Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 3 - Chương 14



Chàng xoay khớp bả vai, khẽ nhíu mày, như thể đang gắng gượng chống chịu với cơn đau buốt:

- Chắc tại va chạm đột ngột nên gân cốt nơi bả vai hơi đau.

- Vậy ư? Để em xem nào.

Tôi định lại gần nhưng chàng nhanh chóng lùi lại. Tôi không biết phải làm sao, đành quay đi tìm lọ thuốc bôi, đưa cho chàng:

- Đây là thuốc bôi vết thương điều chế từ hoa tuyết liên trên núi Thiên Sơn, công hiệu lắm đó.

Chàng không chịu đón lấy mà ra hiệu cho tôi đặt lên bàn rồi cầm lọ thuốc lên, ngập ngừng nói:

- Em ra ngoài đi, ta không quen cởi y phục trước mặt người khác.

Hai má nóng bừng, tôi luống cuống rời khỏi phòng chàng. Đêm đó, tôi không sao chợp mắt được, treo mình trên cành thông trong vườn nhà, buồn bực, bứt rứt không yên. Tôi đã bứt rụng cả một vạt lá. Vì sao khi tôi là hồ ly thì chàng cưng nựng, dịu dàng, còn khi tôi hóa phép thành người thì chàng lại muốn né tránh, không thích trò chuyện với riêng tôi, thậm chí cố tình gán ghép tôi với Kháp Na?

Tôi những muốn xích lại gần chàng, nhưng sau khi rời khỏi Đại Đô, khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng xa. Lúc tôi ở bên chàng, chàng buộc tôi hóa phép trở lại nguyên hình với lý do: không muốn những người khác bắt gặp chàng ở cạnh một cô gái. Nhưng cái cớ này rất khiên cưỡng, vì thính giác của tôi rất nhạy bén, nếu có người đến, chắc chắn tôi sẽ phát hiện ra từ sớm và lập tức trở lại nguyên hình. Huống hồ, lúc trước tôi vẫn thường ở bên chàng trong hình hài một cô gái đó thôi. Khi ấy, chàng không hề lo lắng về điều này. Tôi từng rất vui sướng vì nghĩ rằng, tôi đã tu luyện thành công, nếu bây giờ chàng chạm vào tôi, tôi sẽ không bị đẩy trở lại nguyên hình như trước nữa. Nhưng chàng đang dần xa lánh và không muốn chạm vào tôi. Vậy tôi khổ công tu luyện còn có ý nghĩa gì nữa?

Tôi cứ ngồi trên chạc cây, thẫn thờ, vẩn vơ suy nghĩ mãi, nhưng đầu óc đơn giản của loài hồ ly chẳng thể giúp tôi lý giải nổi vì sao quan hệ của chúng tôi đang từng bước đi từ chỗ thân mật đến chỗ xa cách như vậy. Giá như Kháp Na ở đây thì tốt biết mấy, cậu ấy sẽ phân tích cho tôi hiểu, sẽ dịu dàng an ủi, động viên tôi. Nụ cười hút hồn của cậu ấy sẽ giúp tôi quên hết mọi ưu phiền. Nhớ đến Kháp Na, lòng tôi chợt thắt lại, không biết cậu ấy đã khỏi bệnh chưa, có còn ho khan nữa không? Sau đó, tôi nhận ra, tôi rất nhớ Kháp Na, nhớ quay quắt nụ cười trong sáng, đôi mắt long lanh của cậu ấy, nhớ mọi thứ về cậu ấy. Mừng thay, mai là ngày cuối cùng của pháp hội Chumig, Duirang đã chịu thuần phục Bát Tư Ba, mọi việc sắp kết thúc và tôi có thể nhanh chóng trở về Sakya.

Vào ngày cuối cùng của pháp hội, mấy trăm cao tăng tập trung trong đại điện của ngôi đền Chumig, cùng nhau thảo luận bộ kinh văn Sáu luận thuyết của phái Kadampa. Trời đang vào độ giữa thu, nắng trưa chói chang, đại điện lại chật kín người, bầu không khí rất đỗi ngột ngạt, oi bức. Các nhà sư ai nấy đều thả trần nửa vai để giảm bớt sức nóng. Nhưng riêng Bát Tư Ba, dù mồ hôi đã lấm tấm trên trán, y phục của chàng vẫn rất mực chỉnh tề. Chàng ngồi thiền trên đài cao giữa chính điện, pháp tướng trang nghiêm.

