Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 109: Thẩm Vấn Trên Sân Nhà



Tôi cứ nhẹ nhàng đi lại trong nhà, đèn dầu cũng đã tắt nên căn nhà tối đen như mực, tuy chỉ có 9 đốm sáng đỏ trên ban thờ gia tiên nhưng mùi hương toả ra khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng lạ thường. Bên ngoài chấn song cửa là khoảng sân nhà với cây cối đang đong đưa trong gió, tôi chờ đợi trong hồi hộp, dù có cố căng mắt vểnh tai thì tôi cũng không thể nghe hay nhìn thấy bất cứ điều gì. Khoảng cách từ cửa nhà đến cổng nhà theo đường thẳng tầm hơn 40m và gió đang thổi theo phương ngang từ trái qua phải, tôi không thể nghe được, trừ khi ai đó muốn tôi nghe thấy.

- N. ơi, ra đây ta bảo!

Nghe thấy tiếng chị Ma gọi mình từ phía cổng nhà, tôi toan mở cửa để bước ra ngoài thì dường như có ai đó giật cổ áo tôi kéo lại khiến tay tôi nhất thời không với tới được then cài cửa.

- N. ơi! Mau lên, ra đây nào! Không có gì phải sợ, đi hết rồi!

Đúng là âm thanh của chị Ma văng vẳng bên tai nhưng sau khi tôi bị ai đó giật áo, có lẽ là bà cô Tổ, thì tôi chững người lại suy nghĩ... Không những chị Ma xưng là “Ta” mà còn gọi thẳng tên của tôi, điều này là chưa bao giờ xảy ra trong suốt những năm qua.

- Sao lâu thế??? Là ta... là Ngọc Hoa đây!

Dĩ nhiên thứ âm thanh trong trẻo này thì tôi nhận ra nhưng chị Ma chưa bao giờ gọi tôi kỳ lạ như thế, sau cùng tôi chợt nhớ ra ban nãy chị Ma có dặn chị ấy không gọi tôi khi sự việc đã xong mà sẽ ra ám hiệu, tôi hiểu rằng có lẽ ám hiệu chị ấy nói chính là ném sỏi vào cửa sổ. Tôi lại nhớ đến lời kể của bà Già rằng nửa đêm thanh vắng nếu có ai gọi cổng mà không nhận rõ mặt thì tốt nhất không nên thưa, phải nhìn được mặt, vì có thể ai đó muốn rủ rê con cháu "đi chơi". Tuy nghĩ trong lòng như vậy nhưng lòng tôi cứ thấp thỏm không yên, mặc dù tin vào nhận định và trí nhớ của mình nhưng nghe người quen gọi tên mình tha thiết mà mình không đáp lời cảm thấy lòng dạ bồn chồn không yên.

- N. ơi mở cổng!

Tôi ngẩn người ra...

- Sao bà Già lại về đúng lúc này làm gì không biết nữa?!

Tôi vò đầu bứt tai, mặt nhăn nhó như con khỉ nhưng rồi cũng lại phát hiện ra một điều bất thường, sao bà Già nửa đêm lại gọi tên tôi ngoài cổng, bà cũng lại gọi tên cúng cơm của tôi, chính là điều kiêng kỵ mà bà luôn dạy, đúng ra bà thường gọi là:

- Thằng cò Tý đâu rồi ấy nhể!?

Người tôi lạnh toát, hình như có ai đó đang cố giả giọng người thân của tôi để gọi tôi ra ngoài cổng, có khả năng là ra đó sẽ phải “đi” đâu đấy, chả biết “đi” thế có về lại được hay không chứ tôi nghĩ là dễ một đi không trở lại. “Không tin bố con thằng nào!”, R9 vẫn hay nói như thế khi tỏ ý băn khoăn lựa chọn bên trái hay bên phải, màu xanh hay màu đỏ, tự nhiên tôi lại nhớ câu cửa miệng của nó và cười thầm một mình. Tôi thực không biết điều gì đang diễn ra ngoài cổng nhà mình và thiên binh vạn mã đang muốn gì ở tôi nhưng tôi quyết định sẽ im lặng, im lặng là cách tốt nhất để mặc người khác đoán già đoán non, đây là lúc nguy cấp không nên nói bất cứ điều gì nếu không hiểu rõ câu chuyện và tình huống, thật may tôi không phải là một kẻ độn tri*.

Thời gian trôi qua thật chậm, tôi không biết đã bao lâu, trong căn nhà đang tối đen như mực tôi có thể nghe được cả tiếng “tích tắc” của đồng hồ Gimiko “Một kim hai quả lắc” loại ít tiền, tôi chờ đợi trong hồi hộp chờ cho chị Ma và cái bóng người cao to xuất hiện sau cùng đủ khả năng để đày đuổi* đám quan binh hay âm binh kia đi và tôi tuyệt đối tin tưởng vào chị Ma sẽ cừu chuộc* cho tôi khỏi tai vạ.

