Chính Khí Trời Nam

Chương 02: Thiên Ma Giáo Một Phương Quật Khởi



Làng Lau, tức là Long Võ Trang, được chia làm tám thôn phân chia ra bốn phía. Phía bắc có hai thôn Thượng Đông và Thượng Tây. Phía nam có hai thôn Hạ Đông và Hạ Tây. Phía đông có hai thôn Đông Thượng và Đông Hạ. Phía tây có hai thôn Đoài Thượng và Đoài Hạ. Làng có bốn cổng chính nam, bắc, đông, tây và bốn cổng phụ ở bốn hướng còn lại.

Sông Đáy là sông lớn nhất Lộ Trường Yên chảy qua cách phía bắc Làng Lau khoảng mười lăm dặm. Sông Đáy hợp với các con sông như Nho Quan, Hoàng Giang, Chính Đại và Vạc đổ ra Biển Đông. Chỗ sông Đáy chảy ra biển gọi là cửa Đáy, tên chữ là Đại An hay Đại Ác. Cửa Đại An cách cửa biển Thần Phù không xa nên địa thế hiểm trở phi thường. Dân gian có câu ca dao như sau:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù.
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Việc cai trị của làng Lau giống như hầu hết các làng khác vùng châu thổ Đại Việt. Làng có lý trưởng, phó lý, trương tuần, các chức sắc, bô lão và kỳ hào. Tất cả mọi sự việc liên quan đến làng xã đều được hội họp và giải quyết trong đình làng. Nhưng vì làng Lau là đất phong của vị minh chủ võ lâm nên hầu hết những chức vị đó đều do người nhà của minh chủ hoặc cao nhân các phái đảm nhiệm. Mỗi tháng Long Võ Trang họp ba lần vào ngày mồng một, mồng mười và hai mươi trong Quang Minh Đường để giải quyết các việc lớn nhỏ trong làng và võ lâm.

Lúc Uy Long Minh Chủ còn sống, Long Võ Trang chỉ có bốn thôn Thượng, Hạ, Đông, Đoài và Long Đình Lâu là biệt khu ở giữa. Đến khi Long Võ Minh Chủ lên kế nghiệp thì mới phát triển thanh thế Long Võ Trang thành tám thôn và một biệt khu như hiện nay. Mỗi thôn đều có một vị thôn trưởng hay lý trưởng, rồi đến các phó lý, trương tuần, vân vân. Long Võ Trang vừa theo lối của triều đình, làng nước lại vừa theo lối võ lâm nên thôn còn gọi là đường và thôn trưởng được gọi là đường chủ. Đường ở đây có nghĩa là cung điện, nơi cai trị, như miếu đường, triều đường. Hiện tại nhân sự của các bang phái tại các thôn như sau:

‒ Thôn Đông Trên là Y Dược Đường do phái Sài Sơn đảm nhiệm. Đường chủ tên Ngô Diệp Thảo. Vì bà có đôi bàn tay rất đẹp nên người đời gọi là Ngọc Thủ Đại Phu.

‒ Thôn Đông Dưới là Thần Nông Đường do phái Tây Vu đảm nhiệm. Đường chủ tên Nùng Đức Nghĩa. Ông là một kiếm khách danh tiếng nên được gọi là Đồng Văn Nhất Kiếm.

‒ Thôn Hạ Đông là Phi Mã Đường do phái Việt Thành đảm nhiệm. Đường chủ tên Mai Nhật Sinh. Võ công của ông thuộc dương cương và có môn khinh công trác tuyệt nên người đời gọi là Hỏa Thiên Mã Mai Nhật Sinh. Ai cũng thích tên này ngoại trừ trên dưới phái Sài Sơn vì họ là đời sau của Thánh Gióng.

‒ Thôn Hạ Tây là Luyện Võ Đường do phái Hồng Lĩnh đảm nhiệm. Đường chủ tên Hồng Sơn Nam với biệt hiệu là Việt Điểu. Biệt hiệu ấy do cách ông tấn công đối phương như chim trời lao xuống chứ khinh công không bằng Mai Nhật Sinh.

‒ Thôn Đoài Dưới là Hoằng Giáo Đường do phái Tiêu Sơn đảm nhiệm. Đường chủ là một nhà sư với pháp hiệu Huệ Giác. Người trong võ lâm gọi ông là Huệ Giác Di Đà.

‒ Thôn thôn Đoài Trên là Pháp Hình Đường do phái Mê Linh đảm nhiệm. Đường chủ là Mẫn Diệu sư bà với môn kiếm pháp Mê Linh lẫy lừng Trời Nam đến cả Nùng Đức Nghĩa cũng không phải là đối thủ.

‒ Thôn Thượng Tây là Tế Tác Đường do Giao Long Bang đảm nhiệm. Đường chủ tên Trần Triệu Quốc Nguyệt, tự xưng là Bắc Hải Diêu Ngư. Tuổi của nàng mới 22 và cũng là người trẻ nhất trong các vị đường chủ. Võ khí nàng ưa thích và sử dụng là một ngọn roi mềm có hình dạng như đuôi cá đuối dài một trượng.

‒ Thôn Thượng Đông là Giảng Văn Đường do phái Đông A đảm nhiệm. Đường chủ tên Trần Hải Chí, em họ xa của chưởng môn Trần Tự Quang. Phái Đông A nổi tiếng ở chưởng lực nhưng Trần Hải Chí lại trở thành một thần đao của môn phái. Ngoài ra ông còn là một người giỏi văn học, thích thơ ca nên được gọi là Danh Bút Thần Đao.

Tám thôn làng Lau ở dưới quyền và nhận lệnh từ tổng đường chủ Tạ Đức Uy. Tính của Tạ Đức Uy nóng như lửa và dễ giận. Mỗi khi ông hét lên tiếng lớn như hổ gầm khiến nhiều người kinh sợ và gọi ông là Nộ Hiệp.

Minh Chủ Thành vuông vức nằm ở giữa Long Võ Trang và được chia ra làm hai khu đông tây. Khu phía tây là Bảo Trang Đường do phái Tản Viên đảm nhiệm. Đường chủ tên Phạm Hoàng Sơn. Vì ông là người thích an nhàn, ưa sự yên tĩnh ông còn được biết qua tên Phạm Dật Sĩ. Ở khu phía đông của Minh Chủ Thành là Long Võ Đường, do người nhà của Long Võ Minh Chủ đảm nhận. Hiện thời đường chủ là quản gia họ Lê tên Kính Văn. Dù trời rét hay trời nóng ông vẫn phe phẩy một cây quạt nhỏ bằng mo cau, cho nên mỹ hiệu của ông là Khoái Phiến Lang Quân. Vì tài văn chương ông còn phụ trách dậy học. Học trò xa gần lẫn người kính mến xung quanh gọi ông là thầy đồ Văn. Toàn bộ trên dưới Long Võ Đường đều là gia tướng của Long Đình Quốc Công, thầy đồ Văn nhận lệnh trực tiếp từ Long Võ Minh Chủ mà không qua tổng đường chủ Tạ Đức Uy.

Luật lệ định ra từ xưa chức vị đường chủ phải do một người có địa vị ngang hàng với chưởng môn hay người thủ lĩnh của các bang phái đảm nhận. Dưới mỗi vị đường chủ có ít nhất hai vị phó lý, hay phó đường chủ cũng thế. Về nhân sự giữ chức phó lý không có quy định hẳn hòi, tùy theo mỗi bang phái đặt người sao cho thích hợp. Vì thế chức vụ ấy thường do những đại đệ tử các phái nắm giữ để tập sự và lập công trạng hầu sau này có đầy đủ uy tín lên nắm quyền môn hộ.

Thời nhà Lý còn đặt ra là con trai đến tuổi mười sáu sẽ được làng làm lễ, ghi tên tuổi vào sổ làng và gọi là hoàng nam. Hoàng nam được làng cấp ruộng để cày cấy và tháng tháng phải học văn cùng luyện võ để phòng trộm cướp và đóng góp vào việc làng nước. Hoàng nam Làng Lau còn gọi là trang đinh, gồm nam lẫn nữ do mỗi bang phái tuyển người đưa đến thôn của mình cai quản để lập một đạo quân. Mỗi đạo quân chia ra làm tả hữu mỗi bên năm trăm và do ít nhất một phó đường chủ chỉ huy trực tiếp.

Với thập đường và thập đạo, tổng số quân trong Long Võ Trang có trên một vạn võ sĩ tinh nhuệ và thiện chiến. Đó là chưa kể đến gia quyến và những thường dân. Nam Thiên Đệ Nhất Trang là đấy, tiếng tăm lẫy lừng nhất Trời Nam vang dội từ Tống, Đại Lý đến Chiêm Thành, Chân Lạp và sang tận vương quốc Gia Va và những hải đảo Ma Lay xa xôi tận ngoài biển Đông.

Sau khi nhìn kỹ tấm bản đồ địa thế Long Võ Trang và xung quanh, Tạ Đức Uy hỏi ý kiến:

‒ Các vị Đường Chủ có mưu kế tất thắng nào không?

Tế Tác Đường Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt cười cười nửa miệng, giả đò gãi cằm và thái độ rất dửng dưng. Nàng vừa nói vừa gật gù:

‒ Phá giặc không khó. Chúng đã mò đến đây, chả nhẽ sợ chúng chạy đâu cho thoát? Tôi có đề nghị mở toang tám cổng, thắp đuốc soi đường, sắp hàng ngay lối, chỉ hướng Minh Chủ Thành mời chúng vào trong. Sau đó khóa chặt các ngõ, bát đạo liên minh cùng nhau dùng sức mạnh tiêu diệt. Ta ngồi ở Quang Minh Đường không có làm gì, chi bằng cứ xơi trà xơi nước, chốc chốc hỏi thăm sức khỏe của giặc thế nào.

Nàng ngừng lại như nghĩ ra được điều gì quan trọng:

‒ Nhưng nước đã đến trôn còn kế sách mẹ gì nữa. Giặc đến nhà đàn bà… chúng cũng đánh. Chúng tiến vào cổng nam, phen này chết chắc. Tôi đề nghị rằng chúng ta sửa sang lại chiếc váy cho tươm tất rồi ra ngoài. Giặc chém đến đâu ta ngửa cổ đến đó là xong. Ít ra cũng có ích lợi hơn ngồi trong này mà bàn với vẽ. Chả nhẽ sau khi đánh nhau nghiêng ngả đất trời một trận còn lo không biết bọn đó là ai? Nguyệt tôi đã mặc sẵn váy và không sợ chết, các vị thì sao?

Nhiều vị đường chủ nghe Trần Triệu Quốc Nguyệt hiến kế mà giận tím mặt. Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí khẽ cau mày ngầm than vãn: “Khổ quá đi mất! Con gái gì mà… Tổng Đường Chủ tính nóng như lửa mà Trần Triệu Đường Chủ lại ít chịu giữ miệng, thế nào cũng xảy ra cãi vả. Thân phận thuộc cấp nhưng nói chuyện với Tổng Đường Chủ như kẻ ngang hàng.” Trong khi đó Tạ Đức Uy đã nổi cơn thịnh nộ:

‒ Lại là mi nữa Trần Thị Nguyệt. Mi có biết là mi đang nói chuyện với ai không hử? Là người lớn đó! Thật là tức chết ta đi được. Mi là phận gái, tuổi đáng con cháu. Mi phải biết ngoan ngoãn nghe người lớn dậy bảo xong rồi mới đến lượt mi mở miệng. Mi chỉ nên đứng dựa cột mà nghe, biết chửa? Mi hỗn đến thế cơ à? Những gì mi nói cũng gọi là kế sách ư?

Tạ Đức Uy nhìn xung quanh và nói một cách tức giận và lắc đầu:

‒ Con bé Trần Thị Nguyệt thật là không xứng ngồi ở đây. Không xứng! Hoàn toàn không xứng!

Cô gái cũng không vừa:

‒ Trần Thị Nguyệt chỉ là cô gái mồ côi bị đời khinh miệt. Hiện thời tôi đứng thứ ba trong Giao Long Bang tên là Trần Triệu Quốc Nguyệt! Ông hỏi kế sách, tôi đã trình bày. Ông cho là dở thì tôi lắng tai nghe mưu cao kế giỏi. Tôi hỏi ông một điều: Thân phận của chúng ta là tướng soái, quân binh đánh nhau với địch cả đêm vậy mặt mũi của chúng ra sao nào ai ở đây biết? Xông ra ngoài đánh một trận vẫn hơn trong này ngồi nhìn bản đồ nói chuyện phiếm. Nực cười. Nếu là tôi thì sự việc đâu đến nỗi này. Chúng tiến vào cổng nam đánh đến Minh Chủ Thành, phen này chết chắc

‒ Nếu không do mi bất tài, thiếu sự hiểu biết, làm việc vô năng, hành sự chểnh mảng đến nỗi Long Võ Trang đang đêm bị tập kích mà chính mi tự khai không biết giặc là ai. Tài năng tuyệt thế của Tế Tác Đường Chủ như thế à?

Giữa Tạ Đức Uy và Trần Triệu Quốc Nguyệt hay bất hòa và thường đưa đến to tiếng với nhau. Tạ Đức Uy cho Trần Triệu Quốc Nguyệt còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, không gánh nổi việc lớn. Ngược lại Trần Triệu Quốc Nguyệt lúc nào cũng muốn được trổ tài và cho rằng họ Tạ ỷ lớn chuyên quyền, nóng tính nên không phục. Ban nãy hai người đã có lời qua tiếng lại. Nàng không đồng ý với cách dụng binh của Tạ Đức Uy nên sẵn dịp nàng nói điêu với lão:

‒ Có rất nhiều việc tôi không có quyền biết đến. Khi có chuyện trăm dâu đổ đầu tằm. Tôi bị mắng đến vuốt mặt không kịp đây.

