Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 13: Hồng hạnh khai hoa



Trần Khâm nghe tôi nói thế thì ánh mắt lóe lên tia giận dỗi, anh ta lại gần tôi, vẻ mặt đang tươi cười lập tức trở nên vô cùng bực dọc, kề tai tôi nhỏ giọng nói:

- Em của em quyến rũ ta, em lại tính nhường ta cho ả hay sao?

- Nếu anh thích ả thì tôi sẽ nhường! – Tôi bật cười thành tiếng.

Trần Khâm xiết lấy eo tôi, nghiến răng:

- Ai nói là ta thích?

- Ồ, nếu vậy thì tôi phải làm đến nơi đến chốn rồi! – Tôi nói.

Tô Kim Lan lần này cũng thật sự xui xẻo, ả ta định nhân lúc Trần Khâm say xỉn không làm chủ bản thân được mà ra tay, lại không ngờ Trần Khâm chẳng phải một kẻ đơn giản. Trong hậu cung của anh ta muôn hồng nghìn tía mà chẳng ai quyến rũ được anh ta thì nói gì là một đóa hoa dại nơi vùng thôn quê này.

Đợi khi quan khách đã tản về hết, hai kẻ bị hại bọn tôi cũng theo cha tôi ra sảnh lớn thưa chuyện. Lần này cha và Lâm thị vẫn ngồi trên sập, tôi và Trần Khâm vẫn đứng một bên, nhưng Tô Kim Lan lại phải quỳ dưới đất. Tô Kim Lan đã mặc lại quần áo đàng hoàng, ngồi đó khóc lóc tỉ tê.

Tôi nghe Trần Khâm kể lại, lúc anh ta trở về phòng, thì Tô Kim Lan đã ăn mặc hở hênh như vậy nằm sẵn trên giường rồi. Nhưng đáng tiếc là Trần Khâm cũng chẳng phải là say thật, anh ta vừa bước vào đã xách ả ta ra ngoài rồi hô hoán lên, nhờ thế tôi và đám họ hàng trên sảnh lớn mới biết chuyện. Trần Khâm này cũng thật tuyệt tình.

Cha tôi thấy Tô Kim Lan cứ khóc rưng rức như vậy cũng khó chịu, liền lựa lời nói với tôi:

- Linh Lan à, cha biết em con ngu dại làm ra chuyện tày trời. Thôi thì chuyện cũng đã rồi, danh dự của nó cũng mất, hay là con rộng lượng bỏ qua, cho nó về làm lẽ được không?

Ôi nghĩ đông nghĩ tây, cũng không ngờ cha tôi lại quyết định như vậy. Tôi đứng đó bật cười thành tiếng, cười xong lại thấy xót xa, đây thật sự là người thân của mình đây sao? Không, sợ là chỉ có mỗi riêng tôi không phải con ông ấy.

Trần Khâm vội cướp lời tôi, nhếch môi trào phúng:

- Ả mà xứng sao?

Tôi giơ tay ra cản Trần Khâm, cười cười nhìn ông ấy:

- Cha không thấy mình quá thiên vị sao cha, vì đứa con gái út hồ đồ của cha mà muốn tước luôn hạnh phúc của một đứa con gái cha không thương. Cha nói đi, con không phải con ruột của cha đúng không?

Cha tôi bị khựng lại một chút, nhưng ông ấy chưa kịp nói thì Lâm thị đã lên tiếng trước:

- Cái gì mà không xứng, một kẻ buôn bán nghèo hèn như mi được lấy cả hai người con gái của tri phủ này thì quá hời rồi, mi còn muốn được voi đòi tiên hay sao? Chỉ vì nó ngu muội nên mới hạ thấp mình gả cho mi, nếu không với thân phận nó thì phải làm bà hoàng bà chúa còn xứng!

Tôi nhìn Trần Khâm thấy anh ta cũng rất bực bội rồi, ai đời một vị vua mà lại phải đứng đây cãi tay đôi như phường chợ búa. Tôi thật tình rất muốn đi ngay lập tức, nhưng nhìn sắc trời cũng không còn sớm nữa, nên nói rằng:

- Ngày mai bọn con sẽ trở về, chuyện này chấm dứt ở đây đi.

Nói rồi cùng Trần Khâm ngoảnh mặt đi, bỏ lại ba người một nhà tự mình khó xử. Hôm nay nói rõ được hết những lời trong lòng, đột nhiên cảm thấy vô cùng thoải mái, cũng bởi tôi thật sự nghĩ là mình không phải con ruột của cha cũng từ lâu lắm rồi. Hổ dữ không ăn thịt con, không một người cha nào năm lần bảy lượt đối xử với con mình như thế cả.

Tôi hầu Trần Khâm đi ngủ, anh ta kéo tôi nằm lên ngực mình, thỏ thẻ:

- Ta không ngờ người thân của em lại đối xử với em như vậy.

- Không sao, tôi cũng sớm quen rồi.

Trần Khâm nghe tôi nói thế bỗng lật người, tôi nằm bên dưới nhìn thấy chóp mũi anh ta vút cao cách mình chưa tới một gang tay, ánh mắt anh ta nhìn tôi lúc nào cũng dịu dàng đến mức khiến cả người tôi mềm nhũn.

- Lúc trưa Tô Kim Lan sử dụng mê hương với ta, ta vốn đã nghĩ đó là em. Nhưng bình tĩnh lại một chút cảm giác em sẽ không bao giờ chủ động với ta như vậy, ta liền đá ả ra ngoài, quả nhiên là một kẻ giả mạo.

