Sổ Tay Người Vợ Có Chồng "7 Năm Ngứa"

Chương 69: Ngoại truyện về Trình Nam (5) Những người không thể thuộc về nhau



Thiệu Húc Khanh nhìn ly rượu trên quầy bar đang được người pha chế tên Lâm Mặc châm đầy. Đây đã là ly thứ mười, nhưng cảm giác say lại chưa hề chạm đến đầu óc của anh ta. Bình thường Thiệu Húc Khanh rất tự hào với khả năng nghìn ly không say của mình, nhưng lúc này đây anh ta lại thấy khả năng ấy như đang tra tấn bản thân vậy.

Anh ta cần được chất cồn làm tê dại tâm thần để khỏi nhớ đến khung cảnh chói mắt vừa được chứng kiến ban trưa. Cô gái ấy rốt cuộc cũng bị người khác nhìn thấy những ưu điểm và vẻ đẹp rạng ngời che giấu bên trong lớp vỏ bọc lãnh đạm thường thấy. Thiệu Húc Khanh không biết mình nên vui cho cô hay là nên buồn cho bản thân anh.

Một bàn tay thon dài với làn da bánh mật khỏe mạnh rút ly rượu ra khỏi tay Thiệu Húc Khanh. Có người ngồi xuống bên cạnh anh ta, cầm lấy ly rượu rồi uống một hơi cạn sạch.

- Cần gì phải khổ sở vậy chứ? Chẳng phải cậu vẫn thường nói chỉ có kẻ yếu đuối mới cần mua say để làm cho bản thân mình bớt khổ đau, bớt nuối tiếc hay sao?

Thiệu Húc Khanh nhìn anh cười chua chát:

- Nói thì dễ dàng lắm, nhưng đợi đến khi bản thân mình trải qua mới biết mọi lý thuyết chỉ là lý thuyết suông mà thôi.Tôi đánh giá cao chính bản thân mình quá rồi!



Tần Tranh trầm ngâm, chuyện của Thiệu Húc Khanh anh là người chứng kiến từ bao nhiêu năm nay. Mẹ ruột của Thiệu Húc Khanh và Thiệu Minh Hạnh chỉ là em gái họ của ba Tần, lẽ ra mối quan hệ giữa anh và anh ta cũng không phải gần gũi, nhưng bởi vì cùng trang lứa nên từ nhỏ họ đã rất thân thiết.

Bà Tần Thời An chia tay ông Thiệu được một thời gian dài rồi thì ông ấy mới đi bước nữa với mối tình đầu là mẹ của Trần Tư Mỹ, lúc đó đã ở góa được vài năm. Mỗi người đều có con cái riêng lại đang tuổi chưa lớn khôn nên cuộc hôn nhân nhìn như bình lặng này cũng không ít sóng gió, chủ yếu đến từ hai anh em nhà họ Thiệu.

Thời điểm đó Thiệu Húc Khanh chỉ mới hơn chín tuổi. Ba mẹ đột ngột ly hôn và Tần Thời An giao cả hai con lại cho ông Thiệu rồi biệt tăm tích, cậu bé Thiệu Húc Khanh chỉ biết ôm lấy em gái nuốt nước mắt trong bàng hoàng. Một năm rưỡi sau, ông Thiệu đưa một người phụ nữ khác về, giới thiệu vợ mới của ông ấy.

Người phụ nữ kia là một người phụ nữ nhu nhược và luôn muốn lấy lòng hai anh em họ. Bà ấy còn mang theo một đứa con gái năm tuổi nhưng còn bé xíu. Đứa trẻ ấy khi đến nhà họ Thiệu vẫn là một đứa trẻ hoạt bát và hay cười, Thiệu Húc Khanh và em gái lại không thích điều đó.

Cớ gì hai anh em chúng phải chịu cảnh gia đình ly tán rồi phải chấp nhận một người phụ nữ khác chiếm lấy địa vị bà chủ gia đình của mẹ chúng?