Tạ Đức Uy gầm lên, tay đập xuống bàn rầm rầm:

‒ Oắt con mi nói cái gì? Lúc lão phu bắt đầu lăn lộn trên chốn giang hồ, sống chết trong gang tấc thì mi đang ở cái xó nào hử? Mi đừng có hỗn với bậc trưởng bối rồi đem cái gọi là Giao Long Bang ra dọa nạt lão phu. Làng Luồng của mi chỉ là con giun sán so với con rồng ở Làng Lau. Xưa nay lão phu nào có để mấy đứa nhãi ranh không qua khỏi ngọn cỏ như mi ở trong mắt.

Trần Triệu Quốc Nguyệt không chịu kém:

‒ Nếu ông còn nhớ mình là bậc trưởng bối thì cư xử phải cho giống. Ông hỏi ý mọi người thì tôi đưa lời kiến giải của tôi. Mưu kế có chỗ nào dở ông cứ bắt bẻ, việc gì phải nhiếc mắng? Ông dòng dõi nhà tướng của Đại Việt thì chúng tôi cũng là đời sau của bậc anh hùng. Ông lớn tiếc mạt sát thì Nguyệt này không phục.

Các vị đường chủ chỉ biết nín thở. Tạ Đức Uy quát tháo ầm ỹ:

‒ Trong Long Võ Trang thân phận của mi là Tế Tác Đường Chủ, thôn trưởng thôn Thượng Tây. Mi tưởng sự nể phục của mi nặng cân hơn địa vị Tổng Đường Chủ? Trách nhiệm của một vị Tế Tác Đường Chủ là gì chẳng lẽ mi lại không biết mà bây giờ còn có ý định chạy tội? Rồi còn phục với không phục. Lão phu không cần mi phục, chỉ cần mi câm mõm để lắng nghe người lớn dậy bảo.

‒ Tôi làm sao không biết trách nhiệm của tôi!

‒ Nói ra nghe thử.

‒ Trách nhiệm của một vị Tế Tác Đường Chủ là lúc nào cũng dọ thám, quan sát tình hình của võ lâm Nam Thiên nói chung và Đại Việt nói riêng. Tất cả những xích mích lớn nhỏ phải hiểu rõ tường tận. Nói cách khác là giúp Long Võ Trang thị sát, cai trị và giữ hòa bình toàn thể võ lâm.

Tạ Đức Uy tay nắm lại thành quyền đập xuống bàn một cái đùng, hai mắt cơ hồ toé lửa nhìn thẳng vào mặt Tế Tác Đường Chủ gằn từng tiếng:

‒ Vậy thì so với những gì mi mới nói, mi làm được bao nhiêu phần? Giặc đánh đến Long Võ Trang đêm nay là ai, thuộc tổ chức nào, võ công ra sao, tổng cộng bao nhiêu người, nhất nhất mi có biết hay không? Như mi nói, bị đánh đến trôn rồi mà còn ngớ ngớ ngẩn ngẩn.

Trần Triệu Quốc Nguyệt thản nhiên:

‒ Ban nãy tôi có nói rồi. Tôi không biết vì các nơi không gởi tin về. Có rất nhiều nơi quyền hạn của tôi không đến. Những nơi tôi nắm rõ tình hình thì có thể khẳng định rằng bình an vô sự.

‒ Vậy là… chết đến gáy một cách bình an. Hừ. Khoác lác! Mi muốn hùng biện để chạy tội chăng, hay ngỏ lời năn nỉ xin tha? Các vị đường chủ hãy lắng nghe lời nói cao đẹp của Tế Tác Đường Chủ.

‒ Không bao giờ! Tôi nhìn nhận là tôi không biết về sự việc đêm nay. Nhưng đáng lẽ khi biết có chuyện tày trời thì người nào lo nhiệm vụ của người nấy. Chúng ta đã có hoạch định về việc này từ trước. Làng Lau có hào sâu, có lũy tre cao dầy như một bức thành kiên cố bảo vệ. Tám cổng làng đều có trang đinh võ công cao cường canh giữ. Mỗi thôn là một đạo quân thiện chiến. Dù kẻ địch có mạnh đến thế nào cũng không thể đánh vào đây dễ dàng được. Long Võ Đường và Bảo Trang Đường ở giữa làm trừ bị, sẵn sàng tiếp ứng các nơi. Ông chỉ việc ngồi ở Quang Minh Đường khiển tướng để chúng tôi là bên ngoài điều binh. Chúng ta chỉ cần giữ vững các cổng đến trời sáng thì không cần phá giặc cũng tự tan.

Nàng nhìn thẳng vào mặt Tạ Đức Uy tiếp tục chất vấn:

‒ Lúc mới bị gọi đến đây tôi đã trình bày kế sách rõ ràng và hợp lý. Các vị đường chủ có mặt đều có thể làm chứng. Nhưng ông không nghe mà cứ làm theo ý của ông. Các đạo cứ bị kêu tới gọi lui, chạy đông chạy tây. Cái tệ nhất là ông cho gọi tất cả các đường chủ về Trung Đường hội nghị. Quân không tướng như rắn không đầu. Thắng bại ra sao chưa rõ, thương vong ra sao chưa biết vậy mà chúng ta ngồi trong này khệnh khạng đòi bàn với luận. Vì vậy lần thứ nhì tôi hiến kế là bây giờ xông ra đánh nhau một trận. Việc trước mắt là làm chủ tình hình. Sau đó điều động các đạo để phản công và phá giặc. Phá giặc rồi muốn tìm hiểu về bọn chúng thì mặc sức mà bơi. Chúng ta sắp bị chết đến gáy rồi mà còn đòi bàn với luận. Rõ nực cười.

Tạ Đức Uy giận đến run người. Sắc mặt của lão đỏ như than hồng. Hai mắt của lão nhìn tam bang chủ của Giao Long Bang mà như muốn nổ tung ra. Vì quá giận miệng lưỡi ấp úng mãi không nói ra được chữ nào. Trần Hải Chí nghe Trần Triệu Quốc Nguyệt nói mới hiểu ra tại sao trong lúc nguy kịch mà lại có sự đôi co lớn tiếng giữa hai người. Ông vội tìm lời can gián vì sợ rằng nếu nói nữa nàng sẽ vượt ra ngoài khuôn phép và mang tội đại bất kính:

‒ Trần Triệu Đường Chủ dù sao cũng còn thơ dại. Tuổi trẻ khí huyết đương thịnh nên nói chuyện hay có lời xúc phạm. Tổng Đường Chủ nên bỏ quá để tỏ lòng vị tha của mình, nêu cao đức sáng của Minh Chủ, làm gương cho nhân sĩ võ lâm. Như vậy thì trên dưới mới một lòng, trong ngoài mới đồng tâm và phá giặc mới dễ dàng. Chúng ta không nên vì chuyện nhỏ mà làm mất hòa khí. Địch chưa đánh vào mà tự mình gây loạn, như vậy sẽ làm phụ lòng ủy thác của Minh Chủ.

Nghe đến minh chủ và lời khuyên giải thấp cao của Trần Hải Chí, Tạ Đức Uy nguôi giận phần nào nhưng mặt vẫn còn đỏ, miệng vẫn thở phì phò. Quay sang Trần Triệu Quốc Nguyệt, Trần Hải Chí nói tiếp:

‒ Xin Tế Tác Đường Chủ nể mặt tại hạ và các vị Đường Chủ ở đây mà bớt lời xung đột với Tổng Đường. Chúng ta cãi nhau không đánh lui được giặc.

Tế Tác Đường Chủ nghe thuận tai nên cũng đồng ý:

‒ Tôi vốn thẳng tính nên có sao nói vậy chứ không ghét bỏ gì ai. Đa tạ Trần Đường Chủ nhắc nhở.

Nói rồi nàng nhìn qua các vị đường chủ khác một lượt:

‒ Các vị muốn bàn cứ bàn, muốn tính cứ tính. Tôi ra ngoài kia cho chân tay không bị vướng víu. Đạo làm tướng không nên tìm cái chết ở xó nhà, trông rất khó coi. Hễ có quân lệnh cứ truyền cho Nguyệt này. Việc dùng quân đánh trận Nguyệt này không dở. Các vị nghị luận kế sách vui vẻ.

Nói rồi nàng bỏ đi ra ngoài và thầm nghĩ trong lòng: “Nếu là do mình chỉ huy, nói không chừng bây giờ đã ca khúc khải hoàn. Cứ theo cái đà này sự việc sẽ càng tồi tệ hơn trước khi trời sáng. Bà mẹ nó, tức chết đi được.” Trong khi đó Giảng Văn Đường Chủ nhìn theo bóng lưng của nàng mà thầm thở dài ngao ngán: “Con gái gì mà… Tổng Đường Chủ lớn tuổi, chức phận cao lại hay nóng tính nên nói chuyện dễ mất lòng người. Tế Tác Đường Chủ là tam bang chủ của một bang lớn trên biển, cai trị bọn lâu la đã quen. Trẻ tuổi ương ngạnh. Đã thế thỉnh thoảng còn văng tục nữa chứ. Hai người nói chuyện với nhau lúc nào cũng làm điếc tai mọi người xung quanh.”

Bảo Trang Đường Chủ Phạm Dật Sĩ từ tốn lên tiếng:

‒ Theo ý tại hạ, những gì Tế Tác Đường Chủ nói tuy hơi khó nghe nhưng không phải vô lý. Chúng ta đã phần nào ỷ y và khinh địch ngay từ lúc đầu. Địch đã đánh tới Minh Chủ Thành rồi mà trong chúng ta chưa thấy mặt mũi chúng ra sao.

Trần Hải Chí nhận xét:

‒ Đường Chủ nói rất có lý. Theo thiển kiến thì chắc địch nhân đã dồn hết sức lực đánh ván cờ này và bây giờ mới tung ra thế hiểm. Chúng ta nên ra ngoài ứng phó. Cứ như kế hoạch ban nãy trình lên Minh Chủ, chúng ta chặn hết tám cổng làng rồi dùng các đạo bao vây và tiêu diệt.

Đến đó thì có người vào báo:

‒ Trình Tổng Đường Chủ và các vị Đường Chủ rõ: Địch quá mạnh lại dùng xa luân chiến, Bảo Trang Đường và Long Võ Đường không cầm cự được bao lâu nữa. Pháo lệnh đã gọi các đạo về Minh Chủ Thành.

Tạ Đức Uy ra lệnh:

‒ Được rồi, chúng ta ra ngoài ước định tình hình rồi giải quyết.

Đến đó lại có người vô báo:

‒ Trình Tổng Đường Chủ và các vị Đường Chủ rõ: Cửa nam Minh Chủ Thành đã thất thủ, địch đã vào được bên trong.

Tạ Đức Uy lâm trận không rối:

‒ Lệnh cho Long Võ Đường và Bảo Trang Đường lùi lại bảo vệ Long Đình Lâu và nhất là phải canh gác Viên Nguyệt Hồ cẩn thận. Phải nên giữ chặt đội ngũ. Đóng cửa và bảo vệ tám cổng làng thật cẩn thận. Tất cả kéo về Minh Chủ Thành dẹp giặc.

‒ Xin tuân lệnh!

Tạ Đức Uy dẫn chín vị đường chủ đến trước hương án làm lễ. Trên cao nhất là thờ quốc tổ, quốc mẫu của tộc Việt. Giữa là ba vị hoàng đế của triều Lý. Bên dưới cùng là tổ tiên họ Đào. Hai bên hương án treo hai đôi câu đối do Lê Kính Văn viết. Một đôi câu đối là:

Gia Trung Hộ Quốc Vi Lương Đống
Tộc Thất Quang Minh Thị Miếu Đường

Đôi thứ hai:

Công Thần Đại Đại Lưu Thiên Cổ
Dũng Giả Nhân Nhân Trấn Chư Bang

Nét chữ uốn lượn tuyệt đẹp hiện ra khí khái của một người vừa chính trực vừa có một thân võ công cao cường. Làm lễ, tuyên thệ và nêu cao mục đích xong, mười người họ ra khỏi Quang Minh Đường thẳng đến cổng nam và cũng là cổng duy nhất của Long Đình Lâu. Hai bên cửa nam Long Đình Lâu là hai vọng canh rất lớn, đủ chỗ cho bốn mươi người đứng ngồi thoải mái. Ngoài ra còn có trống điểm canh, trống trận và cờ ngũ hành. Hai bên cổng có đôi câu đối cũng do Long Võ Đường Chủ viết:

Anh Minh Hiệp Nghĩa Thu Nhân Sĩ
Lễ Đức Trung Lương Phục Võ Lâm

Bên trên vọng canh Long Võ Minh Chủ đã đeo một thanh bảo kiếm khác vào hông đứng cạnh hai vị tả hữu hộ trang để lược trận. Tạ Đức Uy dẫn mọi người lên vọng canh cung tay chào minh chủ, nhưng Long Võ Minh Chủ khoát tay:

‒ Các vị miễn lễ.

Nói rồi ông chỉ tay xuống bãi chiến trước Long Đình Lâu lúc đó đang đánh nhau mịt mù trời đất:

‒ Phép dùng binh thường nói đánh rắn phải đánh dập đầu. Nhưng Tạ huynh nhìn xem, bọn người áo đen kia tiến thoái nhịp nhàng, công thủ có thứ tự lớp lang chẳng khác nào Thiên Tử Binh đang tập trận. Bản tòa nãy giờ quan sát xem tướng chỉ huy của họ là ai và đứng ở đâu điều động để còn ra tay kiềm chế. Tạ huynh có biết bản tòa thấy gì không?

Tạ Đức Uy cung kính:

‒ Thuộc hạ xin nghe lời vàng ngọc của Minh Chủ.

‒ Bản tòa không tìm ra được người chỉ huy nên có đôi chút phân vân.

Tạ Đức Uy và các vị đường chủ nghe vị minh chủ nói đều thất sắc. Long Võ Minh Chủ chỉ tay vào hai người đang đánh nhau:

‒ Đủ sức đấu ngang tay với tam bang chủ của Bang Giao Long trên trăm chiêu chưa phân thắng bại, Tạ huynh nghĩ xem võ lâm phỏng có được mấy người?

