Xuyên Về Làm Tấm

Chương 30: Trắng, đen



Qua buổi đó, Tấm không còn phải đứng hầu tại điện cần Chính thêm lần nào nữa. Vua có rất nhiều phi tần, nếu để các bà lần lượt xếp hàng chờ đến lượt hầu hạ cũng phải mất đến vài năm mới quay về được người đầu tiên. Tất nhiên, không kể những nàng có phẩm giai quá thấp, sẽ không được để vào danh sách này.

Bù lại, Tấm lại gần như ngày nào cũng báo danh tại Thái y viện. Từ buổi thảo luận trên triều, các thái y tỏ thái độ kính cẩn hơn hẳn, thi thoảng sẽ hỏi cô những vấn đề mà cô đã đưa ra.

Tấm cảm khái, thời kỳ này các thái y cũng thật tân tiến, không có cái vẻ bảo thủ phun râu phì phì, gân cổ phản bác cái mới. Nếu họ không tin, sẽ vặn hỏi đến cùng, không nhượng bộ, nhưng nếu đã vỡ lẽ, được chứng thực, họ sẽ sảng khoái công nhận mà không đắn đo. 

Tấm thật thích tính tình này, cũng thật lo âu, vì mớ kiến thức vụn vặt của cô đã muốn cạn kiệt rồi.

Tranh luận lớn nhất là quanh vấn đề có bù nước hay không ? Rất nhiều thái y và các thầy thuốc dân gian thời này đều cho rằng, khi mắc tiêu chảy và tả, người bệnh nên kiêng uống nước, kiêng ăn đồ nhiều dưỡng chất, và uống chất chát để làm ngưng việc đi ngoài. Tấm kiên trì giải thích, họ cũng nghe, nhưng chưa tin, vì thế Tấm xin chọn một nhóm người bệnh đã bị cách ly gần kinh thành cho áp dụng theo phương pháp chữa bệnh bù nước đã pha thêm muối đường, ăn uống vệ sinh, nhiều dinh dưỡng và không vội vàng cầm tiêu chảy. 

Đây thực ra là một cuộc đua giữa việc tháo nước ra và bù nước vào cơ thể. Qua một tuần, đã đạt được kết quả khả quan, người bệnh sau khi thải độc ruột dần cầm đi ngoài, cơ thể được bù nước và dinh dưỡng đầy đủ đã có sức chống lại bệnh tật. Từ số 20 người bị bệnh, trị khỏi được 17 ,  người chết đều là là trẻ nhỏ và người già, hệ miễn dịch yếu ớt. Đây đã là kết quả tốt nhất, vì với phương pháp chữa trị cổ truyền thường chỉ chưa đến 5 người trong số đó có thể may mắn sống sót. 

Công nhận kết quả chữa trị, thái y viện nhân ra rộng rãi phương pháp của Tấm trong dân. Người dân được triều đình lo cho cái ăn, lại lo trị bệnh, cảm kích không thôi cứ hướng về Tử cấm thành quỳ lạy. Tấm được xưng tụng là phật bà hiện thế, một số người không hiểu vô tâm hay có tâm, lan truyền giai thoại nhặt giày xưa kia,  xây dựng kỳ tích sống lại của Tấm thành một câu chuyện vô cùng ly kỳ, có vài chi tiết tương đồng với chuyện Tấm Cám thời hiện đại. 

Tấm tại điện Thuận Hy nghe mấy cung nga mặt mày hớn hở thuật lại có bao nhiêu bất đắc dĩ. Sự thật đôi khi bị dìm chết bởi miệng đời, người ta bảo chết đuối trong nước bọt cũng quả không nói ngoa. Cô chỉ mong là Cám sẽ không vì truyện này mà sinh xa cách với chị.

Câu chuyện đồn đại chưa được lâu, Tấm bỗng thấy các cung nga lại mang vẻ mặt khang khác. Họ thường lẻn túm năm tụm ba thì thầm to nhỏ, khi Tấm vô tình trông thấy, sẽ nhìn cô bằng ánh mắt khó hiểu, đầy vẻ sợ sệt, có nàng còn tái mặt rõ ràng. Tấm không hiểu cơ sự, cũng không thể tìm hiểu thêm từ ai khác, vẫn mang tiếng thất sủng, ngoài cung nga trong điện và Cám ra, cô chẳng có mấy đối tượng nói chuyện riêng. Đến khi Cám đích thân chạy đến tìm chị sau mấy ngày hờn dỗi đóng cửa thì Tấm mới vỡ lẽ.

