Chính Khí Trời Nam

Chương 11: Long Võ Trang Gian Nhân Đột Nhập



Trước cổng Khánh An đã có hai con ngựa chờ sẵn. Trần Triệu Quốc Nguyệt và Quách Lăng thúc ngựa phi nước đại trở về Khánh Thịnh. Quách Lăng ở lại Khánh Thịnh, một mình nàng về Long Võ Trang.

Vào giữa giờ Dậu Trần Triệu Quốc Nguyệt về đến cổng Bắc Làng Xứ. Lúc bấy giờ trời đã nhá nhem tối, nhà nhà lên đèn. Thuộc hạ của Tế Tác Đường và Giảng Văn Đường nghiêm trang sắp hàng đứng đầy hai bên cổng, tăng cường việc phòng bị. Họ thấy nàng đến liền lập tức rẽ ra hai bên nhường lối. Nàng hỏi thuộc hạ Giao Long Bang:

‒ Hung thủ ở đâu?

‒ Trình Bang Chủ, hung thủ đang giao tranh ở ngoài cửa bắc Minh Chủ Thành.

Không chờ dứt lời nàng đã thúc ngựa thẳng xông đến đấy. Xa xa, cửa bắc Minh Chủ Thành hừng sáng lên một vùng chứng tỏ nhiều người và đuốc ở đấy.

Khi Trần Triệu Quốc Nguyệt phi ngựa đến gần, quả nhiên như nàng dự đoán. Đệ tử và thuộc hạ của cả thập đường chỉnh tề đứng sắp hàng xung quanh, đuốc thắp sáng như ban ngày, khí thế hào hùng. Nhiều tiếng hò hét vọng ra chứng tỏ có người đang đánh nhau. Vì nàng ở tận đàng sau nên không thể nhìn rõ được. Trần Triệu Quốc Nguyệt đến khu thuộc hạ Giao Long Bang đang đứng. Nàng thúc ngựa tiến về phía trước. Triệu Hòa Vinh thấy nàng liền lên tiếng:

‒ Vì trọng trách trong người nên chúng thuộc hạ không thể hành đại lễ, mong Bang Chủ thứ tội.

Nàng gật đầu trả lời:

‒ Anh Hòa Vinh không cần phải đa lễ.

Đến lúc đó có một cô gái nói lớn:

‒ Long Võ Trang là Đệ Nhất Trang của Trời Nam mà như thế này sao? Chúng tôi là sứ giả mà không được đối đãi như thượng khách, trái lại còn bị xem như kẻ trộm cắp, sao gọi là lễ? Đã vậy còn ỷ đông hiếp ít sao gọi là nghĩa? Ỷ mạnh hiếp yếu sao gọi là hiệp? Ỷ lớn hiếp nhỏ sao tỏ được cái đức cả của người quân tử? Lễ, nghĩa, hiệp, đức của Long Võ Trang đều là nói suông. Như vậy Long Võ còn dám xưng là Minh Chủ Võ Lâm mà không thấy thẹn với lương tâm, trời đất? Bản cô nương thấy mắc cỡ giùm Lý Minh Nghĩa lắm vậy.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn vào trận đấu đang diễn ra và cũng lấy làm lạ. Cô gái mới nói đứng ở một góc sân, trên người mặc một bộ quần áo màu hồng nhạt. Mặt cô được che kín bằng một cái khăn hồng, chỉ chừa hai con mắt. Hai bên gò má thêu hai đóa hoa đào. Trên lưng cô đeo một túi vải khá lớn. Cô đứng lược trận nhìn ba cặp đang song đấu với nhau. Ba người về phía của cô gái cũng trang phục tương tự, chỉ là màu quần áo khác nhau và hoa thêu trên tấm khăn che mặt cũng khác. Cô gái thêu hoa cúc đấu với Trình Dũng, cô gái thêu hoa hồng đấu với Phan Mãnh, cô gái thêu hoa sen đấu với Trịnh Mạnh Quang. Quyền chưởng biến hóa nhanh nhẹn, chiêu thức mãnh liệt. Trần Triệu Quốc Nguyệt nghe tiếng Tạ Đức Huy trả lời:

‒ Ừ nhỉ. Cô nương nói phải lắm. Long Võ Trang không nên đối đãi với người lạ như vầy.

Lập tức Tạ Đức Uy hét vang vang:

‒ Tên khốn kiếp! Mi theo người nhà hay theo địch? Còn bốn con nhãi ranh kia, bọn mi từ đâu đến? Lập tức dở khăn che mặt và khai tên họ ra. Nếu không đừng trách lão phu nặng tay.

Nghe Tạ Đức Uy mắng đứa con trai, Trần Triệu Quốc Nguyệt không khỏi bật cười và thầm suy nghĩ: “Tại sao Tạ bố với Tạ con lại khác nhau một trời một vực thế nhỉ?” Cô gái hoa đào trả lời:

‒ Chẳng lẽ đây là cung cách đối xử với khách của Long Võ Trang? Các vị muốn hiệu triệu võ lâm mà đối xử với người như vầy rõ là nằm mộng ban ngày.

Tạ Đức Uy quát:

‒ Mi cũng biết đây là Long Võ Trang, không phải chỗ cho bốn con nhãi ranh bọn mi tự tung tự tác. Phép nước, lệ làng đã hẳn hòi. Nếu là quý khách thì phải đường đường chính chính đến lúc ban ngày. Chiều tối che mặt đến xâm nhập, lai lịch không rõ, ai dám tin bọn mi là người tốt trong khi đó Long Võ Trang mới xảy ra án mạng?

Cô gái hoa đào nhìn về phía Tạ Đức Uy. Nàng cất cao giọng, nửa đùa nửa thật:

‒ Xin Tạ Tổng Đường tha thứ. Vì việc cấp bách, đường xá xa xôi nên đến không đúng lúc. Tổng Đường nói đến luật lệ của quý Trang thì chúng tôi cũng nói đến luật lệ của chúng tôi. Chúng tôi chỉ dở khăn che mặt ra cho những người đủ sức làm việc đó. Nếu là nam thì nguyện sẽ theo suốt đời, dù có vợ hay chưa. Còn nếu là nữ cũng xin làm tỳ nữ hầu hạ. Trong các vị ở đây, ai tự tin mình đủ sức cứ bước ra mà làm.

Tạ Đức Uy cùng Long Võ Trang vô cùng sửng sốt. Lão không biết thực hư ra sao vì chuyện lạ lùng như thế này lão mới nghe nói đến lần đầu tiên. Hầu hết tất cả những người nam nhân có mặt nghe cô gái nói không khỏi nao nao trong lòng. Nhan sắc bốn nàng ra sao không ai biết nhưng võ công đều vào hạng trác tuyệt. Triệu Hòa Vinh đến bên Trần Triệu Quốc Nguyệt giải thích:

‒ Hồi chiều có người phát hiện ra có bốn người khả nghi đột nhập vào cổng đông của Trang. Thuộc hạ lập tức cho bang chúng truy lùng và báo cáo lên Minh Chủ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt ngạc nhiên:

‒ Tại sao thuộc hạ lại báo với tôi đã tìm ra tung tích của hung thủ?

‒ Dạ đây hoàn toàn là lỗi của thuộc hạ. Vì nóng lòng nên khi thấy có người khả nghi, võ công cao cường thuộc hạ cho đó là hung thủ và báo cáo lên Bang Chủ như vậy. Nhưng sau thuộc hạ xét lại thấy không phải.

‒ Không phải chỗ nào?

Triệu Hòa Vinh gãi đầu:

‒ Hung thủ ra tay giết người một cách tàn ác lẽ nào bây giờ lại nương? Từ lúc xảy ra đánh nhau đến giờ bốn cô gái kia chưa thua trận nào mà lại không đả thương một ai. Họ còn luôn miệng muốn xin gặp Minh Chủ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn vào trong trận và hơi chau mày:

‒ Họ xin gặp Minh Chủ để làm gì?

‒ Dạ bốn người họ đòi thương lượng nhưng thương lượng chuyện gì Tạ Tổng Đường hỏi mãi không chịu nói nên mới có chuyện đánh nhau. Dường như họ muốn thách thức với Long Võ Trang chúng ta nên cứ ỡm ờ làm cho Tạ Tổng Đường sôi máu.

‒ Hai bên đánh nhau lâu chưa?

‒ Dạ khá lâu rồi. Ban đầu thuộc hạ định xuất thủ, nhưng vì cổng đông bị đột nhập nên Y Dược Đường và Thần Nông Đường lãnh trách nhiệm. Đại, nhị đệ tử nắm quyền tả hữu của Y Dược Đường là Trương Ngọc Trúc, Trương Ngọc Trác cùng với đại, nhị đệ tử của Nùng Đức Nghĩa là Hoàng Đăng và Hoàng Thanh giao thủ với bốn người. Tổng cộng bốn người xuất thủ chưa đến năm mươi chiêu đã bị thất bại.

Trần Triệu Quốc Nguyệt tròn xoe đôi mắt đen láy:

‒ Võ công bốn người đó rất cao mà sao lại thất bại dễ dàng quá vậy?

‒ Đó là do bốn cô gái lạ có chân tài thực học. Thuộc hạ đoán chừng họ có thể ngang tài với Bang Chủ cũng nên.

‒ Sau đó làm sao?

‒ Thấy bốn người của Y Dược Đường và Thần Nông Đường bị bại quá dễ dàng, Tạ Tổng Đường định ra lệnh cho các vị Đường Chủ ra tay thì cô gái hoa đào khích tướng lão họ Tạ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt cười khúc khích:

‒ Xem ra không riêng gì chúng ta mà hầu hết ai cũng biết muốn dễ dàng đối phó với lão thì phải khích lão ta.

‒ Bang Chủ nói đúng. Cô gái hoa đào nói là Tạ Tổng Đường ỷ lớn hiếp nhỏ và có ý nói là mình tài giỏi hơn những người thuộc thế hệ thứ hai trong Long Võ Trang. Cô ta còn nói là cổng nam Long Võ Trang chỉ là những cái bị thịt rẻ tiền làm anh em họ Mai mất mặt.

Nói đến đây Triệu Hòa Vinh tỏ ý rất hả dạ, miệng hắn tủm tỉm cười:

‒ Ba cái bị thịt Mai Trung Tín, Mai Trung Thành và Tô Hiếu hăm hở nhảy ra đòi lập công. Kết quả còn thảm hại hơn cả Thần Nông Đường và Y Dược Đường.

Nhìn vào trong trận Trần Triệu Quốc Nguyệt nhận xét:

‒ Ba sư huynh đệ Trình Dũng, Phan Mãnh và Trịnh Mạnh Quang cũng sắp bại đến nơi rồi.

Lúc bấy giờ Đinh Văn Tú cũng đến làm lễ với Trần Triệu Quốc Nguyệt. Ba người chăm chú theo dõi cuộc đấu.

Trong trận, Trình Dũng đấu với cô gái thêu hoa cúc. Phan Mãnh đấu với cô gái thêu hoa hồng, còn Trịnh Mạnh Quang đấu với cô gái thêu hoa sen. Cả ba sư huynh đệ trong Luyện Võ Đường thuộc phái Hồng Lĩnh võ công ngang nhau, chiêu thức giống nhau. Chưởng pháp của ba cô gái uyển chuyển và ngụy dị vô cùng, hoàn toàn trái ngược sự hung hãn và bá đạo của ba huynh đệ phái Hồng Lĩnh.

Phái Hồng Lĩnh thuộc phủ Nghệ An, có thời được gọi là Hoan Châu, do Ông Đùng Bà Đùng sáng lập ra. Trải từ thời Văn Lang đến Bắc Thuộc lúc nào cũng có nhân tài hy sinh vì nước. Khi Ngô Vương ở Ái Châu cất quân đánh Kiều Công Tiễn phái Hồng Lĩnh ở Hoan Châu nhiệt liệt ủng hộ và dốc toàn lực theo giúp. Sau một trận oanh liệt trên sông Bạch Đằng dành tự chủ, phái Hồng Lĩnh càng thêm được trọng vọng. Từ đó đến nay trải gần hai trăm năm hưng thịnh, trên dưới phái Hồng Lĩnh có gần hai vạn cao thủ.

Như tất cả các võ phái khác, phái Hồng Lĩnh sử dụng bốn loại binh khí chính là kiếm, đao, côn và thương. Ngoài ra quyền, chưởng và cước đều được chưởng môn các đời để tâm đến và phát triển thêm nên võ học rất sâu rộng. Từ ngàn xưa, Hoan Châu là xứ biên địa gần với Chiêm Thành nên thường hay bị quấy nhiễu. Do đó về triết lý võ công phái Hồng Lĩnh đặt nặng vào sức mạnh, gan lỳ và sự dẻo dai. Chiêu thức đánh ra ít có biến ảo như những môn phái khác và sở trường là đánh trực diện. Để bù vào sự thiếu uyển chuyển thì cương mãnh trong võ Hồng Lĩnh có thừa. Mỗi chiêu đều bao hàm ý nghĩa xẻ núi lấp sông như Ông Đùng xưa kia trong một đêm dựng nên 99 ngọn Hồng Lĩnh (1).

Ba sư huynh đệ Trình Dũng sống với nhau nhiều năm nên hiểu rõ nhau và xuất chiêu lúc nào cũng ăn ý. Hơn nữa pho võ trấn môn tên Nam Ông Áp Sơn Chưởng của phái Hồng Lĩnh ba người họ luyện đến chín phần hỏa hầu. Thế nhưng càng giao đấu hắn càng cảm thấy đối phương chiếm thượng phong càng nhiều. Trình Dũng nghiến răng tung ra song chưởng tên Nhất Dạ Khai Sơn nhưng chiêu thức mới khai triển được nửa chừng thì hắn phải thu chiêu về để phòng thủ. Cuộc giao đấu ngay từ đầu đã như vậy. Ba huynh đệ hắn tấn công ít, phòng thủ nhiều. Cô gái hoa cúc đánh thẳng một chưởng vào giữa ngực hắn, Trình Dũng thấy nguy bắt buộc phải vung chưởng ra đỡ.

Hai chưởng chạm nhau kêu một tiếng ầm. Trình Dũng bị đánh lảo đảo lùi lại phía sau hơn bốn bước. Thân hình của cô gái không hề chậm lại. Cô khẽ xoay mình, tay trái từ chưởng biến thành trảo, rồi từ trảo biến thành chỉ xuất kỳ bất ý điểm vào sau lưng Phan Mãnh.

