Đại Tấn Đẹp Đến Như Vậy (Đổi Nữ Thành Phượng)

Chương 49



Editor: Dứa

Beta: Hoàng Lan

Lưu Diệu ôm Dương Hiến Dung, người mà cả thể chất lẫn tinh thần đều đang trên bờ sụp đổ.

Mái tóc đen của bà búi lơi, hai mắt quyến rũ như sao, gom góp mọi ánh sao trong dải ngân hà, màu sắc và hoa văn của ánh trăng mùa thu cũng không bì kịp đuôi lông mày đang nhíu lại của bà —— mỹ nhân dù ưu sầu vẫn xinh đẹp.

Đây không phải lần đầu tiên ông ôm bà.

Năm mười sáu tuổi, khi biết bà phải gả cho tên Hoàng đế ngốc, ông từng tuyệt vọng ôm lấy bà, giữ chặt bà trên lưng ngựa, thúc ngựa chạy như điên.

Dường như chỉ cần chạy đủ xa và đủ nhanh, hai người bọn họ có thể trốn tránh hiện thực.

Thiếu niên khí phách, tâm sự lưu luyến, tùy hứng xúc động, chỉ ở trong độ tuổi đặc biệt, khi còn chưa can thiệp sâu vào thế giới mới có được.

Lưu Diệu nhận thấy, Dương Hiến Dung đã gầy hơn mười bốn năm trước, nhẹ tựa lông hồng, xinh đẹp dễ vỡ, tựa như một chiếc bình hoa cần được chăm sóc cẩn thận.

Lưu Diệu đặt bà lên chiếc ghế dài: “Nàng mệt mỏi rồi, nghỉ ngơi trước đi. Chuyện tương lai, để tương lai rồi tính, dù sao không có Thành Đô vương Tư Mã dĩnh thì cũng sẽ có phiên vương khác khởi binh, đó chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi. Mãi mãi đều là Tư Mã thị liên hợp với Tư Mã thị chống lại Tư Mã thị chấp chính. Cuối cùng, dù Tư Mã thị nào chiến thắng, bọn họ đều cần một vị Hoàng đế bù nhìn để duy trì sự cai trị, nàng nghĩ thoáng một chút, có bài học của Tư Mã Quýnh, tin chắc các Tư Mã thị khác sẽ không dám mơ ước đến nàng nữa.”

Tư Mã Quýnh thật sự chết quá “xấu hổ”, vốn dĩ địa vị vững chãi như núi Thái Sơn, yên tâm làm Đại tư mã thật tốt, một hai cứ phải đi tìm đường chết đùa giỡn Hoàng hậu, tự gi3t ch3t chính bản thân mình.

Dương Hiến Dung cũng không phải người phụ nữ vô tri, lừa gạt không thành, Lưu Diệu đơn giản đâm thủng hiện thực, nói ra toàn bộ tình cảnh không mấy lạc quan trong tương lai, dù sao cũng phải trải qua.

Dương Hiến Dung nửa nằm trên ghế: “Quyền lực là lời nguyền của Tư Mã gia, ai cũng muốn, không ai phục ai, không có hồi kết.”

Lưu Diệu mở chăn, đắp lên người bà: “Tư Mã gia cành lá xum xuê, vài trăm Tư Mã thị, tự sát rồi lại tự nổi dậy, cũng phải mất rất nhiều năm mới có thể giết sạch người một nhà. May thay nàng chỉ sinh được một tiểu công chúa, không có uy hiếp gì đối với những phiên vương đó, thế nên mới có thể sống sót đến bây giờ, sang năm cập kê, mau chóng gả con bé đi, nàng cũng giảm bớt một mối tâm sự.”

Trong đầu Dương Hiến Dung hiện ra cảnh đại hôn của Thanh Hà và Vương Duyệt, vợ chồng mới cưới, thanh mai trúc mã, khanh khanh ta ta, nỗi ưu sầu được chữa khỏi tức thì.

Đến lúc đó Thanh Hà đã trở thành con dâu của Lang Gia Vương thị, lại có mẹ ruột là Tào Thục làm mẹ chồng, cả đời con bé sẽ an ổn.

Muốn giữ được thân thể, phải chịu đựng thêm một năm, nhìn thấy Thanh Hà xuất giá, bà sẽ không còn nuối tiếc gì nữa.

