Ngày 32

Chương 87



tháng Hai, hồi IV

Thoáng cái mà năm mới đã đến, nhờ có ngày lành tháng tốt nên những việc tồn đọng gần như được giải quyết hết. Tổ công tác khẩn cấp đã cho Dịch A Lam và bốn người khác nghỉ lễ ba ngày, như Nghiêm Phi từng nói: khi năm mới đến, cũng là lúc Dịch A Lam sẽ về thăm gia đình.

Tiêu Hạo đã lên máy bay về nhà ngay trong đêm được thông báo; và tất nhiên, đương lúc anh ta háo hức trên chuyến phi cơ thì những đặc vụ được đào tạo bài bản cũng đang bí mật hộ tống và bảo vệ gia đình anh.

Mạnh Khởi cũng thu dọn hành lý, rời đi vào sáng hôm sau.

Và bởi gia đình của Dịch A Lam rất gần, y đã nán lại đến trưa mới sửa soạn về nhà. Khi ra đến cửa, Châu Yến An đã cười hỏi "có muốn anh đưa em về không". Dịch A Lam bấy giờ mới nhận ra mình ôm trái tim thiếu nữ, chỉ xa nhau ba ngày thôi, Tiêu Hạo còn lắm lần than thở sao nghỉ quá ít kìa.

Nhưng khi chiếc xe do Tổ công tác cung cấp càng đến gần Bệnh viện Quân đội, y càng suy sụp vì nhận ra, rằng nguyên nhân cơ bản khiến mình lần lữa, luyến tiếc, chùn bước là vì y biết Châu Yến An phải đón Tết một mình trong khu ký túc xá. Y lại quá hèn nhát, vừa tham lam tình yêu ngọt ngào mà bất chấp hậu quả, vừa không đủ dũng khí thú nhận mối quan hệ giữa mình và Châu Yến An với mẹ.

Châu Yến An có chăng đã nhìn thấu tất cả những ngổn ngang trong y. Anh chỉ mỉm cười, dành cho Dịch A Lam toàn bộ sự kiên nhẫn, dịu dàng và thân mật mà không đòi hỏi bất cứ điều chi. Hay đúng hơn, anh nghĩ rằng mình đã có đủ.

Lái xe vào bãi đỗ ngầm, Dịch A Lam nằm xoài trên tay lái trầm ngâm một đỗi trước khi để niềm vui đoàn tụ gia đình bao trùm lên sự hối hận và tự trách. Y bước xuống xe, với nụ cười quen thuộc mà bà và mẹ từng thấy.

Thật cảm ơn Châu Yến An gần đây đã trổ tài kỹ năng nấu ăn siêu hạng của mình, để Dịch A Lam giờ không phải rơi vào lời nguyền khi cho rằng "ngoài vòng tay mẹ là bão tố" [1].

Do tính chất công việc, những câu hỏi của hai người dành cho Dịch A Lam chỉ đơn thuần là vấn đề chung chung như "mọi việc có suôn sẻ không", "cấp trên thế nào, dễ tính hay thường gắt gỏng", "đồng nghiệp có chào với nhau, có nói qua nói lại và những cuộc họp có đào bới nhau" [2]... Giống như việc tạm giam Dịch A Lam trong một tháng là điều không thể nói, mẹ và bà cũng chẳng than vãn một lời khiến y lo lắng, cuộc trò chuyện truyền thống mỗi khi con cái về nhà nhân dịp Lễ Tết tới đây là hết. Song ý nghĩa của một gia đình, là khi ta không cần phải bận tâm tìm kiếm những chủ đề giữ cho bầu không khí những sống động náo nhiệt, mà chính vẻ đẹp đến từ hàng vạn điều vụn vặt mới làm trọn vẹn hai chữ "gia đình".

Bà đặt lên bàn cơ man là điểm tâm được làm thủ công chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, thêm đôi ba đĩa rau xào ánh sắc xanh tươi ngon. Mẹ thì lấy cặp đèn lồng đỏ, bảo y ăn xong nhớ treo lên, rồi dán nốt cả câu đối Tết.

