Phạm Ca

Chương 4: Người vợ (1)



Dịch: Duẩn Duẩn

Cô ngồi im lặng trong bóng tối, ánh sáng nhạt nhòa hắt lên chiếc hộp giấy hình vuông trên tay qua khe hở của rèm cửa sổ. Dưới chiếc hộp là chiếc thảm lông dê, ngồi lên có cảm giác vô cùng thoải mái.

Cô không biết mình đã ngồi ở đây bao lâu. Dường như vừa mới ngồi xuống đã không sao rời mắt khỏi chiếc hộp được nữa. Bên trong chiếc hộp là một bộ ghép hình. Hôm nay lúc đi ngang qua thư viện, cô có nhìn thấy mấy đứa trẻ đang ngồi chơi ghép hình, thế là bèn đứng lại nhìn các bạn nhỏ một lát, sau khi rời khỏi thư viện thì trên tay đã có thêm một bộ đồ chơi.

Đây không phải là lần đầu tiên cô mua bộ đồ chơi này.

Bộ đầu tiên cô mua là một bộ gấu trúc. Chú gấu trúc ấy trông rất dễ thương, nhưng tiếc thay cô còn chưa kịp ghép xong hoàn chỉnh khuôn mặt vui vẻ của chú gấu, chỉ mới ghép được lỗ tai của chú thì đã bị chồng cô cầm đi mất. Lúc ấy, anh rất dịu dàng bảo rằng: Phạm Ca, bây giờ em không còn thích hợp chơi trò này nữa rồi.

Khi ấy, họ vừa mới đến Thanh Đảo được nửa năm, cách ngày cô xảy ra tai nạn xe đúng một năm.

Một năm sau, cô lại lén lút "khuôn" về nhà một bộ ghép hình sơn thủy. Hôm đó là thứ Hai, bình thường là ngày chồng cô bận rộn nhất. Anh vừa mới bước chân ra khỏi cửa, cô bèn nổi hứng lôi bộ ghép hình ra. Ai biết đang chơi tới giữa chừng thì chồng cô đột nhiên lại quay về, nhìn thấy bộ ghép hình sơn thủy của cô cũng không tỏ vẻ khó chịu gì, ngược lại trông có vẻ hứng thú. Anh vén ống tay áo lên, tháo cà vạt ra, rồi ngồi xuống tiếp tục ghép thay cô.

Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, chồng cô đã xử lý xong xuôi mấy chục ngàn mảnh ghép, trả chúng về đúng với vị trí ban đầu, hoàn thành xong bức tranh sơn thủy rực rỡ tráng lệ. Nghe nói tốc độ sắp xếp nhanh thế này tương đương với kỷ lục Guinness, còn cô thì cũng không bất ngờ lắm với thành tích lắp ghép của anh.

Chồng cô là một người vô cùng ưu tú, chính xác là kiểu ưu tú về mọi mặt. Mọi người đều xem anh là người đàn ông 360 độ không góc chết, bất luận là cả về tướng mạo hay tài năng.

Hôm đó, sau khi ghép xong bộ xếp hình, trông anh có vẻ rất mệt mỏi, anh vuốt ve mặt cô rồi nhẹ nhàng khuyên bảo: "Sau này em đừng chơi trò này nữa nhé, mệt lắm."

Qua ngày hôm sau, bức tranh sơn thủy kia đã biến mất không dấu vết, cô không muốn hỏi tại sao, còn anh cũng chẳng thiết giải thích.

Khi đó là thời điểm một năm về trước, cũng là khoảng thời gian cuối thu.

Đảo mắt một cái, một năm đã trôi qua, cách ngày cô xảy ra tai nạn xe đã đầy ba năm rồi.

Mọi người thường hay nói, mỗi khi tiết trời vào cuối thu, chỉ cần nhìn hình ảnh lá vàng rơi đầy đất, hay ánh mặt trời vàng hanh hao, se sẽ vương đầy kí ức xưa cũ mèm cuối tháng Chín, tựa như kết cục đầy tiếc nuối của chuyện tình hoa đồ mi (1), cũng sẽ dễ khiến con người ta rơi vào hoài niệm về một điều gì đó. Bồi hồi nhớ lại những chuyện xưa, về một người bạn cũ, một quyển sách hay, một bãi biển xanh, một phong cảnh đẹp, một bộ phim cảm động, một điệu nhạc da diết, một lần gặp gỡ tình cờ, hay chỉ là một đoạn đường gian khó trong cuộc đời...

