Xuyên Về Làm Tấm

Chương 8: Nhà vua



Tấm nghe ngóng tiếng cười nói, tiếng tung hô đến lúc mệt quá thiếp đi. Chẳng biết qua bao lâu, tiếng chân sầm sập chạy vào làm Tấm choàng tỉnh. Dì lao vào như một cơn gió lốc, nước mắt nước mũi giàn rụa, quần áo xốc xếch, chẳng còn vẻ gì là vừa mới đi hội về:

- Giời ơi, giờ còn ngủ được à - Bà lao vào Tấm vừa lay vừa dúi - Con ơi đại nạn rồi, đại nạn rồi...

- Dì nói xem như thế nào? - Tấm đỡ lấy lưng bà ngó ra ngoài sân - Cám đâu rồi? Sao Dì về có một mình?

- Con Cám đắc tội với người ta rồi, quý nhân đấy - Bà vật vờ ngồi phịch xuống đất, bắt đầu bứt tóc gào khóc - Giời ơi sao tôi khổ thế này, con gái tôi, Cám ơi...

- Con Cám bị quan giải đi rồi Tấm ạ - Bà Hoa chủ nhà ngồi xuống giúp Tấm đỡ người - Nó chẳng hiểu sao bị người ta xô đẩy ngã vào xa giá của vợ vua bị lôi đi rồi. Cũng không biết là đi đâu, nghe nói là giải vào nhà lao Huyện đấy - Bà tặc lưỡi - Tội nghiệp, còn trẻ thế mà...

Bà Hoa không cần nói hết câu, Tấm cũng có thể tưởng tượng nhà lao có bao nhiêu khủng khiếp. Chỗ ấy không dành cho người ở, huống chi một cô thiếu nữ như Cám. 

Tấm vùng dậy, chỉ kịp bảo ''Bà trông giúp Dì con'' rồi chạy thục mạng.

Cô không muốn Cám lăp lại tình cảnh của mình, không muốn một đóa hoa xuân sắc như thế bị vùi dập dưới gót lũ quan quyền thối nát. Cô phải đi xin cho Cám. Cô nhớ ra cá Bống, nhớ ra người tóc bạc đã dặn cô rằng nó tượng trưng cho một nguyện vọng. Cô muốn cứu em. Dẫu cô phải gặp lại con người trơ tráo đó, dẫu cô phải đi vào con đường đó. 

Đường về nhà quá ngắn, Tấm chạy chả mấy đã về đến. Lật ra góc giường, nắm con cá gỗ trong tay, Tấm lại chạy tiếp không ngơi nghỉ. Cô chỉ sợ khi dừng lại cô sẽ không nhấc chân nổi nữa. Cô nào muốn là anh hùng, cô chỉ muốn bảo vệ người thân của mình.

Tấm đến được lễ hội thì đã gần tàn. Mặc kệ sự việc xảy ra, trai thanh gái lịch bà con dân làng vẫn vui chơi như phải thế. Cô chạy nhanh quá làm rớt cả một bên hài trên đường đi. Tấm không dừng lại vẫn cứ chạy tiếp. Sỏi nghiến chân cô đau đớn, con cá gỗ trong tay đâm mạnh vào từng thớ thịt, tất cả nhắc nhở cô con đường không thể quay về.

Cứ như vậy đi, cùng lắm là chết - Tấm nghĩ - Chết rồi có thể về với thế kỷ 21, với cha mẹ thật sự, với những con người biết nói lý. Tấm không muốn băn khoăn nữa, đã quá khổ rồi, cô hết chịu nổi rồi.

Tấm túm một lính canh, câu được câu chăng phân trần. Anh lính nhìn cô lom lom, có lẽ cũng là dân làng, cảm thương cho tình cảnh của mấy mẹ con liền tặc lưỡi dẫn cô đi. Cửa quan đâu dễ vào, Cám lại vướng phải tội lớn như thế, còn được giải vào nhà lao đã là tránh việc xấu cho ngày lễ rồi.

Đứng trước cửa Huyện nha, anh lính còn khuyên Tấm mấy lần, thấy Tấm kiên quyết quá liền kệ cô đứng đó. 

Tấm lấy hết can đảm của người hiện đại đi lại gần, chìa cá gỗ trong tay trình bày với mấy tầng người mới được cho phép vào gặp Tri huyện. 

Phủ Huyện không tính là lớn, không quá xa hoa, so với nhà dân thật là uy nghi bề thế, nhưng với một người hiện đại như Tấm, đã từng du lịch thăm thú các cố đô từ Bắc vào Nam thì chẳng có mấy sức lay động. 

Tấm bình tĩnh đứng đó, cố giữ hơi thở đều đặn chờ đợi. Đầu cô tưởng tượng ra những ông quan béo tốt, râu cá trê, vẻ mặt sáng bóng vẻ hưởng thụ. Nhưng đi ra lại là người khác.

- Cô nương, hạnh ngộ - Giọng nói nhu âm như của đàn bà đã ăn sâu vào trí nhớ làm người Tấm bất giác run lên không thể tự kiềm chế. Tấm rèm lay động rồi lộ rõ hình dáng của người đàn ông tóc trắng cầm phất trần. Ông ta mỉm cười nhìn cô rất lạ, tay còn lại rảnh rỗi chợt vươn ra.

Một bàn tay với những ngón thon dài chắc chắn khẽ đặt lên. Phía dưới góc rèm lộ ra đôi giầy màu đen viền vàng, góc áo dài đen thêu hoa văn rồng cưỡi mây. 

Cổ Tấm cứng nhắc, cô không thế điều khiển nổi mình nữa. Lý trí thét lên bảo cô cúi đầu xuống nguy hiểm, nhưng thân thể cô bất tuân. Cô chết lặng nhìn người đàn ông hiện ra từ góc ấy, hình dáng cao lớn, mão chuồn màu vàng, bên dưới vành mũ là một cặp mắt tràn đầy uy lực với cặp lông mày rậm rạp xếch về tóc mai. Người ấy mím đôi môi mỏng, cất giọng âm trầm:

- Gặp lại nàng rồi!