự đưa.

- Đừng trách ta! – Nguyễn đốc trấn lấy ra một thanh đao.

- Ta không trách ngươi, tới đi!

Chị Ma chùng chân thủ thế, Nguyễn đốc trấn vừa lao tới vừa vung đao chém liền hai đường chéo nhau như chữ X, thanh gươm trên tay chị Ma cũng múa lên để lại tàn ảnh giống như một cây quạt nan, tôi đoán chừng sẽ có tiếng leng keng nhưng tuyệt nhiên im lặng khi binh khí va chạm, giống như một bộ phim bị mute vậy. Chị Ma đánh tay đôi với quan đốc trấn, lần đầu tôi được xem tận mắt nên khá phấn khích, biết thế đừng mặc váy đi thì trông lanh lẹ hơn, đá cao hơn cũng nên. Nguyễn đốc trấn với thanh đao trên tay chém liên tục về hướng chị Ma, chị Ma né tránh và vì thế những cái bàn, cái ghế đơn sơ quan ngồi khi nãy đã vì thế mà gãy nát, quan và những người bạn của quan đã lùi về phía sau, đứng gần chỗ cái trống, chắc dùng để thảo dân kêu oan. Trong một khoảnh khắc, Nguyễn đốc trấn bổ thanh đao xuống đầu chị Ma thì chị ấy nhanh chóng đưa thanh kiếm lên vừa đỡ vừa gạt lưỡi đao và đồng thời bước lên một bước áp sát Nguyễn đốc trấn rồi dùng bàn tay trái đánh thẳng vào mặt. Nguyễn đốc trấn bị trúng đòn hơi ngửa đầu ra sau thì tiếp sau đó là một cước bằng chân phải của chị Ma đạp lên giữa hộ tâm phiến trước ngực, Nguyễn đốc trấn ngã ngửa ra phía sau. Chị Ma nhanh chóng bước tới giẫm một chân lên ngực của quan đốc trấn, dùng kiếm gạt văng thanh đao sang một bên, chị hất hàm hỏi:

- Ta không trách ngươi nhé! Nhìn bộ dáng và đao pháp của ngươi chắc mới nhập làm ma từ thời Tây Sơn phải không? Chỉ xứng đáng là con cháu của ta mà dám lên mặt. – chị Ma buông lời đe dọa - Lần sau gặp ta nhớ cụp pha không ta móc mắt ngươi làm đồ chơi!

Lúc này binh lính từ đâu đã kéo đến, phải cả trăm người với giáo mác, gươm đao trên tay sáng loáng, quan tri huyện họ Đặng nhanh chóng ra hiệu cho những người lính của mình tiến lên vây bắt chị Ma, họ nhanh chóng hạ mũi giáo theo phương ngang và lao tới, chị Ma thay vì lui lại né tránh thì chị lại chạy tới đối đầu trực diện với những tốp lính đầu tiên. Thân ảnh màu đỏ thoắt ẩn, thoắt hiện là tôi hoa mắt, khi tôi nghĩ chị có thể bị bắt thì bỗng nhiên đám lính dạt ra, quay lưng về phía tôi. Tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ từ lúc chị Ma xuất hiện.

Chị Ma không biết bằng cách nào, sau khi hạ gục một vài người lính mới tới thì bây giờ đang đứng bên cạnh quan tri huyện, điệu bộ của chị rất ư là thản nhiên nhưng ông Đặng tri huyện thì có vẻ không được như thế, ông ta có vẻ mặt trắng bệch khi lưỡi gươm đang kề trên cổ.

- Ta biết... - chị Ma giọng nói nửa đùa, nửa thật - Ta biết là rất khó giết ông vì ông ăn lộc triều đình nhưng nếu trước bàn dân thiên hạ ta cắt đầu ông sau đó mang giấu vào hố xí của chắt đích tôn nhà ông đang sống, ông nghĩ như vậy có được không?

- C... Cô ...kh ...không được làm như ...như vậy...

- Đầu của ông mà bị vứt vào đấy, con cháu tha hồ tè vào ông sẽ tỉnh táo. Chỉ có điều... tội cho con cháu của ông phạm vào tội nặng, đái vào mặt của cha ông thậm chí còn... – chị Ma làm điệu bộ đưa tay lên che mũi – Mùi chỗ đấy sẽ nặng lắm!

- Cô... không được làm thế! Ta là quan của triều đình nhà Nguyễn, cô mà làm thế sẽ bị trách phạt tội nặng, con cháu của cô sẽ... sẽ... sẽ bị tru di tam tộc!

- Sợ cái gì chứ?! Ta là người cuối cùng của dòng họ rồi, chẳng hay quan có biết vụ án Lệ Chi Viên* hay không?

- Cô ...cô đừng làm liều! – Đặng tri huyện có vẻ lúng túng.

- Đừng mang cái chức quan bát phẩm nhà Nguyễn ra mà dọa ta. Nhìn trên đầu ta không? – chị Ma chỉ tay lên đỉnh đầu, chả hiểu từ lúc nào trên đó đã có vương miện – Đồ của nhà Trần xịn sò đấy, không phải đồ nhái mua ở Đông Kinh đâu nhé!

- Cô... cô là Công chúa?

- Đừng nói lớn như thế làm ta sợ!

Chị Ma nhìn mấy người đàn ông ban nãy ngồi ở ghế, nay đã thiếu một ông bá hộ nhưng đầu của ông ấy thì một người khác đang ôm trên tay.

- Trong số các ông có ai muốn làm quan thay ngài Đặng đây không? Chỉ cần các ông gật đầu thì ta sẽ cắt đầu của ông ấy mang đi, ông ấy xấu mặt thì không làm quan được nữa, các ông không thích làm quan hay sao?

Mấy người đàn ông đó đều lắc đầu, chị Ma tỏ điệu bộ chán nản quay sang nói tiếp với Đặng tri huyện lúc này mặt đã trắng xám vì sợ, thế ra ma cũng biết sợ, kể cả là ma quan.

- Ta nói cho ông biết nhé ông quan huyện... Nếu ông có dịp đi ra khỏi huyện nhà, tiện tay túm cổ một hồn ma vất vưởng nào nó bên đường thì hỏi Ngọc Hoa cô nương là ai nhé! Ta không gây ra điều tiếng ở cái huyện này là phúc của tổ tiên ông rồi có biết chưa?

Chị Ma nhìn xung quanh một lượt rồi chỉ tay về phía tôi.

- Ta nói cho ông biết, ông dùng cực hình với thằng bé kia như thế nào thì con cháu của ông cũng bị phạt nặng như vậy, ông không tin ta cũng được chả sao, nhưng ông làm quan thì nhớ mà tra lý lịch nó cho kỹ vào rồi hãy nhận đồ của người ta, mà có khi cái lão Dương Tá Hành chơi khăm ông rồi, đáng tiếc, đáng tiếc...

- Ta... tôi...

- Ông không thông minh thì sao lại làm quan được nhỉ? Lắc cái đầu lên mà nghĩ! Tuy đầu ông không còn não, chả có máu nhưng lắc lên biết đâu đấy lại ngộ ra điều gì... Còn muốn tìm ta trả thù thì không khó nhưng nhớ phải tìm nhiều binh mạnh vào nghe chưa!

Chị Ma dứt lời thì lấy kiếm ra khỏi cổ quan tri huyện họ Đặng, chị đi về phía tôi, khẽ liếc nhìn và đá lông nheo sau đó thong thả bước ngang qua tôi đi ra phía sau, tôi không quay lại nhìn được nhưng quả thật rất huyên náo.

---

***