Thế nhưng, khoảnh khắc ấy, bản thân cô như rơi vào một hố sâu chất đầy nỗi hoang mang cay đắng. Bởi cô thật sự không nhớ nổi bất kì chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ, cũng không có một ấn tượng sâu sắc hay hời hợt gì về một người hay câu chuyện nào đó liên quan đến họ.

Có người nói ghép hình là một trò chơi giúp người ta ghi nhớ rất tốt, vậy nên trong lòng cô luôn ấp ủ một suy nghĩ, nếu chơi thật tốt trò chơi này, phải chăng cô sẽ nhớ lại được gì đó.

Ít nhất thì cũng phải nhớ ra được chồng của mình chứ. Cô có thể quên hết những kí ức tuổi thơ, quên hết những kí ức khi trưởng thành, nhưng tuyệt đối phải nhớ được chồng mình là ai.

Mà người đàn ông ấy đã kiên trì ở bên cạnh cô suốt ba năm trời không rời không bỏ (2).

Cô tên là Phạm Ca, là một bệnh nhân mất trí nhớ. Mất trí nhớ trong tiếng Hy Lạp là Amnesia, là sự giảm hụt đột ngột trí nhớ gây ra bởi tổn thương não bộ, bệnh tật hoặc chấn thương tâm lý. Mà phần lớn nhân tố gây bệnh đều xuất phát từ bên ngoài, và thường thấy nhất là do não bộ của nạn nhân bị một ngoại lực tác động mạnh vào. Và cô là một trong những nạn nhân mắc phải trường hợp đó.

Tai nạn xe ba năm trước không chỉ để lại trên đầu gối cô mấy chiếc đinh thép mà còn khiến cô mất đi toàn bộ trí nhớ.

Phạm Ca từ từ hồi tưởng lại thời điểm mình tỉnh dậy, tri giác hồi phục đầu tiên là đôi mắt, song thứ mà cô nhìn thấy cũng chỉ là một mảng trắng xóa, nó lan tới tận tâm hồn và để lại ở đó một khoảng mông lung mờ mịt. Người đàn ông trẻ tuổi trong phông nền trắng toát ấy bỗng giơ tay lên vuốt ve khuôn mặt cô, gọi cô một tiếng "Phạm Ca" bằng chất giọng trầm khàn.

Lúc đó, cô chỉ có thể dùng từ thuận mắt để hình dung người đàn ông ấy. Dựa theo thưởng thức bản năng, cô cho rằng người đàn ông ấy chắc hẳn rất ưa nhìn. Mỗi người trên thế giới này đều có một gu thẩm mỹ riêng, một khi nhìn trúng cái đẹp nào đó sẽ không nhịn được mà nhìn lâu thêm chút, và cái muốn dừng mà không dừng được ấy được người ta định nghĩa là thuận mắt.

Sau này, Phạm Ca mới hiểu, thật ra thuận mắt là từ để hình dung về một người mà người ấy quá mức khôi ngô tuấn tú, xinh đẹp tao nhã và tài trí hơn người mà thôi.

Với một người chồng mẫu mực như vậy, mọi người đều bằng lòng tặng anh những lời khen có cánh, và anh hoàn toàn xứng đáng với bất kỳ ngôn từ đẹp đẽ trên đời.

Đúng thế, anh là chồng cô, người đàn ông thuận mắt đó chính là chồng của cô.

Khi ấy, trong đầu cô thật sự không có tí kí ức nào về anh, thế nên đành nhìn anh hỏi nhẹ: "Anh là ai?"

Cho dù người đàn ông đó có thuận mắt đến nhường nào thì trong phút chốc cô vẫn thấy được khuôn mặt anh nhuốm đầy vẻ hoảng hốt, phải chăng đó cũng là một loại bản năng mà mỗi người khi đối mặt với sợ hãi đều sẽ bộc lộ ra.

