Thợ Sửa Giày

Chương 8: Trên ban công



Lần này Nhiếp Chấn Hoành hoàn toàn không thể lý giải nổi rốt cuộc mạch logic của Lâm Tri là thế nào.

Nhưng trong những ngày tháng về sau, anh sẽ hoặc cố ý hay vô tình dấn từng bước vào rừng cây nhỏ kỳ quái này, lang thang đó đây, cuối cùng không thể trở ra được nữa.

Anh cũng được Lâm Tri dẫn lối, dần phát hiện một phương diện kỳ diệu và đẹp đẽ khác của thế giới.

Còn giờ đây, họ mới chỉ là hai kẻ xa lạ vừa gặp gỡ đôi lần.

Cùng lắm thì chỉ có thêm quan hệ bà con khối phố.

Đúng vậy, Nhiếp Chấn Hoành không ngờ được rằng, Lâm Tri lại ở chung một tòa với anh, còn ở ngay tầng dưới.

Như đã đề cập trước đó, phần lớn dân buôn bán nhỏ quanh đây đều sống tại khu nhà của xưởng máy móc ở đằng sau con phố này. Nhiếp Chấn Hoành và vợ chồng Trương Thúy Phương kế bên cũng vậy. Chẳng qua Nhiếp Chấn Hoành ở đơn nguyên 1, nằm trên cửa hàng của họ, ngay ven đường. Còn vợ chồng Trương Thúy Phương thì ở đơn nguyên 2 khuất nẻo hơn.

Trương Thúy Phương vừa bán xong thuốc lá, lại chạy qua trò chuyện với Lâm Tri. Tán dóc một lát, thím không kìm nổi bản tính hóng hớt, hỏi thăm gia cảnh Lâm Tri thế nào. Cũng nhờ vậy, Nhiếp Chấn Hoành mới biết cậu trai trẻ này lại sống ở nhà 201 cùng tòa với anh.

“Úi chao, trùng hợp thật đấy!” Trương Thúy Phương vỗ đùi, “Chị nhớ Tiểu Nhiếp ở ngay 302 mà! Chẳng phải là ngay trên nhà cưng còn gì?”

Đôi lúc Nhiếp Chấn Hoành cũng phải bội phục trí nhớ của bà chị trung tuổi Trương Thúy Phương này.

Anh chỉ mới đề cập một lần lúc chuyển tới đây hồi mấy năm trước, vậy mà Trương Thúy Phương có thể đào nó ra khỏi đầu chỉ trong chớp mắt. Thảo nào thím toàn làu bàu nếu ngày xưa mình mà không lấy chồng, thì đã theo nghiệp sách vở đi học đại học rồi.

“Trên nhà em là nhà 301 ạ.” Mỗi tội Lâm Tri lại bắt đầu trả lời kiểu thẳng đuột.

“Ờ ờ ờ, nhà ngay trên cưng là 301.” Trương Thúy Phương không phản bác câu đốp chát của Lâm Tri, chỉ lập tức chuyển qua người quen khác, “Nhà đấy của một ông cụ về hưu, còn là chủ nhà của Tiểu Nhiếp nữa đấy!” Lâm Tri cảm thấy khó hiểu trước vẻ biết tuốt nằm lòng của thím.

“Nhưng cưng với Tiểu Nhiếp cũng có thể coi là hàng xóm nhà trên nhà dưới mà!” Trương Thúy Phương cười tủm tỉm vỗ mu bàn tay hai người, như một bà mẹ nhiều lắng lo, “Tốt quá! Hai đứa đều là lớp trẻ, về sau nhỡ có gì còn giúp đỡ nhau được!”

Nhiếp Chấn Hoành quệt mặt, rất muốn nói mình có còn trẻ trung gì nữa đâu.

Nhưng anh sợ mình vừa thốt ra câu ấy thì sẽ lại bị chị Trương càm ràm một hồi, nên quyết định ngậm mồm lại, còn phải bất đắc dĩ kết bạn WeChat với Lâm Tri trước sự đẩy đưa của Trương Thúy Phương.

Nhiếp Chấn Hoành vừa băng bó cho Lâm Tri nên hai người đứng sát cạnh nhau. Vậy nên anh có thể quan sát vô cùng rõ ràng, dưới khuôn mặt tuấn tú không có biểu cảm của Lâm Tri, ẩn giấu một tâm trạng cực kỳ miễn cưỡng.

