Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 49: Hội đua thuyền (2)



Sạ đã sai người mang thêm một cái ghế đến bên cạnh từ bao giờ nhưng nghĩ bằng đầu gối cũng biết ngồi ngang hàng với Khai Minh Vương là đại tội. Sạ thấy tôi ngây người liền giật tay:

"Chị mau ngồi xuống đi!"

"Điện hạ, Đam không dám đâu."

"Phụ hoàng đã cho phép rồi. Chị mà không nhanh lên càng nhiều người chú ý đấy."

Tôi liếc nhìn quả là thấy mọi người xung quanh đang đổ dồn ánh mắt về mình thật. Long Đĩnh thấy tôi và Sạ kéo qua kéo lại nhưng cũng không nói gì, khoé môi khẽ cong lên rồi tiếp tục thưởng thức rượu. Bất đắc dĩ tôi liền đánh liều ngồi phịch xuống ngay bên cạnh Sạ. Vừa xong thì cung nga lũ lượt mang thêm đồ ăn tới hầu. Tôi ngồi cạnh Sạ cũng khiến cho mọi người băn khoăn nhưng cũng chẳng ai dám ý kiến gì. Sạ vui vẻ vừa lấy một miếng đùi gà thơm phức xé nhỏ vừa hỏi tôi bằng giọng đầy châm chọc:

"Sao, chị không muốn làm tân lang mà lại muốn làm tân giai nhân à?"

"Điện hạ, do Đam xui xẻo thôi." - Tôi chun mũi.

"Chị nói xui xẻo là gặp phụ hoàng ta ư?"

Tôi hoảng hốt xua tay:

"Không không! Không phải! Ý Đam không phải vậy!"

Sạ cười, đẩy bát ngọc đựng thịt gà vừa xé về phía tôi, tôi đói quá tiện tay gắp một miếng bỏ thẳng vào miệng. Miếng thịt gà vừa nuốt còn chưa xuống đã bị cái nhìn trừng trừng của cả trăm người làm cho nghẹn lại.

"Thôi chết, điện hạ tha mạng."

"Là ta xé cho chị mà." - Sạ thủng thẳng.

"Người đừng làm thế, Đam sẽ chết ở đây mất."

Sạ cười nhếch môi, điệu bộ gian manh này không thể không nói giống một người mà "ai cũng biết là ai":

"À, vậy hoá ra chị tưởng còn có thể sống trở về cơ à?"

Tự dưng sống lưng tôi lạnh toát. Cộng cả tội mới tội cũ thì xem ra kiếp này của tôi cũng chỉ đến đây là tận. Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu. Thôi thì chết sớm siêu sinh sớm, tôi ở Đại cồ Việt này cũng chẳng có tiếc nuối gì. Giờ thì phải no cái bụng, tôi không tin vào luân hồi chuyển kiếp nhưng mà nếu phải làm một con ma đói suốt ngày thèm thuồng mà không được ăn cũng chẳng hay hớm gì. Đến đây tôi tự tin hẳn, nhăn nhăn nhở nhở cười rồi tỏ ra vô cùng thành thục gắp cái này cái kia cho Sạ (và dĩ nhiên cũng không quên gắp cho mình). Là một người yêu thích tiệc tùng mà lại càng có đam mê với ẩm thực tôi phát giác so với xung quanh bàn của Sạ thiếu mất một món.

"Điện hạ, không phải Đam tham ăn đâu nhưng tại sao tất cả các bàn xung quanh đều có tôm lớn mà điện hạ lại không?"

"Ta không ăn được tôm."

Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Sạ giải thích thêm:

"Ăn vào vừa đau vừa ngứa."

Tôi nhăn nhở:

"Thế chắc người bị dị ứng rồi. Điện hạ tránh hết tôm, tép và mấy loài có anh em nhé. Đam cũng bị dị ứng tôm như người đấy."

"Ta biết."

"Sao điện hạ biết?" - Tôi ngạc nhiên.

Sạ chẳng buồn đáp lời mà chỉ nhún vai. Thực ra Lê Cao Sạ thì muốn biết gì ở Đại Cồ Việt này mà khó khăn chứ? Hơn nữa thằng bé còn thông minh nhanh nhạy hiếm thấy. Chẳng hiểu sao chỉ gặp gỡ đôi ba lần mà có thể phát giác ra được "giới tính thật" của tôi. Có lẽ tôi cậy già đầu nên đã xảy ra sơ sót hôm hầu Sạ xông thuốc ở điện Long Bộc chăng? Trong lúc tôi đang say mê với mười vạn câu hỏi trong đầu cùng bàn đồ ăn đầy ắp thì từ phía cuối sông, một đoàn thuyền lớn phủ đầy trúc rần rần tiến về phía trước. Thuyền nối thuyền, một màu trúc xanh rậm rì ngút ngàn như những ngọn núi cực lớn di chuyển trên mặt sông. Tôi buông đũa, ngay lập tức quay sang bên cạnh:

"Điện hạ! Người mau nhìn xem đó là gì?"