Giống như những chiếc lưỡi rắn thè ra từ trong khu rừng rậm âm u, khiến cho đám da gà da vịt của bạn không tự chủ được mà dựng hết cả lên.

"Anh là Ôn Ngôn Trăn, là chồng của em." Người đàn ông trả lời.

Khoảnh khắc ấy, cô thấy mình giống như một đứa trẻ sơ sinh vừa cất tiếng chào đời, trong vô vọng một giọt nước rơi xuống từ khóe mắt. Mãi lâu sau, cô mới nhận ra nó chính là nước mắt, loại chất lỏng sẽ được bài tiết ra ngoài mỗi khi con người ta vui vẻ, kích động hay thương cảm. Khi giọt nước mắt ấy rơi xuống, Phạm Ca cũng không thể định nghĩa được vì sao mình lại khóc, cô chỉ cảm thấy trái tim mình như đang lún sâu vào một nỗi hoang mang mịt mờ.

Phạm Ca ra đời vào Đông chí năm 1983, bố là Lạc Gia Sơ, còn mẹ là Chu Vân. Năm lên ba tuổi được nhà họ Ôn nhận nuôi, đến hai mươi ba tuổi thì gả cho cậu con trai độc đinh của Ôn gia, một năm sau hạ sinh một bé trai. Sau khi xảy ra tai nạn xe, cô đã mất đi toàn bộ trí nhớ - đây chính là những gì cô được biết về mình sau ba tháng bình phục ở bệnh viện.

Trong ba tháng đó, bọn họ tạm trú ở Liên Bang Nga. Thành phố nơi cô sống được gọi là St. Petersburg. Ở ngoại ô St. Petersburg có một bệnh viện tên là Forest, và cô được điều trị ở đó.

Từ cửa sổ phòng bệnh nhìn ra thế giới bên ngoài, chỉ thấy một hàng bạch dương cao sừng sững. Cô thường ngồi ngẩn ngơ trước ô cửa sổ, ngắm nhìn những chiếc lá vàng héo khô trên cây từ từ rụng xuống. Phạm Ca luôn cảm thấy trong những thân cây bạch dương cao lớn ấy ẩn chứa một đôi mắt, đôi lúc chúng sẽ nhìn cô bằng ánh mắt rất đỗi dịu dàng và tha thiết, nhưng đôi lúc cũng sẽ nhìn cô bằng ánh mắt hết sức giận dữ và soi mói. Dần dà, những chiếc lá trên cây cũng rơi trụi lủi, chỉ còn lại những thân cây khẳng khiu trơ trọi, sắc trời dần thẫm lại, lúc nào cũng âm u mịt mùng, bông tuyết từ trên trời bay xuống, nhuộm khắp nơi trên mặt đất thành một màu trắng xóa.

Từng mùa từng mùa cứ thế thay phiên nhau đi qua trước cửa sổ phòng bệnh, một cảnh sắc khiến ngoại ô St. Petersburg trông vô cùng buồn tẻ.

Phong cảnh bên ngoài cửa sổ đang từ từ thay đổi, chỉ có một điều duy nhất mãi vẹn nguyên như thuở ban đầu là người đàn ông đó vẫn luôn ở bên cô, cho dù là lúc trời trong xanh hay xám xịt. Mỗi khi cô ngắm nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ, anh sẽ cầm lên một quyển sách, đọc ra những vần thơ du dương mà êm ái. Phạm Ca từ trước đến giờ vẫn luôn là một cô gái yêu thích thơ ca, còn giọng đọc của người đàn ông đó lại dễ nghe vô cùng, theo sự biến hóa kì ảo của những áng thơ mà đôi lúc đang trầm thấp rồi lại lên cao vút, đôi lúc đang tang thương buồn khổ rồi lại chuyển sang si tình triền miên.

Mặc dù những lời thơ ấy cô thật sự hiểu được rất ít.

Người đàn ông đọc thơ ấy chính là chồng của cô, anh là Ôn Ngôn Trăn. Nhưng cũng có nhiều lúc, Phạm Ca theo bản năng quên phéng mất quan hệ thân mật giữa hai người, nên ít khi dùng những từ xưng hô trong quan hệ vợ chồng để nói chuyện với anh.

