Phúc Nữ Nhà Nông

Chương 144: Thư



Cả thôn ai nấy đều rộn ràng náo nhiệt như ăn tết, bọn trẻ thì đặc biệt phấn khích, mấy người lớn cũng rất vui vẻ, tuy rằng sau khi ăn tối trưởng thôn đã gọi đám đàn ông đi nói chuyện, tỏ vẻ sầu lo với việc đê điều ở thượng du.

Nhưng bây giờ là cuối thu, mùa sông lũ định kỳ đã qua, ngay cả đê sông bị vỡ thì bọn họ ở hạ du cũng không gặp nguy hiểm, mọi người đều là thôn dân bình thường, tất nhiên không thể bàn bạc ra kết quả gì, nhiều nhất chỉ báo cho lí trưởng một tiếng là coi như xong.

Nhà nào cũng không mất tiền mua mà được một đống cá lớn cá nhỏ, vui vẻ vô cùng, sáng sớm hôm sau trong thôn liền tỏa ra toàn mùi cá.

Không còn cách nào, cá rời sông thì không sống được lâu, cho nên vẫn phải xử lý thôi, cá chết lại không ăn được, hơn nữa cũng không để dành được.

Sáng sớm bọn Chu đại lang đã dậy, thay nước cho thùng gỗ, sau đó bắt từ lu lên một đám cá trông tinh thần nhất, định vận chuyển đến huyện thành để bán. Truyện Mỹ Thực

Tuy rằng chỗ của bọn họ có một con sông, nhưng dù sao cũng là vùng núi, bình thường rất ít khi có thể nhìn thấy cá to, Chu nhị lang đoán rằng hẳn là sẽ không quá khó bán, quan trọng là phải nhanh chân hơn người khác.

Chu tứ lang và Chu ngũ lang vẫn muốn lên huyện thành bán gừng như trước, mang theo cả thư và cá nhỏ chiên dầu của Mãn Bảo, Chu ngũ lang còn mang theo một bọc kẹo, định bán cho Phó nhị tiểu thư, tăng thêm một ít thu nhập.

Trẻ con trong trường học vô tư không lo nghĩ, sau khi tan học còn muốn đến bờ sông đi vớt cá thêm lần nữa, Trang tiên sinh thì vừa quát to bọn họ, vừa sầu lo nhìn mặt nước sông đã lặng xuống.

Có thể thấy được, mực nước bây giờ đã cao hơn trước kia rất nhiều, vốn dĩ bởi vì cuối thu, do lượng nước mưa giảm bớt, mực nước đã hạ xuống, để lộ ra rất nhiều cỏ nước, nhưng bây giờ mấy đỉnh ngọn của đám cỏ nước đều đã bị nước bao phủ.

Trang tiên sinh thở dài một hơi, cũng không biết nha huyện định tu sửa đê đập trên thượng du thế nào, nếu ông nhớ không lầm, lần tu sửa đê đập trước đó còn chưa được năm năm đi?

Phó nhị tiểu thư cũng không phải là lần đầu tiên nhận được lễ vật của Mãn Bảo, nhưng nhận được món ăn vẫn là lần đầu tiên.

Hương vị của cá khô nhỏ lúc lạnh không được ngon lắm, Phó nhị tiểu thư dùng khăn nhón lấy một con cẩn thận cắn một miếng, sau khi nhai xong thì cảm thấy cũng không tệ, liền giao hộp cho nha hoàn, bảo nàng hâm nóng dựa theo cách mà Mãn Bảo nói trên giấy, chiên lại một lần dầu.

Lúc này Phó nhị tiểu thư mới mở thư của Mãn Bảo ra xem.

Trên thư, Mãn Bảo miêu tả kỹ càng cảnh tượng vớt cá náo nhiệt ngày hôm qua một lần, cũng viết ra nguyện vọng với đê đập vùng thượng du, Phó nhị tiểu thư đọc say sưa, thấy vô cùng hâm mộ.