Dịch A Lam đang nhấp hớp sữa tươi, nghe vậy bèn gật đầu với mẹ. Y đã cảm thấy tốt hơn không ít.

Đêm giao thừa.

Điện thoại người dân trên khắp cả nước lần lượt nhận được tin nhắn chúc mừng năm mới.

Dịch A Lam dậy sớm, không có việc gì làm bèn kéo danh sách tin nhắn, gửi lời chào đến Châu Yến An: Anh đang làm gì đó?

Châu Yến An: Anh đang chuẩn bị bữa tối.

Dịch A Lam: Ồ, anh làm món gì thế? Cho em xem với!

Châu Yến An: [ảnh]

Châu Yến An gửi một bức ảnh, có thể thấy anh đang xào món gì đó, bên cạnh là vài ba nguyên liệu đã được làm sạch đang đặt trên đĩa chờ chế biến. Thoạt nhìn cũng có ít nhất sáu bảy món; món nào món nấy nịnh mắt tinh xảo, chưa ra đĩa nên càng trông có vẻ tươi ngon lạ kỳ.

Dịch A Lam sửng sốt, đoạn đi tới cửa bếp. Y trông thấy mẹ và bà đang bận rộn tới lui. Rõ ràng là có hai người ở đây – cũng chẳng biết có phải do hai người hay không mà gian bếp trông lộn xộn, những lọ gia vị đã thôi sạch sẽ, bên cạnh bồn rửa vương vãi mấy cọng rau cải, cây kéo cắt đầu tôm cũng quên đặt lại vị trí cũ... Thấy y đến, cụ bà cười tít mắt: "Đói rồi hả con? Thịt kho tàu bà mới cất trong tủ lạnh đấy, ăn vài miếng lót dạ đi. Còn hai món nữa là xong rồi."

Tựu trung, không được gọn gàng ngăn nắp như trong ảnh của Châu Yến An.

Vì lý do nào đó, điều mà Dịch A Lam cảm nhận qua bức ảnh là sự tĩnh lặng. Y cố gắng nhớ lại mỗi lần Châu Yến An vào bếp, chừng như anh đều tỉ mẩn chăm chút như hôm nay. Chỉ là... vì sao vậy? Vì sao không có ký ức nào có thể lật đổ sự suy sụp trong y ngay lúc này.

Dịch A Lam siết chặt điện thoại. Nhìn bóng lưng Nhạc Khê Minh, y ngập ngừng: "Một đồng nghiệp của con đang ăn Tết ở tổ chức. Con thấy anh ở một mình khá cô đơn, con có thể gọi anh về nhà mình dùng bữa cơm tất niên không mẹ?"

Cụ bà hỏi: "Sao nó không về nhà hả con?"

Dịch A Lam thưa: "Vì chuyện ngoài ý muốn, anh ấy là người duy nhất còn lại trong gia đình."



"Ôi chao, đứa nhỏ tội nghiệp." Nhưng cụ bà không trả lời câu hỏi "vượt quá giới hạn" đầu tiên của Dịch A Lam, cụ cũng chẳng thắc mắc vị đồng nghiệp ấy là nam hay nữ (*).

(*) Tác giả dùng "他", trước phong trào Ngũ tứ từ "他" thường chỉ nam, nữ và tất cả mọi sự vật khác. Trong tiếng Hán hiện đại, từ "他" chỉ dùng cho nam giới. Nhưng khi không phân biệt rõ giới tính, hoặc không cần phân biệt thì từ này có tính phiếm chỉ, không phân biệt nam hay nữ.

Nhạc Khê Minh bỗng khựng lại. Bà nhẹ nhàng đặt con dao thái thịt lên thớt, nghiêng người nhìn Dịch A Lam. Nhạc Khê Minh lau tay vào tạp dề, điều đó có nghĩa bà đang muốn nói chuyện một cách nghiêm túc.

Dịch A Lam bắt đầu hối hận vì đã đưa ra lời đề nghị vừa rồi.