—— Chậm chạp, rầy rà. Có lẽ cậu ta cũng thấy ngại vì chị Trương nhiệt tình quá, nên mới bất đắc dĩ móc di động ra.

Cảm giác không chỉ mình mình phải “chịu khổ” này, kỳ lạ thay, lại khiến tâm trạng của Nhiếp Chấn Hoành khá khẩm hơn ít nhiều.

Anh không khỏi nghĩ thầm, nếu đã là hàng xóm của nhau, thì lần sau cậu ngố này còn qua anh sửa giày, anh sẽ không tăng giá nữa.

*

Có điều, suy nghĩ này của Nhiếp Chấn Hoành mãi mà không có cơ hội trở thành sự thực.

Bởi vì từ hôm đó trở đi, Lâm Tri gần như không bước chân ra khỏi cửa nhà nữa.

Anh phát hiện ra bằng cách nào ấy hả?

—— Nếu một bóng dáng luôn ở trong tầm mắt đằng ấy khi đằng ấy tựa ghế uống trà phơi nắng hằng ngày, thì đằng ấy cũng chẳng lờ nó đi nổi đâu.

Khu tập thể của xưởng máy móc tuy chỉ có thang bộ, còn xây mấy chục năm rồi, bề ngoài tã tượi tả tơi, nhưng lúc mới xây xưởng cũng tốn khá nhiều tâm tư, còn xây ban công cho từng nhà.

Tòa nhà cũ không cao, chỉ có sáu tầng, mỗi tầng hai hộ, mỗi hộ có một sân phơi nhỏ bên ngoài tầm 3-4 mét vuông đặt song song với nhau, xếp thành một hàng, thoạt trông như những chiếc bánh mật ong nằm san sát ở góc phố.

Phép so sánh này đột nhiên nảy ra trong đầu Nhiếp Chấn Hoành.

Anh thoáng sửng sốt, đảo mắt qua một ban công trong số ấy, chỉ cảm thấy mình bị lây bệnh ngố tàu từ ai đó rồi.

Nhưng quả thực có hương bánh kem mật ong thoảng qua chóp mũi anh đúng lúc này, Nhiếp Chấn Hoành hơi ngạc nhiên. Anh còn chưa kịp suy nghĩ cẩn thận, thì đã nghe thấy một chất giọng ngây thơ vang lên bên cạnh mình.

“Chú Nhiếp, ăn bánh nè!”

Một bé gái bện tóc kiểu sừng dê nhào vào người anh, bàn tay nhỏ xinh còn cầm một miếng bánh màu cam vàng.



“Cảm ơn Khả Khả.”

Nhiếp Chấn Hoành cười tủm tỉm đỡ cô bé, để bé trèo lên người mình vững hơn, “Nhưng chú không đói, Khả Khả tự ăn đi nhé.”

“Khả Khả, xuống ngay!”

Một bà lão chống gậy đi theo sau bé gái, bà đập đập cây gậy, quở mắng cô bé, “Bà đã dạy con thế nào hử? Con gái con đứa là phải nết na!”

Bé gái đang bám vào người Nhiếp Chấn Hoành lè lưỡi, vội chống tay vịn ngồi dậy.

Nhiếp Chấn Hoành cười vuốt mũi bé, nói với bà cụ, “Bà Cam, không sao đâu ạ, Khả Khả hoạt bát thế này mới tốt chứ.”

“Đúng rồi đấy, bà Cam à,” Ông chủ tiệm quà vặt kế bên cũng thò đầu ra, đế theo, “Khả Khả nhà mình lanh thế này, bà đừng o ép tính cách của con trẻ ạ!”

“Ôi, mấy cái đứa này!”

Bà Cam nghiêm mặt được vài giây là phải thôi, tỏ vẻ bất đắc dĩ, “Cứ chiều nó thế, có khi Khả Khả thành bà tướng con của phố này mất!”

Vương Kim Bảo vung tay, “Bà tướng thì bà tướng ạ, càng hay, đỡ bị đứa nào bắt nạt!”

Chú ta hớn hở xé một chiếc kẹo mút xuống từ dây quà vặt treo trên vách tường, nhét vào tay bé gái, “Sau này chỉ có Khả Khả nhà mình bắt nạt đứa khác thôi, phải không nhỉ, Khả Khả?”

Bé gái ăn mặc rất giản dị, nhưng đôi mắt lại sáng ngời.

