Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 47: Bơ




Sau một đêm mỹ mãn tuyệt vời, sảng khoái con người, sáng sớm mới thức dậy là Tứ a ca đã trông thấy trong thư phòng bồn sen Quan Âm mà nghe có người nói muốn tặng cho chàng.

Trải qua đủ kiểu rèn đúc của Lý Vi, đám Ngọc Bình nay tuy chưa đạt đến mức toàn năng song cũng không kém toàn năng bao xa nữa rồi. Bồn hoa nhỏ được tút tát rất khá, bên cạnh còn có một búp sen Quan Âm bé mới nhú được nuôi trong cái bát sứ tròn do thợ hoa đưa tới. Xem ra, dẫu thời gian cập rập, song thợ hoa đã tìm ra bí quyết chăm bẵm loài hoa dại này. Vậy nên vừa làm thành công, đã đưa sang chỗ Lý Vi hòng gia tăng thiện cảm với chủ tử ngay.

Sen Quan Âm bé thì dễ gây thiện cảm hơn, chí ít là Tứ a ca khả dĩ tránh khỏi phen hú hồn vì loại sen cỡ bự, mà chàng cũng không thấy nó đáng yêu được là bao. Nhưng còn đóa sen trong chiếc bát sứ tròn này lại có thể khiến chàng khen một câu "thú vị".

Tô Bồi Thịnh thấy Tứ a ca vòng qua vòng lại quanh hai bồn hoa đặt trên bàn sách dưới cửa sổ chái Tây một thôi một hồi, đoạn thò một tay bưng bát sen nhỏ ra, rồi sai hắn chuyển bồn sen lớn đi.

Lúc Lý Vi dậy, cả hai bồn đều biến mất.

Nhị cách cách cũng rất thích đóa sen nhỏ, đã định sẵn là sẽ đem đi bày trên bàn học của mình ở tiền viện. Sáng sớm dậy chẳng thấy bóng dáng Bách Phúc đâu, hoa này (?) lá nọ (?) cũng bặt tăm nốt, thế là nó thút tha thút thít suốt gần một khắc. Làm Lý Vi trăm lần nổi cơn muốn tẩn chết mình vì cái tội lừa Nhị cách cách khóc kiểu khóc con gái!

Bởi tại rằng, nay Nhị cách cách đã học được cách khóc làm người đối diện xót ruột nhất mà khỏi cần ai dạy rồi.

Nó ngồi một chỗ khe khẽ nức nở, khiến mọi người trong phòng tan nát con tim. Lý Vi gượng một nỗi nẫu ruột nhầu gan, van nài con gái: "Ngoan, hôm nay khi nào con về, nhất định sẽ được thấy một bồn khác, được không nào? Ngạch nương bảo đảm đấy."

Nhị cách cách ngoảnh lại, đôi mắt ầng ậng, "Ngạch nương không được lừa con nhé."

"Lừa con thì ta là cún." Lý Vi giơ tay thề thốt.

Nhị cách cách nín khóc toét miệng cười ngay tắp lự. Nàng tiễn con đi, từ hôm nay nó sẽ phải khoác cặp sách đi sang tiền viện học. Đoạn Lý Vi chuyển hướng, bắt đầu làm khó thợ hoa, bắt phải đem một bồn nhỏ khác đến đây!

Thợ hoa hiển nhiên không như nàng, người ta đã có chuẩn bị trước, bồn hoa đưa sang chỗ nàng chỉ là bồn được chăm kỹ nhất, còn thì vẫn có hơn hai chục bồn nữa cơ. Vừa nghe Lý cách cách cần thêm, lập tức đưa qua năm đóa sen được nuôi trong những bồn sứ và bát sứ to cỡ hai bàn tay, mỗi đóa một vẻ, đẹp những thú riêng. Lý Vi ngắm nhìn, nảy lòng định giá theo giá hoa ở các hàng ngoài chợ hoa: bồn này phải mười lăm, bồn này ít nhất ba chục.

