Vương Gia Xin Hãy Chờ Ta Lớn! (Tâm Ý Thành)

Chương 16



Sau đó thái y có đến nhưng quá trễ, Huệ phi đã trút hơi thở cuối cùng. Máu bà vấy lên áo khoác lông màu bạc của con trai, chiếc áo rộng lớn phủ chụp trên thân thể nhỏ bé, cuộn tròn lấy vị hoàng tử trong đau thương mất mát đầu tiên.

Trình Khâm không bao giờ quên, mãi không quên...

Đó là đêm tuyết rơi rất nhiều, rất nhiều, có lẽ lạnh nhất trong cuộc đời ngài.

Cũng cùng thời điểm này, do sức ép từ hoàng hậu cùng với dòng họ của bà ta, hoàng thượng sau cùng đã lập Trình Sở làm đông cung thái tử.

Sau cái chết của Huệ phi, Trình Khâm thay đổi dần trở nên lặng lẽ, trầm tĩnh, ít cười ít nói, đối với Trình Sở càng không muốn phản kháng hay chống đối. Điều quan trọng là ngài bắt đầu ít để ý đến những thứ khác, hay đúng hơn là không muốn phải để tâm hay thích thú đến bất kỳ điều gì. Vì sợ, sẽ lại đánh mất...

Cho đến năm mười sáu, Trình Khâm gặp gỡ Tôn tiểu thư, thứ nữ của một vị quan trong triều đình. Vẻ đẹp thanh tao thoát tục của nàng khiến thất hoàng tử cảm mến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dù ban đầu, ngài cũng rất lo lắng không biết nên đối diện với cảm xúc này thế nào nhưng rồi ngài nhận được tâm ý từ Tôn tiểu thư nên hai người trở thành tri âm tri kỷ, sớm tối bầu bạn hàn huyên.

Dẫu có che giấu thế nào, chuyện này cũng đến tai Trình Sở.

"Ta muốn nàng ấy trở thành thiếp của ta", Trình Sở ban một lời dứt khoát như vậy trước mặt Trình Khâm và Tôn tiểu thư. Đã khá lâu rồi, Trình Khâm mới lên tiếng chống lại thái tử vì muốn bảo vệ người nữ nhi của mình:

- Thái tử\, đệ và Tôn tiểu thư tình ý rõ ràng\, xin ngài để cả hai được ở bên nhau!

- Còn ngươi thì sao? - Vị thái tử liền quay qua Tôn tiểu thư\, hỏi.

Dĩ nhiên, nàng ấy đáp rằng: "Thần nữ muốn ở cạnh thất hoàng tử".



Khi đó, Trình Sở đã quay lưng bỏ đi, chẳng nói thêm lời nào nữa. Cứ ngỡ vị thái tử này đã chịu buông tha nhưng không, hậu quả còn tàn khốc hơn rất nhiều.

Chỉ hai ngày sau, Tôn tiểu thư thắt cổ tự vẫn ngay trong vườn hoa của phủ nhà.

Là thái tử ép nàng, hoặc là chết hoặc là cả nhà bị gán tội kháng lệnh!

Trình Khâm ngước nhìn tấm vải trắng bay phất phơ trong gió lạnh mà người nữ nhi mệnh khổ đó dùng để treo cổ, bằng đôi mắt vô hồn. Hình như ngài đã mất đi cảm xúc rồi, và hơn thế nữa trái tim ngài kể từ giờ hoàn toàn bị phủ băng, tâm hồn lại chết thêm lần nữa. Trình Khâm không còn đủ sức để oán hận Trình Sở...

Ngài mệt mỏi rồi, rất mệt.

Trình Sở rồi sẽ trở thành vua, nên "mọi thứ trong thiên hạ đều là của thiên tử".

Không có bất cứ thứ gì thuộc về Trình Khâm cả! Tuyệt đối không!

Trình Khâm đã đứng ở dưới mảnh vải trắng ấy thật lâu trước khi quay gót. Cũng vào thời khắc đó, người nam nhân bất hạnh này thật sự khép chặt cánh cửa trong trái tim chỉ có tổn thương và mất mát.

Ngài không muốn yêu thương ai nữa. Vì càng yêu thương lại càng bị đoạt mất.

Ngài không muốn kiếm tìm ai nữa. Vì có được rồi lại càng không thể giữ lại.



Kể từ giờ, mọi tâm ý của chính mình ngài đều sẽ chôn chặt, thật chặt trong lòng.

Nhờ có tài thao lược lại đa mưu túc trí, Trình Khâm giúp hoàng thượng dẹp loạn phản tặc đồng thời chinh chiến ngoài sa trường, bên cạnh đó ngài cũng sống đúng với vị trí và bổn phận của mình, để cho Trình Sở thấy rõ ngài không muốn chống đối, càng không có tham vọng với ngôi vị thiên tử.

Năm mười chín, Trình Khâm được hoàng thượng ban cho thành Nghê Hoàng - là thành nắm giữ một nửa binh lực của Bắc Đại, sắc phong làm Viễn Phù Vương.

Một năm sau, hoàng thượng băng hà, thái tử Trình Sở lên kế vị.

Còn Trình Khâm tiếp tục làm chủ quản thành Nghê Hoàng, hằng năm đem quân dẹp loạn biên cương, trở thành vương gia uy quyền và thâm trầm bậc nhất.

*****

Cứ ngỡ mọi thứ vẫn sẽ lặng lẽ trôi qua như thế, cho đến khi Trình Khâm gặp gỡ Tô Khiết, đứa bé gái được ngài mua trong chợ phiên rồi mang về vương phủ, cho một cái tên, chăm sóc dạy dỗ. Khi đó đối với ngài, đứa trẻ này đơn thuần chỉ ở bên cạnh để mang lại cảm giác an ủi một điều gì đó ở trong lòng ngài.

Có lẽ cảm xúc thuần tuý ấy bắt đầu thay đổi là vào ngày hôm đó khi hai người cùng ngắm mưa, Trình Khâm đã nghe Tô Khiết nói một câu: "Thiên hạ cần thiên tử nhưng Khiết Khiết chỉ cần Trình Khâm", ngài đã kinh ngạc đến dường nào.

Lúc đó, Trình Khâm cứ bất động nhìn Tô Khiết, thiết nghĩ cũng thật lạ lùng, từng lời từng lời phát ra từ đôi môi nhỏ xinh đó đều như thể chạm vào tim ngài, an ủi và xoa dịu như thế. Cứ như đứa trẻ ấy nhìn thấu ngài, và lần đầu tiên khiến trong lòng vị vương gia lãnh ngạo này như được lấp đầy trong khoảnh khắc.

Liệu ngài sẽ tìm thấy một thứ chỉ thuộc về riêng mình?

Có lẽ ngài tìm thấy rồi chăng?