- Em mà biết đứa nào bịa chuyện đầu tiên, em khoét mắt nó ra – Cám độc địa nói, khuôn mặt căm căm lại khiến Tấm tức cười.

- Em để ý chuyện đó sao, chị à, ai tốt chị đều biết trong lòng, không suy nghĩ này nọ cho đau đầu.

Tấm nói lời này, cũng là kín đáo dạy Cám. Cám vốn sôi nổi, thẳng tính, có thể hình dung là “ruột để ngoài da”. Tấm chỉ lo em bị thua thiệt, đã nhiều lần nói lý với Cám, nhưng cô em gái này nhiều lúc quả thật là vô cùng khó bảo.

- Nhưng chị bảo hoàng thượng, rồi trong cung, cả dân chúng nữa, nếu họ nghe rồi tin theo  thì phải làm sao? Em từng nghe mẹ kể, có người đàn bà bị vu là phù thủy, bị dân cạo đầu cho vào lồng heo dìm chết đấy – Nói xong đôi mắt mất cự ly của Cám nhắm tịt lại, chắc vì hình dung ra cảnh tượng đáng sợ.

- Chẳng sao đâu em, chị là người thế nào, người có lòng sẽ hiểu, sao phải để ý mấy lời bịa đặt.

Lời này là Tấm an ủi Cám, cũng là tự trấn an bản thân. Chứ hậu cung là nơi ra sao, Tử cấm thành lại là chốn thế nào, có thể dung chút vẩn này hay không cô còn không dám chắc.

Ngày hôm sau, trong buổi chầu sáng, Tả Hữu Đô sát viện phó đô ngự sử và Cáo thụ Trung phụng đại phu cùng bắt tay dâng tấu, ngụ ý là, từ xưa thế nước lũ mạnh thường về mùa Thu, năm nay lại bất thường dâng lũ gây vỡ đê, hại chết bao người dân vô tội giữa mùa hè nóng bức, hẳn là có điềm xấu gì! Hay là do quái khí nặng nề, tàn phá long mạch. Lại nghe có chuyện yêu ma, quỷ quái đội mồ sống dậy, thâm nhập, càn quét hậu cung, gây cái chết bất thường cho Hiền phi, làm triều đình sóng gió không yên. 

Vua nghe xong, quăng bản tấu trúng mặt Phó đô ngự sử quát lớn:

- Phải chăng ý khanh là trẫm ngày ngày đều ngủ với yêu ma, quỷ quái...

- Muôn tâu hoàng thượng, thần không có ý đó, trước nay yêu ma, quỷ quái thường khoác lên cái vỏ đẹp đẽ, mị hoặc lòng người. Từ xưa đã có bao dẫn chứng như Đát Kỷ, Bao tự...

Nói rồi ngự sử can trường ngẩng cao đầu, nước bọt phun như mưa, kể ra những câu chuyện từ cổ chí kim, lại dẫn những chứng cứ đầy sức thuyết phục về loạn hậu cung các triều đại trước, đầy vẻ căm phẫn, chính trực tựa như đã sẵn sàng sống chết để đối đầu, tiêu diệt. 

Vua nhíu mi buồn chán, quay sang Cần chính điện đại học sỹ đang đứng nghiêm trang lắng nghe:

- Cần chính điện đại học sỹ, khanh thấy thế nào?

- Muôn tâu hoàng thượng, Những điều phó đô ngự sử nói cũng đều là sự thật, không phải bịa đặt, thiên tai hay do thế lực yêu quỷ hoành hành, mà việc Hiền phi chết không rõ nguyên nhân cũng làm hậu cung lo lắng không yên, thần trộm nghĩ nhân dịp này làm một cuộc tra xét cũng không phải là không thể. Có thể an lòng người mới là quan trọng.

Cần chính điện đại học sỹ, tuổi tầm ngũ tuần, vẫn mang dáng dấp thẳng tắp như bút kiên định đứng, chục vị quan phía sau cũng nối đứng đằng sau, ào lên hô lớn theo "Kính xin hoàng thượng tra xét" như sóng dậy.

Vua lạnh nhạt thu tất cả vào mắt, hừ nhẹ trong lòng "Thật nghĩ trẫm là bù nhìn mặc sức bày bố sao! Lại hòng lấy đông ép buộc, lấy vải bọc kim, đổi trắng thay đen"