Hạt Đậu Nhỏ Bình An

Chương 7: Tình người



Thạch Anh không ngờ bản thân mình lại có thể khóc nhiều đến như vậy, bao nhiêu sự xui xẻo đều đổ ập xuống đầu. Cô cười khẩy, không phải bất hiếu là đại tội lớn nhất sao? Bản thân mang đại tội cả trời đất cũng không dung thứ bắt cô nhận lấy nghiệp nặng. Ôm bụng, nơi đây có một sinh linh nhỏ bé đang lớn dần, Thạch Anh từng nghĩ sẽ giết chết nó vì cô còn nhỏ, không có nghề nghiệp, học hành bỏ ngang xương. Nhưng tính người trong cô trỗi dậy, bản năng làm mẹ quyết liệt phản đối việc nhẫn tâm như thế. Một phần vì cô nhớ Vương Tú Lam, nhìn thấy ánh mắt của bà lúc ôm con búp bê "Đậu Nhỏ" kia trong lòng, dù đầu óc không tỉnh táo nhưng trái tim bà yêu thương Đậu Nhỏ rất thật, và mạnh mẽ.

Rồi lại cảm nhận được giọng nói, nụ cười trên khuôn mặt già nua của bà Hoa. Sinh ra đứa con tâm thần, thất vọng rồi tuyệt vọng, cứ ngỡ sẽ bỏ rơi nó nhưng cuối cùng lại không nỡ. Dù đứa trẻ ấy có gây ra cho bà đau đớn, nhưng trái tim người mẹ vẫn bao dung ôm ấp, che chở cho đứa con nhỏ. Chỉ là... số phận chia cắt họ, và Nhàn ra đi, không chừng giờ Nhàn đã luân hồi trở thành một đứa trẻ đáng yêu vui vẻ nào đó trên thế giới này rồi.

Sờ nhẹ bụng: "Tại sao lại bỏ con? Trong khi con cũng là người cũng có quyền được sống, được hít thở, được trải nghiệm đời như bao đứa trẻ khác? Mẹ xin lỗi!"

Cô ngồi xụp xuống, gập bụng rồi khóc. Lần này mắt Thạch Anh đau nhói, rất rát, cô đưa tay dụi mắt liên tục, nhưng đôi mắt vẫn cứ nhói buốt, như ai đó dùng xát ớt vào. Thạch Anh la lên một tiếng rồi ngã về sau, hôn mê bất tỉnh.

...

Lúc Thạch Anh mở mắt tỉnh dậy, điều đầu tiên thấy chính là mái tôn thủng quen thuộc, cái gối, chiếc mền mang theo hương thơm mà hơn mười bảy năm nay không thay đổi. Cô không khóc được nữa, vì đôi mắt trở nên đau buốt, nhịp tim cô hân hoan vang lên từng hồi trống lớn. Gượng người ngồi dậy, Thạch Anh đưa mắt nhìn xung quanh, mọi thứ từ lúc cô đi không hề thay đổi, chỉ là có cái gì đó trống vắng, mất đi sức sống.

- Tỉnh rồi, tỉnh rồi!

Vương Tú Lam từ bên ngoài chạy vào, ẵm theo con gấu bông màu nâu mất hết hai mắt, rách một lỗ tai, và trên thân thể nó có rất nhiều vết may nối lại, một con gấu không còn nguyên vẹn bị vứt bỏ.

- Ăn cháo đi!

Bà đưa tay chỉ bát cháo đã nguội để trên chiếc bàn gần đó, Thạch Anh nhìn theo, bưng chén cháo ngửi ngửi, cái mùi tanh tưởi từ thịt chưa chín, cháo mà Vương Tú Lam nấu chỉ có gạo và nước làm cô buồn nôn, chất dịch chua từ bao tử cuộn lên cuốn họng, cô "ọe" một tiếng, chất dịch trắng đục trào ra. Từ lúc đi về cho đến giờ cô vẫn chưa có miếng gì bỏ bụng lấy gì nôn.

- Bệnh rồi, bệnh rồi!

Vương Tú Lam chạy đến vỗ nhẹ vào lưng Thạch Anh, vuốt nhẹ tấm lưng của cô, đôi mắt bà dáo dác tìm điện thoại: "Gọi cho Nhân đi, gọi cho Nhân đi nè!"

Thạch Anh bỏ tô cháo sang bên, đón lấy chiếc điện thoại, cô bấm số của Trần Thiên Nhân đưa lên tai. Nhưng rồi khựng lại, viền môi hơi cong: "Sao mẹ không nói chuyện với ba, nói con bệnh rồi?"

Vương Tú Lam gật gù nhận chiếc điện thoại, ngây ngây dại dại nói: "Đậu Nhỏ ói, không ăn cháo, bệnh rồi, bệnh mất rồi."

"Đậu Nhỏ" chỉ hai chữ thôi cũng đủ khiến Thạch Anh ngạc nhiên đến độ mở tròn đôi mắt, lúc bà dập máy cô liền lên tiếng hỏi: "Mẹ biết con là ai sao?"

Chùi đôi bàn tay vừa nghịch nước mưa ngoài hiên vào áo, bà cười cười, tuy cái nụ cười đó vô hồn, nét mặt không mấy thể hiện rõ cảm xúc. Vậy mà tận sâu trong đáy mắt, ánh lửa nào đó rực lên cháy bỏng, một tình yêu vô bờ bến mạnh mẽ lại dịu dàng. Bà đưa tay xoa đầu cô, yêu thương nói: "Là Đậu Nhỏ của mẹ!"

- Mẹ... mẹ...!

Cô tung chăn, nhào người ôm chặt lấy Vương Tú Lam, cơ thể gầy gò của bà như thể muốn gãy nát trước cái ôm mạnh bạo, nồng đậm tình mẫu tử này. Bà lại hiền hòa xoa lấy đầu cô: "Ngoan!"

Cô ngước đôi mắt đỏ chót, sưng tấy nhìn Vương Tú Lam: "Mẹ không giận con sao? Con đã hỗn với mẹ, bảo mẹ chết đi, nhốt mẹ nữa. Con tồi tệ, con bất hiếu."

- Sao mẹ lại nỡ trách con chứ, không trách... không trách... lỗi của mẹ, là lỗi của mẹ làm con phải khổ, điều là do mẹ cả.

- Mẹ ơi!

Dúi đầu vào ngực Vương Tú Lam, Thạch Anh thiết tha gọi "mẹ", tiếng mẹ mà bao năm qua cô vẫn luôn muốn gọi. Ánh mắt này, đôi tay này, cái ôm này cô đã chờ đợi bao năm rồi. Bây giờ thì, Thạch Anh sắp thành mẹ, nhưng lại được trở về thành đứa con bé bỏng cần sự che chở. Đôi vai cô nặng trịch, cơ thể cũng thế, Thạch Anh không còn sức để chống chọi thế giới ngoài kia nữa. Chỉ mới ba bốn tháng sống xa vòng tay ba mẹ mà bao bão tố ập đến, nhấn chìm Thạch Anh xuống biển khơi.

Nâng con gấu trên tay, Vương Tú Lam tháo chiếc vòng trên cổ con gấu rồi vòng qua đeo cho Thạch Anh. Có cái gì đó lành lạnh đặt ở cổ, Thạch Anh cúi xuống nhìn: "Hạt đậu bình an?"

- Của Đậu Nhỏ đó!

Hạt đậu bình an được Trần Thiên Nhân tặng năm nào bị lạc mất, Thạch Anh cứ nghĩ nó rơi đâu rồi. Mà lúc ấy cô thích những chiếc vòng cổ màu mè như bạn bè cùng lứa, nên không quan tâm đến tăm tích hạt đậu. Giờ đây, khi nhìn thấy trong lòng cô không khỏi cảm thấy hối hận.

Đứa trẻ nào cũng cần thời gian vấp ngã rồi trưởng thành, con người càng nhiều gai góc bao nhiêu thì càng kiên cường bấy nhiêu. Ta phải biết ơn cuộc đời, cảm ơn những người xung quanh ta, dù họ xấu hay tốt đều là người cho ta từng bài học đáng giá nhất để tôi luyện bản thân cứng cáp trước mọi sóng gió.

Kẻ làm chuyện xấu sẽ bị quả báo, người ở hiền sẽ gặp điều lành, đó vốn là một đạo nghĩa lớn trong nhân sinh. Cho dù ta đi đâu, về đâu thì gia đình vẫn luôn là điểm tựa vững vàng, tình yêu thương, hy sinh, vị tha của cha mẹ là nghĩa cử cao cả hơn tất cả mọi thứ trên đời này cộng lại.

Trần Thiên Nhân trở về, ôm lấy Thạch Anh, ông đi mua vài thang thuốc an thai bồi bổ cho con gái và cháu ngoại tương lai. Thạch Anh ôm chầm lấy ông, lệ hoen đến mi rồi không thể rơi, cô luôn miệng "xin lỗi."

- Không sao, không sao rồi. Có ba mẹ ở đây với con, Đậu Nhỏ ngoan!

...

Hôm sau, Trần Thiên Nhân với Thạch Anh đi trồng giá đỗ, Vương Tú Lam ở bên cạnh ôm gấu bông đến buồn chán. Bà nhõng nhẽo: "Đi chơi, đi chơi, ở đây buồn chết quá!"

Trần Thiên Nhân quay sang vỗ về: "Rồi rồi, tý anh dẫn em đi chơi, còn giờ thì ngoan ngoãn được không?"

Vương Tú Lam liên tục gật đầu: "Được, được, đi chơi là được."

Thạch Anh phủ bọc nilon lên hộp, chích vài lỗ cho cây thở và hấp thụ, sau đó quay sang Trần Thiên Nhân: "Có phải hạt đậu của con sẽ chết và bị vứt bỏ không ạ?"

Trần Thiên Nhân hôn lên trán con gái: "Không, ba mẹ dùng tình yêu để vun đắp cho con, thì Đậu Nhỏ, con phải bình an để còn vươn lên thật cao nữa."

Cô cười: "Như Jack ạ?"

- Con sẽ đi xa hơn cả Jack, và không tham lam như cậu bé. Jack đã có bài học cho mình, và con cũng vậy, phải không nào?

Thạch Anh gật đầu, nụ cười tươi rói nở trên môi, không có nơi nào bằng nhà, cũng không có điều gì hạnh phúc hơn là được nhận lấy tình yêu thương từ ba mẹ. Sau hôm đấy, Thạch Anh kể về bà Hoa cho Trần Thiên Nhân nghe, ông quyết định đón bà cụ về ở chung một nhà.

Không lâu sau đó người chồng cách biệt gần ba chục năm của bà Hoa tìm đến nhà, ông đến không phải để nối lại tình cũ, mà muốn trao cả gia tài của mình cho bà như một món quà bồi đắp lại khoảng thời gian tội lỗi kia. Bà Hoa không nhận, ông ta không có vợ cũng chẳng có con, cả một đời chỉ biết đi làm để giàu sang, nay mắc bệnh hiểm nghèo gần đất xa trời mới hiểu rõ được ân nghĩa trên đời. Đến khi sắp lìa xa trần thế người đầu tiên ông ta nhớ đến lại là người vợ sinh cho mình đứa con bị tâm thần.

Một tháng sau ông ấy mất, di chúc ghi rõ tên tuổi và nơi bà Hoa đang ở. Già rồi, cũng không cầu mong gì, khoản tiền đó quá nhiều khiến bà cũng lúng túng. Bà bảo với Trần Thiên Nhân: "Tôi không còn con cái, cũng không sống được bao năm nữa. Với lại Thạch Anh với tôi là duyên nợ kiếp trước, tôi xem nó như cháu gái mình, thôi thì tôi muốn trao nó lại cho anh. Sau này nuôi dưỡng Thạch Anh với đứa trẻ nhỏ tốt hơn."

Trần Thiên Nhân vội lắc đầu: "Không được, đây là tiền của má, má cứ giữ lấy."

Vì sao Trần Thiên Nhân lại gọi bà Hoa là má? Khi đón bà Hoa về nhà, Trần Thiên Nhân không còn mẹ, bà tuổi cũng già lại hiền hậu có ơn cưu mang Thạch Anh bao tháng qua. Ông xin bà cụ được làm con trai nuôi, tháng ngày sau để ông phụng dưỡng. Bà Hoa vui mừng đến mức đôi mắt già nua nhăn nheo khóc vì hạnh phúc.