Trong lúc mọi người đang thảo luận rôm rả, Chomden Rigdrel đột nhiên đứng dậy, nói lớn:

- Đêm qua ta đã làm một bài thơ, muốn nhân đây đọc hầu các vị cao tăng đại đức. Ý các vị ra sao?

Ai nấy đều háo hức cỗ vũ Chomden Rigdrel. Ông ta ném một ánh nhìn không mấy thiện cảm về phía Bát Tư Ba, thủng thẳng cất giọng:

- “Bóng mây nha sở che mở giáo phái của Phật Tổ

Chốn quan trường tước đoạt hạnh phúc của chúng sinh

Tăng nhân lấm lem thế tục, tham lam quyền tước

Không hiểu hết ba điều này, sao xứng là bậc thánh giả.”

Ông ta vừa dứt lời, cả đại điện lao xao bàn tán. Ai cũng nhận ra bài thơ này dùng để châm biếm Bát Tư Ba, bởi vì “Bát Tư Ba” trong tiếng Tạng có nghĩa là “bậc thánh giả”. Bát Tư Ba vẫn khép hờ đôi mắt, vẻ mặt bình thản, tĩnh tại như mọi khi, trầm ngâm không nói. Chomden Rigdrel được nước lấn tới, khoát tay, cất giọng oang oang:

- Thiết lập nha sở, nuôi dã tâm thống trị toàn bộ vùng Wusi, phong quan phong tước cho các giáo phái lớn, ra khỏi cửa là mang theo đoàn tùy tùng đông đảo, phô trương thanh thế. Kể từ khi vương triều Tufan sụp đổ cho đến nay, ở đất Tạng này chưa bao giờ xảy ra chuyện tương tự. Nghiêm trọng hơn, người làm những việc này lại là một nhà sư mà lẽ ra phải toàn tâm toàn ý phụng sự Phật Tổ!

Ông ta nhìn thẳng vào Bát Tư Ba, ánh mắt đầy khinh miệt và khiêu khích.

- Tăng nhân mà không giũ sạch bụi trần, tĩnh tâm tu tập thì sao gọi là tăng nhân? Chi bằng đi mà làm quan lớn, đi mà ôm chân bọn Mông Cổ!

Công nhiên khiêu khích như thế là cố ý gây khó dễ cho Bát Tư Ba. Phản ứng của những người xung quanh rất khác nhau, có kẻ tán đồng, có người phản đối, có kẻ rắp tâm hóng chuyện vui. Duirang sa sầm mặt mày, ghé tai nói nhỏ với người hầu cận, người đó lập tức nhận lệnh đi ngay. Một lát sau, hàng chục nô bộc lực lưỡng xuất hiện ở cổng đền, chuẩn bị tiến về phía Chomden Rigdrel.

Bát Tư Ba đột nhiên đứng dậy, khoát tay ngăn họ lại rồi chậm rãi bước đến giữa đại điện, mỉm cười, cất giọng ôn hòa:

- Đại sư Chomden Rigdrel, ta cũng đang lúc cao hứng, muốn họa lại bài thơ của đại sư, mời các vị cùng thưởng thức, được không?

Cả đại điện lập tức chìm trong yên lặng, mọi ánh mắt đều đổ dồn về vị quốc sư phong thái đĩnh đạc, dáng vẻ an nhiên, điềm tĩnh kia. Chàng cất giọng ngâm thư thái:

- “Phật dạy rằng giáo pháp của người có lúc thịnh lúc suy

Hạnh phúc của chúng sinh được định bởi duyên nghiệp

Muốn giáo hóa phải tùy cơ ứng biến

Không hiểu hết ba điều này, sao xứng là bậc hiền nhân.”

Những tiếng bàn tán râm ran khắp đại điện, nhiều người tấm tắc khen ngợi. Chỉ trong thời gian ngắn như vậy, Bát Tư Ba đã ứng đối rất nhịp nhàng, chuẩn mực và sâu sắc, thậm chí đã khéo léo gắn tên của Chomden Rigdrel vào bài thơ. Trong tiếng Tạng, “Chomden Rigdrel” có nghĩa là nhà hiền triết một lòng hướng Phật. Trí tuệ mẫn tiệp, thông tuệ, nhạy bén của Bát Tư Ba thật khiến người ta phải khâm phục, ngưỡng mộ. Chomden Rigdrel hoàn toàn bất ngờ trước “đòn phản công” của Bát Tư Ba, vì chàng không dùng quyền lực để trấn áp mà đáp trả bằng thơ ca. Ông ta cứ đứng ngay ra đó, trơ như gỗ đá, không biết phải tiếp lời ra sao.