Bày biện tất cả ra bàn, chỉ đợi Nhị cách cách về duyệt, Lý Vi thở phào nhẹ nhõm. Nhờ Nhị cách cách mà nàng phát hiện ra được một khuyết điểm ở mình, đấy là nàng rõ ràng không thể trở thành một nghiêm mẫu...

May thay, nhà họ hãy còn đây một bực nghiêm phụ chuẩn mực.

Trong thư phòng bên tiền viện, nghiệm phụ Tứ a ca đang ứng phó với những thắc mắc của Nhị cách cách.

Hai bồn hoa được đặt trên cái bàn trước cửa sổ, Nhị cách cách vào là thấy ngay, sau đó nói với chàng: "A mã ơi, ngạch nương xấu quá. Ngạch nương thiên vị lắm."

"Thiên vị ư?" Ngạch nương con bây giờ có mỗi mình con thì thiên vị đi đâu được? Tứ a ca hiểu sai mất, chẳng lẽ nàng dặn Nhị cách cách phải nhường nhịn Đại cách cách và Đại a ca?

Nhị cách cách trỏ vào hai tân sủng trên bàn của Tứ a ca: "Thế kia là gì ạ? Ngạch nương bảo muốn giữ hoa to nên không cho con, hoa bé ngạch nương nói sẽ cho con rồi lại cho a mã. Ngạch nương thật là thiên vị! Ngạch nương cho người hết cả!"

Tứ a ca cười tươi roi rói: "Ha ha."

Đoạn vuốt đầu Nhị cách cách nói: "Thế để a mã thiên vị Nhị cách cách nhà ta nhé? Ai cũng thiên vị đúng không nào?"

"Vậy con sẽ thiên vị ngạch nương." Nhị cách cách nhanh nhạy nghĩ ngay đến một người chưa được thiên vị.

Hai cha con ở với nhau hết sức hòa hợp. Tứ a ca cầm tay Nhị cách cách viết một trang chữ rồi để nó tự luyện tiếp, chàng ngồi sang bên đọc sách. Lúc này, ở ngoài có người chuyển nhà cho Đại a ca đến. Đại a ca cũng được người dẫn tới thư phòng.

Đại a ca vừa vào thư phòng, chế độ "nghiêm phụ" của Tứ a ca tự động kích hoạt. Bầu không khí cả căn phòng tức thì biến đổi. Đầu tiên Tứ a ca khảo nó những từ tiếng Mãn vài hôm trước đã dạy, tiếp đó cũng cầm tay nó viết một trang chữ, rồi cho nó tự luyện tập.

Hai cây nấm nhỏ đứng tư thế y đúc nhau, thẳng lưng, cổ tay nâng cao, đứng cặm cụi viết chữ.

Nhị cách cách viết một lúc đã gác bút, xoa bóp cổ tay, ngẩng đầu ngó ra ngoài cửa sổ, làm Đại a ca đứng cạnh nó nhìn muốn rớt cả con mắt. Tứ a ca ngồi sau hai đứa nhỏ cũng ngạc nhiên nhìn Nhị cách cách đang không có lấy một chút cảm giác "làm biếng" nào, thấy nó thậm chí còn định đi uống miếng trà, ăn miếng bánh. Tứ a ca bất đắc dĩ bỏ cuốn sách trong tay xuống, gọi nó lại.

Lần đầu tiên... thôi thì chưa cần đánh tay, xem chừng là do Tố Tố không dạy nó rằng chưa viết xong thì không được dừng đây. Tứ a ca chợt nhận ra chàng lại thấy điều này là quá đỗi bình thường.

"Nào Nhị cách cách, nói a mã nghe sao con không viết nữa?" Đây không phải lỗi của con gái nên giọng điệu Tứ a ca rất mực dịu dàng.

Nhị cách cách đáp: "Ngạch nương nói ạ." Đấy mà... Mà không, nàng nói ư?

"Ngạch nương nói viết một lúc phải dừng lại nghỉ một lúc, nhìn ra xa ngoài cửa sổ, để mắt đỡ mỏi ạ."