Phan Mãnh giao đấu với cô gái hoa hồng đã khó bề chống trả, nay bất thình lình bị cô gái hoa cúc tấn công vào huyệt Thần Đạo trên lưng. Phan Mãnh không thể né tránh, hắn hự lên một tiếng nhỏ rồi té xuống đất. Chân khí trong người bị điểm huyệt làm bế tắc, Phan Mãnh chẳng khác nào con kiến nằm yên trong miệng chén.

Bây giờ chỉ còn lại Trình Dũng và Trịnh Mạnh Quang. Sau khi Phan Mãnh lạc bại, cô gái thêu hoa hồng co bàn tay phải như móng chim nhắm vào yết hầu Trình Dũng tấn công trong khi đó tay trái nắm lại thành quyền đấm vào ngực hắn. Trình Dũng vừa bị một chưởng đánh lùi, khí huyết chưa được lưu thông lại bị tấn công. Hắn nhất thời chưa thể hóa giải chiêu thức nên đề khí nhảy về phía sau hơn một trượng nữa né tránh. Nhưng điều hắn không ngờ đến đó chỉ là hư chiêu của cô gái hoa hồng. Sau khi dọa hắn, cô đã chuyển hướng tấn công Trịnh Mạnh Quang cùng một lúc với cô gái hoa cúc và hoa sen.

Một mình Trịnh Mạnh Quang không thể chống lại ba người liên thủ nên chỉ nửa chiêu là bị lạc bại, huyệt bị điểm té xuống đất giống Phan Mãnh. Trình Dũng biết thế cuộc đã thua, có tiếp tục cũng vô ích nên hắn giữ thể diện cho môn phái:

‒ Tại hạ Trình Dũng, đại đệ tử của phái Hồng Lĩnh, thống lĩnh tả đạo của Luyện Võ Đường xin chịu thua cho cô.

Hắn cung tay chào. Ba cô gái khâm phục tính tình khẳng khái của hắn nên cũng chào đáp lễ. Long Võ Trang thua liền ba trận, Tạ Đức Uy vô cùng bực tức. Cô gái hoa đào nhìn Tạ Đức Uy hỏi một câu trống không:

‒ Tạ Tổng Đường thấy sao?

Mặt Tạ Đức Uy đỏ gay, lão muốn nói câu gì đó cho đỡ thẹn nhưng suy nghĩ mãi mà không nói được lời nào. Cô gái thêu hoa đào nói tiếp:

‒ Trong ba trận bên chúng tôi thắng cả ba. Nếu chúng tôi có ác ý, không phải phía Long Võ Trang đã mất đi một số thủ lĩnh các đạo rồi hay sao?

Tạ Đức Uy vẫn chưa trả lời được, lão giận đến run người. Chợt có một âm thanh trầm hùng cất tiếng:

‒ Các vị không cho xem mặt, không khai tên họ, chiều tối lẻn vào trong rồi còn động thủ, không lẽ khinh Long Võ Trang là chỗ không người? Theo giọng nói có lẽ bốn vị còn trẻ. Chỉ cần chịu khai tên họ và mục đích đến đây, tại hạ sẽ quyết không làm khó dễ bốn vị.

Cô gái hoa đào trả lời nhanh nhẹn:

‒ Nghe thiên hạ đồn đại công tử của Long Võ Minh Chủ khí khái hơn người. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy, tại hạ thất vọng vô cùng.

Lý Minh Lương không để lời nói khinh bạc của cô gái thêu hoa hồng vào tai mà chỉ lên tiếng cật vấn:

‒ Các vị muốn nói gì thì nói, nói xong thì hãy lấy khăn che mặt ra, khai tên họ cùng môn phái rồi rời khỏi nơi này trước khi tại hạ đổi ý. Nếu cứ ngoan cố tại hạ sẽ không vì các vị phận nữ lưu mà nhẹ tay.

Cô gái thêu hoa sen cười khúc khích. Tiếng cười nghe trong vắt khiến nhiều người ngẩn ngơ:

‒ Chúng tôi từ xa mới đến, võ công ra sao các vị thấy qua rồi. Đáng lẽ chúng tôi phải được đối đãi như thượng khách: Hai bên cổng có người sắp hàng chào, cửa ra vào được rải hoa, uống trà hạng tốt nhất của Đại Việt, được liệt vào hàng cao thủ của võ lâm và gặp mặt Minh Chủ để bày tỏ đôi lời do bề trên sai bảo. Thế nhưng các vị cứ một mực từ chối. Từ chối cũng được, nhưng nếu muốn xem mặt thì các vị phải tự dùng tay mà gỡ khăn. Điều kiện vẫn là nếu thắng được thì tôi sẽ đi theo Lý đại công tử suốt đời.

Cô gái nói xong liền nheo mắt nhìn Lý Minh Lương đầy tình ý. Ba cô gái còn lại cùng cười vang lên. Cô gái hoa sen nghiêm giọng:

‒ Cái đó chị em chúng tôi nói giỡn thôi. Công tử đã lớn tuổi và có vợ rồi. Tại hạ tự biết giá trị của bản thân, không muốn làm thứ thiếp cũng không thích gặm tre già.

Nói xong bốn cô gái càng cười ngặt nghẽo hơn. Sắc mặt Lý Minh Lương không thay đổi chỉ lạnh lùng lên tiếng:

‒ Nếu các vị không tự lượng sức mình, tại hạ đành ra tay vậy.

Cô gái hoa đào tắt ngang tiếng cười. Hai mắt cô sáng long lanh, giọng nói cũng biến đổi theo ánh mắt:

‒ Đùa giỡn một tí mà các vị không cho, vậy được, tại hạ sẽ nói đến vấn đề chính. Bốn người chúng tôi là ai, nghĩ rằng, các hạ phải đoán ra. Chúng tôi không có ác ý, chỉ muốn thử xem sự canh phòng của Long Võ Trang ra sao. Thì ra chẳng có gì thay đổi. Các vị muốn dùng vạn người đánh bốn, không khốn cũng nguy, chúng tôi không có gì để nói. Nhưng điều đáng giận hơn cả là vừa gặp chúng tôi đã khăng khăng bảo rằng hung thủ.

Tạ Đức Uy hằn học:

‒ Tầm bậy. Bọn nhãi ranh các ngươi lai lịch không rõ, võ công kỳ bí, hành tung lạ lùng. Nếu vị trí đổi ngược lại bọn nhãi ranh cũng sẽ làm vậy mà thôi.

‒ Tạ Tổng Đường ông càng khiến chúng tôi thất vọng hơn.

Tạ Đức Uy chỉ tay vào mặt cô gái thêu hoa đào:

‒ Mi nói hỗn cái gì đó?

Cô gái thêu hoa đào thở dài:

‒ Được rồi, tại hạ sẽ nói rõ cho các hạ nghe.

Nghe cách xưng hô vô cùng sách mé, Tạ Đức Uy phải ráng lắm mới giữ được sự bình tĩnh. Cô gái hoa đào nhìn Lý Minh Lương từ từ rút thanh kiếm đeo sau lưng ra. Lý Minh Lương bước đến trước mặt cô cách một trượng và cũng rút kiếm. Tất cả quảng trường đều im lặng hồi hộp chờ hai người ra tay. Cô gái thêu hoa đào nhìn Lý Minh Lương nhưng miệng lại nói với Tạ Đức Uy:

‒ Tạ Đức Uy hãy mở mắt xem cho kỹ.

Cô gái thêu hoa đào vừa nói xong Lý Minh Lương đột nhiên cảm thấy một luồng bức xạ từ cô gái toát ra và ào ạt xô đến. Kinh nghiệm bản năng báo cho Lý Minh Lương biết cô gái đã động đến sát cơ nên cẩn thận đề phòng. Chàng vận công ra mức tối đa vung kiếm lên bảo vệ lồng ngực và lùi lại hai bước để tránh nhuệ khí của cô gái.

Nhưng Lý Minh Lương đã lầm. Lùi lại hai bước chàng tưởng đã thoát khỏi tầm áp đảo của cô gái, thế nhưng sát cơ của đối phương vẫn tiếp tục xô đến. Trong lòng cảm thấy tức giận vì đối phương chưa ra tay mà mình đã bị ở vào thế kém, Lý Minh Lương đổi chiêu kiếm từ thủ sang tấn công. Lùi lại phía sau vừa được hai bước thì cả thân người của Lý Minh Lương bắn về phía trước, tốc độ nhanh gấp bội. Lấy thoái để tiến như dây cung được kéo căng ra trước khi bắn, chiêu thức này của Lý Minh Lương vô cùng đẹp mắt. Nó vừa biểu lộ sự nhanh nhẹn, thâm hậu cũng nhưng tác phong của người quân tử, nhường người trước khi ra tay.

Khoảng cách hơn trượng giữa hai người được thu một nửa thì thanh kiếm của cô gái thêu hoa đào lóe lên làm Lý Minh Lương đang đà tấn công rất gấp cũng phải chùn lại một chút. Trước mắt Lý Minh Lương đột nhiên có năm cánh hoa màu trắng bạc nở tỏa ra từ mũi kiếm của cô gái. Năm cánh hoa nở ra, vươn đến và bao trùm lấy người Lý Minh Lương.

Tạ Đức Uy chăm chú nhìn hai người chiết chiêu với nhau. Lão vừa thấy kiếm chiêu của cô gái thêu đào lập tức lão la toáng lên:

‒ Thiên Ma Kiếm Pháp! Thiên Ma Kiếm Pháp! Thì ra bọn mi là người của Thiên Ma Giáo.

Tiếng la của Tạ Đức Uy là nói về kiếm pháp và xuất xứ của cô gái, nhưng đối với người của Long Võ Trang thì chẳng khác nào là mệnh lệnh chuẩn bị giáp chiến. Binh khí của tất cả những người có mặt đều lấy ra gần như một lúc và người nào cũng chuẩn bị lăn xả vào tấn công Thiên Hoa Giáo.

Cùng với tiếng la của Tạ Đức Uy là một tiếng keng kéo dài và rất lớn rồi tắt. Có hai bóng người tách ra. Nếu tiếng la của Tạ Đức Uy là mệnh lệnh rút kiếm tấn công thì tiếng keng của hai thanh kiếm chạm vào nhau trở thành tiếng lệnh thu quân.

Cô gái thêu hoa đào cùng với Lý Minh Lương đứng cách nhau hơn tầm tay. Thanh kiếm trên tay cô chỉ xuống đất và bất động. Mũi kiếm của Lý Minh Lương kề sát cổ của cô gái nhưng rung lên không ngớt. Cô quay mặt nhìn Tạ Đức Uy:

‒ Đến bây giờ Tạ Tổng Đường mới biết được lai lịch bốn người chúng tôi… còn không cho đó là nỗi thất vọng? Khi giao đấu lúc nãy chúng tôi đã để lộ ra thân pháp, nhưng các vị không ai nhìn ra?

Tạ Đức Uy chợt bừng tỉnh. Hơn nửa tháng trước đây lão đã thấy qua Hồ Nguyên Hoa ban đầu dùng thân pháp này để đấu với Bùi Thế Minh. Nhưng về sau khi Hồ Nguyên Hoa dùng đến Thiên Hoa Kiếm Pháp để trấn áp họ Bùi, lão không còn để ý đến thân pháp đó nữa. Không riêng gì lão mà tất cả các cao thủ của Long Võ Trang lúc bấy giờ đều dồn tâm trí đến việc đánh bại giáo chủ Thiên Hoa Giáo. Về Trần Triệu Quốc Nguyệt nàng đã biết rõ chân tướng của bốn cô gái và còn nhận ra cô gái hoa cúc là người từng so tài với nàng đêm Thiên Ma Giáo cướp ngục. Nàng thấy không cần phải lên tiếng nên cứ giữ im lặng, để mặc cho Tạ Đức Uy đối đáp. Cô gái hoa đào nhìn Tạ Đức Uy nói tiếp:

‒ Biết rõ lai lịch của chúng tôi, Tạ Tổng Đường cũng nên biết chúng tôi đến đây là theo lệnh của Giáo Chủ với thân phận là sứ giả đến thương nghị một chuyện.

Tạ Đức Uy bĩu môi:

‒ Các ngươi là cái gì mà dám đòi thương nghị với Minh Chủ? Muốn thương nghị thì hãy bảo Đào Thiên Hương và Hồ Nguyên Hoa dẫn xác đến đây.

Cô gái hoa đào vẫn bình tĩnh:

‒ Xưa nay hai nước bang giao, dù thời bình hay thời chiến, thân phận của sứ giả luôn được bảo vệ và tôn trọng.

‒ Vậy là làm sao?

‒ Cứ thí dụ như hoàng đế Đại Việt thông sứ với Tống, có khi nào hoàng đế đích thân đi? Ngay đến các bậc tả hữu bộc xạ (2), tam sư, tam công cũng không đi. Cao nhất chỉ là thượng thư mà thôi. Chúng tôi nhận lệnh giáo chủ đến đây làm sứ giả cũng vậy.

Tạ Đức Uy nghe nói đến ngẩn người, sự tức giận trong lòng lão cũng vơi đi vài phần. Lão là người nóng tính nhưng không phải là kẻ hồ đồ. Lão hiểu thâm ý của cô gái thêu hoa đào muốn nói vài câu để thỏa mãn lòng tự ái của Long Võ Trang. Đại Việt là một nước nhỏ đối với Đại Tống. Dù cho vua Đại Việt có xưng là hoàng đế, xây tông miếu, đặt niên hiệu, chế triều nghi, phong vương tước, nhận chư hầu thì đối với triều đình Trung Nguyên luôn ở thế kém. Cô gái hoa đào ví von giáo chủ Thiên Hoa Giáo như hoàng đế Đại Việt còn Long Võ Minh Chủ như hoàng đế Trung Nguyên, dù thắng trận nhưng vẫn nhún nhường. Tuy nguôi giận nhưng Tạ Đức Uy vẫn không chịu:

‒ Tức cười. Sứ giả thì sứ giả, nhưng các ngươi ít nhất cũng phải có thân phận gì chứ?

Cô gái thêu hoa sen lên tiếng trả lời thế:

‒ Không lẽ dùng võ công ấn chứng không được? Tất cả bốn người chúng tôi đều thân phận cung chủ.

Cả quảng trường lập tức xầm xì bàn tán. Võ công bốn người họ tuy cao thật, chức vụ có thể ngang hàng, nhưng luận vào tuổi tác và thân phận làm sao có thể sánh với chưởng môn các phái. Như hiểu được tâm ý quần hùng, cô gái thêu hoa cúc tỏ ý thách thức:

‒ Ngay đến đại công tử của Long Võ Trang cũng không phải là đối thủ của thất tỷ, không lẽ như vậy các vị còn chưa chịu?

