Hoa Sơn Trà Nở

Chương 3



13.

Lúc về nhà trời đã tối, nhưng cả nhà bật đèn sáng trưng, người hầu lặng lẽ ra vào.

Như thường lệ, tôi vào phòng khách báo cáo tình hình buổi đấu giá với ba.

Cây gậy tinh xảo được ông đặt bên mình, chỉ cần duỗi tay là có thể cầm lấy, ông vẫy tay, dùng đôi mắt giống y hệt tôi, uy nghiêm nhìn tôi chằm chằm: “Trữ Doanh, trước khi đi, ba đã nói với con như thế nào?”

Tôi đọc lại nguyên văn, thậm chí còn bắt chước giọng điệu của ông: “Nếu nhà họ Giang hủy hỏ hôn ước, con biết sau này hậu quả là gì rồi đấy.”

“Chuyện bức tranh hôm nay là như thế nào? Tại sao tranh của Thời Tự lại xuất hiện ở đó?”

Không ngờ ông vẫn còn nhớ Thời Tự.

Ông lắc đầu, nhìn tôi với vẻ tràn ngâp thất vọng: “Trữ Doanh, gia đình tốn biết bao tâm huyết để bồi dưỡng con thành niềm tự hào của gia đình, tại sao gần đây con luôn làm ra những chuyện đáng thất vọng như vậy. Con đừng trách ba nghiêm khắc với con, chỉ có giáo dục nghiêm khắc mới có thể tạo ra đứa con ưu tú, đáng được trân trọng.”

Ba nhìn tôi chằm chằm, mong nhận được câu trả lời.

Tôi gật đầu theo ý ông muốn, ngoan ngoãn tuân theo: “Con biết gia đình vì muốn tốt cho con.”

Nhưng lần này, ông không cầm cây gậy đó nữa: “Gần đây con có nhiều hoạt động phải đi lại, để người hầu dẫn con vào căn phòng đó ngủ đi.”

Tôi lập tức ngẩng đầu, lông mi run rẩy.

Ba tôi mỉm cười: “Làm sai thì phải chịu phạt, không đúng sao?”

14.

Căn phòng này rất nhỏ, không có cửa sổ, cũng không có đèn, khi đóng cửa lại thì một chút ánh sáng cũng không lọt vào được.

Căn phòng này được xây dựng vì tôi, tôi rất sợ căn phòng này. Từ lúc bắt đầu có ký ức, lúc làm sai tôi sẽ có hai cách bị phạt, một là bị đánh bằng gậy, hai là vào trong căn phòng này. Khi có hoạt động cần phải tiếp xúc nhiều với bên ngoài thì sẽ dùng cách thứ hai.

Nhưng căn phòng này, với tôi mà nói còn đáng sợ hơn bị đánh, đó là cảm giác sợ hãi do tích tụ lâu ngày.

Khoảnh khắc đóng cửa lại, bóng tối vô tận bao trùm lấy tôi.

Cơ thể tôi bắt đầu run rẩy, sống lưng toát mồ hôi lạnh. Tôi ngã xuống sàn, thở từng hơi nặng nề, cảm giác ngạt thở bao quanh cổ họng tôi.

Tôi không kêu cứu, người trong nhà này sẽ không có ai mở cửa cho tôi.

Chỉ có năm tôi 17 tuổi, khi Thời Tự tới nhà tôi làm khách, anh nghe thấy tiếng khóc nên đã mở cánh cửa chỉ mở được từ bên ngoài này. Mắt tôi mê man vì mồ hôi, thấy anh xông đến từ phía ngược sáng.

Thời Tự yên lặng hỏi tôi: “Trữ Doanh, có muốn bỏ trốn với anh không?”

Tôi nói được.

Anh ghét việc trị liệu, còn tôi ghét gia quy, đồng điệu với nhau. Kết quả chúng tôi chỉ vừa mới đi được nửa đường, anh đã phát bệnh.

Chính vì lần đó mà anh không qua khỏi. Ba tôi nói, Thời Tự chết là để trả giá cho sự phản nghịch của tôi.

Ông nói, người bạn duy nhất của tôi chết vì sự tùy hứng của tôi.

