Hồ Sơ Tâm Lý Tội Phạm - Tội Không Thể Tha

Chương 34



Chiếc Santana màu xám bạc chạy đến cửa phân cục La Cương của thành phố C thì hai người Điêu, Tống cũng nhìn thấy các cảnh sát của cục đang túm một đám nam nữ thanh niên tóc vàng, tóc xanh đi vào trong.

Liếc thấy một bóng dáng quen thuộc trong đó, Điêu Thư Chân nháy mắt mấy cái, nhếch môi cười nói: “Vốn chị còn định nhờ mấy đồng nghiệp trong phân cục liên hệ Tôn Tiềm, ai dè chưa mời mà cậu ta đã đến rồi.”

Tống Ngọc Thành nhìn theo hướng tay Điêu Thư Chân chỉ, nhận ra thanh niên thấp người, ục ịch kia là cháu trai của nạn nhân trong vụ án thứ nhất, Tôn Tiềm, nên quay sang cho Điêu Thư Chân một ánh mắt hiểu rõ.

“À, cô nói cậu ta ấy hả?” Đồng nghiệp phụ trách nói, “Một đám tụ tập uống rượu xong phê quá rồi đánh nhau. Nhìn vậy không biết có cắn thuốc không, chúng tôi đang định rút máu xét nghiệm đây.”

“Được, vậy vừa hay.” Điêu Thư Chân cười ma mãnh, “Thế là có thể nghiệm xem Diệp Cửu có phải chị ruột của cậu ta không rồi. Còn lại giao cho em đấy.”

Tống Ngọc Thành bước xuống xe, lặng lẽ lấy chiếc cặp lấy mẫu chuyên nghiệp từ cốp ra, bên trong còn có cả túi chườm đá. Điêu Thư Chân giơ ngón cái với cô nàng.



Thế là Điêu Thư Chân xách chiếc cặp trắng vào phân cục, nói rõ mục đích đến, sau đó đưa riêng Tôn Tiềm vào phòng thẩm vấn.

Tôn Tiềm đâu đã trải qua tình cảnh này bao giờ, sợ đến mức nhũn cả chân, lộ rõ vẻ nhát cáy. Có thể là biểu cảm trên mặt Điêu Thư Chân quá mức gian tà, ánh mắt nhìn cậu ta rất giống ánh mắt một người đã nhịn đói ba ngày ba đêm nhìn về phía con gà nướng mập đến chảy mỡ, mà bên cạnh còn có một chị gái khí chất xuất chúng, nét mặt lạnh băng khoanh tay đứng ngay cửa.

Cậu ta líu lưỡi, nói cũng không được trôi chảy: “Tôi… tôi… tôi chỉ đứng kế bên nhìn tụi nó đánh nhau thôi. Tụi nó gọi tôi đến tăng thêm khí thế, tôi không có ra tay. Chú cảnh sát! Cháu bị oan!”

Khóe môi Điêu Thư Chân khẽ run. Cô mất kiên nhẫn lấy dây garo ra, đập lên bàn ‘bịch’ một tiếng, khiến Tôn Tiềm lập tức im thin thít.

“Cậu câm miệng lại cho tôi!” Điêu Thư Chân quát, “Đã đánh lộn rồi mà còn lí sự nữa à? Thân là sinh viên, không lo học hành, trau dồi kiến thức khoa học, văn hóa, cống hiến cho sự phát triển của Tổ quốc mà lại đi đánh nhau chỉ vì chút tiền thuê! Cậu còn có mặt mũi kêu oan!”

Tôn Tiềm gục đầu, im lặng. Điêu Thư Chân nghĩ đến chuyện Diệp Cửu có thể có mối quan hệ với cậu ta, cơn tức trong lòng lại càng bốc cao. Cô dùng Povidon iod sát khuẩn xong lại xé kim rút máu, lấy mẫu.

Tôn Tiềm nhắm mắt, nhăn mặt, người co rúm, trán lấm tấm mồ hôi, bộ dạng căng thẳng, sợ hãi cực kì.