Năm năm trước Hải Giác Bang ở Quảng Nam Tây Lộ của Tống vừa ỷ mình hùng mạnh vừa ỷ vào sự chống đỡ của Đông Hải Long Vương mà dùng năm chiếc thuyền lớn gây hấn với Giao Long Bang ở ngoài khơi thị trấn Bắc Hải. Nhưng trời xui đất khiến biển dẫn lối cho chúng gặp phải Trần Triệu Quốc Nguyệt. Nàng dễ dàng đánh chìm ba chiếc thuyền của bang Hải Giác. Nàng chờ cho hai chiếc còn lại vớt người lên rồi đánh chìm thêm một chiếc và sau đó còn gởi lời cảnh cáo đến bang chủ bang Hải Giác là Thạch Khâm.

Quảng Nam Tây Lộ còn được gọi là Quảng Tây. Cùng với Quảng Nam Đông Lộ lập thành Lưỡng Quảng của Tống. Lưỡng Quảng còn có tên gọi là Lưỡng Việt. Tuy bang Hải Giác thuộc đất Tống nhưng ít nhiều phải nể sợ Long Võ Minh Chủ nên viết thư khiếu nại đến Long Võ Trang. Long Võ Trang xử hòa nên dù trong lòng có nhiều ấm ức nhưng Thạch Khâm không dám làm càn. Do đó tiếng tăm của Trần Triệu Quốc Nguyệt trở nên lẫy lừng. Sự việc xảy ra ở ngoài khơi Bắc Hải và nàng dùng cá đuối làm biểu tượng nên được gọi là Bắc Hải Diêu Ngư. Hằng ngày Trần Triệu Quốc Nguyệt vẫn bị xem thường là tuổi trẻ ương ngạnh nhưng không ai có thể phủ nhận võ công của nàng thuộc vào hạng hiếm có. Võ công thấp tuyệt đối không thể ngồi vào được vị trí đường chủ ở Long Võ Trang. Tuy nhiên võ công của nàng cao đến mức nào ít người biết rõ. Long Võ Minh Chủ nói tiếp:

‒ Ban đầu bản tòa định bắt sống người đó vì cho rằng đó là thủ lĩnh. Nhưng người đó bận đánh nhau trong khi trận tuyến và sự phối hợp của địch vẫn nhịp nhàng nên cho là không phải.

Long Võ Minh Chủ cầm một lá cờ ngũ hành phất lên liên hồi, hai đạo Long Võ Đường và Bảo Trang Đường ở bên dưới tiến thoái theo lệnh kỳ, nhất thời ngăn chặn được sự tấn công ồ ạt của đoàn người bịt mặt.

Lại nói về Tế Tác Đường Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt. Sau khi rời Quang Minh Đường, nàng dùng khinh công đi đến cổng nam Long Đình Lâu thì đã thấy Long Võ Minh Chủ quan sát trận chiến. Nàng nói vọng lên:

‒ Tôi xin làm tướng đánh trận đầu.

Nàng không lâm trận ngay mà đi sang mé bên phải tìm một chỗ xa xa nơi đang đánh nhau mà nhắm mắt ngưng thần. Đôi môi nàng hơi nhếch nụ cười: “Người này võ công rất cao. Con mồi thứ nhất đã tìm được.”

Pháo lệnh ở Minh Chủ Thành vẫn tiếp tục báo sự nguy cấp. Ngay lúc đó hai đạo tả hữu của Tế Tác Đường tiến vào cổng bắc hướng đến cổng nam Long Đình Lâu. Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú dẫn thuộc hạ đi đầu, khi thấy Trần Triệu Quốc Nguyệt cả hai không dấu được nỗi vui mừng. Triệu Hòa Vinh đến làm lễ và báo cáo:

‒ Gặp được Bang Chủ ở đây thật là may quá. Thuộc hạ xin báo Khánh Thịnh lẫn Khánh An đều bị tập kích. Thống lĩnh Giang Linh và Trương Quân đang ra sức chống trả.

Trần Triệu Quốc Nguyệt từ từ mở mắt ra. Nàng hơi nhíu mày:

‒ Xem ra kẻ đột nhập Long Võ Trang và những người tập kích Lưỡng Khánh có thể cùng một nhóm. Nếu là thế, Lưỡng Khánh chỉ là hư binh, chúng ta không phải lo lắng cho lắm. Tôi nghĩ bác Quân và Giang Linh đủ sức chống cự. Vậy thì truyền lệnh của tôi cho Giang Linh, bác Quân, Bạch Yến, Uyên Linh, Quách Lăng các người rằng nếu không giữ được Lưỡng Khánh thì hãy bảo vệ các chiến thuyền. Còn nếu không được nữa thì Khánh An rút về Khánh Thịnh để hai bên nương nhau mà chống giặc. Tuyệt đối không được tử chiến. Bảo vệ tính mạng là trên hết. Tôi lập lại: Phải bảo vệ tính mạng.

‒ Thuộc hạ xin theo y lời Bang Chủ.

‒ Hai anh hãy theo cờ lệnh của Minh Chủ mà thay tôi dàn quân nhập trận…

Nàng mỉm cười nhìn hai người thuộc hạ tín cẩn. Đôi mắt của nàng sáng rực như trăng rằm:

‒ … vì cá đuối đã tìm được con mồi.

Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú không lạ gì ánh mắt đó của nàng. Hai người không nói gì và lập tức chia thuộc hạ của Tế Tác Đường ra làm hai nhập trận, đánh vào phía hông của đội hình giặc.

Cũng lúc đó ở cổng tây Minh Chủ Thành thuộc hạ của Phi Mã Đường ùn ùn đổ vào. Địa thế bên trong chật hẹp mà bây giờ có đến hơn năm ngàn người giao tranh nên loạn hết cả lên. Bảo Trang Đường và Long Võ Đường lập trận ở giữa, phía trước cổng nam Long Đình Lâu và xung quanh Viên Nguyệt Hồ. Tế Tác Đường cùng Phi Mã Đường lập trận ở phía tây đánh vào giữa để giảm áp lực cho Long Võ Đường và Bảo Trang Đường. Dần dần những đạo quân khác vào hết Minh Chủ Thành. Hẹp càng thêm hẹp.

Hai bên đánh nhau đến trời long đất lở. Tiếng binh khí sát phạt. Tiếng người la hét, quát tháo vang dội. Những đợt xung sát của hai bên tung ra những đòn quyết liệt để tiêu diệt đối phương làm cho Minh Chủ Thành ngày thường nghiêm trang nghi vệ bây giờ trở thành một bãi chiến trường đẫm máu. Thây người ngã xuống như rạ. Máu chảy thành sông. Oán khí ngập trời.

Tám đạo đã về hết Minh Chủ thành và lập thành chiến tuyến. Đoàn người bịt mặt chiếm trọn cổng nam và đánh về phía Viên Nguyệt Hồ ở hướng bắc. Ngoài cổng nam họ bị Pháp Hình Đường và Hoằng Giáo Đường chặn. Ở mặt tây có Tế Tác Đường, Phi Mã Đường và Luyện Võ Đường đối trận. Phía đông chạm trán với Y Dược Đường, Thần Nông Đường và Giảng Văn Đường. Trước Long Đình Lâu là Bảo Trang Đường cùng Long Võ Đường án ngữ. Đoàn người bị mặt hoàn toàn bị vây hãm nhưng vẫn một mực chiến đấu không một chút nao núng. Cung nỏ của mười đạo gặp phải khiên của địch nhân nên hoàn toàn vô dụng. Địa thế chật hẹp, đôi bến đánh xáp lá cà bừng bừng cả lên. Tiếng trống trận vang rền mặt đất.

Ở trong một tình trạng vô cùng lộn xộn và loạn cào cào như thế, thuộc hạ Tế Tác Đường lại nổi bật hơn hết bằng những câu chửi nặng nề, khó nghe nhất. Thống lĩnh hữu đạo của Phi Mã Đường là phó đường chủ Mai Trung Thành 31 tuổi ngày thường vốn có thành kiến rất nặng với Tế Tác Đường. Bây giờ trong lúc đánh nhau khổ sở để giữ trận tuyến trước những đợt tấn công của quân địch lại nghe những tiếng mạ lỵ của thuộc hạ Giao Long Bang khiến hắn càng cảm thấy khó chịu. Hắn vừa đốc thúc thuộc hạ vừa nói với anh ruột là Mai Trung Tín:

‒ Đại ca hãy nghe, nhìn xem. Chúng ta phải chung vai sát cánh với phường thất phu vô học của Tế Tác Đường thật là một sự sỉ nhục. Những tên cường đồ kia gia giáo không nghiêm, lễ nghĩa không rõ thật làm mất mặt cho chính phái chúng ta. Ở ngay Minh Chủ Thành mà còn thế, ở nơi khác còn tệ hại thế nào nữa.

Tả thống lĩnh Mai Trung Tín 33 tuổi cùng một lối suy nghĩ với em:

‒ Trên không ngay dưới ắt loạn. Ngày thường cái Nguyệt đã quen ra thói hỗn xược kiêu ngạo chẳng trách dạy ra một đám thuộc hạ vô pháp vô thiên như thế. Hạng người thô lỗ cùng đinh thất học mà đứng cùng chiến tuyến với huynh đệ danh môn, dù ở trên gió chúng ta cũng bị thối lây. Chỉ nghe đến ba chữ Giao Long Bang mà huynh đã cảm thấy lộn ruột buồn nôn.

‒ Tiểu đệ cũng thế.

Trần Triệu Quốc Nguyệt vẫn đứng yên một nơi nhìn “con mồi” ở phía xa xa. Nàng quay sang trừng mắt nhìn anh em họ Mai khiến hai người cảm thấy lạnh gáy. Tiếng nói của nàng vang dội một góc:

‒ Còn chửi được thì còn đánh được. Còn đánh được thì còn chưa chết. Còn chưa chết thì còn chưa thua. Còn chưa thua sẽ có lúc thắng. Trên chiến trường khẩu chiến, khí chiến, võ chiến hay mưu chiến, miễn thắng được thì đó là chiến thuật hay. Những người dốt đặc cán mai không thông hiểu binh pháp như anh em nhà mi chớ có mở miệng xàm ngôn. Tôi là đường chủ đấy, hai đứa không phải. Có mở miệng hãy coi chừng đôi hàm răng vổ kia không biết rụng lúc nào.

Nàng làm một mách khiến anh em họ Mai cứng lưỡi, ấp a ấp úng chưa biết trả lời sao để tỏ vẻ oai phong với một cô gái nhỏ hơn mình cả mười tuổi. Thuộc hạ Tế Tác Đường nghe nàng nói thế càng tấn công hăng hơn và tiếng chửi bới càng lớn hơn. Lúc đó, con mồi của Trần Triệu Quốc Nguyệt ngừng tấn công và nhìn thẳng về phía nàng. Nàng mỉm cười:

‒ Giao Long Tam Bang Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt xin mời khách.

Nàng phóng người lên cao về phía kẻ địch và vận mười thành công lực vào đôi bàn tay để đánh ra chiêu Giao Long Giáng Vũ trong pho chưởng pháp tên Giao Long Yên Lãng. Tất cả những binh khí bị gẫy rơi dưới đất cùng cát đá trong một phạm vi rộng lớn bị nội lực của nàng cuốn lên và bay như mưa, mạnh hơn thác đổ ập lên đầu kẻ địch cách nàng năm trượng. Không những thế mà bóng chưởng mờ mờ ảo ảo biến hóa khôn lường. Cả thân người nàng lúc ẩn lúc hiện, thoạt đông thoạt tây. Ở một khoảng cách như thế mà uy lực của song chưởng làm kẻ địch bị cảm thấy ngộp thở. Những người đứng gần đấy phải tránh ra xa. Anh em họ Mai cũng phải kinh sợ trong lòng khi thấy chưởng pháp dũng mãnh phi thường và siêu việt của nàng. Họ chỉ biết nhìn nhau không nói. Con mồi của Trần Triệu Quốc Nguyệt vung kiếm lên đỡ và lớn tiếng khen:

‒ Giao Long Yên Lãng Chưởng là bộ chưởng pháp rất tầm thường của Giao Long Bang nhưng bang chủ lại sử dụng khá đẹp mắt.

‒ Thì ra nàng là gái. Càng tốt. Nàng nói… chưởng pháp tầm thường?

‒ Rất tầm thường!

‒ Nhưng người sử dụng phi thường. Tất cả các ngươi sẽ là kẻ chiến bại.

Chiêu Giao Long Giáng Vũ được phát huy đến mức tối đa. Trần Triệu Quốc Nguyệt không khác nào một con giao long tung hoành giữa trời đất. Chưởng phong cùng chưởng lực của nàng áp tầng tầng lớp lớp áp đảo đối phương. Người bịt mặt thu người nhỏ lại, lùi ba bước và cười nhẹ một tiếng. Thanh kiếm trong tay nàng lóe ra muôn ngàn ánh sáng. Từng đường kiếm liên tiếp chớp lên và hứng lấy toàn bộ thế công của Tế Tác Đường Chủ. Tất cả những binh khí bay đến đều bị chém tan nát và đánh dạt ra xung quanh. Những người gần đấy do vậy mà bị thương nặng hoặc mất luôn cả tính mạng. Ánh kiếm càng hiện ra nhiều hơn và bóng kiếm càng dầy đặc hơn rồi đột nhiên tắt ngấm. Trần Triệu Quốc Nguyệt còn đang ngạc nhiên thì đột nhiên nàng có cảm tưởng muôn mũi kiếm cùng ập lên đầu và vây hãm lấy nàng.

‒ Kiếm pháp đẹp mắt quá… Giang Linh…

‒ … và còn nguy hiểm gấp vạn lần.

‒ Thế à…

Đôi chân của Trần Triệu Quốc Nguyệt vừa chạm mặt sân nàng liền điểm nhẹ, người nàng bay vọt lên cao lao thẳng vào muôn ngàn đóa hoa kiếm đang vây hãm. Chiêu Giao Long Vũ Thiên được phát ra, nàng như con rồng múa ở chín phương cùng một lúc. Bao nhiêu sức mạnh của những luồng chưởng phong, khí lực hợp lại thành cơn bão dữ sẵn sàng đánh phát tất cả mọi chướng ngại trên đời. Những đường kiếm bị đánh tan. Người kia bị bức lùi mấy bước và không khỏi kinh ngạc.