Nghe cũng có lý đấy. Tứ a ca nói: "Thế ngạch nương có dạy con được nghỉ bao lâu không?"

"Ngạch nương nói tùy, mệt thì cứ nghỉ."

Không đúng!

Tứ a ca dẫn Nhị cách cách qua xem cái đồng hồ để trên bàn, trước tiên là dạy nó nhận biết kim giờ, kim phút các thứ, đoạn chỉ vào đồng hồ, bảo: "Nhị cách cách, mình viết hai khắc rồi dừng lại nghỉ một lát có được không?"

Nhị cách cách nhìn cây kim chạy nhoáng cái là hết một vòng, a mã lại chỉ nửa vòng, nó ngượng ngùng bảo: "Thế có ít quá không ạ?"

Tứ a ca cười nói: "Tạm cứ vậy là được, Nhị cách cách còn bé, khi nào lớn sẽ được viết lâu hơn."

Năm phút sau, Nhị cách cách dán mắt nhìn cây kim đồng hồ mà chảy lước mắt, sao mãi mới chạy được có tí thế không biết!

Buổi sáng trôi qua rất nhanh, vì hai đứa đều con nhỏ, Tứ a ca cũng không thể nào bắt chúng viết chữ hết cả sáng được. Mỗi đứa viết mười trang chữ xong, Tứ a ca mới dẫn các con và Bách Phúc ra sân chơi bắt bóng. Tuy trông Bách Phúc mi nhon, nhưng bốn cái chân ngắn mà chạy là ba người không ai đuổi kịp, chỉ biết nhìn Bách Phúc lăn tú cầu chạy đằng trước, ba con người không người nào cản nổi. Chẳng bao lâu hai đứa trẻ đã chạy thấm mệt, ngồi chồm chỗm thở hổn hà hổn hển. Bấy giờ Bách Phúc từng bước lăn tú cầu về, đẩy thẳng nó đến trước mặt Nhị cách cách.

Nói sao thì đây cũng là chó của Lý Vi, lớn lên bên Nhị cách cách từ nhỏ.

Đại a ca nhìn mà thèm ước. Nhưng nó không tài nào mở lời xin Nhị cách cách cho chơi chung được, kết quả chỉ biết đứng yên một chỗ ngóng. Làm Tứ a ca đợi cả buổi trời, đợi nó bước tới chạm vào Bách Phúc, hoặc lại bắt chuyện với Nhị cách cách thôi cũng không được.

Đại a ca được dạy ngoan quá mức rồi.

Điều ấy càng củng cố thêm quyết tâm đuổi luôn cả nhũ mẫu đi của Tứ a ca. Chàng tiến lên nói với Đại a ca: "Đây là Bách Phúc, con thích không?"

Đại a ca cung kính thưa: "Con thích Bách Phúc ạ."

"Vậy a mã cũng cho con một con có được không? Rồi con sẽ dẫn nó đi chơi cùng." Tứ a ca dẫn dắt nó tự nói ra suy nghĩ của mình.

Song không ngoài dự đoán, Đại a ca từ chối, thưa bẩm rất khéo léo, tuy nhiên lại khiến Tứ a ca càng không vui.

Đại a ca nói: "Con tạ ơn hoàng a mã, nhưng con đến đây để học, không dám lãng phí thời gian vào những chuyện nhỏ này."

Cả một chuỗi câu dài như thế ắt là do người lớn dạy.

Tứ a ca nén bực, dịu giọng hơn: "Con phải nghe a mã, a mã nói con được nuôi nó, nó sẽ không làm lỡ chuyện học của con đâu, con hiểu không?"

Đây rõ là khác hẳn với những gì nó được học từ nhóm người phúc tấn trước lúc sang đây. Đại a ca hơi không tiếp thu kịp, lơ ngơ gật đầu. Tứ a ca kéo nó đi sờ Bách Phúc, mấy chốc mà Đại a ca cũng hào hứng chơi đùa vui vẻ với Bách Phúc.

