Mộng Về Tiền Kiếp

Chương 76: Theo dấu Đức Thánh Trần 45



Hơn 1 canh giờ sau, khi đã hoàn tất huấn luyện, hắn mới phân từng người đến các khu vực khác nhau để tuyên truyền bài hịch với tên “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” của Hưng Đạo Vương gửi tới các tướng sĩ Đại Việt.

Trần Thần theo chân 1 tên diễn giả được giao nhiệm vụ đọc bài hịch tới cánh quân trên bến Bình Than do Phạm Ngũ Lão và Yết Kiêu chỉ huy.

Phạm Ngũ Lão trông thấy Trần Thần đến, biết là có việc quan trọng Hưng Đạo Vương mới cử Trần Thần đến, hắn lên tiếng hỏi trước: “Trần Thần thúc đến đấy à, chẳng hay Vương có gì sai bảo”.

Trần Thần cười đáp: “Ta phụng lệnh chủ tử, đem người đến truyền đọc bài hịch cổ vũ các tướng sĩ, Phạm tướng quân mau tập hợp quân lại lắng nghe”.

Phạm Ngũ Lão lập tức lệnh quân sĩ tập hợp. Chờ quân sĩ tới đông đủ y nói: “các tướng sĩ, Hưng Đạo Vương có lời muốn chuyển đến các tướng sĩ, mong các tướng sĩ chú ý lắng nghe”.

Lúc này, diễn giả được giao nhiệm vụ đọc hịch mới đứng ra, y thong thả mở miệng đọc, giọng y hào sảng, nhấn nhá nhả hơi điêu luyện: “Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước...Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được?

...Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm...Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù.

Vì sao vậy? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?

Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta”.



Hịch vừa đọc ra thành công khơi dậy lòng căm thù quân giặc, thổi bùng lên ý chí chiến đấu của toàn quân. Phạm Ngũ Lão đi đầu lên tiếng hô: “Sát Thát! Sát Thát!!!”. Các binh sĩ lập tức hưởng ứng đồng thanh hô theo vang dội: “Sát Thát! Sát Thát! Sát Thát!!!”....

“Wow, đây là đầu tiên được tận mắt chứng kiến khung cảnh hoành tráng hơn trên phim trung quốc, cũng là lần đầu tiên ta thực sự hiểu được sức mạnh của ngôn từ lớn đến cỡ nào”. Ta nói với Trần Thần bên cạnh, hắn cũng đương bị không khí nhiệt huyết sôi trào của các tướng sĩ ảnh hưởng. Mắt hắn rưng rưng, hắn gật đầu như bổ củi: “Đúng vậy, tài hùng biện của chủ tử rất xuất sắc, chủ tử mà đứng thứ 2 không ai dám nhận thứ nhất”. Dù tâm thần đương rung động mà hắn vẫn không quên tâng bốc chủ tử mình. Đúng là tôi tớ có tâm nhất lịch sử!

Khúc cuối dòng sông Đáy đổ ra biển, giao giữa Thiên Trường và Trường Yên, tại căn cứ bí mật 2 vua Trần tiến hành tập kết quân sĩ, lực lượng gần 20 vạn quân.

Vua Trần Nhân Tông nói: “các tướng, giúp ta cập nhật quân tình hiện tại ở các nơi như thế nào rồi”.

Trần Khánh Dư lên tiếng: “theo tin tức từ gián điệp của quân ta trong quân đội Mông Nguyên. Hiện tại quân do thám của chúng đã phát hiện ra quân ta về Thiên Trường và Trường Yên, cánh quân Hưng Đạo Vương trở lại đóng tại Vạn Kiếp. Như vậy, sắp tới chúng có thể sẽ chia quân 2 ngả đánh về Thiên Trường và ngược lên Vạn Kiếp”.

Trần Quang Khải cũng lên tiếng: “ Trần Nhật Duật đã được phái đi để chặn Toa Đô, ngăn cánh quân này liên hợp với quân Thoát Hoan, Ô Mã Nhi tại Thăng Long, hiện đã thất bại phải lui quân về, sẽ hội quân với chúng ta tại đây, nguyên do bại trận là vì tướng lĩnh được cử đi chống địch tại Hoan, (Quảng Bình) đã lần lượt xin hàng về dưới trướng Toa Đô. Chương Hiến Hầu Trương Kiện mang theo 1 vạn quân ra xin hàng, hắn còn chỉ điểm cho Toa Đô đánh các căn cứ tại Vệ Bố giết Nguyễn Tất Thống và Đinh Xa, chúng đang tiếp tục về Diễn”.

“Như vậy nhanh nhất khoảng nửa tháng, quân Toa Đô sẽ tiến được ra Ái, bao vây Trường Yên, như vậy chúng ta sẽ cần cân nhắc phản công càng sớm càng tốt, các tướng thấy thế nào?”, vua Trần Nhân Tông lo lắng nói.

Trần Quang Khải đưa ra ý kiến: “Hiện tại phản công dù chưa phải thời cơ tốt nhất, song vẫn tốt hơn không làm gì. Chờ khi Toa Đô liên hợp quân Thoát Hoan tại kinh thành tạo thế gọng kìm đánh về Trường Yên, Thiên Trường, chúng ta khó lòng thoát được”.