Kiếm pháp của kẻ địch vừa siêu việt, vừa hoa mỹ lại tiếp nối nhau trùng trùng điệp điệp. Đây là lần đầu tiên Trần Triệu Quốc Nguyệt mới nhìn thấy nên không biết cách phá. Nàng đành sử dụng hết tất cả tài nghệ của nàng và chiêu thức để đánh lui đối phương khiến người bịt mặt cũng phải ngỡ ngàng về sự gan lỳ và táo bạo. Tiếp theo là nhiều tiếng phực phực vang lên to hơn sấm nổ. Ngọn roi có hình dáng đuôi cá đuối được Trần Triệu Quốc Nguyệt vung ra và lao vào các yếu điểm như Mi Tâm, Thái Dương, Yết Hầu, Bách Hội và Đản Trung trên người đối phương mà tấn công một cách chớp nhoáng. So với chưởng pháp thì những đường roi này biến hóa càng phức tạp và huyền ảo hơn. Nàng nhất định đánh bại đối phương nên không bao giờ bỏ qua cơ hội khi thấy người nàng đối trận bị đánh bật lui. Do tấn công nhanh, do nội lực hùng mạnh, do sự biến ảo thần kỳ mà những đường roi như hóa thành ba con rồng lớn uốn lượn mười hai khúc tung mây xé gió vây kín lấy kẻ địch. Chân lực của nàng phát ra trên đầu ngọn roi khác nào thanh kiếm sắc bén vô song. Dù là sân đá hay binh khí bằng thép nằm dưới đất khi bị ngọn roi của nàng lướt qua dưới khoảng cách một trượng là bị hằn sâu xuống cả hàng trăm dấu vết. Mức độ công phá thật mãnh liệt và kinh người. Đây là môn tuyệt kỹ Long Tiên Pháp của Trần Triệu Quốc Nguyệt hiếm người biết đến. Bị tấn công phủ đầu, người bịt mặt vẫn không nao núng:

‒ Những đường roi quá cao siêu. Nhưng thanh kiếm này không bao giờ chịu kém thế.

Chiêu kiếm được phát ra nhưng khác với sự hoa mỹ và trùng điệp ban nãy. Bây giờ là những đường kiếm khi còn khi mất, như có như không, lúc tĩnh lúc động. Tất cả các đường roi đều đánh hụt vào khoảng không. Đã thế đối thủ còn nương theo đó để phản công. Áp lực từ thanh kiếm tỏa ra làm tràn ngập một vùng rộng lớn và đâu đâu cũng là sát cơ nguy hiểm vạn lần. Trần Triệu Quốc Nguyệt mỉm cười. Nụ cười ngạo nghễ:

‒ Nếu nàng không dùng hết tuyệt học ta sẽ thất vọng lắm.

‒ Bang chủ sẽ thất vọng. Kẻ chiến bại luôn thất vọng chua cay.

‒ Chớ có khoác lác. Tiếc là bản tòa không phải là người chỉ huy cuộc chiến đêm nay. Không thì con đường dễ nhất các ngươi rời khỏi Long Võ Trang là nằm yên dưới đáy mồ.

Hai bên đều là cao thủ ngang tài ngang sức. Kiếp pháp của người bịt mặt hết sức huyền bí thâm sâu và biến hóa khôn lường. Nhưng trong cái cao thâm ấy còn ẩn chứa sự tinh khiết tuyệt diệu vì không hề chứa đựng dù chỉ một nét tà khí hay ma pháp. Những chiêu kiếm tuyệt sắc làm cho người ta có cảm tưởng đang ở trong chốn trang nghiêm cao quý chứ không phải đang ở giữa một bãi chiến trường sát phạt đẫm máu. Sự nguy hiểm chập chùng chỉ cần sở sẩy là có thể bị chém thành muôn nghìn mảnh nhỏ nhưng kiếm pháp lại có uy lực như khai sáng tâm thức con người xa rời bến mê lầm lạc mà nhìn ra cái chân thiện mỹ. Còn tiên pháp của Trần Triệu Quốc Nguyệt không có sự biến hóa ly kỳ như đối phương nhưng về sức mạnh và sự xung phá lại chiếm phần hơn. Khi nàng tấn công thì dường như không một trở ngại nào không thể phá được và khi lui về thế thủ thì vững như vách sắt tường đồng. Một bên dùng sự ảo diệu hoa mỹ làm căn bản mà công thủ. Một bên dùng sức mạnh và trí tuệ để làm quy luật mà tiến lui. Tiên phong kiếm khí bừng bừng lên một phương. Cuộc tranh tài diễn ra hết sức ngoạn mục. Chỉ trong chốc lát mà hai người đã đánh nhau trên ba trăm chiêu chưa phân hơn kém.

Đứng trên vọng canh nhìn ngọn roi của Tế Tác Đường Chủ, Tạ Đức Uy cũng phải khen thầm: “Con bé này quả có chân tài. Chỉ tiếc là nó ngang bướng và kiêu ngạo quá. Thuộc hạ của nó càn rỡ thiếu lễ độ y như nó nhưng xung trận lại nhịp nhàng và hết sức kỷ luật. Mình không nên khinh thường nó.” Lão quay sang nói với Long Võ Minh Chủ:

‒ Thuộc hạ thấy kiếm pháp của người bịt mặt kia như lạ mà cũng như quen. Không biết Minh Chủ và sư bà có nhận ra thuộc tông phái nào không?

Mẫn Diệu sư bà thuộc phái Mê Linh, đường chủ Pháp Hình Đường hiện là người giỏi kiếm thuật nhất của Long Võ Trang trả lời:

‒ Nam mô Bụt-đà. Bần ni thấy đúng, mà lại không đúng.

Long Võ Minh Chủ khẽ lắc đầu:

‒ Bản tòa cũng vậy. Mong là phải, mà mong là không phải.

Nghe hai người nói Tạ Đức Uy cùng các vị đường chủ khác cùng giật mình run sợ. Trời không lạnh mà tất cả yếu nhân của Long Võ Trang đều cảm thấy ớn cả toàn thân. Họ mong những gì Long Võ Minh Chủ và sư bà nói là sự thật, mà không phải là sự thật.

Tạ Đức Uy quan sát trận chiến giữa Long Võ Đường và Bảo Trang Đường với số người mặc đồ đen. Quả như Long Võ Minh Chủ đã nói, lão không tìm ra được người cầm đầu. Về phía Long Võ Trang mỗi nơi đều do phó đường chủ thúc quân xung trận và Long Võ Minh Chủ dùng cờ lệnh chỉ huy.

Long Võ Đường và Bảo Trang Đường dàn quân hình cánh cung, quay lưng vào Long Đình Lâu. Vì phải bảo vệ luôn Viên Nguyệt Hồ nên hình cánh cung được chia làm ba đoạn như sau: Đoạn ở giữa có nhiệm vụ bảo vệ Viên Nguyệt Hồ nên chịu mũi tấn công của bọn người áo đen nặng nhất. Đoạn tả và hữu giữ phòng tuyến, ngăn chận không cho đoạn giữa bị bao vây nên dàn quân sát đến Long Đình Lâu. Phía người áo đen cũng chia đều ra làm toán tấn công ba mặt của cánh cung và thêm hai đội hai bên để bảo vệ mạn sườn. Nhưng thay vì họ dồn tất cả quân tấn công một đợt thì mỗi nơi họ chia đều ra làm hai, một nửa tấn công, một nửa nghỉ mệt. Họ dùng xa luân chiến để làm tiêu hao sức chiến đấu của Long Võ và Bảo Trang nhị đường. Địa thế chật hẹp nên các đạo quân khác phải chen lấn nhau nên sự yểm trợ bị hạn chế rất nhiều.

Rồi một tiếng pháo lệnh vang lên. Số người áo đen đang nghỉ mệt đàng sau nhảy lên cao cùng lúc với số người trước nằm rạp xuống đất. Một màn ám khí dầy đặc hình dáng đóa hoa đào nở rộ bay về phía trang đinh bảo vệ Viên Nguyệt Hồ hết đợt này đến đợt khác. Tốc độ của ám khí vừa nhanh mà đường bay vừa quái dị làm cho phía Long Võ Trang bị một phen ngỡ ngàng. Chỉ có một số ít có võ công cao là tránh được ám khí. Số còn lại đều bị trúng độc thủ và lập tức bị loại ra khỏi trận chiến. Phòng tuyến của Long Võ Trang ở đoạn giữa hoàn toàn bị tan rã. Đoàn người áo đen đã tiến lên và vây lấy Viên Nguyệt Hồ. Nhìn thấy ám khí, Tạ Đức Uy hét lớn:

‒ Thì ra là ma giáo các ngươi. Long Võ Đường, Bảo Trang Đường phải bảo vệ Viên Nguyệt Hồ! Tất cả phải tử chiến, tuyệt đối không được rút lui! Ai lùi dù chỉ nửa bước, chém! Pháp Hình Đường, Hoằng Giáo Đường tấn công vào cổng nam. Phải chiếm lấy cho được cổng. Tất cả các đạo khác phải cố gắng tiến lên.

Tiếng trống trận báo sự nguy cấp. Cả Long Võ Trang càng bấn loạn lên. Đoàn quân của ma giáo đã vào trong Minh Chủ Thành và dùng cổng nam để bảo vệ phía sau. Nhiều phen Pháp Hình Đường và Hoằng Giáo Đường tấn công vào nhưng không đạt được kết quả như mong muốn. Trong lòng Tạ Đức Uy rối hơn tơ vò: “Ác mộng đã đến. Cuối cùng ác mộng lại hiện về. Đó là đào hoa phi khí của ma giáo. Chẳng lẽ hôm nay Long Võ Trang bị tắm máu?” Lão nghĩ đến điều đó rồi quay sang nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt vẫn đang đánh nhau với người bịt mặt. Lão nhớ đến câu nói ban nãy của nàng mà trong lòng vừa buồn, vừa giận, uất khí trào dâng lên cổ.

‒ Tất cả các vị Đường Chủ theo lão phu nhập trận. Bằng mọi giá chúng ta phải bảo vệ Viên Nguyệt Hồ.

Đường chủ Hoằng Giáo Đường là hòa thượng Huệ Giác nhìn sư bà Mẫn Diệu:

‒ Khi a tu la lên núi Tu Di khiêu chiến và gây ra những điều tàn ác, chính Đế Thích phải đích thân đánh đuổi. Khi các loài quỷ dữ gây hại cho tam giới, gây cho thân tâm đi vào các đường ác, các bậc thánh giả đều dùng đạo hạnh mà giết hết các thứ giặc phiền não. Đó là ý nghĩa của a la hán vậy. Đêm nay ma giáo lại gây rối cho võ lâm và muốn tắm máu khắp Đại Việt. Đại ma đầu độc ác muốn gây ra cảnh núi xương sông máu. Khắp Đại Việt sẽ điêu linh khốn khổ. Dưới gầm trời đâu đâu cũng sẽ là mồ chưa xanh cỏ. Là người tu hành chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước sự tàn bạo đó được. Như từ bao đời trước của hai phái Tiêu Sơn và Mê Linh, một lần nữa tôi cùng sư bà cởi áo cà sa khoác chiến bào để cứu vãn cho sinh linh Đại Việt thoát cơn thảm sát. Nam mô Bụt đà.

‒ Nam mô Bụt đà. Bần ni hiểu ý của hòa thượng và sẽ tận hết khả năng của mình.

Hai người một chưởng một kiếm đi theo đoàn người do Tạ Đức Uy dẫn đầu. Thanh kiếm trong tay của sư bà vung lên, nhiều ánh hào quang bừng lên sáng cả một vùng. Mê Linh Kiếm Pháp do một bậc vĩ nhân là Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng sáng chế ra. Nó có năng lực trảm yêu, trừ ma, diệt quỷ, bảo quốc, giúp dân trong suốt hơn ngàn năm qua. Đó còn là pho kiếm trấn môn của phái Mê Linh. Người nào luyện thành thì khắp bốn phương thiên hạ rất khó tìm ra đối thủ. Thân hình của sư bà nhẹ nhàng, phiêu phiêu hốt hốt. Ánh kiếm đi đến đâu thì đám người của ma giáo bị đánh tan đến đấy. Trong khi đó bóng chưởng của hòa thượng Huệ Giác cũng không kém uy lực. Tất cả những vị đường chủ khác đều trổ tài thần dũng thượng thừa của mình. Thanh Hắc Minh Đao trong tay Trần Hải Chí như cơn gió lộng thổi vào đám lá thu. Còn Tạ Đức Uy oai phong như Thánh Gióng giáng trần. Mặt lão đỏ gay. Chưởng phong nóng như lửa. Tiếng hét to hơn sấm động bên tai làm cho mấy ngàn người đang giao tranh cũng phải thất sắc. Các đạo quân Long Võ Trang được các vị đường chủ trợ chiến như rồng thêm vây thêm vẩy lập tức phấn chấn tinh thần và ào ào tấn công.

Đang xung sát như đi vào chỗ không người, Tạ Đức Uy nghe một đạo kiếm phong từ phía bên phải tấn công. Không chần chờ Tạ Đức Uy khẽ xoay người về phía bên phải, đưa bàn tay phải ra dùng hai ngón tay kẹp vào lưỡi kiếm. Bàn tay trái của lão co lại thành trảo tấn công vào yết hầu của đối phương. Đây chỉ là một chiêu lão thuận tay đánh ra, hiển nhiên không xem người tấn công vào đâu.

Người áo đen xoay kiếm không đâm tới mà cắt ngang qua phải vừa uy hiếp tay phải vừa tấn công cánh tay trái của họ Tạ. Tạ Đức Uy hơi ngạc nhiên vì không ngờ rằng đối phương có thể hóa giải chiêu thức của mình một cách dễ dàng. Chiêu thức của lão vốn không cầu kỳ phức tạp vì đặt nặng vào sự nhanh và mạnh. Người kia hóa giải dễ dàng đồng nghĩa với việc lão không nên khinh thường. Lão lách người qua một bên để né tránh. Đối phương không truy kích, chỉ với hai con mắt lạnh lùng nhìn khuôn mặt đỏ như gấc của họ Tạ. Tạ Đức Uy đảo mắt nhìn quanh rồi bất giác ngẩn người ra.