Từ đó trở đi, tôi không bao giờ phản kháng nữa.

Giống như một loại chuộc lỗi, tôi luôn tồn tại, nghe theo yêu cầu của họ. Mọi người ai cũng cảm thấy tôi dịu dàng, xuất sắc về mọi mặt, nhưng không ai biết, vào mùa xuân tôi bị nhốt năm 17 tuổi, Thời Tự nằm trên giường bệnh, máu từ trong miệng trào ra không ngừng, anh thở hổn hển dữ dội, nốt ruồi trên cổ nhổ lên rồi lại hạ xuống.

Tôi chưa bao giờ quên.

Cho đến khi gặp Giang Yến, anh là một biến số.

Tôi dường như không thể thở được nữa, đột nhiên ngửi thấy mùi hoa sơn trà, lại tỉnh táo một lúc, cố gắng với lấy chiếc điện thoại đằng xa, dùng hết sức bình sinh gọi một cuộc điện thoại.

Được bắt máy ngay lập tức.

Thậm chí tôi cảm thấy năm giác quan đều đã mất hết, chỉ còn lại tiếng hít thở dồn dập.

Giang Yến hỏi: “Trữ Doanh, em ở đâu?”

Tôi không thể trả lời.

Trong điện thoại có tiếng gió.

Tôi thể nhớ được gì nữa.

Chỉ nhớ điện thoại vẫn luôn được kết nối, cánh cửa tôi không thể mở ra bị đá văng, Giang Yến đứng ở nơi có ánh sáng.

Chắc hẳn anh tới đây rất nhanh, bởi vì trước khi Giang Yến vội vã ôm tôi ra khỏi nhà họ Trữ thì tôi đã tỉnh lại, bác sĩ cũng vội vàng tới đây cùng anh, bên ngoài nhà họ Trữ còn có vệ sĩ mặc đồ đen.

Tôi kéo tay áo anh, vẫn như mọi lần, khẽ nói: “Giang Yến, quay lại đi.”

Anh bỗng nhiên dừng bước, đôi mắt đen nhìn tôi, cảm xúc tức giận và lo lắng đều nặng nề đến đáng sợ, nhưng anh không hề do dự quay lại, lúc tới phòng khách, tôi bước xuống đi bộ, nhưng chưa đi được hai bước đã thấy choáng váng, suýt nôn ra.

Người nhà họ Trữ đều có mặt ở đây. Người ba quản giáo tôi bao nhiêu năm nay, người mẹ mỗi lần thấy tôi đau khổ là lại tránh mặt cùng với đám người hầu chỉ biết bất lực đứng nhìn. Tôi cầm cây gậy đặt bên cạnh, gõ mạnh vào bức tường cổ kia. Mảnh vỡ văng ra.

Một lần không đủ, vậy thì hai lần.

Không biết tôi đã phát tiết bao nhiêu lần, lúc tỉnh táo lại thì dưới đất đầy những mảnh vỡ. Cây gậy rơi xuống đất, gãy ra thành mấy khúc.

Mọi người sợ hãi lùi về sau, nhìn tôi bằng ánh mắt như đang nhìn người điên, ngay cả ba tôi cũng không nói gì.

Ông đã nói sai rồi, lúc tôi 17 tuổi lẽ ra không nên tự ý trốn đi với Thời Tự, lẽ ra tôi phải phát điên đập phá nơi này.

Tôi khàn giọng: “Tiểu thư dịu dàng gì đó, cút con mẹ nó đi.”

15.

Có một giấc mộng luôn ám ảnh tôi suốt bao năm nay.

Tôi chạy thục mạng trên đường, ôm lấy bông hoa lan vừa mới hái rồi tiếp tục chạy.

Tôi vui vẻ muốn kể cho bạn của tôi biết, đóa hoa lan sẽ sáng lên như thế nào trong đêm, còn bị té ngã. Nhưng khi tôi chạy tới phòng bệnh, xung quanh Thời Tự có rất nhiều người, điện tâm đồ hiển thị một đường thẳng tắp.

Anh sẽ không vẽ cảnh tôi chơi đàn cello, không mở cánh cửa đó giúp tôi, không vươn tay về phía tôi thêm một lần nào nữa.

