Thái Y Nhất Phẩm

Chương 114: Ngoại truyện 2. NHỮNG CHUYỆN NĂM XƯA (1)



Người thiếu niên luôn tràn trề tinh lực phát tiết không hết, trí tưởng tượng kéo dài vô tận, tựa như sông lớn đổ xuống từ trên núi, ngày đêm trôi ào ạt về những phương trời không tên.

Hắn nằm trên mái ngói của một đạo quan cũ nát, hai tay chắp sau đầu làm gối, một chân nhếch cao bắt chéo qua chân kia lúc lắc, miệng ngậm cọng cỏ xanh, lẩm bẩm: “Đến khi nào mới có thể ra ngoài phiêu bạt giang hồ nhỉ?”

Từng cụm mây trắng tinh và mềm mại giống những đám bông mới hái đang từ từ lướt qua bầu trời xanh thẳm, như thể mang theo luôn linh hồn nhỏ bé của hắn.

“Nhai tử!” Một lão đạo sĩ tóc thưa thớt thò đầu ra hô lớn, “Ăn cơm!”

“Dạ tới ngay!” Thiếu niên vừa thưa vừa tung người rơi khỏi nóc nhà cao mấy trượng, giữa không trung lật người một cái rồi nhẹ nhàng đáp xuống đất như diều hâu.

“Ui da!” Hắn mới đứng vững đã bị lão đạo sĩ hung hăng đạp cho một cái té chúi nhủi, ôm đầu đau đến mức nước mắt ứa ra.

Lão đạo sĩ mắng: “Bảo ngươi học thuộc lòng bệnh án thì ngươi ra ngoài đi lang thang! Cho ngươi chạy này, cho ngươi chạy này...”

Lão đạo sĩ trông cũng khá già thế mà chân cẳng vô cùng nhanh nhẹn, mặc dù thiếu niên tên “Nhai tử” chạy vắt giò lên cổ nhưng ông lão vẫn có thể đuổi theo sát phía sau mà đánh, thỉnh thoảng còn cầm chiếc giày tơi tả của mình đập lia lịa...

Nhớ qua thăm nhà bà còm trong wattpad. Cơm trưa là một nồi cháo rau xanh, một con thỏ hoang nướng chỗ vàng chỗ đen, một chén nhộng ve sầu rang giòn. Không khí tràn ngập hương thơm nhẹ nhàng giản dị, xen lẫn với cái nóng giữa hè đung đưa lan tỏa về phương xa.

Một già một trẻ ngồi bên bàn khò khè lùa cơm, trên trán thằng nhỏ còn nổi lên hai cục u lớn.

“Chờ Thái dương hạ xuống ngọn cây, ngươi đi cùng ta đến thành Đông một chuyến.” Lão đạo sĩ xé ra hai đùi thỏ hoang béo nhất nhét vào chén thiếu niên.

Nhai tử liếm môi nhưng vẫn dùng đũa chặn lại: “Con ăn no rồi!”

Cổ tay lão đạo sĩ đột nhiên khẽ vặn, giống như con rắn quấn quanh đôi đũa của Nhai tử, vững vàng ném hai đùi thỏ vào gọn trong chén thiếu niên, đắc ý dào dạt nói: “Thằng nhóc ngươi muốn so chiêu với ta? Há há, còn non lắm!”

Nói xong, cầm đầu thỏ gặm răng rắc.

Ngày mùa hè không chỉ người gầy ốm mà động vật cũng vậy, con thỏ này nướng trên lửa bị teo lại, chẳng còn bao nhiêu thịt.

Lão đạo sĩ gặm mấy cái, dứt khoát nhúng bộ xương thỏ vào chén cháo. Nước cháo vốn trong trẻo lập tức nổi lên váng mỡ vàng kim.

“Sư phụ, hôm nay chúng ta có thể lấy được tiền khám bệnh không?” Thiếu niên vừa nhai thịt thỏ vừa hỏi.

Động tác ăn cháo của lão đạo sĩ chựng lại, ông dùng chiếc đũa lùa vào mái đầu không còn thừa bao nhiêu tóc gãi gãi: “Có lẽ vậy.”

Xưa nay không phân biệt y và đạo, rất nhiều đạo sĩ trước khi xuất gia chính là đại phu khá có danh tiếng, lão đạo sĩ cũng không ngoại lệ. Y thuật của ông rất giỏi, phàm là người làng trên xóm dưới bị đau đầu nhức óc gì đều thích tới tìm ông.

Ngặt một nỗi phần lớn đều là gia đình nghèo khổ, lão đạo sĩ cũng sắp nghèo đến mức không có gạo ăn nhưng lại rất hào phóng, thấy gia cảnh người ta khó khăn là miễn tiền khám bệnh, thậm chí đưa tặng dược liệu.

Gặp được gia đình người bệnh có tâm, sau khi bình phục sẽ đến biếu một ít trứng gia cầm, nghèo lắm cũng chặt dùm mấy bó củi;

Nhưng hầu hết lại chẳng có tin tức gì.