Không riêng gì Tạ Đức Uy và Trần Triệu Quốc Nguyệt mà tất cả các đường chủ khác đều khác đều gặp trường hợp tương tự. Mỗi vị đều bị một kẻ bịt mặt dùng kiếm ngăn chận. Tất cả các vị đường chủ đều là cao nhân của các đại bang phái của Trời Nam, địa vị ngang hàng với chưởng môn. Ấy vậy mà đêm nay nhất thời không một ai có thể thủ thắng được đối phương trong một vài chiêu ngắn ngủi. Danh dự cùng tiếng tăm của Nam Thiên Đệ Nhất Trang bị thương tổn không ít. Lửa giận của Tạ Đức Uy bốc cao đến mây xanh. Lão hét lớn một tiếng rồi dùng mười thành công lực tấn chớp nhoáng vào người chặn mình. Người đó cũng nói lớn:

‒ Xuất kiếm! Huyễn Mộng Không Hoa!

Không phải tiếng hét của người kia làm Tạ Đức Uy sợ mà chính bốn chữ “Huyễn Mộng Không Hoa” khác nào bốn thanh gươm đâm nát tim gan của lão. Cơn ác mộng của lão 30 năm nay bây giờ hoàn toàn trở thành sự thật. Lão hét vang vang:

‒ Thiên Ma Kiếm Pháp! Thiên Ma Kiếm Pháp. Đây là chiêu thứ năm. Tất cả phải cẩn thận.

Trước mặt và xung quanh lão, muôn ngàn đóa hoa kiếm đồng loạt nở rộ ra, vươn đến như lưỡi rắn và vây hãm như mưa sa. Tạ Đức Uy dùng loạn chưởng tấn công các phía để phá giải. Lão không thể tiến đến Viên Nguyệt Hồ thêm một bước nào nữa. Trận chiến giữa các đường chủ vừa hung hiểm ác liệt vừa hào hùng kích thích. Nhưng ngoạn mục nhất là cuộc giao tranh hơn kém giữa sư bà Mẫn Diệu và một người bịt mặt. Thân pháp của cả hai đều mờ mờ ảo ảo dù là cao thủ cũng khó phân biệt ai với ai. Kiếm pháp và chiêu thức của hai người đều biến hóa vô cùng phức tạp. Một bên tương tự những bức màn hào quang dầy đặc do kiếm pháp tạo thành bao phủ một vùng rộng lớn. Một bên là những đóa hoa kiếm mười cánh vô cùng sắc sảo liên tục và tiếp nối nhau nở ra, vươn đến và công kích vào màn kiếm quang vững nhưng vách sắt. Nội lực, kiếm khí, thần uy, kình phong và sức chấn động đôi bên xông phá nhau tạo ra những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Mặt đất rung chuyển. Tường thành lắc lư.

Còn Trần Triệu Quốc Nguyệt và người bịt mặt giao tranh ba trăm chiêu nữa vẫn chưa phân hơn kém thì nàng nghe sáu chữ: “Xuất kiếm! Huyễn Mộng Không Hoa!” Lập tức trước mắt và xung quanh nàng không còn những đường kiếm nữa mà chỉ lấm tấm những chấm trắng như có như không, lúc hiện lúc ẩn rồi đột nhiên chúng cùng nở rộ một lúc. Mỗi điểm là mười cánh hoa kiếm vươn ra. Mỗi cánh hoa kiếm lại khi còn khi mất. Một chiêu thức vừa ảo diệu vừa thần bí lại vừa nguy hiểm ngàn vạn lần.

‒ Ta sợ ngươi sao? Long Tiên Bách Điểm.

Nàng định tâm lại để đón nhận chiêu kiếm của địch nhân. Một khi võ công đến cảnh giới siêu việt thì mắt không còn đủ nhanh để nhận thức nữa mà phải dùng đến tâm thức. Dùng tâm để hiểu. Hiểu được thì đoán được. Đoán được thì đỡ được. Đỡ được thì phá được. Cuối cùng, phá được thì phản công lại được. Nàng huy động mười phần nội lực vào ngọn roi trong tay. Con giao long vẫy vùng giữa biển khơi làm sao có người kềm chế được. Tất cả những đường kiếm tấn công đến đều bị ngọn roi chận đứng. Cát, đá, bùn, đất xung quanh bắn mù lên. Nàng bước chân phải lên và xuống đinh tấn. Tay trái đánh ra chiêu Giao Long Nộ Lãng bằng tất cả sức người. Một luồng kình phong mạnh hơn thác đổ xông thẳng vào đối phương. Từng loạt nổ ầm ầm lên dường như cả trời đất bị đảo lộn. Một lần nữa những đóa hoa kiếm bị đánh bay tan tác. Hai chân nàng bị lún xâu xuống nền đá xanh đến nửa gang và xung quanh hơn một trượng bị nứt nẻ hết. Hai cánh tay của nàng tê rần nhưng nàng vẫn đứng hiên ngang và quật cường trừng trừng nhìn đối phương bị đánh bật lùi hơn mười bước. Ánh mắt của người đó vừa kinh ngạc vừa khâm phục nhưng hoàn toàn không chịu kém. Một đóa hoa kiếm lại được đâm chồi kết nhụy và hai người lao vào nhau tiếp tục cuộc chiến mất còn.

Đứng trên vọng canh Long Võ Minh Chủ bị chấn động trong lòng vì ông cũng nhận ra kiếm pháp của ma giáo. Ông nghĩ thầm: “Không phải nhưng mà phải. Thì ra ma giáo giấu thân phận cho đến bây giờ mới bộc lộ.” Ông nhìn những đóa hoa kiếm lần lượt nở ra hòa cùng ánh trăng sao mà lấp lánh một vùng. Lung linh, hư thực, mờ ảo, biến hóa, huyền bí khôn lường. Đây là kiếm pháp lừng danh thiên hạ của Thiên Ma Giáo. Biết được lai lịch của địch nhân, Long Võ Minh Chủ không còn tự tin như lúc ban đầu. Trong lòng ông vừa cảm khái, vừa xúc động lại vừa bồi hồi xao xuyến. Tuy nhiên bên ngoài ông vẫn giữ được phong độ, sắc mặt điềm nhiên và không tỏ ra nao núng hay khiếp sợ. Ông đích thân bắn một viên pháo lệnh lên không rồi tiếp tục dùng cờ lệnh chỉ huy. Nguyễn Tử Tây và Nguyễn Tử Bạch nhìn xem cuộc chiến một cách thờ ơ. Chỉ người nào tinh tế lắm mới thấy được sát khí đã ngưng đọng trong đôi mắt của hai người từ lúc quân địch tiến đến hồ nước. Long Võ Minh Chủ quay sang hỏi hai người thuộc hạ:

‒ Tình thế cấp bách, không biết Thiết Trùy và Kim Đao của hai vị nhiều năm không dùng bây giờ còn tốt hay không?

Thiết Trùy Nguyễn Tử Tây cung kính đáp:

‒ Thưa Minh Chủ lúc nào cũng sắc bén.

Kim Đao Nguyễn Tử Bạch Bạch tiếp lời anh:

‒ Đao bén không bằng người bén. Đi bên cạnh Minh Chủ hai anh em thuộc hạ luôn luôn bén nhọn. Kẻ thù trước mắt, anh em thuộc hạ sẽ dốc lòng đánh giặc.

Long Võ Minh Chủ gật đầu:

‒ Bản tòa nhờ hai vị giúp Tạ Tổng Đường chiếm lại Viên Nguyệt Hồ.

Kim đao và thiết trùy được vung lên, hai người từ vọng canh bay thẳng đến hồ nước mà xung sát. Ma giáo liền thay đổi chiến thuật. Họ chia ra làm mười toán, mỗi toán một trăm người bao vây các cao thủ của Long Võ Trang lại và khai triển một trận pháp. Thiết Trùy Nguyễn Tử Tây nói lớn:

‒ Minh Chủ, đây chính là Nhất Thập Bách Hoa Trận. Một trận pháp vô song của Thiên Ma Giáo hồi ba mươi năm về trước.

Long Võ Minh Chủ đứng trên vọng canh quan sát và bình tĩnh trả lời:

‒ Đúng vậy nhưng giờ phức tạp hơn. Có lẽ là do họ phát triển thêm cho trận pháp càng tinh diệu.

Mười hai cao thủ của Long Võ Trang bị vây hãm trong kiếm trận. Tất cả các đợt tấn công của Bảo Trang Đường và Long Võ Đường đều không cứu vãn được tình thế. Thần Nông Đường, Y Dược Đường và Giảng Văn Đường ở phía đông không phá nổi phòng tuyến của ma giáo mà tổn thất ngày một cao. Luyện Võ Đường cùng Phi Mã Đường bị đánh bật ra khỏi cổng tây Minh Chủ Thành. Pháp Hình Đường và Hoằng Giáo Đường vẫn chưa vào được cổng nam. Chỉ ở mạn bắc Tế Tác Đường giữ vững trận tuyến và dàn quân từ cổng tây đến sát chân tường của Long Đình Lâu. Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú không nhập trận mà ở phía sau theo cờ lệnh và tiếng trống để điều quân. Thuộc hạ Giao Long Bang vẫn không ngừng mắng chửi ma giáo.

Sau khi làm chủ được Viên Nguyệt Hồ, mỗi người giáo chúng Thiên Ma Giáo ném vào hòn non bộ cái túi lớn đeo lủng lẳng bên hông. Long Võ Minh Chủ thấy vậy thất kinh la lớn:

‒ Coi chừng hỏa pháo. Đừng để cho bọn người này châm lửa. Tất cả cung, nỏ cùng nhả tên vào Viên Nguyệt Hồ.

Loạn tên không thể dập tắt được lửa. Đoàn quân ma giáo xung quanh hồ nước lập tức nằm dài xuống đất dùng khiên trên lưng che kín thân mình và dùng hai tay ôm lấy đầu. Biết tình thế không thể cứu vãn, Long Võ Minh Chủ ra lệnh:

‒ Tất cả tránh xa Viên Nguyệt Hồ.

Chiến tuyến của Long Võ Trang xung quanh hồ nước và trước Long Đình Lâu nhốn nháo cả lên, tiến lui đều khó khăn. Tạ Đức Uy và các cao thủ Long Võ Trang lập tức rút ra xa vì họ biết được tình thế không thể cứu vãn được. Ma giáo không đuổi theo mà một phần rút lui về phía nam.

Nhiều tiếng nổ long trời lở đất vang lên, nước trong Viên Nguyệt Hồ bị chấn động vừa bắn tung tóe ra ngoài. Hòn non bộ bị phá hư hiện ra một lỗ hổng lớn dưới chân. Nước trong hồ theo đó òng ọc chảy xuống. Những người ở xung quanh Viên Nguyệt Hồ không kịp tránh né đều bị thương nặng. Biết rõ tình thế, Long Võ Minh Chủ thầm thở dài: “Ma giáo đã suy tính quá chu đáo và phá được nơi trấn yểm. Võ lâm rồi đây rơi vào một cuộc thảm sát. Trời Nam lại một phen chinh chiến điêu linh. Không lẽ đây là ý trời?” Tạ Đức Uy hậm hực nhìn cảnh tượng trước mắt:

‒ Ma giáo quật khởi, sinh linh đồ thán. Hôm nay thua trí cho bọn nó thật là tức chết.

Hòa thượng Huệ Giác cũng lên tiếng:

‒ Buồn thay buồn thay. Đại ma đầu rồi lại tàn sát võ lâm.

Đường chủ Phi Mã Đường Mai Nhật Sinh cùng một ý:

‒ Ác quỷ đội lốt người. Đáng lẽ chúng ta giết đi thì bây giờ đâu nên nỗi.

Rồi những người khác nhao nhao lên:

‒ Yêu quái của võ lâm, ma đầu của nhân loại, kẻ thù của khắp bốn phương anh hùng thiên hạ…

‒ Một kẻ bạo ngược vô song, giết người không gớm tay.

‒ Chưa một điều độc ác nào chưa từng làm. Chưa một giọt máu tanh nào chưa từng nếm. Chưa một thảm sát nào chưa từng tránh.

‒ Một tên đồ tể của những đồ tể. Tàn nhẫn trên cả tàn nhẫn.

‒ Ác lừng nam bắc, tà khắp đông tây, bạo vang kim cổ, độc chuyển võ lâm

‒ Một đại ma đầu gây ra không biết bao nhiêu cảnh núi xương, sông máu.

‒ Anh hùng thiên hạ phải đồng tâm hợp lực tru diệt ma vương quỹ dữ.

Nhiều tiếng than oán khác văng vẳng vọng lên. Sát khí như bao phủ cả Minh Chủ Thành. Ma khí bốc cao đến tận chín tầng mây. Tạ Đức Uy hít một hơi đầy rồi dõng dạc:

‒ Tất cả nhân sĩ võ lâm nghe đây. Tội ác của ma giáo cao ngập đầu, oan hồn ngút đến trời xanh, xác người phơi đầy đồng nội, xương cao hơn núi, máu chảy lênh láng khắp nơi. Chúng ta là người chính nghĩa của võ lâm không thể để ma giáo lộng hành. Hôm nay ta, Tạ Đức Uy, tổng đường chủ của Long Võ Trang, được Minh Chủ giao trọng trách trảm. Vì thái bình của Đại Việt, vì an nguy của toàn dân, vì hạnh phúc của mọi người, tất cả anh hùng trong thiên hạ phải đồng lòng đứng lên diệt trừ ma giáo, tru lục ác quỷ.

‒ Diệt trừ ma giáo! Tru lục ác quỷ! Diệt trừ ma giáo! Tru lục ác quỷ!