Điêu Thư Chân thở dài, tháo garo, dặn: “Này, tự cầm gòn đè lại đi.”

“Về nhớ không đánh nhau nữa đấy. Đừng có nghĩ lăn lộn giang hồ là oai lắm. Cậu là cậu chỉ nhìn đến trộm ăn thịt, đâu thấy trộm bị đánh. Học hành cho đàng hoàng vào, nắm vững chuyên ngành của bản thân, sau này mới có được chỗ đứng trong xã hội.” Điêu Thư Chân vừa dọn đồ vừa nói.

Tôn Tiềm giật mình nhìn vị cảnh sát mới rồi còn hùng hùng hổ hổ, không hiểu sao tự dưng đối phương lại đổi sắc mặt, hệt như một chị gái đang kiên nhẫn khuyên răn đứa em trai không nghe lời. Người nọ còn bước đến vỗ vỗ vai cậu ta, trên gương mặt là nét thương xót khó diễn tả.

“Cuộc sống của cậu là do hy sinh một sinh mệnh khác mà có.” Vị cảnh sát trẻ tuổi kia đứng ngược sáng, nét mặt u ám, “Ráng sống cho tốt đi, đừng để thế giới này thất vọng.”

Trong cuộc họp thảo luận vụ án hôm sau, căn cứ vào những manh mối đã có, Điêu Thư Chân đưa ra đề nghị kết hợp cả ba vụ án lại để điều tra một lượt, lí do như sau:

Thứ nhất, các nạn nhân có mức độ tương tự cao. Nhìn mặt ngoài thì nạn nhân của ba vụ án này, từ giới tính, tuổi tác, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình cùng với địa vị xã hội đều có sự khác biệt rất lớn, trong cuộc sống hàng ngày cũng không có mối quan hệ xã hội nào dính líu với nhau, thoạt trông như chẳng hề liên quan. Nhưng nếu đào sâu vào những điểm chung thì sẽ phát hiện cả ba nạn nhân này đều có mức độ nguy hiểm cao. Điểm chung chính là đều từng dùng những cách thức trái pháp luật, trái quy định làm hại đến người khác, hơn nữa còn vì nhiều nguyên nhân mà tránh được sự chế tài của pháp luật.

Triệu Quốc Hoa lợi dụng chức vụ để xâm hại tình dục học sinh của mình. Âu Dương Thuận Phong, cũng chính là Lý Bình, lợi dụng mánh khóe trong tâm lý học để tiến hành tẩy não và thao túng các cô gái trẻ, từ đó thực hiện mục đích chiếm đoạt thân thể, cướp lấy tài sản của họ. Về phần bà cụ Tôn Phượng Đệ, qua kết quả giám định DNA cấp tốc được thực hiện trong tối hôm qua, xác định bà ta là bà nội của cô gái trẻ tên Diệp Cửu, người đã tự sát trên Cầu số 1 vào ngày 15 tháng 3, độ chính xác lên đến 99%. Liên hệ với quan điểm của người dân thành phố C về việc hiện trường vụ án từng là bãi tha ma chôn xác trẻ sơ sinh thì có thể trong thời gian chính sách một con còn hiệu lực, bà cụ này đã từng vứt bỏ cháu gái để trong nhà có được một bé trai.

Tuy vì nhiều nguyên nhân mà những hành vi phạm tội của ba nạn nhân này đều không bị trừng phạt, hình như cũng không ai biết nhưng tội nghiệt mà không bị ghi nhớ, không bị vạch trần vẫn cứ là tội nghiệt. Những quả bom hẹn giờ tiềm ẩn ấy rất có thể sẽ nổ tung vào một dịp đặc biệt nào đó.



