Tình Si

Chương 14: Sau khe đá.(2)



Trải qua một ngày dầm mưa và ăn gậy, Nguyên Phong ê ẩm toàn thân. Cả đêm phải nằm nghiêng khiến cánh tay đau càng tăng thêm nhức. Mãi đến gần sáng anh mới chợp mắt.

Ò...ó...o...

Tiếng gà eo óc gáy sáng trước sân nhà làm đầu Nguyên Phong đau như bủa bổ. Anh uể oải bước xuống giường.

Ánh lửa ấm bập bùng trong gian bếp, giọng nói nhẹ êm của Mặc Tâm lọt nhanh vào tai anh.

"Chị Mỷ để em phụ một tay!"

"Em loại bỏ hạt sâu, mốc đi nhé! Chỉ sử dụng các hạt to, tròn đều và mẩy."

Tiếng rì rầm của hai người phụ nữ làm Nguyên Phong tò mò, anh ghé vào bếp.

Mặc Tâm đang phụ chị Mỷ tách hạt ngô.

"Nguyên Phong, anh qua đây Tâm dạy cho cách tách hạt!" Mặc Tâm đã thấy anh đứng ở ngưỡng cửa.

Trong hơi sương lạnh của miền núi. Bếp lửa rực đỏ xua tan đi cái lạnh, hơi ấm quấn vào người và sau đó đã chuyển sang nóng trên đôi má Mặc Tâm.

Khi lựa chọn hạt ngô đảm bảo chất lượng, chị Mỷ sử dụng cối xay đá để xay ngô. Mặc Tâm phụ chị ấy. Công việc này thực sự rất vất vả nên mồ hôi đã túa ra trên trán, bên mang tóc Mặc Tâm.

Nguyên Phong ngồi bỏ hạt vào cối, công việc của một người đang đau tay như anh thật nhàn rỗi nên ánh mắt đặt trọn vào gương mặt người con gái đang xay ngô. Mớ mồ hôi bám trên làn da đỏ hồng, anh thấy chướng mắt bèn đứng lên đến bên Mặc Tâm đưa tay lau giúp cô.

Hành động chẳng kiên dè của Nguyên Phong làm Mặc Tâm thẹn. Qua ánh lửa bập bùng, anh thấy hai gò má cô đỏ hồng. Bàn tay tự nhiên lưu luyến chẳng muốn rời đi nữa. Thế là anh mân mê đôi má đẹp của người con gái.

"Được rồi Nguyên Phong, anh xê qua bên kia đi!" Mặc Tâm liếc anh lí nhí.

"Nhưng...tôi chưa lau hết mồ hôi!" Ánh mắt anh như mang ngọn lửa nóng chằm chằm vào đôi mắt màu hổ phách của Mặc Tâm. Một đôi mắt long lanh câu dẫn hồn đang trưng ra vẻ bất lực khiến lòng anh khó cưỡng muốn hôn lên đó một cái.

Anh cúi đầu áp sát môi mình vào đôi mắt ngọc. Mặc Tâm sững sờ. Chị Mỷ cười khúc khích.

Tiếng cười đó làm gián đoạn một nụ hôn. Đôi má Mặc Tâm càng đỏ hơn. Màu mắt Nguyên Phong càng sâu thăm thăm như muốn cuốn người con gái vào trong.

"Anh mau qua kia đi!" Mặc Tâm hẩy nhẹ Nguyên Phong: "Anh cứ đứng đây thì đến bao giờ mới xay xong chỗ ngô? Chị Mỷ đang cười kìa!"

Nguyên Phong liếc nhìn người phụ nữ bản địa đang nấu nồi cám lợn mà miệng cười không khép, anh lưu luyến thu bàn tay trở lại vị trí, tiếp tục bỏ ngô vào cối.

Rốt cuộc rồi chỗ ngô cũng được xay xong, chị Mỷ lọc bỏ mày và sạn, trộn cùng nước sạch và nhào bột.

Chị nói: "Để bột ngô không vón và nhão chúng ta chỉ bỏ vào lượng nước vừa đủ."

Biết bao nhiêu là đủ?

Việc này chỉ có người làm món bột ngô hấp giàu kinh nghiệm và hiểu biết mới nắm được.

Công đoạn hấp bột ngô cũng kì công không kém.

"Để bột ngô chín hoàn toàn chúng ta phải hấp hai lần!" Sau khi hấp một khoảng thời gian, chị Mỷ đổ bột ngô ra mẹc, đợi bớt nóng cho thêm một lượng nước nhỏ để vò cho tơi và nhào bột rồi lại cho vào chõ đồ lần hai.