Môi trường xung quanh bệnh viện rất yên tĩnh, cực kỳ thích hợp để tịnh dưỡng. Nơi này nằm trong một bộ phận của chính phủ Nga, chỉ tiếp đãi những sĩ quan cấp cao của nước Nga. Điều đặc biệt là bệnh viện này nằm ở giữa lưng chừng núi, nếu muốn lên được đây thì chỉ có một cách duy nhất là ngồi cáp treo.

Ở trong bệnh viện tịnh dưỡng ba tháng trời, trừ nhân viên y tế ra, những người mà Phạm Ca nhìn thấy toàn là những khuôn mặt xa lạ. Trong số đó, người mà cô gặp nhiều nhất là một đôi vợ chồng già hơn năm mươi tuổi. Trông bác trai thì phong độ nhanh nhẹn, còn bác gái thì ung dung quý phái. Hai vị này chính là bố mẹ của Ôn Ngôn Trăn. Nếu lúc trước họ chỉ là bố mẹ nuôi của cô thì bây giờ đã trở thành bố mẹ chồng của cô. Hai người họ thật sự chẳng để tâm đến biểu hiện bối rối của cô mà ngược lại còn đối xử với cô vô cùng tốt. Không chỉ nói những lời dịu dàng, mà ánh mắt nhìn cô cũng trào ra sự thương tiếc vô bờ.

Có một điều kỳ lạ là, dù cô đã nằm ở bệnh viện khá lâu nhưng chưa hề thấy bố mẹ ruột đến thăm con gái một lần nào. Lần duy nhất là vào một buổi tối, Ôn Ngôn Trăn bỗng dưng giơ điện thoại đến trước mặt cô, sau khi im lặng một lúc lâu, người đàn ông ở phía bên kia mới nhẹ nhàng cất tiếng: "Phạm Ca à, con đừng suy nghĩ nhiều mà hãy chăm sóc cơ thể cho thật tốt, nhớ nghe lời của Ôn tiên sinh nhé."

Sau này, mỗi khi nhớ lại những lời của bố mình, Phạm Ca luôn cảm thấy vô cùng khó chịu. Tại sao bố lại xưng hô với chồng của con gái là Ôn tiên sinh, rõ ràng anh ấy mới là con rể của bố mà.

Hơn nữa, có một điều cũng khiến Phạm Ca thấy vô cùng chơi vơi, đó là từ lúc tỉnh lại tới giờ cô vẫn chưa gặp được cậu con trai bé bỏng của mình. Có lần cô hỏi Ôn Ngôn Trăn chuyện này, anh chỉ bảo con của hai người hiện đang sống ở Bồ Đào Nha, thằng bé còn quá nhỏ nên không thích hợp đi đường dài đến đây.

Mà thông tin về thằng bé lại xuất hiện rất ít trong tài liệu mà Phạm Ca được đọc, cứ như là sâu trong tiềm thức cô muốn lựa chọn quên đi điều ấy vậy. Cô từng tò mò về bố mẹ của mình, từng tò mò về khoảng thời gian đi học ở trường, cũng từng tò mò về những người bạn mà cô chơi chung, nhưng tuyệt nhiên lại không có chút hiếu kỳ nào về đứa bé có máu mủ ruột thịt với mình cả.

Ngược lại, Ôn Ngôn Trăn lại xem điều đó là bình thường. Chính bản thân Phạm Ca cũng chẳng hề tò mò làm sao cô và Ôn Ngôn Trăn có thể nắm tay bước vào lễ đường kết hôn được cơ mà.

Chuyện này xem ra không hợp logic cho lắm.

Nhưng Phạm Ca đúng là không muốn nghĩ tới nó thật.

Có lẽ đây là điều may mắn đối với một bệnh nhân mất trí nhớ. Hơn thế, ở bên cạnh một người chồng có địa vị cao như anh, cô ít khi bàng hoàng hay thất thố về một điều gì.

