Chính Khí Trời Nam

Chương 06: Thiên Hoa Giáo Chủ Tung Hoành Thiên Hạ



Chiều ngày 16 Trần Triệu Quốc Nguyệt lệnh cho thuộc hạ hội họp ở bến đò Khánh Thịnh trên sông Vạc để phân chia các công việc lớn nhỏ của Tế Tác Đường cũng như Giao Long Bang. Nàng và Triệu Hòa Vinh đến gian nhà chính. Bên trong có một nam, một nữ bị trói và quỳ gối. Nam thì tuổi gần sáu mươi, đầu nhẵn thín và thân thể mập mạp. Còn nữ tuổi gần đôi mươi, môi hồng mắt sáng, dáng người xinh đẹp. Xung quanh hai người là đám thuộc hạ trên hai mươi gồm đội trưởng, đội phó cũng quỳ theo. Khi thấy Trần Triệu Quốc Nguyệt đến thì cả hai cùng thưa lớn:

‒ Thuộc hạ Trương Quân, Hồ Trường Giang Linh và thuộc hạ xin chịu phạt với Bang Chủ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt biết tại sao hai người làm như vậy nên vội vàng chạy đến cởi trói. Nàng cởi trói cho Hồ Trường Giang Linh còn Triệu Hòa Vinh cởi trói cho Trương Quân. Nàng ôn tồn hỏi:

‒ Trương thống lĩnh và Giang Linh, hai người tội gì mà phải làm vậy? Hai người hãy mau đứng lên.

Trương Quân vẫn quỳ gối, ngơ ngác:

‒ Thưa Bang Chủ, tối qua thuộc hạ không làm tròn nhiệm vụ, để cho địch nhân cướp đi chiến thuyền cùng kho vật dụng, tự lấy làm hổ thẹn nên đã dâng thư chịu tội. Nay xin lãnh tội.

Lão quay sang một người đội trưởng mắng:

‒ Thằng Cung, tối qua ta bảo mi đem thư đến tận tay Bang Chủ hoặc Triệu, Đinh thống lĩnh, ngươi làm việc vậy à?

Người thuộc hạ có tên là Cung hốt hoảng, lạy như tế sao phân trần:

‒ Thuộc hạ đích thân trao thư cho Triệu thống lĩnh, xin Bang Chủ minh xét.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nói với Trương Quân, Hồ Trường Giang Linh, Trần Cung ba người:

‒ Bản tòa nhận được thư nhưng không biết tội của ba người.

Hồ Trường Giang Linh ngạc nhiên:

‒ Ô hay, trong thư thuộc hạ viết rõ ràng mà Bang Chủ.

Triệu Hòa Vinh trả lời thế:

‒ Bang Chủ cầm thư lên đốt ngay, có đọc đâu mà biết tội hai người? Này này ta bảo cho mà biết: Hai người có đứng lên ngay không hay là bắt ta phạt quỳ đến sáng mai?

Miệng nói thế nhưng đích thân hắn đỡ Trương Quân. Trần Triệu Quốc Nguyệt đỡ Hồ Trường Giang Linh đứng lên rồi ôm Giang Linh vào lòng và nói:

‒ Em của chị dễ thương lại tài giỏi, thương không hết ai lại trách phạt bao giờ?

Hồ Trường Giang Linh cảm động:

‒ Em xin cám ơn Bang Chủ tha tội.

‒ Chúng ta thua không phải là do thiếu sự đề phòng mà do ma giáo quá mạnh. Nhưng giữ cho thuộc hạ ít bị thương vong là điều đáng được khen thưởng. Chiến thuyền cùng vật dụng bị hư hại lần lần ta sửa lại, có sao.

Nàng cùng mọi người ngồi vào vị trí rồi nói thêm:

‒ Việc trước mắt là giải quyết tất cả những tử thi và định việc an táng cho những người hy sinh. Sau đó là tính đến việc sửa sang lại những nơi bị hư hại trong Tế Tác Đường, Khánh Thịnh, Khánh An và những con thuyền. Cuối cùng là việc người của Thần Nông Đường bị giết ở gần Khánh Thịnh. Trên đất của mình mà có người bị thảm sát, chúng ta không thể tránh được phần nào trách nhiệm.

Không như những môn phái khác, Giao Long Bang đem đến Long Võ Trang hơn một ngàn năm trăm thuộc hạ chia làm ba đạo. Tại Long Võ Trang lúc nào cũng có hai đạo do đích thân Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú chỉ huy. Đạo còn lại thì chia làm hai, hai trăm người ở Khánh Thịnh do Hồ Trường Giang Linh thống lĩnh và ba trăm thuộc hạ ở Khánh An dưới quyền của Trương Quân. Ngoài việc giữ gìn con đường từ Long Võ Trang ra sông Vạc, sông Đáy được an toàn, họ còn có nhiệm vụ tu bổ thuyền bè hư hại của Giao Long Bang và đồng thời cũng đóng thêm những chiếc mới.

Trương Quân và Hồ Trường Giang Linh đều được liệt kê là phó đường chủ của Tế Tác Đường, ngang với Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú. Ngoại trừ những lúc Trần Triệu Quốc Nguyệt cho nghị sự ở trong Tế Tác Đường lão Trương Quân mới đến, không thì lão ru rú ở Khánh An lo việc của Giao Long Bang. Còn Hồ Trường Giang Linh vẫn hay giúp việc của Tế Tác Đường và Long Võ Trang nên thường xuyên ra vào. Có khi ở lại cả mấy ngày liền.

Được ngồi vào bàn luận việc còn có thêm một thanh niên tuổi hai mươi ba tên Quách Lăng cùng vợ là Đinh Bạch Yến và em gái là Quách Uyên Linh. Đinh Bạch Yến là em ruột của Đinh Văn Tú, tuổi hơn hai mươi. Năm trước đây nàng được gả cho Quách Lăng. Hai vợ chồng ở dưới quyền Đinh Văn Tú. Quách Uyên Linh ở dưới quyền Hồ Trường Giang Linh. Vì Đinh Văn Tú vắng mặt nên Quách Lăng tạm thời thay thế. Phần đông thuộc hạ của Giao Long Bang ở chung với nhau từ nhỏ nên tình cảm giữa mọi người rất thân thiết. Họ nghị sự đến gần nửa đêm mới xong, mỗi người đều có trọng trách trên mình.

Bầu trời rạng ngày mười bảy xám xịt, lất phất mưa phùn. Trời mưa thì mặc trời mưa, mới sang canh năm mà tại cổng bắc Long Võ Trang đã ngựa xe tấp nập. Nhưng ngựa xe không phải do nhân sĩ võ lâm vãng lai mà do thuộc hạ của Giao Long Bang dùng để chở xác giáo chúng Thiên Ma Giáo ra sông Vạc. Triệu Hòa Vinh đứng ngoài cổng chỉ huy đám thuộc hạ. Từ trong cổng Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí và Tế Tác Đường Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt sóng bước đi ra. Nhìn đám thuộc hạ Giao Long Bang phối hợp nhịp nhàng làm việc, Phi Mã Đường Chủ tấm tắc khen ngợi:

‒ Đúng là dưới tay tướng giỏi không có quân hèn. Nhìn ở thuộc hạ thì biết tài của vị thủ lĩnh, tại hạ lại một phen khâm phục Giao Long Bang và Tế Tác Đường Chủ. Phái Đông A của tại hạ khó bề so sánh được.

Trần Triệu Quốc Nguyệt mỉm cười:

‒ Trần Đường Chủ quá lời đấy thôi. Nhưng ít ra Đường Chủ không cần phải lo ngại tôi bị chặt tay chứ?

Trần Hải Chí cười lớn:

‒ Lúc mới nghe nói tại hạ còn nghi ngờ. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lại lời Đường Chủ nói là “các vị đều có thể nghĩ ra được nếu ở vào vị trí của tôi,” nên tại hạ đoán được phần nào. Địa vị của Đường Chủ là người đứng thứ ba trong Giao Long Bang, mà Giao Long Bang là một bang phái hoạt động trên biển, ghe thuyền không thiếu. Từ đó mà tại hạ suy đoán Đường Chủ sẽ hải táng các tử thi của ma giáo.

‒ Xem ra chỉ có cách đó là vẹn toàn, phải không?

‒ Tất nhiên là vậy. Không quá ba ngày là xác chết bắt đầu hư thối, chẳng hay Đường Chủ có kịp hải táng hết hay không? Cần giúp đỡ việc gì Đường Chủ cứ nói, Giảng Văn Đường sẽ tận lực mà làm.

Tuy nói thế nhưng thuộc hạ Giảng Văn Đường đã bắt tay vào việc từ đêm hôm trước. Trần Triệu Quốc Nguyệt đã quyết định hải táng trước khi tụ tập thuộc hạ và được Giảng Văn Đường tận tình giúp sức. Xác chết từ các nơi được đưa đến cổng bắc Long Võ Trang. Từ cổng bắc Triệu Hòa Vinh chỉ huy việc đưa ra bến đò Khánh Thịnh. Ở Khánh Thịnh Hồ Trường Giang Linh cùng Quách Lăng, Đinh Bạch Yến và Quách Uyên Linh phân ra giáo chúng Thiên Hoa Giáo và thuộc hạ Giao Long Bang. Từ bến đò Khánh Thịnh trên sông Vạc, các chiếc thuyền xuôi theo dòng nước về hướng đông nam, đến Kim Đài thì nhập vào sông Đáy để ra biển. Xác chết của giáo chúng Thiên Hoa Giáo thì được hải táng, còn của Giao Long Bang thì chở thẳng về tổng đàn ở Tiên Yên để làm ma chay.

‒ Cũng nhờ phái Đông A và Giảng Văn Đường góp công rất nhiều trong việc sửa sang lại Long Võ Trang. Phái Đông A cũng đứng ra chịu phí tổn trong việc mua áo quan cho những người tử trận. Xin thay mặt Giao Long Bang, Quốc Nguyệt này đa tạ và gởi lời cảm tạ đến quý chưởng môn sư huynh.

Trần Hải Chí cũng dùng lễ đáp lại:

‒ Đây là việc chung thì cùng nhau gánh vác. Bang Chủ không cần quá khách sáo. Cũng nhờ quý Bang mà đệ tử bản phái được đưa về lộ Thiên Trường một cách nhanh chóng.

Ra ngoài cổng, Triệu Hòa Vinh thấy hai vị Đường Chủ liền đến chào:

‒ Tham kiến Giảng Văn Đường Chủ. Tham kiến Bang Chủ.

Trần Hải Chí mỉm cười:

‒ Một phen cực khổ cho Triệu huynh.

Triệu Hòa Vinh chưa kịp trả lời thì xa xa từ hướng thôn Đông Trên một tiếng nổ vang lên. Sau đó không lâu có khói đen mịt mù. Nhìn ngọn khói tỏa ra trong bầu trời buổi sáng, Triệu Hòa Vinh nói với Trần Triệu Quốc Nguyệt:

‒ Hình như nó nổ đúng giờ hơn cả canh gà gáy.

‒ Không biết Y Dược Đường làm cái gì mà có khói lên như vậy. Mỗi lần tôi hỏi Ngô Đại Phu thì Đại Phu mỉm cười không nói. Này Trần Đường Chủ, Đường Chủ có biết tại sao không?

Trần Hải Chí cũng kinh ngạc:

‒ A, không riêng Trần Triệu Đường Chủ mà chính tại hạ cũng không biết. Lạ một điều, có khói tất có lửa nhưng tại hạ không hề nghe đệ tử Y Dược Đường kêu to chữa cháy hay nói về việc cháy nhà.

‒ Thôi, việc của họ để họ lo.

Công việc kéo dài cho đến tối khuya mới tạm xong được một phần. Nhiều nơi ở các khu phía nam xác chết vẫn còn ngổn ngang. Thuộc hạ Tế Tác Đường luân phiên nhau làm việc suốt ngày suốt đêm không hề gián đoạn khiến những phân đường khác cũng phải nể phục. Không những vậy mà những chuyến xe từ Khánh Thịnh và Khánh An vẫn chở gỗ, tre đều đều vào phân phát cho các nơi.

Vài ngày hôm sau Đinh Văn Tú trở lại Long Võ Trang với một đội thuyền trên ba mươi chiếc chở đầy lúa gạo, vải vóc, gỗ cây và nhiều vật dụng khác từ tổng đàn Giao Long Bang. Ngoài ra còn đem theo một số tiền rất lớn dùng để trang trải những chi phí giúp Long Võ Trang mau chóng sửa sang.

~ oOo ~

Đường xá bắt đầu được quét dọn sạch sẽ, nhà mới được dựng lên và sự việc dần dần trở lại bình thường. Rạng ngày 26, khi mặt trời bắt đầu ló dạng phương đông thì trong Uy Long Các đã đông đủ mọi người. Đặc biệt lần này ngoài hai vị trưởng tử của Long Võ Minh Chủ ra còn có hai vị phu nhân của họ đứng hầu. Bàn ghế đã có đủ trà bánh, người cần có mặt cũng đã an tọa. Chỉ riêng có hai ghế còn bỏ trống. Đó là ghế của Tổng Đường Chủ Tạ Đức Uy và Tế Tác Đường Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt. Tất cả đều biết tại sao hai người đó chưa có mặt nhưng không ai dám khuyên họ.

Đầu giờ Thìn, Long Võ Minh Chủ Lý Minh Nghĩa cùng phu nhân là Đào Phương Trinh từ trong bước ra. Minh Chủ trang phục theo đúng phong cách của một vị chúa tể võ lâm: đội mão giát vàng ngọc, mình mặc trường bào may từ thứ lụa Thăng Long quý giá, lưng khoác trường bào thêu rồng trên mây ngũ sắc, hông đeo bảo kiếm, uy phong lẫm liệt. Phu nhân của ông áo lụa quần là sang trọng không kém chồng. Tất cả những người đứng lên cung tay:

‒ Tham kiến Minh Chủ và Phu Nhân.

