Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 65: Trong Làn Nước Lạnh



Loanh quanh mãi vẫn chẳng thể rời khỏi, bỗng nhiên có người hô lên rằng đằng sau đã nghe tiếng vó ngựa, quân Nguyên đuổi tới rồi.

Tôi không sợ quân Nguyên đuổi tới, tôi chỉ sợ lòng quân bất ổn. Trong lòng tôi âm thầm hạ quyết tâm, nếu như tìm đường không được vậy cứ đi thẳng. Tôi thúc ngựa chạy, chị Anh Nguyên cũng hiểu ý tôi từ đằng sau đôn đốc quân lính, càng chạy, ngọn lửa phía sau đã ùn ùn cháy lên tới đỉnh đầu.

Áo tôi đã ướt đẫm, tôi không biết là do sương đêm hay mồ hôi, suốt đêm không ngủ làm tinh thần có hơi hoảng loạn. Tôi mệt mỏi và đoàn quân của tôi cũng rã rời.

Ánh mặt trời ló dạng đằng đông, từ đối diện tôi đã nghe thấy tiếng người ngựa, tôi theo phản xạ tự nhiên định quay đầu. Nhưng từ xa đã thấy lấp ló lá cờ thêu sáu chữ vàng, trong lòng như một mảnh đất khô hạn đón được cơn mưa đầu mùa tưới mát. Tôi hô lên với ba quân:

"Tìm được đường ra rồi, Hoài Văn Hầu đến cứu viện chúng ta rồi!"

Toàn quân lại một lần nữa nhốn nháo, nhưng lần này họ hò reo vui mừng. Tôi sững trên ngựa nhìn Trần Quốc Toản và năm trăm quân của cậu ta lục tục kéo tới, nụ cười đã lâu không xuất hiện bỗng nở trên môi.

Trần Quốc Toản từ đối diện hét lên với tôi:

"Cười ngốc làm gì? Lửa đã cháy đến mông ngựa rồi!"

Tôi gấp rút tiến quân theo đường đã được Quốc Toản đánh dấu, an toàn đưa toàn quân thoát khỏi khu rừng già. Lúc này ánh bình minh đã bao trùm vạn vật, tôi ngoảnh đầu lại chỉ thấy cột khói bốc lên ngùn ngụt, chỉ sợ mình chậm trễ một khắc thì tất cả đã chôn thây trong biển lửa rồi.

Lúc này điều tôi muốn nhất chính là xuống ngựa cúi đầu nói cảm ơn với Trần Quốc Toản, nhưng có vẻ cậu ta cũng biết điều đó nên vừa ra khỏi rừng đã nghênh mặt nhìn tôi, kiêu ngạo nói:

"Không cần cảm ơn, tôi xót cho Hoài Văn quân thôi!"



Tôi bèn ném ý nghĩ đó ra sau đầu.

Lần này Quốc Toản sở dĩ tìm được chúng tôi là vì đội quân của cha tôi đã rút ổn thỏa về Vạn Kiếp đang chống chọi với thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy, vừa đánh vừa rút lên thuyền về kinh thành trấn giữ, nhưng rốt cuộc lại phát hiện ra thiếu đi năm vạn quân do tôi và chị Anh Nguyên chỉ huy rút lui.

Cũng may nhờ đám cháy mà Trần Quốc Toản tìm được tôi, nếu không tôi không bị quân Nguyên giết chết thì cũng sẽ bị bỏ lại nơi này.

Còn mấy chuyến thuyền cuối, tôi đứng nhìn ba quân đã yên ổn lên thuyền mới theo thuyền nhỏ ra giữa dòng được quân binh kéo lên thuyền chiến. Nhưng chưa ra được đó đã nghe tiếng ngựa hí vang trên bờ, tôi thoáng nhìn ra sau thì thấy Thoát Hoan một thân chiến bào đẫm máu ngồi trên ngựa chau mày nhìn tôi.

Một mũi tên sượt qua vai anh ta lao về phía tôi, nhanh và chuẩn xác đến độ tôi chẳng kịp phản ứng thì trên bả vai đã nhói lên một cái rơi ùm xuống lòng sông. Bên tai chỉ nghe tiếng Trần Quốc Toản, chị Anh Nguyên, tiếng thảng thốt của ba quân tướng sĩ cùng ánh mắt hoảng loạn của Thoát Hoan.

Nước xộc vào khoang mũi, làn nước lạnh mùa xuân khiến cả người tôi như tê cóng. Dù biết bơi nhưng tôi chẳng thể nào bơi nỗi bởi sự ê ẩm lan ra khắp người. Lúc này tôi chỉ hi vọng Quốc Toản giữ chặt chị Anh Nguyên một chút, đừng để chị ta làm ẩu mà nhảy xuống đây.