Tôi đỏ mặt ngoảnh sang một bên, ấp úng nói:

- Thế thì may quá, nếu tôi thật sự muốn chủ động với anh thì giống như tự đào hố chôn mình rồi.

Trần Khâm nghe tôi nói thế thì cười gian trá, anh ta càng sát lại gần tôi, thì thầm vào tai tôi:

- Vậy là em muốn chủ động với ta sao?

Tôi định phản bác thì đôi môi ấm mềm mại của anh ta đã phủ lên môi tôi, cảm giác chân thật đến ngỡ ngàng. Môi của Trần Khâm lành lạnh, xoa dịu từng luồn cảm xúc nóng hổi trong tôi. Trong đầu tôi lúc này chỉ thấy trống rỗng, từng tấc da thịt trên người dần dần tê dại như ngàn con kiến bò qua.

Nhưng mà tôi...lúc này tôi lại không hề có ý nghĩ sẽ đẩy anh ta ra, là vì tôi biết anh ta là chồng tôi, hay vì tôi thật sự đã chấp nhận, đã yêu anh ta rồi? Tôi mạnh dạn choàng tay qua cổ Trần Khâm, cả người anh ta cũng run lên nhè nhẹ, giống như chính anh ta cũng không tin tôi sẽ chấp nhận mình vậy.

Đôi môi của Trần Khâm bỗng rời khỏi tôi, anh hỏi:

- Linh Lan, ta yêu em!

Tôi nhìn vào mắt anh, nhỏ giọng nói:

- Ừm, tôi biết!

- Còn em, em có yêu ta không?

Tôi mỉm cười, khẽ ngân nga:

"Thụy khởi khải song phi,

Bất tri Xuân dĩ quy.

Nhất song bạch hồ điệp,

Phách phách sấn hoa phi"

Đó là bài thơ lần ấy Trần Khâm viết cho tôi, ấy vậy mà tôi lại thuộc lòng lúc nào chẳng biết. Sau khi nghe tôi đọc, ánh mắt Trần Khâm sáng lấp lánh như một vì sao, ánh mắt ấy như một ngọn thiên đăng trong đêm đen mù mịt soi tỏ cho tôi trong suốt những năm tháng sau này.

Tôi nghĩ rằng, chuyện gì nên đến trước sau cũng sẽ đến, thay vì cứ phập phồng lo sợ, tại sao lại không sống thật với bản thân mình. Hôm nay tôi chấp nhận làm vợ của Trần Khâm, sẽ ở bên cạnh anh ta hết lòng hết dạ. Đó là lời tuyên thệ của tôi với bản thân mình, cũng như lời hứa của tôi với Trần Khâm.

Tối qua trời mưa, sen chắc cũng bắt đầu nở rộ rồi. Tôi bỗng nhớ tới hồ sen trong cung Quan Triều, cảm thấy vị đắng của trà sen cũng không đến nỗi nào, bèn nói:

- Lúc về em ướp trà sen cho anh nhé!

Trần Khâm gật đầu trìu mến nhìn tôi.

Tôi mở cửa hít thở không khí thanh sạch bên ngoài, sau một trận mưa vạn vật như sinh sôi nảy nở. Trần Khâm hôm nay tinh thần tốt hơn hẳn bình thường, còn tôi, hôm nay cũng cảm giác có gì đó khác biệt.

Hóa ra bản thân mình cũng đã trở thành một người phụ nữ thực thụ rồi. Nghĩ đến đó lại bất giác đỏ mặt, khi cơ thể trần trụi đầy những vết sẹo trên người tôi phô bày ra trước mặt anh, anh đã vô cùng trân trọng nó.

Hôm nay trở về kinh thành, nên bọn tôi dậy rất sớm để chuẩn bị, lại không ngờ vừa bước chân ra cửa thì Lâm thị đã dẫn người xộc vào, bà ta vừa gặp tôi đã bật cười, hùng hổ nói:

- Các ngươi định ăn trộm xong rồi trốn hả?

Tôi có chút bất ngờ nhìn Lâm thị, phía sau cha tôi đã được gia nô dẫn đường đi tới, vẻ mặt thâm trầm. Ồ, cái này là lạt mềm buộc chặt không được nên quyết tâm làm tới mức cá chết lưới rách luôn hay sao?

Cha tôi bước tới đối diện tôi, trầm giọng nói:

- Miếng ngọc đó ở đâu, con mau giao nó ra, ta sẽ xử nhẹ tội.

Trần Khâm bước lên chắn trước mặt tôi, nhìn thẳng vào mắt cha tôi, thách thức:

- Hôm nay đúng lúc muốn xem quan tri phủ xử án này như thế nào.

Cha tôi cũng không hề yếu thế, liền cho người lục soát. Tôi đứng một bên xem kịch, cảm thấy vở kịch cha vợ và con rể choảng nhau cũng rất là thú vị đó chứ. Nhưng không ngờ được, chốc lát sau thật sự lôi ra được một miếng ngọc hòa điền từ trong phòng của tôi. Lần này đúng là hết chối, miếng ngọc này dù có dùng đầu gối cũng biết được là do ngày hôm qua Tô Kim Lan lén lút bỏ vào phòng tôi rồi, chỉ có ả là người duy nhất bước chân vào đây.