‒ Chúng con xin vấn an Bố, Mẹ.

Long Võ Minh Chủ nhìn cử tọa gật đầu:

‒ Các vị không nên đa lễ. Mà này, tại sao bản tòa không thấy Tạ huynh và Trần Triệu Đường Chủ kia vậy?

Huệ Giác đại sư, người chưởng quản Hoằng Giáo Đường đạo cao đức trọng nhất đứng ra thay mặt các vị đường chủ trả lời:

‒ Nam mô Phật! Hai người họ mình mặc áo thô, tự trói và quỳ ở ngoài Uy Long Các từ đầu giờ Dần chờ Minh Chủ phát lạc.

Long Võ Minh Chủ thất kinh:

‒ Ấy! Sao các vị không ai báo tin cho bản tòa biết sớm chuyện này?

Không để ai trả lời, Minh Chủ điểm nhẹ một cái vọt ra ngoài êm như cơn gió thoảng.

Tạ Đức Uy và Trần Triệu Quốc Nguyệt hai người đang quỳ gối ở trong sân. Tạ Đức Uy quỳ gối, thanh kiếm lệnh hôm trước Long Võ Minh Chủ trao cho nằm trên một cái giá trước mặt lão. Trần Triệu Quốc Nguyệt quỳ sau lưng lão ta nửa trượng. Râu tóc của lão họ Tạ cơ hồ dựng ngược lên, hai mắt trợn trừng nhưng không gay gắt như thường ngày:

‒ Oắt con, ai bảo mi bắt chước lão phu ra đây quỳ gối thế này? Mi tưởng làm vậy là tránh được tội à?

Trần Triệu Quốc Nguyệt điềm đạm:

‒ Ông này có lạ không. Sao ông cứ tìm cách kiếm chuyện với tôi mãi, nghĩa là sao?

‒ Mi nói bậy bạ gì đó? Không lẽ lão phu hỏi mi vài câu cũng không được?

‒ Vậy cớ gì ông lại ra đây quỳ gối thế kia?

‒ Lão phu đang hỏi mi hay là mi đang tra vấn lão phu?

‒ Ông hỏi tôi được thì tôi hỏi ông được.

‒ Có tức chết lão phu hay không kia chứ. Ngay đến người nghĩa phụ của ngươi là cố bang chủ Giao Long Bang Trần Triệu Quốc Nam cũng không dám nói chuyện với lão phu với thái độ đó. Kẻ hậu bối gì mà hỗn hào, không phân tôn ti lớn nhỏ.

‒ Muốn kẻ khác phục mình thì mình phải tỏ ra người độ lượng. Muốn kẻ khác kính mình thì mình phải tỏ ra người khoan hòa. Từ lúc tôi đến đây tới bây giờ được ba năm. Hễ mỗi lần gặp mặt là bị ông mắng vang. Ông bảo tôi nhịn ông thì nhịn thế nào đây?

‒ Mi là kẻ hậu bối, kinh nghiệm giang hồ còn non nớt, sao có thể sánh với người khác? Trong Long Võ Trang, ngoài tam tiểu thư của Minh Chủ ra phỏng có mấy người mi lớn tuổi hơn? Ngoài mi ra, vị Đường Chủ trẻ tuổi nhất là Hắc Minh Thần Đao Trần Hải Chí cũng trên bốn mươi. Kẻ dưới phải kính trên thì kẻ trên mới nhường dưới, đó là đạo lý vậy. Mi lúc nào cũng tự ỷ vào tài nghệ thô thiển của mi, của Giao Long Bang, mà muốn vượt qua tất cả những người khác. Mi làm vậy khác nào ra mặt khiêu chiến với tất cả tám đại môn phái? Càng cao thì gió càng lay, càng cao danh vọng càng dầy gian nan, mi biết chưa? (1). Nếu khắp võ lâm đều là cừu thù thì mi liệu Giao Long Bang chống chọi được bao lâu?

‒ Vậy chứ ông còn nhớ sự việc khi Giao Long Bang được vào Long Võ Trang hay không?

‒ Chuyện đó thì làm sao?

‒ Giao Long Bang là bang phái đầu tiên và duy nhất trong hơn hai mươi lăm năm hội đủ tất cả các điều kiện của Long Võ Trang đưa ra. Tôi làm Tế Tác Đường Chủ một cách danh chính ngôn thuận. Thế nhưng trên từ ông xuống cho đến những người hầu kẻ ở trong Long Võ Trang không coi Giao Long Bang ra cái gì. Nếu ông ở vị trí của tôi ông sẽ giải quyết ra sao? Có phải ông sẽ tìm đủ mọi cách để chứng tỏ với mọi người là ông đủ tài trí để gánh vác trọng trách? Huệ Giác đại sư và Mẫn Diệu sư bà là người tu hành nên không để vòng danh lợi trong mắt. Trần, Ngô hai vị Đường Chủ được môn phái đổi đến gần đây nên không có sự khinh trọng khi giao tế. Tất cả những người còn lại, ngoài Minh Chủ ra, có ai xem trọng Giao Long Bang. Những điều này ông là Tổng Đường Chủ lẽ nào không nhìn ra?

‒ Xem trọng, xem trọng. Mi chỉ biết người ta có xem trọng mi hay không trong khi đó mi chẳng để ai trong mắt mặc dù những người đó đáng bậc cha ông của mi. Đành rằng mi nói đúng phần nào nhưng dù sao đi nữa mi cũng phải nên nhũn nhặn trước các vị trưởng bối. Mi nên nhớ Giao Long Bang không có chiến công như những môn phái khác.

‒ Không có chiến công thì càng phải ráng lập chiến công. Nhũn nhặn? Tôi chỉ biết tất cả những điều kiện Long Võ Trang đưa ra, chúng tôi đáp ứng được là dựa vào tài trí chứ không phải do cái lưng cong hay thẳng.

‒ Tức, có tức quá không kia chứ. Người xưa có nói: làm vua mà ỷ tài thì vua sẽ mất nước, làm quan mà ỷ tài thì quan sẽ mất chức. Tài đức phải song song. Lão phu tự nhận mình so với Minh Chủ còn kém rất nhiều về đức độ, nhưng mi, mi còn trẻ mà cứ ỷ vào tài nghệ, xem thường trưởng bối, phóng mắt nhìn võ lâm như chỗ không người thì mai hậu các chị em mi và Giao Long Bang sóng gió không ít.

‒ Cây to không sợ mưa bão, thuyền lớn không sợ phong ba. Ông cũng nên nhớ rằng, nếu sợ sóng gió thì Giao Long Bang đã không sống bằng nghề trên biển.

Tạ Đức Uy khẽ thở ra:

‒ Lão phu đã hết lời với mi. Mi có đón nhận hay không thì tùy.

Trần Triệu Quốc Nguyệt lặng thinh không nói nữa. Trận khẩu chiến sôi nổi giữa hai người dù có ai nấp kế bên cũng không hề hay biết. Vì nếu hai người đang quỳ thỉnh tội mà cãi nhau vang trời thì không còn ra thể thống gì nữa, do đó cả hai đều dùng lối truyền âm nhập mật nói chuyện với nhau.

Vừa lúc đó Long Võ Minh Chủ ra đến nơi. Không nói không rằng Long Võ Minh Chủ rút kiếm bên hông ra phất lên, tất cả dây trói trên người Tạ Đức Uy và Trần Triệu Quốc Nguyệt bị đứt hết. Long Võ Minh Chủ đích thân đỡ hai người đứng dậy rồi ôn tồn nói:

‒ Tạ huynh, Trần Triệu Đường Chủ, buổi sáng có nhiều sương, hai vị sao không vào Uy Long Các mà ở ngoài này, chẳng lẽ muốn bản tòa đợi lâu à?

Tạ Đức Uy run run giọng:

‒ Thuộc hạ kém tài nên đã phụ lòng ủy thác của Minh Chủ, không còn mặt mũi nào ngồi cùng Minh Chủ bàn chuyện đại cuộc võ lâm. Thuộc hạ quỳ gối ngoài này thỉnh tội.

Trần Triệu Quốc Nguyệt cũng đáp:

‒ Vì tôi không làm tròn trách nhiệm của một Tế Tác Đường Chủ nên cũng quỳ xuống chờ Minh Chủ trị tội.

‒ Hai vị không nên tự trách mình quá như vậy. Nói về trách nhiệm bản tòa cũng phải chịu phần nào. Chúng ta hãy vào trong mà nói chuyện.

Tạ Đức Uy ấp úng:

‒ Nhưng mà… nhưng mà…

‒ Đó là lời thỉnh cầu của tiểu đệ, mong tạ huynh chấp nhận.

Một tay Long Võ Minh Chủ cầm thanh kiếm Tạ Đức Uy đặt dưới đất, tay kia dìu lão họ Tạ đi vào. Tạ Đức Uy đành phải chấp nhận. Vào trong sảnh đường, Long Võ Minh Chủ đích thân rót hai chung trà rồi tự tay trao Tạ Đức Uy và Trần Triệu Quốc Nguyệt mỗi người một chung, ông nói:

‒ Hai vị uống chung trà này cho ấm người rồi chúng ta hãy ngồi xuống đàm đạo. Chuyện xảy ra ngoài ý muốn của mọi người, chúng ta không ai không cảm thấy áy náy.

Tạ Đức Uy và Trần Triệu Quốc Nguyệt mỗi người đỡ một chung trà uống cạn. Khi tất cả an vị xong đâu đấy, Long Võ Minh Chủ hỏi Tạ Đức Uy:

‒ Tạ huynh, tiểu đệ nhờ Tạ huynh bắt đầu buổi nghị sự hôm nay.

Tạ Đức Uy đứng lên:

‒ Dạ Minh Chủ.

Nhìn cử tọa một lượt Tạ Đức Uy sang sảng:

‒ Buổi nghị sự hôm nay có bốn vấn đề chính: thứ nhất là đại tang của phái Tây Vu. Thứ hai là nói về tổn thất của Long Võ Trang trong cuộc chiến với ma giáo. Thứ ba là những hoạt động cùng hành vi của ma giáo trong mấy ngày qua sau khi rút lui khỏi Long Võ Trang. Thứ tư là vận mệnh của võ lâm từ nay về sau.

Long Võ Minh Chủ nói:

‒ Cám ơn Tạ huynh. Đại tang của phái Tây Vu không ai không đau xót. Thân Cảnh Thanh là một người nổi tiếng trung trực xưa nay. Cả đời ông ta huấn luyện được sáu đệ tử đều hàng tuấn kiệt, nhưng không may thầy trò bẩy người đều ngộ thảm tử. Bản tòa đã cho người đem thư đến tổng đàn phái Tây Vu phân ưu. Bản tòa cũng có hứa hẹn với chưởng môn phái Tây Vu, với Nùng Đường Chủ là sẽ tìm cho ra hung thủ để an lòng người quá cố.

Nùng Đức Nghĩa cảm động:

‒ Tại hạ xin cám ơn Minh Chủ trượng nghĩa ra tay. Phái Tây Vu muôn ngàn lần đội ơn.

‒ Nùng huynh không nên đa lễ. Bản tòa nhờ các vị yên lặng một chút để tưởng nhớ đến người quá cố.

Trong sảnh đường gần hai mươi người im lặng như tờ. Ít lâu sau Long Võ Minh Chủ nói:

‒ Xin Tạ huynh nói rõ về cái chết của Thân Cảnh Thanh và sáu đệ tử.

Tạ Đức Uy cung tay:

‒ Dạ Minh Chủ. Thuộc hạ Tế Tác Đường là người đầu tiên có mặt tại phạm trường, xin Tế Tác Đường Chủ trả lời câu hỏi của Minh Chủ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt đứng lên ra hiệu cho thuộc hạ đem vào vô số bức họa treo lên tường. Nàng đến gần những bức họa cắt nghĩa:

‒ Theo ước đoán của tôi, Thân đại hiệp và sáu vị đệ tử bị giết sau khi Thiên Ma Giáo qua khỏi nơi này vì vết sình dưới đất có rất nhiều dấu chân. Lần cuối cùng chúng ta đánh nhau với Thiên Ma Giáo là khoảng từ giữa đến cuối giờ Dần. Đến khi thuộc hạ của tôi phát giác ra và thông báo thì đã sang giờ Tỵ. Xét qua vết tích tại hiện trường tôi đoán bảy người họ bị giết vào khoảng giờ Mão sang Thìn. Vết máu trên người nạn nhân còn tương đối mới.

Nàng nhìn cử tọa một lượt rồi nói tiếp:

‒ Dấu chân để lại trên tất cả những lá tre tìm được chỉ có một mẫu, một bên đường, do đó tôi đoán hung thủ chỉ có một người. Dấu giầy hơi lớn so với bình thường nên tôi đoán hung thủ là đàn ông. Ở những nơi khác trên bảy thi thể đều có vết chém nhưng rất nhẹ. Nhưng vì quần áo đều lành lặn, tôi đoán rằng đó là những vết thương khi giao tranh với ma giáo mà có. Chỉ có Thân Cảnh Thanh và Nùng Trí Lộc là kiếm rút khỏi vỏ, những người còn lại kẻ thì chưa kịp rút, kẻ thì mới rút nửa chừng. Tôi đoán là Thân Cảnh Thanh và Nùng Trí Lộc võ công cao hơn những người còn lại nên rút ra trước và bị giết trước. Những người còn lại, người nào chưa đụng vào binh khí bị giết trước, rút được nửa chừng bị giết sau. Tất cả đều chết dưới một chiêu thức giống nhau: bị chém dọc từ huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu xuống đến huyệt Đản Trung giữa ngực. Vết thương chí tử. Xung quanh vết chém đều bị cháy khét. Tôi không biết là loại võ công gì nhưng suy đoán là thuộc chí cương, khí phát ra nóng như lửa. So với kiếm pháp và võ học của Ma Giáo mà tất cả chúng ta từng trải qua mấy hôm trước có rất nhiều khác biệt. Từ những điểm này cho thấy Thân Cảnh Thanh và Nùng Trí Lộc bị sát hại trước khi có cơ hội tự vệ. Theo tôi đoán hung thủ là một người đàn ông, khinh công tuyệt diệu, võ công đặc dị và vô cùng độc ác. Nhìn địa thế xung quanh phạm trường rất khó mà mai phục tập kích bảy người họ… có khi nào hung thủ là người quen với họ chăng? Các vị nghĩ sao?

