Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 168: Người Đi, Kẻ Đến



Sáng hôm sau...

Ở Lão Thụ cổ viện, bấy giờ đang có một buổi tiệc tiễn chân long trọng chưa từng có.

Nguyễn Đông Thanh nâng bình rượu, nói:

“Các trò đã quyết ý, thầy cũng không có gì để nói cả. Chiến trường nguy hiểm trùng trùng, nhân tâm khó dò, lần này các trò lại đi mỗi người một phương, chẳng thể nào chiếu ứng hỗ trợ lẫn nhau. Thôi thì thầy đành chúc các trò thượng lộ bình an, công thành danh toại.”

Bốn người đệ tử Lý, Tạ, Đỗ, Trương biết bình thường Bích Mặc tiên sinh của chúng ta không thích rượu chè, nay lại chủ động rót rượu tiễn chân, đủ thấy trong lòng y lần từ biệt này quan trọng đến nhường nào.

Hồng Vân đứng đằng sau nhún vai, nói:

“Xem cái anh thầy đồ gan thỏ đế nhà anh kìa. Chúng nó đủ lông đủ cánh rồi thì cũng nên ra ngoài xông xáo một phen, kiến công lập nghiệp. Chả nhẽ cứ ru rú ở cái đất Quan Lâm này cho thành Nguyễn Đông Thanh hai, ba, bốn, năm đấy à?”

Vốn là, Nguyễn Đông Thanh có ý không muốn đám đệ tử nhập ngũ ở xa. Chỉ cần bốn người nói một tiếng, thì cho dù phải vác cái mặt mo đi nhờ vả hết trên rừng dưới biển hắn cũng sẽ cố làm bằng được.

Song, cuối cùng, người thuyết phục được Bích Mặc tiên sinh của chúng ta không phải ai khác ngoài cô hàng xóm Hồng Vân.

Lý Thanh Vân nâng chén, nói:

“Sư phụ yên tâm, bọn con nhất định sẽ không làm tổn hại đến uy danh của người đâu.”

“Thầy của các con thì nào có cái uy danh gì? Trong bốn đứa, thầy lo nhất là anh đấy anh Vân ạ.”

Nguyễn Đông Thanh lắc đầu.

Đỗ Thải Hà, Trương Mặc Sênh đều thạo đời lọc lõi, Tạ Thiên Hoa thì càng không cần phải bàn, con bé nó không đi lừa người ta là đã trái tính trái nết lắm rồi.

Duy chỉ có ông Lý Thanh Vân này là ngố rừng, củ chuối cả nải.

Lý Thanh Vân nghe thầy nói thì đỏ mặt lên, hắng giọng một cái. Đám sư muội, sư đệ thì được thể cùng cười vang.

Nguyễn Đông Thanh lại nói, vẻ cảm khái:

“Tính ra thì đây là lần đầu tiên các trò đi xa mà thầy kịp tiễn chân.”

Lần trước, lúc đám học trò đi bí cảnh Thương Lan Kiếm Vực của Kiếm Trì thì gã hãy còn bận việc công ở thành Cổ Long, không ở nhà để tiễn chúng một đoạn.

Còn lúc đi Võ Bảng hội?

Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cố tình quên khoắng đi cái lần này, chôn thật sâu vào những ký ức xấu hổ của bản thân.

Chẳng nhẽ lại nói hôm bọn trẻ lên đường hắn ngủ chổng mông mãi đến quá trưa mới dậy, ra khỏi nhà thì đã thấy ngõ sau cổng trước vắng như cái chùa bà Đanh?

Tạ Thiên Hoa biết tính ông thầy, vừa nghe một câu đã cười, nói:

“Chắc thầy lại có thi hứng muốn ‘mượn thơ’ đấy. Lần này là đọc bài của ai vậy thầy?”

Bốn người đệ tử đương nhiên là biết trong phòng của sư phụ nhà mình có sáu bảy tập thơ vẫn thường dùng để kê chân lúc ngồi đọc sách. Thế nhưng, Hồng Vân tiên tử – người mà tất cả đều nhận định là sư mẫu – cũng chính miệng nói với bọn nó rằng những bài thơ này là do đích thân Bích Mặc tiên sinh sáng tác, chẳng qua y không nhớ mà thôi.



Thành thử, cả đám mới “vào hùa” vào “vở kịch” của sư phụ.

Đỗ Thải Hà, Trương Mặc Sênh và Lý Thanh Vân đều hùa theo phụ họa.

Được hưởng ứng như thế, Nguyễn Đông Thanh cũng thấy nở mũi, thế là y hắng giọng, đọc:

“Thơ tên: Tống biệt - Phú đắc Quan san nguyệt – thơ của Nguyễn Phúc Hiện:

“Quan sơn thu dạ nguyệt minh thì,

Ảnh nhập ly diên động khách bi.