Nghĩ đến đây, Dương Hiến Dung nhắm mắt lại, ở bên cạnh Lưu Diệu cho bà cảm giác an toàn, cuối cùng bà không chịu đựng nổi, chìm vào giấc ngủ.

Phan Mỹ nhân ở bên ngoài canh chừng, chậm chạp không nghe thấy động tĩnh, có chút lo lắng, lặng lẽ tiến vào, thấy Lưu Diệu nửa quỳ bên cạnh, dùng tư thế gần như thành kính hành hương nhìn Dương Hiến Dung đang ngủ say.

Đừng nhìn Lưu Diệu như li3m cẩu, thật ra ông còn nhạy bén hơn cả sói, cảm giác được có người tới gần, tay phải ấn lên chuôi đao bên hông, xoay người đứng dậy.

Phan Mỹ nhân làm động tác im lặng, ra hiệu cho ông ra gian ngoài nói chuyện.

Hai người rón rén đi ra ngoài, sợ đánh thức Dương Hiến Dung.

“Sau sự kiện Quýnh tặc xâm nhập cung Vị Ương … Hoàng hậu đã hai ngày hai đêm không chợp mắt, tỷ ấy quá mệt mỏi.” Phan Mỹ nhân nói: “Lần này ít nhiều có huynh hỗ trợ.”

Lưu Diệu nói: “Phan Mỹ nhân khách sáo quá, ta còn có một tin tức xấu…”

Lưu Diệu nói ra việc Thành Đô vương liên hợp với mấy phiên vương, lấy danh nghĩa thảo phạt Tư Mã Quýnh vào cứu giá: “… Khi tin tức về cái chết của Tư Mã Quýnh truyền ra, chuyện vô cớ xuất binh cứu giá sẽ tạm thời dừng lại, nhưng lòng người tham lam, đoán chừng qua mấy ngày an ổn sẽ tiếp tục khai chiến, mọi người phải có sự chuẩn bị.”

Triệu vương Tư Mã Luân, Tề vương Tư Mã quýnh, hiện tại lại đến lượt Trường Sa vương Tư Mã Nghệ, không biết có thể trụ được mấy ngày, Phan Mỹ nhân nói: “Chúng ta đã quen với điều đó, chuyện nên tới rồi sẽ tới, đến lúc đó lại nói. Cũng không thể bỏ ăn vì mắc nghẹn, tự hù chết bản thân mình.”

Nhìn thấy Phan Mỹ nhân trấn định tự nhiên, suy nghĩ thoáng, Lưu Diệu yên tâm, nói: “Bên nghĩa phụ của ta còn có việc, hôm nay ta phải trở về, muội hãy chăm sóc nàng ấy thật tốt, những ngày tháng an ổn này có thể qua ngày nào hay ngày đấy. Muội nhớ khuyên nhủ nàng ấy nhiều hơn, đừng có lúc nào cũng mặt ủ mày chau, ta sẽ lưu ý hướng đi của Thành Đô vương, vẫn truyền tin tức thông qua cửa hàng hương liệu ở tứ di lý.”

Phan Mỹ nhân nhìn theo bóng dáng Lưu Diệu, đàn ông yêu Dương Hiến Dung có thể xếp một vòng quanh thành Lạc Dương, nhưng Lưu Diệu là người duy nhất làm được tới mức này.

Năm đó mình và Tào tỷ tỷ đều cảm thấy Lưu Diệu không xứng với Dương Hiến Dung, hiện tại xem ra, là chúng ta quá thiển cận.

Lại nói tới Nghiệp Thành (*), Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh đã trải qua hơn một năm chiêu binh mãi mã, tự bỏ tiền túi ra mua quan tài chôn cất hài cốt binh lính, mở tư khố ra cứu tế, v.v…, thu phục lòng người, đã trở thành vị phiên vương có uy tín và danh vọng nhất Đại Tấn.

(*) Nay là An Dương tỉnh Hà Nam

Gần đây nghe nói Tề vương Tư Mã Quýnh bành trướng, cho xây dựng thêm phủ Đại tư mã, táo bạo phá bỏ và di dời toàn bộ thương lý, tu sửa tới mức lớn hơn cả hoàng cung, còn phá vỡ tường Tây Uyển của hoàng cung, biến hoàng cung trở thành hậu hoa viên nhà mình, cộng thêm vô số điều tồi tệ.