Tiếng trống thúc quân. Tiếng người xung sát. Một lần nữa Tạ Đức Uy thống lĩnh các vị đường chủ tấn công nhưng lần này có sự yểm trợ của Bảo Trang Đường và Long Võ Đường chứ không theo lối đánh nhau đơn độc như ban nãy. Khí thế của Long Võ Trang dâng cao và lần đầu tiên đánh lùi ma giáo ở ba mặt đông, tây và trước Long Đình Lâu.

Nước trong Viên Nguyệt Hồ đã chảy hết từ bao giờ. Nhiều bóng người bịt mặt chui xuống lỗ hổng. Bầu trời đêm cũng không còn nhiều mây nữa. Trong Minh Chủ Thành, ánh trăng hòa cùng ánh đuốc, màu máu lấp lánh trên muôn ngàn bóng đao ánh kiếm tạo nên một khung cảnh vừa bi thương vừa hùng tráng. Ánh sáng màu bạc bị nhuộm đỏ cả một vùng. Sự sát phạt hừng hực bốc cao đến tận trời xanh. Tiếng người la hét, ai oán rung chuyển mặt đất. Trong khung cảnh chết chóc đó tự nhiên có tiếng ca cất lên. Tiếng ca không lớn lắm nhưng lạ lùng thay lại có thể đi xa, len lỏi chen qua tiếng binh khí:

‒ Vào vườn hái quả cau xanh,
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi tàu,
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thật là say,
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng.
Dù chẳng nên đạo vợ chồng,
Xơi dăm ba miếng cho lòng nhớ thương.
Cầm lược lại nhớ đến gương,
Cầm khăn nhớ túi, nằm giường nhớ nhau.

Bài ca dao trên được ngâm theo điệu sa mạc. Lời lẽ chan hòa, tình tứ ngân nga vang vọng. Giọng ca trong vắt nhưng buồn man mác. Một chút thổn thức. Một chút nao nao. Một chút luyến tiếc. Một chút sầu thương. Tiếng ngâm đã dứt nhưng người nghe có cảm tưởng giọng oanh vẫn còn đâu đó lắng đọng trong không gian, in sâu vào từng viên đá hạt sỏi. Trong lúc hai bên đang đánh nhau, sát khí đằng đằng, tự nhiên có tiếng ca như tiên nữ cất lên làm tan đi sự chết chóc ấy. Tóc tai của Tạ Đức Uy dựng đứng, hai mắt trợn lên như gặp phải yêu ma. Lão đăm đăm nhìn hồ nước hét lớn:

‒ Ác quỷ tắm máu người đã đến. Tất cả hãy cẩn thận.

Giọng ca lại vang lên, cũng là một bài ca dao:

‒ Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra

Khác với lần đầu, lần này giọng ca đượm vẻ muộn phiền ai oán, thương nhớ xa xôi. Tất cả những người có mặt, dù nam hay nữ đều nảy ra lòng nảy ra một cảm giác xót thương. Xót thương cho người nào đó bị tình phụ lại gặp cảnh cá chậu chim lồng. Xót thương cho đấng má hồng trao thân không phải nơi. Chẳng hẹn mà nên, người của đôi bên dần dần ngưng chiến. Long Võ Minh Chủ cũng không còn ra lệnh bằng cờ. Ông đứng nhìn với ánh mắt xa thẳm nghĩ ngợi mông lung.

Lúc này bên cạnh Long Võ Minh Chủ có một lão phụ, nhỏ hơn ông độ vài tuổi, đứng đấy tự bao giờ. Tuy đã lớn tuổi, tóc hoa râm, những nét sâu năm tháng vẫn không che khuất được vẻ đài các trâm anh, quý phái trên khuôn mặt trái soan của bà. Đoan trang, nghiêm chính, quyền quý. Bà chính là chủ mẫu của Thiên Hạ Đệ Nhất Trang và được hoàng đế sắc phong An Tĩnh Hòa Nghi Quận Chúa. Bà là dòng dõi của khai quốc công thần Á Vương Phò Mão Đào Cam Mộc tên Đào Phương Trinh, người vợ duy nhất của Long Đình Quốc Công Lý Minh Nghĩa. Nhìn vào dáng đi, nét đứng, diện mạo ai ai cũng biết rằng thuở thiếu thời bà là một đóa hoa khôi tuyệt sắc.

Ngoài minh chủ phu nhân còn có hai người nam và ba người nữ. Nhìn qua ai cũng có thể đoán ra hai người nam và cô gái nhỏ tuổi nhất trong ba người nữ là con của Long Võ Minh Chủ. Người lớn tuổi nhất khí độ bất phàm, mắt sáng như sao, thân hình cao lớn, cao quý uy nghi rất giống vị minh chủ hồi còn trẻ. Người con trai thứ thì mặt ngọc, phong tư tiêu sái, dáng người nho nhã, không được uy vũ như anh nhưng đẹp trai hơn rất nhiều. Người con gái thì sắc nước hương trời, vừa có cái uy nghiêm của cha vừa có dung mạo của mẹ. Hai người phụ nữ còn lại mặc quần áo theo lối thiếu phụ, chính là vợ của hai người nam. Cả hai đều có tấm nhan sắc diễm lệ. Sáu người mới đến đều mặc võ phục, tay cầm binh khí. Bốn người phụ nữ đều để búi tóc hình chim phượng.

Lại có tiếng ca văng vẳng ngân lên. Từ lỗ hổng dưới đáy Viên Nguyệt Hồ một mái đầu từ từ ló ra nhô lên cao. Nhô lên cao nữa, cao hơn đáy hồ, cao hơn mặt đất, cao hơn mặt bờ hồ. Càng lúc càng nhiều người thấy rõ: đó là một người con gái với một mái tóc mềm mại, đen mướt. Mái tóc bồng bềnh phất phơ trong gió nhẹ làm cho cảnh tượng xung quanh thoáng chốc trở nên thơ mộng thần tiên. Mới nhìn thấy mái tóc mà tất cả những người có mặt, dù nam hay nữ đều không chớp mắt và nín thở nhìn theo.

Sau mái tóc là vầng trán, rồi đến hai con mắt, rồi đến cả khuôn mặt. Tuy da mặt nàng xanh xao như người bệnh nhưng mịn màng và đẹp vô cùng, đẹp vô song. Đẹp đến mức cả thiên hạ không một ai sánh bằng. Hằng Nga trong cung Quảng có nhìn thấy nàng cũng phải lợt màu thu dung. Mặt trăng đêm rằm so với khuôn mặt nàng cũng phải cúi đầu nhường bước. Một đám mây nhỏ bay ngang qua che khuất sự xấu hổ của vừng thỏ ngọc. Bất kỳ một cô gái nào ở tuổi mười sáu nhìn cũng không thể trẻ hơn nàng. Đôi mắt nhung huyền lung linh sắc sảo như muôn vạn ánh sao đang ngước nhìn trời. Nàng không chút phấn son trên mặt. Nàng vốn không cần phấn son vì thứ dung tục ấy không nên đến gần vật chí tôn. Nàng là thiên thần hay ma quỷ? Nếu là ma quỷ thì không thể có sắc đẹp trâm anh, trong sáng và nghiêm trang đến thế. Một sắc đẹp bất phàm. Một sắc đẹp siêu phàm. Một vẻ đẹp mà không một lời cao quý nào có thể diễn tả được. Nhưng nếu bảo nàng là thiên thần giáng hạ xuống Long Võ Trang thì tuyệt đối không có chuyện từ dưới mặt đất chui lên.

Đôi môi anh đào mộng đỏ hé ra một nụ cười hàm tiếu. Bất kỳ một nữ nhân nào nhìn vào cũng phải ghen tức. Từ lúc có mặt cô gái, ba đóa hoa khôi của Long Võ Trang như nhạt phai màu sắc. So với khuôn mặt đen đùi đũi của Trần Triệu Quốc Nguyệt đúng là khác nhau đến một trời một vực. Nàng tiếp tục hát, giọng hát càng quyến rũ mê ly làm say đắm lòng người.

Cả người nàng ướt sũng. Với bộ áo váy trắng mỏng manh bó sát người nàng làm lộ ra hết những đường cong, mịt mờ huyền ảo. Có lẽ đấng tạo hóa đã dồn hết tất cả những tinh hoa trong trời đất để tạo nên con người nàng. Nhan sắc của nàng như một ma lực kỳ diệu thu hút tất cả ánh mắt của những người xung quanh. Có cặp mắt chiếu ra những tia dâm đãng thèm thuồng thì cũng có mắt chiếu ra những tia cung kính, quỵ lụy, sẵn sàng vì một tiếng cười mà lăn xả vào muôn ngàn nguy hiểm. Có những cặp mắt nhìn nàng với sự xấu hổ xót xa và cũng có cặp mắt nhìn nàng với bao nhiêu sợ hãi tột cùng. Điều kinh ngạc nhất là người trong ma giáo đều nhìn cô gái với cặp mắt chứa chan niềm hân hoan và khích động. Không mấy ai để ý đến nơi cổ, hai tay, hai chân và cái lưng ong kiều diễm của nàng đều có cùm sắt đã bị sét đỏ quấn ngang.

Người nàng vẫn bay lên cao với một tốc độ thật chậm. Như một vi thiên tiên đang bay lên cao đi về cõi u linh, để lại bao nhiêu thần dân tôn thờ sùng bái. Nàng đưa tay vuốt lại suối tóc đen mướt dài chấm gót, mắt vẫn nhìn trời hát. Điệu ca lần này khác với điệu ngâm hai lần trước:

‒ Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Hay là bởi tại ông mai
Đường tơ đứt nối nhạt phai má hồng

Đêm đêm hương giá lạnh như đồng
Có tâm sự khó lòng gởi gió mây
Ai anh hào, ai hiệp nghĩa, ai hay?
Sao ai nỡ đọa đày nơi tuyệt cảnh

Vạn cổ hồng nhan đa khổ hận
Thiên niên quốc sắc thiểu an thường

Gót giang hồ vỡ mộng cánh uyên ương
Đời cô lữ đau thương càng oán thán
Trong trời đất đâu cũng là sầu thảm
Lão trời già có lân cảm cũng quá xa

Suốt đời trong kiếp phong ba.

Nàng lơ lơ lửng lửng giữa trời hát một bài ca trù làm trên vạn người chấn động trong lòng. Bài đầu tiên giọng ca chứa chan biết bao tình tứ. Lần thứ nhì giọng ca như nỉ non than vãn. Còn lần này trong trách móc còn có nhiều uất khí. Trong lúc nàng đang hát thì Tạ Đức Uy ra lệnh:

‒ Dùng loạn tiễn để giết đại ma đầu độc ác!

Trang đinh Long Võ Trang loay hoay lúng túng lắp tên vào cung nỏ theo lệnh. Hàng loạt mũi tên từ bốn phía miễn cưỡng bay về cô gái đang ở trên không. Nhưng cách mình cô gái nửa trượng thì tất cả bị nổ tung và rơi xuống đất tạo thành cảnh tượng ngàn hoa reo rắc xung quanh cô gái khiến nàng càng thêm lộng lẫy dưới trăng rằm. Nàng nhìn đến Long Đình Lâu, đến cổng nam và cuối cùng dừng lại ở đôi mắt của Long Võ Minh Chủ trên vọng canh. Bốn mắt nhìn nhau và hai người khẽ chấn động. Đôi gò má của cô gái thoáng ửng hồng. Long Võ Minh Chủ ra lệnh:

‒ Nhả tên!

Thêm hàng loạt mũi tên bay về hướng nàng và lần này cũng như lần trước. Hoa rơi rơi réo rắc lòng người. Long Võ Minh Chủ khẽ thở dài:

‒ Thôi, tất cả ngừng tay.

Cô gái nhỏen miệng cười. Nụ cười vô tư hồn nhiên. Có người còn thầm thương hại cho cô gái lạc bước đến bãi chiến trường gió tanh mưa máu.

‒ Tấn công!

Một loạt đào hoa phi khí bay đầy trời. Tạ Đức Uy vội vàng ra lệnh cho đệ tử thập đường lùi lại phía sau. Số người không bao giờ còn nghe được tiếng trống lệnh lên đến hàng trăm. Giáo chúng ma giáo đồng loạt tung hô:

‒ Đào nở thắm tươi. Thiên vạn hoa rơi. Hương bay khắp chốn. Tuyệt diệu trên đời. Cung nghinh Giáo Chủ tái hiện nước Nam! Thiên Hoa Giáo lại được đâm chồi nẩy lộc, mang đến mùa xuân cho tất cả dưới gầm trời.

Cô gái đưa bàn tay ngọc ra bắt lấy một đóa hoa đào cài lên mái tóc rồi từ từ đáp xuống đất. Xung quanh chỗ đứng có đến hàng vạn đóa hoa được cắm sâu trên mặt sân đá xanh loang lổ những vũng máu cùng xác người. Hoa dính máu, in hình và phản chiếu trên những vũng máu tạo thành một bức tranh vừa rùng rợn vừa mê ly. Cô gái hất nhẹ bàn tay, tất cả các đóa hoa bay lên cao để lần nữa rồi lại lả tả rơi rơi. Nhiều giọt máu bắn ra tung tóe. Cảnh tượng càng tăng vẻ chết chóc. Cô khẽ nhắm mắt hít một hơi dài:

‒ Điệu múa hoa đào, đã bao lâu rồi nhỉ?

Hầu hết những người hiện diện đều bàng hoàng. Một cô gái nhìn như thiếu nữ đôi tám mà là giáo chủ tàn ác của ma giáo, dù sự việc mắt thấy tai nghe họ vẫn không tin trên đời có chuyện lạ như vậy. Lại nghe tiếng của người đấu ngang tay với Tạ Đức Uy thủ lễ với cô gái, giọng nói của một người phụ nữ lớn tuổi:

‒ Vì trọng trách trên người, thuộc hạ của Thập Hoa Cung không thể hành đại lễ, mong Giáo Chủ thứ tội.

Nghe cách nói chuyện thì quần hùng đoán là tất cả sự việc đêm nay đều do bà ta chủ xướng và chỉ đạo. Cô gái khẽ thở dài bùi ngùi cảm khái. Nàng đưa ánh mắt hiền từ, bi thương nhìn những người đang quỳ và phất tay ra lệnh:

‒ Đáng lẽ các ngươi không nên vì ta mà gây ra trường thảm sát. Thật vất vả cho các ngươi. Ta thật có lỗi với mọi người.