“Cạch, cạch, cạch” mấy tiếng động nhỏ liên tiếp vang lên từ cánh cửa sổ bằng gỗ ngay chỗ bàn học của tôi, lúc này tôi mới yên tâm thở mấy hơi thật mạnh, đoán chắc là mọi việc đã giải quyết xong một cách êm đẹp và đúng ám hiệu, tôi mở cửa bước ra ngoài, không gian thật tĩnh lặng thậm chí cây cũng đang đứng gió.

- Mọi chuyện đã xong rồi hả chị?

- Ph…ù.. ù…- Chị Ma như thở một hơi, thanh kiếm lúc này vẫn đang vác bên vai phải, nhìn rất ngông nghênh – Đi hết rồi!

- Ban nãy…

- Quỷ giả thanh, nó giả giọng đấy! Giả giống không?

- Giống ạ! - Tôi gật đầu – Nhưng cách gọi thì không phải ạ!

- Đấy là do em đã quen biết, thân thuộc với chị và bà, nó giả giọng được nhưng không thể biết những thói quen thường nhật được! Chị cứ lo em sẽ đáp lời thì tiêu.

- Em có nhớ chị dặn, với lại chị không gọi tên của em bao giờ, còn bà em thì cũng có gọi nhưng buổi tối thì tuyệt nhiên không bao giờ bà gọi tên cúng cơm của em cả!

- Nhớ được những điều đó là tốt, nếu đáp lời con quỷ giả thanh thì Nha huyện sẽ câu hồn em đi để làm chứng, tốt nhất là không nên, em không đi làm chứng cũng chẳng ai ép được!

- E... em không hiểu mọi chuyện?

Chị Ma nhẹ nhàng bay lên ngọn ụ rơm mà cả ngày hôm nay tôi đã loay hoay xếp lại nhưng chưa được ngay ngắn như bà làm, một số rơm rạ không xếp vào được thì tôi mang vào bếp để bà đun dần, đúng là làm cái gì cũng phải có kinh nghiệm thực tế chứ chỉ nhìn mà không làm e rằng không phải lúc nào cũng tốt. Chị Ma ngồi trên đỉnh ụ rơm, cái bóng màu đỏ nổi hẳn trên nền trời màu xanh nhạt phía sau, tôi cũng đi lại chỗ bồn hoa đầu hồi ngồi xuống, tôi toàn phải ngẩng đầu lên vừa nói chuyện vừa nhìn, mặc dù đã quen biết lâu nhưng chị Ma vẫn giữ một khoảng cách nhất định, có lẽ không muốn âm khí bám vào người tôi.

- Tên khi nãy đến xưng là Bách Hộ võ quan là có cấp bậc Cửu phẩm như cai tổng, đám lâu la đi theo thì đông, chắc phải bách* quân nhưng giờ thì phiền cả đám, một lũ biền binh* mà cứ nghĩ mình là quân thân vệ*.

- Em không hiểu mấy điều này lắm ạ?

- Chúng nó bị bắt giữ hết cả rồi, ban nãy Thành Hoàng làng đã cử binh lính đến áp giải chúng đi, chắc là giam tạm ở đâu đó chờ quan Tri huyện đưa người xuống đón, to tội và to chuyện nhưng chị nghĩ giờ này đang bị biệng đòn* của binh lính làng này, mấy khi được biệng đòn* cấp trên, hẳn là hả dạ.

- Em… em sắp tới phải làm gì ạ?

- Cả một đám ô hợp mà gặp người có bản lĩnh đánh gục tay Bách Hộ là rét run, em không phải đi đâu hết! Sớm muộn cũng sẽ có người chức trách đến tra hỏi sự tình, chị sẽ bày cách cho em để chước liệu*, nhiều lúc cần phải dối giả*. Chị biết em là một đứa bé ăn nói bảy lẩy* nên sẽ dư sức qua cầu.

- Vâng... có gì chị chỉ cho em, em nhất định sẽ làm theo!

- Nhanh thì đêm nay, chậm thì đêm mai sẽ có người đến gặp em để hỏi về việc phá miếu, em cứ chối bay chối biến, họ có nói nhẹ nhàng hay đe doạ thì cũng phải giữ thái độ bình thản mà trả lời. Nhất quyết không nhận, chị cho rằng ngay cả tay Triệu Đạt kia hôm qua bị thương và cũng mải chén chú chén anh cho nên không thấy việc em đốt miếu, người duy nhất có thể nhận mặt em đốt phá lại chính là cái ông già Tô Phúc Nguyên có điệu bộ bài xài* như ăn mày, mà lão già đó thì không những muốn đập bỏ cái miếu đất mà còn muốn cái miếu đó biến mất hoàn toàn!

- Tại sao thế ạ?