Thành Đô vương cảm thấy thời cơ đã đến, thương nghị với mấy vị phiên vương, lấy danh nghĩa “Thanh quân trắc(*), giết Tề vương” để khởi binh cứu giá, đợi tới đầu mùa xuân thời tiết ấm áp, đường xá dễ đi sẽ tấn công thành Lạc Dương.

(*): Đề cập đến việc xóa sổ những kẻ tay sai và kẻ xấu bên cạnh quân vương.

Cả Thành Đô vương và Tề vương đều phạm phải một sai lầm giống nhau —— Ai cũng muốn ăn Tết, nhưng cơ hội thì không bao giờ đợi Tết. Vậy nên, cơ hội thoáng lướt qua, một khi bỏ lỡ, rất khó bù đắp.

Thành Đô vương và nhóm phiên vương vừa thở phào nhẹ nhõm, thì thành Lạc Dương lại truyền đến tin tức mới nhất, nói Trường Sa vương Tư Mã Nghệ dẫn theo hơn một trăm người tiến cung cướp mất Hoàng đế ngốc, xúi giục thủ lĩnh Trung Lĩnh quân, khai chiến với Tư Mã Quýnh ngay cạnh Tây Uyển của hoàng cung. Dựa vào chiêu bài sống là tên Hoàng đế ngốc, sĩ khí của Tư Mã Nghệ tăng vọt, lấy ít thắng nhiều, Tư Mã Quýnh bị gi3t ch3t, phơi thây ba ngày mới chôn cất.

Thành Đô vương trợn tròn mắt ngay tức khắc: Ngay cả Quýnh tặc cũng chết rồi, vô cớ xuất binh, ông ta còn cứu giá như thế nào được nữa?

Tư Mã Nghệ quá gian xảo!

Lúc trước Tư Mã Nghệ nịnh nọt Tư Mã Quýnh, hóa ra vì muốn lấy được sự tín nhiệm từ Tư Mã Quýnh, còn chủ động giao bảy mươi nghìn quân cho Tư Mã Quýnh cũng vì để ở lại kinh thành, gần quan được ban lộc. Nhân lúc Tư Mã Quýnh ngồi trên cương vị quyền thần đã lâu, bắt đầu lâng lâng, đập phá tường thành hoàng cung, lập tức lấy cớ coi rẻ quân vương, khởi binh cứu giá, gi3t ch3t Tư Mã Quýnh rồi lên thay thế.

Nghe nói, lần này Trường Sa vương Tư Mã Nghệ cứu giá được cả hoàng thất, thậm chí là được sĩ tộc ủng hộ, Lang Gia Vương thị và Dĩnh Xuyên Tuân thị đều phái tư binh đến chi viện cho Trường Sa vương.

Sau khi Trường Sa vương cứu giá thành công, Hoàng đế phong ông làm Đại tư mã, thêm tích, mượn hoàng việt, v.v…, phần thưởng giống hệt Tề vương trước kia, Trường Sa vương trở thành tân Nhiếp Chính Vương.

Theo tin đồn, Trường Sa vương cung kính hoàng thất, đối xử lịch sự với sĩ tộc, được người đời gọi là hiền vương.

Chuyện đầu tiên mà Trường Sa vương làm sau khi nắm giữ quyền lực chính là sửa chữa lại tường bao Tây Uyển của hoàng cung, giữ gìn tôn nghiêm hoàng thất. Đồng thời cũng mời Lưu Côn trở về, ông là người có lý tưởng cao cả, trước đó ngoài mặt thì được thăng chức nhưng thực chất lại bị cướp mất thực quyền, muốn Lưu Côn đảm nhiệm việc lãnh đạo Trung Lĩnh quân tại hoàng cung một lần nữa, bảo vệ sự an toàn cho hoàng thất.

Chuyện thứ hai, chính là trả lại đoạn đường Tư Mã Quýnh mở rộng trái phép cho bá tánh Lạc Dương, nơi đã bị cưỡng ép phá bỏ và di dời, toàn bộ thương lý lại dọn trở về.

Chuyện thứ ba, Trường Sa vương tìm thấy thánh chỉ thật, năm đó bị tiên Hoàng hậu Giả Nam Phong gọi là thánh chỉ giả, trên đó viết muốn Sở vương Tư Mã Vĩ tru sát phản tặc Tư Mã Lượng và Vệ Quán.