Nàng nhìn Long Võ Minh Chủ:

‒ Nội công chí dương, ngoài Minh Chủ ra, trong võ lâm còn ai luyện tập môn này chăng?

Long Võ Minh Chủ đăm chiêu:

‒ Cao thủ trong thiên hạ rất nhiều, sở trường của mỗi người không phải ai cũng bộc lộ. Nội công của bản tòa tuy làm được việc đó nhưng sở trường là chưởng pháp chứ không ở kiếm pháp. Nếu dùng kiếm ra tay sát hại, chưa chắc đã đạt được sự bá đạo như hung thủ.

Thần Nông Đường Chủ Nùng Đức Nghĩa mới mấy ngày mà sắc mặt hốc hác thấy rõ. Lão uể oải trả lời:

‒ Ngũ sư đệ giao du rất rộng, nhưng người có khả năng sát hại được không có mấy ai. Nhưng nếu chỉ trong vòng một chiêu mà có thể đoạt mạng được, như lời Tế Tác Đường Chủ nói, lão phu thật không nghĩ ra được người nào.

Pháp Hình Đường Chủ Mẫn Diệu sư bà nghi hoặc:

‒ Còn nếu đó là người quen với Lạc Diệp Kiếm Khách thì sao?

‒ Người quen thì người quen. Người quen cũng chỉ có thể bất thần ra tay ám toán hai hoặc ba người, làm sao có thể giết cả bảy người? Trong các vị đây có ai dám tin mình đủ sức làm chuyện đó hay không?

Lời nói của Nùng Đức Nghĩa đầy vẻ gay gắt và khiêu khích nhưng không ai giận vì biết lão đau thương, căm phẫn. Ngoài ra lão cũng không hoàn toàn vô lý. Mặc dù thân làm đường chủ nhưng có ai dám tự tin mình có thể ra tay một cách thành công. Mà dù cho có tự tin đi nữa cũng không ai dám đứng ra vỗ ngực. Y Dược Đường Chủ Ngô Diệp Thảo đưa ra nhận xét:

‒ Lúc nghiệm thây Thảo này có mặt. Theo vết thương và dấu giầy mà nói, hung thủ mang một thân võ nghệ tuyệt cao. Chỉ tiếc là chúng tôi không ai biết được tung tích hay xuất xứ của môn võ công này.

Ngô Diệp Thảo, hay thường được gọi là Ngô Đại Phu, nói chuyện hay tự xưng “Thảo này” mặc dù tuổi đã năm mươi. So với hầu hết các cao nhân khác trong Long Võ Trang thì bà ta còn khá trẻ. Bà nhìn giống một thiếu phụ chưa đến bốn mươi, gương mặt phúc hậu. Suốt đời bà tắm trong y đạo, hành sự cẩn trọng, thương đệ tử như con nên được rất nhiều người nể trọng. Long Võ Minh Chủ góp lời của Ngô Đại Phu:

‒ Võ công của người này so với Phong Hỏa Chưởng của bản tòa giống nhau vài phần. Nhưng bản tòa dùng kiếm, chưởng riêng, không có dồn nội công vào vũ khí để sát nhân như thế này. Bản tòa cũng thật lấy làm khó nghĩ, chẳng lẽ trong võ lâm gần đây có người khám phá ra một môn công phu nào mới lạ chăng?

Tổng Đường Chủ Tạ Đức Uy bàn thêm:

‒ So về võ công mà nói, ngoài giáo chủ Thiên Ma Giáo ra không ai có thể đạt được. Năm xưa võ công của bà ta phức tạp đến mức nào hầu hết chúng ta đều biết. Trong ba mươi năm bị giam dưới địa lao, nếu bà ấy nghĩ ra thêm nhiều pho võ công mới lạ không phải không có lý. Có khi nào mụ ấy…

Ngô Đại Phu lắc đầu:

‒ Dù bà ta có đủ sở học để làm chuyện đó, nhưng Thảo này dám quả quyết rằng bà ta không thể nào làm được. Nhưng chuyện này lát nữa chúng ta sẽ bàn đến.

Trần Triệu Quốc Nguyệt xen vào:

‒ Tôi đồng ý với Ngô Đại Phu chuyện này: có thể nói là ma giáo hoàn toàn vô can với cái chết của Thân đại hiệp và sáu đệ tử. Có một điều này tôi vẫn chưa hiểu, nhờ Nùng Đường Chủ trả lời giúp.

‒ Đường Chủ cứ hỏi.

‒ Thần Nông Đường nằm ở thôn Đông Dưới, dùng cổng đông nhiều nhất và cũng gần cổng nam hơn cổng bắc. Thế Đường Chủ có biết vì lý do gì mà bảy vị ấy có mặt ngoài cổng bắc Long Võ Trang hay chăng?

Nùng Đức Nghĩa thở dài thảm não:

‒ Đường Chủ hỏi như vậy rất có lý. Từ chiều hôm mười lăm mưa rơi tầm tã cho đến gần nửa đêm nên sáng hôm sau, tức là sau khi Thiên Ma Giáo đi khỏi, thì ngũ sư đệ có báo với lão phu là dẫn đệ tử đi thăm ruộng. Ruộng lúa mới cấy, bọn lão phu phụ trách Thần Nông Đường nên phải lo việc đồng áng. Có lẽ vì ma giáo rút lui về hướng ấy nên ngũ sư đệ đi đến đó cũng nên.

‒ Đi thăm thì đi thăm. Tại sao cả hai vị phó đường chủ cùng đi một lúc, đến một nơi trong khi đó trong Long Võ Trang lại quá hỗn loạn?

‒ Thần Nông Đường là kho chứa thóc của Long Võ Trang nên bọn lão phu đề phòng hỏa hoạn rất cẩn mật và rất xem trọng việc nông tang. Ngũ sư đệ và đại đệ tử của y có thể ra ngoài thăm ruộng cũng không có gì lạ. Mà thường thì ngày nào ngũ sư đệ cũng làm việc đó. Nhiều năm nay rồi chứ không phải đây mới lần đầu.

Trần Triệu Quốc Nguyệt còn muốn hỏi Nùng Đức Nghĩa thêm vài câu thì Minh Chủ đã hỏi nàng:

‒ Không biết Tế Tác Đường Chủ có điều tra thêm được gì không?

‒ Bẩm Minh Chủ không. Ngoài những vật chứng từ vết thương và dấu giầy ra, tôi hoàn toàn không thể đoán ra hung thủ là ai, đi về hướng nào, chiêu thức ra sao hoặc có thuộc một tổ chức nào bí mật hay không.

Nùng Đức Nghĩa thất vọng ra mặt:

‒ Đây có phải là Tế Tác Đường làm việc bất lực? Xin Đường Chủ cho biết đến lúc nào thì mới có câu trả lời cho tệ chưởng môn sư huynh và phái Tây Vu?

‒ Điều tra thì cũng phải có thời gian chứ…

‒ Vậy Đường Chủ muốn bao nhiêu lâu?

Trần Triệu Quốc Nguyệt có phần bực mình nên xẵng giọng:

‒ Tất nhiên đến chừng nào tìm ra được hung thủ thì thôi…

Nùng Đức Nghĩa mỉa mai:

‒ Hừ, nói vậy thì có muốn kéo dài vài chục năm cũng được chứ sao. Hằng ngày tự thị Giao Long Bang nhân tài như lá trên rừng, vậy mà có một vụ án điều cũng không xong.

‒ Ông nói vậy là ý gì? Nếu ông giỏi sao ông không tự đi điều tra đi.

‒ Tức cười! Hừ, nếu vậy thì để nguyên cái Tế Tác Đường làm gì cho tốn tiền của, sao không bỏ đi cho rồi.

‒ Ông…

Long Võ Minh Chủ vội can:

‒ Những lời của Nùng huynh vừa nói tuy không vô lý nhưng chúng ta đều biết là không thể nào một sớm một chiều có thể điều tra vụ án này, nhất là trong chúng ta không một ai hay biết gì về hung thủ.

Nùng Đức Nghĩa kính cẩn:

‒ Bẩm Minh Chủ tại hạ cũng tự biết vậy. Tại hạ chỉ muốn biết là phái Tây Vu cần phải đợi bao lâu mới có câu trả lời.

‒ Mấy ngày hôm trước Tế Tác Đường Chủ đã khẩn xin bản tòa tung người ra khắp võ lâm Hoa, Việt, Lý, Chân và Chiêm để điều tra. Bản tòa tin rằng Trần Triệu Đường Chủ sẽ sớm ngày có câu trả lời.

‒ Minh Chủ đã nói vậy, tại hạ xin kính cẩn nghe theo.

Nùng Đức Nghĩa quay sang nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt, ánh mắt lạnh lùng:

‒ Lão phu cũng mong Đường Chủ là một người tài không đợi tuổi chứ không phải một con nghé tơ mơ bóng cờ lau.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nhếch cười nửa miệng:

‒ Đa tạ Nùng Đường Chủ quan tâm. Ở Trường Yên ôm chí cờ lau còn ở Tiên Yên nuôi mộng giao long. Không biết ở Tây Vu thì sao nhỉ, noi gương Trí Thông hay Tông Đán (2) đây?

Nùng Đức Nghĩa hai mắt trợn trừng ấp úng:

‒ Mi… mi… mi dám ăn nói với lão phu như vậy sao?

Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí vội can:

‒ Xin hai vị bớt giận. Chúng ta đều là người lớn cả, không nên mỗi việc mỗi chấp nhất.

Long Võ Minh Chủ cũng nói:

‒ Tế Tác Đường Chủ đừng nên châm chích Nùng Đường Chủ trong lúc này. Bản tòa mong Đường Chủ nể tình Nùng Đường Chủ là một vị đạo cao đức trọng trong võ lâm mà gắng sức làm việc.

‒ Dạ Minh Chủ!

Tạ Đức Uy im lặng từ đầu buổi họp bây giờ mới lên tiếng, trái ngược với thường lệ là hét oang oang, lão từ tốn:

‒ Vấn đề phái Tây Vu coi như tạm xong. Bây giờ đến lượt tâu trình sự tổn thất và kiến thiết Long Võ Trang. Về sự tổn thất nhân mạng, nhờ Y Dược Đường Chủ cho biết.

Y Dược Đường Chủ Ngô Diệp Thảo kêu đệ tử mang đến một số trục lụa treo lên tường rồi trình bày:

‒ Về tổn thất nhân mạng, Bảo Trang Đường bị thiệt hại nhiều nhất, Pháp Hình Đường và Hoằng Giáo Đường bị tổn thất ít nhất. Còn về nhà cửa thì hai thôn Đoài Trên và Đoài Dưới là thiệt hại ít hơn cả.

Long Võ Minh Chủ nhắc:

‒ Nhờ Đường Chủ nói rõ chi tiết hơn.

‒ Dạ Minh Chủ.

Bà chỉ một trục lụa kê khai tổn thất:

‒ Về thiệt hại nhân mạng, theo thứ tự như sau:

Phân Đường Tử thương Trọng thương

Bảo Trang Đường 311 người 453 người
Long Võ Đường 283 người 406 người
Phi Mã Đường 267 người 352 người
Luyện Võ Đường 248 người 363 người
Thần Nông Đường 223 người 317 người
Y Dược Đường 207 người 330 người
Giảng Văn Đường 201 người 302 người
Tế Tác Đường 180 người 281 người
Pháp Hình Đường 178 người 279 người
Hoằng Giáo Đường 174 người 272 người

Y Dược Đường Chủ tổng kết:

‒ Tổng cộng chúng ta có cả 2272 thuộc hạ và đệ tử chịu hy sinh, 3194 người bị thương nhưng tính mạng không sao. Trong số bị trọng thương gần một phần năm, hay 625 người bị tật nguyền suốt đời. Trong số tật nguyền có hơn trăm người suốt đời toàn thân bất toại. Về ma giáo, tổng số bị thương không rõ nhưng số xác chết do Tế Tác Đường đếm gồm có 1585 xác và 235 người bị thương. Những người trọng thương đang bị chúng ta cầm tù và được chữa trị. Nhìn con số mà giải thích thì ta bị tổn thất hơn rất nhiều. Ma giáo đánh theo lối tử chiến và nhờ có chuẩn bị cũng như chiếm được tiên cơ nên tổn thất ít hơn. Tổng kết, địch được huấn luyện chu đáo hơn, sĩ khí cao hơn và cam chịu sự hy sinh mãnh liệt hơn. Còn tổn thất về nhà cửa, ruộng vườn, xin nhờ Bảo Trang Đường Chủ và Long Võ Đường Chủ cho biết thêm.

Bảo Trang Đường Chủ Phạm Hoàng Sơn không nói gì, ngồi yên nhắm mắt lâm râm đọc kinh. Hai mắt của ông lệ tuôn như suối, ai nhìn thấy cũng đều mủi lòng. Đệ tử phái Tản Viên của ông bị tổn thất nặng nề nhất, vừa chết vừa bị thương lên gần tám phần mười. Long Võ Đường Chủ là tổng quản Lê Kính Văn đứng lên trả lời:

‒ Nhờ các vị võ lâm đồng đạo một lòng giúp sức nên tái kiến thiết Long Võ Trang không gặp trở ngại, chỉ cần có thêm thời gian mà thôi. Tất cả chín đại bang phái đều gởi đệ tử và tiền bạc đến. Tuy nhiên Giao Long Bang đóng góp nhiều hơn cả. Ngoài những chiếc thuyền chở đầy ắp gỗ, đá Giao Long Bang còn kèm theo ba vạn lạng bạc. Đó là chưa kể việc Giao Long Bang phụ trách chở tất cả tử thi của ma giáo đem ra biển hải táng cũng như giúp các môn phái khác chuyên chở áo quan.