- Chị đã đi dò hỏi nhiều nơi, cũng đã gặp được lão Xã Thần bài xài* lúc chập tối hôm trước, lão ấy sợ rằng cái miếu đất đã bị yểm giấu* nếu lão đòi được cái miếu đã mất về thì cũng ăn không ngon ngủ không yên, vì chưng* sợ bị quỷ thần giấu mặt sai khiến làm điều xằng bậy. Xương cốt của lão cũng đã tan vào đất nên lão ấy nhân dịp này muốn có một cái miếu mới ở nơi khác hoặc làm Xã Thần không cần miếu thờ cũng được. Đốt miếu là trọng tội nên quan trên sẽ chú ý tra xét, tra không ra mặc dù biết có quỷ thần thò tay nhưng không có chứng cứ thì làm được gì?!

- Em lo cái ông Triệu Đạt gì kia, sao ông ta lại có thể sai khiến được nhiều người như vậy?! Chị nói ông ta là tướng thời trước cơ mà? Lại không phải tướng quân bên mình thì sao lại không bị đá đi, đánh cho một trận nên thân?

Chị Ma thở dài, tôi đoán là thế qua điệu bộ, chị ấy không trả lời tôi luôn mà xoay thanh kiếm vài vòng giống như muốn khoe sự uyển chuyển của đôi tay, thanh kiếm tuy không nhìn được rõ hình nhưng cứ loang loáng trước mặt.

- Nó cũng là một tướng nhỏ của giặc Minh bị phục kích cùng đám lính khi đi ngang qua vùng này, không rõ là ai đã hạ sát nhưng sau khi chết nó cũng không có phá quấy ai, lúc ông Lê Lợi làm vua ở Đông Kinh* thì có nhận sắc phong của nhà Minh, vì ông ấy nhận sắc phong cho nên quan tướng nhà Minh chết trận có công lao với nhà Minh mà không tìm được thây cũng được hưởng lây, được nhận sắc phong nên cũng khó đụng chạm, có lẽ hắn ta cũng ở cùng thời với chị, chị đoán như vậy.

- Giặc thì sao phải sắc phong làm gì hả chị?

- Xưa kia nhiều thứ phức tạp, mình thấp cổ bé họng thì đành chịu thế thôi chứ biết làm sao?! Hẳn là tay Triệu Đạt đó cũng được cho đất, ban thưởng tiền vàng nên đã dùng những thứ ấy để khiển đám khác. Đất của nó là đất do tiền triều phần âm ban tặng nên cũng khó lấy lại, cũng tương tự như đất mà chị bị chôn thì đã lập khế ước mua đứt âm phần cho nên muốn vào được phải có sự đồng ý của Thần giữ của. Bình thường ở đất khác sẽ là Thổ Địa coi giữ nhưng ở đất này và nhiều nơi tương tự thì ông Thổ Địa không có thực quyền, cũng không mấy khi phải báo lên Xã Thần các chuyện nhưng vong linh muốn vào đất này thì phải có giấy, có giấy thì chị đồng ý mới được vào!

- Nhưng… Em thấy chị nói chị không biết chữ.

- Chị cũng biết chút chút, không nhiều nhưng đọc bố cáo dư sức!

- Em chẳng nghĩ rằng ở dưới Âm tào, Địa phủ lại phức tạp đến vậy... - tôi ngao ngán - Trước em cứ nghĩ chết là hết mà giờ đúng là phải suy nghĩ lại thật.

- Địa phủ cũng không khác gì trên Dương thế, biết ít đỡ đau đầu, chị cũng chẳng mấy khi quan tâm, chỉ là gần đây có nhiều chuyện nên cũng phải đi dò hỏi nên mới vỡ vạc* ra được thêm.

- Ơ, mà chị, sao nãy chị nói là Thành Hoàng làng cho người vào giải đám kia đi, sao mấy lần trước…

- Chị đã gặp lão Xã Thần, cái lão bê tha ấy bị chúng nó lừa cử người chuốc rượu chưng khi* đó một toán khác đã xâm nhập vào làng theo lối ngách, lão ấy nợ chị một mạng.

- Sao thế ạ?

- Tội đáng chết! Chị định tiện tay cho lão ấy một nhát rồi đổi Xã Thần khác, Thành Hoàng mà biết tội của lão ấy thì cũng bị đuổi đi thôi mà. Nể tình lão biết nghe lời nên chị đã để lão ấy lập đại công, bắt được một đám đột nhập trái phép vào làng.

- Sao quan binh gì mà làm ẩu thế, sa… sao giống mấy người đi ăn cướp.

- Quan binh thì cũng phải có bạc lận lưng, bổng lộc được bao nhiêu đâu mà cứ bù khú rượu chè, cờ bạc suốt ngày, có tí nào thì lại chơi thò lò hết sạch. Nhiều quan binh, quan tướng cũng vì thế mà bị hạch tội rồi đi đày vì nhận của đút làm càn, phức tạp lắm!

- Vậy ngày mai em có được đi đâu không chị? Em sợ ra đường lại giống như hôm nay.

