Chân Tướng Cuối Cùng

Chương 7



Phần 7/10

13.
Trên đường về, tôi ngồi ghế phụ.

Hiệu trưởng nói: "Thầy có nghe thầy Triệu nói qua tình huống của em rồi."

Tôi chỉ gật đầu, không lên tiếng.

Hiệu trưởng nói tiếp: "Thành tích của em rất tốt, thầy xin gửi gắm con gái cho em."

"Đến giờ dạy thì em cứ đến dạy, nhưng không được nói cho người khác biết!"

Tôi hiểu, sinh viên đến nhà thầy hiệu trưởng làm thêm rất dễ khiến người ta mượn cớ gây sự.

"Em sẽ chỉ nói là đi làm gia sư thôi ạ."

"Ừ, thông minh lắm. Chính em cũng phải cố gắng học tập cho giỏi để tương lai còn ra xã hội cống hiến chứ."

Nghe câu này, tôi hơi cảm động...

"Vâng."

14.

Về ký túc xá, đám bạn cùng phòng đều hỏi tôi đi đâu vậy.

Tôi chỉ trả lời qua loa: "Làm thêm."

"Làm thêm á?"

"Ừ, tìm được một mối gia sư, dạy cuối tuần, tiền lương không thấp."

Nói đến đây, cả phòng đều mừng thay tôi.

Tôi cảm thấy cuộc sống đang dần dần tốt lên.

15.

Buổi học thứ hai, tôi xem bài kiểm tra của cô bé một lượt.

Em học bằng cách nhớ nên ăn điểm ở hầu hết các bài cơ bản nhưng đến bài ý kiến chủ quan cần động não thì không sao mà phát biểu ra cái nhìn của bản thân được.

Tôi thử nói chuyện với em, câu trả lời của em khiến tôi rất bất ngờ.

"Em không thích đề bài về ý kiến chủ quan. Hai năm trước học bài ‘Tuyết’ của Lỗ Tấn, cảm nhận của em là cô lập không thể đoàn kết, không thể tụ thành một tập thể nhưng đáp án thầy cô chấm đúng lại là không kiêu ngạo, không tự ti. Cái gì là đề hỏi ý kiến chủ quan? Chính là ép mình thừa nhận đáp án tiêu chuẩn là ý kiến của bản thân."

Tôi không tài nào phản bác được.

Bởi vì chính tôi cũng đồng ý với em.

Thầy cô dạy ngữ văn cũng chỉ đang phỏng đoán ý tứ của tác giả dựa trên nội dung văn bản.

Trong tình huống này thì đâu ai có thể khẳng định ‘đề nêu ý kiến chủ quan’ là ‘chủ quan’ thực sự.

16.

Khi sắp kết thúc buổi học thứ ba, cô bé bỗng nói với tôi, người đang nhìn đông ngó tây:

"Thầy không tò mò sao nhà chỉ có em và bố ạ?"

Tôi nhíu mày, kỳ thật tôi cũng tò mò nhưng không tiện dò hỏi.

Em nói:

"Mẹ em năm ngoái bỏ đi rồi, bọn họ không ly hôn, nhưng mẹ em cứ thế dọn ra ngoài."

"Bà ấy bảo em phải học thật giỏi, không được đi tìm bà ấy, em cũng không biết vì sao."

Mặt em không có biểu cảm gì, giọng cũng thờ ơ như đang đọc bài trên sách.

Trong mắt tôi, em hình như thiếu mất sự hồn nhiên nên có của độ tuổi này.

Tựa như tôi lúc mới mắc bệnh trầm cảm.

17.

Kết thúc buổi học thứ ba, tôi vẫn ngồi xe hiệu trưởng về trường.

Bình thường chú ấy sẽ chở tôi đến giao lộ trước cổng trường, để tôi tự đi bộ quãng đường còn lại.

Lần này chú ấy đưa tôi đến tận cổng, chưa để tôi xuống xe ngay mà giữ tôi lại, cho tôi một cái túi.

Bên trong là một hộp giày thể thao mới tinh.

Đây là lần thứ tư tôi gặp chú ấy, tôi không dám nhận món quà quý giá như vậy.

"Em không nhận được đâu ạ."

"Về sau con gái thầy nhờ cả vào em, cầm đi, về sớm một chút nhé."

Hiệu trưởng nhét hộp giày vào tay tôi, sau đó vẫn ngồi trên ghế lái, vươn tay mở cửa bên phía tôi.

Tôi không nghĩ gì nhiều, chẳng qua là nhận thì ngại thôi.