Long Võ Minh Chủ và Tạ Đức Uy đã biết rõ những việc này nên không ngạc nhiên. Đại đa số những người còn lại đều nhìn Tế Tác Đường Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt với con mắt kính phục. Nhưng trong sự kính phục đó không dấu nổi sự đố kỵ và ghen ghét.

Thời bấy giờ một lượng bạc trị giá mười quan tiền. Một quan có sáu trăm đồng. Nếu tính đổ đồng một gia đình bốn người trung bình mỗi ngày tốn hai mươi đồng cho ba bữa ăn, hay mỗi tháng một quan. Ba vạn lượng bạc tức là ba mươi ngàn quan, đủ cho ba vạn gia đình bốn người ăn trong một tháng. Thật là một con số khổng lồ. Trần Triệu Quốc Nguyệt điềm nhiên, mặc cho ai muốn suy nghĩ sao về mình hoặc Giao Long Bang, nàng nói với Minh Chủ:

‒ Tôi xin Minh Chủ dùng số tiền đó và các món tiền của những môn phái lớn nhỏ khác gởi đến dùng làm tiền tử tuất cho gia đình nạn nhân. Riêng thuộc hạ của Giao Long Bang chúng tôi đã lo xong hết.

Long Võ Minh Chủ gật đầu mỉm cười:

‒ Bản tòa đã thảo thảo một phong thư gởi cho Giao Long Đại Bang Chủ để cám ơn quý Bang trượng nghĩa giúp sức.

‒ Xin Minh Chủ đừng quá lời.

Tạ Đức Uy lại lên tiếng:

‒ Vấn đề thứ hai coi như thảo luận đã xong. Mỗi nơi đều có công việc và trách nhiệm riêng, cứ tiếp tục làm tốt công việc của mình là được. Giờ đến hai điểm quan trọng nhất của ngày hôm nay: những hoạt động của ma giáo từ khi rút lui khỏi Long Võ Trang và vận mệnh của võ lâm từ nay về sau.

Tạ Đức Uy nhìn cử tọa một lượt, lão hít sâu vào rồi nói:

‒ Võ công, nhân tài và sự huấn luyện của giáo chúng ma giáo ra sao tất cả chúng ta đều đã nhìn thấy. Nhưng điều đáng lo ngại là không phải họ cướp ngục thành công mà là ở thực lực của ma giáo mạnh đến mức nào. Theo ý lão phu, ma giáo chưa có dốc toàn lực. Long Võ Trang cũng thế. Các vị ai có ý kiến gì xin cứ trình bày.

Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí đứng lên nói:

‒ Khi quần hùng võ lâm đánh bại Thiên Ma Giáo thì tại hạ chỉ là đứa bé lên mười, Tế Tác Đường Chủ thì chưa sinh ra đời. Khi tại hạ bắt đầu hiểu chuyện thì ma giáo không còn nữa cho đến ngày hôm nay. Nếu Tạ Tổng Đường có thể nói sơ về ma giáo cho tại hạ được tường tận hơn thì tại hạ muôn vàn cảm kích.

Long Võ Minh Chủ gật đầu:

‒ Trần Đường Chủ nói vậy rất có lý. Không riêng gì nhị vị mà những đứa khuyển tử của bản tòa và thế hệ con cháu của Long Võ Trang cần phải biết đến. Bản tòa xin làm phiền Tạ huynh chuyện này.

Tạ Đức Uy chưa kịp lên tiếng thì Trần Triệu Quốc Nguyệt hỏi:

‒ Tôi nghe khi thì gọi Thiên Ma Giáo, khi thì gọi Thiên Hoa Giáo, không biết tên nào mới đúng?

Luyện Võ Đường Chủ Hồng Sơn Nam trả lời thay thế Tạ Đức Uy:

‒ Tế Tác Đường Chủ hỏi như vậy thực phải. Họ tự xưng là Thiên Hoa Giáo. Chữ “thiên” ở đây có nghĩa là một ngàn. Nhưng vì Thiên Hoa Giáo Chủ độc ác vô song, giết người không gớm tay nên người trong chính phái chúng ta khi nói chuyện thì gọi là “Thiên Ma.” Tuy nhiên trong văn kiện khi thì viết “Thiên Ma”, khi thì viết “Thiên Hoa” với chữ “thiên” nghĩa là “trời.” “Hoa trời” tức là bệnh đậu mùa, một loại bệnh làm chết không biết bao nhiêu người, cần phải trị dứt. Cũng như Thiên Hoa Giáo là căn bệnh trầm kha của võ lâm, người chính phái chúng ta cần phải gắng công trừ khử mới được.

Tạ Đức Uy nói thêm:

‒ Muốn biết về Thiên Ma Giáo thì phải biết về thân thế và sự nghiệp của giáo chủ ma giáo. Sự hiểu biết nhiều nhất về giáo chủ ma giáo không ai hơn được sư bà Mẫn Diệu của phái Mê Linh.

Mẫn Diệu sư bà chấp tay niệm Phật hiệu:

‒ Nam mô Phật. Nói về giáo chủ ma giáo thì đó vừa là niềm kiêu hãnh, mà cũng vừa là niềm đại bất hạnh của tệ phái. Luận theo bối phận thì giáo chủ ma giáo đứng vai sư thúc của bần ni. Bà vốn là một đứa bé mồ côi, không biết cha mẹ là ai, được thái sư phụ lượm ở dưới một gốc cây đào nên đặt cho bà họ Đào. Tên bà là Thiên Hương vì từ nhỏ đã có nhan sắc nghiêng nước, trên người lúc nào cũng có một mùi u hương kỳ diệu. Theo lời gia sư kể lại khi thái sư phụ còn tại thế đệ tử rất đông nhưng trong đó có bảy người ưu tú nhất. Trong bảy vị đệ tử đó thì gia sư lớn nhất, Đào tiền bối đứng hàng thứ tư. Luận về võ công thì gia sư, nhị sư thúc và tam sư thúc liên thủ với nhau cũng chỉ được trên trăm chiêu là bị bại. Nếu sư phụ và năm sư thúc kia cùng ra tay, đôi khi giữ được hòa, chưa bao giờ thắng được Đào tiền bối. Theo chỗ bần ni biết, Đào tiền bối chưa một lần chiến bại.

Nghe đến đó Trần Triệu Quốc Nguyệt chợt động tâm: “Vậy tại sao bà ta bị giam cầm dưới địa lao ba mươi năm nếu chưa một lần chiến bại? Bên trong chắc có điều bí ẩn gì đây.” Lý Minh Thần đêm hôm trước có giao thủ với một vị cung chủ của Thiên Hoa Giáo, muốn biết thêm về lai lịch võ công của đối phương nên cung tay:

‒ Kính thưa sư bà, võ công của giáo chủ ma giáo lúc đó so với bây giờ ra sao?

‒ Bần ni quả thật không rõ. Theo lời gia sư kể lại thì ngay đến thái sư phụ và các vị thái sư thúc, dù có dùng đến bí quyết trấn môn tệ phái thì cũng không thể đánh bại được vị tiền bối họ Đào ấy. Có thể nói, từ lúc Đào tiền bối bắt đầu học võ, chưa hề thua cho các huynh đệ đồng môn. Năm lên mười lăm tuổi đã luyện thành tuyệt nghệ bản phái, khắp phái Mê Linh không có đối thủ và chưa một lần bại trận. Các vị trưởng bối trong tệ phái lúc bấy giờ ai ai cũng tin rằng chức chưởng môn sau này sẽ do Đào tiền bối lên kế thừa. Tính đến hôm nay Đào tiền bối đã tròn trăm tuổi.

Không riêng gì Lý Minh Thần mà hầu hết những người có mặt đều không tin vào chính đôi mắt của mình. Một người với dung mạo của một thiếu nữ đôi tám không thể nào ở tuổi một trăm. Trần Triệu Quốc Nguyệt hỏi:

‒ Vậy cuộc đời của bà ta ra sao mà lại làm giáo chủ Thiên Ma giáo?

Mẫn Diệu sư bà lại nhắm mắt:

‒ Nam mô Phật. Cuộc đời vô thường không biết thế nào được. Nhà Nho có câu: “Tạo hóa đố hồng nhan” hay “hồng nhan đa truân” nói về cuộc đời của bà ta rất đúng. Vì kiếm pháp của Đào tiền bối quá cao minh làm cho nhiều người nghi kỵ cho rằng bà ta trộm bí quyết bản môn để luyện tập.

Mẫn Diệu sư bà ngừng lại một chút như để nhớ lại điều gì rồi nói tiếp:

‒ Sở trường của tệ phái chú trọng về kiếm pháp nên rất xem trọng thanh kiếm tùy thân và coi nó là tính mạng thứ hai. Bản phái lấy gương vua Trưng xưa kia rút kiếm khởi nghĩa, hiệu triệu anh hùng Lĩnh Nam làm truyền thống cho đệ tử tệ phái khi chuẩn bị bước chân vào giang hồ sẽ được làm lễ trao kiếm. Như các vị đã biết, kiếm do bản phái đúc nổi danh khắp Đại Việt.

Long Võ Minh Chủ mỉm cười cầm thanh bảo kiếm trao cho Tạ Đức Uy đêm hôm trước lên và nói:

‒ Thanh kiếm này cũng do dòng họ Cao của phái Mê Linh đúc thành. Từ ngàn xưa họ Cao đúc được rất nhiều thanh bảo kiếm.

Mẫn Diệu sư bà chắp tay:

‒ Nam mô Phật. Đa tạ Minh Chủ nhắc nhở cho bần ni. Bảo kiếm trấn môn của bản phái chính là hai thanh Mê Linh Tỷ Muội Kiếm sắc bén vô cùng, di vật của Hai Bà Trưng năm xưa để lại. Khi thành lập phái Mê Linh, giòng họ Cao và phái Hoa Lư xưa cũng sát nhập vào.

Long Võ Minh Chủ hướng Mẫn Diệu sư bà chấp tay:

‒ Bản tòa cũng nhờ vào phái Mê Linh mà được hai thanh bảo kiếm. Một thanh đúc cho tiên phụ khi hiệu triệu quần hùng tiêu diệt ma giáo và cuồng đồ võ lâm. Thanh kiếm đó được đặt tên là Uy Long Kiếm. Còn thanh kiếm của bản tòa có tên Long Võ Kiếm.

Mẫn Diệu sư bà trả lời:

‒ Minh Chủ quá khách sáo, bần ni không dám nhận. Bần ni xin nói tiếp. Hôm làm lễ trao kiếm, có chuyện lạ xảy ra…

Trần Triệu Quốc Nguyệt tò mò:

‒ Chuyện lạ gì vậy, thưa sư bà?

Tạ Đức Uy bực mình:

‒ Lão phu nóng tính, mi còn nóng tính hơn. Có chuyện gì chút nữa sẽ biết, việc gì hỏi gấp thế, cắt ngang lời của Pháp Hình Đường Chủ?

Trần Triệu Quốc Nguyệt định trả lời thì Mẫn Diệu sư bà đã nói:

‒ Không có gì đâu, xin đa tạ Tổng Đường quan tâm. Phép rèn kiếm là một kỳ công. Có khi một vị kiếm sư bỏ ra cả đời chưa chưa chắc đã rèn được một thanh được xem là bảo kiếm. Thông thường khi rèn kiếm vị kiếm sư ít khi nào biết được thanh kiếm mình rèn ra có tốt hay không. Đã gọi là bảo kiếm, ngoài sắc bén ra còn phải đúng với kích thước và chịu được thử thách của thời gian. Lần đó vì số đệ tử xuất môn đông hơn bình thường và võ lâm có việc khẩn cấp nên những thanh kiếm rèn xong được niêm phong ngay. Không những kiếm không được thử mà cả mài kiếm cũng không kịp. Lễ trao kiếm chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Phi Mã Đường Chủ Mai Nhật Sinh ngạc nhiên:

‒ Kiếm rèn xong không mài thì rèn làm gì?

Mẫn Diệu sư bà mỉm cười, trong nụ cười hàm ý sâu sắc:

‒ Kiếm bén hay không, khi học kiếm đến một mức nào đó, không còn quan trọng nữa. Kiếm bén mà không biết sử dụng thì cũng không bằng tâm bén, ý bén. Bản phái có lệ, mài kiếm lần đầu tiên lúc nào cũng phải chọn ngày tốt nhất trong năm.

Lý Minh Thần rất thích nghiên cứu về kiếm nên hỏi Mẫn Diệu sư bà:

‒ Thưa sư bà, khi muốn thử kiếm mới rèn xong thì làm sao biết được là kiếm tốt hay xấu?

‒ Đây là tuyệt kỹ bản môn, nhưng công tử đã hỏi thì bần ni cũng ráng mà trả lời. Kiếm phải cứng và bén là điều tất yếu nhưng cũng phải dẻo dai để khi lâm trận không bị gẫy. Những thứ đó đều dễ thử hơn là kiếm có dễ bị sét hay không. Thanh kiếm nào để lâu không bị sét rỉ, hoặc ít bị rỉ sét thì đó là thanh kiếm tốt. Có rất nhiều cách thử độ bén của kiếm… Lần đó nếu kiếm được thử có lẽ không đưa đến tranh chấp sau này. Môn quy tệ phái là nếu thuộc hàng bảo kiếm thì được thờ ở tổng đàn vì có khi cả trăm năm chưa rèn được một thanh. Hy hữu và đặc biệt lắm mới truyền ra ngoài.