Người thủ lĩnh cảm động, thân hình run run, tay cầm thanh kiếm vung lên. Cô gái đứng yên một chỗ nhìn ánh kiếm nhưng chẳng để tâm. Tất cả những chiếc cùm trên người bị kiếm chém nát. Sắt vụn loảng choảng rơi xuống đất. Thanh kiếm tuy sắc bén nhưng không có nội công cao thâm không thể chặt đứt hết gông cùm. Tra kiếm vào vỏ, người thủ lĩnh đến trước mặt cô gái rồi quỳ xuống hành lễ, hai tay trịnh trọng nâng cao khỏi đầu:

‒ Đa tạ Giáo… Giáo Chủ quan hoài. Được nhìn lại Giáo Chủ thuộc hạ muôn vàn cảm kích. Đây là thanh bảo kiếm của…

Thiên Hoa Giáo Chủ lại phất tay:

‒ Tả Hộ Giáo cứ đứng lên. Hôm nay biết được ngươi còn sống, bản tòa rất vui mừng, vui lắm. Hộ giáo lại còn giữ được thanh kiếm đó.

Nàng không cầm kiếm thanh kiếm mà đích thân nâng vị hộ giáo đứng lên:

‒ Tạm thời cứ giữ giùm bản tòa.

Đôi mắt tả hộ giáo long lanh ngấn lệ. Bà đứng dậy, đeo thanh kiếm đó lên lưng và rút thanh kiếm tùy thân ra cầm trên tay. Trong khi đó sư bà Mẫn Huệ vừa nhìn thấy thanh kiếm, dung mạo hiền từ hiện ra lửa giận. Bà vội định tâm, nhắm mắt lại như không muốn nhìn thấy cảnh đau lòng. Tạ Đức Uy nghe hai người đối đáp với nhau liền la lớn:

‒ Hồ Nguyên Hoa, thì ra mụ vẫn còn sống. Chuyện đêm nay do mụ bầy mưu tính kế. Tội ác của mụ dù có bị giết trăm, ngàn lần vẫn trả không hết.

Hồ Nguyên Hoa hậm hực nhìn Tạ Đức Uy:

‒ Đúng vậy thì đã sao? Giáo Chủ đã ra được đến ngoài thì các ngươi sẽ chết hết trước khi trời sáng.

Giáo chủ ma giáo nhìn về phía vọng canh:

‒ Lý Minh Nghĩa, sự việc đã như thế này ngươi nghĩ sao?

Giọng nói từ tốn, âm thanh không lớn nhưng vang đi rất xa. Từ ngày lên làm minh chủ võ lâm, ít có ai dám gọi chính tên của Long Võ Minh Chủ như cô gái. Ông không giận mà khách khí nhưng cương quyết:

‒ Giáo Chủ đã biết câu trả lời. Xin tha thứ tại hạ không thể để Giáo Chủ đi như thế được.

‒ Vậy còn giáo chúng của bản tòa?

‒ Bất kể là ai cũng không thể rời khỏi Long Võ Trang dù chỉ nửa bước.

Tạ Đức Uy dõng dạc nói lớn:

‒ Đêm nay lão phu là tướng chỉ huy. Toàn bộ giáo chúng ma giáo đột nhập Long Võ Trang sẽ bị diệt hết. Tuyệt đối không có ngoại lệ! Nhất định không có ngoại lệ.

Giáo chủ ma giáo khẽ thở dài:

‒ Chẳng lẽ không còn cách nào khác hay sao?

‒ Vốn đã không có, tuyệt nhiên không có và cũng không bao giờ có. Đêm nay không biết bao nhiêu người táng mạng tại đây. Giáo Chủ còn muốn bao nhiêu người chết nữa mới thôi?

Cô gái nghe nói lòng buồn rười rượi nói thầm trong miệng chỉ đủ để mình nghe: “Xưa nay ta vốn là người như vậy…”

Tạ Đức Uy ra lệnh, người trong thập đường lập tức thay đổi trận thế. Bảo Trang Đường và Long Võ Đường bị tổn nguyên khí nhiều nhất đứng dàn ra trước và hai bên cửa chính của Long Đình Lâu. Những đạo quân còn lại chia nhau ra đứng sắp hàng trong lẫn ngoài Minh Chủ Thành để bao vây người của ma giáo.

Về phía của ma giáo cũng chỉnh đốn lại hàng ngũ và chia ra làm sáu đội người. Một đội đối diện với cửa nam Long Đình Lâu, một đội trấn giữ cửa nam của Minh Chủ Thành, hai đội hướng đông hai đội hướng tây. Tất cả đều xoay lưng vào Viên Nguyệt Hồ.

Thiên Hoa Giáo Chủ đứng trước Long Đình Lâu. Hồ Nguyên Hoa đứng bên cạnh. Phía sau có mười đại cao thủ cầm kiến dàn hàng ngang đứng chờ. Long Võ Minh Chủ cũng ra trước trận, bên trái là người vợ tào khang và bên phải là Tạ Đức Uy. Đàng sau, phía bên phải là mười vị đường chủ, phía bên trái ba người con ruột, hai người con dâu cùng với anh em Nguyễn Tử. Đôi bên nhìn nhau bừng bừng sát khí. Giáo chủ ma giáo ngước lên nhìn mặt trăng đang tỏa sáng. Trời đêm đã đến giờ Sửu. Nàng nhẹ giọng, âm thanh trong vắt nhưng buồn não nề:

‒ Nhiều năm dài đằng đẵng giờ mới thấy lại cố nhân. Gặp nhau trong tình trạng lửa loạn binh đao không biết Minh Chủ nghĩ sao nhỉ?

Long Võ Minh Chủ khẽ thở dài:

‒ Ba mươi năm tuy lâu nhưng thời gian chẳng khác nào bóng câu qua cửa. Ngoại trừ Giáo Chủ vẫn giữ nguyên vóc dáng của thiếu nữ đôi tám, tất cả chúng ta ai cũng già đi ba mươi tuổi. Tại hạ khâm phục Giáo Chủ vô cùng.

Thiên Hoa Giáo Chủ khẽ mỉm cười. Nụ cười nghiêng thành nghiêng nước của nàng làm cho tất cả những người có mặt đều phải xao xuyến:

‒ Minh Chủ nói lạ. Bản tòa lẽ nào lại có thể thay đổi được càn khôn? Chẳng qua thời gian ba mươi năm đó không hiện ra ở hình hài hay nét mặt mà thôi.

Long Võ Minh Chủ cũng gật đầu:

‒ Khó có thể ngờ được. Nếu không chính mắt thấy tai nghe, tại hạ quyết không bao giờ tin Giáo Chủ có phần trẻ hơn năm xưa vài tuổi.

Nói đến đó, trong không gian chợt có ba tiếng cười lanh lảnh chấn động cả một vùng, kèm theo là ba tiếng người:

‒ Long Võ Trang có Lương Gia Tam Kiệt ở trong nam đến cấp báo và tiếp sức đây.

‒ Ủa mà hình như mình đến chậm mấy bước.

‒ Phải nói là mình đến chậm mấy canh giờ và thiên hạ giảm bớt rất nhiều anh hùng! Đêm nay Long Võ Trang có thịnh hội gì mà người chết la liệt thế kia? Long Võ Minh Chủ đường đường là đấng chí tôn võ lâm mà có người dám đến quấy rối. Ba anh em lão phu quyết vì Minh Chủ mà ra chút sức mọn.

‒ Đâu đâu đứa nào dám ăn gan hùm mật gấu mà đến khuấy động đất thánh của đấng chí tôn?

Long Võ Minh Chủ khẽ cau mày chứ không đáp. Tạ Đức Uy đã nổi giận:

‒ Ba anh em họ Lương kia, bản Trang tự biết đối phó với cường địch, không cần đến loài cặn bã các ngươi.

Nói đến đó đã thấy ba bóng người lướt đến như bay. Họ đến giữa hai hàng người đang đối trận, hướng vào Long Võ Minh Chủ cung cung kính kính:

‒ Lương Gia Tam Kiệt xin bái kiến Minh Chủ. Kính chúc Minh Chủ phúc thọ vẹn toàn, trăm con ngàn cái. Đức sáng như trời. Uy chấn bốn phương. Danh tiếng lẫy lừng. Thiên hạ quy thuận.

Tuy miệng nói thế nhưng mắt láo liên không tỏ ra vẻ gì là thành khẩn. Cả ba anh em tuổi đã trên năm mươi. Người lớn tuổi nhất có tên Lương Hào Kiệt mắt trắng dã như cá, mặt dơi tai chuột. Ngoại hiệu của lão là Thanh Nghệ Thần Ưng chuyên xử dụng ưng trảo công. Người thứ hai có tên là Lương Dũng Kiệt mắt to mắt nhỏ, ngoại hiệu của lão là Hoành Sơn Thần Chưởng vì chưởng lực của lão vô cùng hùng hậu. Người thứ ba có tên là Lương Thành Kiệt ti hí mắt lươn, ngoại hiệu là Hỏa Châu Thần Mã khinh công vô cùng trác tuyệt. Nhác thấy một vị đường chủ mặc màu hồng nhạt, tuổi khoảng sáu mươi lăm, Lương Hào Kiệt làm bộ khúm núm:

‒ Thì ra là Hồng Sơn Nam Hồng đại hiệp, sư đệ của chưởng môn phái Hồng Lĩnh đây. Anh em tại tạ ra mắt chào Hồng lão huynh.

Ba anh em họ Lương xưng thần xưng kiệt nhưng tiếng tăm mười phần không đến một phần tốt đẹp. Phàm làm việc chỉ nghĩ đến danh lợi của mình trước nhất, hành hiệp trượng nghĩa, nếu có, chỉ đứng thứ yếu. Ba người ngang dọc suốt một giải nam cương Đại Việt. Nhưng họ khôn ngoan, lúc nào cũng tránh né không để đụng chạm đến người của phái Hồng Lĩnh. Họ có làm chuyện bậy thì cũng tìm cách giấu nhẹm nên phái Hồng Lĩnh vì không tìm ra lý do đành để họ yên thân. Hồng Sơn Nam thấy ba anh em họ phớt lờ Tạ Đức Uy mà chào hỏi mình nên mắt nhìn đi nơi khác và ậm ờ cho qua chuyện. Không ai thèm để ý đến mình cứ cho là người ta nể mặt, ba anh em càng tỏ vẻ thích chí hơn. Lương Thành Kiệt cười lớn:

‒ Minh Chủ đừng lo, chuyện đêm nay anh em tại hạ quyết giúp Minh Chủ đánh…

Lão vừa nói vừa xoay người ra phía sau xem cường địch là ai. Nhìn thấy mặt giáo chủ ma giáo lúc ấy đang đứng nhìn trời ra chiều nghĩ ngợi, lão bỏ dở câu nói, miệng há hốc không ngậm lại được. Trong cuộc đời lão, lão chung chạ với đàn bà không ít nhưng chưa thấy ai đẹp bằng một phần mười cô gái đứng trước mặt. Nhất thời không kềm chế được, hai mắt lão cứ trợn trừng, miễng vẫn không ngậm lại. Lương Hào Kiệt và Lương Dũng Kiệt cười vênh váo nghe em mình nói lời nghĩa hiệp. Tự nhiên nghe Lương Thành Kiệt bỏ ngang câu nói, không hiểu chuyện gì cũng quay lại nhìn. Cả hai cùng bị tình trạng như đứa em, mắt cũng trợn trừng, miệng há hốc. Hồ Nguyên Hoa thấy ba anh em họ Lương có cử chỉ vô lễ định dùng kiếm dạy dỗ thì nghe Trần Triệu Quốc Nguyệt hỏi lớn:

‒ Ba con chuột nhắt kia không chui rúc vào ổ chuột trong nam mà đường xa lặn lội tới đây có mục đích gì?

Nghe tiếng nói, ba anh em họ Lương mới tỉnh mộng, mắt dáo dác nhìn quanh:

‒ Đứa nào mới nói cái gì đó?

Nàng hừ mũi:

‒ Không những là chuột nhắt mà còn bịnh quáng gà, không nhìn rõ mẹ các ngươi đang hỏi chuyện hay sao?

Thuộc hạ Bang Giao Long cười ầm lên. Tạ Đức Uy không thích cách nói chuyện của Trần Triệu Quốc Nguyệt nhưng cũng không ưa gì anh em họ Lương. Lão chỉ khịt mũi nói thầm: “Cá mè một lứa.” Lúc này ba lão mới để ý đến cô gái tuổi khoảng hai mươi hai, da đen như nhọ nồi nhưng rất mặn mà. Lương Thành Kiệt xuýt xoa:

‒ Tuy không đẹp bằng bé kia nhưng cũng thuộc loại hiếm có. Ôm ấp nó một đêm cũng đáng mặt làm trai phong lưu.

Lương Dũng Kiệt gật đầu:

‒ Tam đệ nói rất đúng. Nhất định không tệ.

Lương Hào Kiệt hỏi gặn:

‒ Nhưng trong chúng ta ai sẽ là người ôm ấp đầu tiên? Nhìn tướng của nó nhất định là gái chưa chồng.

Lão nói rồi ba anh em cùng cười lớn. Lời nói của ba lão không khác gì phường thất phu vô học. Thiên Hoa Giáo Chủ nhìn Hồ Nguyên Hoa:

‒ Bản tòa không muốn thấy người thô tục, nghe lời thô tục.

Lương Hào Kiệt ngạc nhiên:

‒ Bản tòa? Cô nương là…

Hồ Nguyên Hoa trả lời:

‒ Ngươi muốn Thiên Hoa Giáo Chủ tặng mỗi người một đóa hoa đào thì lên tiếng.