Thiếu niên trơ mắt nhìn đồ đạc trong đạo quan càng ngày càng ít, khe nứt trên tường càng lúc càng lớn...

Nếu không nhờ hai thầy trò thường xuyên vào núi săn chút món ăn hoang dã, bán chút da lông, hiện giờ chẳng biết đói chết từ lúc nào rồi.

Thiếu niên trợn trắng mắt: “Ngài còn nói như vậy... Ngài xem ngôi chùa hòa thượng kia kìa, chỉ cách chúng ta một ngọn núi, cả chùa lớn nhỏ đều được nuôi phát phì...”

Những hòa thượng kia mỗi ngày xuống núi, đi khắp hang cùng ngõ hẻm tuyên truyền Phật pháp gì đó, còn kiêm xem tướng xem quẻ cho người ta, thật sự rạng rỡ! Ngày lễ ngày tết còn có vô số thiện nam tín nữ khách hành hương đến chùa cúng tiền dầu mè, quả thực giàu đến chảy mỡ.

Lão đạo sĩ nghiêm mặt nói: “Đạo môn chúng ta tôn sùng Trang Tử, tin hay không tùy thích, thật sự làm không được loại chuyện chèo kéo người ta thế kia.”

Thiếu niên cắn đũa hỏi: “Con nghe nói đạo môn chúng ta còn có phù chú, pháp thuật, và cả luyện đan nữa... Sư phụ biết mấy thứ đó không?”

Lão đạo sĩ đứng bật dậy đi thẳng vào trong, vừa đi vừa lẩm bẩm,: “Quên bỏ muối vào rồi.”

Thiếu niên cứng họng, bưng chén đuổi theo phía sau: “Rốt cuộc sư phụ có biết hay không?”

“Người thuận Đất, Đất thuận Trời, Trời thuận Đạo, Đạo thuận Tự nhiên, vấn đề này...”

“Sư phụ không biết chứ gì?”

“Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật... Vạn vật nói ngươi đúng là thiếu đánh!”

“Úi daaaaa!”

Tiếng hét thảm thiết của thiếu niên vang vọng khắp núi rừng, khiến cả đàn chim giật mình bay tứ tung.

(Hai câu trên đều là lời dạy của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh)

Vầng thái dương đã lặn về phía Tây, nhưng mặt đất bị nướng hơn nửa ngày vẫn bốc hơi nóng cuồn cuộn. Xa xa nhìn lại trông như bầu không khí bị cong vẹo.

Hai thầy trò vác hòm thuốc cũ nát, chống gậy gỗ xuống núi, đi bộ về hướng thôn xóm cách đó hơn mười dặm.

Vùng này nhiều núi, mùa màng thu hoạch không tốt, rất nhiều thôn dân kết bạn ra ngoài trấn trên đào than đá. Lâu dần, hầu hết bọn họ đều bị ho lao.

Nếu được chữa trị kịp thời thì có thể sẽ ổn, nhưng hầu hết người nghèo đều phải trả giá bằng mạng sống của mình, nếu không kiếm đủ tiền thì làm sao họ có thể sẵn sàng chi trả tiền thuốc thang?

Cho nên một khi ai đó bị nhân viên tạp vụ cáng về nhà, cơ bản chính là chờ chết.

Hôm nay hai thầy trò sẽ đi khám một bệnh nhân như vậy.

Hắn được cáng về cách đây hai tháng, vừa ho vừa thở khò khè, mặt không còn chút máu, nằm trên giường đất trông giống một ống thổi màu vàng sáp có lỗ thủng.

Lão đạo sĩ bắt mạch, nói khẽ với Nhai tử: “Độc đã thấm sâu vào phế phủ.”

Ngay cả đờm đẫm máu của bệnh nhân cũng chứa đầy vụn than đen tuyền, không thể chữa khỏi.

Nhai tử chỉ thở dài.

Hắn vốn không phải loại người ý chí sắt đá, nhưng theo sư phụ đi khắp nơi hành nghề y lâu rồi, thấy quá nhiều nên bỗng dưng trở thành thói quen.

Người bệnh biết mình sống không lâu, nhưng chẳng những không giận chó đánh mèo, thậm chí còn thực áy náy.

“Thật là, thật là... phiền ngài đi một chuyến tay không...”

Anh ta giơ cánh tay khô gầy, chỉ chỉ vào vợ con đang rúc vào trong góc. Người vợ cũng gầy khô đờ đẫn đi vào phòng trong, không bao lâu dùng hai tay nâng một khăn tay vải bố vá chồng vá đụp đi ra.

“Trong nhà thật sự không còn gì có thể dùng được, chỉ còn bốn cái trứng gà, có lẽ, có lẽ có thể ấp ra...”

Gương mặt phong sương khắc khổ của người vợ đỏ bừng, bởi vì quá mức hổ thẹn mà không dám nhìn thẳng vào mắt hai thầy trò.