"A Lam," Nhạc Khê Minh nói. "Điều gì đã khiến con nghĩ vị đồng nghiệp ấy cần một gia đình không liên quan đến mình để sưởi ấm trong dịp Tết? Con có nhớ mình từng nuôi một chú chó hồi bé không? Sau khi nó mất, con đã không muốn nuôi một chú chó nào khác, thậm chí con còn chẳng muốn xem phim về chó. Vì sao, con nhỉ? Vì những thứ đó không mang lại cho con cảm giác dễ chịu, nó chỉ nhắc con nhớ về nỗi đau khi mất chú chó năm nào. A Lam, con phải biết rằng trong nhiều trường hợp, cô đơn là nỗi đau êm dịu nhất, cũng là nỗi đau dễ chịu đựng nhất."

Dịch A Lam cụp mắt, khẽ nói: "Con nhớ rồi, mẹ ạ."

Cụ bà cười: "Mẹ con nói đúng đấy. Người ta ví von thế nào nhỉ, Tết là sum họp, là đoàn viên. Nhìn thấy gia đình người khác đoàn tụ, nó sẽ càng nhớ nhà hơn thôi." Cụ chỉ vào nồi thịt hầm và canh gà trên bếp. "Bà đang hầm thịt, có canh gà mà con thích nữa đây. Lợn này là lợn rừng, gà này là gà thả vườn. Bác dưới lầu cho bà, nghe đâu từ quê mang lên. Đấy, ngon chưa? Bà hầm cả nồi to, sau cơm tất niên vẫn còn sớm chán, con mang cho vị đồng nghiệp kia một ít đi."

Dịch A Lam cười gượng, nhưng cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì bà nội đã hòa nhập được chốn xa lạ này.

Y trở lại phòng khách, nghe tiếng leng keng trong nhà bếp vẳng lên hồi lâu mới trả lời tin nhắn của Châu Yến An.

Dịch A Lam: Trông hấp dẫn quá!

Dịch A Lam: Hồi nãy em vừa bị kéo đi thử món. Canh gà và thịt hầm siêu ngon luôn nhé, không thua gì anh đâu. [tự hào.jpg]

Dịch A Lam: Anh đang bận tay, vậy cứ làm tiếp đi. Không cần trả lời em. Cẩn thận vào, nấu một hồi mà khét là mất tiếng thơm của anh đấy.

Buông điện thoại xuống, Dịch A Lam quay mặt về phía ban công đối diện nhà bếp, sợ ai đó đột nhiên đi ra sẽ thấy dáng vẻ khó coi của mình.

Một lúc sau, y đưa mắt nhìn cửa phòng ngủ của bà nội. Nghĩ đoạn, y đứng dậy đi tới.

Mùi đàn hương thoang thoảng lướt qua chóp mũi sau khi đẩy cửa bước vào, góc phòng có làn khói mỏng từ lư hương bay lên. Và đằng sau lư hương, không phải thứ gì khác mà là di ảnh của Dịch Hiểu Sơn.

Dịch A Lam cầm khung ảnh lên, rồi kéo nhẹ nó ra. Có lẽ khung ảnh thường xuyên bị tháo rời, quanh viền đã để lại những dấu vết mài mòn. Sau bức ảnh của Dịch Hiểu Sơn chính là ảnh của Dịch Vân Sơn, người được gọi là cha của y đã chết gần hai mươi năm trước.

Dịch A Lam nhìn thật kỹ gương mặt đã sớm mơ hồ trong trí nhớ – thoạt trông hơi giống với y, khóe miệng cong cong, ánh mắt điềm nhiên đối mặt với thế giới người sống.

Trong làn khói uốn lượn, Dịch A Lam thấy mắt mình sao cay cay. Rồi bỗng dưng, cảnh tượng trước mắt méo mó kỳ dị.

Ông ta đang nói, nói với giọng chê cười.

— Con trai, con đang trách cha đấy ư? Nhưng con yêu à, nếu không có cha, con sẽ từ đâu tới đây?

(...)

Gia đình Dịch A Lam tuân theo truyền thống phương Nam, tuy gọi là bữa cơm tất niên nhưng thực ra vừa chiều họ đã dùng xong.

Sau bữa ăn, như đã hứa, cụ bà gói thịt hầm và canh gà giúp Dịch A Lam, bảo y hãy mang đến cho vị đồng nghiệp kia nhân lúc trời còn sớm.