Lâm thị giống như chỉ đợi có thế, vội nhảy vào mắng sa sả:

- Hừ, ta biết ngay mà, vội vội vàng vàng rời khỏi thì chắc chắn có điều khuất tất, nay bắt tận tay day tận mặt rồi xem mi còn chối đường nào. Đúng là phường gian thương đầu trộm đuôi cướp.

Tôi ngẩng mặt nhìn Lâm thị, hỏi:

- Chỉ là một miếng ngọc, giá trị cỡ nào chứ? Tại sao tôi phải ăn trộm?

Lúc này cha tôi mới cười mỉa mai, bảo rằng:

- Miếng ngọc này giá trị liên thành, là Ngọc Lan gửi về cho ta từ kinh thành, duy nhất một miếng chứ không có miếng thứ hai, trên mặt khắc ấn của vua thì ngươi làm sao mà có được. Bây đâu, bắt hai đứa nó lại cho ta.

- Ai dám? – Trần Khâm cười một tiếng, gằn giọng nói. Quanh người anh ta tỏa ra khí thế bức người, loại khí thế cao sang hiển quý của một bậc đế vương. Mấy hôm nay anh mặc thường phục, ở cùng tôi trong Tô phủ này, làm tôi suýt chút nữa thì quên anh ta là Hiếu hoàng của Đại Việt.

Cha tôi lúc này đã giận đến mờ mắt, ngạo mạn nói:

- Sao lại không dám, ngươi không biết ta là ai hay sao?

Trần Khâm bước lại gần nhìn ông, từ trên nhìn xuống như nhìn một kẻ thấp hèn. Bình thường vóc dáng anh ta đã rất cao ráo, hiện tại lại còn dùng ánh mắt như bề trên nhìn xuống, giống như trên đời này không ai xứng nói chuyện với anh ta cả, khiến tôi cũng bất giác hơi run. Anh ta nhếch mày, cười như không cười bảo:

- Ta đương nhiên biết ngươi là ai. Nhưng liệu ngươi có biết ta là ai không?

Anh ta nói xong, liền lấy trong túi ra một miếng ngọc, quẳng xuống dưới chân. Cha tôi hốt hoảng nhặt lên, không tin được ngước lên nhìn Trần Khâm lắp bắp:

- Đây nhất định là đồ giả, làm sao ngươi có...

Trần Khâm xem thường liếc mắt nhìn ông ta:

- Chẳng phải ngươi nói bên trên khắc ấn của vua nên không ai có được hay sao, thứ này trong cung Quan Triều của ta không ít, cần thì ngày mai ta sai người đem đến cho ngươi so, sẵn tiện so xem mạng ta với ngươi là ai lớn hơn.

Lâm thị phản ứng rất nhanh vội quỳ sụp xuống, khóc lóc:

- Bệ hạ tha tội, là cả nhà tôi có mắt không tròng, bệ hạ hãy nể tình Ngọc Lan và Tô Bình tận tụy vì người mà tha tội cho cả nhà tôi, là chúng tôi có mắt không thấy Thái Sơn...

Trần Khâm lạnh lùng quay đi, lạnh giọng:

- Đừng nhắc hai kẻ phản phúc đó trước mặt ta nữa, chúng đều mắc tội chết hết rồi!

Trần Khâm nói xong câu đó, cha tôi bỗng dưng hộc máu. Tôi hốt hoảng đỡ ông, không lẽ chỉ vì mấy câu nói của Trần Khâm mà ông sợ quá nên chịu không nổi hay sao? Nhưng không lâu sau, kể cả Lâm thị cũng hộc máu chết tức tưởi. Không phải, dấu hiệu này lẽ nào là...

- Trúng độc mà chết! – Trần Khâm nghiến răng nói.

Tôi nhìn cha hấp hối trong tay mình, nước mắt bất giác trào ra, cho dù ông đối xử với tôi lạnh nhạt bất công thế nào đi nữa thì vẫn là cha tôi, một ngày làm cha cả đời làm cha, công lao nuôi dưỡng lớn hơn trời biển. Cha tôi giơ tay lên mặt tôi, giọng yếu ớt đứt quãng, ông nói:

- Cha xin lỗi...đúng ra ta nên nói với con sớm hơn...thật ra...thật ra con không phải là con ruột của ta...mẹ con thấy con trên người đầy thương tích...sợ người ta giết con nên dặn ta không được nói...nhưng ta sắp chết rồi...ta sợ...

Ông nói xong thì bỏ tôi đi thật, lúc này tôi mới như thông tỏ mọi chuyện, hóa ra chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó cả. Giống như khi cha mẹ đối xử với mình không tốt, đừng vội buồn phiền, hãy tìm hiểu xem đó có phải là cha mẹ ruột của mình không đã, biết đâu thật sự là không phải thì sao.

Tôi nhìn Trần Khâm, miệng cười nhưng nước mắt không ngừng rơi, thì ra đây mới là đáp án mà tôi muốn đi tìm. Nay tìm được rồi, trong lòng thấy nhẹ nhõm, nhưng cũng thật thương tâm.

Ngay hôm đó Trần Khâm cho người khám nghiệm thì biết được cha tôi và Lâm thị lại bị trúng một loại độc lạ. Tôi nhớ đến Trịnh Giác Duy hôm nọ cũng trúng độc của người Nguyên, mơ hồ đoán ra được. Nếu như có Trần Nhật Duật ở đây chắc anh ta sẽ biết rõ hơn, nhưng tôi không biết họ giết chết cha tôi và Lâm thị vì lý do gì.