Bát Tư Ba đưa mắt khắp lượt tăng chúng, gương mặt cương nghị, ánh mắt kiên định.

- Tuy mang danh “bậc thánh giả” nhưng ta tự thẹn với lòng mình vì mấy năm qua đã dành nhiều tâm sức vào công việc chính sự mà sao nhãng việc tu tập và nghiên cứu kinh văn của các giáo phái. Ta cảm thấy vô cùng may mắn vì nhân dịp này được học hỏi từ các vị cao tăng phái Kadampa nhiều kiến thức Phật giáo uyên thâm, quý báu. Ta cũng vô cùng cảm phục công đức bao la của đại sư Chomden Rigdrel vì ngài đã dày công biên soạn cuốn Đại Tạng kinh mục lục luận điển quảng thuyết, giúp truyền bá ngày càng rộng rãi hơn các giáo lý Phật pháp. Có điều, ta e rằng đại sư bế quan tu tập nhiều năm nên chưa nắm bắt được tình hình trước mắt của đất Tạng. Những suy nghĩ và đường lối của đại sư sẽ khiến đất Tạng bị cô lập với thế giới bên ngoài. Cách nghĩ đó tuy hay nhưng không thể áp dụng. – Giọng chàng trầm vang, mạnh mẽ, có sức lay động. – Trước kia, người Mông Cổ không tin theo Phật pháp, họ có tín ngưỡng riêng của họ, đó là tín ngưỡng Saman. Nhưng kể từ thời đại của bác ta,  với những nỗ lực phi thường, ngài Ban Trí Đạt đã thuyết phục được người Mông Cổ quy y Phật pháp, chấm dứt chiến tranh với đất Tạng. Dù chúng ta và họ khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, nhưng Phật dạy rằng mọi chúng sinh đều bình đẳng. Trang phục, lễ nghi không phải thứ quan trọng, quan trọng hơn cả là làm thế nào để chấm dứt tình trạng chia năm xẻ bảy đã diễn ra bao năm qua trên quê hương chúng ta!

Mọi người đều như vừa bừng tỉnh sau giấc mộng dài, ngay cả Chomden Rigdrel cũng cúi đầu xấu hổ. Duirang nháy mắt ra hiệu cho các nô bộc lập tức rút lui. Sau đó, ông ấy bước tới, cung kính vái lạy Bát Tư Ba, thưa rằng:

- Thưa quốc sư, chúng tôi đây tầm nhìn hạn hẹp, kiến thức nông cạn, không có cái nhìn toàn vẹn về thế cục. Nay được quốc sư ban lời vàng ngọc, mới chợt tỉnh ngộ, hiểu ra tất thảy. Vạn hộ hầu Chumig nguyện tuân theo pháp chỉ của phái Sakya, bằng lòng cắt ba nghìn cư dân Mid.

Đến lúc này, gương mặt Bát Tư Ba mới rạng rỡ trở lại sau bao ngày tháng. Gió mát xua tan mây đen trên bầu trời, ánh nắng rực rỡ chiếu qua khung cửa sổ đại điện, dát vàng cả không gian, phủ lên mình Bát Tư Ba vầng hào quang chói lọi. Chàng nổi bật giữa vầng hào quang lấp lánh ấy, thần sắc trang nghiêm, phong thái bất phàm. Tất cả những người có mặt trong đại điện lúc đó đều quỳ sụp xuống, dập đầu vái lạy trước cảnh tượng kỳ ảo, thần thánh ấy.

Hoàn thành nhiệm vụ ở Chumig, Bát Tư Ba lên xe ngựa, ra về trong tiếng hoan hô dậy sóng của Duirang và các tăng nhân phái Kadampa. Chàng dự định đi tiếp về hướng nam, ghé thăm Vạn hộ hầu Gyangtso ở Nyadong, vùng cực nam của Hậu Tạng. Tôi thầm thở dài, cứ ngỡ sẽ được về Sakya thăm Kháp Na, nào ngờ Bát Tư Ba lại muốn nhân tiện viếng thăm và thuyết phục hầu hết các vạn hộ hầu ở vùng Hậu Tạng, chỉ trừ Vạn hộ hầu Shalu. Nếu cứ đà này, có lẽ phải đến mùa đông mới về được Sakya. Nhưng tôi nhớ Kháp Na da diết nên dự định sẽ trốn về Sakya vài ngày sau khi đoàn chúng tôi tới Nyadong.