Mà dịp này, có thể là lúc một trong số những người bị hại gặp phải biến cố nghiêm trọng trong cuộc sống. Biến cố ấy có thể nhỏ như chuyển nhà, nhảy việc, ly hôn, cũng có thể lớn như người thân qua đời, mắc bệnh hiểm nghèo, thậm chí mất mạng. Trước biến cố nghiêm trọng, bản thân người ấy hoặc người có quan hệ thân thiết có thể sẽ bị chứng rối loạn Stress sau sang chấn (PTSD), từ đó đổ tội về bất hạnh mình phải gánh chịu lên những kẻ đã gây hại, muốn tìm lại công bằng từ họ để xoa dịu nỗi đau mà sang chấn tâm lý gây ra.

Thứ hai, thủ đoạn gây án của hung thủ rất tương tự, có mô thức hành vi đặc trưng là dụ dỗ-trói chặt-sát hại, vứt xác, là hành vi ghi dấu ấn riêng. Nhìn mặt ngoài thì bà cụ Tôn Phượng Đệ chết do bị chôn sống, Triệu Quốc Hoa chết do ngạt thở kết hợp với vết thương hở, Lý Bình là bị giết rồi chặt xác, sau đó vứt tại nơi tổ chức hôn lễ, thoạt trông rất khác nhau. Nhưng nếu cẩn thận phân tích mô thức hành vi của hung thủ thì có thể phát hiện ra tính logic ẩn giấu bên trong. Hung thủ hiểu rất rõ nhược điểm và mối quan tâm của nạn nhân. Trong vụ Tôn Phượng Đệ, hung thủ báo tin giả là cháu trai của nạn nhân gặp tai nạn giao thông, dụ nạn nhân đến bờ sông. Ở vụ của Triệu Quốc Hoa, hung thủ cải trang thành học sinh của trường trung học Hồng Tinh, mượn danh trò chơi để tước đoạt khả năng hành động của Triệu Quốc Hoa, từ đó tìm được cơ hội xuống tay giết người. Còn vụ Lý Bình, hung thủ lợi dụng tính trăng hoa của nạn nhân để lừa hắn đến nhà trọ rồi bắt đi. Tổng hợp lại thì đối với cả ba nạn nhân, hung thủ đều lập ra kế hoạch chi tiết trước, lựa chọn thủ đoạn dụ dỗ để dẫn nạn nhân đến nơi gặp mặt đã định chứ không sử dụng các cách mai phục, tấn công bất ngờ hay ép buộc bằng bạo lực. Điều này chắc chắn có liên quan đến đặc điểm sinh lý thiên gầy yếu và tâm lý tự ti của hung thủ.

Hung thủ có ý thức phản trinh sát mức cao, đã lên kế hoạch chặt chẽ. Trong vụ án của Tôn Phượng Đệ, hung thủ chọn gây án vào lúc rạng sáng trước khi bão đến, cố tình né tránh đám đông, còn cẩn thận xử lí dấu chân lưu lại ở hiện trường. Trong vụ Triệu Quốc Hoa, hung thủ đã cố tình né tránh những đoạn đường có camera theo dõi quanh trường học, mang hung khí đi, cũng dọn sạch vân tay và dấu chân ở hiện trường. Về phần vụ Lý Bình, hung thủ cố ý lau đi dấu vân tay trên công tắc nguồn điện, cũng né tránh các thiết bị theo dõi xung quanh nhà trọ và nơi tổ chức hôn lễ. Điều này cho thấy hung thủ khá quen thuộc với hoàn cảnh tại hiện trường gây án. Nói cách khác, hung thủ đã từng đến, hoặc ít nhất cũng đã cố tình điều tra qua những nơi này trước khi vụ án xảy ra.

Thứ ba, động cơ và tính chất tâm lý của hung thủ vô cùng tương đồng, đặc trưng nhân cách của hung thủ có tính nhất quán, tuân theo tâm lý bên trong và mô thức hành vi bên ngoài đặc biệt. Ngoài việc sao chép và áp dụng lên nạn nhân chính xác cách thức mà họ đã làm hại người khác, từ đó đạt được mục đích báo thù “gậy ông đập lưng ông” ra thì còn có những tầng nghĩa sâu hơn nữa.