Vừa dứt câu nói thanh kiếm của nàng đã tuốt khỏi vỏ. Năm cánh hoa kiếm lập tức nở rộ ập vào người Lý Minh Lương. Lúc bấy giờ đại công tử của Long Võ Trang vẫn đứng im và ngưng thần giữ mũi kiếm ở đúng yết hầu của cô gái thêu hoa đào. Năm cánh hoa kiếm đi đến giữa đường chỉ còn lại năm chấm trắng chứng tỏ chiêu kiếm này nhanh hơn và ác hơn năm cánh hoa kiếm của cô gái hoa đào lúc nãy.

Lý Minh Lương đã biết sự ảo diệu khôn lường của chiêu này một lần giờ vẫn còn úy kỵ nên không dám chần chờ. Chàng vừa vung kiếm lên bảo vệ toàn thân vừa dùng khinh công lui xéo về phía sau một cách thần tốc để tránh sự uy hiếp trước mắt.

Một tiếng keng lại vang lên và lần này tiếng keng vang lên rất lâu. Nhưng sự thật chỉ có những cao thủ hiện diện mới có thể nhận ra đó không phải một tiếng mà là nhiều tiếng tạo thành. Vì tiếng binh khí va chạm nhau quá nhanh, quá nhiều nên những người nào nội lực chưa đủ không thể nào phân biệt được.

Sau một lúc tiếng binh khí chấm dứt và có hai bóng người dạt ra. Lý Minh Lương sững sờ đứng nhìn hồi lâu không chớp mắt. Cô gái thêu hoa cúc cũng bộc lộ sự ngạc nhiên trong ánh mắt. Trước mặt hai người là một vị ni cô mặc tăng bào màu tro. Tuổi của ni cô mới khoảng ba mươi, đôi môi chúm chím mỉm cười trên khuôn mặt từ ái. Thanh kiếm trên tay ni cô vẫn ngân lên không ngớt. Ni cô chấp một tay trước ngực niệm Phật hiệu chào cô gái thêu hoa cúc:

‒ Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Bần ni pháp danh Diệu Huyền, đại đệ tử phái Mê Linh, xin chào cung chủ của Thiên Hoa Giáo. Những chiêu kiếm thô thiển vừa rồi không bõ làm trò cười. Nếu cung chủ hoan hỷ bỏ qua cho thật là công đức vô lượng.

Quay sang Tạ Đức Uy vị ni cô cúi đầu:

‒ Chưa được sự chấp thuận của Tạ Tổng Đường mà đã làm càn, hậu bối xin chịu phạt.

Quay sang sư bà Mẫn Diệu, Diệu Huyền ni cô vái:

‒ Đệ tử vẫn còn mang nặng sắc tướng, chưa vứt bỏ được sự đua đòi thắng thua, mong sư thúc xá tội.

Sư bà Mẫn Diệu chỉ chấp tay niệm Phật hiệu:

‒ Nam mô Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Cuối cùng Diệu Huyền ni cô nhìn Lý Minh Lương:

‒ Mong Lý đại công tử đừng trách bần ni quá nhiều chuyện.

Lý Minh Lương cũng chấp tay lại đáp:

‒ Nếu không có sư cô, tại hạ không biết đã ra sao. Tại hạ không bao giờ dám trách sư cô ra tay cứu trợ.

‒ Đa tạ đại công tử rộng dung.

Đứng ở phía Tế Tác Đường Đinh Văn Tú nói nhỏ với Trần Triệu Quốc Nguyệt:

‒ Thuộc hạ nghe nói đại đệ tử phái Mê Linh là Diệu Huyền ni cô kiếm pháp tuyệt luân mà hành sự lại vô cùng nhã nhặn. Đúng là sự thật còn hơn lời đồn.

Trần Triệu Quốc Nguyệt ngạc nhiên:

‒ Diệu Huyền ni cô đến đây hồi nào?

‒ Dạ ni cô Diệu Huyền mới thống lĩnh một số đệ tử phái Mê Linh đến vào trưa hôm nay lúc Bang Chủ vắng mặt. Theo thuộc hạ biết, vì những chuyện xảy ra ở đây nên phái Mê Linh mới phái vị chưởng môn tương lai đến giúp.

Ở giữa sân cô gái thêu hoa cúc nói với ni cô Diệu Huyền:

‒ Bảy mươi hai chiêu Mê Linh Kiếm Pháp là môn võ công trấn môn của phái Mê Linh, uy lực khắp Đại Việt không có đối thủ. Nhưng ni cô không phải là chưởng môn, cũng không phải là những bậc tôn trưởng của môn phái nên không có khẩu quyết để luyện đến mức tột đỉnh.

Cô nhìn Tạ Đức Uy:

‒ Do đó Diệu Huyền ni cô vẫn chưa phải là đối thủ của tại hạ.

Ni cô Diệu Huyền mỉm cười:

‒ Khẩu khí của thí chủ thật là lớn. Lúc nãy phía bên thí chủ có ý nói những người thuộc thế hệ thứ hai của Long Võ Trang không ai bằng được. Bần ni vì gánh trọng trách của sư môn nên bắt buộc phải xem những gì thí chủ nói là không đúng.

Cô gái hoa cúc thách thức:

‒ Xem thì dễ, nhưng làm có dễ hay không? Nói ai cũng nói được, làm mấy ai làm được.

‒ Đa tạ thí chủ quan hoài. Đã là người tu hành nếu còn biết sợ khó nhọc sao có thể tiếp tục đi trên con đường trung đạo? Tuy biết khó nhưng nếu không đi bao giờ mới qua hết?

‒ Ni cô nói rất hay. Mong rằng kiếm chiêu hay như lời nói.

Cô gái thêu hoa cúc chầm chậm dùng tay phải giơ kiếm lên rồi thần tốc đánh ra một chiêu, trong khi đó tay trái cũng đánh ra một chưởng. Một chưởng một kiếm vừa ra đệ tử phái Mê Linh lập tức la lớn lên:

‒ Mê Linh Kiếm Pháp! Mê Linh Kiếm Pháp!

‒ Cô ta là ai mà biết sử dụng kiếm pháp bản môn?

‒ Đó chính là chiêu bái tổ tên “Kiếm Vọng Nam Thiên.”

Sư bà Mẫn Diệu nhắm mắt niệm Phật hiệu và nói thầm trong miệng:

‒ Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni. Kiếm pháp bản môn đã bị Đào tiền bối và Hồ Nguyên Hoa truyền ra ngoài.

Mê Linh Kiếm Pháp xưa kia vốn có tên Long Biên Kiếm Pháp do Thánh Chèm sáng chế ra. Thánh Chèm tên thật là Lý Thân mà dân gian còn gọi Lý Ông Trọng. Sau khi Đồ Thư với 50 vạn quân Tần đại bại ở đất Lĩnh Nam thì ngài được An Dương Vương cử đi sứ sang Tần. Ở Hàm Dương, ông đánh thắng tất cả các cao thủ mà vua Tần thu phục khắp thiên hạ nên được Tần Thỉ Hoàng vô cùng kính trọng. Sau khi giúp Tần đánh đuổi quân Hung Nô, ông được sắc phong Vạn Tín Hầu.

Trong lúc xa xứ Lý Ông Trọng không ngừng mở mang thêm kiến thức. Ngày ngày ông đàm luận với các danh gia thời Tần. Đêm đêm ông luyện tập và san định lại sở học thành pho kiếm tuyệt luân. Do đó chiêu đầu tiên mang tên Kiếm Vọng Nam Thiên để nói lên sự tưởng nhớ của ông về bản quốc Âu Lạc ở góc trời xa thẳm. Sau khi ông được vua Tần cho trở về quê quán, ông lập ra phái Long Biên lưu truyền vạn đại.

Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, công chúa tể tướng Phương Dung và công chúa đại tướng Phật Nguyệt đều luyện thành pho kiếm pháp này mà gieo rắc kinh hoàng cho nhà Đông Hán. Chỉ tiếc cuộc khởi nghĩa thành công quá ngắn ngủi rồi lại chịu cảnh Bắc thuộc. Từ đó về sau Long Biên Kiếm Pháp có tên Lĩnh Nam Kiếm Pháp để mang tinh thần và hoài bão của thời Lĩnh Nam: khí khái, trung nghĩa, ân đức, anh linh và tưởng nhớ đến cuộc khởi nghĩa của Vua Bà đánh đuổi giặc ngoại xâm, cởi ách nô lệ.

Mãi cho đến thời họ Khúc dấy nghiệp đệ tử phái Long Biên sát nhập với phái Hoa Lư và đổi thành Mê Linh để ngày đêm nhắc nhở nhau cái nhục mất nước trên sông Hát và đừng để lịch sử tái diễn. Tổng đàn được dời từ Long Biên đến Mê Linh. Nếu đem so sánh công lao phái Hồng Lĩnh chỉ là nồi đất to bằng nắm tay nằm cạnh nồi đồng thau mấy người ôm là phái Mê Linh.

Trên một ngàn năm nay, Mê Linh Kiếm Pháp nổi tiếng thiên hạ vô song vì những ai một khi luyện thành chưa hề thất bại. Pho kiếm pháp này có tổng cộng bảy mươi hai thức, mỗi thức chia làm âm dương. Từ âm dương lại phân thành tứ phương, rồi từ tứ phương chia ra hư hư thực thực. Chiêu thức đã khó, khẩu quyết của kiếm pháp còn khó hơn và chỉ những người có thiên tư đặc biệt mới được truyền dạy một cách bí mật. Vì những sự phức tạp của kiếm pháp cũng như duyên phận và căn cơ của mỗi người nên có khi vài đời chưởng môn mới được một người tạm gọi là luyện thành. Do đó đối với lịch sử tộc Việt, Mê Linh Kiếm Pháp gần như đi vào huyền thoại.

Nói cách khác đơn giản hơn: Có chiêu thức trong tay mà không có khẩu quyết chỉ dạy cách biến hóa sẽ không luyện thành. Dù có cả hai mà không đủ duyên số để hiểu thông càng thêm nguy hại. Diệu Huyền ni cô tuy trọng trách làm chưởng môn tương lai nhưng vẫn chưa được truyền khẩu quyết vì sự luyện tập chưa đủ thâm áo.

Chưa được truyền khẩu quyết không nghĩa là pho Mê Linh Kiếm Pháp chỉ là môn kiếm pháp vô dụng. Chỉ cần học thuộc các chiêu thức cũng đủ nổi danh một cõi. Phái Mê Linh nhiều đời nay không thiếu những hiệp khách tuy không có khẩu quyết vẫn có thể dọc ngang trời đất.

Cô gái thêu hoa cúc xuất thủ tấn công trước, Diệu Huyền ni cô bình tĩnh, cũng tay phải xử kiếm, tay trái phát chưởng chống trả.

Keng! Ầm!

Hai chưởng chạm nhau trong khi đó bóng kiếm hai người quấn lấy cả hai. Kiếm phong, chưởng lực làm cát đá xung quanh bay dạt ra. Quần hùng được một phen xem trận so tài hy hữu này. Hai bóng người cùng tách ra và cùng đứng lại chỗ cũ. Cả hai cùng lảo đảo. Tất cả những người xung quanh chấn động không ít. Một bên là cao đồ của một đại phái, một bên là cung chủ của ma giáo. Mọi người đều lặng im hồi hộp theo dõi trận đấu. Cô gái thêu hoa cúc vận một luồng chân khí từ đan điền, người cô vọt lên không lao đến ni cô Diệu Huyền, ánh kiếm tỏa sáng một vùng. Đám đệ tử phái Mê Linh lại cùng nhao nhao lên:

‒ Đây là chiêu thứ hai tên Lạc Việt Âu Ca.

Cùng lúc với cô gái thêu hoa cúc vọt lên không thì ni cô Diệu Huyền cũng đã đề khí đánh ra cùng một chiêu tương tự. Hai người quấn lấy nhau trên không, bóng kiếm chập chờn. Đến khi chân hai người chân chạm đất thì muôn ngàn biến hóa của chiêu thức đã được phát ra. Ngoài những bậc tôn trưởng của mỗi bang phái không ai là không khiếp sợ với sự thần tốc trong kiếm chiêu của hai người. Nội công ngang nhau, chiêu thức giống nhau, kinh nghiệm lâm trận đều dồi dào, không một ai có thể đoán được sự thắng bại sẽ thuộc về người nào.

Tiến thoái nhịp nhàng, công thủ có thứ tự, cô gái thêu hoa cúc và ni cô Diệu Huyền càng giao đấu càng lạc vào cõi hư vô của cuộc chiến. Không những người ngoài khó phân biệt ai địch, ai bạn, ngay đến người trong trận cũng không hiểu được mình đã giao đấu bao nhiêu lâu, đã xử dụng những chiêu gì và hóa giải ra sao. Hai người chỉ tùy tâm, thuận ý xuất ra những chiêu kiếm vô cùng cao minh và liên miên bất tuyệt. Tâm cảnh của hai người chỉ nhận thấy những luồng kiếm phảng phất, như có như không như hư như thực. Kiếm chiêu đã thoát ra khỏi tầm mắt thường để nhận định. Người ngoài trận càng thấy kiếm chiêu đi nhanh bao nhiêu thì người trong trận càng thấy những lưỡi kiếm, mũi kiếm đi chậm bấy nhiêu. Kiếm càng đi chậm càng dễ né tránh, dễ đỡ và dễ phản chiêu. Tất nhiên hai người càng giao đấu càng không phân thắng bại.

Đứng xem cuộc so tài cô gái thêu hoa đào chợt hiểu ra nguyên nhân. Từ đầu đến cuối hai người vô tình xử dụng chiêu thức giống y như nhau nên cả hai đều bị kiếm chiêu của đối phương làm mê hoặc. Cả hai cùng cách xuất chiêu, cùng cách biến hóa, cùng lui, cùng tiến do đó không thể phân thắng thua. Vì muốn kết thúc trận đấu cho nhanh chóng, cô liếc nhìn cô gái hoa hồng. Hai người cùng hiểu ý nhau. Cô gái hoa đào dùng một chiêu Mê Linh Kiếm Pháp thần tốc tấn công cô gái hoa hồng. Cô gái hoa hồng trả lại bằng một chiêu trong Thiên Hoa Kiếm Pháp. Kiếm phong của hai người quấn tít lấy nhau tạo ra nhiều tiếng keng không ngớt.