Tứ a ca thở phào, vừa quay lại thư phòng đã sai Tô Bồi Thịnh vào cung chọn một con chó về. Hiện giờ chàng không tiện vào cung thường xuyên, vào là chắc chắn phải đi thỉnh an các kiểu, thôi thà đừng vào cho đỡ phiền. Thêm tước vị Bối lặc cứ luôn khiến chàng thấy hơi hơi mất mặt.

Tô Bồi Thịnh làm việc cực nhanh, chưa đến giờ cơm trưa đã mang về một con chó sư tử màu vàng bơ sữa. Ở tiểu viện có nhiều nô tài biết nuôi chó, nên không phải đưa riêng thái giám chuyên nuôi chó về nữa.

Tứ a ca xem xét trước, thấy nó hiền lành dễ bảo thực, đặt tên là Tạo Hóa, rồi đích thân ẵm sang cho Đại a ca, dạy nó ẵm chó thế nào, cho chó ăn ra sao,...

Buổi trưa Nhị cách cách vốn phải về tiểu viện, ấy nhưng con bé này không chịu đi. Lại có một em chó nữa đến, nó bèn ăn vạ ở đây ăn cơm trưa luôn. Lưu thái giám có ý nịnh, bèn làm món thịt viên xốt anh đào* đưa sang. Nguyên Lưu thái giám chỉ biết làm thịt viên xốt chua ngọt*, song Lý Vi lại ý kiến rằng có thể bỏ thêm trái cây vào, thế là lão chọn quả anh đào (đã thử cho dưa hấu, dưa lê vàng, nho, nhưng đều thất bại).

*Thịt viên xốt anh đào



*Thịt viên xốt chua ngọt



Dễ thấy là bàn đồ ăn này rất được lòng hai đứa nhỏ. Có Nhị cách cách ăn chung, Đại a ca cũng ăn được thêm nửa bát, làm nhũ mẫu hầu nó không dám đút nó ăn nữa. Nếu không vì cặp mắt sáng rỡ cùng vẻ mặt thèm ăn rất rõ của tiểu chủ tử, thì đến nửa bát kia cô ta cũng bỏ luôn.

Ăn nhiều hỏng bụng mất rồi biết tính sao?

Tứ a ca quá hiểu phương pháp nuôi con nhưng không cho nó ăn no này, hồi bé chàng cũng y thế thôi. Từ lúc hiểu biết được mọi việc diễn ra quanh mình, chàng thường hay bị đói đến độ nửa đêm mất ngủ. Nhìn Đại a ca mà bỗng nhớ lại chuyện cũ, Tứ a ca bất chợt nhận ra dường như trước nay Nhị cách cách chưa từng kỵ món đồ ăn thức uống nào?

Giờ Đại a ca đương chăm chăm nhìn Nhị cách cách hẵng ôm cái bát vàng nhỏ ăn bát cơm thứ ba bằng ánh mắt ngưỡng mộ, hai má nó đã phồng cả lên rồi mà vẫn nhét tiếp thức ăn vào miệng.

Việc ấy làm Tứ a ca lo lắng che lại bát của Nhị cách cách, khuyên nhủ: "Ngoan, Nhị cách cách không ăn nữa nhé."

Nhị cách cách nhìn cái bát còn lại mỗi hai miếng cơm, khó hiểu nói: "Không ăn hết thì phí lắm ạ."

"Không phí đâu, để a mã ăn." Tứ a ca bưng lấy bát của nó, và chỗ cơm thừa vào miệng.

Nhị cách cách làm vẻ hãi hùng như đang hỏi "Sao người giành cơm của con?".

"Không ăn nữa nhé?" Tứ a ca nói.

Nhị cách cách nhìn món thịt viên xốt anh đào chưa ăn hết, chau mày bảo: "Vâng ạ." Phải chỗ ngạch nương thì chắc chắn sẽ được ăn sạch món này rồi, để thừa tiếc quá.

Sau khi dọn hết đồ ăn xuống, Nhị cách cách đợi dài cổ mà chỉ được uống mỗi chén trà. Tứ a ca còn dặn chúng phải nuốt chậm rãi, nó hỏi: "Bánh ngọt đâu ạ?"