Dịch A Lam nhận cà mèn, đoạn nhìn Nhạc Khê Minh. Mẹ y đang ngồi trên sô pha, liên tục bấm điều khiển từ xa đổi kênh TV. Dường như bà chẳng tìm thấy chương trình gì thú vị, mà bà cũng chẳng lên tiếng, hệt như không nghe thấy hai bà cháu nói chi.

Dịch A Lam mỉm cười, nói với bà nội: "Vậy, con đi sớm về sớm ạ."

Cụ xua tay: "Miễn sao về kịp Gala Mừng Xuân thôi. Cả nhà đợi con cùng xem đấy."

Dịch A Lam gật đầu, vừa bước chân ra cửa đã vô thức tăng tốc.

Y chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng báo trước, thành thử được như ý nguyện – trông thấy vẻ mặt ngạc nhiên của Châu Yến An sau khi gõ cửa.

"Sao em lại chạy tới đây?"

Dịch A Lam giơ cà mèn lên: "Mang yêu thương, trao hơi ấm cho anh đó. Thịt hầm và canh gà của bà nội em, siêu ngon đạt chuẩn năm sao."

"Thật ư?" Châu Yến An cười khẽ.

"Tin hay không tùy anh. Hôm nay là đêm chung kết Cuộc thi đầu bếp thần thánh, chúng ta hãy nếm thử mâm cơm của hai thí sinh cuối cùng. Một người là lính đặc chủng đã được tái tuyển dụng, người còn lại là cụ bà ngoài tám mươi. Vẫn chưa biết ai sẽ thắng đây." Dịch A Lam vào bếp lấy một đôi bát đũa. Sau khi múc canh cho Châu Yến An, y cũng nếm thử những món do Châu Yến An nấu. Từng món từng món một, từng đũa từng đũa một, xem như họ đã cùng nhau dùng bữa, cùng nhau ăn mâm cơm đoàn viên.

Châu Yến An húp từng ngụm canh, nhìn những món vốn được xếp ngay ngắn nay bị chiếc đũa của Dịch A Lam làm lung tung cả lên, anh bỗng dưng thấy ấm lòng.

"Sao nè?" Dịch A Lam chống cằm, nhìn anh.

Châu Yến An nói: "Anh bỏ phiếu cho cụ bà tám mươi tuổi."

Dịch A Lam phì cười, Châu Yến An cũng cười theo. Anh không biết mình vui vì điều gì nữa, nhưng anh biết lòng mình chưa bao giờ an yên như lúc này.

Hai người dựa vào sô pha, rồi nén không được hôn nhau vài cái. Má kề má, môi kề môi, họ để nhiệt độ cơ thể truyền cho nhau qua từng tấc da thịt, mãi đến khi ánh sáng trong phòng dần rút đi cũng chẳng ai bật đèn, mặc cho màn đêm như thủy triều tràn vào.

Trong biển đêm ngút ngàn, đại diện cho loại kết giới nào đó, có con trai cẩn thận mở vỏ ra. Dịch A Lam khẽ khàng hỏi: "Anh có từng nghĩ tới tương lai sẽ trở thành gì không?"



"Khía cạnh nào hả em?"

"Ví như ngày 32. Liệu nó có đột nhiên biến mất giống như đột nhiên xuất hiện, khiến hết thảy mọi thứ đều là giấc mơ của chúng mình?"

"Có khả năng đó chứ. Không ai đủ tư cách tuyên bố bản thân đã hiểu tường tận cơ chế của ngày 32."

"Có lẽ sau nhiều năm nữa, thế hệ tới của loài người sẽ không tin vào sự tồn tại kỳ diệu của ngày 32. Dẫu chúng mình có để lại bao nhiêu ghi chép, cũng chỉ là chữ mà không phải hình. Họ sẽ kháo nhau rằng "sao tổ tiên chúng ta khờ khạo quá vậy". Lúc đó, chắc toàn bộ địa cầu rơi vào trạng thái mê sảng rồi nhỉ?"

"Hôm qua em về nhà, anh có xem một bộ phim." Châu Yến An nói.

"Anh xem phim gì đấy?"