Bằng chứng như núi, trên đại hội triều đình, Trường Sa vương cầm thánh chỉ cũ khóc lóc thảm thiết, thỉnh cầu Hoàng đế giải oan, sửa lại án sai cho anh lớn Tư Mã Vĩ.

Dưới sự hướng dẫn của Kê Hầu trung, vị Hoàng đế ngốc nói: “Ngũ đệ Tư Mã Vĩ bị oan uổng, truy phong ngũ đệ làm Phiêu Kỵ tướng quân, phong nhi tử Tư Mã Phạm làm Tương Dương vương.”

Cuối cùng Sở vương Tư Mã Vĩ cũng xóa bỏ được tội danh mưu phản, chỉ là sinh mệnh của ông vĩnh viễn dừng lại ở hình ảnh nở rộ năm hai mươi mốt tuổi.

Cứ như thế, Trường Sa vương Tư Mã Nghệ nổi ba đốm lửa khi mới nhậm chức (*), mỗi một đốm lửa đều vì người khác, dáng vẻ cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Điều này khiến những triều thần ban đầu vẫn còn tồn tại lòng nghi ngờ với ông, cũng không thể không chịu phục.

(*): Ẩn dụ rằng một quan chức mới được bổ nhiệm phải làm một vài việc có ảnh hưởng trước để thể hiện tài năng và lòng dũng cảm của mình.

Trường Sa vương dựa vào sự chân thành và thực tế ngồi ổn định trên vị trí Đại tư mã, tiếp nối liền mạch với Tề vương Tư Mã Quýnh.

Tư Mã Quýnh đã chết, vị trí của Trường Sa vương ngồi ổn định, kế hoạch cứu giá của Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh tự chết từ trong trứng nước.

Sinh không gặp thời, thời không đợi ta.

Hai lần cứu giá, lần đầu tiên bị Tề vương Tư Mã Quýnh nửa đường nhận được chiếu thư cứu giá hái mất đào, lần thứ hai bị Trường Sa vương Tư Mã Nghệ giành trước một bước, cướp mất vị trí Đại tư mã.

Thành Đô vương chán nản, mấy năm liên tục chẳng có gì tốt lành, cả ngày buồn bực không vui.

(Lời thuyết minh của Lan Chu: Ai bảo ngươi trì hoãn mọi chuyện tới lúc ăn Tết, trì hoãn là bệnh ung thư thời kì cuối, bị người ta chiếm đoạt tiên cơ, xứng đáng.)

Các phụ tá khuyên nhủ ông ta: “Vương gia chớ có nhụt chí, Trường Sa vương vừa mới lên nắm quyền, vì để thuyết phục quần chúng mà làm vẻ vẻ kệch cỡm, giả bộ như một vị hiền vương, chờ lâu ngày sẽ lộ ra sơ hở, có thể giả bộ nhất thời, không thể giả bộ cả đời. Lúc Tề vương mới lên nắm quyền cũng như vậy, mọi người đều tán dương, được sĩ tộc ủng hộ. Kết quả thì sao, mới hơn một năm đã xuống đài, Vương gia muốn vững vàng, phải đợi tới khi nắm giữ được nhược điểm của Trường Sa vương, chúng ta có danh nghĩa để xuất binh, sau đó sẽ khởi binh cứu giá một lần nữa. “

Thành Đô vương thầm nghĩ, đúng là như vậy, có câu tục ngữ, nhà xí mới đào còn thơm ba ngày, huống chi là Đại tư mã?

Đợi cảm giác mới mẻ qua đi, Trường Sa vương bắt đầu bành trướng, tất nhiên sẽ phạm phải sai lầm giống như Tề vương, đến lúc đó mình lại kêu gọi cứu giá một lần nữa, gi3t ch3t nghịch tặc Trường Sa vương.

Tới mùa xuân, thời kỳ giáp hạt (*), Thành Đô vương lại mở kho thóc, thu mua lòng dân, Trường Sa vương được coi là hiền vương, ông ta phải “hiền” hơn Trường Sa vương.

(*): thời kỳ lúa cũ ăn đã hết, lúa mới chưa chín.

Nói đến thành Lạc Dương, Vương Duyệt và Tuân Hoán đều bị cấm túc trong giời gian đón Tết, bị nhốt trong các vách tường của từ đường để suy nghĩ.

Lần này gia tộc đã xuất lực cứu giá, hai người bị nhốt mà tâm phục khẩu phục, không có ý định chạy trốn, ngoan ngoãn ở trong từ đường sao chép gia quy.