"Chín rồi mời cô giáo và anh Phong!" Chị Mỷ bê món bột ngô hấp lên gian nhà chính mời khách.

Một mùi thơm thật hấp dẫn.

Hương ngọt bùi, thơm của ngô và vị mềm dẻo của từng thớ bột ngô nhanh chóng quyện vào đầu lưỡi và tan dần trong khoang miệng.

Đọng lại trong lòng Mặc Tâm và Nguyên Phong là một món ăn lạ, giữ nguyên hương vị ngô nhưng quá kì công. Điều đó làm Nguyên Phong thấy trân quý món ăn đậm mùi dân dã, bình dị của người dân nơi đây.

Và sự trân quý ấy của anh càng tăng lên gấp bội khi theo vợ chồng anh A Lử lên nương đá.

Đó là ngày thứ năm anh với Mặc Tâm ở đây. Khi chấn thương trên lưng và vai anh đã được anh A Lử chữa lành bằng phương thuốc gia truyền của người bản địa. Sức khỏe của anh cũng tốt hơn khi có Mặc Tâm kế cận chăm sóc. Cả ngày cô như cô vợ nhỏ quấn quýt bên chồng chăm lo cho anh từng li từng tí.

Một sáng khi màn sương còn giăng đặc trong làng, anh và Mặc Tâm đã thấy vợ chồng A Lử cuốc đất đập cho tơi rồi xúc đổ vào gùi tre.

"Chi vậy anh A Lử?" Nguyên Phong đến bên anh ấy hỏi.

"À, lấy đất đổ vào hốc đá!" A Lử vừa xúc đất bỏ vào gùi vừa nói.

Mặc Tâm và Nguyên Phong tò mò muốn biết anh ấy đổ vào hốc đá để làm gì nên cả hai cũng gùi một lượng đất nhỏ đi theo vợ chồng A Lử băng qua các nương ngô leo lên triền núi cao.

Đứng từ xa nhìn lên triến núi đặc đá tai mèo chỉ một màu xám ngắt. Anh có cảm giác lạnh lẽo như đến một nơi không có sự sống.

Vậy mà, ở đây chính là nơi trồng lương thực chính của mấy chục hộ dân trong bản. Trên triền núi đá dựng đứng với hàng vạn tảng đá sắc nhọn. Xen kẽ giữa những tảng đá đó là những hốc đất, mỗi hốc rộng vài bàn tay. Người dân đang dùng cuốc làm cỏ và bón phân cho từng gốc ngô xanh mơn mởn trong các hốc đá.

Nguyên Phong sững sờ không thể tin vào mắt mình.

"Anh A Lử, ở đây ai cũng trồng ngô bằng cách này hả?"

"Đúng rồi!" A Lử đứng lại chỉ tay lên triền núi: "Ở đây bốn bề là đá, người dân muốn sinh tồn phải học cách thích nghi với đời sống trên những đỉnh núi cao, cố gắng bám trụ và tìm cách để tồn tại."

Nguyên Phong nhìn lên đỉnh núi cao, vài ba người phụ nữ trang phục sặc sỡ đang thoăn thoắt đi trên từng phiến đá lởm chởm. Đôi chân giẫm lên những đầu đá sắc nhọn như những mũi giáo, thân ảnh thoắt ẩn thoắt hiện sau những tảng đá, sau những khóm hoa cải nở vàng một màu nắng. Lòng anh không ngừng bội phục về sức bền, sức chịu đựng, sự cần mẫn và chăm chỉ của người dân bản địa.

"Tâm thấy họ rất thông minh!" Sau khi thấy vợ chồng anh A Lử đổ gùi đất vào hốc đá, sau đó cài và xếp đá thành võm khít để giữ đất, tránh xói mòn do mưa, cô đưa ra nhận xét.

"Ừm, không những họ thông minh mà tư duy cực kì logic." Nguyên Phong thán phục.

"Như thế này là tra hạt luôn hả anh A Lử?" Nguyên Phong ngồi xổm xuống xem anh ấy xếp đá giữ đất không bị trôi đi.

"Chưa đâu, ngày mai gùi phân đã ủ hoai lên đổ vào trộn đều với đất rồi mới tra hạt ngô!" Anh ấy nhiệt tình giải thích.

Nghe anh ấy nói vậy Nguyên Phong nhận ra: từng miếng bột ngô hấp mà anh ăn thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt của người dân nơi đây.

Nó khác xa các món ăn xa xỉ ở đất đô thành. Tuy bình dị mà đượm tình người xứ sở.