Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 18: Binh bất yếm trá



Nhận lệnh từ chúa thượng binh lính ngay lập tức bắt tay vào thu xếp hành trang, lương thực cùng các vật dụng tuỳ thân, ba ngày sau thì lên đường. Quân sĩ của La Lân tiếp tục ở lại trấn giữ Cử Long cùng chủ tướng. Dù có hơi khó chấp nhận song Lê Long Đĩnh cao ngạo kia đã nhận phải kết cục cay đắng đầu tiên dưới tay giặc Man, rút về Hoa Lư.

Trong những thước phim tôi từng xem lúc còn ở hiện đại thì hành quân nơi quan sơn(1) hiểm ải thường nhẹ nhàng, bí mật để tránh đánh động kẻ thù, càng phải chú trọng đi nhanh chóng, đi nối tiếp nhau. Ấy vậy mà binh lính triều đình chẳng có vẻ gì là thế cả. Đã vậy lệnh từ trên đưa xuống tôi còn thấy cờ xí rợp trời, rộn ràng trống chiêng khác hẳn lúc đến. Nếu ai nhìn qua có khi còn tưởng đang khải hoàn trở về. Tôi đợi đến lúc binh lính nghỉ chân liền mang mối băn khoăn này đi hỏi Lịch Vũ:

"Bẩm Đô chỉ huy sứ, sao phải gióng trống mở cờ như vậy?"

Lịch Vũ mở túi bên hông lấy bình nước đưa cho tôi, phóng tầm mắt ra xa quan sát bốn bề, nói đoạn mới ôn tồn đáp:

"Quân đi phải trương thế ra, xếp đặt cờ trống, rộng khua trống chiêng, lấy nghìn làm vạn, lấy ít làm nhiều, lấy yếu làm mạnh, lấy thắng giả mà làm ra thắng. Cương tất thắng nhu, thực tất thắng hư, lớn tất nuốt nhỏ. Đó là lẽ tất nhiên vậy(2)."

Cái gì mà "lấy thắng giả mà làm ra thắng"? Hai ngày một trận nhẹ dăm ngày một trận nặng, chẳng phải kiểu đánh du kích của quân Man suốt những ngày qua đã khiến lính triều đình điêu đứng đấy ư? Tôi khịt mũi toan lỉnh ngay thì thấy hai người trông có vẻ như du binh(3) đi tới thi lễ với Lịch Vũ:

"Bẩm Đô chỉ huy sứ, phía trước phát hiện một đám cỏ mới khô héo."

Lịch Vũ chau mày. Đoạn đường này là nơi cuối cùng của địa phận rừng núi Cử Long, phía trước đã là sông Cùng Giang có thể đi thuyền. Nơi trọng yếu như vậy sắc cỏ đổi thay ắt có sự trá nguỵ.

"Kiểm tra thật kỹ vùng đất xung quanh. Lấy đá lăn qua cầu, đề phòng sụp lở."

Du binh cúi đầu nhận lệnh rồi răm rắp rời đi ngay.

Ráng chiều đỏ rực in hằn lên bầu trời Cùng Giang quạnh quẽ. Nơi hợp lưu nước như phân tách ra hai màu khác biệt. Ở nơi ấy bóng tối và ánh sáng giao nhau. Sông Cùng Giang ì ầm gào thét còn rừng già vẫn lặng yên tịch mịch, hoạ hoằn lắm mới có vài tiếng bồ nông lẻ loi gọi bạn. Giữa lúc vạt nắng cuối cùng tan hẳn trên sóng nước chòng chành, quân Man ập đến tấn công thêm một lần nữa.

Giặc đông như kiến, lúc nhúc tựa dòi bọ từ khắp các ngả ùa về: từ trên núi và cả cửa sông. Không còn đánh du kích nữa, trận chiến cuối cùng hai bên dàn trận ngay nơi Cùng Giang này!

Tôi cùng các quân y và toàn bộ những người không phải binh lính đều được lệnh ở yên trong nơi nghỉ chân. Long Đĩnh cùng Lịch Vũ đã mặc giáp sắt, võ bị đầy đủ dẫn binh nghênh chiến từ bao giờ. Tất thảy những người ở lại đều biết rất rõ tại sao họ có thể an toàn ở lại, không chỉ bởi họ yếu thế hơn cần được bảo vệ mà bởi để sẵn sàng hậu thuẫn những binh lính xông pha mặc sống chết ngoài kia.