- Đi đâu thì chỉ trong phần đất của làng thôi, chờ khi có người tra xét xong thì không ai dám làm bậy nữa, nếu ai làm bậy thì phạm vào trọng tội giết người diệt khẩu, tội này thì xác định là bị đào mồ cuốc mả và tịch thu hết mọi gia sản, hồn siêu phách lạc nên chẳng ai dám đâu!

Tôi nghe vậy cũng tiếc rẻ vì chỉ còn hội lớn vào ngày mai, ngày mùng 2 Âm lịch, chứ đến mùng 3 chẳng còn gì mà hóng cả... Nhưng thôi đành, hội lần này không đi được còn có lần sau chứ mạng chỉ có một, không thể mạo hiểm mạng sống được.

- Nhớ lời chị dặn, cứ bình thản như không có chuyện gì là được, không thừa nhận điều gì, không biết điều gì. Điều gì liên quan đến bản thân, gia đình thì cứ nói vì đó là những điều họ đã có từ Xã Thần, em cũng có thể đay chặt* họ nhưng phải làm léo*, không ai đánh đập đâu mà sợ. Nếu có băng lăng* cũng là lẽ hằng*. Nếu họ có quá lạm* đánh doạ thì bà cô Tổ sẽ đỡ hộ, và quan trọng là chị cũng sẽ có cớ để ra tay chứ đêm nay chẳng làm gì được.

Bóng hình của chị Ma mờ dần, chỉ còn nền trời xanh nhạt phía sau, một vài ngôi sao sáng long lanh trong đêm.

---

117. Như có tiếng ai đó truyền gọi đến bên tai, tôi nhìn qua chấn song cửa thấy trời sáng rất rõ, khung cảnh như ban ngày mà sao ngoài sân nhà tôi lại như đang có mấy người với bộ dáng kỳ lạ, phải đến tiếng gọi tên lần thứ ba thì tôi mới mở cửa nhà nhưng vẫn đứng ở trong, chưa chịu bước ra ngoài hiên. Ngoài khoảnh sân đất gần cây ổi chả hiểu từ bao giờ có ba người xuất hiện, hai người bên tả hữu có đội mũ trụ và hộ tâm phiến trước ngực, nai nịt chỉnh tề, khuôn mặt như tượng gỗ chẳng có cảm xúc hay biểu hiện gì, trên tay mỗi người có cầm một ngọn giáo nhọn với mũi giáo sáng bóng và có thêm một ít dây đỏ buộc quanh, họ chống giáo xuống đất. Người thứ ba ăn mặc khác hẳn, ông ta đội một cái mũ vải có màu tối cao chừng 20cm, người đàn ông này không mặc giáp trụ mà mặc một bộ quần áo sáng màu với ống tay áo khá rộng, giống như tôi từng thấy vài lần ở đình làng khi các cụ làm lễ tế hoặc mỗi mùng Một đầu tháng Âm lịch. Điều tôi thắc mắc chính là người đàn ông thứ ba này đang ngồi trên một cái ghế gỗ có tựa lưng và trước mặt là một cái bàn gỗ màu nâu cánh gián, họ lấy bàn ghế ở đâu bê vào đặt giữa sân nhà tôi.



- Chả lẽ đây là quan sai đến để tra xét mình?

Tôi đứng nhìn ba người ấy, khoảng cách giữa tôi và họ áng chừng là 20m, họ nhìn tôi không nói gì và tôi cũng vậy, sau một hồi thì tôi khoanh tay trước ngực, nói gì thì nói tôi là chủ nhà tại sao vào đất nhà tôi mà tôi lại không biết? Trong đầu tôi thầm trách ông Thổ Địa nhà mình nhưng chỉ thoáng qua vậy thôi...

Tôi nhớ sau này có một lần khi về nơi ở mới và tôi ngủ xông nhà vào một đêm khoảng gần cuối năm, trước khi ở thì tôi cũng làm lễ trình báo đầy đủ rồi chứ không phải tuỳ hứng. Chừng qua nửa đêm khi tôi đặt mình nằm xuống định ngủ thì cứ nhắm mắt vào lại có nhiều tiếng bước chân chạy qua lại uỳnh uỳnh, ngồi lên dỏng tai nghe thì tuyệt nhiên xung quanh im phăng phắc, mọi thứ cứ diễn ra như thế làm tôi rất điên máu lầm bầm vài tiếng nhưng chẳng thấy thay đổi gì.

Tôi nằm ngủ trên một cái chiếu cói nhỏ, dưới gối là con dao rựa để phòng thân, tránh gặp những thứ không muốn gặp nhưng vấn đề là tôi chưa ngủ được, mắt cứ trong veo mặc dù cả ngày đã mệt mỏi, nộ khí xung thiên tôi bật đèn sáng lên và vác dao ra đứng giữa phòng khách, cầm con dao chỉ thẳng vào ban thờ Thổ Địa – Thần Tài và quát:

- Tôi nói cho ông biết nhé ông Thổ Địa đất này, ông phải bảo bọn nó im đi để tôi còn ngủ, nếu phá tôi thì ngày mai tôi vứt các ông vào thùng rác hôi thối còn cái đám đang trêu tôi kia thì tôi sẽ kêu người về đuổi đi. Ưng thì tôi thờ cúng, nghịch thì tôi đuổi hết!