Khi tiếng keng ngừng thì trận đấu giữa ni cô Diệu Huyền và cô gái thêu hoa cúc lập tức biến đổi. Ni cô Diệu Huyền vẫn dùng kiếm pháp bản môn chính tông nhưng cô gái hoa cúc dùng đến Thiên Hoa Kiếm Pháp. Quan sát trận chiến sư bà Mẫn Diệu thấy sự thay đổi kiếm pháp của cô gái thêu hoa cúc mà chấn động trong lòng: “Hai người họ cùng bị rơi vào sự kềm chế tâm thức của nhau nên không thể phân hơn kém. Bây giờ vị thí chủ kia đã dùng đến kiếm pháp của ma giáo.”

Kể từ lúc cô gái thêu hoa cúc thay đổi kiếm pháp, ni cô Diệu Huyền lâm vào thế yếu rõ rệt. Kiếm chiêu không còn linh động và liên miên bất tuyệt như lúc đầu nữa. Kiếm quang của ni cô ngày càng bị thu nhỏ dần trong khi đó của cô gái thêu hoa đào ngày càng lan rộng hơn. Biết mình ở vào thế bất lợi, ni cô đánh ra một chiêu công nhiều thủ ít. Kiếm quang của ni cô lập tức bừng lên, nhiều thế kiếm linh diệu lập tức được xuất hiện. Trong lòng ni cô Diệu Huyền vui mừng không ít. Đây là một trong những chiêu ni cô đắc ý nhất có tên Nam Ông Lãm Tuyết. Ánh kiếm chớp lên như trận bão tuyết giăng khắp bầu trời.

Cô gái thêu hoa cúc sử dụng chiêu thứ năm của Thiên Hoa Kiếm Pháp có tên là Huyễn Mộng Không Hoa. Luồng kiếm quang của cô gần như không còn thấy rõ nữa. Người của Long Võ Trang thở phào nhẹ nhõm vì ai cũng tin rằng ni cô Diệu Huyền đã lấy lại được thế quân bình, kể cả sư bà Mẫn Diệu. Luồng kiếm lăng lệ của ni cô Diệu Huyền làm chủ bốn hướng xung quanh cô gái hoa cúc. Thế nhưng nhân ảnh của cô chập chờn chợt đông, chợt tây trong màn kiếm quang dầy đặc. Ni cô Diệu Huyền vô cùng kinh hãi, vận cả chân lực ra mức tối đa để thi triển những biến chiêu vô cùng phức tạp nhanh hơn. Thế nhưng tất cả công sức của ni cô trở thành vô thường theo quy luật của vạn vật.

Ni cô diệu huyền cảm thấy sau lưng mình một luồng khí lạnh uy hiếp các huyệt Đại Chùy, Đào Đạo, Thân Trụ, Thần Đạo, Linh Đài và Chí Dương. Tất cả đều là yếu huyệt trên Đốc Mạch. Thất kinh, ni cô Diệu Huyền vội xoay người lại đánh liền năm thế kiếm để bảo vệ lấy thân nhưng cả năm thế kiếm đều rơi vào khoảng không vì đối thủ đã biến đâu mất. Lần này ni cô lại cảm thấy một luồng khí lạnh uy hiếp các huyệt Não Hộ, Phong Phủ và Á Môn ở sau ót. Một lần nữa ni cô xoay người lại và đánh ra bảy thế kiếm. Một lần nữa những thế kiếm ấy rơi vào khoảng trống. Không những ni cô Diệu Huyền không thấy nhân ảnh của đối thủ ở đâu mà ngay cả đến việc cho hai kiếm chạm nhau cũng không làm được.

Từ lúc bước chân vào giang hồ đến giờ đã hơn mười lăm năm, cuộc so tài đêm nay mới là lần đầu tiên ni cô Diệu Huyền gặp một đối thủ tài giỏi đến như vậy. Ni cô thấy chỉ còn một hy vọng cuối cùng để cứu vãn tình thế là hợp kiếm pháp với khinh công làm một. Ni cô lập tức thi triển thân pháp xe dịch thân hình xung quanh, không theo một hướng nào nhất định trong khi đó kiếm pháp vẫn ồ ạt tuôn ra với những chiêu thức cũng bất định. Ni cô không còn theo lối phát chiêu lúc đầu là mỗi khi đánh ra một chiêu thì xử dụng hết các thế biến hóa của nó trước khi ra chiêu khác. Lần này thì chiêu thức không chừng gần như là loạn. Kiếm quang dầy đặc hơn trước rất nhiều.

Thế nhưng đối thủ vẫn như con cá trê lẩn lách trong bùn. Hết cổ rồi đến sau ót, hết sau lưng rồi đến hai bên hông, hết đầu rồi đến vai, lúc nào trên thân thể của ni cô Diệu Huyền cũng bị kiếm pháp và thân pháp của đối phương áp đảo. Nhiêu lần ni cô cảm thấy tính mạng không còn giữ được vì cảm thấy hơi lạnh của thanh kiếm chạm đến da thịt của mình. Bất cứ nơi nào bị uy hiếp thì ni cô Diệu Huyền không thể nào tránh được. Nhưng lưỡi kiếm của đối phương vừa chạm đến thì ngưng rồi lập tức biến chiêu tấn công nơi khác.

Trong lòng ni cô Diệu Huyền nguội như tro tàn. Biết đối phương không hề có ác ý, chỉ bỡn cợt với mình mà không làm gì được. Kiếm pháp của ni cô chậm dần rồi ngưng hẳn. Khi ni cô ngưng thì thân thủ của cô gái thêu hoa cúc cũng ngừng lại và đứng trước mặt cách hơn một trượng. Cô gái thêu hoa cúc vái một vái:

‒ Đệ tử danh gia vẫn có khác. Kiếm pháp của ni cô quả nhiên cao minh, tiểu nữ vô cùng kính phục.

Nếu không phải vì cử chỉ, giọng nói và ánh mắt của cô gái hoàn toàn không có ý trêu chọc, ni cô Diệu Huyền đã cho rằng đối phương nhục mạ mình. Ni cô cũng trả lễ:

‒ Lành thay lành thay! Bần ni xin đa tạ thí chủ đã nương tay và giữ thể diện cho.

Nói xong ni cô vái một vái, buồn bã tra kiếm vào bao rồi trở về phía Pháp Hình Đường đứng sau lưng sư bà Mẫn Diệu. Sư bà Mẫn Diệu nhắm mắt lại không nói gì. Cô gái thêu hoa đào hướng về phía Tạ Đức Uy:

‒ Xin Tạ Tổng Đường nói cho một lời. Các vị không thể gỡ khăn che mặt của chúng tôi chứ không phải chúng tôi không cho.

Cô càng tỏ ý thách thức hơn, cười khanh khách:

‒ Không lẽ cả Nam Thiên Đệ Nhất Trang không có một người nào thuộc thế hệ thứ hai có đủ thực lực để tiếp chiêu, để rước dâu hay sao?

Cô gái hoa sen lắc đầu phụ họa:

‒ Tre già, măng không mọc, tre tàn. Tiếc thay tiếc thay.

Nghe lời khiêu khích, Triệu Hòa Vinh bật cười nói với Trần Triệu Quốc Nguyệt:

‒ Thưa Bang Chủ, tự nhiên thuộc hạ muốn cưới vợ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt cũng cười theo:

‒ Giao Long Bang mà có mấy nàng dâu tài giỏi như vậy còn gì quý bằng.

Đinh Văn Tú phụ họa:

‒ Nếu đứa em rể có ở đây thì ba người thuộc hạ ra đả lôi đài cưới vợ rồi.

Trần Triệu Quốc Nguyệt càng cao hứng hơn:

‒ Bạch Yến mà nghe anh nói câu đó không chừng sẽ đem anh ruột ra băm như băm chả.

Đinh Văn Tú lắc đầu tỏ ý không chịu:

‒ Bang Chủ nói quá cho em gái thuộc hạ. Tính tình của Bạch Yến hài hòa, nhu thuận không làm vậy bao giờ. Chỉ có thằng em rể Quách Lăng mới đem thuộc hạ ra bằm ha ha ha. Có gì thuộc hạ nói là do Triệu đại ca xúi giục.

‒ Tú đệ nói nhảm đi. Đây rõ là ý của Bang Chủ, tiểu huynh vô tội vạ ha ha ha.

Triệu Hòa Vinh hỏi ý nàng:

‒ Bang Chủ thấy chúng ta có nên ra tay hay không? Thuộc hạ nghĩ đây là cơ hội tốt cho chúng ta dằn mặt những người khác.

Hắn vừa nói vừa nhìn sang phía Phi Mã Đường và anh em họ Mai.

‒ Tất nhiên bây giờ đến lượt chúng ta.

Đinh Văn Tú nhìn bốn cô gái che mặt nói với nàng:

‒ Thuộc hạ cho người kêu Bạch Yến và Uyên Linh đến. Bốn người đấu bốn.

‒ Tôi đang lo sợ hung thủ sẽ thừa lúc ám toán Giang Linh. Hai đấu hai được rồi. Hai anh tự tin được bao nhiêu phần?

Đinh Văn Tú nhìn bốn cô gái trầm ngâm:

‒ Thuộc hạ tin rằng nếu có thua cũng phải ngoài năm trăm chiêu chứ không phải chưa đến năm mươi chiêu đã lạc bại như người khác.

‒ Như vậy được rồi.

Đinh Văn Tú mượn thanh đao của một người thuộc hạ rồi cùng Triệu Hòa Vinh song song bước ra ngoài. Hắn vốn không dùng binh khí, nhưng mỗi khi sánh vai với Triệu Hòa Vinh thì hắn dùng đao. Bốn cô gái nhìn Triệu, Đinh chứ không lên tiếng. Quần hùng im lặng nhìn Giao Long Bang xuất thủ. Tạ Đức Uy cũng không nói gì. Hai người đến trước mặt bốn cô gái, cách một trượng thì dừng lại và cùng lên tiếng:

‒ Tại hạ Triệu Hòa Vinh, tự Vinh Anh.

‒ Tại hạ Đinh Văn Tú, tự Tú Anh. Anh em chúng tôi thuộc Giao Long Bang, Tế Tác Đường sẽ tiếp chiêu với hai người bên các vị.

Cô gái hoa đào nhìn hai người không chớp mắt:

‒ Đây là anh tài Giao Long Bang đó à? Giao Long Bang là bại tướng của bản giáo, thắng lần nữa cũng không vẻ vang gì. Hoa Hồng, Hoa Sen, hai muội ra tiếp chiêu Giao Long Bang.

‒ Dạ.

Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú không màng đến lời khiêu khích của cô gái hoa đào. Hai người vận chân khí toàn thân. Vừa thấy hai cô gái bước ra liền cùng lên tiếng:

‒ Xin mời.

Nói xong, Triệu Đinh hai người cùng vung đao lên xuất chiêu tấn công ngay không một chút khách sáo hoặc nương tay.

Đã nhiều năm nay Giao Long Bang bị hầu như toàn thể võ lâm Trời Nam dè bỉu sau lưng. Tuy có thể đứng ngang với tám đại phái ở Long Võ Trang nhưng sự thật Giao Long Bang không được trọng vọng như phái Hồng Lĩnh, Việt Thành. Nếu đem so với Tiêu Sơn, Tản Viên, Tây Vu, Sài Sơn hoặc Đông A lại càng không đáng nói. Do tiếng tăm không có nên cao thủ trong Giao Long Bang ít người biết đến. Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú là hai thống lĩnh của Tế Tác Đường dưới quyền Trần Triệu Quốc Nguyệt nhưng ngay ở Long Võ Trang được mấy ai để ý.

Bề ngoài Triệu Hòa Vinh xuề xòa, không gây sự với ai và ai làm gì cũng không màng đến. Hắn chỉ biết phận sự của một người thống lĩnh của Tế Tác Đường. Nói chuyện cùng làm việc Triệu Hòa Vinh luôn tỏ ra nhã nhặn. Đinh Văn Tú có học thức uyên bác hơn Triệu Hòa Vinh và tính tình cũng cởi mở hơn. Hắn có thể vui đùa mọi lúc mọi nơi nhưng Triệu Hòa Vinh chỉ làm vậy khi có người thân tín bên cạnh. Hai người họ chơi thân với nhau từ nhỏ và một lòng trung thành với Giao Long Bang cùng Trần Triệu Quốc Nguyệt. Qua cuộc giao tranh với Thiên Hoa Giáo vừa rồi, Giao Long Bang bị tấn công ba nơi nhưng ít bị thiệt hại hơn cả. Các phái khác cho là do tổ chức khéo và gặp may. Nhưng cái may mắn không phải do tài sức đem lại sẽ không được lâu dài. Mà tài sức của Triệu Đinh, Trần Triệu Quốc Nguyệt biết rất rõ và luôn luôn tin tưởng ở hai người.

Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú song song tấn công hai cung chủ của Thiên Hoa Giáo với một chiêu thức hết sức hoa mỹ. Không những chiêu thức đẹp, lối tấn công nhanh, nội lực vô cùng hùng mạnh mà sự nhịp nhàng, đều đặn giữa hai người và hai thanh đao làm cho quần hùng tưởng chỉ có một người. Hai mà một, một mà hai như bóng theo hình. Lần đầu tiên quần hùng Long Võ Trang chính mắt thấy pho Giao Long Đại Hùng Thất Tinh Đao được thi triển. Triệu, Đinh thi triển vô cùng đẹp mắt. Song đao phát ra, ánh sáng lóa lên, đao lực phủ đầy, khí kình cuồn cuộn. Hàng ngàn bó đuốc phải rung rinh, chập chờn theo từng biến chuyển của hai thanh đao. Đất trời chỉ còn một màu bàng bạc.

Với một chiêu tấn công mà Tạ Đức Uy phải sửng sốt. Lão nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt, sắc mặt luôn thay đổi. Bình thường lão thấy nàng cứ muốn tìm cách trổ tài và rất tự hào về Giao Long Bang thì cho rằng tuổi trẻ ngông nghênh. Nhưng bây giờ nhìn thân thủ của Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú lão mới tin rằng thuộc hạ của nàng có chân tài thực học. Nàng nhìn lão mỉm cười. Cái nụ cười ngạo nghễ của kẻ đắc thắng. Trong nụ cười bao hàm ý: thuộc hạ của tôi không chỉ có hai người đó đâu. Rồi thì cả Trời Nam mọi người sẽ biết đến.

Hoa Hồng và Hoa Sen cũng phải thầm khen ngợi thân thủ nhanh lẹ và chiêu thức phi phàm của Triệu, Đinh. Hai người cùng ra chiêu thứ ba tên Hồ Điệp Xuyên Hoa. Ánh kiến lẫn lộn trong bóng đao dưới muôn ngàn ngọn đuốc làm hừng sáng cả khu cổng bắc Minh Chủ Thành.