***

"Đam! Mau lên!" - Tiếng Lý An Tường gọi lớn. Tôi buông hộp thuốc đang cầm trên tay ra tất tả chạy lại về phía đấy.

Tường vừa tiếp nhận một binh lính bị bỏng khắp vùng đầu mặt, nhìn không rõ hình hài. Nơi vốn là cái mũi nay bị khuyết chỉ nhìn ra một cái lỗ máu thịt loang lổ, chỗ đỏ chỗ đen. Hai tay cháy khét, quần áo bầy nhầy dính chặt lại, đoán chừng đã trúng hoả tiễn của quân địch. Người lớn bỏng trên 15% diện tích cơ thể đã là bỏng nặng trong khi binh lính này sơ sơ đã lên đến 27%(4). Anh ta lăn lộn trên giường kêu la vật vã, liên tục nôn, chân tay lạnh ngắt.

Tôi cố gắng cắt bỏ quần áo một cách nhanh nhất, ra sức giúp Trần Uy tìm cách chữa trị cho thương binh kia nhưng vô vọng. Bỏng vùng đầu mặt tiên lượng sẽ rất nặng do rối loạn vận mạch gây thiếu máu não hoặc thậm chí là phù não. Hiện tại là thời kỳ Tiền Lê, chúng tôi không có Morphin hoặc bất kể một loại an thần nào để giảm đau. Với những vết thương nặng và sâu đến vậy càng không thể rửa hay bôi thuốc gì mà chỉ có thể phủ vải sạch. Tôi chẩn mạch, mạch nhanh nhỏ, thương binh lả đi, độ chưa đầy một khắc sau thì mất.

Tôi chưa kịp lấy lại tinh thần thì hai binh lính chuyển thương mang một người ướt sũng từ đầu tới chân vào. Tôi nghiêng đầu quan sát thấy anh ta đã bị cụt mất một chi, máu loang vào nước thấm qua áo một màu đỏ nhạt. Thấy cử chỉ khác lạ của binh lính tôi vừa hướng dẫn đặt bệnh nhân lên giường vừa hỏi thêm:

"Có chuyện gì à?"

Hai người kia vừa vội vã đặt thương binh lên giường vừa lắp bắp:

"Bị... bị giao long cắn!"

Tôi chau mày lật vết thương ra xem, rõ ràng vết tích này không phải do đao kiếm mà thành. Giao long là con gì mà lại có hàm răng lớn và sắc đến vậy? Vết thương máu thịt lẫn lộn, một vài mảnh da chưa đứt hẳn còn lê thê trên tay. Tôi tỉ mẩn quan sát thì phát hiện anh ta còn một mũi tên găm vào trên bả vai. Hẳn là bị trúng tên rơi xuống nước nên đã dẫn dụ giao long đến tấn công.

Tôi bắt đầu bắt tay vào cầm máu cho người kia, băng bó phần chi cụt cẩn thận, tạm thời xem như có thể an tâm với vết thương đó. Tuy vậy mũi tên trên bả vai kia có độc khiến máu chạy loạn vào trong, bệnh nhân liên tục phiền khát. Một quân y phụ giúp tôi đem lá cây dầu sơn giã nát nhừ, hoà với nước, vò vắt lấy một bát nước đầy rồi cho uống. Nước lá cây dầu sơn có thể chữa khỏi khát, mát lòng. Hạt cây dầu sơn giã nát theo rồi đem rịt lên vết thương. Đợi đến khi nước đen nước vàng trong vết thương chảy ra thì không cần quá lo lắng nữa. Bước đầu sơ cứu có thể coi như tạm ổn.

Chỉ qua chốc lát mà người bị thương được chuyển đến đã gần như kín hết các giường. Quân y ai nấy luôn chân luôn tay, tôi đến uống một ngụm nước cũng không có thời gian đành bấm bụng nhịn khát. Giữa lúc đang đi tới định giúp Tường băng bó thì Trần Uy giữ tôi lại:

"Đam! Theo ta!"

"Dạ bẩm Giáo thụ, ta đi đâu?" - Giữa lúc nguy khốn cần người thì sao lại rời đi chứ?

"Chúa thượng bị thương rồi!"