Tôi chả biết có ai nghe thấy lời mình nói hay không nhưng sau đấy thì cả đêm tôi ngủ yên không một tiếng động. Nơi tôi ở nhà nào cũng từng bị trộm viếng thăm lấy cái nọ cái kia, nhà tôi ở bị thăm ba lần thì đều bị hàng xóm phát hiện phải leo lên cả mái nhà để bỏ chạy rơi cả dép, mấy chục người thanh niên cầm gậy gộc đuổi theo dưới đất lẫn trên những mái nhà, sau tên trộm ấy cùng đường nhảy xuống khu nhà cấp 4 mái tole bên cạnh, thủng cả mái tôn nhà người ta nhưng mà nó thoát, chả biết nó có tởn tới già hay không chứ tôi thì vừa đuổi theo vừa run vừa cười.

- Thằng bé kia, sao còn đứng đấy, mày dám đứng cao hơn cả quan trên hay sao?

Tôi không biết ai nói, chỉ biết âm thanh truyền đến bên tai mình, nhìn lại thì tôi cũng nhận ra rằng do nền nhà cao chừng 1m cho nên đúng là tôi đứng cao hơn mấy người lạ mặt đó thật.

- Các chú là ai sao lại vào nhà cháu làm gì đây ạ?

- Láo xược! Ai chú cháu với mày, mày có lại đây không hay để ta tới xách cổ mày tới?

- Các chú đến chơi mà cháu không mời như thế này là không được đâu! Bà cháu dạy rằng như vậy là vô phép vô thiên, là con nhà không có giáo dục ạ!

- Thằng nhỏ này quả nhiên hỗn láo, mày nói ai không có giáo dục? Ý mày muốn nói rằng ta đây không biết chữ, không biết lễ nghĩa hay sao?

Âm thanh truyền đến tai tôi chứa đầy tức giận, tôi chẳng quan tâm vì tôi đang ở nhà mình, nếu họ vào được nhà tôi thì đã vào rồi chứ cần gì phải ngồi ở kia.

- Đấy là các chú nói chứ cháu không có nói ạ! Mấy chú đến chơi lại mang cả bàn ghế tự tiện như chỗ đất hoang như này là không được rồi!

- Thằng này chưa biết sợ, để ta cho mày biết thế nào là thương cho roi cho vọt!

Người đàn ông đội mũ trụ bên phía trái cầm giáo chạy lại phía tôi, tôi cứ đứng chờ xem như nào nhưng ông ta chỉ mới chạy được vài bước thì nghe tiếng nói khác cất lên, chắc là của cái ông đội mũ vải kia.

- Không được làm càn, trẻ con dễ dạy.

Giọng nói này tuyệt nhiên khác hẳn, âm thanh không cao không thấp nhưng uy lực thấy rõ, quả nhiên đó hẳn là đại ca, là anh lớn của hai người đang đứng rồi! Mấy cái phim bộ tôi từng xem như cái phim ông Bao Thanh Thiên nhìn hoành tráng quá mà ba cái ông này tôi lại nhìn giống mấy người đi xem tử vi dạo kiếm cơm qua ngày, có lẽ thiếu một lá cờ màu trắng trắng nữa là đúng bài.

- Cháu bé, chúng ta đường đột nhưng cũng đã được phép để vào đây vì việc công, cháu không cần sợ lệ*, ta nhận được tiêu trình* và khẩu tiêu* nên hôm nay đến đây gặp cháu để tra thêm cho rõ một số việc liên quan đến miếu Thổ thần ở cánh đồng Quán Dê.

- Miếu gì ạ, thưa chú? – Tôi nói vọng ra.

- Láo! Ai là chú cháu của mày?

- Đừng chấp nhất trẻ nhỏ, tuổi tác thì nó cũng gọi ta là chú xem ra hợp lý, không sao... – nói đoạn thì người đàn ông mũ vải chìa tay như muốn mời tôi bước lại gần - Ta là Dương Tá Hành, Tri sư của phủ này.

Người có quyền cao chức trọng quả nhiên ăn nói khác hẳn, rất từ tốn và lịch thiệp, tôi thích kiểu như thế. Bản thân tôi cũng không muốn chọc điên mấy người này, giờ thì đã rõ mục đích của họ thì cứ như lời dặn thôi, trẻ con ngây thơ vô số tội và tôi tin mình sẽ diễn thật đạt vai một đứa trẻ trong sáng, ngây thơ, ngoan ngoãn… Nói chung là một đứa trẻ ngoan điểm 10. Tôi bước xuống thềm nhà, đi qua một đoạn sân đã lát gạch thì tới khoảng sân bằng đất nện, khi còn cách ba người kia chừng khoảng 3m thì tôi dừng lại và hơi cúi đầu chào, giống như kiểu chào khi gặp cô giáo tôi ở trường vậy.