Xung quanh đã nghe nhiều tiếng nhảy ùm xuống nước, có lẽ quân binh cũng phản ứng kịp, cử người thi nhau nhảy xuống cứu tôi rồi.

Tôi bỗng thấy Thoát Hoan mơ hồ dưới dòng nước lạnh đang bơi nhanh về phía tôi, tôi cứ tưởng những con ngựa Mông Cổ như anh ta là những con vịt cạn chứ, ai ngờ bơi cũng thật cừ khôi. Sự mơ hồ đó giống như những giấc mơ ngày trước tôi từng mơ qua, gương mặt Thoát Hoan như thực như ảo, vừa đẹp tựa thần tiên, vừa đáng sợ như loài thủy quái.

Nhưng tôi không nhìn được anh ta lâu, bởi hơi thở của tôi dần mất đi, sự đau đớn nơi bả vai khiến tôi không thể làm gì được mà dần rơi vào giấc ngủ.

Nhưng tôi vẫn biết phía sau mình có một bàn tay mạnh mẽ kéo tôi lại, nhanh như cắt đưa tôi ngược về phía sau. Mà Thoát Hoan cũng dần mất hút trong làn nước, có lẽ anh ta cũng được binh lính kéo lên bờ rồi.

Lúc tôi tỉnh lại đã thấy mặt sông loang loáng ánh lửa, tên bắn như mưa, còn tôi thì đang tựa trong lòng Trần Khâm trên thuyền chiến. Trong lòng tôi như mở hội, mới vừa xa cách non nửa tháng mà cứ ngỡ là ba thu.

Trần Khâm ôm lấy tôi, hiếm hoi để lộ ra vẻ xót xa, nói:

"Tôi không biết em lại thích nước như vậy! Cũng may Phạm Hữu Thế còn thích nước hơn em!"

Tôi hừ một tiếng, thì ra là Phạm Hữu Thế Yết Kiêu, gia tướng của cha tôi. Trên khắp gầm trời cuối đất này có ai bơi lội qua anh ta được chứ.

Tôi ngồi trong khoang thuyền được chắn bởi lớp lớp thủy binh. Từ chỗ tôi nhìn ra chỉ thấy một vùng trời rực lên màu đỏ, những mũi tên tẩm lửa bắn ra như mưa từ hai bên. Đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi cũng đã đuổi tới, tiếng chém giết vang lên khắp cả mặt sông.

Tôi chồm người ngồi dậy nhưng bị Trần Khâm ấn xuống khiến bả vai tôi đau nhói. Anh ta có vẻ vẫn điềm tĩnh trước tình huống hiện tại, trấn an tôi:



"Em cứ ngồi đây xem lấy kinh nghiệm cho trận chiến kế tiếp."

Tôi định phản bác thì thấy thuyền chiến của quân Thát có một chiếc đang rung lắc dữ dội. Tôi chồm người lên xem thì quả nhiên thấy quân địch nháo nhào tháo chạy sang thuyền khác, còn con thuyền đó thì đang chìm dần. Tôi lại ngạc nhiên nhìn Trần Khâm, anh ta đắc ý nói:

"Nếu nói về trên bộ thì quân Thát đúng là chiếm ưu thế, nhưng nói về dưới nước thì chúng làm gì có khả năng bì kịp với người Việt quanh năm sống vùng sông nước như ta!"

Tôi biết họ Trần xuất thân từ nghề chài lưới, lại kích động hỏi:

"Nếu vậy sao chúng ta không phản công tại đây, thừa thắng xông lên nhỉ?"

Trần Khâm lắc đầu nói:

"Nói em ngốc thì em không chịu, thợ lặn chúng ta không có nhiều, trong vài ngày mà đã tử thương không ít. Hiện giờ chỉ cố giữ lợi thế này để đưa toàn quân về kinh trấn giữ mà thôi, không dùng lâu dài được."

Tôi hiểu ra, đúng là bọn này đông đến nỗi đánh mãi không biết mệt, ngoài kia tuy thuyền đã đắm một vài chiếc nhưng mưa tên vẫn cứ bắn không ngớt sang đây. Bộ binh của Thoát Hoan chắc cũng đang rục rịch bắt cầu phao kéo về kinh thành, quân ta càng chần chừ bọn chúng sẽ càng có cơ hội đánh nhanh thắng nhanh.

Trần Khâm kể với tôi trong mấy ngày này tướng Nguyên là Ô Mã Nhi bất ngờ tập kích vào thuyền chiến của quân ta. Rõ ràng bọn chúng chỉ kéo qua bằng kỵ binh nhưng chỉ trong vài ngày ngắn ngủi mà đã trang bị được thuyền chiến, đủ hiểu rằng việc lúng túng khi gặp phải địa hình của nước ta chỉ là lúc đầu, bọn chúng sẽ rất dễ dàng để phá giải. Thế nên dù đã giết được tướng Nghê Nhuận, Trần Khâm vẫn cho lui quân về kinh.