Vừa tiếp chiêu với địch, đao pháp của Triệu Đinh lập tức đổi. Triệu Hòa Vinh tiếp tục tấn công cả hai cô gái trong khi đó chiêu thức của Đinh Văn Tú bảo vệ lấy hai người. Lúc mới xuất chiêu thì hai người như một, như bóng hình của nhau. Bây giờ thì hoàn toàn tương phản, trái ngược nhau. Một công một thủ làm cho bóng đao như bức tường dầy đặc. Hai cô gái sử dụng liên tiếp nhiều tầng biến hóa của chiêu thức nhưng vẫn không áp đảo được.

Hai bên càng giao đấu, Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú càng gia tăng nội lực, mấy lần phải ép hai cô gái thụt lùi nhưng Triệu, Đinh vẫn không chiếm được thế mạnh. Quần hùng Long Võ Trang bị thua bốn trận liên tiếp nên cảm thấy bẽ mặt. Bây giờ thấy võ công, đao pháp của hai thống lĩnh trong Tế Tác Đường cao thâm nên lòng tự ái được xoa dịu. Họ lớn tiếng hoan hô, cổ vũ cho Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú.

Hai bên đấu với nhau trên bốn trăm chiêu không phân thắng bại. Nội công của Vinh Anh và Tú Anh vẫn hùng hậu, không thấy dấu hiệu mệt mỏi. Hoa Hồng và Hoa Sen càng kính phục trong lòng hơn. Cô gái hoa đào đứng lược trận nhận xét rằng tuy đao pháp của Triệu, Đinh thua kém Thiên Hoa Kiếm Pháp rất nhiều nhưng sự phối hợp của họ lại vô cùng kín đáo, nhịp nhàng. Muốn thắng được Triệu, Đinh, cô ước đoán phải trên một ngàn chiêu.

Bất thình lình, Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú thay đổi chiến thuật. Triệu Hòa Vinh bây giờ thủ còn Đinh Văn Tú tấn công, đảo ngược trách nhiệm của nhau. Hai cung chủ của Thiên Hoa Giáo chỉ hơi ngỡ ngàng nhưng chiêu thức không loạn. Triệu, Đinh lại thay đổi chiến thuật lần nữa. Cải hai cùng công hoặc cùng thủ một lúc, tiến lui vô chừng, lấy thủ làm công, lấy công làm thủ. Song đao pháp của họ càng ngoạn mục, quần hùng càng cổ võ vang dội.

Trận đấu kéo dài thêm gần một trăm chiêu nữa Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú vẫn chưa ép được hai cô gái vào thế yếu thì có người từ trong Minh Chủ Thành đi ra nói nhỏ vào tai Tạ Đức Uy mấy câu. Tạ Đức Uy khẽ nhăn mặt nhìn bốn người đang giao đấu nói lớn:

‒ Minh Chủ có lệnh, tất cả hãy dừng tay.

Cả bốn người cùng đánh ra một chiêu cuối cùng rồi nhảy lùi lại hơn hai trượng chắp tay vái:

‒ Đa tạ hai vị đã nhẹ tay cho.

Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú trở về hàng ngũ của Giao Long Bang trong muôn ngàn tiếng tung hô của thuộc hạ. Nhìn thấy trán hai người lấm tấm một chút mồ hôi, Trần Triệu Quốc Nguyệt khen thưởng:

‒ Tuy không cưới được vợ nhưng sứ mạng hoàn tất một cách trọn vẹn. Chỉ có Giao Long Bang chúng ta không bại trận dưới tay kẻ địch.

Đinh Văn Tú cười hì hì:

‒ Dạ Bang Chủ tại vì duyên của anh em thuộc hạ chưa đến nhưng tài thì có đủ.

Trong khi mấy người trong Giao Long Bang đang nói chuyện với nhau thì Hoa Đào cười khúc khích nói với Tạ Đức Uy:

‒ Như vậy có phải yên ổn hay không? Nếu từ lúc đầu Tạ Tổng Đường đồng ý thì hai bên chẳng phải tốn nhiều thời gian ở đây đánh nhau vô ích. Còn vấn đề tên họ, chúng tôi là sứ giả nên chỉ khai báo trước mặt Minh Chủ mà thôi.

Cô nhìn quanh một vòng rồi nhỏ nhẹ nói tiếp:

‒ Trang đinh Long Võ Trang hầu hết là nam nhân trẻ tuổi, khí huyết phương cương, lòng dạ nghĩa hiệp khiến cho nhiều thiếu nữ mơ mộng. Nếu lấy khăn che mặt xuống, Tạ Tổng Đường không sợ chúng tôi nhân cơ hội này dùng mỹ nhân kế lung lạc các đấng nam nhi?

Hoa Hồng cũng nói thêm:

‒ Hoặc là Tạ đại hiệp không sợ bọn họ vì gái mà gây hấn với nhau? Chị em tiểu nữ đủ đẹp để gây nên chuyện đó.

Hai cô vừa nói vừa ra dáng vẻ tha thướt, uyển mị, giọng nói cũng được trau chuốt cho ngọt hơn cả mật ong. Cả bốn cô cùng cười lớn. Tạ Đức Uy nhăn nhó càng nhăn nhó hơn. Lão dở khóc dở cười không biết giải quyết ra sao đối với những cô gái mà lão ước chừng ít tuổi hơn con trai lão. Cuối cùng lão cũng phải làm ngơ, không đòi hỏi gì nữa mà chỉ ra lệnh mở cửa bắc Minh Chủ Thành cho bốn cung chủ Thiên Hoa Giáo đi vào. Thế nhưng cả bốn cô không ai chịu cất bước. Hoa Đào nghiêm giọng:

‒ Long Võ Trang dùng lễ đón sứ giả phải cho trọn vẹn. Bây giờ vẫn còn thiếu lễ, chị em tiểu nữ không vào.

Tạ Đức Uy khẽ lắc đầu than thầm trong lòng: “Đúng là con gái có khác. Đào Thiên Hương và Hồ Nguyên Hoa rất biết chọn người đi sứ. Long Võ Trang là Nam Thiên Đệ Nhất Trang, là rường cột cho chính nghĩa. Dù họ là kẻ tử thù ta cũng phải giữ cho đủ lễ mới làm sáng được cái đức của Minh Chủ.” Lão vẫy tay ra lệnh, lập tức thuộc hạ của Thập Đường xếp hàng ngay ngắn dàn bên trong lẫn bên ngoài Minh Chủ Thành để nghinh đón. Lão đích thân đến trước mặt bốn cô gái:

‒ Xin mời bốn vị sứ giả của Thiên Hoa Giáo.

Bốn cô cùng cúi đầu chào Tạ Đức Uy rồi mới đi vào Minh Chủ Thành.

Từ cổng bắc họ đi vòng qua cổng đông xuống đến cổng nam để vào Nghinh Tân Sảnh bên dưới Long Đình Lâu. Đi đến giữa sân trước khi đến bậc tam cấp vào Nghinh Tân Sảnh, bốn cung chủ Thiên Hoa Giáo ngừng bước trong khi đó các đường chủ của Long Võ Trang vẫn đều bước tiến thẳng vào trong. Riêng Tạ Đức Uy thì lên hết bậc tam cấp thì ngừng lại và đứng nhìn ra. Chờ cho các vị đường chủ vào hết, lão từ bậc tam cấp bước xuống đến trước mặt bốn cô gái:

‒ Long Võ Minh Chủ đang đợi bốn vị sứ giả bên trong.

Bốn người sứ giả cúi đầu chào lần nữa rồi mới cất bước theo sau Tạ Đức Uy đi vào. Đây là lối phân đình giao bái mà các bậc tôn giả thời xưa dùng để đón khách quý hay người có chức trọng. Theo ý nghĩa, đón khách ngoài cổng tức là gia chủ quá nhu nhược và xu nịnh. Đón khách ngay bậc thềm gia chủ quá kêu ngạo xem thường khách. Đón ở giữa sân dung hòa hai ý trên.

Trong Nghinh Tân Sảnh Long Võ Minh Chủ cùng với Phu Nhân đã có mặt. Khác với lần họp tướng vừa rồi bên Uy Long Các, cuộc tiếp sứ giả của Thiên Hoa Giáo lần này chỉ có Minh Chủ và Phu Nhân an tọa. Tất cả những người còn lại kể cả Tạ Đức Uy đều đứng dàn ra hai hàng “văn võ.” Hai vợ chồng Lý Minh Lương, Lý Minh Thần đeo kiếm đứng hầu sau lưng Minh Chủ và Phu Nhân. Bốn vị sứ giả đứng giữa sảnh đường lễ bốn lễ. Hoa Đào cung tay thưa:

‒ Tiểu nữ khuê danh Phạm Trúc Đào, cung chủ Đệ Thất Đào Hoa Cung, cũng là chánh sứ, xin tham kiến Long Võ Minh Chủ và Phu Nhân.

Hoa Cúc tiếp lời:

‒ Tiểu nữ khuê danh Cao Hoàng Cúc, cung chủ Đệ Bát Cúc Hoa Cung.

Hoa Hồng cũng nói:

‒ Tiểu nữ khuê danh Dương Bảo Hồng, cung chủ Đệ Cửu Hồng Hoa Cung.

Hoa Sen chắp tay:

‒ Tiểu nữ khuê danh Hà Huyền Cẩm Liên, cung chủ Đệ Thập Liên Hoa Cung. Tất cả xin tham kiến và chúc Minh Chủ cùng Phu Nhân tâm thường an lạc.

Long Võ Minh Chủ gật đầu:

‒ Bản tòa xin cám ơn lời chúc phúc của quý giáo. Cho bản tòa gởi lời hỏi thăm đến quý giáo chủ.

Phạm Trúc Đào đáp:

‒ Đa tạ Minh Chủ, tiểu nữ sẽ chuyển lời của Minh Chủ lên Giáo Chủ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nghe đệ bát cung chủ của Thiên Hoa Giáo xưng tên nàng mỉm cười khẽ nói thầm: “Cao Hoàng Cúc à, kiếm pháp rất giỏi.” Nàng sực nhớ đến một người trong Giao Long Bang: “Không biết so với Thục thì như thế nào?”

Lời nói tuy nhỏ nhưng những người có mặt đều là cao thủ nên ai cũng nghe rõ ràng. Cao Hoàng Cúc nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt:

‒ Nếu Tế Tác Đường Chủ muốn tái đấu tiểu muội sẵn sàng tuân lệnh.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn Cao Hoàng Cúc:

‒ Cái đó không cần vì tái đấu cũng không thắng được.

Cao Hoàng Cúc cười khúc khích:

‒ Nhưng tỷ tỷ chưa chắc sẽ bại.

‒ Tất nhiên tôi không bại vì cung chủ chưa thể thắng được tôi.

Cao Hoàng Cúc mỉm cười không trả lời nhưng ánh mắt của cô nói lên tất cả. Cô không tin mình có thể thua cho Trần Triệu Quốc Nguyệt. Các vị đường chủ khác nghe Trần Triệu Quốc Nguyệt nói thì cho rằng nàng cố ý huyênh hoang sau khi thuộc hạ Giao Long Bang đấu ngang tay với hai cung chủ của ma giáo. Tạ Đức Uy trợn hai mắt, lông tóc dựng ngược lên. Nùng Đức Nghĩa thầm nghĩ trong lòng: “Bầy đặt cao ngạo. Hừ, chỉ là phường tuồng phách lối của trẻ ranh không biết trời cao đất rộng.”

Phạm Trúc Đào hướng Long Võ Minh Chủ cung tay:

‒ Hôm nay chị em tiểu nữ vâng lệnh Giáo Chủ đến đây thông báo một điều và cầu mong Minh Chủ chấp thuận hai điều.

Cô vừa nói xong lập tức có nhiều tiếng phản bác vang lên. Tạ Đức Uy thì hét lớn chỉ tay vào mặt Phạm Trúc Đào:

‒ Chỗ này là nơi nào mà mi dám nói với Minh Chủ như vậy?

Mai Nhật Sinh vừa rồi thấy hai đứa cháu yêu quý của mình lạc bại một cách thê thảm nên bây giờ có dịp liền phụ họa theo:

‒ Tức cười, Long Võ Trang chưa tìm đến bọn ma giáo các ngươi tiêu diệt, lẽ đâu các ngươi dám đến đây yêu sách?

Nùng Đức Nghĩa nói thẳng ra:

‒ Giữa ma giáo và bản phái có mối thù trời không chung đội, lão phu sẽ quyết tâm tiêu diệt bọn ma giáo các ngươi, không có gì phải nói nữa.

Phạm Trúc Đào nhìn xung quanh một lượt:

‒ Hôm nay chúng tôi đến đây để thương nghị sao cho hai bên có lợi, không phải yêu sách. Đã là thương nghị thì phải có trao qua đổi lại. Các vị có lợi, không lẽ không muốn nghe?

Tạ Đức Uy định lên tiếng mắng thì Long Võ Minh Chủ đưa tay ra dấu cho Tạ Đức Uy giữ im lặng rồi nói với Phạm Trúc Đào:

‒ Bản tòa lắng nghe hai điều của Cung Chủ muốn nói. Nếu trong phạm vi khả năng, không đi ngược chính nghĩa võ lâm, bản tòa sẽ không từ nan. Cung Chủ cứ nói.

Trần Triệu Quốc Nguyệt vừa khâm phục Long Võ Minh Chủ vừa chỉ trích những người lên tiếng chống đối ban nãy:

‒ Xử sự như Minh Chủ có phải tốt đẹp hơn mấy ông không? Đợi người ta nói ra đã rồi muốn chống thì chống, việc gì phải làm ầm lên thế?

Mai Nhật Sinh nghe nói liền nổi giận:

‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt, mi cố tình nói móc các bậc trưởng bối, không phân lớn nhỏ để làm gì đây? Những lời lẽ của mi chỉ gây cảnh chia rẽ trước mặt kẻ thù, làm vậy phỏng có ích gì?

Trần Triệu Quốc Nguyệt không nói gì thêm, chỉ cười nửa miệng nhìn đi nơi khác, trong lòng thầm nghĩ: “Lời qua tiếng lại với mấy đứa trẻ nít nhiều tuổi tầm nhìn không xa hơn đầu mũi này thật không bõ. Thôi thì mình cứ ừ ừ hử hử cho qua. Rõ chán.” Thấy cảnh nội bộ đối phương xâu xé lẫn nhau, Phạm Trúc Đào và ba vị cung chủ kia chỉ đứng bàng quang nhìn. Long Võ Minh Chủ nhắc lại:

‒ Không biết quý giáo không làm được việc gì mà lại cần đến tệ Trang?