Tôi nghe tin Long Đĩnh gặp nạn mà như sét đánh bên tai, mau chóng rửa sạch tay rồi xách hòm gỗ đi theo Giáo thụ. Tôi và Trần Uy chèo lên một thuyền nhỏ, lính chuyển thương mau chóng chèo về phía Cùng Giang, bên cạnh có hai tốp binh lính khác hảo vệ.

Đã đầu canh 5, tình hình nơi hoả tuyến vẫn vô cùng ác liệt. Dọc ngã giao giữa những nhánh sông khác và Cùng Giang có đến cả trăm chiến thuyền to nhỏ khác nhau. Nhóm chúng tôi chọn đi đường vòng từ một nhánh hợp lưu khác, không có nhiều cản trở. Lúc này tôi mới nhận ra ban đầu chỉ là đánh nhau trên bờ, binh lính ướt sũng được chuyển thương đến bởi có thuỷ chiến. Nếu chúng tôi phải đi thuyền tới chỗ Long Đĩnh thì hẳn thuỷ binh do y lãnh đạo. Vậy người đối phó trên bờ chắc chắn là Lịch Vũ. Tôi hít vào hơi sâu gắng lấy lại bình tĩnh. Dù tôi chẳng yêu quý sinh mạng mình đi chăng nữa thì xông pha nơi trận mạc thế này cũng là quá nguy hiểm. Hai tay tôi bấu chặt vào với nhau không dám nói việc mình đang lo lắng với Giáo thụ. Lúc này ánh đuốc le lói phía xa, tôi nhìn rõ thấy rất nhiều thuyền cắm cờ vàng viết chữ 矯 lớn, kể từ khi tới Đại Cồ Việt đến nay tôi chưa từng thấy qua loại cờ này.

"Bẩm Giáo thụ, kia là..."

Trần Uy nheo mắt nhìn theo hướng tay tôi chỉ, mất một lúc lâu để ông có thể đọc được rõ ràng.

"Họ Kiều!"

Tôi chột dạ, chẳng nhẽ đây chính là thế lực đằng sau muốn thao túng Man Cử Long ám hại Long Đĩnh ư?

"Chúng ta phải nhanh lên thôi." - Tôi lo lắng nói với hai người chèo thuyền.

"Trò đừng sợ, họ Kiều là chi viện của triều đình!" - Trần Uy điềm tĩnh.

Tôi không chắc tại sao Trần Uy phân biệt được nhưng hẳn Giáo thụ có lý của mình. Vì là thuyền nhỏ lại ít người, chúng tôi rất nhanh đã rời sang một hướng khác rồi mất hút sau những rặng lau cao quá đầu người. Thuyền rẽ nước mà đi cho đến gần cuối sông thì hai lính chuyển thương chèo chậm lại hẳn. Lúc này chúng tôi đã ở rất gần chiến tuyến, cách thuyền của Long Đĩnh không bao xa. Nhìn từ đây có thể dễ dàng thấy trận pháp chỉ bày sát mép nước, không quá xa bờ. Hai bên dùng dằng qua lại, kẻ bắn người chém, hết nỏ lại tới đao gươm.

Thuyền chở thương không cách nào áp sát chiến thuyền. Chúng tôi dạt hẳn vào một bên, nấp sau đám lau cao ngút ngàn chờ cơ hội. Những mũi tên vun vút trong gió, lạnh lẽo và khô khốc xé toạc bầu trời xuân ảm đạm. Lúc này gió rít lên và trên bầu trời lất phất những hạt mưa bụi. Mưa giăng trắng trời, mặt nước đỏ au màu máu. Tôi ngồi trên thuyền, sóng dập dềnh mãi không thôi. Hai bàn tay đan chặt, cố giữ không khỏi run sợ mỗi khi có một thây người trôi dạt qua trước mắt mình.

"Bẩm Giáo thụ, chúng ta phải làm sao?"

"Kiên nhẫn một chút nữa, chờ cơ hội ta và trò sẽ lên thuyền."

Tôi ngồi chờ mà lòng như lửa đốt, bấy giờ mới nhận ra hai bên không còn đánh sát mép nước nữa mà đã dần mở rộng ra giữa sông. Quân Man được đà liền liên tiếp lao tới tấn công, lính triều đình lại quay lưng ra nước mà bày trận.

"Thưa Giáo thụ!" - Tôi hốt hoảng không nói nên lời. Là thư đồng của Đô chỉ huy sứ tôi đã kịp học điều cơ bản: khi bày trận thường bên phải và sau lưng là núi gò, trước mặt và bên trái mới là sông hồ. Nay tình thế đảo ngược chẳng phải nguy hiểm lắm sao?