Anh bảo tôi đi hái cho anh một bông hoa trong gió xuân, nhưng lại mãi mãi ra đi trong mùa xuân, ra đi trước khi tôi trở lại gặp anh.

Giống như một hình phạt.

Ba tôi niết bả vai tôi, nhìn tôi đang ngây ngẩn, nói: “Doanh Doanh, con thấy không? Chuyện con làm sai lại khiến người khác chịu hậu quả, sau này đừng làm sai nữa, biết chưa?”

Rất nhiều năm về sau, có đôi lúc tôi cảm giác mình vẫn đang chạy trốn, lại vẫn đang bị giam trên chiếc giường bệnh kia. Tôi khỏe mạnh hơn Thời Tự, nhưng lại giống một người đang mắc bệnh nan y.

Áy náy đã thành một căn bệnh không thể chữa lành.

Mãi cho đến khi gặp Giang Yến, anh giống như yêu ma trong truyện cổ tích, có sức sống mạnh mẽ, không biết sợ là gì, không biết chịu thua là gì.

Lần này trong giấc mơ, tôi không còn chạy nữa.

Tôi dừng chân, đặt đóa hoa lan dưới chân và nói: “Thời Tự, em phải tiếp tục tiến về phía trước rồi. Anh bình an nhé.”

16.

Lúc tỉnh tôi tỉnh lại trong phòng bệnh đã là buổi tối.

Giang Yến đang nằm ngủ trên mép giường, anh chỉ dám chiếm một góc nhỏ, trông như đã rất nhiều ngày không được nghỉ ngơi, lúc ngủ cũng nắm chặt tay tôi, ngón giữa đeo nhẫn cưới, còn chiếc nhẫn dành cho nữ được anh xâu vào sợi dây chuyền đeo trên cổ.

Tôi mở Weibo lên, hiếm khi thấy Giang Yến đăng bài.

Chỉ là một bức ảnh anh nắm tay tôi, nhưng ngón tay tôi không đeo nhẫn. Cư dân mạng tinh mắt nhìn thấy vòng cổ của anh, cười nhạo anh dưới khu bình luận.

“Cậu Giang đang theo đuổi lại vợ à. Không biết trân trọng người đẹp, giờ có khóc sưng mắt cũng chẳng ai quan tâm anh đâu.”

“Quả nhiên là người có tiền, một người đeo tận hai cái nhẫn cưới. Giỏi lắm.”

Giang Yến trả lời tất cả mọi người bằng một chữ: “Cút.”

Bên ngoài, hoa lan đã nở rộ, màu trắng tinh khiết như tỏa sáng giữa màn đêm.

Tôi nhìn đến mê mẩn, quay đầu thì phát hiện Giang Yến đã tỉnh từ lâu, không biết anh đã ngắm tôi từ lúc nào, gương mặt không hề có vẻ kiêu ngạo.

Tôi nhìn thấy mắt anh vẫn còn sưng.

Tôi thở dài, tìm viên đá chườm giúp anh. Nghe nói hai hôm nay Giang Yến đều đeo kính râm ra ngoài, tôi chưa từng nghĩ anh sẽ khóc nhiều tới mức này.

Giang Yến đột nhiên nói: “Trữ Doanh, sau này em muốn làm gì, muốn là người như thế nào cũng được.”

Tôi nghĩ rồi hỏi: “Hủy hôn cũng được sao?”

Anh đơ người thật lâu mới khàn giọng nói: “Cũng được. Nhưng anh vẫn sẽ thích em, tiếp tục đi theo em. Ngoại trừ anh, không ai có thể ở bên cạnh em, dù trong lòng cũng không được.”

Tôi gật đầu.

Anh duỗi tay nắm chặt tay tôi. Tôi không đẩy anh ra.

Tôi sẽ là chính mình, sẽ tiến về phía trước như Thời Tự mong muốn, không bị nhốt trong mùa xuân năm 17 tuổi nữa.

Bánh răng vận mệnh bắt đầu di chuyển.

Hoa ngọc lan lay động trong đêm xuân.

Tôi và Giang Yến, sẽ còn rất nhiều mùa xuân nữa.

(Hết)