Tứ a ca phát rầu, vì sao tới tận giờ mà chàng không hề phát hiện thói quen ăn uống ở chỗ Tố Tố rất có vấn đề nhỉ?

Bây giờ chàng lại không thể không giải thích với Nhị cách cách rằng ăn cơm xong không có bánh ngọt để ăn nữa đâu.

Buổi tối, Tứ a ca phải ở lại tiền viện với Đại a ca vừa dọn sang đây ở. Nhị cách cách vừa về tiểu viện đã bảo chỗ Tứ a ca tội nghiệp quá: "Cơm cũng chẳng cho ăn no, Đại đệ đệ mới ăn có một nửa đã không cho ăn nữa. Với lại còn chẳng có bánh ngọt."

"Không cho ăn à? Tại sao?" Lý Vi cũng sốc, vội hỏi nó: "Còn con? Có ăn no không?"

Nhị cách cách sờ bụng, mặt nhăn nhó: "Không ạ, a mã ăn cả cơm của con, không có bánh ngọt nữa." Câu cuối cùng chất chứa bao oán hờn.

"..." Lý Vi lấy làm lạ, sao Tứ a ca lại ăn cơm của Nhị cách cách?

Sau một đêm rối rắm, trí tưởng tượng của Lý Vi bay xa đến nỗi nghĩ ra được cả kịch bản có kẻ bỏ độc vào cơm, Tứ a ca lấy thân mình thử độc. Vậy là, qua hôm sau đến giờ đi học, Nhị cách cách đã xách theo một chiếc túi tiện lợi, bên trong đó là bánh ngọt.

Trưa hôm nay ăn cơm trưa xong, người hầu dâng trà như thường lệ, Tứ a ca còn bảo bụng hôm nay không nghe Nhị cách cách hỏi bánh ngọt, ấy mà chưa gì đã thấy nó lấy từ trong cặp ra một cái túi bé, ở trong là một hộp bánh đậu xanh nhỏ.

*Bánh đậu xanh



Tứ a ca: "..."

Nhị cách cách ăn bánh uống trà, còn rủ rê Đại a ca: "Đại đệ đệ cũng ăn đi này."

Đại a ca nhìn a mã, nhìn nhũ mẫu (muốn ngăn nhưng không dám), hí hửng vươn tay cầm lấy một miếng, hai đứa nhỏ ngồi xử lý sạch hộp bánh đậu xanh.

Để giúp Đại a ca thích nghi dần, hôm nay Tứ a ca đưa nó về chính viện, áp dụng cách qua lại hai bên này sẽ khiến nó từ từ quen thuộc với tiền viện. Đến khi nó chính thức ở lại đây rồi thì sẽ không còn sợ hãi nữa.

Tuy Tứ a ca rất muốn Đại a ca ở hẳn đây ngay, song vì lo nó tuổi còn bé, chàng vẫn quyết định thực hiện dần từng bước một.

Đi theo nó rồi lại đến tiểu viện, Tứ a ca nghĩ chàng cần phải bàn bạc kỹ càng với Tố Tố về chuyện của Nhị cách cách.

Trong tiểu viện, hương sữa đương nồng.

Lý Vi cứ nhớ mãi món có bơ, đặc biệt là bơ đặc, để ăn chung với bánh quy hoặc bánh mì vừa ra lò thì đúng là tuyệt đỉnh cú mèo! Vả lại cách làm bơ không hề phức tạp, Mãn Thanh nay đã có bơ dạng khối được làm từ sữa bò, sữa dê mới vắt, đặt một chỗ đợi phần bề mặt đông lại thành một lớp bơ sữa. Lúc làm bánh sữa họ thích cho thêm thứ này, và cả đậu phụ sữa*, pho mát,... vào. Nhưng vấn đề duy nhất ở đây là họ không làm bước cuối: đánh tan bơ ra để phết lên bánh kem.