Trần Uy nheo mắt nhìn, đoạn quay sang bảo với người chèo thuyền:

"Là lúc này! Lập tức áp sát thuyền của chúa thượng cho ta!"

Binh lính tạo thế, dùng khiên mây chắn quanh người tôi và Trần Uy rồi ra sức chèo lại gần. Tôi cảm nhận rõ những tiếng mũi tên vun vút bay qua đầu mình. Thấy cả hơi lửa bỏng rát của hoả tiễn găm bên ngoài lớp khiên mây. Thuyền chậm lại, áng chừng một trong hai tay chèo đã gặp chuyện chẳng lành. Nếu bây giờ quay lại có còn kịp không?

Có lẽ.

Nhưng tôi biết rõ cả Trần Uy và chính bản thân mình không muốn vậy. Long Đĩnh lâm nguy, việc duy nhất tôi có thể làm để giữ lịch sử đi đúng quỹ đạo chính là tận chút sức lực cuối cùng của mình.

Dường như có ai vừa nhảy lên thuyền, chiếc thuyền chòng chành qua lại rồi trở nên nhanh hơn. Tôi nhắm mắt, lần đầu tiên trong đời thực sự cầu nguyện. Xung quanh tiếng gươm đao chát chúa như ghim thẳng vào não, hai tay tôi ướt rịn mồ hôi. Cả thân hình núp trong mấy lớp khiên mây vẫn run lên bần bật. May mắn thay các thuyền khác của quân triều đình đã nhận ra, hậu thuẫn chúng tôi áp sát thuyền của chúa thượng. Bên trên nhận ra quân y liền thả thang dây xuống, hai thầy trò chúng tôi ra sức trèo lên, phải cố gắng lắm mới có thể thoát được những màn mưa tên liên tiếp của Man Cử Long.

Vừa lên đến thuyền hai chân tôi đứng còn chưa vững đã bị đập một cú trời giáng vào gáy, đau đến xây xẩm mặt mày. Binh lính vừa đánh tôi thét lớn:

"Cúi xuống, ngươi muốn chết à?"

Vừa đau vừa oan ức nhưng tôi không dám khóc, chỉ dám cùng thầy lom khom đi trên thuyền. Thấy đầu gối Trần Uy run run có lẽ do tuổi tác nên tôi đưa tay ra phía trước:

"Giáo thụ, để Đam dẫn người."

Trần Uy mỉm cười, gật đầu.

Long Đĩnh bị thương ở tay do tên bắn trúng, là tên độc. Vốn dĩ vết thương tương đối nông và loại độc này tôi cũng đã gặp khi nãy ở doanh trại, cũng không phải loại quá nguy hiểm gì. Tuy vậy thời điểm bị thương đã lâu, Long Đĩnh liên tục vận động nên độc lan ra nhanh hơn. Sắc mặt của y rất kém, môi thâm lại. Trần Uy giúp chúa thượng chẩn mạch rồi cẩn thận lấy ra những viên thuốc đã được hoàn tán sẵn. Đợi Long Đĩnh uống xong, tôi cũng băng bó đâu vào đấy Giáo thụ cung kính tay chắp ngang bụng, cúi đầu:

"Chúa thượng, người nên nghỉ ngơi một chốc."

Long Đĩnh phẩy tay, vịn vào thuyền rồi đứng dậy. Tôi nhìn theo bóng lưng y. Dù áo giáp sáng trưng nhưng vẫn có thể nhận ra một đường máu rất nhỏ rỉ ra nhỏ xuống tí tách. Là vết thương cũ, hẳn vậy.

Long Đĩnh nên nghỉ ngơi - Phải!

Long Đĩnh không cần tự mình ra trận - Phải!

Long Đĩnh không cần tự tay giết giặc, dùng một cùng tên, dùng một thanh kiếm - Phải!

Nhưng tất cả binh sĩ ở đây đều hiểu rõ chừng nào chúa thượng vẫn còn có thể vẫy gươm chỉ giáo, ra lệnh cho quần hùng(5), chừng đấy vẫn còn chiến đấu, mặc cho lâm nạn, mặc cho thịt nát xương tan!