Bà nói đến đây nhìn Long Võ Minh Chủ vái một vái. Long Võ Minh Chủ dùng lễ đáp lại.

‒ Những thanh kiếm còn lại được xếp hạng rồi mới niêm phong lại. Đến hôm làm lễ trao kiếm, chỉ là đệ tử ưu tú mới được tham dự. Sau đó dùng võ công sắp hạng, ai giỏi nhất sẽ được trao thanh kiếm được xem là tốt nhất. Lúc bấy giờ mới khắc tên chủ nhân vào kiếm và kiếm cũng được đặt tên.

Trần Triệu Quốc Nguyệt tinh ý:

‒ Không lẽ lễ trao kiếm lần đó có sự khác lạ à, thưa Sư Bà?

‒ Đó là năm Quý Mùi nhằm hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ nguyên niên thời vua Thái Tông (3). Chiêm Thành không chịu thần phục mà còn đem quân sang quấy phá nên vua Thái Tông mới thân chinh. Đệ tử bản phái tòng chinh giúp nước rất nhiều, do đó lễ trao kiếm mới có sự thay đổi. Âu cũng là nhân duyên của mỗi người. Vì kiếm không được xếp hạng cho nên lễ trao kiếm trở thành lễ bốc thăm chọn kiếm. Người nào bốc thăm trước được tùy ý lựa chọn trước. Nhưng vì hộp đựng kiếm được niêm phong kỹ lưỡng nên hoàn toàn dựa vào phúc duyên. Điều đáng nói hơn nữa là Đào tiền bối là người cuối cùng chọn kiếm.

Mẫn Diệu sư bà thoảng ngừng lại, ánh mắt xa vời:

‒ Ban đầu cũng không có gì lạ. Đến khi khắc chữ vào kiếm và mài kiếm thì mới vỡ lẽ đó là một thanh kiếm vô cùng quý báu. Thanh kiếm được mài hơn ba tháng mới xong, trong khi đó những thanh kiếm khác chỉ mất từ năm ngày đến nửa tháng là nhiều.

Lý Minh Thần hỏi:

‒ Tại sao lại đến hơn ba tháng vậy, thưa sư bà? Không lẽ lúc rèn kiếm, vị kiếm sư không thấy có việc lạ hay sao?

‒ Tại vì kiếm rắn chắc quá nên mới phải mài lâu, mà âu cũng là sự ngẫu nhiên. Khi vừa rèn xong thanh kiếm thì vị kiếm sư họ Cao cũng qua đời vì kiệt lực và không có lời nhắn nhủ lại cho đời sau. Cùng trong khoảng thời gian được thanh kiếm, kiếm pháp của Đào tiền bối lại có sự tăng tiến và phức tạp hơn. Không những tự nhiên tinh thông tuyệt kỹ bản môn mà bên trong còn nhiều ảo diệu khác. Tuy ý kiếm vẫn là Mê Linh Kiếm Pháp nhưng hình thì không còn nữa. Kiếm thuật không còn chỗ gián đoạn, liên miên không dứt. Các cao nhân tệ phái tỏ ra nghi ngờ bà bí mật luyện võ công phái khác. Ban đầu chỉ là nghi ngờ có điều ám muội chứ không có bằng chứng cụ thể. Mãi về sau vì khám phá ra có người trộm mất bí cấp trấn môn nên tất cả các đệ tử đều bị điều tra. Sau khi điều tra cặn kẽ mới biết, không những Đào tiền bối lén học bí quyết bản môn mà còn thêm tội mê hoặc ngũ sư thúc, sát hại lục sư thúc và dụ dỗ cửu sư thúc đi vào đường tà để rồi bị tẩu hỏa nhập ma.

Bảo Trang Đường Chủ Phạm Hoàng Sơn tiếp lời Mẫn Diệu sư bà:

‒ Về chuyện này phái Tản Viên của lão phu cũng bị liên lụy nên lão phu biết thêm đôi chút về bà ta. Có một điều là Mẫn Diệu sư bà không tiện nói ra nên lão phu xin nói giùm. Về sắc đẹp của bà ta thì đến cỏ cây cũng phải rung động. Hơn nữa bà ta tính tình lẳng lơ. Không biết bà ta đã chung chạ với bao nhiêu người, làm nhiều điều trái với luân lý. Sau bà ta lại mê hoặc cửu sư thúc của Mẫn Diệu sư bà là Lôi Điện Kiếm Khách Đặng Thi Phong. Gian tình của hai người bị bắt quả tang tại trận tiền, lúc đó sư phụ của lão phu cũng có mặt. Cũng chính vì chuyện này mà Lôi Điện Kiếm Khách bị tẩu hỏa nhập ma. Sau mới biết Lôi Điện Kiếm Khách bị bà ta cho uống xuân tình dược.

Mẫn Diệu sư bà kể tiếp:

‒ Đa tạ Bảo Trang Đường Chủ. Sự việc bại lộ, Đào tiền bối bị trục xuất khỏi phái Mê Linh. Lòng hận thù thúc đẩy con người ta làm những chuyện khó có thể lường được. Sau khi bị trục xuất khỏi sư môn không lâu thì những người có dính líu đến việc điều tra dần dần bị sát hại. Tất cả những người bị sát hại đều bị sát hại bằng Mê Linh Kiếm Pháp.

Trần Triệu Quốc Nguyệt thắc mắc:

‒ Bao nhiêu chuyện dồn lên đầu bà ta, bà ta không có phản ứng hay sao? Những người bị sát hại có liên quan đến bà ta hay không? Trong phái Mê Linh có những ai đủ sức sát hại những người đó?

Mẫn Diệu sư bà buồn bã:

‒ Nam mô Phật. Ban đầu Đào tiền bối khăng khăng một mực cho mình vô tội. Nhưng vì thái sư phụ và các vị thái sư thúc của bần ni đích mắt nhìn thấy Đào tiền bối sát hại lục sư thúc mà không kịp ngăn trở nên không còn ai tin bà ấy vô tội. Không những vậy, khi Đào tiền bối bị trục xuất ra khỏi sư môn, tiền bối còn đưa lời cảnh cáo sẽ trả thù.

Phạm Hoàng Sơn tiếp lời:

‒ Lời cảnh cáo của bà ta đại ý như sau: “Thứ cặn bã giết đi có gì là đáng tiếc. Làm đồng môn chỉ là một sự xỉ nhục. Những người nào cho ta là hung thủ đều phải hối hận với hành vi của mình!” Khi các vị tiền bối phái Mê Linh hỏi lại bà ta đối với sư phụ của mình như thế nào thì bà ấy trả lời: “Ân càng sâu thì oán càng nhiều. Ta là người ân oán phân minh. Mối hận này biết đến bao giờ nguôi.” Khi hỏi bà ta về những vị sư thúc, bà ta đáp: “Không tình, chẳng nghĩa, bất cận thế thái, mục hạ vô nhân.” Khi hỏi bà ta về các vị sư huynh, đệ, tỷ, muội đồng môn, bà nói: “Không còn gì để nói, nếu có chỉ là dư vị của sự tiếc nuối. Ta đã lợm giọng rồi.”

Phạm Hoàng Sơn hướng vào tất cả những người có mặt:

‒ Lời lẽ như vậy, chính bà ta tự nhận, có còn ai nghi ngờ bà ta không phải là hung thủ?

Trần Triệu Quốc Nguyệt lại hỏi:

‒ Khi đuổi bà ta ra khỏi sư môn, các vị tiền bối phái Mê Linh không ai phế võ công của bà ta à?

Mẫn Diệu sư bà thở dài:

‒ Không phải các vị ấy không muốn mà không một ai đủ sức làm được.

Những người hiện diện lại một phen kinh ngạc. Mẫn Diệu sư bà kể tiếp:

‒ Khi sự việc đổ bể thì Đào tiền bối đã 24 tuổi. Theo môn quy tệ phái thì những người thuộc vai sư phụ, sư bá hay sư thúc đều có quyền phế bỏ võ công và trục xuất đệ tử ra khỏi môn phái. Nhưng bất kể ai trong bốn vị thái sư thúc đều không phải là đối thủ của bà ta. Ngay từ năm mười lăm tuổi bà đã thắng các vị ấy rồi.

‒ Không lẽ phái Mê Linh không dốc toàn lực truy sát bà ta?

‒ Môn quy của tệ phái định rằng nếu những đệ tử bị trục xuất có thể dùng võ công bảo toàn tính mạng rời khỏi Mê Linh thì coi như không còn dính líu gì đến môn phái nữa. Có rất nhiều người muốn truy sát bà ta nhưng chưởng môn thái sư phụ nói: “Nếu ngay như môn quy mà những người chấp hành còn không thể tuân theo thì sau này làm sao giáo huấn được đệ tử.” Do đó tính mạng của Đào tiền bối được bảo toàn.

‒ Sau đó bà ta sáng lập Thiên Hoa Giáo à?

‒ Thiên Ma Giáo là mãi về sau này. Bà ta bị trục xuất chưa được bao lâu thì hầu hết những vị sư huynh, sư muội nào của bà có dính đến chuyện điều tra chuyện xằng bậy của bà đều bị giết. Không những chính mình bị giết mà người thân trong nhà cũng mang họa. Tất cả những người đó đều chết dưới Mê Linh Kiếm Pháp.

Phạm Hoàng Sơn kể tiếp:

‒ Vì liên tục xảy ra án mạng, chưởng môn phái Mê Linh là Thiên Thủ Quan Âm Lý Mỹ Linh gởi lệnh khắp võ lâm truy nã bà. Đến lúc này thì bà ta lên núi Tản Viên gặp chưởng môn tệ phái lúc bấy giờ là thái sư phụ Thân Bảo Hòa xin tá túc. Thái sư phụ và chưởng môn phái Mê Linh vốn là chị em con cô con cậu với nhau nên không muốn chứa chấp bà ta. Nhưng vì bà ta khóc lóc năn nỉ mãi nên mới chịu hứa giúp nói giùm vài tiếng với Lý Chưởng Môn.

Phạm Hoàng Sơn lắc đầu:

‒ Sự việc chưa đi đến đâu thì Thái sư phụ khám phá ra việc bà ta tư thông với một người đệ tử định ăn cắp hai pho võ công trấn môn bản phái là Phục Ngưu Thần Chưởng và Tiêu Hồn Chưởng. Từ đó về sau khắp võ lâm đều là cừu thù. Những môn phái khác không ai dám chứa chấp bà vì không muốn hoặc không dám làm mích lòng hai phái Tản Viên, Mê Linh. Nhưng vì nhan sắc thiên kiều bá mỵ của bà làm điên đảo võ lâm Nam Thiên nên không thiếu gì những vị hiệp sĩ, những phong lưu công tử nổi lòng thương hương tiếc ngọc mật thiết qua lại với bà. Tính nào tật đó, chỉ qua lại một thời gian ngắn thì những vị đó nếu không bị tán gia bại sản, nếu không bị phản bội, thì cũng lâm vào tình trạng sống dở chết dở. Vì thấy số người cam tâm tình nguyện đi theo bà mỗi lúc một đông, nếu để bà sống thêm ngày nào thì có hại cho võ lâm thêm ngày đó nên Côi Sơn Tam Anh của phái Đông A đứng ra hiệu triệu quần hùng bắt bà quy án.

Nghe kể đến đó Trần Hải Chí “à” một tiếng rồi nói:

‒ Việc này thì tại hạ có nghe gia sư và các vị trưởng bối tệ phái nhiều lần kể lại. Nhưng vì các vị ấy không kể rõ chính là giáo chủ ma giáo nên tại hạ đến bây giờ mới hiểu ngọn ngành.

Tạ Đức Uy nói thêm:

‒ Trận đại chiến với ma giáo hơn bảy mươi năm trước, trưởng bối của hầu hết những ở đây đều tham dự. Lúc đó bản tòa còn chưa chào đời, thân phụ bản tòa là Tạ Đức Phi cũng đóng góp công sức. Ba mươi năm trước thì chúng ta đích thân trừ khử bà ta. Còn bây giờ…

Lão họ Tạ thở dài thườn thượt:

‒ Bây giờ thì thằng nghiệt tử vô tích sự chỉ biết ê a như con mọt sách.

Phạm Hoàng Sơn kể:

‒ Trận đại chiến kết thúc nhanh chóng, chính phái toàn thắng. Bà ta phải bỏ trốn khỏi Nam Thiên, lúc bấy giờ mới ba mươi tuổi. Nghe nói bà ta sang Tống đi theo những người buôn tơ lụa qua Tây Vực, rồi từ Tây Vực đi Tây Trúc, rồi từ Tây Trúc đi Ba Tư, Ả Rập và một vùng được gọi là Cận Đông. Sỡ dĩ bần đạo đoán như vậy là sau khi đánh bại bà ta, ở tổng đàn của ma giáo tìm được vô số thủ bút của bà bằng tiếng Phạn, Ba Tư và Ả Rập của bà ta. Ban đầu cho đó là mật thư chi đó nên phải tìm người dịch ra. Rốt cuộc chúng chỉ là tạp thư, không đâu vào đâu nên để hết vào một chỗ trong thư phòng ở trong Long Đình Lâu. Ba Tư thì bần đạo có nghe qua chứ nơi nào gọi là Cận Đông thì bần đạo hoàn toàn mù tịt.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nói, nửa đùa nửa thật:

‒ Thế là… kể chuyện cả ngày trời vẫn không biết Thiên Hoa Giáo từ đâu mà có.