Phạm Trúc Đào cung tay thưa:

‒ Trước hết từ nay tệ giáo đổi tên không dùng Thiên Hoa Giáo nữa mà đổi thành Vạn Hoa Giáo.

Nùng Đức Nghĩa mỉa mai:

‒ Thì ra Thiên Hoa Giáo chán làm căn bệnh (4) của võ lâm nên đổi tên ha ha ha. Vạn Hoa Giáo tức là bệnh nặng gấp mười lần.

Có nhiều tiếng cười vang lên phụ họa với lời nói của Nùng Đức Nghĩa. Phạm Trúc Đào không để ý đến lời châm chọc:

‒ Hai điều tệ giáo cầu xin đối với Minh Chủ không những không có gì khó mà còn có lợi cho võ lâm.

Cả đại sảnh im phăng phắc đợi nghe lời giải thích của Phạm Trúc Đào. Long Võ Minh Chủ đưa tay ra mời:

‒ Cung Chủ cứ nói.

‒ Dạ Minh Chủ. Giáo Chủ tệ giáo trước hết muốn cầu hòa với Long Võ Trang để cho võ lâm không rơi vào một cuộc chém giết không cần thiết và cũng không nên có.

Cả đại sảnh lập tức vang lên nhiều tiếng tranh luận. Y Dược Đường Chủ Ngô Diệp Thảo nói thầm trong lòng:

‒ Thì ra giáo chủ ma giáo còn đang trong thời kỳ nguy hiểm, họ không dám vọng động lại sợ Long Võ Trang ra tay trước nên lên tiếng cầu hòa. Với lòng nhân của Minh Chủ và với mối quan hệ giữa Minh Chủ và giáo chủ ma giáo, chắc là Minh Chủ muốn hòa. Chiến hay hòa, đường lối nào tốt hơn?

Trong khi đó Trần Triệu Quốc Nguyệt mừng thầm: “Đây là cơ hội rất tốt cho Long Võ Trang chỉnh bị tất cả lại và cho Giao Long Bang có thêm thời gian. Long Võ Trang và Vạn Hoa Giáo nghị hòa lão hồ ly không dám rời khỏi Bạch Long Vỹ và bức bách Giao Long Bang. Hòa là tốt nhất.”

Hoằng Giáo Đường Chủ Huệ Giác đại sư, Pháp Hình Đường Chủ sư bà Mẫn Diệu và Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí có cùng một ý nghĩ: “Nếu họ thật lòng cầu hòa thì ta chẳng nên từ chối. Người đánh ta, ta đánh người, sát nghiệp chồng chất đến bao giờ cho dứt? Hòa được là điều đáng quý.”

Long Võ Minh Chủ đưa tay khẽ vuốt chòm râu đã hoa râm:

‒ Trận chiến vừa rồi quý giáo là bên thắng trận, thế nhưng quý giáo lại đưa ra lời nghị hòa trước tiên. Bản tòa đa tạ thịnh tình của quý giáo chủ đối với Long Võ Trang và đồng đạo võ lâm.

Phạm Trúc Đào kính cẩn đáp lễ:

‒ Minh Chủ võ lâm vẫn có khác. Câu trả lời không những không hạ uy tín và tác phong của mình mà còn có thể nêu nghi vấn đến tệ giáo. Tiểu nữ xin hỏi Minh Chủ, nếu đánh nhau thì hai bên có lợi gì không? Nếu làm hòa thì hai bên có mất gì hay không?

Tạ Đức Uy đứng ra dõng dạc trả lời thay cho Long Võ Minh Chủ:

‒ Nếu giữ hòa khí thì Long Võ Trang không thiệt hại nhân mạng nhưng chính nghĩa lại bị hao tổn. Chủ đạo của Long Võ Trang là chính nghĩa mãi mãi được trường tồn. Ba mươi năm trước làm sao ba mươi năm sau như vậy, trăm năm sau vẫn vậy, muôn đời là phải vậy.

Lời nói của Tạ Đức Uy hơn một nửa người hiện diện đều mạnh mẽ tán đồng. Những người còn lại chỉ giữ im lặng. Thấy khí thế của Long Võ Trang dâng cao nhưng không được thống nhất, Đào Bích Phương vẫn không sờn lòng:

‒ Long Võ Minh Chủ là người thiện ác phân rõ vậy xin hỏi Minh Chủ số người do tệ giáo sát hại có nhiều bằng Long Võ Trang hay không?

Lập tức có nhiều tiếng phản đối:

‒ Ma giáo chuyên làm chuyện vô pháp vô thiên, sùng bái tà đạo, làm chuyện tà ác, tin vào tà thần nên bất cứ ai cũng có thể giết được. Giết ma diệt quỷ là chính nghĩa vậy.

‒ Giết chết kẻ ác, cứu ứng người ngay là trách nhiệm của chính phái. Công đạo võ lâm chúng ta cần phải giữ, không cho ma giáo làm tổn hại đến.

‒ Chính tà không thể đứng chung. Dù phải hy sinh thì đó là cái giá cần phải trả để bảo vệ điều hay lẽ phải.

Đệ Cửu Hồng Hoa Cung Dương Bảo Hồng chất vấn:

‒ Các vị mồm năm miệng mười nói chúng tôi ác độc, vậy chúng tôi đã làm những gì để bị tiếng nhơ đó?

Tích Lịch Song Bút Mai Nhật Sinh khẽ hừ:

‒ Mấy ngàn người chết trong Long Võ Trang hơn nửa tháng trước không lẽ chưa đủ? Lại còn phóng hỏa đốt cháy Y Dược Đường và làm hại đến những người đang được trị thương.

‒ Nếu bằng vào số người chết ít nhiều để định tội nặng nhẹ, vậy năm xưa giáo đồ bản giáo bị các vị tàn sát thì nói làm sao? Các vị còn dám tự vỗ ngực cho mình thanh cao?

Mai Nhật Sinh chỉ thẳng tay vào mặt Dương Bảo Hồng:

‒ Cuồng đồ to gan. Mi dám so sánh những bậc cao nhân đức trọng của võ lâm với bọn cặn bã ma giáo bọn mi à?

Thấy Mai Nhật Sinh nổi giận, Dương Bảo Hồng đấu dịu:

‒ Chúng tôi đến đây mục đích cầu hòa, không phải tranh luận ai phải ai trái. Các vị giết người bản giáo, bản giáo tàn phá Long Võ Trang, như vậy xem như… hòa có được chăng?

‒ Hòa sao được mà hòa. Tội nghiệp do Đào Thiên Hương gây ra ở phái Mê Linh không ít. Đào Thiên Hương còn gia nhập tà giáo, tàn sát nhân sĩ khắp bốn phương. Sau khi trở về Đại Việt lập ra ma giáo mê hoặc dân chúng, làm chuyện vô pháp vô thiên. Số người chứng kiến tận mắt thảm cảnh đó có sư bà Mẫn Diệu. Bọn ranh con các ngươi trung thành với một người độc ác như vậy có khác nào nhập đảng tác hung. Các ngươi có bị tận diệt thì cũng do nghiệp báo của mình gây ra, trách ai được?

Hà Huyền Cẩm Liên châm biếm Mai Nhật Sinh:

‒ Chúng tôi là ma giáo, là phường ác độc nên muốn nghị hòa. Các vị là ngọn cờ của võ lâm, là tấm gương của chính nghĩa thì muốn một chém hai giết.

Phạm Trúc Đào lại hướng đến Long Võ Minh Chủ:

‒ Chúng tôi cầu hòa là với thành tâm thành ý, mong Minh Chủ xét kỹ.

Cô nói xong, lấy cái bọc đeo trên lưng xuống và mở ra. Bên trong có hai cái hộp, Cao Hoàng Cúc và Dương Bảo Hồng mỗi người cầm một cái hộp trịnh trọng dâng lên Long Võ Minh Chủ. Tạ Đức Uy đỡ lấy và mở hộp. Bên trong mỗi hộp là một viên ngọc trắng toát không một tì vết. Một viên ngọc được tạc thành hình con rồng uốn mình mười hai khúc. Một viên ngọc được tạc hình con phụng. Cả hai đều là vật vô giá. Tạ Đức Uy nhìn thấy hai viên ngọc không khỏi sửng sốt. Phạm Trúc Đào nói:

‒ Để tỏ sự thật lòng, bản Giáo dâng lên bảo vật của bản Giáo cho Minh Chủ.

Cô hướng đến tất cả đường chủ các phái nói tiếp:

‒ Bản Giáo cũng có lễ vật dâng lên cho các vị, nhưng là sau khi chúng ta nghị hòa.

Thói thường cái lợi trước mắt dễ làm dao động lòng người. Thấy Vạn Hoa Giáo dâng lễ vật quý giá lên Minh Chủ và hứa hẹn với các phái, phe chủ chiến không còn gay gắt nữa. Long Võ Minh Chủ nhìn hai viên ngọc quý hỏi:

‒ Nếu nghị hòa thì điều kiện hai bên như thế nào? Nếu như vi phạm thì sẽ bị trừng phạt như thế nào?

Phạm Trúc Đào mỉm cười:

‒ Hôm nay bọn tiểu nữ đến đây là để bày tỏ chút lòng thành của bản Giáo và mong được sự chấp thuận của Minh Chủ. Còn những điều khoản bên trong bản hòa ước đó tất nhiên đôi bên phải ngồi lại để quyết định chung, Minh Chủ nghĩ có phải không?

Long Võ Minh Chủ chỉ gật đầu chứ không nói. Dương Bảo Hồng tiếp lời:

‒ Long Võ Trang tất có điều kiện đưa ra để bản Giáo đáp ứng. Ngược lại, bản Giáo cũng có một số điều mong Long Võ Trang chấp thuận.

Tạ Đức Uy hỏi:

‒ Điều kiện của các ngươi là như thế nào?

Hà Huyền Cẩm Liên hỏi lại:

‒ Vậy Long Võ Trang đã có sẵn những điều kiện đưa ra chưa? Tất nhiên là chưa có. Chúng tôi lập lại là mục đích hôm nay đến đây ngỏ ý nghị hòa. Nếu Long Võ Trang chấp nhận, chi tiết sẽ được hai bên bàn thảo sau. Bản Giáo quyết định dùng rằm tháng Tám, ngày đại hội võ lâm, sẽ là ngày Long Võ Trang và bản Giáo thương thảo bản nghị hòa.

Long Võ Minh Chủ đưa ra lời quyết định:

‒ Chiến hay hòa không phải do một mình bản tòa quyết định. Vì nó có liên quan đến cả võ lâm Trời Nam nên phải do tất cả các bang phái quyết định.

Ông nhìn cử tọa một lượt rồi nói tiếp:

‒ Bản tòa muốn biết được ý kiến của Tạ Tổng Đường và các vị Đường Chủ. Nhưng sau đó mỗi bang phái cần phải nói chuyện riêng với nhau rồi mới có thể quyết định chung. Đây là sự việc quan trọng nên ta không thể quyết định một cách vội vã được.

Nghe Long Võ Minh Chủ nói vậy, bốn vị cung chủ nhìn nhau gật đầu tỏ ý đã thành công. Trần Triệu Quốc Nguyệt vẫn giữ im lặng và khẽ mỉm cười không nói. Điều này không thoát khỏi sự để ý của những vị đường chủ khác. Tạ Đức Uy ngạc nhiên nghĩ thầm: “Con bé Trần Triệu Quốc Nguyệt ngày thường dễ gì giữ im lặng, thái độ dửng dưng như hôm nay. Có lẽ nó sợ ma giáo cũng nên.” Nghĩ rồi, lão dõng dạc tuyên bố với cử tọa:

‒ Ý kiến của lão phu thì giữa ma giáo và Long Võ Trang chỉ có chữ đánh, không có chữ hòa. Các vị đừng để món lợi trước mắt che đi sứ mạng và trách nhiệm của chúng ta.

Mai Nhật Sinh cùng một ý nghĩ:

‒ Phái Việt Thành của lão phu chỉ có một tông chỉ: Đánh mạnh giúp yếu, gặp ác diệt ác, nêu cao ngọn cờ chính nghĩa và thắp sáng cái gương đức độ.

Nghe Mai Nhật Sinh nói câu đó, Trần Triệu Quốc Nguyệt không nhịn được, ho lên vài tiếng. Nàng nói bâng quơ:

‒ Từ chiều đến giờ chưa ăn, chưa uống nên bị khô cổ muốn ho.

Nàng nói xong nhìn ra ngoài cười cười mặc cho Mai Nhật Sinh nhìn nàng giận dữ. Nùng Đức Nghĩa phụ họa theo ý của Tạ Đức Uy và Mai Nhật Sinh:

‒ Chính nghĩa không thể cho bị lung lay trước món lợi nhỏ của ma giáo. Phái Tây Vu cũng như phái Việt Thành.

Ngô Diệp Thảo đại diện phái Sài Sơn lên tiếng:

‒ Thảo này đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định: Y Dược Đường và phái Sài Sơn chủ chiến.

Tất cả cử tọa cùng giật mình. Bốn vị cung chủ Vạn Hoa Giáo Nhìn nhau e ngại. Ai cũng tưởng phái Sài Sơn dưới quyền các thầy thuốc sẽ chủ hòa. Tuy nói ra lời ấy nhưng Ngô Diệp Thảo buồn bã, bà nghĩ thầm: “Bây giờ đánh nhau còn hơn sau này đánh nhau.”

Đến lượt Luyện Võ Đường Chủ Hồng Sơn Nam của phái Hồng Lĩnh và Bảo Trang Đường Chủ Phạm Hoàng Sơn của phái Tản Viên cũng chủ chiến. Phe chủ chiến đã có đến năm trong mười Đường của Long Võ Trang. Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí của phái Đông A và Long Võ Đường Chủ Lê Kính Văn của Long Võ Trang cũng theo phe chủ chiến mặc dù cả hai cùng nói là vạn bất đắc dĩ lắm mới phải quyết định như vậy. Chỉ có Hoằng Giáo Đường Chủ hòa thượng Huệ Giác của phái Tiêu Sơn và Pháp Hình Đường Chủ sư bà Mẫn Diệu của phái Mê Linh là chủ hòa. Điều này ai cũng hiểu và chấp nhận vì cả hai phái đều theo Phật Giáo. Trần Triệu Quốc Nguyệt đợi mọi người đóng góp ý kiến xong nàng mới lên tiếng khiến cho Mai Nhật Sinh cùng Nùng Đức Nghĩa tỏ ý khinh thường: “Cũng là chủ chiến mà bầy đặt lên mặt hoạnh họe.” Nàng nhìn mọi người một lượt:

‒ Giao Long Bang của tôi dễ lắm. Đánh cũng được, hòa cũng được.