- Quỳ xuống!

Một giọng nói khác vang bên tai tôi ra lệnh, chắc là của người đàn ông mũ trụ bên phía phải tôi bây giờ, kỳ lạ là nghe tiếng mà mặt ông ta vẫn không thay đổi nét, y chang như tượng gỗ vậy.

- Tại sao cháu phải quỳ ạ? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

- Đứng trước mặt quan Thượng ti* thì phải quỳ, không nói nhiều!

- Không được đâu ạ! Cô giáo dạy văn của cháu nói đã là con trai thì chỉ được quỳ gối trước ban thờ gia tiên, trước ông bà và bố mẹ của mình thôi vì đầu gối của con trai được làm bằng thuỷ tinh đấy chú ạ, chú có biết không? – nói đoạn tôi nhìn ông quan Dương Tá Hành – Nếu chú đây là người thân thích đã mất của cháu thì cháu quỳ cũng được ạ nhưng chú ấy lại họ Dương, tiếc quá!

- Thằng này quả lẻo mép, xin quan để tôi vụt vào chân cho nó quỳ xuống.

Ông quan Dương Tá Hành không đáp, lập tức người đàn ông bên phía tay phải tôi bước tới, giơ cao ngọn giáo có ý muốn vụt vào chân tôi, mặt tôi thản nhiên như không, tôi chẳng phải là đứa gan dạ nhưng khi đã được người thân thuộc khuất mặt dặn dò thì cứ làm theo khắc có kết quả tốt.

- Ta nói lần cuối, mày không quỳ xuống thì ta vụt gãy chân, từ mai phải bò lết.

- Ba người lớn bao gồm có cả ông quan chức cao mà bắt nạt một đứa trẻ con miệng còn hôi sữa, cháu nghĩ nếu cháu bị gãy chân thì chuyện này nhất định cháu phải kể ra ngoài, phải đi kêu oan đấy! Cháu biết cách kêu oan đấy chú ạ!

“RẦM”! Ông quan mũ vải đập bàn làm tôi giật nảy mình, ông ấy chỉ tay vào mặt tôi và quát.

- Hỗn láo! Là anh nhi* mà miệng mồm đại đãm*, vả vào miệng nó cho ta!

- Quan Thượng ti chắc là quan lớn mà quan lớn chắc chắn phải có học, cô giáo dạy Lịch sử của cháu dạy như vậy mà sao cháu chả tin lắm... Nay thì thấy mình không tin là phải rồi vì quan chả ra quan, lính chả ra lính! Ban đầu thì ngọt nhạt bảo mời ra hỏi chuyện, chưa thấy hỏi chuyện thì đã bắt quỳ doạ đánh, thôi để cháu gọi ông Thổ Địa ra đuổi các chú về, cháu không thích gặp mấy người thất phu!

- Thằng… thằng…!

Cả ba người đều chỉ tay vào mặt tôi, dáng vẻ tôi đoán chừng là cực kỳ giận dữ, chả sao! Đánh tôi thì tôi sẽ có người đỡ cho, rồi chị Ma sẽ xuất hiện và tiễn các ông ấy về đâu ấy nhỉ?! À chắc là chết, đại khái là như vậy... Nghĩ như thế bất giác tôi nhoẻn miệng cười. Nụ cười vô tình này lại khiến ba người lớn kia chột dạ, tôi cho rằng như thế, họ làm quan và sai nha đi cùng nhau, vong hồn gặp họ là đã co rúm nên họ đã quen, nay chắc do tôi cứng đầu nên cũng ngại. Kể ra thì cũng đúng thôi... Tôi đã được mách nước chứ không thì giờ này quần phải thay mấy cái rồi.

- Quả nhiên thằng bé này hẳn là có ỷ thị* nên rất bình dạn gan*, thôi được ta sẽ không làm khó nhà ngươi! – ông quan mũ vải ngồi xuống ghế rất thản nhiên giống như chưa từng nổi giận bao giờ - Nghe ta hỏi đây, trong nhà ngươi ai là bà cô Tổ?

- Bà cô Tổ là bà cô Tổ ạ!

- Tên là gì?

- Cháu không biết, bà cháu bảo do sợ phạm huý nên không còn biết tên thật, chỉ biết tên hiệu là T.H ạ!

Ông quan làm bộ ghi chép bằng bút lông lên một tờ giấy giống như giấy dó* ở trước mặt, tôi chẳng hiểu mấy thứ ấy hiện ra từ bao giờ, đúng là kỳ dị.

- Vậy người con gái đã chống lại quan binh có phải là bà cô Tổ của nhà ngươi hay không?

- Người con gái nào ạ?

- Mặc áo đỏ và có kiếm, đã hạ sát hồn vía của ít nhất 4 binh lính.

- Dạ chị đấy cháu không biết, cháu nghe nói là chị trong dân gian hay chị xã hội gì đó ạ!