Phạm Hoàng Sơn không giận mà vui vẻ nói:

‒ Tế Tác Đường Chủ cũng khá nóng tính đấy chứ. Còn Thiên Hoa Giáo từ đâu mà có thì trong chúng ta không ai biết nhiều bằng Nùng Đường Chủ và Mai Đường Chủ. Mai Đường Chủ là người của phái Việt Thành, tổng đàn ở phía nam rặng Việt Thành Lĩnh ở Lưỡng Quảng, có biết khá nhiều cao thủ trong Tam Nguyên Giáo. Còn Nùng Đường Chủ là người của phái Tây Vu có giao thiệp với họ.

Nùng Đức Nghĩa ho khan một tiếng:

‒ Bảo Trang Đường Chủ nói quá lời. Thật ra giữa Tam Nguyên Giáo với tệ phái đánh nhau thì có chứ giao thiệp thì không.

Phi Mã Đường Chủ Mai Nhật Sinh cười lớn:

‒ Tệ phái cũng như phái Tây Vu. Gặp bọn điên cuồng đó đánh chúng còn chưa kịp, còn nói gì là quen biết. Trừ phi ý của Phạm Đường Chủ là tệ phái “biết khá nhiều” với họ qua lằn tên mũi kiếm thì may ra.

Trần Triệu Quốc Nguyệt hoài nghi:

‒ Không lẽ Thiên Ma Giáo Chủ đi theo Tam Nguyên Giáo?

Mai Nhật Sinh bưng chung trà lên nhấp một miếng, nhắm mắt thưởng thức hương vị của ly trà rồi mới trả lời:

‒ Đi theo Tam Nguyên Giáo mà nói làm gì. Bà ta là một trong ba vị thánh cô của Tam Nguyên Giáo.

Không riêng gì Trần Triệu Quốc Nguyệt mà Trần Hải Chí, hai anh em Lý Minh Lương, Lý Minh Thần cũng giật mình. Mai Nhật Sinh cắt nghĩa rõ hơn:

‒ Tam Nguyên Giáo vốn bắt nguồn từ Ba Tư và Hồi Giáo ở vùng Lưỡng Hà. Khi bắt đầu truyền giáo ở phương đông này qua đường buôn tơ lụa, tự xưng là Thiên Thượng Giáo vào thời Lưu Trí Viễn (4) mưu bá đồ vương. Vì cần tiền bạc và lực lượng của họ nên Lưu Trí Viễn hứa hẹn cho họ mặc sức truyền giáo. Nhưng khi thành đại nghiệp, lập ra nhà Hậu Hán thì họ Lưu nuốt lời và đem quân tiêu diệt nhiều lần nhưng không được. Lưu Trí Viễn chết, Quách Uy cướp ngôi lập ra nhà Hậu Chu vào năm Mậu Thân (5). Thiên Thượng Giáo đổi tên thành Thiên Địa Giáo thu nạp được rất nhiều tín đồ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt thắc mắc:

‒ Tôn chỉ của Thiên Địa Giáo ra sao vậy?

‒ Tôn chỉ chép trong quyển Thiên Thượng Kinh làm sao lão phu không rõ, nhưng dịch sang Hán văn thì ôi thôi toàn là những quyền thần nhảm nhí, chuyên dùng để mê hoặc người. Khi đổi tên sang Thiên Địa Giáo họ trộn chút thịt từ Nho Giáo, chút rau từ Lão Giáo và chút đậu từ Phật Giáo rồi xào nấu thành bộ Thiên Địa Huyền Vi Kinh. Họ tin rằng thiên, địa và nhân tuy ba mà một, tam nguyên nhất thể. Người do thiên và địa tạo thành. Thấu hiểu được tận cùng của thiên địa thì người sẽ trở thành bá chủ, tức là thần tiên vậy. Ngoài ra kinh này, lão phu nghe nói, còn những điều lý thú khác, ha ha ha… nào là trừ tà, đuổi ma, gieo quẻ, vẽ bùa, xuất hồn rong chơi cõi tiên hoặc làm phép bắt thần tiên trong tam giới đầu thai làm con mình, vân vân và vân vân. Tất cả những thứ tạp nhạp ấy có chép đầy đủ.

‒ Ước tính họ có bao nhiên tín đồ?

‒ Ban đầu thì ít. Nhưng từ lúc Quách Uy chết, truyền ngôi cho con nuôi là Sài Vinh, tức là Chu Thế Tông thì vô cùng lớn mạnh. Chu Thế Tông ngày đêm lo ngại muốn trừ khử đi. Nhân lúc triều đình nhà Hậu Chu thiếu tiền, Chu Thế Tông ra lệnh tiêu diệt tôn giáo, phá bỏ đền chùa để lấy đồng đúc tiền Chu Nguyên Thông Bảo vào năm Ất Mão (6). Vì giáo lý điên rồ nên Tam Nguyên Giáo bị truy sát khắp nơi.

‒ Bị truy sát họ có làm loạn không?

‒ Có chứ. Thiên bất dung gian, Chu Thế Tông làm vua được mấy năm thì băng hà, truyền ngôi lại cho đứa con chưa đầy ba tuổi tức là Chu Cung Đế Sài Tông Huấn. Xảy ra vụ binh biến Trần Kiều, ba anh em Triệu Khuông Dẫn, Triệu Khuông Nghĩa và Triệu Đình Mỹ được Tam Nguyên Giáo giúp sức mà lập ra nhà Tống. Triệu Khuông Dẫn được họ tôn xưng là Thiên Hoàng, Khuông Nghĩa làm Địa Hoàng và Đình Mỹ làm Nhân Hoàng. Thiên Địa Giáo trở thành Thiên Địa Nhân Tam Nguyên Nhất Thể Giáo hay Tam Nguyên Giáo từ đó. Tuy được họ giúp sức nhưng Tống Thái Tổ và Tống Thái Tông đều muốn trừ khử.

Lý Minh Thần muốn biết thêm về Tam Nguyên Giáo nên hỏi:

‒ Tại sao triều đại nào cũng muốn trừ khử họ vậy?

‒ Lý do rất dễ hiểu là họ có thế lực rất mạnh nhưng không ở yên lo việc tu hành mà ôm mộng biến cả thiên hạ ở dưới quyền và giáo lý của họ. Họ bài Nho, ghét Phật và chê Lão. Các vị vua Trung Hoa lúc bấy giờ hiểu rằng muốn trị quốc an dân thì có hai cách: một là dùng Tam Nguyên Giáo và hai là dùng Nho Giáo. Nho Giáo đã là giềng mối của bao triều đại nên được chọn, do đó Tam Nguyên Giáo phải bị trừ.

Lý Minh Lương đưa ra nhận xét:

‒ Muốn tiêu diệt họ lúc bấy giờ Tống Thái Tổ và Thái Tông phải khôn khéo lắm.

Mai Nhật Sinh khen:

‒ Đại công tử suy đoán rất chính xác. Tống Thái Tổ và Thái Tông mang quân dẹp các nước xung quanh như Nam Đường, Nam Hán, Ngô Việt bằng giáo quân của Tam Nguyên Giáo.

Long Võ Đường Chủ Lê Kính Văn gật đầu:

‒ Xem ra cũng thâm đấy chứ. Thắng hay bại Tam Nguyên Giáo cũng bị hao tổn nguyên khí. Nếu thắng thì sẽ được phong chức tước nơi chiếm đóng, họ sẽ trở thành kẻ thù của con cháu di thần mới bị vong quốc. Còn nếu bại thì cứ theo quân pháp mà trị.

‒ Long Võ Đường Chủ luận rất đúng. Khi Đỗ Thích thí vua Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn, Tống Thái Tông nhân cơ hội Đại Cồ Việt hỗn loạn cho quân nam xâm. Các đại tướng như Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Triệu Phụng Huân đem ba mươi vạn quân và năm mươi vạn dân phu đánh Đại Cồ Việt. Nhân lúc nước nhà gặp nạn ngoại xâm, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên làm vua để đánh giặc. Một trận Bạch Đằng, một trận Chi Lăng, toàn quân Tống bị tiêu diệt. Chỉ có Quách Quân Biện vì không theo Tam Nguyên Giáo nên được ân xá, tất cả các tướng còn lại toàn gia đều bị tru lục. Nhân sĩ Hoa Nam nổi lên đánh đuổi bọn Tam Nguyên Giáo. Vì lẽ đó mà thế lực của Tam Nguyên Giáo ở Hoa Nam rất yếu và hoàn toàn không có ảnh hưởng ở Đại Việt. Hồi Thiên Phù Duệ Võ hoàng đế (7) mới lên ngôi, Quách Quỳ là cháu nội của Quách Quân Biện, đem quân sang đây và bị Đại tư mã Lý Thường Kiệt đánh bại.

Những chi tiết Mẫn Diệu sư bà, Phạm Hoàng Sơn, Tạ Đức Uy và Mai Nhật Sinh kể, Long Võ Minh Chủ đều biết rõ nên chỉ ngồi im nghe. Chờ cho Mai Nhật Sinh kể xong, đích tay ông rót một chung trà, mỉm cười nói:

‒ Bản tòa mời Phi Mã Đường Chủ một chung trà cho thấm giọng trước khi kể tiếp.

Mai Nhật Sinh hai tay kính cẩn tiếp chung trà uống một hơi hết chung. Ông kể tiếp:

‒ Nói về Thiên Ma Giáo Chủ Đào Thiên Hương. Kể từ khi bị trục xuất khỏi Nam Thiên, bà ta biệt tăm hơn hai mươi năm trời. Lúc đó nhiều người cho rằng bà ấy cam lòng tìm chỗ nào đó sống hết cuộc đời còn lại. Sự thật không phải như vậy. Trong một đại hội cử tam đại thánh nữ của Tam Nguyên Giáo năm mươi năm trước đây, có một cô gái vốn là người phương Đông chúng ta tinh thông các triết lý Đông Tây và dùng một thanh bảo kiếm Hồi Giáo đánh bại các cao thủ khác và đoạt ngôi cao nhất trong tam thánh. Nghe đồn lần đó ba vị thánh nữ của Tam Nguyên Giáo đều là người có nhan sắc khuynh quốc. Lúc bấy giờ lão phu mới mười bảy tuổi, huyết khí phương cương nên cũng muốn biết xem họ đẹp thế nào mà giáo chúng Tam Nguyên Giáo đi đâu cũng khen ầm cả lên.

Trần Triệu Quốc Nguyệt trêu chọc ông ta:

‒ Tôi cho rằng Phi Mã Đường Chủ nghe tiếng người ta đẹp nên tìm cách làm quen thì có.

Mai Nhật Sinh cười lớn:

‒ Thì… thì cũng đâu đâu đó.

‒ Thế rồi Đường Chủ có tìm gặp không?

‒ Không được. Lão phu bỏ ra nhiều năm trời truy tìm tung tích của tam thánh nữ nhưng hoàn toàn vô vọng.

Trần Triệu Quốc Nguyệt ngạc nhiên:

‒ Tam Nguyên Giáo rộng lớn như vậy lẽ nào Đường Chủ tìm không ra?

‒ Cũng vì Tam Nguyên Giáo rộng lớn, nhiều người phức tạp nên đâu phải ai cũng vào được tổng đàn của họ mà xem mặt thánh nữ. Vả lại, vì Tam Nguyên Giáo bắt nguồn từ Viễn Tây và Hồi Giáo nên các thánh nữ đều phải che mặt lại hết.

‒ Vậy chứ làm sao Đường Chủ biết hành tung của giáo chủ Thiên Ma Giáo Đào Thiên Hương?

‒ Khi lão phu nản chí định bỏ cuộc thì nghe tin Tam Nguyên Giáo có biến, nội bộ chia rẽ, tàn sát lẫn nhau. Chi tiết thực hư thế nào không mấy người biết rõ, chỉ biết là một trong tam thánh, Thiên Cung Thánh Nữ, thông gian với một vị trưởng giáo để cướp ngôi giáo chủ. Sự việc bị bại lộ, Địa Cung và Nhân Cung Thánh Nữ đem quân diệt Thiên Cung. Hai bên đang kịch chiến với nhau thì hay tin giáo chủ Tam Nguyên Giáo đột ngột qua đời. Còn vị trưởng giáo thông gian với Thiên Cung Thánh Nữ, vì quá đau lòng và hối hận với cái chết của giáo chủ nên đầu hàng Địa Cung và Nhân Cung. Ông ta khai hết sự thật là bị bùa và độc dược của Thiên Cung kềm chế nên bị bắt buộc phải theo Thiên Cung.

Vợ của Lý Minh Thần là Phùng Thụy Uyên cũng cảm thấy thích thú với câu chuyện nên cung tay hỏi Mai Nhật Sinh:

‒ Thưa Đường Chủ, tiểu nữ nghĩ ông trưởng giáo kia chắc chỉ là thuận theo chiều gió để giữ tính mạng. Theo lời kể thì Tam Nguyên Giáo chia ra làm ba cung, thế lực tất ngang nhau. Thiên Cung một chống với hai thì làm sao địch nổi.

‒ Nhị thiếu phu nhân luận như vậy rất hợp lý. Nhưng sự thật lại khác. Lực lượng của Thiên Cung đánh bại hai cung kia. Trong lúc hai cung kia bị nguy cơ tiêu diệt thì vị trưởng giáo cung khai sự thật. Giáo chúng trong Thiên Cung biết được tin ấy theo về hai cung kia hết. Thế là Thiên Cung bị đánh bại một cách triệt để và Thiên Cung Thánh nữ bị truy sát rất gấp. Vị thánh nữ đó bỏ Tống sang Đại Việt và thành lập Thiên Hoa Giáo cách đây ba mươi lăm năm. Người ấy không ai khác mà chính là Đào Thiên Hương của phái Mê Linh.

Trần Triệu Quốc Nguyệt bây giờ mới hiểu rõ Thiên Hoa Giáo từ đâu mà có. Nàng vẫn còn thắc mắc một chuyện:

‒ Phi Mã Đường Chủ có biết làm sao giáo chủ ma giáo tuổi gần trăm mà nhan sắc lại như cô gái mười sáu không?