Dù sao hết tình nhưng còn nghĩa, tôi chôn cất cha và Lâm thị, Tô Kim Lan nay cũng đã phát điên gửi về cho họ hàng. Từ nay Tô Linh Lan ở Bí Giang xem như không còn nữa. Những hận thù ân oán cứ để gió cuốn đi.

Trần Khâm đánh xe ngựa trở về, bỗng nhiên hỏi tôi:

- Vậy sao này gọi em là Linh Lan hay là Tĩnh?

Tôi bật cười:

- Em cũng không chắc mình có phải Tĩnh hay không, dù sao lúc chị Tĩnh mất tích khi đã tám tuổi, mà với độ tuổi đó thì đã nhớ được rất rõ ràng rồi, trong khi em chẳng nhớ được gì cả.

Trần Khâm nói:

- Có lẽ do lần đó rơi xuống chân núi Yên tử nên chưa hồi phục lại hoàn toàn. Ta vừa hi vọng em là Tĩnh, lại vừa không hi vọng. Em là ai cũng được cả, dù sao ta thích em là vì đêm ở Vạn Kiếp, dù bất cứ lý do gì thì hiện tại người ta thích là gương mặt này, tính cách này, em không cần phải suy nghĩ sâu xa làm gì cả.

Ôi tên này lại bắt đầu dẻo miệng nữa rồi.

Tôi trở về Quân Hoa cung, lúc trước nơi đây tràn ngập tiếng cười nhưng hiện tại lại cảm thấy có một chút xơ xác thê lương. Lần trước bị cháy đã sửa chữa xong cả, nhưng vì vắng bóng Đan Thanh nên chẳng còn như xưa. Tối đến chị Trinh, nhóc Thuyên, Thanh Vân Thụy Hương, mấy người bọn tôi ăn một bữa cơm sum vầy nhưng lại vắng bóng bệ hạ, bởi kẻ đó hiện tại chắc đang xử lý đống công vụ chất cao như núi ở cung Quan Triều bên kia.

Đêm nay mưa thưa gió dữ, mưa trên mái hiên đổ xuống sân nghe tí tách, tôi lại nằm trằn trọc nghe gió thổi vào khung cửa sổ phì phạch, như một con quái vật đứng đập vào cửa phòng tôi. Một đợt gió lạnh mang theo hơi ẩm từ cửa sổ chính diện phía đông thổi tới, lướt qua tấm màn lụa bên giường rồi lại theo cửa sổ phía tây rời đi. Tôi trở mình, có lẽ đã qua giờ tý, Trần Khâm chắc vẫn đang bận rộn với sự vụ của mình. Nghĩ thế nên lúc nãy tôi đã thổi tắt đèn tất cả.

Trở về cung mới có được một đêm ngủ một mình, cảm thấy thật thoải mái. Màn che trên giường bị gió thổi khẽ bay lên, rồi nhẹ nhàng rơi xuống đung đưa. Trong phòng lành lạnh, thanh thanh, tôi ngáp một cái, mơ mơ màng màng đắm chìm vào giấc ngủ mời gọi.

Trong đêm tối, một thân ảnh cao lớn xuất hiện bên ngoài cửa sổ, bàn tay đè lên cửa sổ một cái, nhảy vào, tiến thẳng đến trước giường tôi. Tôi kinh hoàng la lên một tiếng, người đó đã leo lên giường, bịt lấy miệng tôi, thì thào:

- Là ta!

- Phòng có cửa chính. – Tôi dằn xuống nhịp tim đang đập mạnh, trách cứ.

Trần Khâm ôm tôi cười, giải thích:

- Hôm nay ta bị phạt, lén trốn đến đây đó. Thượng hoàng về tới mấy hôm rồi.

Tôi trầm ngâm, Thượng hoàng ngày thường sẽ ngự tại cung Trùng Quang ở hành cung Thiên Trường, sao lại bất ngờ về đây nhỉ, lại về ngay lúc Trần Khâm không có ở nhà. Tôi chưa từng gặp ngài, nhưng nếu Trần Khâm đã bị phạt thì ngài hẳn cũng nghiêm khắc. Mà anh ta lại bất chấp trốn đến đây, quả là không dễ dàng.

Trần Khâm như biết tôi đang nghĩ gì, anh ta nói:

- Dạo gần đây xảy ra nhiều chuyện, tới tai phụ hoàng rồi. Lúc phụ hoàng tới ta lại không có mặt, ngài rất tức giận, cho là ta ham chơi chốn nhân gian, phạt ta ở Quan Triều cung xem sự vụ liên tục ba ngày.

Tôi bật cười, kẻ như Trần Khâm mà cũng có người làm anh ta sợ. Tôi nhớ dạo trước ở Vạn Kiếp, anh ta không đám đánh lại đám sát thủ, chỉ sợ làm bẩn quần áo của mình khiến cha mẹ trách mắng, làm hại tôi phải ăn mấy nhát kiếm mất đi nửa cái mạng, lần này lại vì tôi mà làm trái ý Thượng hoàng, không biết là phúc hay họa đây.

Tôi đoán Thượng hoàng đã về thì tức là Thái hậu cũng sẽ về, cũng khá lâu rồi từ khi tôi vào cung mới gặp lại người. Quả nhiên mấy hôm sau, thái hậu đã cho gọi mấy người bọn tôi đến chùa Khai Quốc trên hồ Dâm Đàm bái phật. Tuy tôi không cảm thấy mình có duyên với Phật, nhưng trong cái hậu cung này, ngoài tôi ra thì hầu hết đều bái phật cầu kinh, thật làm người ta ảo não.