"Là Nam Sơn, lệ cũ từ thời tiên đế(1)." - Giọng Sạ đều đều giảng giải.

Tôi không nhịn mà cảm thán lên thành tiếng. Trời ơi, so với kim ngân châu báu thì tận mắt nhìn những ngọn trúc còn xanh tươi được sắp đặt, cắt tỉa cẩn thận tạo thế núi thế này quả là món quà thánh tiết ý nghĩa hơn vạn lần. Sông mùa đông nước bàng bạc trong vắt. Bên này núi tiếp núi Hoa Lư soi xuống, bên kia thuyền nối thuyền như những ngọn núi trúc nhỏ lững lờ trôi. Trong cái lành lạnh mùa đông trên bờ mở tiệc ca vũ, có rượu thơm đồ ăn vừa ngon vừa nóng hổi. Hoá ra đế vương Đại Cồ Việt lại biết thưởng thức như vậy!

Thuyền chở "Nam Sơn" vừa neo lại ở sát chỗ Long Đĩnh ngồi, một hồi trống dồn lại nổi lên. Kế đó mười thuyền rồng bằng gỗ được mang đến. Với tâm thế của một người ham học hỏi, tôi mới quay sang nhìn còn chưa kịp làm gì thì Sạ đã thở dài thành tiếng, uống một hớp nước rồi tận tình giảng giải tiếp:

"Thánh tiết là dịp chung vui, tới đây sẽ là hội đua thuyền. Văn võ bá quan ai ai cũng được tham dự. Một thuyền tối đa năm người, ai về trước tiên sẽ được lĩnh thưởng."

"Phần thưởng là gì vậy ạ?"

"Mỗi năm mỗi khác, cũng có thể xin phụ hoàng một thứ bất kỳ." - Sạ vừa nói vừa quay sang nhìn tôi. Hẳn là Sạ đã đọc được ý đồ qua đôi mắt sáng rỡ mê tiền này nên liền nhanh miệng chấn chỉnh tôi ngay - "Chị đừng có mà tơ tưởng linh tinh, ngồi yên đây cho ta."

Tôi tiu nghỉu như mèo cắt tai, vừa mới nhen nhóm ý định "khởi nghiệp" kiếm vốn một chút đã bị trù dập không thương tiếc. Đành vậy, biết sao giờ. Cuộc vui này lại phải vắng bóng tôi thôi.

Người tham gia đua thuyền bắt đầu nô nức ra xếp hàng, tôi ngồi một chỗ cũng không yên nên cứ nghển cổ lên trông mãi. Ái chà chà, thấy có La Đạc với Trần Chất, Lê Sương tụ thành một hội ba người, mấy đội kia đều đủ người cả. Đây chắc chắn là "cùng hội cùng thuyền" theo đúng nghĩa đen. Ba người này thì sức lực cũng chẳng kém năm người là bao. So ra thì vẫn có thể tự tin giành chiến thắng. Đếm đi đếm lại thì cũng mới chỉ có chín đội tham dự, vậy là còn thiếu một. Vốn dĩ tưởng cuộc thi sẽ bắt đầu với chín đội này nhưng cuối cùng một tình huống không ai ngờ nhất đã xảy ra. Lịch Vũ đơn thương độc mã tiến đến bước lên thuyền cuối cùng, không chung chạ với bất kỳ ai cả. Tất thảy quần thần đều nhất loạt ngoái đầu ra sau tìm xem người cùng với vị Đô chỉ huy sứ nhưng rõ ràng câu trả lời là không!

Lịch Vũ định làm gì vậy? Theo hiểu biết của tôi về Lịch Vũ thì y hoàn toàn không phải là người sẽ tham gia vào mấy trò vui như thế này.

"Đô chỉ huy sứ, ngài qua đây!" - Tôi thấy La Đạc khều tay Lịch Vũ từ phía xa nhưng Lịch Vũ chỉ lắc đầu.

"Điện hạ, chơi như vậy mà cũng được ạ?" - Tôi thắc mắc.

Sạ dùng giọng bình bình đáp lại:

"Miễn là sức của chị bằng năm người thì ắt sẽ được thôi. Chơi lớn lời lớn, phần thưởng sẽ không phải chia năm."

Tôi nheo mắt nhìn Lịch Vũ cởi bỏ bớt giáp trên mình. Một người như Lịch Vũ rốt cục thiếu thứ gì mà phải dùng cách này để có được?

______

Chú thích:

(1) Nam Sơn: "Lê Đại Hành, năm Thiên Phúc thứ 6, ngày sinh nhật của vua, sai người làm thuyền thả xuống sông, lấy trúc làm thành núi giả trên thuyền gọi là "Nam Sơn" rồi mở cuộc đua thuyền, sau thành ra lệ thường. (Triều Lý gặp ngày sinh nhật làm núi bằng trúc là bắt nguồn từ đấy."