Tầng nghĩa ấy liên kết chặt chẽ với động cơ sâu xa của hung thủ. Tôn Phượng Đệ là một cụ bà cả đời tảo tần vì con cái, đã đến lúc được an hưởng tuổi già; Triệu Quốc Hoa là nhà giáo gương mẫu được kính trọng, năm nào cũng đạt danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; Lý Bình sắp cưới con gái một của tập đoàn Chu thị, danh lợi có đủ. Hung thủ chôn sống Tôn Phượng Đệ, khiến bà ta chịu đủ tra tấn mới có thể ngộp thở chết; vứt xác Triệu Quốc Hoa trên sân thể dục, lỏa thể lại còn đeo món đồ chơi có ý nghĩa đặc thù, bày ra tư thế cực kì nhục nhã trước mắt bao người; vứt xác Lý Bình tại nơi diễn ra hôn lễ. Ngoài báo thù ra, hung thủ còn thực hiện được mục đích vạch trần hành vi phạm tội của nạn nhân, từ đó báo động cho quần thể yếu thế, đồng thời uy hiếp những kẻ tương tự.

Cả ba vụ án này đều mang ý nghĩa xã hội tương đối. Có thể hung thủ đang bộc lộ nỗi oán giận và suy nghĩ muốn cảnh tỉnh thế hệ sau. Chôn sống các bé gái đã không còn là chuyện đặc biệt. Trong tình huống thiếu sót giáo dục giới tính, việc trẻ em bị giáo viên có quyền thế xâm hại tình dục mà không dám lên tiếng từ lâu đã không phải tin tức gì mới. Mà trong môi trường khắc khe với nữ, dễ dãi với nam, PUA sẽ không bị xem như hành vi trái pháp luật, vi phạm nhân quyền. Xã hội có khuynh hướng chỉ trích những nạn nhân nữ bị hại không đủ thông minh, mạnh mẽ hoặc không biết thận trọng, giữ kẽ.

Mà việc làm của hung thủ như con dao mổ sắc bén, dùng một cách thức phô trương thu hút sự chú ý của mọi người, phơi bày những tổn thương ngầm đã thối rữa bên dưới xã hội thái bình, hoa lệ. Hóa ra dưới này đã mục ruỗng, mưng mủ, bốc mùi tanh hôi từ lâu. Tuy đây là sát thủ liên hoàn, cách thức gây án cực kì tàn nhẫn, tính chất vô cùng ác liệt nhưng lại không phải hạng lạm sát người vô tội hay bị ích lợi che mắt. Đối tượng mưu sát thật sự có hành vi trái pháp luật mà chưa bị trừng phạt, hoặc ít nhất cũng có khiếm khuyết to lớn về mặt đạo đức. Hành động ấy giống như tiếng kêu gào, van nài mãi không được nghe thấy, dưới sự tuyệt vọng cực hạn mới biến thành phương thức cực đoan hơn, một cách biểu đạt công khai xuất phát từ yêu cầu của bản thân. Tuy thủ đoạn tàn nhẫn, tính chất ác liệt, song lại chứa đựng nét bi tráng nào đó.

Sau khi Điêu Thư Chân đưa ra phương hướng gộp ba vụ án lại để điều tra, Cục Cảnh sát thành phố C thảo luận xong cũng cho rằng với điều kiện hiện tại, có thể thành lập tổ chuyên án một lần nữa, tiến hành điều tra cùng lúc cả ba vụ án. Điêu Thư Chân cảm thấy quyết định này mang hơi hướm “có bệnh vái tứ phương”. Dù sao đối với đại đa số cảnh sát mà nói thì hồ sơ tâm lý tội phạm vẫn là một cái gì đó quá mới mẻ, không có chứng cứ chính xác có thể xâu chuỗi ba vụ án thoạt trông không hề liên quan lại với nhau. Nếu không phải chuyện quá khẩn cấp thì e là bọn họ cũng sẽ không lựa chọn phương thức mạo hiểm, gấp rút này.