*Đậu phụ sữa: là một thực phẩm từ sữa rất phổ biến ở những gia đình chăn nuôi tại Mông Cổ.



Vì không thể tự ý bảo đánh bơ ra sẽ biến nó thành một thứ khác, Lý Vi đành xin ở thiện phòng ít bơ, sữa tươi, đường, rồi tự mình đánh. Nhờ những kinh nghiệm từ lần tự làm bánh kem hồi hiện đại, ở tại thời đại mà máy đánh trứng vẫn chưa ra đời này, Lý Vi đã trả giá bằng cánh tay tê rần tưởng gãy của mình để thành công đánh được bơ trên tòa núi băng và nhanh chóng trải lên trên trà sữa ngay sau đó.

Nhị cách cách nghé mới sinh không sợ hổ, tức khắc bị thứ mùi này thu hút. Bơ được đặt trên núi băng đánh nên cũng ngấm hơi lạnh, sợ phần kem ấy tan mất trong trà sữa nóng, nó bèn tiến tới hớp một miếng hết nửa bên, và rồi đã bị cái vị xốp mịn đậm đà này chinh phục.

"Ngạch nương, con cũng muốn!" Nó giơ cốc, nhảy tưng tưng trước mặt Lý Vi.

Lý Vi bóp cánh tay, nói: "Mỏi đấy, để người khác làm thôi."

Lúc này Tứ a ca bước vào, thấy hai mẹ con một người đương bóp nắn cánh tay song cũng không quên uống vội hai ngụm trà sữa trong cái cốc thiếu một cái ống hút, một người khóe môi còn dính kem mà vẫn luôn miệng đòi ngạch nương đánh cho mình một bát kem, đánh thật nhiều vào...

Vừa nhìn thấy chàng, hai người cùng cất giọng: "Tứ gia/A mã."

"... Đang làm gì đấy?" Tứ a ca hỏi trong sự phân tâm vì thứ hương ngọt lịm tràn khắp gian phòng.

"Thiếp làm chơi thôi, vị khá ngon, nhưng mệt quá." Lý Vi chỉ đống đồ trên bàn, nói: "Định sẽ pha cốc sữa ngọt một tí uống, ai ngờ lại ra nỗi này."

Tứ a ca cũng rất tò mò, sai Tô Bồi Thịnh truyền lời cho Lưu thái giám. Triệu Toàn Bảo đi theo, nói rõ để Lưu thái giám biết chủ tử mình bỏ những gì vào hỗn hợp kia, thất bại mấy lần (mấy lần đầu quên mất rồi), sau cuối ra thành phẩm thế nào, và còn đưa cả những dụng cụ đã dùng đến cho lão. Dưới đáy chiếc bát sứ trắng còn thừa lại một ít, Lưu thái giám cầm đũa chấm cái rồi bỏ miệng nhấm, vị này độc lạ quá!

Lý cách cách không hổ là người sành ăn, rảnh tay làm bừa thế thôi mà cũng ra gì đấy.

Nghe bảo còn tận dụng cả núi băng, lão hỏi Triệu Toàn Bảo: "Làm thế để làm gì?"

"Cách cách nói trong đây toàn sữa tươi và dầu, sợ bị hỏng."

Lưu thái giám làm theo y hệt: kê một miếng băng xuống dưới đĩa, đặt một cái bát đồng ở trên, bỏ nguyên liệu theo trình tự của lần cuối làm như lời Triệu Toàn Bảo thuật lại, và chỉ làm một lần đã có thành quả. Nhìn mình đánh ra được một bát đựng thứ kem màu trắng muốt sủi bọt, với tinh thần chịu trách nhiệm cao cả, Lưu thái giám thử một miếng to trước.

"Ừm," Lão vừa gật đầu vừa liếm khóe miệng, "Được đấy."

Tô Bồi Thịnh: "... Được thì ông đưa sang cho chủ tử nhanh lên, đừng thử nữa."

Đến tối, anh tài bếp núc Lưu thái giám đã học được cách phết thứ kem trắng ấy lên đồ ngọt rồi đưa sang, còn làm thêm cốc kem, với lớp vỏ trứng mỏng bao ngoài và ở giữa là phần kem bồng bềnh đầy ngập.