Chùa Khai Quốc nằm trên một hòn đảo phía đông hồ Dâm Đàm, vì thế bọn tôi phải ngồi thuyền rồng ra đó. Lần trước nhìn thấy Đặng cung phi tại cuộc đấu hổ ở Vọng Lâu, trông chị ta xanh xao yếu ớt, lần này có vẻ được đi chùa bái phật nên hồng hào ra hơn hẳn, như đóa hoa lan bị mưa đêm hôm trước vươn mình đón nắng hôm sau. Ngoài ra cũng chỉ có tôi, chị Trinh, Thanh Vân và vài cung nữ trên thuyền, cùng là vợ vua nhưng không khí phá lệ rất hòa thuận.

Hồ Dâm Đàm này rộng hơn hồ Thủy Tinh tôi hay lui đến không biết bao nhiêu lần mà nói, nhìn về phía đối diện chỉ thấy mênh mông toàn nước với trời, chẳng thấy nỗi bờ bên kia. Ngồi trong thuyền trông ra đã thấy mái ngói lấp ló giữa những hàng cau xanh mướt soi bóng xuống mặt hồ.

Phía trên cửa chùa có ghi ba chữ Phương Tiện môn, hai bên đề câu đối: "Vang tai xe ngựa qua đường tục, Mở mặt non sông đứng cửa thiền".

Trời vẫn còn sớm, mấy người bọn tôi theo sắp xếp của Thái hậu đến chính điện đọc kinh. Lại nói lần này tại sao Thái hậu lại đột nhiên cho gọi tất cả cung phi đến chùa Khai Quốc dù không phải ngày lễ gì đặc biệt, chính là lúc loáng thoáng nghe thái hậu khấn tôi mới hiểu rõ nguyên do. Số là bệ hạ đã trị vì được hai năm, nhưng ngoài Trần Thuyên sinh trước khi lên ngôi ra thì thật sự chẳng còn ai. Cung nhân trước giờ vốn đã ít, lại vừa mất đi hai người, bệ hạ thì vẫn bình thản, nhưng người làm mẹ như Thái hậu lại không thể không lo, vì thế mới gấp gáp trở về xem thử.

Lúc dùng cơm chay với nhau, tôi nghe Thái hậu rầu rĩ nói:

- Một đám người, lại không thể có nỗi trái tim của một người đàn ông hay sao?

Trong lòng tôi cười trộm, bất giác cảm thấy tội lỗi làm sao.

Thanh Vân ngồi bên cạnh tôi bỗng nói:

- Sức khỏe thiếp yếu ớt, quanh năm không ra khỏi cửa, việc này phải nhọc lòng các chị rồi.

Thái hậu vừa chuyển ánh mắt sang Đặng Kiều phi ngồi đối diện tôi thì chị ta đã nói trước:



- Khẩn xin Thái hậu hiểu cho con, trong lòng con đã bén duyên với Phật, dứt nợ trần ai. Dù là kẻ tục nhưng tâm hồn từ lâu đã như kẻ thanh tu, xin thái hậu thương tình cho con trở về với quê hương xứ sở, cứu khổ giúp đời.

Tôi dù không hiểu lắm lời chị ta nói nhưng trong lòng lại cảm động không thôi. Trần Khâm à, tôi không biết là anh trong lúc tùy hứng đã làm chết lòng bao nhiêu cô gái nữa, đúng là nghiệp báo mà.

Thái hậu có vẻ không vui nói:

- Đặng phi thật hồ đồ, còn trẻ tuổi như vậy đã suy nghĩ nông nổi, hãy mau từ bỏ ý niệm đó đi.

Tôi cảm thấy nếu như mình là Thái hậu, nhìn thấy đám người không có tiền đồ này cũng sẽ vô cùng rầu rĩ mà thôi.

Tôi liếc chị Trinh, thấy chị cũng đang khẩn trương.

Nếu nói về Phật pháp, chưa chắc Đặng phi đã qua được chị của tôi. Chị Trinh nhìn ánh mắt vui sướng khi kẻ khác gặp họa của tôi thì cười bảo:

- Mẹ không cần lo lắng, em Tĩnh đã vào cung thì mẹ còn suy nghĩ gì chuyện này nữa ạ? Chắc người không biết bệ hạ vừa mới đưa em ấy đi thăm thú nhân gian, tin là tin vui sẽ nhanh đến thôi ạ!

Ôi chị của em thật là biết tìm rắc rối cho em. Tôi không biết làm cách nào mà chuyện tôi bỏ trốn cùng Trần Nhật Duật lại trở thành Trần Khâm đưa tôi đi thăm thú nhân gian, nhưng lại thành công chỉa mũi nhọn của Đặng cung phi sang tôi rồi. Thái hậu nhìn tôi, cũng buồn bã nói:

- Con bé Tĩnh này vào cung cũng gần một năm rồi mà vẫn chưa có tin tức gì, ta đang sốt ruột muốn chết đây.

Ôi, chuyện con cái thì làm sao cưỡng cầu. Tôi nghe Thái hậu nói thế, cảm giác ngon miệng cũng mất, bèn dừng đũa ngồi trầm ngâm. Bản thân tôi, hây da, hình như vẫn chưa chuẩn bị tâm lý cho chuyện đó đâu. Nhưng cứ tình hình này thì chắc không sớm thì muộn, tới lúc đó phải làm sao nhỉ?