Mai Nhật Sinh lắc đầu:

‒ Đây là điều mà lão phu không thể nào hiểu được. Ngay như Hồ Nguyên Hoa, tả hộ giáo của ma giáo, cũng già đi như bao người khác. Có lẽ bí mật đó chỉ có mỗi giáo chủ ma giáo hiểu biết mà thôi.

Quay sang Ngô Diệp Thảo, Mai Nhật Sinh hỏi:

‒ Ngô Đường Chủ cũng là người diện mạo trẻ hơn tuổi tác rất nhiều, Đường Chủ có biết không?

Ngô Diệp Thảo cũng lắc đầu:

‒ Thảo này cũng nghĩ không ra. Thông thường một người phụ nữ sống an nhàn, hạnh phúc, ít có phải lo nghĩ nhiều thì giữ được nhan sắc trẻ lâu. Xưa kia các cung tần mỹ nữ các triều đại phương Bắc tìm ra nhiều cách giữ gìn nhan sắc, nhưng không ai tuổi một trăm mà như thiếu nữ mười sáu. Còn đàng này bị giam cầm nhiều năm, nội công bị kềm chế mà nhan sắc không thay đổi, Thảo này thật sự không biết.

Vì thân phận nàng là Tế Tác Đường Chủ nên Trần Triệu Quốc Nguyệt muốn biết rõ về tổ chức của Thiên Hoa Giáo:

‒ Thân thế của bà ta như vậy, nhưng còn tổ chức của Thiên Ma Giáo thì sao?

Long Võ Đường Chủ Lê Kính Văn trả lời thay Mai Nhật Sinh:

‒ Trên cao nhất là bà ta làm giáo chủ. Dưới giáo chủ có tả, hữu hộ pháp. Hồ Nguyên Hoa là tả hộ pháp chúng ta đã thấy mặt. Hữu hộ pháp là Hồ Nguyên Thanh, em Hồ Nguyên Hoa, năm xưa đã bị giết ở Lai Châu. Dưới tả hữu hộ pháp thì có ngũ phương sứ giả. Ngũ phương sứ giả đều bị giết hết. Mỗi sứ giả có hai cung chủ dưới quyền; ma giáo có tổng cộng mười cung, gọi là Đệ Nhất Cung đến Đệ Thập Cung. Thập đại cung chủ của ma giáo cũng không người nào còn sống sót. Để đạt được mục đích tận diệt ma giáo, bên chính phái chúng ta cũng phải bỏ ra một cái giá rất đắt. Nghe lời họ nói thì cao thủ bất phân thắng bại với Trần Triệu Đường Chủ là cung chủ của đệ bát cung.

Trần Triệu Quốc Nguyệt suy ngẫm:

‒ Cách tổ chức của Long Võ Trang và Thiên Hoa Giáo không khác nhau bao nhiêu. Xem ra bao nhiêu cao thủ của họ năm xưa chỉ còn lại giáo chủ và Hồ Nguyên Hoa mà thôi. Những vị cung chủ mà chúng ta chạm trán có lẽ được Hồ Nguyên Hoa bí mật huyến luyện sau này.

‒ Đúng vậy. Sự thật thì Long Võ Trang dựa theo ma giáo và phát triển thêm nên mới có các phân đường như ngày nay.

‒ Thì ra là vậy.

‒ Giữa các cung của ma giáo ra sao chúng ta không rành, nhưng mỗi phân đường của ta đều có nhiệm vụ đặc biệt riêng.

Long Võ Minh Chủ hỏi cử tọa:

‒ Về thân thế của giáo chủ ma giáo, các vị đều nghe hết. Bây giờ vấn đề quan trọng bản tòa muốn hỏi là chúng ta đối với ma giáo sẽ ra làm sao?

Tạ Đức Uy lên tiếng trước:

‒ Bây giờ chúng ta mới thật sự đi vào đề tài chính. Những hành động của ma giáo gần đây và tương lai của võ lâm sau này. Xét về tình lý thì xưa nay chính tà không thể cùng đứng, Phật ma không thể cùng đi, ma giáo tất nhiên phải bị tiêu diệt.

Huệ Giác đại sư, thủ tọa Hoằng Giáo Đường vốn là người chủ hòa, lấy từ bi làm gốc:

‒ Theo ý bần tăng, nếu hòa được thì chúng ta nên hòa để tránh sát nghiệp. Có sinh tất có diệt, rồi đây tất cả chúng sinh đều về với cát bụi. Tuy giáo chủ ma giáo lộng hành bao nhiêu năm nay, nhưng chúng ta đã giam cầm bà ta thời gian cũng không ít. Nếu giáo chủ Thiên Hoa Giáo chịu sống hòa nhã với các môn phái lớn nhỏ khác, chúng ta không nên gây chiến để làm tổn hại thêm chúng sinh.

Mẫn Tuệ sư thái cũng đồng ý với Huệ Giác đại sư:

‒ Lời nói của đại sư rất có lý. Nhiệm vụ của chúng ta giữ gìn công đạo và thuận hòa trong võ lâm. Dù đánh thắng ma giáo, không ít con, em của bên chúng ta phải chịu hy sinh, gia đình ly tán. Chi bằng chúng ta giữ hòa khí để tránh cảnh tang tóc. Nếu như ma giáo ép chúng ta ra tay thì đó là điều đáng tiếc vậy.

Bảo Trang Đường bị tổn thất nhiều nhất nên Phạm Hoàng Sơn không vui:

‒ Các vị Đường Chủ sao thì tại hạ không biết. Nhưng trong bao nhiêu đệ tử của tệ phái tuẫn tiết, tại hạ có bổn phận phải đòi hỏi công đạo họ. Các vị có dám tin rằng giáo chủ ma giáo chịu ngồi yên hay không? Đang đêm họ đột nhập vào Long Võ Trang giết người bừa bãi thì đời nào họ chịu thuận hòa với võ lâm chính phái?

Phi Mã Đường Chủ Mai Nhật Sinh cũng nói:

‒ Trước mặt Minh Chủ và bao nhiêu người giáo chủ ma giáo hứa hẹn sẽ thanh toán các phái lớn nhỏ trong võ lâm. Đành rằng Long Võ Trang chỉ có chín bang phái là đích thân giam giữ bà ta, nhưng những môn phái nhỏ khác hàng năm vẫn đóng góp tiền bạc và công sức không ít trong việc duy trì chính nghĩa và tru lục bọn thảo khấu. Chúng ta không thể hòa.

Long Võ Minh Chủ gật đầu:

‒ Chiến hay hòa, hai bên đều luận rất chặt chẽ. Không biết các vị Đường Chủ khác nghĩ sao?

Ngô Diệp Thảo lên tiếng:

‒ Phái Sài Sơn là do Phù Đổng Thiên Vương sáng lập. Tông chỉ là giết giặc cứu nước, gìn giữ thái bình. Phái Sài Sơn còn là nơi nghiên cứu y dược để cứu người chứ không phải giết người. Do đó nếu ma giáo chịu hòa thì phái Sài Sơn không có lý do gì muốn đánh.

Nùng Đức Nghĩa với khuôn mặt thểu não cũng đóng góp:

‒ Chính tà bất lưỡng lập. Tà mạnh hơn chính thì chính mất, chính mạnh hơn tà thì tà vong, đó là đạo lý vậy. Chúng ta là người chính phái, nếu không nêu cao ngọn cờ chính nghĩa thì ai làm việc đó?

Từ đầu buổi họp đến giờ Luyện Võ Đường Chủ Hồng Sơn Nam mới nói:

‒ Trong trận chiến vừa qua và của ba mươi năm trước phái Hồng Lĩnh tiêu diệt ma giáo nhiều nhất. Giáo chủ ma giáo cũng đã ngõ ý là sẽ trả thù. Ngồi yên đợi giặc sao bằng tìm giặc mà đánh đó là kế sách của Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (8) trước khi ra lệnh cho Đại tư mã Lý Thường Kiệt đánh Lưỡng Quảng. Phái Hồng Lĩnh theo cách đó.

Long Võ Đường Chủ Lê Kính Văn cung tay với Minh Chủ:

‒ Thuộc hạ sẽ tuân lệnh Minh Chủ sai khiến.

Hai anh em Nguyễn Tử Tây, Nguyễn Tử Bạch cũng nói:

‒ Chúng thuộc hạ cũng như Lê quản gia.

Long Võ Minh Chủ gật đầu:

‒ Rất tốt. Phu nhân thì cũng sẽ theo ý của bản tòa. Trong mười vị Đường Chủ thì đã có tám vị nêu chủ ý. Bản tòa không biết ý của phái Đông A và Giao Long Bang thì sao?

Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí cung tay thưa:

‒ Tệ phái xưa nay ghét ác như thù, nêu cao chính nghĩa. Tuy nhiên tệ phái không phải là những người không nói lý lẽ. Nếu ma giáo chịu hòa thì tệ chưởng môn sư huynh không có lý do để gây chiến.

Long Võ Minh Chủ nói:

‒ Tạ Tổng Đường Chủ thì chủ chiến. Trong mười vị Đường Chủ thì Long Võ Đường không có ý kiến. Y Dược Đường, Giảng Văn Đường, Pháp Hình Đường và Hoằng Giáo Đường chủ hòa. Thần Nông Đường, Luyện Võ Đường, Phi Mã Đường và Bảo Trang Đường chủ chiến. Không biết Tế Tác Đường thì sao?

Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn các vị Đường Chủ một lượt. Người nào cũng cũng hồi hộp chờ đợi câu trả lời của nàng. Long Võ Đường gồm toàn gia nhân của Long Võ Trang, của Minh Chủ nên quyết định của Minh Chủ là quyết định của họ. Tạ Đức Uy cũng vậy, tuy làm Tổng Đường Chủ nhưng cũng là thuộc hạ nên cũng phải nghe theo. Hiện tại thì bốn hòa, bốn chiến nên ai cũng đợi câu trả lời của nàng. Bao lâu nay nàng chờ có cơ hội để được trổ tài. Bây giờ cơ hội đã đến nên đại đa số tin nàng chủ chiến. Tin thì tin vậy nhưng phải chờ nàng nói ra miệng mới biết. Trần Triệu Quốc Nguyệt đứng lên cung tay với Minh Chủ:

‒ Đánh tất phải đánh, nhưng đôi khi hòa cũng không phải là chuyện có hại.

Thế nghĩa là làm sao, hòa hay đánh? Mọi người càng chú ý theo dõi hơn. Trần Triệu Quốc Nguyệt nói tiếp:

‒ Tình thế vừa rồi chúng ta ở đất nhà, quân đông hơn mà bị thất bại. Tại sao? Tại vì chúng ta sơ tâm, bị đánh bất ngờ. Nhưng đó là lý do phụ. Lý do chính là võ công của ma giáo không những hơn hẳn chúng ta mà họ còn có chuẩn bị. Trận vừa rồi chúng ta bị hao tổn nguyên khí không ít, còn địch mạnh yếu thế nào, thực lực của họ ra sao ta vẫn chưa biết rõ.

Thần Nông Đường Chủ Nùng Đức Nghĩa bực mình:

‒ Vậy là đánh hay hòa? Chúng tôi chỉ cần nghe đánh hay hòa chứ không cần nghe đứa chưa ráo máu đầu giảng đạo lý!

Trần Triệu Quốc Nguyệt lạnh lùng nhìn ông ta:

‒ Không hiểu rõ tình thế mà dám quyết định đại sự, tôi chưa thấy ai ẩu như ông. Ít ra ông phải biết lý do của Giao Long Bang ra sao trước khi quyết định chứ? Ma giáo chuẩn bị rất chu đáo trước khi đến đây, nếu ta nhắm mắt làm càn xông vào đất của họ sẽ chuốc lấy thất bại.

Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí hỏi:

‒ Ý của Tế Tác Đường Chủ nhiều lần nói ma giáo có chuẩn bị. Tại hạ xin Đường Chủ nói rõ hơn có được chăng?

Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn Y Dược Đường Chủ:

‒ Việc này tôi xin nhờ Ngô Đại Phu trả lời hộ tôi.

Ngô Diệp Thảo trả lời:

‒ Khám xét trên mình những tử thi và giáo chúng ma giáo bị bắt làm tù nhân, Tế Tác Đường tìm thấy một số người còn đồ ăn trong mình. Khi xét nghiệm thì biết đồ ăn có tẩm thuốc kích thích nên lúc giao tranh đám giáo chúng có thể chiến đấu một cách lâu dài.

Trần Hải Chí lại hỏi:

‒ Đại Phu có biết đó là thuốc gì không?

Ngô Diệp Thảo khẽ lắc đầu:

‒ Thảo này không biết thuốc đó nên không rõ công dụng, chỉ biết là nó tăng sức lực trong một thời gian ngắn. Còn cần phải tìm hiểu thêm.

‒ Nếu biết đó là loại thuốc gì, Y Dược Đường có thể bào chế để cho người của chúng ta dùng có được không?

Y Dược Đường Chủ lắc đầu:

‒ Hầu như việc gì cũng vậy, nếu đi quá lẽ thường chỉ có hại chứ không có lợi. Dùng thuốc kích thích, ít thì không sao, dùng nhiều sẽ có hại. Dù có bào chế được Thảo này cũng khuyên các vị tuyệt đối không nên dùng.

‒ Nếu dùng một hai lần có lẽ là được chứ?

Ngô Diệp Thảo trầm ngâm:

‒ Tốt nhất là đừng nên dùng. Nhưng ai biết được cuộc chiến lần này sẽ kéo dài bao lâu, đó là điều chúng ta cần phải suy nghĩ đến.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nói tiếp:

‒ Chúng ta hao tổn nguyên khí cần có thời gian hồi phục. Cội rễ của võ lâm là Long Võ Trang, là Minh Chủ. Xưa nay gốc không vững mà ngọn muốn vẫy vùng trong gió thì chưa hề có vậy. Địch đột nhập Long Võ Trang một lần thì nhất định sẽ có lần sau nếu chúng ta không sửa đổi và chuẩn bị. Ma giáo mạnh yếu ra sao, chiếm cứ nơi đâu ta không biết. Cứ nhắm mắt đâm bừa, mang quân thiên lý viễn chinh, nếu Long Võ Trang hoặc tổng đàn các phái bị đánh úp thì các vị tính sao?