- Dân gian?! – ông quan khẽ cười mỉa mai – Dân gian chả liên quan gì tại sao lại bảo vệ nhà ngươi?

- Bà cháu bảo là cứ sống tích đức, làm việc tốt nhiều là sẽ có người giúp đỡ nên cháu cũng làm nhiều việc tốt rồi, có thể là vì thế nên chị ấy giúp cháu.

- Tên cô ta là gì?

- Tên là Chị ạ!

- Tên là Chị? Sao lại tên kỳ lạ như vậy?

- Cháu không biết, vì chị ấy xưng là chị nên cháu nghĩ chị ấy tên là Chị ạ!

- Ai xui ngươi đốt miếu phá đền?

- Dạ, miếu nào ạ?

- Miếu đất Xã Thần ở cánh đồng Quán Dê.

- Làng cháu không có cánh đồng nào như thế, nhà cháu cũng không làm ruộng nên cháu không biết, bố cháu làm nghề Giám đốc, mẹ cháu làm nghề Tiểu thương.

- Giám đốc là nghề gì?



- Là nghề Giám đốc ạ, chú lớn thế mà không biết ạ?

- Ta chỉ hỏi để xác nhận vậy thôi. Có người đã tiêu trình* rằng đã thấy ngươi đốt miếu đất.

- Cháu không có đốt! Cháu không biết miếu ở đâu thì làm sao mà đốt cho được?!

- Giờ Ngọ ngày hôm qua ngươi đã ở đâu, làm gì?

- Cháu tính đi ăn cỗ hội làng Đường Vĩ thôn nhưng nửa đường nhớ ra là con chó Mực nhà cháu chưa được ăn nên cháu quay về ăn cơm cùng với nó.

- Vô lý, được mời đi ăn cỗ sao nửa đường lại quay về ăn cơm với chó? Ngươi có thấy điều này là vô lý không?

- Thế thì chú không biết rồi, bố cháu nhiều tiền, nhà cháu cũng giàu nữa cho nên quanh năm suốt tháng ăn cơm ngon canh ngọt, cỗ bàn thì có gì đặc biệt đâu?!

- Ngọc Hoa Công chúa là gì của ngươi?

- Công chúa nào ạ?

- Ngọc Hoa Công chúa!

- Nhà cháu mấy đời làm địa chủ, có phải vua chúa gì đâu mà có Công chúa ạ?! Cháu chẳng biết ai tên như vậy.

- Người phụ nữ áo đỏ chính là Ngọc Hoa Công chúa! – ông quan vừa nói vừa nhìn tôi ánh mắt như muốn nhìn thấu tâm can – Người mà ngươi bảo tên là Chị chính là Ngọc Hoa Công chúa.

- Làm gì có... chị ấy tên là Chị mà! Cháu gặp mỗi hai ba lần thì đúng là mặc quần áo màu đỏ nhưng không phải là Công chúa đâu! Chắc chú nhầm rồi!

- Nhầm?! Ta nhầm? – ông quan cười – Cũng có thể... Có phải ngươi được xúi phá miếu hay không?

- Miếu ở đâu ạ? Làng cháu có nhiều miếu, nhà bà ngoại cháu cũng có, lần nào lên đấy cháu cũng mua bánh trái và thắp hương. Bà cháu dặn là đền thờ, miếu mạo thì đi qua phải cung kính, phá miếu là bị hộc máu chết tươi tại chỗ chú ạ, sao cháu dám!

Ông quan mũ vải Dương Tá Hành gật gù ra vẻ hiểu biết, ông ta ghi chép tiếp, tôi có thấy vài chữ nhưng toàn là chữ Tàu, chịu... Tôi chẳng biết.

- Có người tố ngươi đốt miếu, đập bát hương thậm chí đái lênh láng khắp miếu, ngươi nghĩ sao về việc này?

- Cháu không biết ạ!

- Ngươi có sẵn lòng gặp đối chứng hay không?

- Dạ được ạ! Cháu có làm gì đâu mà cháu sợ?!... Nhưng mà chú! Nếu người nào đó tố cáo sai sự thật thì sao ạ? Hay do cháu sống tốt bụng nên người ta ganh ghét, tị hiềm với cháu nhỉ?

- Nếu tố sai sự thật thì khắc sẽ có tội danh phù hợp, ngươi không phải lo việc ấy. Trong nhà ngươi ai là bà cô Tổ?

- Bà cô Tổ ạ!

- Ta hỏi là ai là bà cô Tổ của ngươi, ta cần cái tên.

- Cháu chỉ biết tên là T.H.

- Đó không phải là tên huý, ta muốn biết tên huý!

- Cháu không biết!

- Ngươi đã dùng dầu hoả để đốt miếu phải không?

- Dầu hoả bà cháu dùng để đốt đèn dầu cho tiết kiệm, bà cháu tiết kiệm lắm!

- Sao ban nãy ngươi nói nhà ngươi giàu có mà bà ngươi lại tiết kiệm, ngươi nói dối đúng chứ?