Trong tay mụ đã nắm sẵn ba đóa hoa. Anh em họ Lương nghe Hồ Nguyên Hoa nói khác nào sấm nổ bên tai. Đôi mắt sợ sệt nhìn cô gái đẹp đẹp như thiên tiên. Trần Triệu Quốc Nguyệt bước lên dõng dạc:

‒ Việc này Giáo Chủ cứ để cho Nguyệt tôi giải quyết. Nhất định sẽ đẹp mắt.

Nàng nhìn ba anh em cười nửa miệng tỏ ý khinh:

‒ Ba lão quái nhà ngươi hình dạng như chuột nhắt. Đi như chuột, đứng như chuột, ăn nói nằm ngồi không khác chuột. Mặt dơi tai chuột. Bản tòa nghĩ rằng cái đó đó cũng không hơn đuôi chuột. Nếu có lâm trận chắc là “tốc chiến tốc thắng” như gà đạp mái. Ba anh em nhà ngươi có giỏi gì mà khoe? Nơi này long phụng đang tranh tài, loài chuột bọ đừng đến phá rối mà mang nhục vào thân.

Trần Triệu Quốc Nguyệt nói xong, ngoài những người có thân phận nên phải ráng giữ mặt nghiêm nghị, tất cả những người khác đều cười to lên, tạm thời quên đi cảnh chém giết trước đó không lâu. Như thường lệ, thuộc hạ Bang Long Long là ồn ào hơn cả. Đây đó còn có người tiếp lời của nàng mà mắng chửi anh em họ Lương. Nàng nói thêm:

‒ Loài chuột phải dùng tiếng “chút chít” nói chuyện với nhau. Tại sao ba con chuột nhắt này lại cả gan nói tiếng người nhỉ? Chú bác của nó là loài chuột cống, chuột chù đâu không ra dạy bảo chúng nó đôi điều về lễ giáo? Nếu không có thì bà mi là Cá Đuối này sẵn sàng dạy dỗ loài chuột bọ kia.

Lương Dũng Kiệt sôi gan, tay run run chỉ thẳng vào mặt Tế Tác Đường Chủ gằn từng tiếng:

‒ Con bé kia là ai, tên gì, sao không mau khai báo rồi mau ra đây tạ tội. Lão gia mà không thu phục được ngươi, cho ngươi bị ba anh em lã gia hành hạ thì quyết…

Tạ Đức Uy dõng dạc:

‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt! Dù mi là Tam bang chủ của Giao Long Bang nhưng cũng phải tôn trọng bậc trưởng bối có biết chưa? Lương Gia Tam Kiệt tiếng tăm khắp Đại Việt. Mi phải biết tôn ty trật tự mà kính trọng những người lớn tuổi. Trước mặt Minh Chủ và Giáo Chủ mi không được nói những điều thiếu lễ giáo để anh hùng trong thiên hạ cười cho sưng mặt rằng đường chủ Tế Tác Đường của Long Võ Trang là hạng người thô lậu thấp kém.

Lão vừa nói vừa nhìn nàng mà cười thầm trong bụng. Cơn giận trong lòng nguôi đi rất nhiều. Trần Triệu Quốc Nguyệt chỉ lạnh lùng không nói. Tuy Bang Giao Long có thuộc hạ trên vạn người nhưng hay bị xem thường là một bang yếu kém. Lương Hào Kiệt khinh khỉnh:

‒ Tưởng ai thì còn chút nể sợ. Ba chữ Giao Long Bang đúng là làm cho anh hùng thiên hạ cười đến rụng răng lưỡi. Mới từng ấy tuổi mà ngồi vào ghế Tế Tác Đường, tại hạ cho rằng Long Võ Trang chọn lầm nơi và dùng lầm người. Long Võ Minh Chủ nên thay thế bằng một trong ba anh em tại hạ thì đức mới sáng hơn, đạo mới rõ hơn và tiếng thơm của Minh Chủ vang vọng về sau lâu dài hơn.

Long Võ Minh Chủ thủ lễ:

‒ Bản tòa cám ơn lời nhắc nhở của Lương huynh nhưng Giao Long Bang là một bang có danh tiếng ngàn năm và Trần Triệu Đường Chủ là người có thể làm được việc lớn. Bản tòa không có chọn sai người.

Không những Tạ Đức Uy sững sờ mà Trần Triệu Quốc Nguyệt cũng ngạc nhiên không kém. Nàng nhìn anh em họ Lương:

‒ Các ngươi đừng quên rằng ngọn roi của mẹ các ngươi còn lớn hơn ba cái đuôi chuột nhắt của bọn mi nhập lại đó.

Lại có tiếng cười vang. Nàng nói lớn:

‒ Hai phó lý Vinh, Tú đâu Nguyệt tôi có chút việc cần hỏi.

Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú rời khỏi vị trí đến trước mặt nàng cung kính thưa:

‒ Bẩm Tam Bang Chủ có thuộc hạ.

Trần Triệu Quốc Nguyệt gật đầu:

‒ Thuộc hạ trong bản bang mà phạm vào tội đại bất kính với bang chủ sẽ bị xử phạt gì?

‒ Dạ sẽ bị đánh 120 côn. Nếu còn tái phạm sẽ bị đánh tàn phế.

‒ Phó đường chủ nghĩ xem ba tên bất Lương kia đáng bị tội gì?

‒ Bọn chúng dám xúc phạm đến danh dự của Bang Chủ, của bản Bang thì chẳng khác nào lăng mạ tất cả thuộc hạ trên dưới. Ba tên đó phạm tội đáng bị đánh đòn thật nặng.

‒ Bản tòa có cần ra tay không?

‒ Dạ không! Giết kiến dòi không cần dùng đến kiếm cung. Ngọn roi của Bang Chủ vốn lớn hơn ba cái đuôi chuột rất nhiều.

‒ Vậy phải xử ra sao?

‒ Dùng tre nứa đập dập ra rồi đem vuốt đuôi chuột.

‒ Vuốt đuôi chuột?

‒ Ấy dạ thuộc hạ quên. Nếu thật sự to bằng đuôi chuột thì vốn không cần phải để tâm. Của người khác thuộc loại tre đực thì mới cần xử theo cách trên. To như đuôi chuột nhắt thì vốn chẳng khác nào với những tên thái giám cung đình.

‒ Vậy theo ý phó đường chủ phải xử phạt ra sao?

‒ Treo đuôi chuột lên ngọn cây cho những con chuột chù, chuột cống khác lấy đó mà làm gương.

‒ Được rồi, hai anh hãy lui lại.

‒ Dạ vâng!

Thuộc hạ của đôi bên cười ầm lên, nhưng cười lớn nhất vẫn là Giao Long Bang. Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải chí đứng gần đấy cũng phải lắc đầu than: “Con gái đến thế là cùng. Bang chủ ra sao thuộc hạ y như vậy.”

Ba lão họ Lương giận quá mất khôn thét lên:

‒ Cái Nguyệt kia đừng có hiếp người quá đáng!

Nàng bĩu môi:

‒ Tướng các ngươi như vậy đến loài chuột bọ còn chê nữa là…

Rồi nàng quắc mắt nhìn ba lão họ Lương:

‒ Mỗi khi bọn mi hãm hiếp phụ nữ bọn mi có nghĩ đến câu “hiếp người quá đáng” là gì không? May cho ba đứa mi ăn vụng chùi mép rất kỹ nên tạm thời bản tòa chưa có bằng chứng để trị tội. Nếu không ba ngươi đã bị băm vằm thành từng mảnh nhỏ làm đồ ăn cho chó. À không, làm như vậy sẽ dơ miệng chó. Chính tay tôi sẽ quăng ba gã bất lương vào hầm phân để nuôi dòi.

Anh em họ Lương không còn kềm nỗi sự tức giận. Cả ba lao vào tấn công Trần Triệu Quốc Nguyệt bằng tuyệt học của mình. Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú liền nhảy ra đón đỡ thế công của Lương Dũng Kiệt và Lương Thành Kiệt. Nàng chiết chiêu với Lương Hào Kiệt. Trong lúc ba cặp đấu với nhau, nàng dùng mắt ra dấu cho hai người thuộc hạ.

Cuộc chiến xảy ra chớp nhoáng. Mặc dù Lương Gia Tam Kiệt võ công cao cường nhưng giao đấu với ba người của Tế Tác Đường dần dần đi vào thế yếu. Đấu đến chiêu thứ bốn mươi ba, Lương Hào Kiệt với ngoại hiệu là Thanh Nghệ Thần Ưng nhảy lên cao đưa hai tay ra như chim ưng vồ mồi. Đây là chiêu cuối cùng cũng là chiêu mà Lương Hào Kiệt đắc ý nhất. Từ trên cao chụp xuống, hai bàn tay lão nhắm vào hai vai của Tế Tác Đường Chủ mà tấn công. Nhưng đấy chỉ là hư chiêu. Xuống gần đến nơi lão khẽ uốn người một cái, lập tức lão vọt ra phía sau của Tế Tác Đường Chủ, hai tay cũng biến chiêu thay vì đánh vào bả vai thì uy hiếp luôn một lúc bốn đại huyệt Bách Hội, Ngọc Chẩm, Não Hộ và Phong Phủ. Hiển nhiên đây là một sát chiêu.

Chỉ thấy Trần Triệu Quốc Nguyệt ngước mặt lên, ngửa người ra phía sau, xuất chiêu thần tốc. Tay trái của nàng chụp vào khuỷu tay trái của lão Lương nơi huyệt Xích Trạch của Phế Kinh, Tiểu Hải của Tiểu Trường Kinh và Thiên Tỉnh của Tam Tiêu Kinh. Còn tay phải của nàng thì chụp vào khuỷu tay phải họ Lương nơi các huyệt Khúc Trì của Đại Trường Kinh, Thiếu Hải của Tâm Kinh và Khúc Trạch của Tâm Bào Lạc Kinh. Hư chiêu ban nãy của Lương Hào Kiệt không qua được mắt nàng mà còn bị nàng biến chiêu và cùng một lúc chế ngự cả sáu kinh của lão. Lương Hào Kiệt ngỡ ngàng, sợ sệt. Lão đã biết việc gì sẽ đến.

Trần Triệu Quốc Nguyệt khẽ vuốt hai tay xuống đến cổ tay của Lương Hào Kiệt làm cho bao nhiêu kình lực trong hai cánh tay của lão bị mất hết. Biết mình gặp nguy nhưng không làm gì được lão đành vận tàn lực vào ngực nghiến răng chịu đau. Nàng biến trảo thành chưởng. Hự một tiếng, Lương Hào Kiệt bị đánh bật tung ra sau hơn ba trượng nằm đứ đừ dưới đất. Miệng lão rỉ máu tươi. Trần Triệu Quốc Nguyệt khẽ cau mày đăm đăm nhìn Lương Hào Kiệt đang nằm sóng soài. Lương Dũng Kiệt và Lương Thành Kiệt không còn tham chiến, vội chạy lại bên anh xem vết thương ra sao. Lương Hào Kiệt tuy không chết nhưng muốn chữa lành vết thương e không dưới một tháng. Ba người nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt bằng ánh mắt hận thù, hằn học. Đôi mắt của nàng sáng như sao. Nàng bước rút roi ra và tiến lên mấy bước định cho hai tên họ còn lại một bài học thì Long Võ Minh Chủ can lại:

‒ Tế Tác Đường Chủ xin nể mặt bản tòa tha cho họ. Tuy họ là phường cặn bã nhưng trị tội như vậy đủ rồi.

Sư bà Mẫn Diệu cũng khuyên:

‒ Minh Chủ nói rất đúng. Mong Trần Triệu Đường Chủ tha cho họ để khỏi gây nghiệp chướng.

Tuy Trần Triệu Quốc Nguyệt không cùng quan niệm với hai người nhưng nàng cũng không phản bác lại. Nàng nhìn ba anh em họ Lương quát:

‒ Ba con chuột nhắt kia từ nay có tên là Bất Lương Nhất, Bất Lương Nhị và Bất Lương Tam, hiểu chưa?

Ba người bị Trần Triệu Quốc Nguyệt lăng mạ cố nén lòng căm giận lí nhí đáp:

‒ Rõ…

‒ Phải trả lời dạ rõ.

‒ Dạ rõ.

‒ Biết vậy thì mau cút đi cho được rảnh mắt.

Lương Dũng Kiệt và Lương Thành Kiệt mỗi người một bên dìu anh đứng dậy. Bỗng nghe Tế Tác Đường Chủ ra lệnh, giọng đầy vẻ khinh miệt:

‒ Giống chuột là loại bò bốn chân, lẽ nào đi hai chân? Ba ngươi ít ra cũng phải đi cho giống chuột mới được chứ.

Long Võ Minh Chủ sực nhớ điều gì hỏi ba anh em họ Lương:

‒ Ban nãy ba vị nói có điều cấp báo, chẳng hay điều đó liên can đến việc Thiên Ma Giáo chăng?

Ba anh em họ Lương nhìn nhau như muốn nói điều gì, Lương Dũng Kiệt cung tay:

‒ Anh em tại tạ chẳng có điều gì cả, chỉ muốn khoa trương một chút, thế thôi. Cúi xin Minh Chủ rộng dung.

Nhìn thấy sắc mặt anh em họ Lương có điều gì giấu giếm nhưng ngặt vì cường địch trước mắt nên không tiện truy cứu:

‒ Vậy thì ba vị cứ việc rời khỏi Long Võ Trang, bản tòa không cản.

Lương Dũng Kiệt và Thành Kiệt xốc anh lên lầm lũi bước đi. Chịu nhục trước mặt bao nhiêu người mà không nói lên một tiếng, Lương Gia Tam Thử cũng không phải tay vừa. Lại nghe tiếng Tế Tác Đường Chủ cảnh cáo:

‒ Các ngươi khôn hồn thì từ nay về sau nên ăn năn hối cải. Đừng để mẹ các ngươi cho ăn như đòn. Hừ, võ công như thế mà dám đòi đụng đến chiếc bóng của Thiên Ma Giáo Chủ. Thật không ngờ loài bọ hung mà dám đòi ôm chân phượng hoàng.

Ba lão gã họ Lương chỉ biết cắn răng chịu nhục mà lê bước khỏi Minh Chủ Thành.