Cứ bị nhốt như thế cho tới mười lăm tháng giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu mới được “Trả tự do sau khi chấp hành án”.

Kỷ Khâu Tử phu nhân Tào Thục đến đây đón con trai, chú út Vương Đôn canh giữ cửa từ đường của Vương thị đã ở đây chờ chị dâu họ từ sớm.

Vương Đôn là phò mã của công chúa Tương Thành Tư Mã Dật Vĩ, vợ chồng không có tình cảm gì với nhau. Vương Đôn sống trong phủ phò mã tại Vĩnh Khang lý của Lang Gia Vương thị, công chúa Tương Thành lại sống ở phủ công chúa tại Diên Niên lý, nơi hoàng thất tụ tập. Vợ chồng chỉ gặp nhau trong những dịp lễ hội hay hiến tế, mặc dù sống cùng một tòa thành, nhưng vợ chồng lại xa cách hai nơi dài lâu.

Công chúa Tương Thành là con gái của Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm, cô ruột của Thanh Hà, cũng là vị công chúa được sủng ái nhất khi đó. Khi bà gả thấp cho Vương Đôn, của hồi môn nhiều gấp mười lần các công chúa khác, quả thật là hồng trang vạn dặm.

Phủ công chúa của công chúa Tương Thành hết sức xa hoa, bởi vì Vương Đôn rất ít khi đến phủ công chúa, không hiểu rõ tình hình, nên dẫn tới việc gây ra không ít chuyện đáng chê cười. Khi đến phủ công chúa thay xiêm y (đi WC), ông phát hiện bên cạnh có một chiếc hộp sơn màu đỏ tinh xảo, ở trong chứa đầy táo đỏ, đúng lúc đói bụng, ông cầm lấy ăn.

Hành động này của ông chọc cho thị nữ bật cười, bởi vì những quả táo đỏ đó dùng để bít vào lỗ mũi khi ngồi xổm trên bồn cầu, để tránh hít phải mùi hôi.

Vương Đôn thay xiêm y xong, bước ra ngoài nhìn thấy trên bàn đặt một chiếc đĩa vàng, trong đĩa có nước ấm, bên cạnh đĩa vàng là một chiếc hũ nhỏ, trong hũ là đậu đỏ được nấu chín mềm, Vương Đôn đổ đậu đỏ đã được ninh nhừ vào đĩa vàng, uống như cháo đậu đỏ.

Thị nữ suýt phá lên cười, hóa ra đậu đỏ và đĩa vàng đều dùng để rửa tay…

Cuộc sống của công chúa Tương Thành quá mức cầu kỳ, xa hoa lãng phí, vì sự cố táo đỏ và đậu tắm, bà cảm thấy phò mã Vương Đôn quá thô bỉ. Vương Đôn cũng ghét bỏ công chúa Tương Thành quá kiêu ngạo, hai người nhìn nhau không thuận mắt, chẳng qua hai người đều biết kiềm chế cảm xúc nên cũng không cãi nhau, chỉ chiến tranh lạnh mà thôi. Không giống như công chúa Hà Đông đanh đá, đánh phò mã Tôn Hội răng rơi đầy đất.

Vợ chồng không có tình cảm, số lần ngủ cùng giường trong một năm có thể đếm được trên đầu ngón tay, vậy nên đến tuổi trung niên, hai người vẫn không có con.

Vương Đôn không có con, dưới gối trống trơn, anh họ Vương Đạo lại có con trai cả dòng chính Vương Duyệt, tài năng tuyệt thế, diện mạo vô song, được coi là kỳ lân tử của Lang Gia Vương thị.

Từ nhỏ Vương Đôn đã có tình cảm tốt đẹp với anh họ Vương Đạo, yêu ai yêu cả đường đi, Vương Đôn đối xử thật lòng với cháu trai Vương Duyệt. Ngày đó khi “cứu hoả”, ông đẩy Vương Duyệt ra khỏi trận địa trên tường thành, để cháu trai lùi xuống chỉnh đốn, còn mình thì dẫn theo tư binh của Lang Gia Vương thị chiến đấu ác liệt với quân đội của Tề vương.

Vương Đôn cứu Vương Duyệt, cấm túc Vương Duyệt khiến Tào Thục tâm phục khẩu phục, mỗi ngày ngoại trừ việc tới đưa cơm cho con trai, bà cũng không nhiều lời.