- Bố cháu giàu chứ bà cháu không giàu, bà cháu có làm gì ra tiền đâu?! Với cháu nghĩ giàu có và tiết kiệm thì không có gì sai. Cụ cháu hồi xưa đi bán bánh rán mà trở nên giàu có đấy, chắc phải tiết kiệm nhiều năm với giàu được, chú… chú có tiết kiệm không?

- Ngươi đã dùng vải xô trắng làm dây dẫn để đốt miếu, cái vải xô này chuyên dùng để gói đậu phụ và làng này thì chính là làng nghề đậu phụ, ngươi có gì để chối hay không?

- Cháu thấy ở bên Yên Ngô thôn người lớn hay đi hót phân trâu để về làm phân bón ruộng, làng cháu cũng có mấy người chịu khó đi hót phân trâu như vậy nhưng lại chẳng phải người Yên Ngô thôn, chú xem có tài không?

- Ta đang hỏi ngươi, cháu bé, ngươi đã dùng cái khăn chuyên gói đậu của làng nhà ngươi để đốt miếu, miếng khăn đó cháy không hết nên chắc chắn là do ngươi đốt!

- Chú quan, chú có biết dấu vân tay không?

- Ta biết!

- Cháu đọc báo nhiều và được biết rằng dấu vân tay mỗi người là khác nhau nên chú chỉ cần kiểm tra trên cái khăn đó có dấu vân tay của cháu hay không là biết rồi, chối làm sao được?

- Có chuyện đó nữa sao?

- Các chú làm quan mà không đọc báo ạ?

Tôi thấy ba người đàn ông nhìn nhau rồi ông quan lại hỏi tôi tiếp.

- Miếng vải đó đích thị là của ngươi, nhà ngươi cũng có làm đậu phụ đúng không?

- Cả làng cháu nhà ai chẳng làm, còn khăn để gói đậu thì cháu thấy phải mua ở dưới làng Bưởi Nồi đấy, dĩ nhiên làng cháu cũng có người bán.

- Nhưng người tiêu trình* nói rằng thấy ngươi dùng vải đó làm mồi lửa.

- Thế thì cứ đối chất, cháu có sợ gì đâu, không làm không việc gì phải sợ, cháu cũng muốn gặp người nào đã đổ vấy cho cháu, nhất định cháu sẽ nhờ mấy ông cụ trong làng biết chữ Tàu viết sớ để đi kiện người ta vì tội vu oan giá hoạ, cháu sẽ kiện luôn cả những người ăn của đút lót làm càn!

- Ngươi ám chỉ ai?

- Cháu không ám chỉ ai, do hôm trước có cái chú gì kia cháu nghe lỏm người lớn nói chuyện là đã nhận của hối lộ đấy! Cái chú gì tên là Bách Hộ ấy ạ! Cháu không ngờ làm quan mà lại xằng bậy như thế, kỳ này sẽ tù mọt gông. À, chú có quen cái chú ấy không?

- Ta không, ta chả quen biết ai!

- Thôi chết rồi! Có khi nào cái chú ấy đổ vạ cho cháu không?! Chết rồi! Thế này ngay ngày mai cháu phải làm đơn kiện để kể lại sự việc không thì người xấu sẽ vu cho cháu, cháu thấp cổ bé họng như này dễ bị oan lắm! – tôi tỏ ra sợ hãi – Cháu sẽ kiện, chỉ vì một cái khăn, mà cả làng cháu dùng, ai đó có ý xấu đã vu vạ thành của cháu thế này thì chết mất thôi!!!

- Chuyện đâu còn có đó, ta có đủ thứ mình cần rồi, nếu cần đối chứng ta sẽ cho mời nhà ngươi, bà cô Tổ ngươi sẽ có trách nhiệm dẫn ngươi đi.

Ông quan mũ vải Dương Tá Hành đứng lên, bàn ghế lập tức biến mất, đúng là thần thông quảng đại, tôi trố mắt nhìn.

- Ngươi là một đứa trẻ lẻo mép, lanh lợi! – Ông quan nhìn tôi nheo nheo mắt – Bằng chứng thì ta không có nhưng qua thái độ của ngươi đối đáp thì ta khẳng định rằng ngươi không phải là một đứa bé đơn giản, ta chỉ không hiểu bằng cách nào mà ngươi đã phá được kết giới và đốt miếu rồi sau đó quan binh gần trăm hồn đều bị giữ lại làng này.

Tôi không đáp mà nhìn ông quan, ông ta nhếch miệng cười rồi quay lưng bước đi vài bước cả ba người đều tan biến, ngay lập tức không gian xung quanh tối trở lại.

Tôi giật mình mở mắt ra, vẫn cảm thấy tim mình đập mạnh.

Đồng hồ chỉ 3g30 sáng, mới qua rạng sáng ngày mùng 2.

- Quan binh làm việc nhanh quá chứ! - Tôi uống hết một cốc nước vối rồi chép miệng – Quả nhiên chị Ma dự liệu đúng.

---

***