Bé liếc nhìn bà mình đầy vẻ chờ mong, thấy bà gật đầu khẽ, bé mới cầm kẹo mút, “Dạ dạ!”

“Thôi, nói chẳng nổi cái lũ da trâu chúng bay.”

Bà Cam lắc đầu, mở túi bánh kem mình đang xách ra, đưa cho Vương Kim Bảo một miếng bánh kem to bảo chú ta ăn, rồi mới nhìn về phía Nhiếp Chấn Hoành lần nữa, “Tiểu Nhiếp à, bà đi chợ sỉ mua ít vải. Bà để Khả Khả chơi trong tiệm con một lát, phiền con trông nó hộ bà nhé.”

“Vâng, bà cứ đi đi ạ.” Nhiếp Chấn Hoành nhận món quà vặt từ bé gái, gật đầu đồng ý, “Cháu trông cho, bà yên tâm.”

Những cuộc nhờ vả thế này đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần, bà Cam dặn nhiều, mà Nhiếp Chấn Hoành và Vương Kim Bảo nghe mãi cũng quen.

Vì thế bà cụ yên tâm chống gậy đi.

“Hôm nay Khả Khả không đi nhà trẻ à?”

Nhiếp Chấn Hoành duỗi tay nhấc cái ghế da nhỏ tới bên cạnh, bế cô bé qua ngồi lên đó.

“Chú ngốc thế, Khả Khả chưa khai giảng mà!”

Bé gái mới hơn 4 tuổi mà đã rất nhanh mồm rồi, bé vừa đung đưa chân gặm bánh kem, vừa trả lời Nhiếp Chấn Hoành.

“Ui, tại chú có tuổi, trí nhớ không tốt đấy.”

Nhiếp Chấn Hoành bị chê ngốc nhưng vẫn vui hơn hớn, anh vuốt bím tóc của cô bé, lại mở túi bánh bông lan hỏi bé, “Ăn nữa không?”

“Không ăn nữa ạ.” Cam Khả Khả lắc đầu, “Bà bảo, đấy là bữa sáng ngày mai. Con chỉ được ăn một tẹo vậy thôi.”

Bé vừa nói, vừa khua ngón út ước lượng cái “một tẹo”, trông vừa tủi thân lại vừa đáng yêu.

“Có sao đâu, Khả Khả đói thì cứ ăn đi,” Vương Kim Bảo ở bên cạnh nói xen vào, “Ăn hết chú Kim Bảo lại mua cho con!”

Nhà Vương Kim Bảo có một thằng con trai, từ bé đã hay nghịch ngợm gây sự, chỉ nghe lời bà mẹ Trương Thúy Phương, lúc nào cũng khiến Vương Kim Bảo khốn khổ khốn nạn. Điều ấy dẫn tới việc khi thấy cô bé Khả Khả nghe lời thế này, trái tim chú ta chợt mềm nhũn, chỉ ước chi đây mới là con vàng con bạc nhà mình.

“Cảm ơn chú Kim Bảo ạ,” Khả Khả lại lắc đầu, “Con không ăn nữa đâu.”

Bà bảo, không được tùy ý vòi đồ nọ đồ kia của các cô chú trên đường. Đấy đều là “ơn huệ” gì gì đấy, nặng nề lắm. Khả Khả còn bé, không hiểu tại sao “ơn huệ” lại “nặng nề”, nhưng bé rất nghe lời bà dạy.

Nhiếp Chấn Hoành sợ cô bé bị nghẹn bánh kem, nên đứng dậy vào phòng đun ấm nước lần nữa.

Ở gian ngoài, Vương Kim Bảo đang kể chuyện cho Cam Khả Khả, nhưng chú ta kể lắp ba lắp bắp, Nhiếp Chấn Hoành nghe mà thấy buồn cười. Trong lúc đợi nước sôi, ánh mắt anh đảo qua những miếng lót giày treo trên giá ở vách tường. Ngẫm nghĩ một hồi, anh mở ngăn kéo để tiền ra.

Nước sôi, Nhiếp Chấn Hoành xé gói sữa bột, quấy với nước ấm bưng ra ngoài.



“Khả Khả, ăn chậm chút thôi.” Anh nhét bình nước nhỏ màu hồng vào tay bé gái, “Khát thì uống nhé.”