Minh nhật ngũ canh tàn mộng giác,

Bình phân lưỡng địa chiếu tương tư.”

(Dịch nghĩa

Nơi đèo ải, đêm thu, lúc trăng sáng

Bóng soi vào tiệc tiễn đưa, động lòng khách buồn rầu

Ngày mai, giấc mộng năm canh tàn, tỉnh thức

Chia đều hai mảnh đất, rọi nỗi nhớ mong nhau)

Tạ Thiên Hoa nghe bài thơ nói về “tương tư” và “li biệt”, bất giác lại nhìn về phía ông đại sư huynh nhà mình một cái. Thế nhưng, khiến cô nàng thất vọng ấy là, Lý Thanh Vân lại tỉnh queo, nghiêm túc nhìn về phía người vừa đọc thơ – Nguyễn Đông Thanh.

Đỗ Thải Hà tủm tỉm cười, huých vai vào người cô sư tỷ một cái.

Trương Mặc Sênh thì lại bất giác nhớ đến vị thánh nữ của Kiếm Trì hiện tại đang ở xa xôi ngàn dặm, chặc lưỡi cầu khẩn được sắp xếp đến nước Hàn.

Tiệc tàn, Nguyễn Đông Thanh chân cẳng bất tiện nên không xuống núi tiễn nữa.

Bốn người Lý, Tạ, Đỗ, Trương dắt díu nhau xuống núi, về phòng lấy hành trang. Lý Thanh Vân lại dặn cô đệ tử mới nhận được đâu đấy mươi ngày là Phó Quân Sước rằng:

“Con ở lại Quan Lâm tiếp tục luyện võ công, ắt sau này sẽ có ngày khôi phục, thậm chí tiến bộ hơn xưa. Đã nhớ yếu chỉ cốt lõi của võ công bản phái hay chưa?”

“Đã nhớ rồi! Phải nhắm vào chỗ hiểm, đoạn tử tuyệt tôn!!!”

Phó Quân Sước mới đầu khi được Lý Thanh Vân dạy cho nguyên lý “Bạch Hổ Quyền” thì cũng cho đấy là hành vi rất thiếu thượng võ, có ý không chịu. Thế nhưng, sau khi biết người truyền thụ môn này cho sư phụ nhà mình lại chính là vị sư tổ danh tiếng lẫy lừng Bích Mặc tiên sinh thì cô nàng lại bắt đầu có suy nghĩ khác. Nhất là sau khi được Lý Thanh Vân nhồi s... quảng cáo rằng xưa nay Nguyễn Đông Thanh chỉ truyền dạy cho cậu chàng đúng một môn Bạch Hổ Quyền này, những võ công khác đều để mặc Lý Thanh Vân tự lĩnh hội thì Phó Quân Sước lại càng vững tin rằng “tấn công hạ bộ” chính là nền móng, là cốt lõi của võ công Lão Thụ cổ viện.

Lý Thanh Vân gật đầu, đoạn lại xóc tay nải lên, bên trong hãy còn trọn bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký được chính Nguyễn Đông Thanh gói ghém cho.

Chẳng là, sau khi biết thằng nhóc Thanh Vân ngộ được võ công trong tiểu thuyết, hơn nữa còn có tác dụng đối địch với võ giả, thành công đẩy lùi thú triều, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta bèn dứt khoát gõ cửa xin Hồng Vân sao chép cho một bản Ỷ Thiên Đồ Long Ký đưa cho thằng nhóc.

Đương nhiên, gã cũng không quên hẹn Lý Thanh Vân vào buồng một buổi trò chuyện tử tế, kiên quyết dứt khoát thuyết phục cu cậu quên cái môn Bạch Hổ Quyền mình trót dạy kia đi. Còn việc tại sao Lý Thanh Vân sau hôm ấy lại hiểu nhầm thành sư phụ nhắc mình nhất định phải truyền thụ lại ‘cốt lõi võ học bản phái’ cho Phó Quân Sước là một câu chuyện để dành kể dịp khác.

Cô hàng xóm bảo cứ để từ từ để thằng cu lĩnh ngộ hai bộ trước, đến hôm qua hay tin đám đệ tử chuẩn bị lên đường đánh Hải Thú, cô nàng mới chịu nhả Ỷ Thiên Đồ Long Ký ra.



“Xuất phát!”

“Hẹn mọi người ngày thái bình tái ngộ ở đây nhé.”

“Không gặp không về...”

Bốn người nói lời chia tay, đoạn cùng hít sâu một hơi. Lần này Hồng Vân không để bọn họ dẫn theo Tiểu Thạch, Đại Bạch hay bò già, thành thử nếu nói không cảm thấy hồi hộp thì là nói dối.