Tôi nhìn thuyền chiến của ta càng ngày càng xa quân Thát, thầm nghĩ có lẽ đã an toàn rút quân được toàn bộ rồi, trong lòng nhẹ nhõm không ít. Nghĩ thế rồi chìm vào mê man, thôi thì thừa lúc tạm thời sóng yên biển lặng chợp mắt một chút, cả mấy đêm không được ngủ ngon giấc rồi.

Tôi ngủ một giấc dài đến khi thuyền đã về tới Thăng Long, lúc tỉnh lại thì mới hay tin Trần Khâm đã đi lập các chiến lũy bằng gỗ ở bờ Bắc sông Nhị Hà nghênh chiến, mà bọn chúng cũng đã ráo riết đuổi tới kinh thành.

Hóa ra trong lúc tôi ngủ mê man không biết gì thì Thoát Hoan đã lần lượt chia quân thành hai cánh, trên đường truy đuổi chúng tôi đã chiếm được châu Gia Lâm, một cánh quân khác cũng chiếm được lộ Bắc Giang và không ngừng áp sát phía bờ kia sông Nhị Hà, thế như chẻ tre.

Tôi choàng người ngồi dậy trong doanh trướng bởi tiếng đùng đoàng vang dội cả đất trời, vội mặc giáp lên ngựa phi về phía chiến lũy sông Nhị Hà. Đến nơi quả nhiên thấy Trần Khâm đang trực tiếp chỉ huy Thánh Dực quân dùng súng bắn đá bắn về phía bờ bên kia sông.

Nếu như tôi đoán không lầm thì hiện tại Thoát Hoan đã đuổi kịp và đóng quân phía đó, nếu vậy Trần Khâm tấn công sang đó để chặn Thoát Hoan bắc cầu phao sang hay sao, hay chỉ đơn giản thách thức thôi?

Đang đứng bần thần thì thấy Trần Thì Kiến cưỡi ngựa lướt qua, một thời gian không gặp trông anh ta vô cùng nhếch nhác, râu ria thì đã mọc lúng phúng trên gương mặt điển trai. Trần Thì Kiến có vẻ không nhìn thấy tôi, xuống ngựa bước về phía Trần Khâm ở bến sông, tôi thấy vậy cũng đuổi theo anh ta đi về hướng đó hóng chuyện.

Trần Thì Kiến quỳ xuống trước mặt Trần Khâm, tâu rằng:



"Thưa quan gia, trong thành ngoài thành đều đã thu xếp ổn thỏa không còn một hạt bụi. Đảm bảo cho bọn chúng một bất ngờ lớn!"

Tôi ngớ ra, thì ra trong lúc tôi loay hoay ở chiến trường thì ở kinh thành Trần Thì Kiến đã cho thu dọn tất cả mọi thứ có thể dùng được. Tôi nhớ trước đây có lần nghe cha tôi kể lại về kế "vườn không nhà trống" trong cuộc chiến giữ thành vào hai mươi bảy năm trước do Tiên đế và Thượng hoàng chỉ huy đã cô lập và triệt tiêu ý đồ xâm chiếm nước ta năm đó, nhưng hiện tại đã qua một lần mắc bẫy liệu chúng có chủ quan nữa hay không?

Trần Khâm gật đầu, lại nói với Trần Thì Kiến:

"Vậy báo với Quốc công sắp xếp đưa toàn quân rời khỏi trong đêm nay!"

Đợi Trần Thì Kiến đi khuất tôi mới nhanh chân bước lại gần. Trần Khâm nhìn thấy tôi thì tiến về hướng tôi vài bước, lấy áo choàng đang mặc khoác lên vai tôi:

"Gió sông thổi lạnh, sao em không ở trong lều nghỉ ngơi đi?"

"Nghe tiếng đá nổ không ngủ được." – Tôi buồn rầu nói.

Vết thương trên vai tôi vẫn còn đau âm ỉ, vai trái này của tôi trước giờ không ít lần quấn vải trắng, đến mức bộ dạng này nhìn mãi cũng thành quen.

Lúc này Trần Khâm giống như hiểu được tâm sự của tôi, trầm ngâm:

"Vờ tấn công chỉ để qua mặt chúng, thật ra đánh trực diện không được. Nếu cứ im lặng mà đi chúng sẽ nghi ngờ."

Tôi biết Trần Khâm định bụng sẽ âm thầm đưa quân rời thành trong đêm tối để dụ Thoát Hoan vào nơi cung thất nhẵn không, đến lúc ấy bọn chúng sẽ vừa mất phương hướng vừa khủng hoảng do không tìm được lương thực trong thành, ắt rơi vào bế tắc. Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, kế hoạch này liệu có qua được con mắt tinh ranh của Thoát Hoan hay không, hắn ta cũng không phải kẻ chỉ có cái vỏ rỗng.