Vì ban ngày không ăn được gì nên đêm đến không tài nào ngủ được, chẳng hiểu sao Thụy Hương lại ngủ say như chết lay mãi không tỉnh, tôi chỉ còn cách tự mò ra nhà bếp tìm ít cơm thừa lót dạ. Ở đây không như hoàng cung cứ cách ba bước là có đèn, mà mọi thứ cứ tối om om, lần mò mãi mới tới được nhà bếp.

Vừa từ bên ngoài bước vào thì bất chợt nghe thấy tiếng động, tôi nhanh chóng nép vào cánh cửa hé mắt nhìn vào bên trong, chỉ thấy một gương mặt quỷ dị đang cầm đèn, giống như là đang kiểm tra từng nồi cơm vậy. Tim tôi đập như muốn nổ tung, gương mặt đó hình như tôi có thấy qua rồi, chỉ là hiện tại tối quá không nhớ nỗi.

Tôi ép sát vào cánh cửa, nhìn kẻ đó từ từ chạy ra khỏi nhà bếp, chạy một mạch đến trước phòng của Đặng cung phi. Tôi lặng lẽ áp sát, cảm thấy kẻ này đến đây vào lúc đêm hôm, không lẽ là cùng Đặng cung phi có gian tình, hay chính là cùng với kẻ này làm nội gián cho người Nguyên. Mặc kệ là có gì bất thường, trước tiên bám theo cái đã, lần này bắt tận tay, day tận mặt thì có mà hết chối.

Tôi hồi hộp nhìn hắn ta đẩy cửa bước vào phòng, hé mắt nhìn qua khe cửa theo dõi động tĩnh. Nhưng nằm ngoài suy đoán của tôi, kẻ cầm đèn nọ đi một mạch đến bên giường của Đặng cung phi. Lúc này tôi đã thấy có gì đó không đúng, đồng bọn đến không lý nào vẫn còn tâm trạng để ngủ, không suy nghĩ nhiều vội xông cửa vào đúng lúc kẻ kia rút dao găm trong người ra, ánh dao loáng lên dưới ánh đèn hắt bóng lên vách nhà trắng toát.

Tôi nắm áo kẻ đó kéo lại, hắn ta giống như cũng bất ngờ khi bị tôi phát hiện ra, liền quay người về sau chuyển hướng đâm vào người tôi. Tôi bị mất đà ngã xuống, dao găm đâm xuống đất sát bên tai tôi, tôi bèn lách người ngồi dậy, tay thuận thế cầm lấy bấc đèn chiếu vào mặt gã đó. Hắn ta lấy tay che mắt, thoái lui ra sau mấy bước, vẫn mạnh miệng:

- Thấy được mặt ta, ngươi phải chết!

Lúc nhìn thấy mới biết, hóa ra là một hòa thượng trong chùa. Đặng cung phi này, miệng nói muốn quy y tam bảo mà lại đắc tội gì với hòa thượng để người ta đuổi giết vậy nhỉ? Nhưng tôi bỗng nhận ra điểm mấu chốt, sợ là người kẻ này muốn giết không phải chỉ một mình Đặng cung phi đâu.

Ban nãy trước khi vô tình ra nhà bếp, tôi có lay Thụy Hương dậy nhưng mãi mà không được. Lúc đấy tôi cứ nghĩ là do cả ngày nay mệt mỏi nên em ấy ngủ hơi sâu một tí, giờ nghĩ kỹ lại thì với một người ngủ tỉnh như Thụy Hương lại rất bất thường, hơn nữa Đặng cung phi này... đáng ra ì đùng bên cạnh như vậy cả buổi hẳn là nên tỉnh ngủ rồi chứ.

Tôi chậm rãi lùi ra sau, lùi dần về phía cửa sổ, nếu tôi đoán không sai thì...

- Ngươi bỏ thuốc mê vào cơm đúng không?

Tên hòa thượng bỗng chậm lại một nhịp, tôi biết mình đã đoán đúng, liền tiếp:

- Ngươi có thể bỏ thuốc độc để độc chết tất cả mọi người nhưng lại chọn dùng thuốc mê rồi tự mình đích thân đi giết người là tại vì sao vậy? Là do muốn tất cả đều mê man hết, rồi giết người giấu dao, tiếp tục cuộc sống là một hòa thượng, tiếp tục âm thầm làm nội gián, hay là....

Tên hòa thượng nghe tôi nói đến đó, liền cầm dao lao thẳng đến tôi, nhưng đáng tiếc tôi đã lấy được thanh chống cửa sổ, từ trước mặt đập mạnh một gậy vào đầu anh ta. Tôi nhìn anh ta bất tỉnh nhân sự, nhếch môi, một tên vô danh tiểu tốt như ngươi còn không giải quyết được thì thật hỗ thẹn với Hưng Đạo Vương phủ. Chỉ có điều, cũng may là lúc chiều không có tâm trạng ăn cơm, nếu không hậu quả khó lường.

Tôi sợ những chỗ khác cũng có sát thủ, liền nhanh chóng trói gô tên hòa thượng này lại, rồi đến từng phòng kiểm tra an toàn hết cả mới an tâm trở lại phòng của Đặng phi canh chừng. Sợ là đến sáng mai thuốc mới hết tác dụng, thôi thì chính mình giúp người thì giúp cho trót, chịu cực một đêm vậy.

Nhưng bụng đói cồn cào, tôi đi loanh quanh trong phòng Đặng phi tìm xem có gì ăn không thì bất chợt thấy trong tay chị ta cầm một tờ giấy nhỏ. Nhìn bộ dáng của chị ta chắc có lẽ là đang đọc thì thuốc thấm nên rơi vào hôn mê.