Mọi người nhao nhao lên:

‒ Vậy là đánh hay hòa?

‒ Nói ra đi còn làm bộ làm tịch.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn Cao Hoàng Cúc rồi nói:

‒ Quyết định thì quyết định. Giao Long Bang chủ hòa!

Mọi người ngạc nhiên. Tạ Đức Uy không nén được sự hiếu kỳ nên hỏi:

‒ Ngày thường mi tự phụ Giao Long Bang của minh tài ba siêu việt sao bây giờ lại sợ co đầu làm con rắn đất mà không dám đánh với ma giáo? Ai cũng đánh chỉ có mình mi hòa? Mi sợ à?

Nàng dửng dưng trước lời châm chọc của Tạ Đức Uy:

‒ Người ta muốn hòa mà mình đòi đánh thì còn ra cái gì nữa?

Lập tức nhiều tiếng phản đối. Hồng Sơn Nam tỏ ý khinh bỉ:

‒ Giao Long Bang hèn nhát không dám đánh ma giáo. Một lũ ăn hại.

Đường Chủ Long Võ Đường Lê Kính Văn có lời lẽ từ tốn hơn vì ông mong Trần Triệu Quốc Nguyệt đổi ý:

‒ Đường Chủ nên suy nghĩ kỹ. Khi vào Long Võ Trang các phái tuyên thệ phải giúp đỡ lẫn nhau khi có đại sự võ lâm. Nay có nạn ma giáo mà Giao Long Bang đòi rút lui làm sao được?

Nùng Đức Nghĩa khinh khi ra mặt:

‒ Vậy mà tự cho mình tài cán hơn người. Khi có chuyện chưa đánh đã hàng.

Mai Nhật Sinh vốn không thích nàng, lên tiếng phụ họa:

‒ Có cơ hội mà không dám trổ tài, có tiếng mà không có miếng.

Nùng Đức Nghĩa tiếp lời:

‒ Chó sủa chó không cắn.

Phi Mã Đường Chủ Trần Hải Chí giao hảo với Trần Triệu Quốc Nguyệt rất tốt nên khuyên:

‒ Giao Long Bang không thể từ chối trọng trách. Các phái kia chủ chiến, theo tại hạ nghĩ, Đường Chủ nên thuận lời theo, nêu cao ngọn cờ chính nghĩa.

Trần Triệu Quốc Nguyệt hít một hơi, nhìn những người xung quanh:

‒ Tôi vì tương lai của Long Võ Trang và cả võ lâm Trời Nam nên mới chủ hòa theo lời của sứ giả Vạn Hoa Giáo.

Ngoài miệng nói thế nhưng trong lòng nàng nghĩ khác: “Tranh luận với mấy ông già này chán quá. Ma giáo đóng kịch sờ sờ ra đó mà nhìn không ra. Nếu có thành tâm họ đã không nghênh ngang khiêu chiến với các phái ở ngoài cổng bắc Minh Chủ Thành. Ma giáo chỉ đóng kịch, kéo dài thời gian và xem nội bộ của Long Võ Trang. Họ muốn hòa thì ta hòa. Hòa trong chuẩn bị vừa không mang tiếng vừa không mắc kế. Chiến kiểu các ông, vạch bụng cho người ta xem dấu thì không biết chết lúc nào. Hòa trong sự kiêu căng cũng chết không đất chôn. Giao Long Bang của tôi không thể ba mặt đánh nhau được nên phải hòa. Long Võ Trang hòa thì lão hồ ly ở Bạch Long Vỹ không dám làm ẩu, Đông Hải Long Vương không dám dòm ngó Phương Nam và ma giáo nhất thời chưa dám sinh chuyện. Một đòi đánh, hai đòi đánh. Đánh kiểu các ông, thua chết đã đành mà thắng cũng ngất ngư.”

Phe chủ chiến có đến bảy người trong khi đó Tạ Đức Uy muốn có thêm Giao Long Bang nữa, như vậy mới bày tỏ được sức mạnh và sự thống nhất. Nhưng Trần Triệu Quốc Nguyệt chủ hòa làm lão hết sức thất vọng. Long Võ Minh Chủ nói với bốn người sứ giả của ma giáo:

‒ Tuy là tạm thời Long Võ Trang quyết định vậy nhưng vẫn chừa cho quý giáo một con đường. Tại đại hội võ lâm Long Võ Trang sẽ quyết định rõ ràng sau khi tham vấn với bậc tiền bối của các phái. Nếu quý giáo có thành tâm, trong thời gian tới sẽ không làm chuyện gì để gieo sự nghi ngờ. Đến hôm ấy số phận của quý giáo cả võ lâm Nam Thiên sẽ quyết định.

Ông chỉ hai miếng bảo ngọc quý giá:

‒ Lễ vật của quý giáo thì quý giáo giữ lấy, Long Võ Trang không thể nhận quà rồi sau này lại tuyên chiến. Nếu là minh ước thì Long Võ Trang không thể lấy bảo vật của người. Nếu là chiến tranh thì bảo vật đó sẽ thuộc về Long Võ Trang. Quý giáo đem về và ráng giữ gìn cho tốt.

Phạm Trúc Đào im lặng nhìn ba vị cung chủ kia. Dương Bảo Hồng và Hà Huyền Cẩm Liên tiếp lấy hai viên ngọc từ Tạ Đức Uy. Trần Triệu Quốc Nguyệt nghe Long Võ Minh Chủ nói mà cảm thấy vui vẻ trong lòng: “Xử sự như Minh Chủ có phải vẹn toàn không. Đánh mà không đánh, hòa mà không hòa. Mình phải ở thế chủ động như vậy mới mong kẻ địch ngoan ngoãn không dám làm bậy.” Phạm Trúc Đào cung kính nói với Long Võ Minh Chủ:

‒ Thật hư thế nào sau này Minh Chủ sẽ rõ. Việc thứ nhất coi như xong, việc thứ hai bản Giáo xin được Long Võ Trang thả tù binh của bản Giáo về. Bản giáo và Long Võ Trang sẽ trao đổi tù binh.

Quần hùng rúng động. Long Võ Trang cầm tù hơn trăm giáo chúng của Vạn Hoa Giáo ai cũng biết. Nhưng nghe Vạn Hoa Giáo cầm tù người của Long Võ Trang khiến mọi người ngạc nhiên. Trần Triệu Quốc Nguyệt hỏi thẳng Phạm Trúc Đào:

‒ Trong số ấy có mấy người ở Quỳnh Nhai, mấy người là thuộc hạ của Giao Long Bang?

Phạm Trúc Đào cũng thẳng thắn:

‒ Có gần hai mươi người là thuộc hạ của Giao Long Bang. Bọn ấy theo dõi hành tung của bản Giáo, đáng lẽ bị giết nhưng vì muốn trao đổi tù binh nên giữ lại. Số còn lại hơn trăm người nữa thuộc Quỳnh Nhai. Bang Chủ vừa nghe nói đã biết được nguồn gốc, đáng khen thay.

Trần Triệu Quốc Nguyệt khẩn cầu vớ Minh Chủ:

‒ Quỳnh Nhai bị mất từ lâu nhưng ta không biết. Do đó mà ta nhận sai tin tức nên ma giáo mới vào được Long Võ Trang. Sự việc dù sao đã lỡ rồi, tôi xin Minh Chủ tha tội cho họ. Còn thuộc hạ của Giao Long Bang, tôi cầu mong Minh Chủ thi ân cứu lấy tính mạng họ, Giao Long Bang sẽ không quên ơn.

Các vị đường chủ khác thấy Trần Triệu Quốc Nguyệt năn nỉ Minh Chủ tha tội và cứu giúp thuộc hạ thì không khỏi ngạc nhiên. Nàng vì thuộc hạ của nàng đã đành, nhưng Quỳnh Nhai là một phân đàn của Long Võ Trang, thuộc hạ của Long Võ Đường, dưới quyền của Khoái Phiến Lang Quân Lê Kính Văn. Lê chưa cầu xin thì nàng đã mở lời trước làm Lê Kính Văn khó nói khác và sau này cũng khó trách phạt thuộc hạ. Bất đắc dĩ Lê Kính Văn cũng xin Long Võ Minh Chủ tha tội:

‒ Võ công của ma giáo vô cùng cao siêu, Long Võ Trang còn bị đánh bất ngờ thì Quỳnh Nhai không giữ được. Kính mong Minh Chủ đừng trách phạt bọn họ và cho chúng cơ hội chuộc tội.

Long Võ Minh Chủ điềm nhiên hỏi Phạm Trúc Đào:

‒ Xin Đào Cung Chủ nói rõ hơn.

‒ Thưa Minh Chủ không có gì khó. Long Võ Trang thả những người kia ra, bốn chị em tiểu nữ sẽ đem họ về với bản Giáo. Người của Long Võ Trang sẽ được thả ra. Chỉ cần Minh Chủ chấp nhận, bản Giáo sẽ thả người ra trước.

Long Võ Minh Chủ hỏi ý kiến cử tọa:

‒ Bản tòa xin các vị cho biết ý kiến.

Tạ Đức Uy cực lực phản đối:

‒ Minh Chủ! Thuộc hạ mong Minh Chủ suy nghĩ kỹ lại. Phải khó khăn lắm chúng ta mới có tù binh của ma giáo trong tay. Những bí mật của ma giáo còn nhiều chúng ta chưa biết hết được. Thuộc hạ cho rằng chúng ta phải hy sinh cái nhỏ nhoi trước mắt để được cái lợi lớn sau này. Chiến hay hòa giữa ta với ma giáo, biết được yếu điểm của họ là một lợi điểm rất lớn cho Long Võ Trang. Xưa nay chiến tranh phải chấp nhận hy sinh. Làm việc thất bại tất phải chịu bị sự trừng phạt. Nếu luật của Long Võ Trang không rõ, lệnh của Minh Chủ không nghiêm thì làm sao có thể thống lĩnh cả võ lâm Nam Thiên?

Trần Triệu Quốc Nguyệt nghe Tạ Đức Uy tâu liền phản bác:

‒ Sao Tạ Tổng Đường có thể nói ra những lời nói đó? Nếu cứ hy sinh như Tạ Tổng Đường đề nghị thì sau này còn ai nghe, ai theo mình nữa? Muốn cho kẻ dưới trung thành thì phải biết thương yêu và che chở cho họ. Muốn cho người ta đem thân lăn xả ra hy sinh cho mình thì mình quyết không thể lạm dụng mạng sống một cách bừa bãi. Lại càng không thể để cho họ hy sinh oan uổng.

Tạ Đức Uy gay gắt:

‒ Bây giờ mi còn dám lên tiếng dạy dỗ lão phu? Mệnh lệnh không nghiêm thì làm sao chỉ huy? Có tội không phạt làm sao giữ được giềng mối? Có luật không theo sẽ loạn. Mi cai trị Giao Long Bang làm sao mặc kệ mi, nhưng Long Võ Trang phải làm gương cho cả võ lâm. Thuộc hạ của Long Võ Trang có tội không trị, sau này đệ tử các bang phái có tội làm sao trừng phạt?

Đệ tử phái Việt Thành ở Long Võ Trang dưới quyền Mai Nhật Sinh mấy hôm trước bị phạt nên lão còn ấm ức. Lão nhân cơ hội này tấn công Trần Triệu Quốc Nguyệt:

‒ Mới vừa rồi Trần Triệu Đường Chủ một điều, hai điều bắt thuộc hạ các nơi ăn đòn thay cơm. Hôm nay trời trở gió phương nào làm Đường Chủ đổi ý? Trước sau không đồng còn muốn làm việc lớn sao được?

Trần Triệu Quốc Nguyệt nhếch miệng cười lạnh mỉa mai:

‒ Hai việc khác nhau mà cũng không nhìn ra, việc lớn không thành việc nhỏ cũng hỏng.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nói xong câu ấy tự biết đã nói quá lời. Mai Nhật Sinh vô cùng tức giận. Cũng may trước mặt Long Võ Minh Chủ lão còn kềm chế được cơn giận, nếu không giữa hai người đã ra tay đánh nhau. Trần Triệu Quốc Nguyệt nói thêm:

‒ Ý tôi không nên phạt. Các vị muốn phạt thì tùy. Quyết định của số đông là quyết định chung.

Mai Nhật Sinh thấy nàng lập tức nhường nhịn, trong lòng có vơi đi phần nào giận dữ. Lão suy nghĩ: “Chắc là hôm nọ ăn mấy côn còn nhớ nên hôm nay nhanh chóng rút lui. Rõ ràng nhóc con ngu si đần độn đáng ghét.”

Riêng Trần Triệu Quốc Nguyệt thì suy tính: “Thuộc hạ các phái trong Long Võ Trang không theo phép nước lệ làng, chểnh mảng công việc nên bị phạt là đúng. Quỳnh Nhai bé bằng hạt vừng, không thể cầm cự với ma giáo. Tạ Tổng Đường không xem trọng Quỳnh Nhai nên Quỳnh Nhai mới bị mất. Bọn họ bị bắt làm tù binh. Xét ra ta phần nào khoan dung để an lòng kẻ dưới mới đúng. Lý sự với mấy lão này đúng là đàn gảy tai trâu, nước đổ đầu vịt. Mấy lão muốn phạt, thôi thì cứ phạt. Mình nói lý một hồi nữa không chừng mông đít lại nở hoa. Rõ giận.” Đến lúc đó có người bên ngoài vào báo cáo:

‒ Xin bẩm lên Minh Chủ, Tạ Tổng Đường Chủ và các vị Đường Chủ rõ. Ngoài cổng bắc Long Võ Trang có hơn một trăm người mới từ Khánh Thịnh đến. Một ít là thuộc hạ của Giao Long Bang, phần đông là người của Quỳnh Nhai.

Người kia lui ra ngoài, cả sảnh đường rúng động. Phạm Trúc Đào nói với Long Võ Minh Chủ cùng quần hùng:

‒ Chúng tôi bày tỏ lòng thành bằng cách thả tù binh ra trước. Tiểu nữ chỉ xin Minh Chủ xót thương giáo chúng của bản Giáo mà thả họ ra.

Cô nói xong, có nhiều lời bàn tán xôn xao không ngớt. Phạm Trúc Đào nói với Tạ Đức Uy

‒ Tạ Tổng Đường muốn biết thêm chi tiết về tệ giáo sao không hỏi những người nào có địa vị? Hỏi người thấp quá thì tin tức thu thập được liệu có giúp ích được nhiều không?