"Bộ phim tên là Fitzcarraldo, trong đó có một câu thoại khiến anh ấn tượng sâu sắc. Nam chính nói, 'tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện, đó là khi Bắc Mỹ vẫn còn chưa bị chinh phục. Một thợ săn người Pháp đi về phía Tây từ Montreal, anh ta là người da trắng đầu tiên trông thấy thác Niagara'. Khi trở về, anh ta nói với mọi người rằng cái thác ấy thật vĩ đại, thật không thể tưởng tượng. Nhưng chẳng ai tin anh ta, họ chỉ nghĩ anh ta bị điên hoặc đang nói dối. Họ hỏi, 'anh có chứng cứ gì không'. Anh ta trả lời rằng, 'tôi chính là chứng cứ, tôi đã thấy'."

"Tôi đã thấy..."

"Tất cả chúng ta đều trông thấy nó, A Lam."

Trời đã về tối, Dịch A Lam nói: "Em phải trở về xem Gala Mừng Xuân với bà rồi."

"Anh đưa em đi." Châu Yến An đứng dậy bật đèn.

Dịch A Lam vuốt lại mái tóc lòa xòa: "Không cần đâu, em tự lái xe đến đây."

"Anh lái xe của em đưa em về."

"Vậy anh làm sao về?"

"Anh lái xe của em. Khi nào em muốn về, anh lại tới đón."

Trên đường không nhiều xe cộ, Châu Yến An lái xe rất ổn định, nhanh chóng và đều đặn băng qua những con phố đã vắng vẻ đi nhiều so với mọi khi.

Nhìn khung cảnh rạng rỡ lần lượt lướt qua, Dịch A Lam bỗng hỏi: "Còn chúng mình thì sao?"

"Sao gì em?"

"Chúng mình sẽ trở thành như thế nào trong tương lai?"

"Vâng theo ông trời, đừng ép buộc chính mình, A Lam." Châu Yến An nói. "Như bây giờ đã là rất tốt."

Họ không nói gì nữa, tận đến khi chiếc xe đi vào bãi đỗ ngầm của ký túc xá nhân viên trong Bệnh viện Quân khu.

Dịch A Lam tháo dây an toàn, nhưng mãi không xuống xe. Y lặng nhìn kính chắn gió phía trước, nom như báo cáo kiểm tra chất lượng dán trên đó rất đỗi thú vị. Bẵng đi thật lâu, và như một tay cờ bạc điệu nghệ, y đẩy tất cả con chip vào giữa bàn: "Anh muốn lên ngồi một lát không?"

Châu Yến An nhìn y, vẻ dịu dàng: "Không được rồi, anh cũng phải về xem Gala Mừng Xuân. Đội trưởng Trịnh Đạc đang ở khán phòng Gala hôm nay, hắn dặn anh nhớ phải xem TV. Nếu camera bắt được Trịnh Đạc, anh phải giúp hắn chụp lại từng khoảnh khắc, để hắn còn đi khè với đám đồng đội cũ."

"Thật sao?" Dịch A Lam cười khan. "Chắc tổ chức cấp cho anh ta phúc lợi năm mới."

"Chắc thế."

"Vậy sao anh không đi?"

"Nói theo kiểu Trịnh Đạc thì, tổ chức thấy anh quá điển trai, e ngại camera chỉ luôn hướng về anh. Đến lúc đó người dân cả nước biết mặt, anh khỏi đi làm nhiệm vụ luôn."

Nghe đến đây, Dịch A Lam đực mặt ngỡ ngàng, rồi không khỏi bật cười. Trông Châu Yến An mặt mày nghiêm trang thế kia, quả thật chẳng phân biệt được anh đang nói thật hay là pha trò.

"Em lên đi." Châu Yến An nhìn đồng hồ. "Sáng mồng Hai anh đến đón em nhé."

Dịch A Lam gật đầu. Y xuống xe, vào thang máy, đi lên lầu rồi về nhà, làm một mạch hết tất cả.

Y thở ra một hơi, chào hỏi mẹ và bà rồi đi thẳng ra ban công.

Khoảng chừng mấy phút sau, y gửi tin nhắn cho Châu Yến An: Anh chưa đi nữa à?