Bản tính tò mò nổi lên, tôi lấy ra chong dưới đèn đọc thì thấy mấy chữ:

"Khai Quốc có vật báu, lấy được nó là lấy được cả giang san. Mười lăm tháng sau, huyết tẩy Cấm thành"

Chỉ mấy chữ mà làm mồ hôi đổ ướt cả áo, liệu tôi có nên giết người diệt khẩu hay không? Không, không được bứt dây động rừng, chỉ mấy chữ không thể biết được kẻ đó là ai, có mục đích gì, liên can tới những ai, cứ bình tĩnh giải quyết xong chuyện ở đây rồi về nói với Trần Khâm cũng chưa muộn. Nghĩ thế tôi vội xếp tờ giấy ngay ngắn như lúc đầu, đặt vào tay Đặng phi, cô gái này đúng là không đơn giản, phải để mắt đến kỹ một chút.

Bình tâm lại, tôi tựa vào thành giường, nhìn lên trần nhà mà ngây ngẩn. Hiện giờ là mồng hai, từ đây tới mười lăm tháng sau vẫn còn hơn một tháng, tôi nhất định phải tìm ra người đứng sau Đặng phi là ai, ngăn chặn tai họa này lại. Cho dù là giặc trong hay giặc ngoài, trước tình hình hiện giờ thì nguy cơ vô cùng lớn.

Tôi thiếp đi một lát thì bỗng nghe tiếng gà gáy, mở mắt ra đã thấy Đặng phi nhìn mình chằm chằm, hóa ra là trời đã sáng. Tôi nhìn vẻ phòng bị của chị ta, trong tầm mắt phát hiện ra tờ giấy kia đã bị giấu đi, quả nhiên là có gian trá. Mặc dù không biết tên hòa thượng này là người của ai, nhưng anh ta đã vô tình để tôi biết một bí mật động trời. Tôi khoanh tay ngồi tựa vào thành giường, mặt hất về phía tên hòa thượng đang ngồi ủ rũ, nói:

- Nhìn tôi cái gì, tôi vừa cứu chị một mạng đấy!

Đặng phi có chút sợ sệt nhìn tôi, lắp bắp hỏi:

- Chuyện này là sao?

- Đợi một lát mọi người tới đông đủ rồi nói.

Đúng là chuyện gì cũng có nhân quả của nó, mà chuyện này nhắc lại thật khiến người ta không nén nổi một tiếng thở dài. Tiểu hoà thượng tuy đang quỳ dưới đất, nhưng gương mặt rất sáng sủa, lại có một loại khí chất không phải của một kẻ tầm thường. Anh ta trừng mắt nhìn mấy người chúng tôi, phẫn hận nói:

- Ngày xưa nếu như tổ phụ ta không bị phế truất, kẻ bất tài lên làm vua thì nhà Lý làm sao suy vong đến mức để họ Trần các ngươi chiếm đoạt? Vậy mà tên Trần Thủ Độ gian ác còn đuổi cùng giết tận, lừa gạt hơn ba trăm tôn thất họ Lý ta chôn sống, kẻ như các ngươi thì có tư cách gì ngồi lên ngai vàng? Một người mà ngay cả những người vô tội còn nhẫn tâm sát hại thì lấy tư cách gì để tạo phúc cho muôn dân? Ta không những muốn giết đám các ngươi, mà còn muốn giết hết đám vua tôi của các ngươi nữa!

Nói lòng vòng một hồi, thì ra kẻ này là hậu duệ của Lý Long Xưởng, hơn trăm năm trước từng là thái tử nhà Lý nhưng do ăn chơi phóng đãng nên bị phế truất. Anh ta chê trách Long Cán là kẻ bất tài nhưng chưa thể biết khi tổ phụ của anh ta thực sự lên làm vua thì vận mệnh của nhà Lý sẽ đi về đâu. Tôi thở dài, trên thế gian này chữ nếu như mà thực hiện được thì lịch sử trăm ngàn năm nay không có nhiều chuyện hối tiếc như vậy rồi. Cho dù là Lý Long Xưởng hay là Lý Long Cán làm vua, đạo lý có thịnh ắt có suy của một triều đại vẫn sẽ xảy ra nếu như bọn họ mắc sai lầm. Tư tưởng lấy dân làm gốc của cha tôi cũng là vì mục đích đó, từ thuở xa xưa đến nay, kẻ cầm quyền khi đã đi lên tới đỉnh cao của quyền lực, thường sẽ quên đi nguyện vọng của người dân. Họ quên đi rằng dân là nước, vua là thuyền, chỉ có nước mới có thể đẩy thuyền, họ cũng dần quên gốc gác của mình là từ đâu mà ra.

Giống như họ Trần của tôi cũng bắt nguồn từ nghề chài lưới mà ra, nhờ sinh được người tài mà dần đi vào con đường quan lộ, cũng nhờ nhà Lý mất lòng dân mà được lên năm quyền. Cũng may Trần Khâm là một minh quân, chuyên tâm chăm lo xã tắc, dân chúng ấm no thái bình. Tôi không biết trăm năm sau nữa họ Trần có đi vào vết xe đổ của họ Lý hay không, nhưng nếu tôi còn sống trên dương gian này, tôi nhất định sẽ không để xảy ra chuyện đó.