Tạ Đức Uy ngẩn người. Lời nói của Phạm Trúc Đào tuy có lý nhưng làm sao có thể thực hiện được. Lão còn đang nghĩ ngợi chưa biết phải nói sao thì Phạm Trúc Đào tiếp:

‒ Nếu mục đích của quý vị bắt giữ tù binh là để tìm hiểu thêm về bản giáo; sau khi biết rồi quý vị có chịu trả người hay không?

Tạ Đức Uy lập tức hét vang:

‒ Không trả! Tất nhiên không giao ra. Làm như vậy có khác nào thả cọp về rừng?

‒ Vậy là Tạ Tổng Đường không chấp nhận trao đổi tù binh? Xin cho quý vị được biết, số người Long Võ Trang bị bản Giáo bắt giữ nhiều hơn số giáo chúng bị bắt. Bản giáo nhún nhường chịu thiệt thòi một chút để trao đổi. Quý vị có lợi sao lại từ chối?

Lý Minh Lương vốn trầm tính ít nói, bây giờ mới lên tiếng hỏi tỏ ý nghi ngờ:

‒ Trên đời này làm gì có chuyện dễ như vậy được? Làm gì có kẻ thù dọn mâm cỗ cho hưởng mà không có quỷ kế kèm theo? Thật sự mục đích của các vị đến đây là vì cái gì?

Hà Huyền Cẩm Liên trả lời thế Phạm Trúc Đào:

‒ Chúng tôi có nói qua. Mục đích chúng tôi đến đây là báo cho biết về việc đổi tên, cầu hòa và trao đổi tù binh. Bí mật của bản Giáo vốn không có, các vị muốn hỏi vấn đề gì liên quan đến bản giáo thì các vị cứ hỏi, cứ coi như chúng tôi bị các vị bắt nhốt và hỏi cung vậy.

Lý Minh Lương ngẩn người. Chàng thận trọng trong mọi công việc nên khó lòng tin những gì Hà Huyền Cẩm Liên vừa nói. Hồng Sơn Nam cắc cớ hỏi:

‒ Tại sao Đào Thiên Hương tuổi đã một trăm mà nhìn như thiếu nữ mười sáu?

Dương Bảo Hồng bịt miệng cười như những người khác nhưng cô cũng trả lời:

‒ Chị em tiểu nữ học võ từ hộ giáo Hồ Nguyên Hoa. Hộ Giáo không biết cách giữ nhan sắc nên chị em tiểu nữ cũng không biết. Luyện Võ Đường Chủ muốn trẻ mãi thì đến gặp Giáo Chủ mà bái sư.

Lý Minh Thần cũng hỏi:

‒ Quý giáo lập tổng đàn ở đâu?

Cao Hoàng Cúc cung tay trả lời:

‒ Vẫn là thượng nguồn sông Đào Giang, thuộc động Dã Năng xưa kia.

Nùng Đức Nghĩa muốn biết về cái chết của Thân Cảnh Thanh và Nùng Trí Lộc của phái Tây Vu:

‒ Có phải Lạc Diệp Kiếm Khách và đệ tử cũng như hòa thượng Giác Trí của phái Tiêu Sơn do ma giáo các ngươi giết? Lão phu lấy làm lạ tại sao có sự trùng hợp lạ lùng. Buổi sáng hòa thượng Giác Trí bị hại, buổi chiều các ngươi đến Long Võ Trang làm loạn.

Hà Huyền Cẩm Liên trả lời:

‒ Chỉ là trùng hợp, bốn chị em chúng tôi không có giết.

‒ Làm sao tin được?

‒ Đột nhập Long Võ Trang để cứu Giáo Chủ chị em tiểu nữ còn dám làm thì còn sợ gì hai phái Tây Vu và Tiêu Sơn mà lại chối? Chị em tiểu nữ đến đây để cầu hòa, không phải giết người.

Ngô Diệp Thảo hỏi:

‒ Sức khỏe của giáo chủ quý giáo thế nào?

‒ Dạ khá tốt, cám ơn đại phu quan hoài.

Ngô Diệp Thảo nhìn thẳng vào mắt Hà Huyền Cẩm Liên hỏi:

‒ Có thật sự là tốt?

Hà Huyền Cẩm Liên không tránh ánh mắt soi mói của Ngọc Thủ Đại Phu:

‒ Giáo Chủ vẫn sống tốt lành, chị em tiểu nữ vẫn hướng về Người.

Lê Kính Văn chất vấn:

‒ Bằng cách nào mà quý giáo có thể bắt được đám thuộc hạ của tệ Trang?

Cao Hoàng Cúc hãnh diện:

‒ Long Võ Trang còn ra vào dễ dàng nữa là Quỳnh Nhai to bằng hạt vừng.

Trần Triệu Quốc Nguyệt đã suy nghĩ nhiều ngày vẫn không biết làm Vạn Hoa Giáo có thể qua mắt nàng mà đột nhập Long Võ Trang vào rằm tháng trước, nàng hỏi:

‒ Cả con sông Đáy Giao Long Bang canh chừng rất kỹ mà sao quý giáo có thể ẩn núp để thừa cơ?

Cao Hoàng Cúc nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt, ánh mắt ngời ngời:

‒ Đây là bí mật của bản Giáo. Chuyện qua rồi chúng tôi nói ra cũng không sao. Một khi Quỳnh Nhai rơi vào tay chúng tôi thì các vị đã thua trận.

Trần Triệu Quốc Nguyệt vỡ lẽ:

‒ Hèn gì tôi nghe thuộc hạ báo là thuyền của Quỳnh Nhai cứ xuôi ngược sông Đáy. Vì Quỳnh Nhai thuộc về Long Võ Đường nên Tế Tác Đường và Giao Long Bang không làm khó dễ hay kiểm soát thuyền.

Trần Hải Chí cũng biểu đồng tình với Trần Triệu Quốc Nguyệt:

‒ Bên kia sông Đáy là lộ Thiên Trường của phái Đông A tại hạ. Cũng như Giao Long Bang phái Đông A không có nghi ngờ đến các con thuyền của Quỳnh Nhai.

Hà Huyền Cẩm Liên nói thêm:

‒ Còn nữa. Chúng tôi biết không thể giao tranh với Giao Long Bang trên sông nên phải ẩn nấp ở hang Địch Lộng hạ nguồn sông Đáy rồi đợi đến ngày rằm đi đường bộ lẻn đến cổng nam Long Võ Trang. Nhưng khi rút chạy thì phải rút chạy ra cổng bắc, vượt sông Vạc, lên sông Đáy ở Khánh An để trở về bắc chứ không thể chạy về hang Địch Lộng. Do đó chúng tôi phải đánh úp Khánh An lẫn Khánh Thịnh.

‒ Nhưng ở hai nơi đó quý giáo chỉ thành công được một nửa.

‒ Đúng vậy, tuy bị phục kích nhưng Trương Quân giữ Khánh An rất vững, chúng tôi chỉ cướp được kho quân trang và phóng hỏa một vài nơi. Khánh Thịnh chúng tôi vất vả hơn vì võ công của Hồ Trường Giang Linh và Quách Lăng đều cao hơn chúng tôi tưởng.

‒ Thuộc hạ bản Bang dường như các vị biết rất rõ.

Cao Hoàng Cúc trả lời:

‒ Biết người biết ta trăm trận không thua. Điều chúng tôi biết về Long Võ Trang còn nhiều hơn thế nữa.

Dương Bảo Hồng nói tiếp:

‒ Kế hoạch ban đầu là chiếm Khánh Thịnh, Khánh An để lấy thuyền của Giao Long Bang mà thoát. Chúng tôi còn định cướp luôn chiếc thuyền Thương Hải Minh Nguyệt của Tam Bang Chủ để cho Giáo Chủ sử dụng. Nhưng khi mới giao tranh thì có một người to lớn vạm vỡ bên Giao Long Bang cho chiếc thuyền đi ra giữa sông Đáy và neo ở đấy. Vì không cướp được thuyền chúng tôi chỉ có thể vượt sông và đi đường bộ về tổng đàn.

Nghe Hà Huyền Cẩm Liên kể Trần Triệu Quốc Nguyệt biết là Đàm Siêu đã bảo vệ chiếc thuyền của nàng. Nàng khẽ mỉm cười. Cả quần hùng Long Võ Trang bật ngửa ra vì cung chủ Vạn Hoa Giáo dám nói ra sự thật. Một sự thật phũ phàng.

Từ đầu đến giờ Phạm Hoàng Sơn nói rất ít, bây giờ ông nêu nghi vấn:

‒ Trên đường rút lui của quý giáo đi ngang qua chân núi Tản Viên. Thế tại sao có thể đi qua trót lọt mà không xảy ra giao tranh? Minh Chủ tha cho các vị ở Long Võ Trang, đâu có đưa lệnh bài miễn chết đi khắp nơi.

Phạm Trúc Đào tủm tỉm cười dưới lớp khăn che mặt:

‒ Tất nhiên chúng tôi vẫn dùng lệnh phù của Quỳnh Nhai. Đệ tử của phái Tản Viên rất kinh ngạc nhưng không biết bản giáo tái lập nên đứng nhìn chuyện tốt.

Phạm Hoàng Sơn vỡ lẽ. Ông khẽ thở dài. Lòng hận thù đối với ma giáo càng thêm sâu sắc. Phạm Trúc Đào không nói rõ nhưng tổng đàn phái Tản Viên có báo cho ông rằng: Vào lúc ấy, trên dưới phái Tản Viên không ai biết nên còn cho đệ tử giúp lương thực và di chuyển ở các đoạn gồ ghề. Cũng vì quá tin vào lệnh phù của Quỳnh Nhai mà ra. Vạn Hoa Giáo không nói ra nhưng ông vẩn thấy bẽ mặt và xấu hổ. Phạm Trúc Đào hướng Long Võ Minh Chủ chấp tay vái:

‒ Tất cả những gì Long Võ Trang muốn biết chị em tiểu nữ đã nói hết. Bản Giáo cũng đã thả tù binh ra, kính mong Minh Chủ rộng lượng tha cho giáo chúng của bản giáo.

Tạ Đức Uy vội can:

‒ Chúng ta không thể thả cọp về rừng, thưa Minh Chủ.

Hai người con trai của Long Võ Minh Chủ cùng một ý nghĩ:

‒ Tạ Tổng Đường Chủ nói đúng, chúng ta không thể thả người.

Trần Triệu Quốc Nguyệt lại nghĩ khác:

‒ Thưa Minh Chủ, dù đối với kẻ địch ta không thể hẹp hòi, làm mất đi cái võ đạo của chính phái. Theo tôi nghĩ chúng ta nuôi cơm bọn họ không có ích gì.

Tạ Đức Uy tức giận mắng:

‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt sao mi cứ bênh vực người ngoài?

‒ Tôi không có. Theo tôi, sức lực của họ không đáng kể. Không lẽ Long Võ Trang, Nam Thiên Đệ Nhất Trang, mà sợ trăm giáo chúng? Việc này đồn ra ngoài thiên hạ sẽ cười nhạo chúng ta đến rụng răng. Tôi không biết các vị thì sao chứ riêng tôi, Ma Giáo vạn người tôi còn không sợ nữa là một trăm.

Nghe nàng nói khích, Lê Kính Văn cũng phụ họa theo:

‒ Trần Triệu Đường Chủ nói đúng. Con số hơn trăm thật sự không nhiều. Chúng ta lỡ chịu ân huệ thì nên thành toàn.

Ngô Diệp Thảo hỏi Phạm Trúc Đào:

‒ Thảo này muốn biết trong đồ ăn của quý giáo có pha thuốc gì?

Phạm Trúc Đào nheo mắt:

‒ Bí mật của bản Giáo, tiểu nữ không thể nói cho Ngọc Thủ Đại Phu biết. Nhưng Đại Phu đã hỏi thì tiểu nữ chỉ có thể nói qua loa: trong đồ ăn có trộn thuốc kích thích. Đột nhập Long Võ Trang chúng tôi phải có chuẩn bị. Còn thuốc được bào chế ra sao Đại Phu cứ ráng mà suy nghĩ, tiểu nữ có chết cũng không nói.

Ngô Diệp Thảo gật đầu:

‒ Như vậy được rồi. Cám ơn Đào Cung Chủ thành thật.

Bà hướng về Long Võ Minh Chủ cung tay:

‒ Thảo này nghĩ rằng bốn vị cung chủ đến đây với thành tâm, mong Minh Chủ lượng xét.

Trần Hải Chí, đại sư Huệ Giác và sư bà Mẫn Diệu và Phạm Hoàng Sơn cũng tán thành việc Long Võ Trang thả tù binh. Long Võ Minh Chủ quyết định:

‒ Bản tòa nghĩ rằng Long Võ Trang với ma giáo vốn không đứng chung, do đó không thể chịu ân huệ của ma giáo. Vì vậy bản tòa quyết định thả tù binh và thả ngay lập tức. Bản tòa nhờ Y Dược Đường và Tế Tác Đường phụ trách việc này.

Bốn vị cung chủ của Vạn Hoa Giáo đồng quỳ xuống:

‒ Đa tạ Minh Chủ đã rộng lượng bao dung.

Ngô Diệp Thảo cùng Trần Triệu Quốc Nguyệt cung tay:

‒ Xin tuân lệnh Minh Chủ.

Long Võ Minh Chủ nhìn cử tọa một lượt:

‒ Nếu không còn việc gì nữa thì bản tòa quyết định giải tán, ai lo việc nấy.

Tất cả người Long Võ Trang có mặt đồng thanh hô lớn:

‒ Tuân lệnh Minh Chủ.

‒ Thuộc hạ của Tế Tác Đường sẽ do Tế Tác Đường Chủ xử lý. Người của Quỳnh Nhai tạm thời đem vào Long Võ Đường cho ăn uống tử tế, vài ngày sau chúng ta sẽ quyết định hình phạt như thế nào.

‒ Tuân lệnh Minh Chủ.

————————

Ghi chú:

(1) Tôi dựa vào truyền thuyết Ông Đùng Bà Đùng và dãy núi Hồng Lĩnh để đặt tên môn phái và võ công.

(2) Thời nhà Lý chức tể tướng còn gọi là bộc xạ.

(3) Họ Khúc dấy nghiệp ở Giao Châu năm 905 sau Công Nguyên.

(4) Thiên hoa có hai nghĩa. Nghĩa đen là hoa trời, nghĩa bóng là bệnh đậu mùa. Nhưng Thiên Hoa Giáo ở đây có nghĩa là ngàn hoa. Long Võ Trang vì ghét nên mới gọi là hoa trời.