Thiệu Minh Hạnh không thèm che giấu địch ý đối với đứa bé đó, luôn bày ra mọi trò trêu chọc ác ý để hành hạ nó. Thiệu Húc Khanh thì không như vậy, nhưng cậu ta lại dùng thái độ lạnh lẽo lẫn khinh thường để đối xử với cô em gái ngang xương này, như có như không ngày ngày nhắc nhở nó chỉ là một người ngoài.

Dần dà, từ một cô bé xinh xắn hoạt bát muốn hòa nhập vào gia đình mới, Trần Tư Mỹ thu lại nụ cười và sự tinh nghịch vốn có của mình không còn muốn tiếp cận hai anh em nữa, vẫn im lặng chịu đựng mọi trò tai quái của Thiệu Minh Hạnh.

Thế nhưng cô ấy càng nhẫn nhịn lại càng đưa đến sự ghen ghét lẫn đố kỵ của Thiệu Minh Hạnh nhiều hơn, Thiệu Húc Khanh cũng thờ ơ đứng ngoài nhìn mà không có ý định ngăn cản.



Trần Tư Mỹ bắt đầu đi học nội trú. Điều này khiến Thiệu Minh Hạnh rất hài lòng với sự thức thời của mẹ kế, thái độ đối bà ấy ngày một tốt hơn, mẹ kế vì thế mà cũng càng chăm sóc cưng chiều cô con gái của chồng hơn, kèm theo đó là sự sao lãng dành cho đứa con gái ruột thịt của mình.

Thiệu Húc Khanh nhiều lần nhìn thật vẻ cô đơn lẫn chua xót trong mắt cô bé kia khi nhìn mẹ ruột chăm bẵm từng ly từng tí cho một đứa bé khác. Có thể không khổ sở sao? Bản thân vẫn có mẹ mà phải khao khát sự chăm sóc của mẹ dành cho mình, Thiệu Minh Hạnh tính đòn này quả thật có tính sát thương rất mạnh.

Thời gian trôi qua, cô bé lặng câm ngày nào dần dà trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp, Thiệu Húc Khanh đôi lần giật mình khi gặp cô lên xuống cầu thang, môi đỏ mở khép chào anh một cách lạnh nhạt và ngắn gọn:

- Anh Thiệu!

Đã hơn mười năm kể từ lần đầu tiên cô bé con gọi anh một tiếng "Anh Hai!" lại bị anh đáp trả một cách lạnh lùng:

- Không được gọi, bây giờ vậy sau này cũng vậy. Mày họ Trần, không phải họ Thiệu. Nhớ lấy!

Bóng nước xôn xao trong đôi mắt tròn lay láy ấy khiến đáy lòng cậu bé Thiệu Húc Khanh có một chút hối hận, nhưng nó nhanh chóng bị nhấn chìm khi cậu nghĩ đến những giọt nước mắt của em gái. Ngày ấy Thiệu Húc Khanh vẫn tin rằng cuộc hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ là do mẹ của đứa bé kia, vì thế anh giận lây sang nó.

Đáng tiếc, khi anh đủ chín chắn để hiểu ra tất cả, hiểu ra là do mẹ anh vứt bỏ hai đứa con chạy theo tình cũ thì đã muộn. Đứa trẻ kia đã không cho anh cơ hội bù đắp, cô bé đã dựng lên một bức tường cao diệu vợi với tất cả mọi người trong nhà, bao gồm cả mẹ ruột của cô...

- Sao cậu không nói rõ năm xưa chính là cậu gọi tôi đến cứu cô ấy khỏi bị làm hại. Biết đâu...

Thiệu Húc Khanh ngắt lời anh:

- Không cần. Vĩnh viễn đừng để cô ấy biết.

Uống một hớp rượu cay đắng, Thiệu Húc Khanh nhìn ánh sáng lấp lóa tỏa ra từ đường vân ly thủy tinh, trong mắt như nổi lên một tầng sương mỏng.

- Cô ấy đã tìm được người cho cô ấy bờ vai nương tựa và sự trân trọng. Để cô ấy yên đi! Cho dù cô ấy có biết cũng chẳng thay đổi được gì. Chúng tôi... vĩnh viễn là những người không thể thuộc về nhau.