Tào Thục nói: “Ta đến đón Vương Duyệt về nhà, làm phiền phò mã thả người.”

Vương Đôn nói: “Đệ có chuyện muốn nói với đường tẩu.”

Hai người tiến vào trong phòng, Vương Đôn lấy ra một bức thư: “Đây là thư đường huynh nhờ ta chuyển cho đường tẩu.”

Tào Thục mở ra, là thư của chồng Vương Đạo, ông muốn vợ lập tức dẫn theo con trai trở về thành Kiến Nghiệp ở Giang Nam, dọc đường sẽ do em họ Vương Đôn hộ tống (áp giải).

Vương Đôn đã báo cáo hành động của mẹ con Tào Thục và Vương Duyệt cho Vương Đạo, Vương Đạo biết tin con trai báu vật mười ba tuổi của mình đã làm ra chuyện lớn mật như thế, thiếu chút nữa liên lụy đến toàn bộ gia tộc thì giận tím mặt. Ông không muốn nghe những lời trì hoãn có lệ từ vợ nữa, trực tiếp viết thư cho em họ Vương Đôn, nhờ em họ tự mình đưa cặp mẹ con chuyên gặp rắc rối này tới Giang Nam để tránh tiếp tục gây hoạ.

Từ trước đến nay, Vương Đôn luôn sùng bái anh họ Vương Đạo, mọi yêu cầu của Vương Đạo, tất nhiên ông đều đáp ứng.

Vương Đôn nói: “Đường tẩu dẫn Vương Duyệt trở về, thu dọn một chút, ba ngày sau chúng ta sẽ khởi hành.”

Đương nhiên Tào Thục không chịu rời đi, hôn sự của Vương Duyệt và Thanh Hà còn chưa ấn định, sao có thể đến Giang Nam?

Tào Thục sử dụng kế hoãn binh: “Phò mã, xuất giá tòng phu, tất nhiên ta sẽ nghe theo sự sắp xếp của phu quân, chỉ là, Vương Duyệt vẫn còn có việc tại Thượng thư đài, tiền đồ của con cái quan trọng hơn, ta sẽ thương lượng vấn đề này với đường huynh của đệ trước.”

Vương Đôn đã sớm có chuẩn bị, nói: “Thượng Thư Lệnh nói với đệ, ông ấy cảm thấy Vương Duyệt tuổi còn nhỏ, tính cách hấp tấp vội vàng, vẫn phải ở nhà chăm chỉ đọc sách, rèn giũa tính tình, công việc ở Thượng thư đài cũng quên đi.”

Vương Duyệt bị Nhung kẹt xỉ đuổi việc rồi.

Tào Thục tiếp tục mỉm cười: “Ta cũng cảm thấy ở độ tuổi này Vương Duyệt nên đọc sách thì tốt hơn, không cần phải vội vàng nhất thời.Thật ra, lúc trước Thượng Thư Lệnh đại nhân tự mình tới cửa muốn Vương Duyệt làm thuộc hạ của mình, Vương Duyệt ngại từ chối nên mới đi theo đến Thượng thư đài, về nhà đọc sách, thu lại tâm tính cũng tốt.”

Vương Đôn thấy Tào Thục nghe lời như thế, ông yên lòng, nói: “Ba ngày sau khởi hành, đường tẩu chuẩn bị sẵn sàng đi, đệ sẽ đích thân tới cửa đón hai người. Nhà cửa, ruộng đất trong nhà đều có người trong tộc hỗ trợ xử lý, đường tẩu không cần lo lắng, chỉ cần mang theo vàng bạc và những đồ vật nhỏ mềm là được.”

Tào Thục nói lời cảm ơn rồi đón con trai về nhà.

Vương Duyệt vừa về đến nhà, Vương Nhung ở cách vách đã tìm tới: “Ba ngày sau con phải đi Giang Nam rồi, chúng ta vẫn còn chút nợ nần chưa tính toán xong.”

Hai người tiến vào sân đình, Vương Nhung chỉ vào bức tường bị sụp đổ: “Xây lại bức tường cho đẹp, tự mình đập tường, cho dù quỳ cũng phải tự mình động thủ xây lại từng viên, vữa gạch gì đó, con phải tự bỏ tiền ra mua, ta sẽ không chi một đồng nào.”