Vì biết cô là một người rất sợ lạnh nên ba tháng sau anh đành phải đưa cô rời khỏi St. Peterburg. Sau khi trải qua cái rét dài đằng đẵng ở Nga, anh đưa cô tới một xứ sở đầy hoa, chính là vương quốc Hà Lan xinh đẹp. Ở đó có ánh mặt trời rạng rỡ, có sắc hoa tràn ngập khắp mọi nơi. Một lần nào đó, anh đưa cô tới công viên dạo chơi, lần đầu tiên nắm lấy tay cô đã bị cô lùi lại và tránh ra một bên. Phạm Ca nhớ lúc đó là vì bị giật mình nên cơ thể mới phản xạ như vậy, có điều khoảng một năm sau đó, cô cũng tự nhiên hơn, không còn rụt tay lại như trước.

Sau khi sống ở Hà Lan được hai tháng, Ôn Ngôn Trăn đưa cô tới Thanh Đảo, một thành phố nằm trong nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa, đất nước đã thai nghén ra tiếng mẹ đẻ của cô. Có một học giả tham gia nghiên cứu chữa trị từng nói với chồng cô rằng, tiếng mẹ đẻ sẽ dễ khiến con người ta sản sinh cảm giác thân thuộc và dựa dẫm. Loại cảm giác này sẽ có tác động rất lớn đối với một bệnh nhân mất trí nhớ. Mà khoảng thời gian đó, dường như Phạm Ca vẫn còn đang đắm chìm trong mùa đông tuyết rơi trắng xóa ở Nga.

Sau khi xảy ra tai nạn xe được nửa năm, Phạm Ca cuối cùng cũng đến được Thanh Đảo. Ấn tượng đầu tiên của cô về thành phố này là một nơi rất yên tĩnh. Bầu trời trên cao thân thiết mà chan hòa, đứng dưới màu trời thiên thanh vào mùa hè ở Thanh Đảo, Phạm Ca đột nhiên bừng tỉnh, cảm giác như có gì đó vô cùng quen thuộc, cứ như cô đã từng biết đến nơi này, hay từng được nghe về nó từ rất lâu trước đây rồi vậy.

Khoảng thời gian tiếp đó, Phạm Ca vẫn luôn sống tại Thanh Đảo.

Chồng của cô, người đàn ông tên Ôn Ngôn Trăn đó đã dùng hơn một trăm tám mươi ngày để tìm cho cô một nơi có thể đặt chân trên hành tinh bao la này. Năm đầu tiên cô bị mất trí nhớ, anh đã mời một giáo viên về dạy lại cho cô những kiến thức cơ bản, mà cô cũng xem mình như những em học sinh tiểu học, chăm chỉ nghiêm túc học từng điều một.

Năm đó là năm vô cùng gian khổ đối với Phạm Ca.

Tình cảnh khi đó phải miêu tả thế nào nhỉ? Chắc cô của lúc đó giống như một linh hồn u mê lạc lõng đang tồn tại trong một thân xác trưởng thành?

Chồng cô luôn an ủi cô rằng: "Cứ từ từ, cứ từ từ Phạm Ca ạ, chúng ta vẫn còn nhiều thời gian". Mà mỗi lần như vậy, cô luôn tự hỏi, bản thân cô phải yêu người đàn ông này sâu đậm đến nhường nào mới không thể nhớ nổi một con người như anh.

Còn anh, trước mặt người vợ chẳng còn chút kí ức nào về mình, anh chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay mệt mỏi mỗi khi nhắc lại chuyện trước kia, giọng nói ấy vẫn mãi dịu dàng và tha thiết như vậy.

Phạm Ca luôn đinh ninh một điều, chắc hẳn cô sẽ nhớ ra tình yêu của họ mà phải không?

Tiếng xe hơi quen thuộc trong màn đêm yên tĩnh vọng lại hết sức rõ ràng, là tiếng xe của anh đã về.

~~~

* Chú thích:

(1) Chuyện tình hoa đồ mi: Vẻ đẹp cuối con đường. Hoa đồ mi nở đại diện cho thanh xuân người con gái đã thành quá khứ hay một đoạn tình cảm khắc cốt ghi tâm đã đi đến hồi kết.

(2) Nguyên văn là 不离不弃: Bất ly bất khí. Lấy trong câu thơ: "Bất ly bất khí. Tương nhu dĩ mạt. Một lần nắm tay, chính là cả đời."