Nhưng hiệu trưởng không cho tôi từ chối.

Tôi đành nhận vậy.

"Cảm ơn thầy."

18.

Trở lại ký túc xá, nằm trên giường, tôi nhận được tiền cô bé chuyển khoản.

300 tệ.

Không thể không nói công việc gia sư này thật sự rất nhẹ nhàng.

19.

Sắp hết thuốc rồi.

Ba trăm tệ mới về tay lại phải chi ra hai trăm mua thuốc.

Một trăm tệ còn lại, trưa mai mời bạn cùng phòng một bữa đi.

Bọn họ tốt với tôi thế cơ mà.

20.

Thứ ba, bảng tổng hợp chỉ tiêu Đảng viên dự bị toàn khóa được công bố, lớp tôi được hai chỉ tiêu.

Tôi không dám mong cầu xa vời.

Tôi không nhanh mồm nhanh miệng, lại không thân lắm với các bạn học.

Nếu xét sinh viên năng nổ thì chỉ tiêu này kiểu gì cũng không tới lượt tôi.

Đúng vậy thật.

Quy tắc của xã hội này có lẽ chính là như thế.

Trăm hay không bằng tay quen, tay quen không bằng khéo nói.

Kết quả cuối cùng không ngoài dự tính của tôi, hai chỉ tiêu này dành cho hai cô bạn được lòng giáo viên cố vấn học tập lớp tôi nhất.

Ừm…

Hơi khó chịu.

Hôm nay uống hai viên thuốc đi.

21.

Thứ sáu, danh sách sinh viên năng nổ được báo lên nhà trường.

Lạ thay, thầy cố vấn bỗng tìm tôi, thầy nói:

"Hội đồng sửa lại danh sách, em vào chỉ tiêu Đảng viên dự bị."

Lúc ấy trừ vui mừng ngạc nhiên tôi còn thấy nghi ngờ.

Bởi vì tôi không rõ, đang yên đang lành sao lại đổi chỉ tiêu thành tôi?

22.

Đêm đó là buổi học thứ tư tôi dạy cô bé.

Không gặp năm ngày, trông mặt em vẫn nghiêm túc như cũ.

Hiệu trưởng hôm nay phải đi tiếp khách, không ở nhà. Tôi nghĩ trừ dạy kèm có lẽ tôi còn có thể giúp em thứ khác.

Tôi quay đầu nhìn về phía giá sách cô bé.

Bên trên có mấy quyển sách của Oscar Wilde.

Tôi đã từng nghe về tác giả này, người ta mệnh danh tác phẩm của ông ấy là đã đọc thì sẽ khóc.

Tôi vỗ nhẹ vai em.

Cô bé ngẩng đầu, nhìn tôi khó hiểu.

Tôi chỉ vào cuốn ‘Chim sơn ca và đóa hồng đỏ’ trên giá sách, hỏi:

"Em thích Oscar Wilde à?"

Nói đến Oscar Wilde, em hăng hái hẳn.

Thấy phản ứng này, tôi bèn hỏi:

"Có thể cho tôi mượn quyển sách kia để đọc không?"

23.

[Chim sơn ca và đóa hồng đỏ]

[Một chàng trai tỏ tình với người thương.]

[Nàng nói, anh tặng tôi một đóa hồng đỏ thì tôi sẽ gả cho anh.]

[Chàng trai tìm mãi trong trời tuyết giá lạnh.]

[Khắp nơi chỉ toàn hoa hồng trắng.]

[Hoa hồng đỏ ở nơi nào?]

[Chàng tìm mãi tìm mãi...]

[Vẫn không tìm thấy nổi một bông hồng đỏ nào.]

[Một con chim sơn ca nghe được mong ước của chàng, nó cảm động trước tấm chân tình.]

[Nó bay vào một bụi hồng trắng, ôm gai nhọn vào lòng.]

[Giữa những bông tuyết lớn rơi rợp trời, chim sơn ca cất giọng thánh thót như đang ca tụng tình yêu.]

[Hoa hồng trắng hút máu sơn ca, rốt cục giây phút tiếng hót của sơn ca im bặt cũng là lúc cội hồng nhỏ nở bụng một màu đỏ thắm.]

[Chàng trai theo tiếng chim hót tìm được hoa hồng đỏ như ý.]

[Chàng vui mừng tặng hoa cho nàng.]

[Nàng lại từ chối vì chàng quá nghèo.]

[Chàng tức giận ném bông hoa đỏ xuống rãnh cống.]

[Mặc kệ từng bánh xe lăn qua hết lần này đến lần khác...]