Chỉ là, thời gian của mọi người không còn nhiều lắm. Xét theo phương hướng phát triển của ba vụ án thì giai cấp xã hội của nạn nhân dần lên cao, cách thức gây án và năng lực phản trinh sát của hung thủ tiến bộ nhanh chóng. Trong vụ án đầu tiên, hung thủ chỉ dám hành hung giết người tại chỗ hẻo lánh ven sông, nhân lúc đêm khuya vắng vẻ. Mà đến vụ án mới xảy ra gần đây nhất thì hung thủ đã công khai xuất hiện tại nơi tổ chức hôn lễ, có gan bại lộ trước mắt bao người để thực hiện hành vi vứt xác. Thật sự nếu không thể đưa hung thủ ra ánh sáng công lý, ngoài việc sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, khiến người dân bất an, suy giảm niềm tin vào Chính phủ thì khó đảm bảo sẽ không xuất hiện vụ án mới với tính chất càng ác liệt hơn nữa.

Minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng*. Cảnh sát giờ thà rằng hung thủ là tên côn đồ tay cầm súng ống, liều mạng đấu súng đuổi bắt một phen mà khống chế được hung thủ. Sát thủ liên hoàn thế này hệt như hồn ma nấp trong bóng tối, như virus nguy hiểm tiềm tàng, nhìn không thấy mà sờ cũng không chạm, lặng lẽ ẩn mình trong đám đông, vô cùng mờ nhạt. Nhưng lưỡi dao chết chóc được cầm trong tay hung thủ để lại bóng ma thảm thiết trên đầu mỗi người. Lòng họ thấp thỏm lo sợ, không biết khi nào, ai sẽ trở thành con dê bị hiến tế tiếp theo.

*Tấn công trực diện thì dễ né còn bắn lén thì khó phòng bị.

Nhanh chóng truy bắt hung thủ về quy án là nguyện vọng mãnh liệt trong lòng mỗi vị cảnh sát của thành phố C cũng như hai người Điêu, Tống. Đối phó với kẻ địch nấp trong bóng tối thế này, khi phương pháp điều tra truyền thống không còn hiệu quả, đành phải gửi gắm hy vọng vào hồ sơ tâm lý của Điêu Thư Thân về kẻ tình nghi.

Tuy Điêu Thư Chân đã lập hồ sơ tâm lý nghi phạm riêng lẻ cho từng vụ án nhưng cảnh sát thành phố C vẫn mong cô có thể đưa ra một bản hồ sơ hoàn chỉnh trong trường hợp điều tra kết hợp ba vụ án. Điều này cũng hợp ý Điêu Thư Chân. Cô xin cảnh sát thành phố C thời gian ba ngày, trong cuộc họp chuyên án ba ngày sau sẽ đưa ra hồ sơ tâm lý của hung thủ.

Dù thế, đối với việc lập một hồ sơ tâm lý tội phạm mà nói thì chừng ấy thời gian vẫn khá là gấp rút.

Cơ mà giờ Điêu Thư Chân đã có lí do chính đáng để không cần phải về nhà chịu Tống Ngọc Thành “chà đạp”, có thể xem như trong cái rủi có chút may mắn nho nhỏ.



_____________

Tác giả:

Kể một chuyện hoàn toàn không liên quan:

Mấy hôm trước cháu gái thôi nôi chọn đồ đoán tương lai, con nhỏ lướt qua hết cả đống đủ thứ đồ như nước hoa Dior, tờ tiền trăm đồng, bút máy Baoke, đồng hồ Tissot, xu tròn lỗ vuông đã khá cũ dùng để gieo quẻ, sáo trúc, đàn violon, blah bleh mà bò thẳng đến quyển “Pháp y học” của tui.

Tui: Kinh hoàng hốt hoảng.

Chị tui: Trời sụp đất nứt.

Anh rể: Rất nhiều dấu chấm hỏi???

Sau đó, tui lặng lẽ rút quyển “Pháp y học” ra, nhét cuốn “Cơ học lượng tử” vào lòng con nhỏ…

Ha, phụ nữ!