Châu Yến An: Sao em biết?

Dịch A Lam: Từ ban công nhà em, có thể nhìn thấy lối ra bãi đỗ xe.

Châu Yến An: Anh đi ngay đây. Lái nhiều máy bay chiến đấu quá, bây giờ anh không rành lắm về kiểu xe phổ biến của em. Anh suýt thì không biết khởi động máy ở đâu.

Dịch A Lam: Tổ công tác cấp tạm cho em đấy, em cũng thấy chiếc này khó lái. Em đây xin giơ hai tay ủng hộ anh góp ý với tổ trưởng La đó.

Chốc lát sau, Dịch A Lam trông thấy ánh đèn pha lóe lên từ mặt đất.

Nhạc Khê Minh đi tới: "Con đang nhìn gì thế?"



Dịch A Lam nói: "Trên đường về, con thấy có người đốt pháo hoa."

Kể từ khi công nghệ sản xuất pháo hoa được nâng cấp để giảm ô nhiễm không khí, lệnh cấm pháo hoa của chính phủ đã được nới lỏng đi nhiều.

Nhạc Khê Minh nói: "Con muốn chơi sao?"

"Con không còn nhỏ nữa, mẹ ạ."

Nhạc Khê Minh cười nhẹ: "Bà nội mua cho con rất nhiều pháo hoa, đặt ở bên kia kìa."

Dịch A Lam chợt nhận ra, rằng ký ức của bà nội về y chừng như đã dừng lại trong quãng thời gian thời thơ ấu. Những gì y thích ăn, thích uống hay thích chơi đều là trước khi biến cố xảy ra, là lúc bà và gia đình y hãy còn thường xuyên quây quần bên nhau.

Dịch A Lam không đành lòng nhìn bà nội thất vọng... Tim bỗng lệch nhịp, dưới ánh mắt trìu mến của cụ, y ôm bó pháo hoa ra ngoài: "Bà ơi, bà và mẹ đứng nhìn từ ban công nha. Đứng nơi cao mới dễ thấy, pháo hoa trông cũng đẹp hơn."

Vừa bước xuống lầu, Dịch A Lam đã vội lấy điện thoại liên lạc với Châu Yến An: "Anh đến đâu rồi? Rẽ phải ở ngã tư đầu tiên chưa?"

"Chưa, anh chưa tới đó."

"Vậy anh tìm chỗ nào đỗ xe đi; sau đó xuống xe, quay người nhìn về hướng nhà em."

Trải pháo hoa thành hàng dưới sân, Dịch A Lam đốt hết tất cả trong một lượt.

Muôn hồng nghìn tía rực nở, thoáng qua rồi lại đến, từng lớp từng lớp tô điểm cho bầu trời hiu quạnh đêm nay.



Giữa âm thanh đì đùng, Dịch A Lam gửi một tin nhắn thoại cho Châu Yến An: "Anh có thấy không? Pháo hoa đó, em đốt chúng tặng anh. Chúc anh năm mới vui vẻ bình an!"

"Anh thấy rồi. Chúc em năm mới hạnh phúc."

"Em yêu anh."

"Anh cũng yêu em."

Dịch A Lam ngước mắt nhìn pháo hoa trên cao. Y biết Châu Yến An đang xem, mẹ và bà của y cũng đang xem.

Giờ khắc này, y tuồng như trông thấy thông điệp mà vận mệnh gửi đến, rằng cả đời y rồi sẽ giống như giờ khắc này. Y sẽ luôn rực nở trong niềm hạnh phúc cùng với người y yêu và người yêu y.

Chỉ là họ sẽ bị ngăn cách bởi một bóng tối không thể bắc cầu.

Một bóng tối mà khiến họ vĩnh viễn không nhìn thấy nhau.

;

[1] Trích lời bài hát Gọi Mưa của ca sĩ Trung Quân.

[2] Trích lời bài hát Bài này chill phết của Đen Vâu ft. MIN.

Khéo thế nào mà hai phần trên đều có nội dung gần giống với mấy câu trong lyric, vì thế mình mượn lời bài hát để đưa vào đây ạ.