Bỏ vào miệng ăn thấy xốp tan, Nhị cách cách và Tứ a ca ăn rất nhiều; Lý Vi trước đó đã ăn, nên giờ đành kìm mình ăn vài miếng thôi cho nhớ vị.

Lúc ngủ, rốt cuộc Tứ a ca cũng nhớ ra mục đích mình sang đây, chàng hỏi Lý Vi có thấy Nhị cách cách ăn nhiều quá rồi không?

Lý Vi ngẫm đến vóc dáng hoàn toàn phù hợp với độ tuổi của Nhị cách cách, nói: "Không ạ, con đang lớn mà, sợ gì ăn nhiều."

Tứ a ca nói: "Con nít ăn nhiều sẽ dễ bỏ ăn."

"Thiếp biết, thiếp luôn luôn chú ý." Nàng nói.

Đấy có nhận ra đâu - Tứ a ca nghĩ bụng.

"Hơn nữa là, thiếp cũng đâu cho con ăn quà vặt, bánh ngọt ngoài bữa chính." Nàng tự thấy mình kiểm soát rất tốt.

"Con ăn nhiều bánh ngọt là đằng khác, nàng lại còn cho con mang theo." Tứ a ca vạch trần.

"... Bình thường con vẫn ăn cơm ngon miệng kia mà." Ăn bánh ngọt thay cơm mới đáng lo ngại ok?

Tứ a ca nói: "Thôi, về sau cho ăn ít bánh ngọt thôi, ăn cơm cũng không được để tùy hứng nó. Một bữa nhiều nhất là một bát, bánh ngọt một ngày không được vượt quá năm miếng... sáu miếng đi."

Lý Vi: "..." Con gái, không phải mẹ không cho con ăn đâu, tại cha con bắt thế đấy.

Hôm sau, khi ăn sáng, Nhị cách cách biết ngay có điều bất ổn. Lúc ăn xong một bát, nó xin thêm bát nữa, ngạch nương lại lắc đầu bảo: "Không được con ạ, con đã ăn hết bữa này rồi."

Cơm mà cũng có chuyện ăn hết nữa ấy hả?

Nhị cách cách mông lung hỏi: "Ngạch nương... nhà mình hết cơm ăn rồi ạ?" Hết cơm để ăn... hình như nghiêm trọng lắm...

"..." Không biết phải trả lời kiểu gì, Lý Vi đành nói, "Hỏi a mã con đi, ngạch nương chẳng biết gì."

Nhị cách cách đâu dễ bị lừa đến thế, nó chỉ vào bát nàng, hỏi: "Thế ngạch nương ơi, sao người được ăn bát thứ hai ạ?"

"..." Lý Vi bỏ bát xuống, "Thực ra hôm nay là lần cuối, từ mai ngạch nương cũng chỉ được ăn một bát thôi."

Lừa con nít vui nhỉ! Nó tưởng thật kìa!

Dáng điệu nghiêm trang của nàng đã thuyết phục được Nhị cách cách. Lúc nó sang tiền viện, tới giờ cơm trưa, nó dè dặt ăn từng miếng cơm trong bát, trân trọng mỗi một hạt cơm bỏ vào miệng.

Tứ a ca: "..." Nên nói cách ăn của nó không đúng ư? Nhưng trông rất chuẩn chỉnh đấy chứ, chỉ có cái là biểu cảm nom bất thường hẳn.

Lần này dùng bữa xong không lấy bánh ngọt ra ăn, và cũng không hề nhắc tại sao không có bánh ngọt nữa.

Tứ a ca lại đâm lo, gọi nó qua hỏi nguyên do là gì?

Nhị cách cách nghiêm giọng đáp: "Vì ngạch nương nói nhà mình hết cơm rồi, mọi người chỉ được ăn một bát, cũng không có bánh ngọt để ăn ạ."

Tứ a ca: "..."

(còn tiếp)