Lúc giữa trưa Phó huyện lệnh từ nha môn về hậu viện dùng cơm, Phó nhị tiểu thư vì biểu hiện lòng hiếu thảo của mình, cố ý lấy ra một nửa cá khô nhỏ, bảo người để lên bàn cơm.

Nàng cảm thấy cá khô nhỏ sau khi làm nóng lại thì giòn giòn rụm rụm, thật sự ăn rất ngon.

Phó huyện lệnh cũng cảm thấy khá ngon, ăn liên tiếp vài miếng, cười với thê tử: "Cá này không tệ, là món ăn mới nghĩ ra à?"

Phó phu nhân nhìn thoáng qua rồi nói: "Cái này không phải là do phòng bếp làm, là Văn Vân đưa đến phòng bếp, còn không biết là làm như thế nào đấy?"

"Hửm?" Phó huyện lệnh nhìn về phía con gái, cười hỏi, "Đây là mua ở cửa hàng nào?"

Phó Văn Vân thấy phụ thân thích, cũng có chút vui mừng, giải thích nói: "Không phải mua ạ, là bạn con tặng."

Phó Văn Huyên ngồi bên cạnh cười, "Có phải là cô gái nhỏ bán kẹo kia không? Không phải là nàng định bán cá nhỏ này cho muội, cho nên mới đưa một ít cho muội nếm thử trước đấy chứ?"

Phó Văn Vân không thích ngữ khí đại tỷ nhắc tới Mãn Bảo, nói: "Mãn Bảo không phải là người như vậy, cá này là ngày hôm qua nhà bọn họ xuống sông vớt lên, cũng chẳng được bao nhiêu, trên thư cũng nói là chỉ đưa tới cho muội nếm thử chút mới mẻ mà thôi, sau này chưa chắc đã có."

Phó huyện lệnh cũng không cảm thấy hứng thú với tình trạng giao thiệp bạn bè của con gái, thuận miệng hỏi một câu, "Nhà bọn họ kiếm sống bằng nghề đánh cá à? Đánh cá béo bở, nếu có cá ngon thì bảo nàng mang đến nhà chúng ta cũng được, mất bao nhiêu tiền thì trả bấy nhiêu."

"Không phải ạ, nhà họ là hộ nông dân, chỉ là bọn họ may mắn, hôm qua đê đập trên thượng du của bọn họ bị vỡ, rất nhiều cá vọt xuống dưới, lúc này nhà bọn họ mới có thể vớt được nhiều cá như vậy."

Phó huyện lệnh vừa ăn một miếng cơm lập tức bị nghẹn lại, không kìm được ho khan kịch liệt.

Người trên bàn cơm giật nảy mình, Phó phu nhân vội vàng đi vỗ lưng hắn, "Lão gia, người làm sao vậy?"

Phó huyện lệnh bị mắc nghẹn ở yết hầu, ho đến nỗi hai mắt đều phiếm đỏ, Phó Văn Huyên vội vàng rót một chén nước cho phụ thân.

Phó huyện lệnh nhận lấy nước, ho kịch liệt một trận, sau khi xuôi ngực liền bắt lấy tay của Phó Văn Vân, đỏ mắt hỏi, "Con, con, vừa rồi con nói cái gì?"

Phó Văn Vân cũng mới mười tuổi mà thôi, bị dọa sợ không nhẹ, ngồi cứng ngắc tại chỗ lắp bắp hỏi lại, "Con, con có nói cái gì đâu?"

"Không, không đúng, vừa rồi con nói nhà bọn họ vớt cá ở đâu?"

"Sông, dưới sông ạ......" Trong mắt Phó Văn Vân ngấn lệ, Phó phu nhân không kìm được kêu một tiếng, "Lão gia, người làm sao vậy?"

"Sao dưới sông lại có cá chứ?"

"Ai da, dưới sông không có cá, vậy cá ở đâu?" Phó phu nhân không nhịn được nói.