Không riêng gì Minh Chủ mà tất cả những người có mặt đều ngạc nhiên. Một cô gái tuổi mới hai mươi hai mà suy nghĩ sâu xa, lý luận đanh thép. Mọi con mắt và sự chú ý đều đổ dồn lên người của Trần Triệu Quốc Nguyệt nên không ai để ý nghe thấy Y Dược Đường Chủ Ngô Diệp Thảo khẽ thở dài ra chiều thất vọng. Trần Triệu Quốc Nguyệt nói thêm:

‒ Các vị muốn biết Giao Long Bang quyết định thế nào thì đây: Chúng tôi trước chủ hòa, sau chủ chiến.

Nghe đến đó, Ngô Diệp Thảo ngó đi chỗ khác, Trần Hải Chí mỉm cười, Tạ Đức Uy trố mắt còn Phạm Hoàng Sơn thì vuốt râu. Nùng Đức Nghĩa xẵng giọng:

‒ Cái gì mà trước hòa sau chiến? Quyết định tiền hậu bất nhất thì ai tin, ai nghe, ai theo? Sao có thể thành công?

Trần Triệu Quốc Nguyệt không để ý đến ông ta:

‒ Giao Long Bang muốn trước hòa sau chiến là vì chúng ta cần có thời gian chỉnh đốn lại hàng ngũ, cần phải huấn luyện lại đệ tử, thuộc hạ, cần phải dò la tin tức và hành động của ma giáo, cần phải tìm ra kế sách đối phó với Thiên Hoa Kiếm Pháp, cần phải biết sở trường và sở đoản của họ. Sau khi ta chuẩn bị đầy đủ thì chiến vì chính tà không thể đi cùng một con đường. Không chuẩn bị cẩn thận mà đánh thì cái gương đêm trước sẽ còn mãi diễn ra.

Long Võ Minh Chủ mỉm cười khen ngợi:

‒ Tế Tác Đường Chủ tuổi còn trẻ mà suy nghĩ sâu sắc, bản tòa vô cùng khâm phục.

‒ Đa tạ Minh Chủ quá khen.

Tạ Đức Uy tỏ ý không tin:

‒ Mi nói nghe xuôi tai thật đấy. Nhưng giữa nói được và làm được đôi khi cách xa nhau hàng vạn dặm. Chắc mi có kế sách đấy chứ?

‒ Xa hay gần khoảng cách chỉ bằng một sự quyết định mà thôi.

Trần Triệu Quốc Nguyệt cầm một tập sách để trên bàn của nàng từ trước đem đến trước mặt Long Võ Minh Chủ:

‒ Mời Minh Chủ nhã giám.

Long Võ Minh Chủ cầm tập sách lên lật từng trang một, trên mặt không hiện ra một nét biểu cảm nào. Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn quanh cử tọa một lượt:

‒ Phía nam cách Long Võ Trang khoảng năm dặm hơn là một khu rừng rậm rạp có tên là rừng Bân rộng ước chừng trên trăm mẫu. Trong đêm ma giáo đột nhập, tất cả những cao thủ của hai phái Hồng Lĩnh và Việt Thành canh gác chỗ đó đều bị giết hết. Những chuyện này tất cả chúng ta đều biết, không có gì lạ. Điều lạ là ở cây đa ngoài cổng nam có xác chết của Ngô Bình, Phạm Bá, Tôn Khải và Lý Ân. Bốn người họ chết về chưởng lực, thi thể trần truồng vì quần áo bị lột hết. Lê Vũ và Đặng Tiến Hy cũng chết về chưởng lực nhưng xác chết của họ nằm ngay trong cổng nam cùng với Hoàng Vân và Trần Gia Thiện. Hoàng, Trần bị kiếm đâm xuyên từ sau lưng ra trước.

Tạ Đức Uy mặt đã đổi sắc:

‒ Cái chết của những người đó tất cả chúng ta đã biết. Sao mi quanh co mãi mà không nói vào chính đề?

‒ Chi tiết tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Chẳng lẽ ông biết rõ ma giáo dùng cách nào đột nhập vào Long Võ Trang? Nếu biết mà không sửa thì sau này còn tái phạm. Nếu còn tái phạm, ông nghĩ xem, Minh Chủ làm sao an tâm xuất lực đánh ma giáo?

Tạ Đức Uy chưng hửng:

‒ Không lẽ mi biết.

‒ Thì ông cứ để tôi phân tích xem có hợp lý hay không.

Tạ Đức Uy rất giận với cách nói chuyện mà không xem ai ra gì của Trần Triệu Quốc Nguyệt. Lão định phát tác nhưng nghĩ lại rồi cố nén lửa giận. Trần Triệu Quốc Nguyệt tiếp:

‒ Ngô, Lê, Đặng, Phạm, Hoàng, Trần, Lý, Tôn đều là đệ tử của phái Việt Thành. Tám người đệ tử của phái Hồng Lĩnh tất cả đều bị giết ở trên chòi canh. Theo chi tiết trên, chúng ta có thể khẳng định được như sau: Ngô, Phạm, Tôn, Lý, Lê và Đặng bị dụ bỏ nhiệm vụ của mình đi ra ngoài rồi bị giết. Hung thủ sau khi giết xong thì giả dạng Ngô, Phạm, Tôn, Lý đem xác Lê và Đặng vô. Hoàng, Trần bị gạt và bị giết bằng kiếm. Giả thuyết này tương đối vững là vì đệ tử của phái Hồng Lĩnh không hề hay biết cho đến khi có người đột nhập vào chòi canh, lúc đó thì đã trễ.

‒ Như vậy thì làm sao?

Quốc Nguyệt nhìn Minh Chủ:

‒ Minh Chủ đang xem tập sách những người thường bỏ cương vị của mình trong lúc canh gác. Có khi thì rủ nhau đánh chén, có khi gầy sòng đổ bác, ngủ gật, biếng nhác. Tóm lại không những thường xảy ra với phái Việt Thành mà tất cả những phái còn lại ngoại trừ Tản Viên và Giao Long Bang là không phạm mà thôi.

Nàng vừa dứt lời thì nhiều tiếng nhao nhao nổi lên. Phi Mã Đường Chủ Mai Nhật Sinh đập tay xuống bàn giận dữ:

‒ Trần Triệu Đường Chủ muốn đổ hết trách nhiệm lên người khác thì cũng không nên làm bằng cách này. Thân cai quản Tế Tác Đường, giặc đến nhà không hay bây giờ lại bảo do đệ tử Việt Thành sơ xuất? Lý do mới mẻ quá nhỉ.

Luyện Võ Đường Chủ Hồng Sơn Nam cũng nói theo:

‒ Tệ nhất là dám nói thuộc hạ Giao Long Bang không ai vi phạm. Tức cười, cố tình chê bai người khác để tự khoe mình cũng không nên lếu láo như vậy. Nếu Giao Long Bang giỏi thế sao ma giáo lại cướp ngục được đây?

Nùng Đức Nghĩa thì nói mát:

‒ Chỉ có bọn lão phu già cả nên mới không biết cai quản đệ tử, không như những người tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của Giao Long Bang.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn Mai Nhật Sinh:

‒ Tôi nói đệ tử phái Việt Thành biếng nhác chứ tôi không đổ hết trách nhiệm lên đầu ông. Xin ông đừng nhét chữ vào miệng tôi. Tôi tự biết mình không làm tròn nên đã quỳ thỉnh tội…

Mai Nhật Sinh nào chịu bỏ qua:

‒ Á a, thì ra mi đã lập mưu, cố tình quỳ gối để bây giờ tự cho mình trong sạch để mặc tình chỉ trích bọn lão phu. Mưu cao, mưu cao.

‒ Lại nữa, ông lại nhét chữ vào miệng tôi. Ý tôi muốn nói là nếu không chấp nhận cái quấy của mình và chịu sửa sai thì sự việc sẽ còn tái phạm.

‒ Chúng ta khoan hãy bàn chuyện sai đúng. Bằng cứ vào cái gì mà Tế Tác Đường Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt công chính nghiêm minh cho rằng đệ tử các phái biếng nhác còn thuộc hạ Giao Long Bang toàn những người giữ gìn kỷ cương?

‒ Tôi đã tra xét tất cả và chép vào tập sách…

Mai Nhật Sinh phá ra cười, vỗ tay xuống bàn nghe rầm rầm như mới nghe được một điều hết sức thú vị:

‒ Ha ha ha… đừng nói là tập sách mỏng đó mà mười tập, hai mươi tập lão phu cũng viết ra được. Lẽ nào Trần Triệu Quốc Nguyệt Đường Chủ cho tập sách đó có quyền vạn năng. Ngay bây giờ lão phu viết mười tập nói rằng thuộc hạ Giao Long Bang cướp của giết người, liệu Đường Chủ có tin chăng? Ấu trĩ, đúng là quá ấu trĩ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt mặt không biến sắc, hai mắt sáng long lanh chiếu ra những tia hàn quang cực mạnh:

‒ Nếu muốn trách thì trách tôi điều tra đệ tử phái Việt Thành mà không báo cho ông biết. Những đệ tử có tên trong sách, ông cứ đích thân tra hỏi xem họ trả lời thế nào. Tin hay không tùy ông định liệu. Trong quá trình tra khảo tôi có cho biên chép đầy đủ. Tập sách kia chỉ là đại cương. Ông nghi ngờ bất kỳ chỗ nào thì cứ nêu ra, Tế Tác Đường sẽ có câu trả lời thỏa đáng.

‒ Hừ! Điều tra, điều tra. Vậy Trần Triệu Quốc Nguyệt Đường Chủ có đích thân tra khảo thuộc hạ của mình chăng? Hay là chỉ thích chí công vô tư với các phái khác còn thuộc hạ của mình thì nhắm mắt làm lơ?

Nàng biết Mai Nhật Sinh cố tình ép nàng vào tội thiên vị với thuộc hạ. Nàng đâu dễ bị mắc mưu nên cười nửa miệng:

‒ Hay là thế này: ông tra khảo thuộc hạ Giao Long Bang, còn tôi hỏi cung đệ tử phái Việt Thành trước mặt Minh Chủ xem những người họ trả lời như thế nào.

Mai Nhật Sinh lập tức đứng lên đập tay xuống bàn rồi chỉ thẳng vào mặt Trần Triệu Quốc Nguyệt quát:

‒ Mi dám thách lão phu? Ngay đến tên Trần Triệu Quốc Nam lúc còn sống cũng không dám vô lễ với lão phu như vậy.

Trần Triệu Quốc Nguyệt cũng cao giọng, cười nửa miệng:

‒ Ông cứ một mực khăng khăng không tin vào những lời tôi nói. Không sao! Ông tự thị mình là người đọc sách, suốt ngày mài văn nắn chữ, điển cố thánh hiền làu thông, vậy sao không đưa ra cách thức điều tra và sửa đổi cho mọi việc được tốt hơn. Việc làm của người khác thì chẻ sợi tóc làm tư, chê bai này nọ nhưng chính mình không có ý kiến đóng góp. Tôi chỉ biết đọc biết viết, học hành chẳng nhiều nên xin kính cẩn hứng tai nghe lấy những lời vàng ngọc.

‒ Ngươi… ngươi…

Mai Nhật Sinh nhất thời quá nóng giận, người lảo đảo đứng không vững.

Trần Hải Chí thấy tình trạng quá tệ hại mà không biết làm gì để can ngăn nên chỉ ngồi khẽ thở dài. Tính khí của Trần Triệu Quốc Nguyệt ra sao lâu nay ông rất rõ. Ương ngạnh, cương trực, sỗ sàng, nhiệt huyết. Chỉ cần cho là đúng thì nhất định nói. Ngoài Minh Chủ ra, Trần Hải Chí chưa thấy nàng chịu khuất phục ai bao giờ. Ông khẽ đưa mắt nhìn Y Dược Đường Chủ. Ngô Diệp Thảo cũng nhìn Trần Hải Chí. Hai người không ai nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu ý đối phương.

————————

Ghi chú:

(1) Ca dao.

(2) Tức là Nùng Trí Thông và Nùng Tông Đán. Nùng Trí Thông, anh Nùng Trí Cao, bị vu làm phản vào năm 1044 thời vua Lý Thái Tông. Nùng Tông Đán làm phản theo Tống mở cửa biên giới cho Quách Quỳ, Triệu Tiết mang quân Tống sang xâm chiếm vào năm 1076 thời vua Lý Nhân Tông. Có sách viết sau khi thất bại, Nùng Tông Đán theo Quách, Triệu về Tàu. Có sách chép Nùng Tông Đán bị triều Lý chém đầu trên sông Như Nguyệt.

(3) Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ nhất thời vua Lý Thái Tông là năm Quý Mùi 1044.

4) Lưu Trí Viễn là người bộ tộc Sa Đà, lập ra nhà Hậu Hán và ở ngôi năm 947‒948.

(5) Quách Uy cướp ngôi nhà Hậu Hán, lập ra Hậu Chu vào năm Mậu Thân (948).

(6) Sự việc Chu Thế Tông đốt phá đền chùa lấy đồng đúc tiền xảy ra vào năm Ất Mão (955).

(7) Thiên Phù Duệ Võ là niên hiệu của vua Lý Nhân Tông từ năm 1120‒1126.

(8) Linh Nhân Hoàng Thái Hậu là mẹ vua Lý Nhân Tông. Bà chính là cô gái hái dâu được vua Lý Thánh Tông đem vào cung phong làm Ỷ Lan Phu Nhân.