Thấy sắc trời cũng không còn sớm, bốn sư huynh muội mới vỗ túi chứa đồ lấy ra một miếng ngọc giản, trừ Lý Thanh Vân thì rút một phong thư có niêm phong trong tay nải ra.

Hôm qua, sau khi quyết định sẽ lên đường nhập ngũ, Tạ Thiên Hoa đã vào Quan Lâm thông báo với Vũ Tùng Lâm, sau đó được lão đưa cho ba miếng ngọc giản và một phong thư này.

Đại Việt lần này xuất hành, hoàng đế nói vì muốn chắc ăn, nên nghĩ ra một “diệu kế”. Thành thử từ lộ tuyến hành quân đến địa điểm tập kết đều được giữ bí mật. Bá quan quần thần đều thấy đây là cái chuyện vẽ rắn thêm chân, thừa giấy vẽ voi, nhưng Trư Đế cao hứng quá, nên chẳng ai khuyên bảo câu nào.

Cuối cùng mới có cơ sự ngày hôm nay.

Bốn sư huynh muội mỗi người một hướng, rời khỏi Lão Thụ cổ viện.

oOo

Sau khi bốn đệ tử rời đi được ba ngày thì Nguyễn Đông Thanh cũng phải ăn diện quan phục mũ mão chỉnh tề, ngồi kiệu vào Quan Lâm thực hiện chức trách của một “Ngọc Lân Tiếp Sứ Quan”. Hồ Ma Huyền Nguyệt cử người đến tận Lão Thụ cổ viện, giúp gã chải chuốt ăn mặc, rồi để Nguyễn Đông Thanh ngồi lên một chiếc kiệu lớn tám người khiêng. Gã vừa mới đặt mông còn chưa ấm chỗ, thì tám kiệu phu lực lưỡng đã nâng kiệu, đằng vân bước thẳng về phía ải Quan Lâm trong con mắt ngỡ ngàng của Bích Mặc tiên sinh.

Gã từng được Hồng Đô giúp cưỡi mây, nhưng chưa bao giờ Nguyễn Đông Thanh lại nghĩ có một ngày mình được cưỡi kiệu bay trên trời.

Gã vén rèm kiệu lên, chỉ thấy bốn bề mây trắng phau phau, cảnh sắc dưới chân lao đi vùn vụt, ấy vậy mà nắng gió đều không ảnh hưởng gì đến được người trong kiệu, quả thực so với ngồi máy bay còn ảo ma canada hơn. Bích Mặc tiên sinh của chúng ta thấy sự lạ như thế, cũng chỉ đoán đại khái là chuyện này đều nhờ có tám người phu khiêng kiệu mà ra rồi không nghĩ nhiều nữa.

Khoảng cách từ Lão Thụ cổ viện đến Quan Lâm cũng không xa, thành thử trải nghiệm ngồi kiệu bay của Bích Mặc tiên sinh cũng chỉ kéo dài được đôi ba phút là hết.

Kiệu đáp xuống đầu thành, phu kiệu phân ra hai người vén tấm che cửa lên, khom người làm thủ thế mời. Nguyễn Đông Thanh vừa đặt bước chân đầu tiên xuống đất thì hai người nọ đã lùi lại, đứng vào trong hàng lối với sáu tên đồng nghiệp, lưng thẳng, tay nghiêm, vẻ mặt lạnh như tiền. Bích Mặc tiên sinh nói tiếng cảm ơn hai tên này cũng chẳng có phản ứng gì.

Hồ Ma Huyền Nguyệt và Vũ Tùng Lâm đã chờ sẵn trên đầu thành, vừa thấy gã tới thì đã cùng bước lên chào, thái độ rất thân cận thắm thiết. Nguyễn Đông Thanh hắng giọng, hỏi:

“Không biết sứ đoàn đã đến chưa?”

“Quan tiếp sứ cứ yên tâm, Quan Lâm không có truyền tống trận, binh mã sáu nước còn chưa tới. Chỉ là cũng không biết nhà nào tới đây, cử ai đi mà thôi.”

Hồ Ma Huyền Nguyệt đáp.

Nguyễn Đông Thanh ho khan một tiếng, nói:

“Châu chủ đại nhân, hai ta thân phận khác biệt, ngày nói chuyện khách sáo như vậy trong lòng tại hạ quả thực bất an.”

“Không thể nói thế. Thánh chỉ ghi rõ bản châu chủ lần này phụ tá cho tiên sinh, chẳng nhẽ tiên sinh muốn ta kháng chỉ? Chuyện này quả thực là làm khó tiểu nữ rồi.”

Hai người nói chuyện qua lại vài câu, thì bỗng nhiên từ xa có tiếng cười văng vẳng vọng lại:

“Ha ha ha! Đại Tề Chiến Vương đại giá quang lâm, đám khỉ Đại Việt sao còn chưa ra nghênh đón?”

Số chương còn lại hôm nay: 2 chương chính truyện.