Phó Văn Vân lại đột nhiên tỉnh ra, nói: "Bọn họ nói là đê đập trên thượng du bị vỡ, rất nhiều nước sông đều tràn xuống dưới, làm cá cũng bơi xuống theo."

Phó huyện lệnh hỏi, "Bọn họ ở thôn nào?"

"Con nhớ rõ nàng đã nói rồi, gọi là thôn Thất Lí."

"Thôn Thất Lí, thôn Thất Lí...... Đó không phải là ở trấn Bạch Mã Quan sao?" Phó huyện lệnh lẩm bẩm, vội vàng hỏi, "Thư nàng đâu, có nói rằng có ai thương vong, ruộng tốt có bị bao phủ......"

Cuối cùng Phó Văn Vân đưa thư của Mãn Bảo cho cha nàng.

Vài tờ giấy rất dày, chữ của Mãn Bảo nhìn qua đã có hiệu quả, ít nhất là có thể đọc được, tuy rằng trong mắt Phó huyện lệnh thì mấy chữ này vẫn rất non nớt, nhưng lúc này hắn không còn tâm tình đi thưởng thức nữa.

Hắn nhanh như gió đọc lướt hết thư, đối với mấy lời miêu tả thú vui đồng quê hắn không có hứng thú, nhanh chóng quét xuống dưới, phát hiện cả bốn tờ giấy chỉ có hai lần nhắc tới việc đê đập trên thượng du bị vỡ, một lần là lúc miêu tả bắt cá, tỏ rõ vì sao trong thôn của bọn họ lại xuất hiện nhiều cá như vậy, một lần còn lại là ở cuối thư, đứa bé này đưa ra một cái nguyện vọng, hy vọng ngày mai đê ở thượng du lại bị vỡ thêm một lần, tốt nhất là ngày nào cũng vỡ, như vậy ngày nào bọn họ cũng có thể thả lưới bắt cá ăn.

Phó huyện lệnh:......

Thật đúng là, con nít ranh từ đâu tới đây.

Cuối cùng Phó huyện lệnh gấp thư lại, trực tiếp đi lên nha huyện đằng trước, lúc ban đêm Phó huyện lệnh cũng không về nhà, nghe nói là đi xuống nông thôn.

Mãn Bảo hoàn toàn không biết gì về việc này, đang ngủ ngon lành trong tiếng côn trùng kêu rả rích, ngày hôm sau bò dậy còn duỗi eo nhỏ lười biếng, buổi sáng hôm nay bé lại có thể ăn cá nhỏ chiên dầu rồi.

Mãn Bảo vui vẻ rửa mặt và tay xong, ngoan ngoãn ngồi bên bàn chờ bữa sáng.

Kết quả bữa sáng vừa mới bưng tới, bên ngoài liền vang lên tiếng gõ chiêng, Mãn Bảo nhảy dựng lên định chạy ra bên ngoài, muốn đi xem trò hay, kết quả bị tiểu Tiền thị nhanh tay lẹ mắt bắt lấy, "Đi đâu, ăn sáng nhanh còn đi học."

Mãn Bảo chỉ vào bên ngoài nói: "Bên ngoài đang gõ chiêng."

"Đó là trưởng thôn đang gọi đàn ông đến họp, không liên quan đến muội, mau ăn sáng đi còn đi học."

Mãn Bảo có chút tiếc nuối cúi đầu, trong chốc lát lại ngẩng đầu lên hỏi, "Đại tẩu, có phải là đê ở thượng du lại bị vỡ, trưởng thôn ca ca gọi mọi người đi bắt cá không?"

Tiền thị ê răng, tuổi của trưởng thôn không kém cha chồng nàng bao nhiêu, chỉ là bối phận nhỏ hơn chút thôi, Mãn Bảo có thể đừng gọi ông ấy là ca ca không?

Được rồi, tuy rằng đúng là bé hẳn là có thể gọi ca ca.