Chuyến xuống núi này Nhai tử thật mong kiếm được chút tiền khám bệnh.

Áo choàng sư phụ đã rách nát, nên vá lại;

Sư phụ thích uống rượu, nhưng hồ lô đã lâu không còn giọt rượu nào...

Ấy mà giờ khắc này, hắn cảm thấy mấy quả trứng gà nóng phỏng tay, gần như hoảng sợ nhìn phía lão đạo sĩ.

Lão đạo sĩ chợt sửa lại sự hào phóng thường ngày: “Nhận lấy đi.”

Đôi vợ chồng đồng loạt thở phào nhẹ nhõm, giống như được dỡ xuống gánh nặng còng lưng, cuối cùng cũng có thể thở được.

Trên đường trở về, đôi tay Nhai tử nâng niu mấy quả trứng gà, như đi vào cõi thần tiên.

Ra đến cửa thôn, chợt thấy trước mặt vài người khiêng cáng chạy tới, máu đỏ chảy dọc theo cáng rơi tí tách một đường.

“Đại phu!”

“Cứu mạng!”

Lại là một người từ mỏ than khiêng ra, mới hai mươi tuổi, năm trước vừa thành thân, đầu năm sinh bé con. Hắn chỉ muốn cho vợ con sống tốt một chút nên cắn răng đi đào than đá, kết quả mỏ than sụp, chân hắn không còn.

Chàng trai trẻ đã ngất đi và tỉnh lại nhiều lần vì đau đớn, trong mắt không còn chút ánh sáng nào, chỉ lặp đi lặp lại một câu:

“Chân tôi đâu?”

Trái tim Nhai tử thít chặt đến phát đau, cố nén tức giận chụp tay người bạn đưa về hỏi: “Cứ vậy mà trở lại sao?”

Xảy ra chuyện lớn như vậy, quặng chủ đều mặc kệ à?

Từng gương mặt dính đầy vụn than đá và vết máu tràn đầy nỗi bất lực xen lẫn đau buồn và tức giận.

Quặng chủ kia đã hối lộ Tri huyện vùng này từ lâu, trong nhà nuôi một đám hộ vệ cường tráng, làm sao bọn họ đấu lại?

Nhai tử siết nắm tay mạnh đến mức kêu răng rắc.

Hắn chưa bao giờ ý thức được rõ ràng như bây giờ: Thật ra giang hồ đang ở ngay xung quanh mình.

Hắn muốn ôm vào người chuyện bất công của thiên hạ.

Vì thế ban đêm cùng ngày, hắn lén xuống núi, chạy về hướng huyện thành mà không thèm quay đầu lại.

Không ngờ hắn mới vừa đi, bên ngoài đạo quan xuất hiện một bóng dáng, trên đầu là búi tóc thật nhỏ, khẽ thở dài.

Huyện thành rất xa, cũng rất lớn, Nhai tử nín thở chạy như điên lao tới đó, nhưng bị lóa mắt bởi dòng ngựa xe như nước phía trước.

So với đạo quan cũ nát chỉ có chính mình và sư phụ, so với thôn xóm gồm những gia đình nghèo khổ chỉ có bốn bức tường trần trụi, nơi này phồn hoa phú quý đến mức hắn căn bản không dám tin vào mắt mình.

Vì sao trong cùng một mảnh thiên địa, có người bệnh chỉ đành chờ chết, trong khi lại có người mặc lăng la tơ lụa?

Hắn không hiểu lắm.

Nhai tử bình tĩnh lại, đang định tìm người hỏi huyện nha ở nơi nào thì bị kéo vào cánh rừng ven đường.

Hắn theo bản năng vung chân ra quyền, bỗng nhận được một cái tát nóng hổi vào mặt, nhìn kỹ lại: "Sư phụ?"

Lão đạo sĩ nhìn hắn bằng ánh mắt phức tạp, tựa như tức giận, nhưng hình như có vẻ vui mừng, không nói một lời nào.

Nhai tử bị nhìn đến chột dạ, nhưng tấm lòng nhiệt huyết của thiếu niên chiếm thế thượng phong, gân cổ nói: “Một người làm một người chịu, hôm nay con sẽ đi giết tên cẩu quan kia, lại bắt gã quặng chủ lòng dạ hiểm độc...”

Lời còn chưa dứt, lại ăn thêm một cái tát.

Lão đạo sĩ nghiến răng nghiến lợi mắng: “Đánh rắm! Chúng ta là thầy trò, ngươi làm hay ông đây làm có gì khác nhau!”

Nhai tử bị đánh ngốc.

Lão đạo sĩ nặng nề thở dài, thân hình luôn hơi còng bỗng thẳng lên, trong mắt đột nhiên xuất hiện một tia sáng hiếm hoi, giống một quả cầu lửa nổ tung trong đêm sâu, chợt sáng rực rỡ khiến người run rẩy vì kinh sợ.

Trông ông lão như trở lại thời hai mươi tuổi!