Mộng Về Tiền Kiếp

Chương 68: Theo dấu Đức Thánh Trần 37



Thấy thuyền cập bến, cậu tiến lên để lên trên thuyền nhưng quân lính ngăn lại. Sau 1 lúc, thấy nhà vua cùng 1 số vương hầu, tướng lĩnh cấp cao mới trở ra. Cậu vội vàng la to “xin Quan Gia cho đánh. Cho giặc mượn đường là mất nước, quan gia, xin quan gia cho đánh!!!”.

Vua nghe tiếng hét lớn liền nhìn về bến, thấy người đến là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, cậu bé mới dậy thì, còn đương phát triển, dáng người cao, gầy, kiểu quần áo ống rộng truyền thống mặc trên người cậu càng làm cậu trông bé nhỏ. Vua cùng Hưng Đạo Vương lên bến đến gần Hoài Văn Hầu, tiểu Hầu gia Trần Quốc Toản liền quỳ sụp xuống tâu : “xin quan gia cho đánh, cho giặc mượn đường là mất nước”.

Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương nhìn nhau gật đầu, lớp trẻ Đại Việt có hy vọng. Nhà vua nói: “Quốc Toản mau đứng dậy, lòng trung của ngươi, ta sẽ nhớ kĩ. Ngươi còn nhỏ, cần phải rèn luyện thân thể, học hành cho tốt mới có thể sớm ngày góp sức cho nước nhà”.

Dứt lời, vua thấy 1 thị nữ bê đĩa cam đi từ trên thuyền xuống bến, nhà vua bèn ra hiệu cho thị nữ dừng lại, ngài cầm 1 quả cam ban cho Trần Quốc Toản, nói: “ ta ban cho ngươi quả cam này, hãy cầm lấy. Ghi nhớ lời ta, có dân khỏe mới có binh cường. Cố gắng rèn luyện thân thể, học hành thành tài, ta trông chờ vào thế hệ trẻ các ngươi”.

Quốc Toản đưa tay đón lấy quả cam, y tạ ơn nhà vua rồi ra về. Trên đường đi, y vẫn hậm hực vì vua coi mình là trẻ con, không cho tham dự hội nghị. Càng nghĩ tiểu Hầu gia lại càng tức giận, “tại sao mình lại không được sinh ra sớm hơn, tại sao mình lại gầy yếu thấp bé như thế này, tại sao đã 15 tuổi mà ai cũng coi mình là trẻ con...”. Vô vàn câu hỏi tại sao trong đầu, càng nghĩ càng tức giận, càng tức giận, cậu càng nắm chặt tay, quả cam trên tay bị bóp nát lúc nào cậu cũng không hay. Khi về đến nhà, cậu mới ý thức được chuyện đó. Sau đó tiểu Hầu gia Trần Quốc Toản triệu tập người ngày đêm làm 1 lá cờ thêu 6 chữ bằng sợi chỉ vàng...”

“Phá Cường Địch, Báo Hoàng Ân”. Ta chen ngang lời kể của Trần Thần. Hắn ngạc nhiên hỏi: “Ra, chuyện này cũng ghi vào sử sách sao”.



Ta xác nhận: “đích thực là có ghi, ngày trước bọn ta được học truyện lịch sử có trích đoạn Trần Quốc Toản bóp nát quả cam và lá cờ thêu 6 chữ vàng, 6 chữ này cô đọng súc tích nhưng ý nghĩa cực kì lớn nên ta vô cùng ấn tượng”.

“Vậy, sau này tiểu Hầu gia cũng cùng với Phạm Ngũ Lão, ngũ hổ tướng lập công lưu sử, tên tuổi gắn liền sau Hưng Đạo Vương sao”. Hắn lại hỏi ta.

“uhm,...chuyện này ta không rõ lắm”. Ta trả lời né tránh hắn, thực ra Trần Quốc Toản sẽ hy sinh trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần 2 này, nhưng để tránh tác động ảnh hưởng đến lịch sử, ta chọn không tiết lộ sự thật. Trả lời hắn xong, ta liền chuyển chủ đề: “ta nhớ còn có hội nghị Diên Hồng vào năm nay, không biết đã tổ chức chưa”.

Trần Thần đưa tay lên vân vê râu nói: “Hội nghị Diên Hồng vừa mới tổ chức không lâu. Chủ trương tổ chức hội nghị là của Hưng Đạo Vương, tình thế nước nguy ngập, sứ thần nhà Nguyên nhiều lần sang yêu cầu viện trợ quân đội, lương thực, voi chiến, ngựa chiến...nhưng Đại Việt đều từ chối. Hiện tại thế giặc đã rất mạnh, hội nghị lần này tổ chức có 2 mục đích. 1 là thăm dò lòng dân. Nếu dân còn hướng về nhà Trần thì quân dân 1 lòng sẽ tăng cao khả năng chống giặc thành công. Nếu lòng dân đã không hướng về nhà Trần mà lo sợ thế giặc mạnh, trận này sẽ càng khó nói.

Mục đích thứ 2 là mượn uy vọng từ các bô lão lan tỏa ý chí chiến đấu cho toàn dân đến đường làng ngõ hẻm. Ý chí quyết tâm của dân chúng càng cao sẽ ảnh hưởng tốt đến sĩ khí quân lính. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là các bô lão phải đồng lòng chống giặc. Sự thực quyết định họp hội nghị Diên Hồng này là hoàn toàn đúng đắn. Quân ta nhờ nó mà tăng sĩ khí không ít, ai cũng hăng hái tập luyện. Đội Cảm Tử Quân đã có rất nhiều người đăng kí, song cần phải huấn luyện để chọn ra quân tinh nhuệ, đảm bảo kế hoạch thuận lợi”.

“ừ, ta hiểu rồi”. Ta đáp lời Trần Thần. Đúng lúc này thì Yết Kiêu và Dã Tượng đem quân trở lại, Hưng Đạo Vương cùng Phạm Ngũ Lão cũng vừa vặn bước ra ngoài. Trần Thần vội vã chạy lại chỗ vương. Yết Kiêu và Dã Tượng cũng đồng thời đi tới. Bọn hắn cùng chắp tay hành lễ với Hưng Đạo Vương. Ngài gật đầu nói với Trần Thần: “Ngươi xem cơm nước đã xong chưa, mau cho người phân phát cho binh sĩ ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức”.