Cái bình này là do Vương Kim Bảo tặng. Nhà bên ấy mở tiệm tạp hóa, nhập nhiều hàng. Có mấy món quà do đại lý bán sỉ tặng, họ toàn để trên quầy bán bừa bãi. Cam Khả Khả thường xuyên đến mấy cửa hàng này chơi, có lần bé phát hiện một bình nước nhỏ in hình dâu tây xuất hiện trên giá, nên không khỏi liếc thêm mấy lần.

Tuy Vương Kim Bảo khờ khạo, nhưng là dân buôn, mắt ai chả tinh như cú vọ.

Đó là quà tặng của đại lý Yakult khi nhà chú ta nhập lốc 5 chai nhỏ —— một bình Yakult cỡ lớn, có dây đeo chéo. Mấy đứa con gái thấy thì thích lắm, chú ta đã bán được mấy bình rồi.



Cửa hàng của Vương Kim Bảo tuy không lớn lắm, nhưng tọa lạ đúng chỗ phố xá sầm uất, làm ăn phát đạt, không thiếu tiền chút nào. Thêm cả nhờ cái tính hay hóng hớt ba hoa của Trương Thúy Phương, nên hàng xóm láng giềng xung quanh đều biết thân thế của Khả Khả. Chú cũng rất thương con bé, nên muốn tặng bé bình nước luôn.

Nhưng bà Cam ở đấy, cuối cùng chú ta không tặng được.

Khả Khả không dám nhận, Vương Kim Bảo quẳng phứt cho Nhiếp Chấn Hoành. Dù sao cô bé cũng hay chạy qua bên này, cứ để bé nó đến rồi dùng là được.

Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng chối từ, anh để nó trong phòng, tiện thể mua túi sữa bột pha từ quán Vương Kim Bảo, thi thoảng cho con bé thêm một bữa dặm.

“Chú Nhiếp, anh kia… đang làm gì thế ạ?”

Cô bé ngửa đầu nhấp từng ngụm sữa nhỏ, đôi mắt đen láy liếc từ tầng không xanh lam đến tòa nhà cũ trên đầu mình, tạm dừng tại một ban công.

Nhiếp Chấn Hoành nhìn theo tay bé chỉ, lại thấy bóng dáng luôn chiếm cứ tầm nhìn của anh gần đây.

“Tại sao anh ý cứ ngồi bất động ở chỗ ấy ạ?

“Tay anh ý cầm cái gì vậy?

“Cái bảng kia to quá, anh ý cũng làm nghề mộc như chú ạ?”

Cô bé liến thoắng không ngừng, tò mò tung ra rất nhiều nghi vấn.

Ba mặt sân phơi nhô ra khỏi tòa nhà cũ, người ta chỉ xây tường gạch ở mặt trước, hai mặt bên thì vây lan can sắt. Bé gái lùn xủn, chỉ nhìn thấy nửa thân trên của chủ nhà, và một bên mặt chẳng có biểu cảm gì.

Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành vẫn đang đứng, nghe vậy, anh khom lưng bế Cam Khả Khả lên, để bé nhìn được cao hơn.

“Thấy rõ chưa, tay anh ấy cầm gì nào?”

Anh không có con, nhưng cũng biết tụi con nít tuổi này rất hiếu kỳ. Phải dẫn dắt từ từ, để các bé làm quen với những cái mới.

“Cầm cọ ạ!” Cam Khả Khả đã nhận ra.

“Đúng vậy, bút cọ đấy.” Nhiếp Chấn Hoành lại nắm ngón tay cô bé, dịch về tay kia của người phía trên, “Còn tay kia anh ấy cầm gì, Khả Khả biết không?”

“Biết ạ!”

Cam Khả Khả gật đầu cực kỳ kiêu ngạo, “Là bảng, bảng…” Nói một nửa bé lại không nhớ nổi từ kia.

“Bảng pha màu.”

Nhiếp Chấn Hoành bổ sung nốt cho bé.

“Đúng rồi! Bảng pha màu!”

Trong tiết mỹ thuật, giáo viên từng dạy các bé dùng rồi!

“Vậy giờ con đã biết anh ý đang làm gì chưa?”

Nhiếp Chấn Hoành xóc cô bé, chọc ghẹo bé.

Cùng lúc đó, người đang ngồi ngẩn ngơ đối diện với bảng vẽ trên ban công dường như cũng nghe thấy cuộc đối thoại của họ.

Cậu liếc mắt nghiêng đầu, nhìn xuống dưới.