Chỉ tiếc Trần Thủ Độ ngài suy tính trăm đường cho mục đích không chừa lại hậu họa, lại bỏ sót một con cờ tưởng như nhỏ nhoi mà suýt làm ra một chuyện kinh hoàng.

Lần này Thái hậu cũng suýt chút nữa là gặp chuyện không hay, tôi nhìn gương mặt người cũng hoảng sợ không ít, nhưng cảm giác ưu thương nhiều hơn, có lẽ cũng có chút đồng cảm với tiểu hòa thượng.

Tiểu hòa thượng bị áp giải lên thuyền rồng đem về triều xử lý, Thanh Vân nắm tay áo tôi, run rẩy hỏi:

- Vậy là hắn ta định bỏ thuốc mê rồi giết hết chúng ta hả chị?

Tôi gật đầu, cũng may là tôi không ăn phải thức ăn có thuốc, cũng may. Tôi sực nhớ ra một chuyện, nhìn thấy Đặng phi đã đi trước một đoạn, liền hỏi Thanh Vân và chị Trinh:

- Hai người có nghe về chuyện chùa Khai Quốc này có bảo vật trấn quốc không? Đêm qua lúc bắt nghịch tặc ta phát hiện hình như có người sai Đặng phi trộm về, chẳng biết là có trộm được hay không?

Thanh Vân lắc đầu tỏ ý không biết, còn chị Trinh lại nói:

- À lúc nhỏ chị có nghe qua, nghe nói là Tuệ Trung Thượng Sĩ đi vân du vô tình tìm được, có được nó là có được giang sơn, nhưng lâu quá rồi chị cũng không nhớ rõ nữa, cũng chưa ai biết là nó có thật không.

Tôi thấy mấy loại chuyện có chút liêu trai thế này chỉ nên tin nửa phần thôi, không biết kẻ sai khiến Đặng phi có đầu óc như thế nào, hoặc là kẻ đó biết được gì nên mới có niềm tin mãnh liệt như vậy, chứ không thì sai khiến kẻ như Đặng phi làm việc quả là mạo hiểm làm sao.

Chúng tôi lên thuyền rồng trở về cung, hai hàng thuyền phu ngồi hai bên mạn xuôi mái chèo đi thẳng, tôi tạm gác lại nỗi lo âu, ngồi chống cằm nhìn ánh nước, không hiểu sao lại nhớ ngày Quốc Tảng đuổi theo tôi vào cung. Hôm ấy không biết anh ta có thuận lợi đánh đuổi được đám người đó không, có bị thương chỗ nào không nhỉ? Cũng đã khá lâu rồi tôi không có tin tức anh ta, mà có lẽ anh ta cũng chẳng muốn nhìn thấy tôi nữa.

Bây giờ nghĩ lại đã không còn đau lòng, chỉ có cảm giác buồn man mác mà thôi.

Mãi suy nghĩ, thuyền đã đi đến giữa dòng, lúc này phía đuôi thuyền truyền tới tiếng đánh nhau. Tôi ngó ra sau thì thấy mấy người phu chèo thuyền không biết vì nguyên nhân gì mà náo loạn xô đẩy, kết quả con thuyền không ngừng tròng trành, đã có mấy người rơi tỏm xuống hồ. Tôi hốt hoảng hô hoán mọi người nằm xuống đừng để mất thăng bằng, rồi nhanh chân chạy đến tóm lại kẻ cầm đầu gây sự, chưa kịp áp chế hắn thì phía bên kia Đặng phi và Thanh Vân cũng cùng số phận rơi xuống cùng nhau.

Tôi kêu trời, thầm nghĩ những chuyện phiền phức như vượt hồ đi chùa cầu phúc thế này về sau nên miễn giảm thì hơn.

Cũng may Thanh Vân biết bơi nên tự lo được cho mình, về phần Đặng phi, tôi dùng mái chèo thả xuống, chị ta dù hoảng loạn cũng vớ được mái chèo được tôi lôi vào mạn thuyền. Thật là một chuyến thập tử nhất sinh, suýt chút là Đặng phi đã chìm xuống làm mồi cho cá.

Lúc ổn định lại đại cuộc hỗn loạn thì tên hòa thượng bị trói đã phóng xuống nước lủi mất, tôi không biết tại sao anh ta tự cởi trói được, hoặc có kẻ nhân lúc biến cố đã cởi trói cho anh ta. Nhưng thôi, giữa mênh mông nước với nước này, anh ta giữ được mạng thì đó cũng do phước phần họ Lý của anh ta để lại.

Còn kẻ gây ra náo loạn cũng đã cắn lưỡi tự sát, chuyện đến đây cũng coi như xong.

Lần này trở về ngoài ý muốn xảy ra quá nhiều chuyện, thái hậu chỉ dặn bọn tôi mấy điều, chẳng hạn như tận tâm chăm sóc bệ hạ, chẳng hạn như cố gắng sinh thêm một đứa cháu cho người. Thái hậu nói bản thân đã già, giang sơn xã tắc này không đủ sức gánh vác nữa, để lại cho lớp trẻ bọn tôi bộc lộ tài hoa. Tôi nhìn người phụ nữ chưa bước tới bốn mươi dung nhan diễm lệ trước mặt, cảm thấy từ già dùng thế này thật là phí phạm làm sao.

Ngày mồng bốn, thượng hoàng và thái hậu trở về hành cung Thiên Trường, Trần Khâm thở phào nhẹ nhõm. Tôi nhìn cơn mưa xối xả trút xuống, thầm nghĩ mùa mưa cũng tới rồi.