Mặt trời đã hừng lên từ phía đằng đông, ánh nắng yếu ớt chẳng đủ xuyên qua làn mưa bụi dày đặc. Giữa khoảng không xám xịt mịt mờ, thấp thoáng những chiếc cờ vàng chói lọi ngày càng áp sát quân Cử Long. Là quân của họ Kiều! Những chiến thuyền này đã đến trước tôi sao bây giờ mới xuất hiện? Quân chi viện cùng quân triều đình bắt đầu phối hợp với nhau tạo thành thế gọng kìm vây chặt quân địch ở giữa sông tôi mới hiểu. Hoá ra ban nãy chỉ là nghi binh, Long Đĩnh chờ thời cơ dồn tổng lực đánh úp khiến quân địch tiến thoái lưỡng nan.

Đợi đến khi cả binh lẫn tướng của Man Cử Long nhận thức được điều này thì đã quá muộn. Nếu quay về bờ thì bị quân của Long Đĩnh chặn đứng, nếu xuôi dòng Cùng Giang thì lại bị quân họ Kiều đón đầu. Còn nước còn tát, nếu có thể đi thẳng sang phía bờ bên kia rồi theo đường bộ chạy thoát thì có lẽ Man Cử Long vẫn còn một tia hi vọng. Đương nhiên Long Đĩnh nhận thức được điều đó, liên tục hạ lệnh cho chiến thuyền áp sát quân Man, dồn vào thế bí.

Chó cùng rứt giậu, tướng quân bên địch quyết mở con đường máu, một mặt liên tục bắn tên về phía thuyền lớn của Long Đĩnh, một mặt cho các thuyền nhỏ áp sát rồi móc dây, tìm cách đu lên thuyền quân triều đình.

Rầm!

Rầm!

Hai tiếng lớn kinh thiên động địa, cả mặt thuyền rung chuyển. Vụ va chạm mạnh tới nỗi toàn bộ người trên thuyền chao đảo đứng không vững. Tôi ngã sấp, hai đầu gối đán xuống sàn kêu "bịch" một tiếng chát chúa đau đến điếng người.

"Cẩn thận lính nhảy thuyền!" - Tiếng người thất thanh.

Tiếng người khác to hơn, hoảng loạn đến cùng cực:

"Chúa thượng rơi xuống nước rồi! Mau! Mau cứu giá!"

Nghe đến đây tôi thất kinh, gắng dùng hết sức bình sinh mà bật dậy chạy về phía đấy. Năm binh lính bỏ giáp vứt đao, nhảy xuống cứu giá. Quân Man Cử Long dường như đã đánh hơi được chuyện gì nên thay nhau bắn tên về phía chúa thượng. Càng kỳ lạ là Long Đĩnh gần như bất động không hề phản kháng, dần dần chìm xuống. Không phải là... lúc rơi xuống đầu đã đập vào đâu rồi đấy chứ?

Năm binh lính kia vẫn loay hoay tìm Long Đĩnh. Trong màn tên dày đặc ba trong năm người đã bị bắn trúng, toàn thân chi chít tên như bia tập bắn, máu đỏ loang ra, dập dềnh trên mặt nước. Quân Man thành công tách Long Đĩnh ra xa khỏi chiến thuyền. Kể cả có cứu được Long Đĩnh cũng không thể quay về thuyền nữa. Tôi ôm vào thành, hét lớn về phía hai người vừa hay kéo được Long Đĩnh trồi lên khỏi mặt nước:

"Đưa chúa thượng vào bờ! Vào bờ!"

Trần Uy có vẻ đoán ra điều gì liền muốn cản tôi rồi lại thôi. Tôi nhìn Giáo thụ của mình chỉ biết cười trừ, hít một hơi sâu rồi cũng lao mình xuống dòng nước.

_______

Chú thích:

(1) quan sơn: cửa ải và núi non; thường dùng để chỉ đường sá xa xôi, cách trở.

(2) Trích sách "Võ kinh"

(3) du binh: lính thăm dò đường.

(4) "Luật 9" Wallace: Tính diện tích bỏng người lớn: Đầu mặt cổ 9%, Ngực 9%, Bụng 9%, Toàn lưng 18%, Tay 9%, Chân 18%, Bộ phận sinh dục 1%.

(5) quần hùng: Chỉ chung những người tài giỏi hơn đời, đang cùng nhau làm việc gì — Chỉ chung những nước lớn mạnh đang tranh chấp với nhau. (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng)