Giấc Mộng Thanh Xuân

Chương 19: Đơn tố cáo Văn Hoàng



Văn Hoàng vừa nghỉ học, cả lớp bớt ồn ào hơn hẳn. Thiếu đi một người chuyên náo loạn lớp nên các thầy cô giáo phần nào cũng ít đi sự cực nhọc và phiền não.

Tuy rằng vẫn còn nhiều bạn gây mất trật tự nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc giảng bài của giáo viên. Còn đối với tôi có lẽ chỉ là thiếu đi một người bắt nạt mình. Kể cả Duy Tùng hôm qua còn sợ hãi đến phát khóc, hôm nay lại như chưa có chuyện gì xảy ra mà liên tục đến kiếm chuyện với tôi. Không phải cướp sách vở của tôi thì cũng là dùng phấn vẽ linh tinh vào bàn học. Một chút tôi cũng không để tâm, mặc kệ cậu ta muốn làm gì thì làm.

Tôi ngồi dựa vào lưng ghế, đưa mắt nhìn ra bên ngoài và xem cậu ta như không khí. Vì mỗi lần thấy không vui thì tôi luôn nhìn ra ngoài, không phải nhìn cửa sổ thì cũng là nhìn cửa ra vào. Mặc dù không nhớ bản thân làm vậy là vì điều gì nhưng nó đã thành thói quen bao năm nay của tôi, dù là ở nhà hay ở bất cứ đâu.

Nhìn những bạn học sinh đi qua đi lại, bỗng nhiên tôi thấy một bóng dáng quen thuộc. Liên đội trưởng đã đi qua lớp của tôi, vừa đi còn vừa nhìn vào quyển vở trên tay. Thấy anh ấy đi qua đáy lòng tôi lại dấy lên sự lo lắng, tôi không mong muốn anh nhìn thấy mình đang bị bắt nạt. Cảm giác bị một người thân cận nhìn thấy khung cảnh này làm tôi thấy không dễ chịu chút nào. Nhưng khi tôi còn chưa kịp thả lỏng tinh thần thì anh ấy đã quay lại, anh đứng ở cửa ra vào và hỏi sĩ số lớp. Anh có nhìn vào trong lớp một lát rồi mới đi. Dường như là anh không nhìn thấy tôi bị bắt nạt, thật may mắn.

Có lẽ vì có rất nhiều bạn nữ đang tụ lại đứng trước mặt tôi, các bạn ấy rất ngưỡng mộ liên đội trưởng. Họ chỉ đứng nhìn lại không có ai đi lên nói chuyện với anh, nếu bây giờ tôi mà chủ động ra bắt chuyện thì chắc chắn ngay sau đó cả lớp sẽ bu quanh tôi mà dồn dập đưa ra các câu hỏi không có hồi kết.

Liên đội trưởng vừa rời đi được 5 phút thì dưới sân trường lại vang lên ba hồi trống. Phía ngoài hành lang lại đông đúc hơn, có bạn thong thả thoải trở về lớp học, có bạn lại vội vàng chạy về phía cầu thang. Sân trường ồn ào nhộn nhịp sau một lúc lại vắng lặng không còn ai đi lại ngoài những thầy cô giáo đang lên lớp dạy học. Trên sân trường chỉ còn lại tiếng ve kêu inh ỏi.

Tiết này lớp học môn Tiếng Anh, là môn học mà ai cũng ghét. Cả lớp duy chỉ có hai bạn biết trả lời các câu hỏi đơn giản, còn cả lớp không một ai biết gì. Chỉ ngồi nghe "đàn gảy tai trâu".

Cô giáo dạy Tiếng Anh đứng trên bục giảng nhìn xung quanh lớp như để chắc chắn điều gì đó, rồi mới cho lớp ngồi xuống. Hôm nay trong sách giáo khoa không có nhiều bài tập nên lớp rất nhanh đã học xong. Cả lớp đều cất hết sách vở vào trong cặp, mọi người chỉ chờ câu nói tạm nghỉ giải lao của cô rồi quay ra nói chuyện với nhau. Nhưng còn chưa kịp nói thì cô giáo đột nhiên lên tiếng.

"Cả lớp có thể cho cô hỏi một câu được được không?"

Cả lớp không buồn thắc mắc xem đó là chuyện gì, ngay lập tức hướng mắt lên bục giảng mà chờ đợi câu hỏi từ cô.

"Cô hỏi thật, có phải lớp mình luôn bị Văn Hoàng bắt nạt đúng không? Cô vẫn luôn để ý thấy rằng tất cả đều rất sợ Văn Hoàng, nhiều lần cô muốn hỏi. Nhưng nghĩ lại có mặt Văn Hoàng ở đó nên đoán chắc các em sẽ không dám nói. Hiện giờ Văn Hoàng không có ở đây nên cả lớp không cần phải sợ. Những ai đã và đang bị Văn Hoàng bắt nạt thì hãy mạnh dạn đứng lên tố cáo, cô sẽ thay các em báo lên nhà trường."

Lớp lại bắt đầu nhao nhao, mỗi người nói một câu. Nhưng chưa có ai thực sự đứng lên tố cáo. Tuy cả lớp đúng là sợ Văn Hoàng, cơ mà đó chỉ là nỗi sợ hãi trong tiềm thức. Từ lúc học ở đây đến giờ tôi rất ít khi thấy Văn Hoàng bắt nạt những bạn khác trong lớp. Chỉ vì tôi trông hiền lành hơn nhiều bạn khác nên cậu ta mới bắt nạt tôi, lợi dụng sự hiền lành để bắt tôi chép bài cho cậu ta. Chép hộ đối với tôi không khó mà cái khó là đối phương nhờ vả như thế nào. Nếu bị bắt ép làm đương nhiên tôi sẽ không đồng ý, dù có bị đánh tôi cũng phải từ chối.

Ngồi nhìn những bạn học đang cố vạch tội Văn Hoàng, tôi chỉ thở dài không nói gì. Cái gọi là bạn bè đến cùng cũng chỉ có vậy, giây trước xưng anh em với nhau đến giây sau lại lật mặt tố cáo nhau.

Tôi không muốn nghe tiếp nên đã trực tiếp nằm bò ra bàn, nhắm nghiền đôi mắt lại. Và xem bản thân như một người vô hình ngồi trong lớp. Không tham gia tố cáo cũng không muốn bàn tán gì.

Mặc dù đã im lặng nhất có thể nhưng cuối cùng tôi vẫn bị gọi tên. Phương Nam đứng lên kể tội Văn Hoàng đã bắt nạt tôi.

"Cả lớp chắc có bạn Lạc Tuyết bị bắt nạt nhiều nhất thôi ạ, ngày nào em cũng thấy bạn ấy bị Văn Hoàng đánh."

Những bạn khác cũng luân phiên nói.

"Đúng vậy, chỉ Lạc Tuyết là bị bắt nạt nhiều nhất."

"Suốt ngày em thấy bạn ý khóc thôi."

"Em còn hay thấy bạn Tuyết bị cướp đồ dùng học tập."

"Em cũng thấy nữa."

Thật nực cười, những kẻ mới mấy ngày trước vừa châm chọc vừa chế giễu tôi. Ngày hôm nay lại thi nhau đứng lên bênh vực và nói giúp cho tôi, suy cho cùng họ và Văn Hoàng đều cùng là một loại người. Thậm chí số lần Văn Hoàng bắt nạt tôi còn không bằng một phần mười những lần họ xem tôi như trò đùa, cười trên nước mắt của tôi. Thật khó để biết được, những người đã nói ra lời tốt đẹp như vậy liệu có mấy ai đang nói lời thật lòng.

"Bạn Lạc Tuyết, đứng lên cho cô hỏi?" Nghe xong mấy lời đó, cô không thể không gọi tên của tôi.

Khi tôi đứng lên rồi cô mới bắt đầu hỏi.

"Những lời các bạn nói có đúng không? Có phải em thường xuyên bị Văn Hoàng bắt nạt?"

"Dạ vâng." Mặc dù không thích các bạn trong lớp nhưng tôi không có lý do gì để nói dối cả. Việc tôi bị bắt nạt đó là sự thật mà ngay những giáo viên chủ nhiệm cũ cũng biết rõ.

"Em có từng nói cho giáo viên chủ nhiệm của lớp biết không?" Gương mặt của cô thể hiện rõ nét mặt nghiêm nghị cùng với sự quyết đoán. Dường như cô giáo đang rất nghiêm túc với câu hỏi này.

"Dạ… em" Tôi ngập ngừng khó mà nói thành lời, bản thân bị bắt nạt không phải một điều gì đáng để khoe khoang. "Mấy năm trước em đã nói rồi. Vài lần mẹ em cũng lên trường nhưng vẫn không thay đổi được gì."

"Mẹ em lên trường gặp giáo viên chủ nhiệm rồi mà em vẫn bị nạt sao?"

"Vâng." Thực sự lúc này tôi rất xấu hổ, bị cả lớp và cô giáo Tiếng Anh nhìn chằm chằm vào mình. Giống như đang nhìn một con kiến, một con kiến nhỏ bé có thể bất cứ lúc nào bị dẫm nát.

"Em ngồi xuống đi." Cô không còn nhìn vào tôi nữa mà quay ra nói với lớp trưởng " Lớp trưởng viết một tờ đơn tố cáo, sau đó tổng hợp chữ ký của các bạn trong lớp. Cô sẽ thay lớp nộp đơn lên ban giám hiệu nhà trường."

Lớp trưởng viết xong thì Thành Đạt đứng lên cầm tờ giấy đi quanh lớp cho mọi người ký vào. Trước khi ký vào tờ đơn tôi đã do dự mất vài giây, dù Văn Hoàng có bị đình chỉ học thì sau đó tôi vẫn là bị những bạn khác bắt nạt. Không có Văn Hoàng thì lại có Phương Nam, Duy Tùng, Thành Đạt và rất nhiều những bạn khác, tất cả đều rất ghét tôi mặc cho tôi không làm gì gây hại đến họ. Còn có thầy chủ nhiệm, thầy ấy không muốn cậu ta nghỉ. Thầy suy nghĩ cho tương lai của Văn Hoàng, muốn tốt cho cậu ta. Nhưng tôi lại đang làm trái với suy nghĩ của thầy.

Mặc dù biết bản thân không ký thì tờ đơn đó vẫn được nộp lên nhà trường. Tuy vậy tôi vẫn thấy có lỗi, không phải có lỗi với Văn Hoàng. Mà là có lỗi với thầy chủ nhiệm, có lỗi với những dự tính mà thầy đã định ra.

Sau khi cả lớp đều ký vào thì lớp trưởng mang nộp cho cô giáo Tiếng Anh, cô đọc qua rồi kẹp vào trong quyển tài liệu của cô. Và rất nhanh, tờ đơn đã được gửi lên ban giám hiệu. Vài ngày sau đó nhà trường đưa ra thông báo sẽ dự giờ tiết sinh hoạt của lớp. Lúc nghe thông báo mọi người đều tỏ ra vô bình thường, cảm thấy đó là điều hiển nhiên.

Đến ngày diễn ra sinh hoạt thì Văn Hoàng đã đi học lại. Cậu ta không hay biết gì vẫn nói chuyện cười đùa với bạn bè trong lớp, cho đến tiết sinh hoạt nhìn thấy hiệu trưởng, hiệu phó và một thầy nằm trong ban giám hiệu thì cậu ta mới thấy thắc mắc mà hỏi những bạn ngồi cạnh. Tôi ngồi xa chỗ Văn Hoàng nên không biết những bạn đó đã trả lời như thế nào.

Thầy đứng bên cạnh bàn giáo viên và dõng dạc tuyên bố "Hôm nay thầy hiệu trưởng và những thầy cô khác sẽ dự giờ tiết sinh hoạt lớp ta. Nên tôi yêu cầu các em trật tự và ngồi ngay ngắn lại."

Nhìn quanh lớp thấy không còn ai nói gì thì thầy mới tiếp tục.

"Có lẽ các em đều biết lý do hôm nay có thầy cô đến dự giờ ở lớp. Cho nên tôi cũng không vòng vo nữa. Chuyện cả lớp nộp đơn tố cáo vì bị Văn Hoàng nạt, hôm nay tôi và các thầy cô có mặt ở đây sẽ giúp cả lớp đòi lại công bằng."

Tôi lén nhìn về phía bàn cuối thấy Văn Hoàng vẫn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cậu ta nhìn thầy chủ nhiệm rồi lại nhìn những người bạn ngồi xung quanh mình muốn hỏi họ đã có chuyện gì. Nhưng đổi lại không có gì ngoài việc họ đang cố giả bộ mắt điếc tai ngơ.

Chỉ khi thầy lần nữa lên tiếng thì mới hóa giải được bầu không khí có chút ngột ngạt này.

"Văn Hoàng, cảm phiền em đứng dậy để trả lời câu hỏi mà tôi sắp đưa ra."

Phải mất một lúc nhìn trái ngó phải thì cậu ta mới không cam tâm mà đứng dậy.

"Cả lớp đã lập biên bản tố cáo em bắt nạt các bạn trong lớp, hay gây phiền hà cho mọi người. Và đặc biệt là thường xuyên làm một bạn nữ trong lớp bị thương. Về việc này em giải thích như thế nào?" Tuy thầy không nhắc tên nhưng cả lớp ai cũng biết bạn nữ mà thầy nói là tôi. Có lẽ thầy cố tình không nhắc tên tôi là vì e ngại tôi sẽ thấy tự ti và mặc cảm.

"Em không biết, em có bắt nạt bạn nào đâu ạ." Không biết cậu ta đã lấy dũng khí ở đâu mà lại thản nhiên thốt ra những lời như vậy.

"Vậy ý của em là cả lớp đang vu oan em, bốn mươi chữ ký trên tờ giấy này chỉ vì muốn vu oan em thôi sao?" Thầy ấy vẫn trầm tĩnh không biểu lộ cảm xúc gì, thanh âm vừa nhẹ nhàng vừa nghiêm nghị. Dù là một lời khuyên thầy cũng không nói ra, những từ ngữ mà thầy nói đều thể hiện sự quyết đoán sự nghiêm minh và không hề xuất hiện hai chữ "khoan hồng".

"Dạ thầy hỏi những bạn này đi ạ, xem em có bắt nạt mấy bạn đó hay không?" Văn Hoàng thực sự rất lì lợm, cậu ta biết rõ không ai dám nói nên mới thẳng thắn yêu cầu thầy hỏi những bạn ngồi xung quanh mình. Cậu ta không dám nói mình bị oan nhưng từ biểu cảm trên khuôn mặt của cậu ta thì có thể thấy hai chữ oan uổng đã viết rõ lên mặt.

"Nếu em đã muốn thì tôi sẽ hỏi cả lớp." Thầy nhìn Văn Hoàng mất vài giây, muốn cho cậu ta cơ hội tự mình nhận tội. Nhưng cậu ta lại không biết nắm bắt. Thầy không tiếp tục để ý cậu ta mà hướng mắt nhìn toàn thể lớp học và nói "Theo như Văn Hoàng nói thì tôi sẽ hỏi cả lớp. Nếu các em đồng ý với những tội danh của Văn Hoàng thì hãy dơ tay lên. Bây giờ đã có tôi và các thầy cô đứng ra bảo vệ cho các em nên tất cả không cần phải sợ hãi, hãy mạnh dạn nói ra sự thật."

Tất cả mọi người lại do dự nhìn nhau, không có ai dám chủ động dơ tay lên. Có người sợ bị trả thù, có người muốn dơ lên lại không dám. Tôi cũng nhìn xung quanh lớp, sau một lúc thấy có Thúy Mai quyết đoán dơ tay lên đầu tiên. Thấy bạn ấy làm nên tôi không ngần ngại làm theo nhưng nhìn lại quanh lớp chỉ có tôi và bạn ấy dơ tay. Những bạn khác vẫn còn sự do dự.

Thầy không kiên nhẫn định nói gì đó thì lại có thêm một vài bạn dơ tay, dần dần mọi người cũng làm theo. Cả lớp bây giờ đã đồng lòng nhất trí chỉ tội Văn Hoàng.

Thầy hiệu trưởng ngay lập tực đứng dậy nói "Thầy Khang, em học sinh Nguyễn Văn Hoàng bắt nạt các bạn trong lớp. Làm mất đoàn kết lớp học, tôi yêu cầu thầy nghiêm khắc trừng trị em học sinh này."

"Vâng, tôi dự định sẽ đình chỉ học Văn Hoàng một tháng, không biết thầy hiệu trưởng có ý kiến gì về hình phạt này hay không?"

Thầy hiệu trưởng còn chưa kịp đáp lời thì Văn Hoàng đột nhiên cầm cặp đi ra khỏi chỗ của mình, vừa đi vừa chỉ tay vào những bạn cùng lớp mà văng tục chửi bậy. Trước khi ra khỏi lớp còn chỉ thẳng vào Duy Tùng nói "Mày cứ chờ đấy, để tao xem mày có về được nhà hay không?"

"Văn Hoàng, quay về chỗ ngay lập tức." Thầy không nhịn được mà quát lớn nhưng cậu ta không nghe vẫn một mực xách cặp bỏ về.

"Thầy Khang, theo tôi thấy một tháng vẫn còn quá ít." Thầy hiệu trưởng tức giận nói một câu rồi cũng đi ngoài.

Thầy chủ nhiệm không còn sự lựa chọn nào khác, lại tăng lên làm bốn tháng. Có lẽ Văn Hoàng còn cơ hội được khoan hồng nhưng cậu ta đã đánh mất cơ hội đó. Tự dồn chính mình vào ngõ cụt, bây giờ không ai có thể giúp cho cậu ta. Đình chỉ bốn tháng học không khác gì bị đuổi học, cho dù có đi học lại thì cũng ở lại lớp mà thôi. Chắc chắn rằng cậu ta đã quyết định bỏ học, quyết định đi làm thuê làm mướn cho người ta. Cậu ta không xem trọng sự vất vả của cha mẹ, chỉ nghĩ cho bản thân. Thật sự không xứng với sự cần cù khó nhọc mẹ cậu ta đã bỏ ra.