Mộng Về Tiền Kiếp

Chương 14: Người chế tác nỏ thần 14



Sau khi thỏa thuận đình chiến có hiệu lực, các tướng lĩnh của 2 nước gặp nhau tại 1 địa điểm trung lập để bàn tính kế kháng Tần. Tổng số lượng liên quân cử đi ra kháng địch chưa đầy 20 vạn”.

Tại khu vực tập trung

“Báo cáo tổng chỉ huy, quân Âu Việt 9 vạn 7 ngàn quân đã về vị trí tập kết.” 1 viên tướng Thục Quân tiến lên báo cáo.

“Báo cáo, quân Văn Lang 10 vạn đã tập kết chờ lệnh.” Bên Hùng quân cũng tổng kết xong đi lên báo ra số lượng quân tinh anh tập trung lần này.

Sau khi 2 vị tướng quân 2 nước lần lượt báo cáo số lượng quân tham dự trận chiến, các tướng quân lần lượt đi vào trong lều tổng chỉ huy để bàn bạc kế sách kháng địch. Trước đó, 2 nước đã hợp tác đưa quân do thám đến để vẽ lại bản đồ địa hình trên diện rộng, nhằm chọn ra một nơi phù hợp làm chiến trường.

"Mọi người cùng quan sát bản đồ nào, vì địa hình nơi đây là rừng sâu núi thẳm, ít người sinh sống nên thực sự không có người thông thuộc vùng này. Đành phải nhờ các tướng cùng nhau xem xét bản đồ để chọn lựa vị trí thích hợp để kháng địch”. Tổng chỉ huy quân đội Thục An bắt đầu buổi họp.

Sau 1 hồi quan sát, các tướng lần lượt đưa ra ý kiến.



“Ta thấy nên chọn nhánh sông Tả Giang vị trí sâu vào đất liền một chút để dễ tập hợp quân số lượng lớn, mai phục đánh úp quân địch, quân Tần muốn sang được Âu Việt, tất phải đi bằng đường thủy, bao gồm cả lương thực lẫn quân sĩ đều sẽ chọn đường sông này để đi.”

"Đúng, đúng, Tần quân rất có thể sẽ xuất phát từ 2 sông lớn là sông Tây Giang và Hữu Giang, sau đó tập hợp tại ngã 3 sông để cùng tiến vào Âu Lạc theo sông Tả Giang.”

“Ta thấy không hợp lý, càng đi sâu vào đất Âu Việt, địa hình ven sông càng là đồi núi thấp, thuận lợi cho thuyền bè qua lại. Chọn mai phục tấn công ở 2 bên sông sâu trong nội địa chưa chắc đã có hiệu quả. Vì quân địch khi vào Âu Việt sẽ có thể hành quân song song cả đường bộ lẫn đường thủy, khi chia thành 2 cánh 2 bên sông làm mỏng lực lược, rất có thể sẽ bị rơi ngược vào thế gọng kìm 1 cánh quân sẽ bị bao vây bởi bộ binh và lính thủy của Tần quân, trong khi cánh quân còn lại bên kia sông sẽ không thể cứu viện kịp, còn nếu chỉ mai phục 1 bên thì khi nguy cấp quân địch sẽ chạy về bên còn lại, như vậy cũng không thu kết quả tốt.”

“Biên giới Âu Việt chính là 1 dãy núi cao hiểm trở, dãy Lĩnh Nam bao quanh trở thành thành lũy kiên cố của chúng ta, duy chỉ có 1 điểm yếu chính là tuyến đường sông Tả Giang này, chi bằng chúng ta cứ bắt đầu kháng địch ngay tại ngã 3 sông, địa hình Lĩnh Nam không thích hợp để dàn quân đánh giáp lá cà, chúng ta thực hiện lối đánh du kích, dựa vào địa thế hiểm trở dễ ẩn núp, từ từ tiêu diệt quân địch”...

Sau khi thống nhất kế hoạch tác chiến, chúng ta dẫn quân đến vùng núi Lĩnh Nam, rồi theo kế hoạch lần lượt chia nhỏ quân mai phục theo lộ tuyến đã định sẵn, ta cử 2 đội cung tiễn quân xuất sắc nhất mang theo nỏ loại bắn được 5 mũi tên 1 lượt và cung lớn, bí mật leo lên các ngọn núi gần bờ sông nhất, tự ngụy trang ẩn nấp, 4 đội khác dựa vào tính toán tốc độ thời gian thuyền đi để chọn vị trí lắp đặt thiết bị bắn cầu lửa hòng thiêu rụi thuyền địch trong đêm, ép bọn chúng phải lên bờ sớm, sau đó lựa thế, tìm cách xé nhỏ đội hình dồn chúng theo các lộ tuyến đã bàn để tiêu diệt.

Cuộc chiến nhanh chóng từ đường thủy chuyển qua đường bộ, kéo dài đến 3 năm. Quân ta chia nhau đột kích ngày đêm trên núi khiến quân Tần dần rơi vào hoảng loạn giáp không dám cởi, lương thực cạn dần, nhiều lính tráng không chịu đựng nổi sức ép từ liên quân đành treo cổ tự vẫn nơi rừng thiêng nước độc. Nhận thấy thời cơ đã đến, ta cho quân tập hợp đánh thẳng vào địa điểm trọng yếu của quân Tần, giết tướng Đồ Thư. Cũng đúng lúc này Tần Thủy Hoàng qua đời, Tần Nhị Thế kế vị, vùng Sơn Đông nổi lên nhiều nước chống Tần, Tần đế phải cho quân rút khỏi vùng đất của người Âu Việt. Trong cuộc chiến này, quân Âu Việt tỏ rõ ưu thế và sức mạnh đáng gờm nên sau khi thắng Tần, ta cùng các tướng lĩnh khuyên Hùng Vương nhường ngôi cho Thục Phán hợp nhất 2 nước thành Âu Lạc để củng cố sức mạnh quân sự. Hùng Vương đồng ý, kế đó ta lại khuyên Thục Vương dời đô từ Phong Châu về Phong Khê. Xây thành Cổ Loa có 9 tầng thành để bảo vệ tông thất”.

“theo truyền thuyết thì thần kim quy đã giúp An Dương Vương xây thành trong 1 tháng, thần còn tặng 1 chiếc móng của mình để chế tạo vũ khí chống địch. Nhờ đó mà nỏ thần ra đời, có phải không ạ?”. Nghe tên Phong Khê, Cổ Loa, lại nhớ tới truyền thuyết nỏ thần, nó bèn hỏi Cao tướng.