Bà Hoa nói: "Thế giờ anh gọi tôi là gì?"

- Má.

- Sau này tôi chết đi, anh gọi tôi là má thì nó là của anh.

- Nhưng mà...

- Không nhưng gì cả, đây là tiền tôi để lại cho con cho cháu mình, có nhắm mắt cũng yên lòng.

...

Nhờ khoản tiền đó mà Trần Thiên Nhân mở một tiệm kinh doanh quần áo nhỏ, và một quán cơm chay giá rẻ, những ngày rằm hay lễ lớn hoàn toàn miễn phí. Mỗi ngày sẽ có giờ phát phiếu cho người vô gia cư đến nhận, rồi dùng phiếu đó để đổi phần cơm chống đói. Bà Hoa nấu đồ ăn rất ngon, cùng với Trần Thiên Nhân bán cơm mỗi ngày, còn Vương Tú Lam với Thạch Anh thì trông cửa hàng quần áo. Bên ngoài cửa hàng có một tủ đồ dành cho những gia đình có đồ cũ không mặc nữa, thay vì vứt thì bỏ vào đây, người vô gia cư không đồ có thể đến lấy để mặc.

Thạch Anh tạm thời không đi học, cô đợi sinh con, chăm bé lớn một chốc rồi đi học bổ túc, cũng như một lần nữa sống lại với tuổi học sinh mà cô vô tri bỏ lỡ. Vương Tú Lam ngồi trông tủ quần áo cũ, lâu lâu lại đùa với những người vô gia cư. Có vài người trong số họ thần kinh không bình thường hoặc điều gì đó đã xảy ra trở thành di chấn nặng. Họ nói chuyện với Vương Tú Lam, mà chỉ hai người đó hiểu, Thạch Anh nghe không hiểu gì cả.

Hôm đấy cũng hơn chín tháng cô mang thai, tiệm cơm chay đối diện đường. Thạch Anh đang ngồi coi phim thì vỡ nước ối, bụng đau thắt, cô cảm nhận rõ đứa trẻ đang vui vẻ, gồng mình muốn nhìn ngắm thế giới bên ngoài, cô thét lên: "Mẹ ơi!"

Vương Tú Lam nghe thấy ngồi bật dậy chạy đến chỗ Thạch Anh, nước ối chảy hết xuống sàn, bà lúng túng hết cả tay chân, nhưng rất nhanh chạy ra đường hét lớn: "Đậu Nhỏ đẻ, sắp đẻ rồi!"

Trần Thiên Nhân với bà Hoa đang chạy bàn bận rộn vừa nghe xong liền sốt sắng hẳn, bà Hoa bảo: "Đưa Đậu Nhỏ với Tú Lam đi đi, đóng cửa tiệm lại, má bán xong rồi vào. Đi lẹ đi!"

Khách còn đông đâu thể bỏ được, mà Thạch Anh sinh con cũng không thể để lâu. Có hai vị khách đứng dậy đi đến phụ giúp: "Anh đi đi, tôi ở đây phụ bà cho đừng lo."

Hai người đó đều là dân vô gia cư, một nam một nữ vẻ mặt hiền lành hay lui đến quán cơm ăn, mấy tháng trước còn kể cho Trần Thiên Nhân nghe đã tìm được việc làm phụ hồ. Cũng nhờ bà Hoa với Trần Thiên Nhân họ mới có nghị lực sống tiếp, tuy không đủ tiền thuê nhà nhưng tháng nào cũng sang bỏ thùng từ thiện mấy chục đến trăm nhàu nát. Đối với Trần Thiên Nhân mà nói trên đời này không có kẻ xấu, chỉ có người biết hướng đến thiện, hay suy nghĩ lệch lạc mà biến chất thôi. Đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại, kẻ giết người đến cuối cùng cũng ân hận, suy nghĩ thấu đáo trở thành một người phật tử nương nhờ cửa Phật, hàng ngày quét lá đa, niệm kinh xám hối.

Trần Thiên Nhân cảm ơn hai người họ rồi chạy ra sau tiệm lấy cái giỏ sinh đẻ đã chuẩn bị từ nửa tháng trước, hấp tấp chạy sang đóng cửa tiệm quần áo đưa vợ với con gái đi sinh cháu.